Bài văn phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích "Ra-ma buộc tội" số 4
Đoạn trích “Ra-ma buộc tội” trong sử thi Ấn Độ “Ra-ma-ya-na” là một đoạn trích hay và đặc sắc cho ta hiểu được những quan niệm của người Ấn Độ về mẫu hình người anh hùng, vị vua mẫu mực, đồng thời thể hiện quan niệm về người phụ nữ lí tưởng qua nhân vật Xi-ta. Xi-ta là một người vợ đức hạnh, chung thủy một lòng với Ra-ma và rất có bản lĩnh bảo vệ cho những phẩm chất, đức hạnh của mình.
Xi-ta là vợ của Ra-ma, Khi Ra-ma đi lưu đày vào rừng, nàng cùng em trai của Ra-ma tình nguyện đi theo, khi thời hạn lưu đày sắp hết thì Xi-ta bị quỷ Ra-va-na bắt cóc về đảo Lan-ka. Ra-ma sau khi được vua khỉ Xu-gri-va giúp đỡ và lấy lại được vương quốc đã vượt biển tấn công đảo Lan-ka cứu Xi-ta, thế nhưng sau khi đã cứu được nàng Ra-ma lại nghi ngờ Xi-ta không còn trọn vẹn danh tiết sau những ngày tháng trong tay quỷ Ra-va-na nên đã buộc tội và tuyên bố từ bỏ nàng vì danh dự. Ban đầu Xi-ta vô cùng hạnh phúc khi được Ra-ma cứu khỏi tay quỷ, đó là niềm hạnh phúc của một người vợ được đoàn tụ với chồng và gia đình của mình.
Thế nhưng khi Xi-ta nghe những lời buộc tội, ruồng rẫy của Ra-ma nàng đã”đau đớn đến nghẹt thở, như một cây dây leo bị vòi voi quật nát…”. Nàng ngạc nhiên vô cùng, không nghĩ rằng với tình yêu, sự hy sinh hết lòng và chung thủy với chàng mà chàng lại đem suy nghĩ thấp hèn ấy chửi rủa nàng như một con mụ thấp hèn. Khi ấy bằng sự thông minh và khéo léo và cả sự tổn thương danh dự, nhân phẩm của mình nàng đã dùng hết lời lẽ thiết tha, dịu dàng và thấu tình đạt lí để bày tỏ, thanh minh cho sự trong sạch, chung thủy của mình. “Thiếp còn gì là thanh danh, nếu như chàng vẫn chưa hiểu được thiếp qua tình yêu của thiếp và qua tiếp xúc với tâm hồn của thiếp”. Nàng khẳng định rõ, tư cách của nàng là khác biệt và cách xa với những phụ nữ tầm thường, thấp kém, nàng phân biệt cho Ra-ma hiểu rõ cái phải tùy thuộc vào số mệnh và cái nàng có thể làm chủ đó là “cái thân thiếp đây” và “trái tim thiếp đây”.
Ra-ma trách nàng đã để người khác xâm phạm đến thân thể, nhưng Xi-ta cho rằng đó là do số mệnh nàng không thể chống lại nhưng trái tim nàng nằm trong tầm kiểm soát của nàng thì vẫn luôn chung thủy, một lòng hướng về Ra-ma. Nàng khẳng định lòng thủy chung của mình và tình yêu, nếu như biết trước Ra-ma sẽ từ bỏ mình sau khi cứu về thì nàng đã “kết liễu đời mình ngay trước mặt chàng Va-na-ra đó rồi”, khi biết Ra-ma nghĩ về mình như một người tầm thường, nàng cảm thấy lòng trung thành và tình yêu của nàng đã hoàn toàn vô ích. Sự thất vọng tràn trề trong lòng nàng, chẳng còn lời lẽ nào để có thể lay đổi suy nghĩ của Ra-ma về nàng, nàng cũng không còn gì để nói, nàng chọn cái chết để chứng minh cho danh tiết của mình. Nàng sai Lắc-la-ma chuẩn bị giàn lửa, nàng không hề đắn đo, lo lắng hay sợ sệt, cũng không cần cầu cứu ai thanh minh cho mình, nàng để cho thần lửa A-nhi minh giám “Nếu con trước sau một lòng một dạ với Ra-ma… xin thần A-nhi phù hộ cho con”. Nàng dũng cảm bước vào ngọn lửa vì nàng tin sự trong trắng, trinh tiết của một người đức hạnh như mình sẽ cảm thấu đến các vị thần và thần lửa đã không xâm phạm đến nàng, trong ngọn lửa trang tuyệt thế giai nhân ấy càng tỏa sáng và rực rỡ hơn.
Hình tượng nàng Xi-ta đã không chỉ là mẫu hình người phụ nữ lí tưởng của Ấn Độ nói riêng mà còn là mẫu hình chung cho toàn phụ nữ trong xã hội. Đoạn trích “Ra-ma buộc tội” đã làm nổi bật lên những phẩm chất đức hạnh tốt đẹp của nàng, một người vợ thủy chung son sắt, người phụ nữ bản lĩnh, rất đáng khâm phục.