Bài văn phân tích tác phẩm "Chí khí anh hùng" số 8
Hội ngộ – rồi chia li đó là hai mặt của một quá trình. Nó là qui luật tự nhiên trong đời sống con người và cũng như là qui luật tình cảm riêng tư khó nói thành lời. Chẳng thế mà chia li đã trở thành thỉ tài, là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thơ, nhà văn đi vào khai thác sao. Từ trong câu ca dao quen thuộc: Vầng trăng ai xẻ làm đôi; Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng đến vầng trăng ai xẻ làm đôi; Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường (Truyện Kiều – Nguyễn Du) và ngay cả Cuộc chia li màu đỏ (Nguyễn Mĩ). Ta vẫn bắt gặp những giọt nước long lanh, nóng bỏng, sáng ngời của kẻ ở – người đi. Nhưng có một cuộc chia li làm bạn đọc ấn tượng bởi Chí khí anh hùng, tràn đầy niềm tin lạc quan, tươi sáng chứ không như:
Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong, thu đã nhuộm màu quan san.
Đó là cuộc chia li của Từ Hải với Thuý Kiều để lên đường đi khởi nghĩa. Đoạn Chí khí anh hùng (Trích Thuý Kiều) thuộc phần gia biến và lưu lạc trên đoạn trường mười lăm năm. Rơi vào lầu xanh lần thứ hai, Thuý Kiều được gặp Từ Hải, người anh hùng rồi đây sẽ cứu vớt nàng ra khỏi cuộc đời thanh lâu đau khổ. Người mà đại diện cho lí tưởng, đạo lí công bằng mà Nguyễn Du gửi gắm khi xây dựng trong tác phẩm. Người mà Nguyễn Du bộc lộ tư tưởng, tình cảm, khối mâu thuẫn khó giải quyết bằng lời của tác giả.
Sau cuộc gặp gỡ đặc biệt, trong hoàn cảnh cũng rất đặc biệt, Thuý Kiều – Từ Hải đã tìm thấy sự hoà hợp về tâm hồn của nhau, ở họ vừa có sự thấu hiểu chân thành vừa có sự đồng cảm cho nhau. Hai khoảng trống về tâm hồn đã được lấp đầy, san sẻ cho nhau bằng tình yêu. Sự tương xứng ấy tạo nên một kết thúc có hậu của miền cổ tích khi:
Trai anh hùng gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng.
Trước khi đi vào tìm hiểu đoạn trích, ta hãy hiểu xem con người này cps gì đặc biệt mà Nguyễn Du giành nhiều ưu đãi khi xây dựng Từ Hảỉ là người anh hùng lí tưởng. Một ngựa, một gươm – Từ Hải đã vung lên lưỡi gươm công lí cứu vớt những con người khốn khổ, và chắp .cánh cho ước mơ hoài bão của họ bay cao, bay xa mãi. Sự xuất hiện một nhân vật mới trên chặng đường số phận của Thuý Kiều lần này mang một ý nghĩa giá trị nghệ thuật đặc biệt. Hình tượng Từ Hải không chỉ phản ánh một quan niệm mới mẻ, tự do về quan hệ luyến ái nam nữ:
Một đời được mấy anh hùng
Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi
Chính là lời nói giản dị, chân thành, trân trọng Thuý Kiều của Từ Hải đã là lời tỏ tình tế nhị kín đáo mà phá vỡ khoảng cách vốn rất dễ xuất hiện giữa nhân vật anh hùng với con người bình thường như Kiều. Có thể nói rằng Nguyễn Du thật có biệt tài xây dựng, khắc hoá tính cách từng nhân vật một cách đậm nét là rõ ràng. Đặc biệt là nhân vật Từ Hải. Hơn bất cứ những hình tượng nào khác trong tác phẩm, Từ Hải phản ánh khát vọng tự do một khuynh hướng tự do không chỉ vượt khỏi lễ giáo, đạo đức chính thống mà còn là một người nổi loạn đối lập với trật tự chính trị phong kiến.
Hình tượng Từ Hải – con người đã san phẳng bất bình, bênh vực người bị áp bức bằng nghĩa khí và tài năng cá nhân – tạo nên nội dung phong phú sâu sắc của Truyện Kiều. Từ Hải dường như đã bẻ gãy xiềng xích mà xã hội phong kiến trói buộc con người, chàng phủ định chính quyền nhà vua, và đối với chàng tự do cao hơn hết thảy:
Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!
Với khí thế ngang tàng của sự tự do, không phải là cảnh:
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Mà lại cái tư thế hiện ngang giữa đất trời, thoả chí anh hùng:
Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo.
Hình ảnh cây cung và thanh kiếm đã tạo nên một nét mới trong tính cách của Từ Hải. Cũng như Kim Trọng, Từ Hải cũng có một tâm hồn cao thượng và đượm chất thơ. Nhưng khác với các nhân vật trong tác phẩm Từ Hải còn làm độc giả say mê bởi cái cốt cách của một kẻ ngang tàng, hào phóng. Nguyễn Du xây dựng Từ Hải là nhân vật lí tưởng có cốt cách phi thường, nhưng đứng trước Kiều "Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng". Tuy nhiên chàng luôn đứng trên lập trường và lợi ích của cộng đồng, tình cảm và lí tưởng của chàng luôn thống nhất chứ không đồng nhất. Vì vậy mà:
Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoát đã động lòng bốn phương,
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng giong.
Sống trong hạnh phúc yêu thương, khi hơi ấm tình cảm vợ chồng ở độ mặn nồng, đằm thắm. Từ Hải vẫn không quên sự nghiệp lớn, chí làm trai mà theo như Nguyễn Công Trứ:
Chí làm trai nam bắc tây đông
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Điểm này ở Từ Hải đã cho thấy sự phù hợp trong tính cách của chàng đó là đội trời đạp đất ở đời. Tư thế ra đi của Từ Hải dứt khoát, không có chút lưu luyến – bịn rịn như Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều, không có lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai. Mà ở đoạn trích chí khí anh hùng (Truyện Kiều – Nguyễn Du), người Trượng phu mang trong mình tầm vóc lớn lao của thời đại giao cho, đối lập với một không gian bao la; trông vời trời bể mênh mang là tầm vóc của người anh hùng: Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng giong.
Chỉ mới bốn câu thơ thôi Nguyễn Du đã khắc họa một nhân vật, người anh hùng bằng xương bằng thịt. Bởi miêu tả là người anh hùng cho nên ngôn ngữ của Nguyễn Du là sự kính phục, trân trọng. Cách miêu tả cũng khác, không gian, thời gian được mở rộng để phù hợp với khí phách của nhân vật chăng? Người anh hùng ra đi không muốn vướng bận nữ nhi, không chút mềm yếu trước lời nói của thê tử.
Nàng rằng: phận gái chữ tòng.
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.
Thuý Kiều là người sâu sắc đến mấy cũng không thoát khỏi chuyện phu – thê quyến luyến. Nàng chỉ muốn theo Từ Hải đi để làm trọn bổn phận làm vợ của mình, mà không nghĩ đến việc lớn của chàng. Vì thế Từ Hải đã trách khéo nàng tâm phúc tương tư tức là hai người đã hiểu rõ lòng dạ của nhau một cách sâu sắc như thế, cần gì phải quan tâm đến chuyện nghĩa theo chồng như đạo Nho bắt làm. Sau đó chàng động viên Thuý Kiều ở nhà yên tấm đợi tin vui:
Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chuông dậy đất bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bây giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Còn bây giờ giữa trời đất bao la bốn bể không nhà, nàng mà đi theo chỉ làm bận tâm thêm, huống chi chưa biết rõ là đi đâu. Vì vậy nàng hãy dằn lòng chờ đợi chỉ một hai năm vội gì. Thế rồi chàng:
Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi.
Hình con chim bằng được lấy từ điển tích từ truyện ngụ ngôn kể rằng chim bằng là một giống chim rất lớn, đập cách làm động nước trong ba ngàn dặm, cho những người anh hùng có bản lĩnh phi thường, khao khát làm nên sự nghiệp lớn. Nguyễn Du đã ví Từ Hải như là con chim bằng đã đến lúc tung cánh bay lên cùng gió mây. Cuộc sống của một con người luôn khao khát không trung, tự do thoả chí vẫy vùng, không bao giờ chịu sống trong cảnh tù túng, gò bó một không gian nhỏ bé thường ngày của người bình thường.
Khi miêu tả người anh hùng Từ Hải, Nguyễn Du đi vào miêu tả hành động và cử chỉ ngôn ngữ mang ý nghĩa mạnh mẽ, đứt khoát như: thoắt đã, thẳng giong, sao chưa thoát khỏi, dậy đất, phi thường, vội gì, quyết lời dứt áo ra đi, đã lìa... Ngoài ra thêm các từ chữ Hán để bộc lộ tư tưởng tình cảm của tác giả, rồi dung điển cố, điển tích... và cả xây dựng thời gian, không gian mở: nửa năm, bốn phương, trời bể mênh mang, bằng tiện...
Tóm lại, chỉ một đoạn thơ ngắn, hình tượng nhân vật Từ Hải dường như xuất hiện từ một giấc mơ, từ một giấc mơ hùng vĩ về chính phía mà hàng triệu người khốn khổ áp bức hằng ôm ấp. Vì vậy, mà khi xây dựng, Nguyễn Du đã có những sáng tạo các phương thức nghệ thuật riêng, để biểu đạt khát vọng của mình và của thời đại Nguyễn Du sống – khát vọng về sự tự do, công bằng lẽ phải. Từ một cuộc chia li mà nói lên được toàn bộ chí khi anh hùng của Từ Hải.