Bài văn phân tích tác phẩm "Độc Tiểu Thanh kí" số 5
Nguyễn Du – một trong những tác giả nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam, khi nhắc đến ông, người ta thường nghĩ ngay đến tác phẩm Truyện Kiều vang danh, nhưng ít ai biết được, ông còn có một tác phẩm nổi tiếng khác là “Đọc Tiểu Thanh Kí” - một tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc như Truyện Kiều.
Bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí” được gợi cảm hứng từ một câu chuyện có thật về một cô gái sống vào đầu đời nhà Minh. Cô gái ấy tên là Tiểu Thanh, nàng có nhan sắc vẹn toàn, cầm kì thi họa đều giỏi cả. Thế nhưng nhà nghèo cho nên nàng được gả vào làm vợ lẽ một nhà giàu. Vì bị vợ cả ghen tuông, bắt nàng ra sống riêng ở Cô Sơn, gần Tây Hồ. Trong những ngày tháng cô quạnh đó, nàng Tiểu Thanh đã viết thơ để bày tỏ tình cảnh và nỗi lòng mình. Ít lâu sau, nàng vì quá muộn phiền mà qua đời khi mới mười tám xuân xanh. Người vợ cả đã đem đốt hết những bài thơ của nàng, tuy nhiên một số bài vẫn còn sót lại. Người ta vì thấy thơ hay nên chép lại và đặt tựa là “Phần dư tập”.
Khi đọc được những dòng cuối cùng của nàng, Nguyễn Du thật sự thấu hiểu và đã bày tỏ sự thương cảm của mình qua bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí” như là lời xót thương cho nàng trước nỗi đau của cuộc đời:
Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn
Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Du đã thật tài tình khi mở ra hai câu thơ như chất chứa biết bao nỗi niềm, sự cô đơn đầy thương cảm với hình ảnh lẻ loi của cô gái vừa mới xuân xanh. Cảnh Tây Hồ bỗng chốc hóa “gò hoang”, vắng lặng…Và ở nơi ấy, chỉ có duy nhất một cô gái đang cô độc tuổi thanh xuân giữa những trái ngang của cuộc đời.
Nhưng tiếc là, nàng chẳng biết có thể sẻ chia nỗi lòng ấy với ai ngoài việc làm thơ, đó là nơi duy nhất nàng có thể gửi gắm được nỗi lòng mình. Thế mà cuối cùng những tâm tư ấy rồi cũng hóa “mảnh giấy tàn”. Từ “thổn thức” như xoáy sâu vào tâm can người đọc cảm giác số phận nàng sao mà chua xót thế. Để rồi khi, Nguyễn Du có dịp đọc lại những dòng thơ còn trăn trở ấy, ông vẫn cảm giác như nàng còn quẩn quanh đâu đây. Nàng không còn nữa, nhưng hương sắc đẹp đẽ và tâm hồn của nàng vẫn còn sống mãi:
Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương
Bằng biện pháp ẩn dụ khi nói về nhan sắc của nàng, Nguyễn Du đã dùng từ “son phấn”. Nhưng cái đẹp ấy lại bị vùi dập không thương tiếc. Chính xã hội phong kiến thối nát ấy đã cướp đi của nàng tuổi thanh xuân, đã mang đến cho nàng biết bao đau thương, hờn trách, để rồi đến những bút tích của nàng cuối đời cũng bị đốt hết đi, lòng dạ ghen tuông của người phụ nữ kia đã lấy đi của nàng cả những dòng trăn trối cuối cùng.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Dường như chẳng ai thấu hiểu được vì sao số phận của nàng lại cay nghiệt như thế, có lẽ chỉ có trời xanh mới thấu. Đó là bản án đời mà nàng phải mang “tài hoa bạc mệnh”. Có tài, có sắc nhưng lại không thể hưởng an vui. Đọc đến đây, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến hình ảnh nàng Kiều của Nguyễn Du chăng? Đó là cái số phận sinh ra đã thế hay chính cái xã hội phong kiến đã đẩy họ vào bước đường cùng oan trái như vậy? Câu trả lời có lẽ sẽ khiến người đọc phải day dứt và ám ảnh mãi không thôi.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
Một câu hỏi mà chứa đựng rất nhiều xót xa, ngậm ngùi. Ba trăm năm sau những vần thơ của nàng Tiểu Thanh vẫn còn khiến người đời – Nguyễn Du thương cảm. Thế nhưng liệu rằng ba trăm năm sau có “ai khóc Tố Như chăng?”. Câu hỏi như xoáy vào tâm can của người đọc. Người đời còn nhớ hay sẽ quên những số phận tài hoa bạc mệnh thương tâm như thế này?
Nhưng có lẽ Nguyễn Du may mắn hơn nàng rất nhiều, vì tính đến thời điểm này, đại danh hào Nguyễn Du vẫn được nhắc đến, vẫn được ngợi ca như một tượng đài bất tử trong nền Văn học Việt Nam bởi những tác phẩm ông để lại cho các thế hệ sau.
“Đọc Tiểu Thanh kí” là một bài thơ để lại những thương cảm trong lòng người đọc về số phận bất hạnh của những con người tài hoa nhưng bạc mệnh. Đồng thời qua đây, tác giả cũng đã phản ánh thực trạng xã hội phong kiến tàn ác đã đẩy con người vào những bước đường cùng, chà đạp lên nhân phẩm và lãng quên những giá trị mà họ đã để lại cho đời.