Bài văn phân tích tác phẩm "Độc Tiểu Thanh kí" số 10

Cái đẹp và cái tài từ rất lâu vẫn luôn là chuẩn mực sống và niềm khao khát của con người trong xã hội. Tuy nhiên với Nguyễn Du, ông luôn có một nỗi thấu cảm và thương xót cho những kiếp người hồng nhan bạc mệnh ở mọi thời đại. Điều này được thể hiện rất rõ qua tác phẩm Độc Tiểu Thanh Kí viết về nàng Tiểu Thanh tài sắc vẹn toàn nhưng lại có cuộc sống đau khổ và không trọn vẹn.


Nguyễn Du là một đại thi hào của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX. Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Gia đình là nơi ảnh hưởng rất lớn đến phong cách sáng tác của Nguyễn Du.


Nguyễn Du có điều kiện tiếp nhận truyền thống văn hóa quý báu của quê hương, gia đình và nhiều vùng văn hóa khác nhau thuận lợi cho sự tổng hợp nghệ thuật. Ông sống trong thời đại xã hội phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng và khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, đỉnh cao là phong trào Tây Sơn.


Nguyễn Du đã trực tiếp sống, chứng kiến và trải qua một thời kỳ lịch sử đầy biến động của dân tộc. Điều đó đã được ghi lại trong các sáng tác của ông, đặc biệt là tấm lòng nhân đạo. Không chỉ nổi tiếng với “Truyện Kiều” mà ông còn là nhà thơ sáng tác bằng chữ Hán điêu luyện với những tác phẩm nổi bật đặc sắc.


Khi phân tích Độc Tiểu Thanh Kí, ta thấy đây là một trong những tác phẩm được nhiều người biết đến của Nguyễn Du. Được lấy cảm hứng từ Phần dư (phần bị đốt còn sót lại), Độc Tiểu Thanh Kí đã khắc họa rõ nét về cuộc đời của nàng Tiểu Thanh có tài có sắc nhưng lại làm vợ lẽ người khác và sống một cuộc sống đau buồn, đầy những nỗi uất ức. Bản thân cuộc đời Tiểu Thanh đã làm cho Nguyễn Du nảy sinh mối đồng cảm vô hạn trước số phận nghiệt ngã và tiếng lòng ấy được bật lên thành lời thơ.


Thân phận của nàng Tiểu Thanh giỏi giang tài sắc nhưng lại có một số phận nhiều khổ đau cùng với những suy ngẫm sâu sắc của Nguyễn Du là những nét chính khi phân tích Độc Tiểu Thanh Kí. Để có thể phân tích Độc Tiểu Thanh Kí một cách sâu sắc, người đọc cần đi theo mạch xúc cảm của toàn bài, theo trình tự của thể thơ thất ngôn bát cú đường luật.

Cảm nhận hai câu đề khi phân tích “Độc Tiểu Thanh Kí”. Mở đầu bài thơ là tiếng thở dài của tác giả với những biến thiên dâu bể của cuộc đời:


“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”

(Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn)


“Hoa uyển” trong câu đầu là vườn hoa, là tượng trưng cho quá khứ và quãng thời gian thanh xuân tươi đẹp. “Tẫn thành khư” là tất cả hóa thành bãi hoang tàn, là sự biến hóa của thời gian trước dòng đời tấp nập. Khi phân tích Độc Tiểu Thanh Kí, ta thấy ở ngay câu đầu tiên, Nguyễn Du đã mượn hình ảnh của không gian nơi Tiểu Thanh từng sống để nói lên cảm nhận của chính ông về những biến đổi của thời gian.


Tây Hồ là nơi cảnh đẹp hữu tình nhưng lại hóa gò hoang vắng, heo hút vì có một người con gái đã mãi mãi chôn vùi tuổi thanh xuân của mình ở đây. Sự biến thiên dâu bể của cuộc đời không sao có thể đoán định được, cảnh đẹp ngày xưa nay chỉ còn là phế tích, chỉ còn lại dấu ấn về một thời đã qua. Cảnh cũ vẫn còn đây mà người xưa giờ nơi nào. Tâm tư ấy khiến ta nhớ đến hai câu thơ của bà huyện Thanh Quan


“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

(Thăng Long thành hoài cổ – Bà huyện Thanh Quan)


Mọi chuyện ngỡ cứ như vừa xảy ra hôm qua. Đau xót thay mọi chuyện chỉ còn là quá khứ. Cảnh cũ vẫn còn đây nhưng người xưa giờ nơi nào. Phân tích Độc Tiểu Thanh Kí, người đọc dễ dàng nhận thấy từ “độc” có nghĩa duy nhất, đơn độc. Còn cụm “Nhất chỉ thư” là một quyển sách, một tập giấy còn sót lại. Trong không gian điêu tàn, Nguyễn Du xuất hiện với dáng vẻ thẩn thờ và đồng thời cũng thể hiện sự lắng sâu trầm tư trong những nét cô đơn.


Một mình nhà thơ ngậm ngùi đọc những tập sách về cuộc đời nàng Tiểu Thanh tội nghiệp. Một mình đối diện trước sự bất lực của nàng Tiểu Thanh về số phận của chính mình. Phân tích Độc Tiểu Thanh Kí, người đọc nhận ra sự tồn tại của con gái tài sắc một thời chỉ được biết đến qua một tập sách, phần dư còn sót lại khiến ông không thể không bật lên những nỗi xót thương cho nàng.


Xưa Tiểu Thanh luôn cô độc đến lúc mất, nay Nguyễn Du cũng viếng nàng một mình bên khung cửa thể hiện sự thông hiểu sâu sắc của Nguyễn Du với nàng Tiểu Thanh. Câu thơ là sự đồng cảm giữa hai tâm hồn cô đơn. Thời gian và không gian không thể ngăn cách được tấm lòng “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.


Hai câu tiếp theo đã làm sáng tỏ cho cảm giác buồn thương ngậm ngùi. Đó là sự tiếc thương cho số phận bi kịch của nàng Tiểu Thanh. Sắc đẹp và tài năng đến thế nhưng lại chết trong cô độc, điều đó khiến người đời cảm thấy xót xa.


“Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư”

(Son phấn có thần chôn vẫn hận

Văn chương không mệnh đốt còn vương)


“Văn chương” và “chi phấn” đều là những hình ảnh ẩn dụ gợi nhiều suy nghĩ. “Son phấn hữu thần liên tử hậu” là son phấn có thần chắc phải xót xa về những việc sau khi chết hay chính son phấn có thần sau khi chết khiến người ta vẫn còn thương tiếc. “Văn chương vô mệnh lụy phần dư”- tập thơ của nàng Tiểu Thanh nói riêng và văn chương nói chung, là văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở hay văn chương không có số mệnh nhưng người ta vẫn bận lòng về những gì còn sót lại.


Người đọc nhận ra rằng tác giả có thể mất đi hay bị lãng quên nhưng sức sống của tác phẩm vẫn còn mãi trong lòng độc giả. “Chi phấn – son phấn”, là tượng trưng cho nhan sắc và dung mạo của người con gái. Hình ảnh “son phấn”, “văn chương” được gắn với những từ ngữ chỉ cảm xúc, số phận của con người như “hận”, “vô mệnh” tạo nên sự độc đáo trong bài thơ. Làm hiện rõ thái độ thương xót dù son phấn hay văn chương nếu có hồn cũng sẽ vô cùng uất hận, tiếc thương cho nỗi uất hận và khổ tâm của Tiểu Thanh.


Vì ghen tuông của người vợ cả, Tiểu Thanh phải sống một cuộc đời thương tâm, sống cô lập và lấy văn chương nói lên nỗi lòng của chính mình để rồi ra đi ở cái độ tuổi rực rỡ nhất của một người con gái. “Chi phấn” và “văn chương” đều giống nhau ở hai điểm là đều có số phận thảm thương là bị vùi dập và đốt dở nhưng lại mang sức sống trường tồn. Ở đây đồng thời cũng là hình ảnh tượng trưng cho nàng Tiểu Thanh.


Tuy nàng không còn nhưng nhan sắc và tài năng của nàng vẫn luôn được người đời ca tụng và thương tiếc “Thác là thể phách còn tinh anh”. Từ số phận của Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã khái quát nên được cái nhìn tổng quan về những con người trong xã hội phong kiến:


“Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư”

(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi

Cái án phong lưu khách tự mang)


Câu thơ vang lên mang nhiều thanh trắc tạo cảm giác trầm lắng xuống mỗi câu thơ như nỗi uất ức không thể thốt lên thành lời được. “Cổ kim hận sự” là những nỗi hận từ xưa đến nay. Những nỗi hận không chỉ Tiểu Thanh mà còn là lời chung của vô vàn những số phận tài hoa bạc mệnh khác.


“Thiên nan vấn” khó mà hỏi trời. Câu nói chung của những con người tài hoa ấy khó để hỏi trời hay do chính trời cao cũng không có lời giải đáp. Lời uất hận của Tiểu Thanh cũng chính là lời bộc bạch, tâm sự của nhà thơ. Phân tích Độc Tiểu Thanh Kí, người đọc nhận thấy Nguyễn Du khóc cho Tiểu Thanh cũng chính là khóc thương cho chính số phận cay đắng, đau khổ của chính mình.


Thương thay cho những tấm hồng nhan bị người đời ghẻ lạnh, những con người đã hiểu rất rõ về giá trị của bản thân nhưng lại phải bất lực trước sự chông gai trên đường đời. Câu thơ phản ánh cho người đọc thấy rõ sự khắc nghiệt của xã hội đối với những người tài hoa và mong muốn khát khao hạnh phúc của họ. Như những câu thơ đau đớn mà Nguyễn Du từng viết trong Truyện Kiều


“Lạ gì bỉ sắc thư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)


Câu thơ cũng chính là lời tâm sự của nhà thơ. Nguyễn Du tự cảm thấy mình là người cùng hội cùng thuyền với nàng Tiểu Thanh. Khóc cho Tiểu Thanh cũng chính là khóc cho số phận mình, cho số phận cay đắng của những người tài hoa mệnh bạc. Khép lại bài thơ là những suy tư về thời thế, là câu hỏi cho những mệnh tài hoa:


“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

(Không biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?)


“Tam bách” là danh từ phiếm chỉ số nhiều, con số ước lệ về một quãng thời gian rất dài. Ngược lại với “tam bách”, “hà nhân” lại là từ phiếm chỉ số ít. Ghép lại cả hai câu thơ là một câu hỏi tu từ thể hiện nỗi xót xa, ngậm ngùi khi hỏi về tương lai. Ba trăm năm trước những vần thơ của nàng Tiểu Thanh vẫn còn khiến người đời thương cảm.


Ông vẫn có thể khóc cho những dòng thơ về nàng Tiểu Thanh một cách chân thành từ trái tim đồng điệu. Tiểu Thanh còn có ông tìm đến làm tri kỉ để giải đi nỗi oán giận bằng giọt nước mắt thấu hiểu. Liệu rằng ba trăm sau sẽ có ai khóc cho những dòng thơ về cuộc đời ông như hôm nay ông đã khóc cho Tiểu Thanh? Câu hỏi của Nguyễn Du xoáy sâu vào tâm hồn của người đọc về sự lẻ loi trước dòng đời xô bồ, phũ phàng.


Cuộc đời của một con người tài hoa, “có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng trải suốt nghìn đời” luôn đối mặt với sự lẻ loi. Ông luôn khao khát được kiếm cho mình một tấm tri kỉ giữa dòng đời vạn biến. Như nhạc sĩ Vũ Thành An đã từng có chung nỗi niềm cô đơn, thể hiện rõ sự xa lạ giữa xã hội, con người


“Triệu người quen có mấy người thân

Khi lìa đời có mấy người đưa”

Tác giả đã vận dụng thành công thể thơ thất ngôn bát cú kết hợp với việc sử dụng chữ Hán trang trọng, giản dị. Phân tích Độc Tiểu Thanh Kí, ta thấy bài thơ đã thể hiện rõ nét những cảm xúc cùng những suy tư trăn trở của Nguyễn Du về số phận bất hạnh của người phụ nữ có tài năng văn chương trong xã hội phong kiến.


Không chỉ nói về số phận của nàng Tiểu Thanh mà ta còn bắt gặp nỗi niềm ấy trong những sáng tác khác của Nguyễn Du. Đó còn là Thúy Kiều, Đạm Tiên, là cô Cầm,.. Điểm chung giữa họ đều là những người phụ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng đều rơi vào hoàn cảnh ngang trái. Nguyễn Du không ngợi ca tài sắc của họ mà còn cảm thông sâu sắc cho những số phận bất hạnh ấy Điều đó cũng nói lên một phương diện quan trọng trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du là nỗi xót xa cho những giá trị tinh thần bị chà đạp..


Độc Tiểu Thanh kí đã để lại trong lòng người đọc những thương xót về số phận của nàng Tiểu Thanh có sắc đẹp lẫn tài năng nhưng bất hạnh. Đồng thời Nguyễn Du cũng lên án về xã hội phong kiến tàn ác chà đạp lên những người tài và nỗi thương xót sâu sắc của Nguyễn Du đối với số phận tài hoa bạc mệnh. Tiếng lòng ấy của ông vẫn còn vang vọng mãi trong tâm khảm mỗi người về sự đau xót bất lực của con người trước trò đùa của con tạo xoay vần. Đến mãi đến ngày hôm nay, vượt qua mọi quy luật băng hoại của thời gian, những trang viết của Nguyễn Du vẫn làm rung động lòng người


“Tiếng thơ ai vọng đất trời

Nghe như non nước vọng vào nghìn thu

Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày”

(Kính gửi cụ Nguyễn Du – Tố Hữu)

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy