Bài văn phân tích tác phẩm "Mùa lá rụng trong vườn" số 2
Ma Văn Kháng sinh năm 1936 tại làng Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. Tên khai sinh của ông là Lê Trọng Đoàn. Ông là một nhà văn nhiệt huyết đầy sức trẻ không những thế ông còn là nhà văn đi tiên phong trong quá trình đổi mới văn xuôi Việt Nam năm 1975.
Ông có một khối lượng tác phẩm dồi dào và mang lại nhiều ý nghĩa tiêu biểu như “Mùa lá rụng trong vườn” được trích từ chương II của tiểu thuyết cùng tên. Tác phẩm thể hiện nỗi niềm thương tiếc cho những giá trị cũ của dân tộc đang bị mai một và nhạt nhòa trước những đổi thay của cuộc sống đổi mới.
Đọan trích là chương II của tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn kể về chiều 30 Tết năm Bính Tuất, chị Hoài – vợ anh Tường liệt sĩ con trưởng của cụ Bằng nay đi bước nữa. Tuy chị đã có gia đình riêng nhưng chị vẫn không quên về thăm mọi người. Đón nhận tình yêu thương của gia đình ông Bằng, sự hỏi han của người em trai, em dâu gia đình chồng cũ không khỏi khiến chị nghẹn ngào.
Tác giả đã miêu tả chị rất tỉ mỉ, chi tiết. Hoài là một người phụ nữ nông thôn, trạc 50 tuổi. Người chị thon gọn trong chiếc áo bông trần hạt lựu. Chị có một khuôn mặt rộng với cặp mắt đằm thắm và cái miệng tươi. Chỉ với việc khắc họa đôi nét về nhân vật, ta có thể thấy chị Hoài hiện lên một cách giản dị với vẻ đẹp tươi tắn, sáng sủa.
Chị Hoài từng là dâu trưởng trong gia đình ông Bằng, bây giờ chị đã có một gia đình riêng với những quan hệ, bộn bề lo toan riêng nhưng chị vẫn luôn dành một chút góc nhỏ trong trái tim cho gia đình ông Bằng. Trong tiềm thức mỗi người trong gia đình đầm ấm ấy luôn "vẫn sống động một chị Hoài đẹp người đẹp nết". Về thăm gia đình ông Bằng, chị mang quà quê với gạo nếp và giỏ thủ do chồng hiện tại chị làm.
Lúc gặp ông Bằng mà mình kính trọng, yêu thương, chị "gần như không chủ động lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép, đôi chân to bản.. kịp hãm lại khi còn cách ông già hai hàng gạch hoa". Tiếng gọi của chị nghẹn ngào trong tiếng nấc "Ông!". Chị hòa chắp tay trước bàn thờ tổ tiên ngay sau khi ông Bằng lui gót, chị tíu tít hỏi han mọi người trong gia đình.
Những hành động trên, ta thấy chị rất quan tâm, chăm sóc mọi người. Chị ấy sống nặng tình nghĩa thủy chung son sắt, coi gia đình chồng cũ như những người thân thích. Đó cũng chính là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Cuộc gặp mặt giữa ông Bằng và người dâu trưởng là chị Hoài là một cuộc gặp gỡ vừa vui mừng vừa xót xa. Trong một chừng mực nào đó, cuộc gặp lại này xoa dịu niềm cô đơn và tiếp thêm niềm tin cho ông Bằng trong cảnh ngộ gia đình hiện tại.
Lễ cũng tất niên tràn ngập không khí trang nghiêm nhưng ấm cúng, lời khấn thành kính mà chân thành. Đứng trước bàn thờ tổ tiên, ông Bằng “như quên hết xung quanh và bản thể”. Ông thành tâm theo khói hương ngày Tết trôi về quá khứ, cất lên lời vọng tưởng đầy tri ân với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với người vợ đã qua đời, với người con trai cả đã xanh mồ. Để rồi từ quá khứ thiêng, ông trở về với hiện tại bề bộn.
Hơn ai hết trong gia đình này, ông ý thức sâu sắc sự kết nối giữa truyền thống và hiện tại, giữa tổ tiên và con cháu. Mâm cỗ tất niên thịnh soạn được cả nhà, nhất là Lí – tươm tất chuẩn bị. Nỗi buồn năm cũ như qua đi, chỉ còn đó đêm trừ tịch đầy sự vui vẻ, hân hoan, ấm cúng của một gia đình tưởng chừng không bao giờ có thể chia cắt.Có thể thấy, ông Bằng là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại của gia đình trong giây phút thiêng liêng ấy.
Qua một đoạn trích trong tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn, nhà văn Ma Văn Kháng đã thẳng thắn nêu lên những vấn đề nhức nhối của xã hội bấy giờ. Trước thời cuộc đổi mới của đất nước kinh tế khó khăn và những mối quan hệ gia đình rạn vỡ vì những văn hóa mới du nhập. Các giá trị truyền thống như bị xói mòn. Trước tình hình đó nhà văn muốn những con người chúng ta hãy biết giữ gìn những truyền thống văn hóa dân tộc quý báu. Vừa hội nhập cái mới mà vẫn vừa giữ gìn được những giá trị truyền thống.