Bài văn phân tích tác phẩm "Mùa lá rụng trong vườn" số 3
Truyện "Mùa lá rụng trong vườn" là một trong những tác phẩm đặc sắc của Ma Văn Kháng đã để lại ấn tượng khá đẹp trong lòng độc giả thời đổi mới cuối thế kỉ XX.
Cuộc gặp gỡ giữa chị Hoài với cụ Bằng và những người em chồng trong chiều ba mươi Tết thật là cảm động. Phượng về làm dâu nhà cụ Bằng đã hơn chín năm. Ngày cưới của Luận - Phượng, chị Hoài có lên mừng hai em. Đã lâu, Phượng chưa được gặp lại chị dâu cả trong gia đình. Người phụ nữ mà Phượng và Lý cùng ao ước đã hiện ra như thật ngay trước cổng nhà, vào đúng lúc cả gia đình cụ Bằng đang tíu tít buổi cúng tất niên chiều ba mươi Tết. Sự gặp gỡ ấy trong khoảnh khắc ấy càng trở nên cảm động thiêng liêng.
Phượng như một "chiếc gương thần" mà tác giả dùng để phản chiếu, để soi tỏ bao cảnh tình đáng nhớ đó. Trước mắt Phượng, bên ngoài cánh cổng sắt là một phụ nữ nông thôn xa lạ "trạc năm mươi, người thon gọn trong cái áo bông chần hạt lựu". Chiếc khăn len nâu thắt ôm khuôn mặt rộng có cặp mắt hai mí đằm thắm và cái miệng tươi. Chị ta lại đeo một cái tay nải nặng, dáng vẻ không "ngác ngơ lạ lẫm, nhưng hơi mắt đậm nỗi bồi hồi".
Ma Văn Kháng thật tinh tế gợi tả hình ảnh chị Hoài đọng lại trong tâm hồn Phượng; chỉ là sơ cảm nhưng thật đậm, đúng là "cầu được, ước thấy". Chỉ nửa chừng câu hỏi xã giao, Phượng đã nhận ra người chị thân yêu của mình: "Bác... bác hỏi ai ạ? A, có phải bác là... là chị Hoài không ạ?" Chị Hoài vẫn nhớ đứa em dâu, dù đã gần mười năm không gặp. Một câu hỏi, một câu nói xiết bao ân tình: "Cô Phượng đấy như?" Một tiếng "như" dân dã mà nghe thật ý vị, đậm đà.
Sau tiếng reo lên của Phượng: "Chị Hoài! Chị Hoài lên, anh Đông, chị Lý, anh Luận ơi!" thì em trai, em dâu chồng túa ra, ùa ra đón chị Hoài. Đông, Lý, Luận đều ngơ ngơ ngác ngác, nửa tin nửa ngờ". Thật ngoài sức tưởng tượng. Chị Hoài lên! Lên đúng chiều ba mươi Tết! Chị Hoài, vợ anh cả Tường liệt sĩ. Sau một thời gian dài đau khổ để tang chồng, chị Hoài được phép bố mẹ chồng "đi bước nữa". Nhưng tâm hồn chị vẫn gắn bó thuỷ chung với gia đình cụ Bằng. Chuyện vui, buồn trong gia đình cụ Bằng, chị Hoài đều san sẻ.
Chị Hoài trở về thăm "gia đình cũ" đúng chiều ba mươi Tết đã làm dấy lên bao tình cảm bồi hồi của những đứa em trai, em dâu liệt sĩ Tường. Hình ảnh chị Hoài vẫn in đậm trong tâm ức họ: "Chị Hoài, dâu trưởng, nết na, thùy mị. Trong tiềm thức vẫn sống động một chị Hoài đẹp người đẹp nết". Ngòi bút của Ma Văn Kháng không chỉ tinh tế khi phân tích tâm lí con người mà ngòi bút của ông còn thật đằm thắm, thật sâu nặng ân tình:
"Nhưng bây giờ chị Hoài đã có một gia đình riêng với những quan hệ riêng, lo toan riêng, nên vẫn nhớ, vẫn quý, vẫn yêu chị đấy, mà lại không dám, không nỡ níu chị về mình. Quan hệ của chị ở gia đình này đã thuộc về quá khứ. Kỉ niệm của chị ở đây đẹp nhưng buồn. Chị có quyền quên mà không ai được trách cứ".
Dù đã có một gia đình riêng ở nơi xa, nhưng chị Hoài không bao giờ quên gia đình cụ Bằng. Ngày mẹ chồng mất, chị vẫn về chịu tang. Ngày cưới của Luận và Phượng, chị cũng đến mừng và chia vui. Chị vẫn về thắp hương và dâng hoa lên bàn thờ gia tiên. Chị vẫn thương nhớ anh Tường đi đánh giặc, đi mãi không về. Nhận được tin Cừ, đứa em trai chồng "di tản" ra nước ngoài, chị sợ cụ Bằng buồn, dù việc nhà, việc hợp tác xã bận bịu, lại năm hết Tết đến, nhưng chị Hoài vẫn lên, lên đúng chiều ba mươi Tết.
Đọc chương II "Mùa lá rụng trong vườn", ta thấy ngòi bút đằm thắm của tác giả khi nói về bài ca tình nghĩa, về sự thuỷ chung son sắt ở đời. Chiếc tay nải mà chị Hoài mang theo cũng là một phần tuyệt đẹp của bài ca tình nghĩa. Chiếc tay nải đựng đầy những món quà quê.
Chị Hoài vừa lấy ra vừa nói. Chị chất phác và đôn hậu quá, chồng con chị chu đáo và tình nghĩa quá. Giá trị vật chất thời bao cấp thật đáng quý, giá trị tinh thần thì không thể kể hết được. Chị Hoài xởi lởi nhắc lại lời hai đứa con cứ nhét quà vào tay nải và giục: "Mẹ đi đi, không ông buồn, các chú, các cô mong!".
Cây nhà lá vườn thôi, nhưng thật vô giá: "Đây là gạo nếp tăng sản của nhà. Cái giò thủ anh ấy gói đấy, ông thích ăn giò thủ lắm đấy, cô Lý ạ. Còn bọc này là sắn dây. Trẻ em nó giã, nó rây đấy". Chị Hoài thật chu đáo mang lên cả một gói hạt giống mướp hương "thơm ngon mà quả to lắm"; chị nhắc cô Lí đem gieo ở bờ ao, gieo vào đêm nay...
Chị Hoài quan tâm đến mọi người. Chị hỏi thăm ông thợ mộc. Chị khen "chú Đông tóc bạc nhưng vẫn khỏe nhỉ!" Chị hỏi thăm cháu Dư. Chị khen cô Lý (vợ Đông) "trẻ như gái mười tám ấy". Lòng chị Hoài dào dạt niềm vui được trở về. Lòng các em cũng dào dạt niềm vui được gặp lại người chị dâu cả, mặc dầu "quan hệ của chị ở gia đình này đã thuộc về quá khứ"... Tình tiết cái tay nải đựng quà được Ma Văn Kháng mô tả làm ánh lên chất nhân văn - vẻ đẹp của tình người.
Cảnh cụ Bằng gặp lại chị Hoài, người con dâu cũ sau nhiều năm vật đổi sao dời là một tình tiết rất sống, rất thực, rất cảm động. Ông Bằng chống ba toong lịch kịch đi xuống cầu thang. Phượng và Luận chạy lại chân cầu thang đón. Cụ Bằng xuống để cúng và cũng là lúc ông nghe thấy xôn xao tin chị Hoài lên.
Ông đã già nua, hai bẽn cằm nếp da xệ, trên trán còn ghi vết tàn lụi và nỗi ưu tư. Ông Bằng vẫn giữ nếp phong lưu và trang trọng, chỉnh tề "mặc dầu vẫn là bộ com lê đen, kẻ sọc mờ, cài khuy chéo". Thoáng nhìn thấy người con dâu cả lên thăm, cụ Bằng xúc động quá, "sững lại", mặt "thoáng một chút ngơ ngẩn", mắt ông "chớp liên hồi", môi ông "lật bật không thành tiếng", ông "sắp khóc òa".
Thời gian như ngừng trôi, không gian như vắng lặng. Khi chị Hoài lao về phía người bố chồng, thốt lên tiếng như tiếng nấc "Ông!", thì cụ Bằng bỗng khê đặc, khàn rè: "Hoài đấy ư, con?". Xiết bao thương cảm và quý mến. Cụ Bằng đã khóc, người con dâu cũ cung đã khóc. "Cảnh gặp gỡ vui mừng nhiễm một nỗi tiếc thương đau buồn, ê nhức cả tim gan".
Phượng vẫn là "chiếc gương thần" phản chiếu soi sáng giây phút cảm động giữa ông bố chồng già nua, phúc hậu gặp lại chị Hoài, người con đâu cũng vô cùng quý mến của hai ông bà. Phượng xúc động, "mắt ngấn lệ không nỡ gặp gỡ... ", và rồi ngực cô "dội lên những cơn sóng nghẹn ngào và hai cánh mũi se se cay".
Ông Bằng phúc hậu quá, khi ông nén xúc động rút khăn tay lau nước mắt, nhẹ cất tiếng hỏi chị Hoài: "Anh ấy và hai cháu vẫn khoẻ cả chứ, con?" Với ông Bằng thì vợ chồng chị Hoài và những đứa con vẫn là con, là cháu của ông bà. Chị Hoài lễ phép kể lại chuyện chồng con mình với tất cả sự cởi mở của một tấm lòng tình sâu nghĩa nặng.... "Lẽ ra, anh ấy thu xếp công việc được cũng lên kính thăm ông dịp này. Cả các cháu nữa, bốn đứa, đứa nào cũng đòi đi. Nhất là thằng lớn, nó cứ bảo mấy lần nó qua Hà Nội mà chưa được vào nhà thăm ông, lần này rỗi rãi nó phải đi...".
Tôi cứ tự hỏi, tại sao nhiều bạn trẻ chúng ta khi đọc đoạn văn nói về giây phút gặp gỡ giữa cụ Bằng và chị Hoài không ngăn được dòng nước mắt? Trái tim của tác giả "Mùa lá rụng trong vườn" hồn hậu quá, dạt dào tình yêu thương. Lễ cúng tất niên chiều ba mươi Tết thể hiện một nét đẹp văn hoá truyền thống của các gia đình nơi kinh kì Thăng Long, phản ánh phong tục đẹp của con người Việt Nam chúng ta.
Cái bàn thờ gia tiên trong mỗi gia đình Việt Nam đã nói lên đầy đủ tất cả những gì đã có, đang có và những gì mong ước mai sau. Cái bàn thờ của gia đình ông Bằng cũng thế. Một nếp nhà bền vững đáng trọng. Chắc là có nhiều đổ thờ quý giá. Bàn thờ là cõi thiêng.
Hương khói ảo mờ. Ngọn đèn dầu lim dim... Bốn tấm ảnh đặt sát tường?: ở giữa là ảnh song thân, bên trái là ảnh bà Bằng "mặt hoa da phấn, tóc vấn khăn nhung", bên phải là ảnh anh cả Tường "áo trấn thủ ô quả trám, mũ ca lô nghiêng, nét đã phôi pha". Mâm ngũ quả, cặp bánh chưng xanh buộc lạt điểu, những chén rượu xinh xinh xếp hàng ngang trước bàn thờ.
Cụ Bằng, mái đầu hói, diềm tóc lơ thơ đã bạc hết, chắp tay khấn trước ngực. Tâm trí ông phiêu diêu lãng đãng gần xa,... chập chờn như trong chiêm bao". Ông thì thầm và thành kính khấn nguyền: "Thưa thầy mẹ đã cách trở ngàn trùng mà vẫn hằng sống cùng con cháu.
Con văng vẳng nghe đâu đây giáo huấn của ông cha tiên tổ. Con vẫn đinh ninh ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của thầy mẹ, gia tộc, ông bà, tổ tiên...". Rồi ông Bằng khấn vợ con: "Và em, cùng con trai cả của ba mẹ. Em cùng con đã mất và vẫn hằng sống, hằng vui buồn, chia sẻ, đỡ nâng dìu dắt tôi cùng các cháu, các con, các em...".
Lời khấn của ông Bằng cho ta thấy "quá khứ không cắt rời với hiện tại; tổ tiên không tách rời với con cháu; tất cả liên kết một mạch bền chặt thủy chung". Lúc cúng, lúc khấn, tâm hồn ông Bằng " lâng lâng", tình cảm ông "trôi lững lờ", mắt ông "cay sè", lòng ông "bồn ngộn", lời cầu khẩn của ông "thành kính và run rẩy". Cụ Bằng không hề nhắc đến Cừ, "ông cụ đã gạt tên thằng Cừ". Các con xúc động lắng nghe lời cha khấn. Còn chị Hoài "đăm đắm ngước lên bàn thờ". Khi người cha chồng vừa buông tay chắp, lau nước mắt, lui ra, thì chị "liền thế chân ông cụ, hai tay nâng lên trước ngực".
Ta đã từng nghe ông Tám Xẻo Đước khấn nguyền trước bàn thờ gia tiên trước khi quyết tử với thằng Đởm – chánh cống ác ôn (Truyện Đất của Anh Đức). Và chiều ba mươi Tết năm Bính Tuất, ta lại được nghe, được chứng kiến ông Bằng cúng và khấn gia tiên.
Tâm hồn của con người Việt Nam sao đẹp thế! Phong tục của dân tộc ta sao đẹp thế! Bản sắc nền văn hoá Việt Nam thật đáng tự hào. Ông Bằng và con cháu ông đã và đang lưu giữ trong tâm hồn bao nét đẹp của con người Hà Nội, đã và đang sống, đang lưu truyền, giữ gìn truyền thống tốt đẹp và lâu đời văn hoá Tràng An.
Mâm cỗ ngày Tết thời bao cấp khó khăn của gia đình ông Bằng vẫn thịnh soạn. Lý, cô gái Hà Nội là "bếp trưởng" của mâm cỗ này. Trên mâm cỗ "la liệt bát đĩa, ngồn ngộn các món ăn". Chắc là có 18, 24 hay 36... món cao lương mĩ vị, ta chỉ đếm qua đã cảm thấy ngon, thấy thèm: gà luộc, giò, chả, nem, măng hầm chân giò, miến nấu lòng gà, súp lơ xào thịt bò,... đặc biệt là các món gà quay ướp húng lìu, vịt hầm hạt sen, chả chìa, mọc, vây... Món vịt tần, vây, và mọc, nhất là món mọc đã được Lý "rất tỉ mỉ, và kĩ tính hết sức khi chế biến món này".
Lý không chỉ muốn bộc lộ năng khiếu của một cô gái Hà Nội về nữ công gia chánh mà còn muốn bày tỏ một tấm lòng thành kính với gia tiên. Qua mâm cổ chiều ba mươi Tết của gia đình ông Bằng, nhà văn Ma Văn Kháng tự hào khẳng định và ngợi ca một nét đẹp văn hoá trong cách sống của người dân Thăng Long-Hà Nội.
Ai đã từng đọc tác phẩm "Miếng ngon Hà Nội" của Vũ Bằng sẽ cảm nhận sâu hơn, đầy đủ hơn ý vị mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết của gia đình ông Bằng. Chương II tiểu thuyết "Mùa lá rụng trong là những trang văn đẹp. Đẹp về tình nghĩa thuỷ chung trong đạo lí, trong cách sống, trong cách ứng xử, đẹp ở tâm hồn và nếp sống văn hoá của người Hà Nội. Đẹp ở những tình tiết cảm động, ấm áp tình người của những con người nhân hậu.
Hình ảnh cụ Bằng, chị Hoài, cô Phượng, cô Lý... đã để lại trong tâm trí chúng ta bao tình cảm đẹp. Chương II này, theo tôi nghĩ, đó là bài ca tình nghĩa của những người thủy chung.