Bài văn phân tích tác phẩm "Thuế máu" số 4

Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc là bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác của bọn chế độ thực dân đế quốc. Mở đầu là chương: Thuế máu đầy uất hận. Thuế máu là cái tên thật ý nghĩa! Thuế máu đã gợi lên được tội ác của chính quyền thực dân và bao hàm cả lòng căm phẫn, sự mỉa mai của tác giả đối với tội ác đó.


Bọn thực dân đế quốc xâm lược và cai trị thuộc địa đã gây ra nhiều tội ác đối với người dân bản xứ. Nhưng có lẽ tội ác bóc lột Thuế máu là tội đáng ghê tởm nhất. Song điều đáng chú ý trong Bản án chế độ thực dân Pháp là việc lợi dụng xương máu của người dân thuộc địa được bọn đế quốc ngụy trang bằng bộ mặt giả nhân giả nghĩa. Hơn ai hết, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần được bộ mặt tàn bạo và sự lừa bịp trơ tráo, bỉ ổi của chúng.Ngay ở phần thứ nhất của chương, bộ mặt thực của bọn thực dân đã hiện nguyên hình.


Chiến tranh và người bản xứ. Chiến tranh có liên quan gì đến người bản xứ? Cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) giữa các nước đế quốc diễn ra ở chiến trường châu Âu tưởng như chẳng có quan hệ gì với người dân ở các xứ thuộc địa châu Á và châu Phi. Thế nhưng nó lại có quan hệ rất mật thiết. Bởi người dân thuộc địa bị sử dụng làm vật hi sinh cho quyền lợi của bọn thực dân đế quốc trong cuộc chiến tranh thảm khốc ấy. Để vạch trần tội ác và sự lừa bịp của chính quyền thực dân trong việc bóc lột thuế máu. Nguyễn Ái Quốc đã so sánh thái độ của các quan cai trị ở hai thời điểm: trước chiến tranh và khi cuộc chiến tranh đã nổ ra.


Trước chiến tranh, người dân bản xứ được xem là giống người hạ đẳng, bị đối xử, đánh đập như súc vật: Trước năm 1914 họ chỉ là những tên da đen bẩn thỉu, những tên "An-nam-mít" bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta. Khi chiến tranh vừa bùng nổ, lập tức họ được các quan cai trị tâng bốc, vỗ về, được phong cho những danh hiệu cao quí ấy thế mà khi cuộc chiến tranh vui tươi vừa bùng nổ, thì lập tức họ biến thành những đứa "con yếu, những người "bạn hiền” của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé nữa. Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho cái danh hiệu tôi cao là “chiến sĩ bảo vệ công lí và tự do”.


Đưa ra hai bức tranh tương phản về hai thái độ của các quan cai trị thực dân ở hai thời điểm khác nhau, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần được thủ đoạn lừa bịp bỉ ổi của chính quyền thực dân để bắt đầu biến người dân thuộc địa thành vật hi sinh. Và đây, sự bóc lột thuế máu của chúng thật tàn bạo: bảy mươi vạn người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp và trong số ấy, tám vạn người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quế hương đất nước mình nữa.


Để có được con số 70 vạn người, chính quyền thực dân cai trị thuộc địa đã sử dụng các thủ đoạn và mánh khóe bắt lính. Thủ đoạn và mánh khóe ấy được Nguyễn Ái Quốc gọi bằng một cái tên đầy mỉa mai: chế độ lính tình nguyện! Để che giấu sự thật, bọn cầm quyền thực dân đã dùng những lời lẽ bịp bợm: Các bạn đã tấp nập đầu quân, các bạn đã không ngần ngại rời bỏ quế hương biết bao trìu mến để người thì hiến dâng xương máu của mình như lính khố đỏ, kẻ thì hiến dâng cánh tay lao động của mình như lính thợ.


Chính quyền thực dân rêu rao về lòng tự nguyện đầu quân của người dân thuộc địa trong khi chính chúng đang tiến hành những thủ đoạn và mánh khóe bắt lính hết sức trơ tráo và bỉ ổi. Từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền ngược, khắp các hang cùng ngỗ hẻm ở các xứ thuộc địa, những cuộc lùng sục, vây bắt và cưỡng bức đi lính đã diễn ra: thoạt tiên, chúng tóm những người khỏe mạnh và nghèo khổ. Không ít người đã tìm cách thoát thân. Vì thế, bọn thực dân đã không ngần ngại trói, xích, nhốt họ như người ta nhốt súc vật, kể cả việc sẵn sàng trấn áp: Tốp thì bị xích tay điều về tỉnh lị, tốp thì trước khi xuống tàu, bị nhốt trong một trường học ở Sài Gòn có lính Pháp canh gác, có lưỡi lê tuốt trần, đạn lên nòng sẵn. Những cuộc biểu tình đổ máu ở Cao Miên…


Dã man hơn, đối với các thanh niên Xê-nê-gan không chịu đi lính chết thay cho bọn đế quốc, một tên thực dân Pháp bắt thân nhân họ ra hành hạ. Hắn bắt ông già, bà già, đàn bà có thai, con gái, đem lột trần truồng, hai tay bị trói ghì. Những nạn nhân bị bắt ấy phải chạy qua những thôn xã dưới làn roi vọt. Ghê tởm thay những cảnh dã man của nền văn minh Pháp! Ghê tởm hơn nữa là trong khi bắt lính, các quan cai trị thực dân còn lợi dụng để xoay xở kiếm tiền: sau đó chúng mới đòi đến con cái các nhà giàu. Những ai cứng cổ thì chúng tìm ngay ra dịp để sinh chuyện với họ hoặc gia đình họ, và nếu cần, thì giam cổ họ lại cho đến khi họ phải dứt khoát chọn lấy một trong hai con đường: đi lính tình nguyện, hoặc xì tiền ra.


Sang phần III của chương: Kết quả của sự hi sinh một lần nữa Nguyễn Ái Quốc lại cho người đọc thấy được bộ mặt trơ tráo tàn nhẫn của chính quyền thực dân được bộc lộ một cách trắng trợn: Khi đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi, thì những lời tuyên bố tình tứ của các ngài cầm quyền nhà ta bỗng dưng im bặt như có phép lạ, và cả người Nê-gơ-rô lẫn người An-nam-mít mặc nhiên trở lợi giống người bẩn thỉu.


Nguyễn Ái Quốc kể tiếp: Để ghi nhớ công lao người lính An Nam, chẳng phải người ta đã lột hết tất cả của cải của họ, từ chiếc đồng hồ, bộ quần áo mới toanh mà họ bỏ tiền túi ra mua, đến các vật kỷ niệm đủ thứ… trước khi đưa họ đến Mác-xây xuống tàu về nước đó sao? Chẳng phải người ta đã giao họ cho bọn súc sinh kiểm soát và đánh đập họ vô cớ đó sao? Chẳng phải người ta đã cho họ ăn như cho lợn ăn và xếp họ như xếp lợn dưới hầm tàu ẩm ướt, không giường năm, không ánh sáng, thiếu không khí đó sao? về đến xứ sở, chẳng phải họ đã được một quan cai trị thực dân biết ơn đón tiếp đón chào nồng nhiệt bằng một bài diễn văn yêu nước: Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thê là tốt. Bây giờ, chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi đó sao?.


Như vậy chiến tranh kết thúc thì cũng là lúc bọn thực dân đế quốc ngang nhiên và công khai lộ rõ bộ mặt tráo trở, vô nhân đạo. Người dân thuộc địa lại trở lại với giống người hèn hạ sau khi bị bóc lột kiệt cùng thuế máu. Đó là diều dễ hiểu bởi vì làm gì có chính nghĩa và công lí ở bọn thực dân! Dã man nữa chính quyền thực dân còn: không ngần ngại đầu độc cả một dân tộc để vơ vét cho đầy túi bằng cách cấp môn bài bán lẻ thuốc phiện cho thương binh người Pháp và vợ con tử sĩ người Pháp.


Ba phần của chương Thuế máu được bố cục theo trình tự thời gian: trước, trong, và sau khi xảy ra cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Với cách sắp xếp này, bộ mặt giả nhân, giả nghĩa trơ trên, bản chất tàn bạo của chính quyền thực dân xung quanh việc bóc lột thuế máu được phơi bày toàn diện và triệt để.


Thuế máu là chương mồ đầu đầy mãnh liệt và khủng khiếp như hồi I vở kịch Hăm-Lét bỗng vua cha xuất hiện giữa đêm khuya, vô cùng giận dữ và kêu gọi báo thù.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy