Bài văn phân tích tác phẩm "Vi hành" của Nguyễn Ái Quốc số 9
“Vi hành” không chỉ là tác phẩm có nội dung phản đế, phản phong sâu sắc mà còn là một sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời thể hiện một bút pháp văn xuôi hiện đại giàu tính châm biếm, đả kích sâu sắc của nhà văn bậc thầy Nguyễn Ái Quốc.
Sáng tạo trước hết ở cách đặt nhan đề của tác phẩm: "Vi hành". Nhan đề này đã vạch ra được mâu thuẫn trào phúng giữa địa vị tôn nghiêm của ông vua trong chuyến Tây du 1922 với bộ dạng của một tên hề, con rối của vua bù nhìn Khải Định. "Vi hành" vốn có nghĩa gốc tốt đẹp, nhằm chỉ hành động của các bậc hoàng đế vĩ đại cải trang làm người dân thường đi sâu vào nhân dân tìm hiểu xem họ sống ra sao, suy nghĩ như thế nào, để từ đó có đường lối cai trị đúng đắn, nhằm đem lại hạnh phúc thực sự cho dân.
Còn nay Khải Định cũng cải trang đi "Vi hành", nhưng là để làm những điều xấu xa, nhằm thoả mãn những dục vọng thấp hèn. Như thế là Bác đã biến đổi nghĩa gốc sang nghĩa mới có tính chất châm biếm sâu cay. Nguyễn Ái Quốc đã dùng chữ của Hoàng Đế để đánh vào đầu Hoàng Đế. Trong nghệ thuật đánh địch, người ta gọi đó là thủ pháp: lấy gậy ông để đập lưng ông. Ngòi bút của Bác quả là hóm hỉnh và rất giàu trí tuệ.
Sáng tạo nghệ thuật độc đáo của truyện ngắn “Vi hành”còn thể hiện ở chỗ bịa ra tình huống “nhầm lẫn”để khơi gợi trí tưởng tượng của người đọc. Nội dung truyện "Vi hành" đề cập đến một vấn đề hoàn toàn nghiêm túc và có thật. Đó là sự thực về tội lỗi xấu xa, nhân cách hèn hạ của tên vua bù nhìn bán nước Khải Định và về tội ác tày trời của thực dân Pháp. Ấy thế mà hình thức nghệ thuật lại như là chuyện "bịa".
Trong văn học, người ta gọi đó là "bịa nghệ thuật". Tác giả "bịa" ra hàng loạt cuộc nhầm lẫn do Khải Định "vi hành gây nên". Ớ đây tác giả đã sử dụng thủ pháp cường điệu trong nghệ thuật trào phúng. Trước hết là đôi nhân tình người Pháp nhầm Nguyễn Ái Quốc là Khải Định, và. sự nhầm lẫn ấy cứ "loang" ra mãi: Nhân dân Pháp "nhầm" và ngay đến Chính phủ Pháp đích thân mời Khải Định sang làm thượng khách lắm lúc cũng nhầm nốt.
Phải có sự nhầm lẫn này mới có cơ hội để lắng nghe một cách khách quan cuộc đối thoại của đôi trai gái để qua đó biết được dư luận của người Pháp đối với Khải Định. Và như thế là không phải tác giả quan sát Khải Định bằng con mắt châm biếm, căm ghét nó, mà bằng con mắt của người dân Pháp, đặc biệt là những thanh niên Pari đang háo hức những trò giải trí mới lạ.
Bộ dạng của tên vua bù nhìn vốn đã lố bịch, càng trở nên hài hước, lố bịch hơn (chẳng hạn người Việt Nam nhìn cái nón thì chẳng có gì lạ, nhưng người Pháp nhìn cái nón trên đầu Khải Định thì tưởng đó là chụp đèn; da thì bủng như vỏ chanh; thái độ thì nhút nha nhút nhát - đúng là một anh chàng Hoàng Đế nhưng đi lén lút; trang phục ăn mặc thì rất "lò'" có gì phô ra hết, đủ cả lụa là, gấm vóc, hạt cườm như một thằng người, như một cái giá áo không hơn (Ớ Pháp, đàn ông mà ăn mặc như vậy là rất "ngố" và vô văn hoá). Vả chăng, cách bình luận của người Pháp đổì với Khải Định cũng tự do, thoải mái hơn. Vì họ là dân của một nước dân chủ, vua chúa đối với họ chỉ là một thứ đồ cổ.
Qua cách nhìn và lời bình luận của người Pháp thì Khải Định chỉ đáng làm trò giả trí cho họ. Nhưng là trò giải trí không đáng giá nửa xu. Lời bình luận ấy nếu đặt vào miệng người Việt Nam yêu nước thì e sẽ biến thành lời thoá mạ, hằn học thiếu tự nhiên.
Trong nghệ thuật, người ta gọi đó là thủ pháp "gợi" chứ không phải "tả". Tả thì cần nhiều chi tiết và thường trực tiếp hơn. Gợi thì chỉ cần một số chi tiết ít ỏi. Nhưng thông qua trí tưởng tượng và sự suy đoán của người đọc vẫn có thể hình dung được một Khải Định như nó vốn có trong thực tế chuyến "Tây du" năm 1922. Bằng cách này, tác giả đã mô tả được chân dung Khải Định một cách đầy đủ trong mọi trường hợp khác nhau (ở trường đua, hiệu cầm đồ, và lén lút ăn chơi bừa bãi) mà không cần phải cho hắn xuất hiện.
Xét về nghệ thuật viết truyện ngắn, tạo ra được những tình huống đặc sắc để làm nổi bật chủ đề và tính cách nhân vật là cực kỳ quan trọng. Tác giả tạo ra được tình huống "nhầm lẫn" nói trên là một thủ pháp nghệ thuật cơ bản nhất của truyện "Vi hành". Nó góp phần quan trong làm cho câu chuyên trở nên trớ trêu, éo le, có kịch tính và do đó cũng hẫp dẫn hơn.
Dùng hình thức viết thư cũng là một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc đưa lại cho "vi hành" những hiệu quả thẩm mỹ độc đáo. Dùng cách viết thư, một thể văn hết sức tự do phóng túng và rất chủ quan, cứ phóng bút theo dòng cảm nghĩ chủ quan độc đoán của mình, Nguyễn Ái Quốc có thể đổi giọng, chuyển cảnh, liên hệ, so sánh một cách thoải mái tự nhiên.
(Chẳng hạn từ giọng trần thuật chuyện khách quan mắt thấy tai nghe trên tàu điện ngầm, đến giọng trữ tình khi nói về kỷ niệm thuở thiếu thời thân thiết với cô em họ; từ cảnh Pari chuyển thẳng đến cảnh ở quê nhà; rồi liên hệ từ chuyện nọ sang chuyện kia; đối tượng này sang đối tượng khác như chuyện vua Thuấn bên Tàu đến chuyện vua Pie ở bên Tây; từ chỗ châm biếm Khải Định đến chỗ châm biếm bọn thực dân và mật thám Pháp đối với những người Việt Nam yêu nước).
Ngoài những thủ pháp trào phúng quen thuộc mà ta thường gặp như khai thác mâu thuẫn trào phúng, phóng đại, dùng hình ảnh, từ ngữ châm biếm ("ngày nay, cứ mỗi lần ra khỏi nhà thật tôi không sao che giấu nổi niềm tự hào được là một người An Nam và sự kiêu hãnh có được một vị Hoàng Đế"), ba thủ pháp độc đáo nói trên làm cho ngòi bút của Bác trở nên sinh động, biến hoá, hấp dẫn: khi thân tình, khi dí dỏm; nói một điều mà toả ra bao nhiêu chuyên.
Qua đó, tác giả không chỉ dựng lên được chân tướng xấu xa lố bịch của Khải Định mà còn phơi bày được trước dư luận công chúng tất cả trò hề bịp bợm, những thủ đoạn nham hiểm, độc ác của thực dân Pháp (nào là chính sách "khai hoá" lừa bịp, sự đầu độc người bản xứ bằng thuốc phiện, rượu cồn, nào là chuyện quan thầy o bế tên bù nhìn - Khải Định ra sao; nào là chuyện các nhà "khai hoá" truy nã bủa vây người Việt Nam yêu nước nhất là Nguyễn Ái Quốc, trong dịp hắn sang ngao du ở Pari).
Quả là ngòi bút của Bác rất hàm súc, giàu trí tuệ và rất hiện đại, tạo ra được một thứ ngôn ngữ đa nghĩa một lời mà nhiều nghĩa, đa thanh - một lời mà nhiều giọng. Bắn một mũi tên mà nhằm trúng 2 kẻ thù: phong kiến tay sai và thực dân xâm lược với biết bao điều xấu xa và tội ác tày trời của chúng.
Cùng với những sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Ái Quốc, nghệ thuật châm biếm đã góp phần tạo nên thành công của truyện ngắn 'Vi hành". Đây xứng đáng là một kiệt tác của nền văn học nước nhà.