Bài văn phân tích tình huống truyện "Chiếc thuyền ngoài xa" số 7
Đối với một tác phẩm truyện ngắn điều làm nên linh hồn và thành công của truyện đó chính là cốt truyện hấp dẫn. Và để cho ra đời được một cốt truyện hấp dẫn đòi hỏi tác giả phải xây dựng được một tình huống truyện trau chuốt, mỹ mãn. Chiếc thuyền ngoài xa là một truyện ngắn như thế. Với một cốt truyện tài tình, bất ngờ Nguyễn Minh Châu đã truyền tải thành công được ý tưởng của mình và để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng độc giả.
Trước tiên ta cần hiểu tình huống truyện là gì mà lại có vai trò quan trọng đến như thế. Tình huống truyện là cách sắp xếp các sự việc, không gian, thời gian, nhân vật theo một trình tự hợp lí để thông qua đó nhân vật hiện lên với màu sắc tâm lý rõ nét nhất, làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Thông thường trong truyện ngắn có ba loại tình huống truyện phổ biến: tình huống hành động; tình huống nhận thức và tình huống tâm trạng. Trong đó, tình huống hành động là xây dựng hành động có tính bước ngoặt cho tạo hình nhân vật; tình huống tâm trạng thiên về cảm xúc, diễn biến tâm lí nhân vật ở mặt trong và mặt ngoài còn tình huống nhận thức là những giây phút nhân vật tự chiêm nghiệm; tự giác ngộ những chân lí thông qua những bối cảnh cụ thể. Truyện ngắn “ chiếc thuyền ngoài xa” được xây dựng trên tình huống truyện nhận thức.
Tình huống truyện đầu tiên được mở ra hết sức độc đáo: Anh phóng viên Phùng là một tay săn ảnh nghệ thuật. Phùng có thể bỏ ra vài tuần đi công tác và vài ngày để kiếm tìm cho mình một bức ảnh ưng ý. Vào một buổi sáng sớm lang thang trên bờ biển, anh vô tình bắt chụp khoảnh khắc tuyệt đẹp của đất trời sương mờ: hình ảnh con thuyền mở ảo trong sương sớm nhạt nhòa. Dưới con mắt người nghệ sĩ, cảnh vật ấy hiện lên thật đẹp, thật nên thơ: vẻ đẹp trên mặt biển mờ sương như một bức tranh mực tàu của danh họa thời cổ, mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa và màu hồng của mặt trời. Con người mang dáng dấp của sự làm chủ, vĩ đại đầy tự hào: ngồi im phăng phắc như tượng trên mũi thuyền đang hướng mặt vào bờ. Bức tranh thiên nhiên hiện lên trong tâm tưởng người nghệ sĩ mang vẻ đẹp thanh nhã, toàn bích, gây nên xúc động “bóp nghẹn trái tim”. Và rồi từ cái đẹp, người nghệ sĩ ấy thoảng thốt nhận ra rằng: À cái đẹp có sức lan tỏa vô cùng mãnh liệt, nó như gia vị làm sáng tâm hồn người, thanh lọc tâm hồn ta. Khoảnh khắc cái đẹp của tạo hóa lúc này choáng ngợp lấy tâm hồn Phùng, anh không cưỡng nổi lòng mình bấm máy lia lịa để thu hết cái khoảnh khắc đáng giá vô ngần ấy.
Thế nhưng khi con thuyền cập bờ, bước ra từ bức tranh toàn bích ấy lại là một câu chuyện đau xót. Đó là vẻ mệt mỏi, bơ phờ của những người hàng chài sau chuyến ra khơi mệt nhọc mà chẳng thu được gì. Là hình ảnh của người chồng vũ phu, thẳng tay rút chiếc thắt lưng lính ngụy ngày xưa ra quật tới tấp vào lưng vợ mình, vừa đánh vừa nguyền rủa cay nghiệt: “Mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ,,,” Người đàn bà không hề chống cự, phản kháng mà chỉ biết khóc lóc, van nài, cam chịu trong vô vọng, mặc cho ông chồng thẳng tay hành hạ thân xác mình. Tại sao lại như vậy? Hiện diện trong tâm trí Phùng khiến anh chẳng thể nào lí giải cho kì được. Chưa kịp định hình thì trước mắt anh hình ảnh một đứa trẻ nhỏ lao tới, đó có lẽ là đứa con của mụ đàn bà kia. Nó lao tới chỗ bố nó, giật chiếc thắt lưng rồi vung mạnh đập vào ngực bố nó để bảo vệ mẹ nó. Trời một đứa trẻ tại sao lại có thể làm như thế với người đã sinh ra nó có công dưỡng dục nó. Nghịch lý của của cuộc sống đã hiện diện quanh đây: một người vợ tốt bị hành hạ nhưng vẫn không bỏ chồng; một người chồng ghét vợ, đánh vợ nhưng không bỏ vợ và một đứa con có thể sẵn sàng xuống tay với bố để bảo vệ mẹ;..
Tình huống truyện đi từ những bất ngờ này đến bất ngờ khác, chuyển đổi linh hoạt, thống nhất đã bộc bạch nỗi niềm trăn trở của Nguyễn Minh Châu, đó là mối quan hệ giữa nghệ thuật giữa văn chương với cuộc sống con người. Bước ra từ một bức tranh toàn bích, đẹp đẽ chưa chắc đã là một sự hoàn hảo, đôi khi nó lại chính là một sự thật trần trụi. Nghệ thuật là một cái gì đó xa vời, mờ ảo như chiếc thuyền ngoài khơi xa; còn hiện thực cuộc sống lại chỉ được hiện diện khi nó được quan sát một cách trực tiếp, rõ nét, tai nghe mắt thấy. Nghệ thuật chỉ vẹn tròn và có ý nghĩa chỉ khi nó khắc họa được hết cuộc sống, phản ánh được cuộc sống, phát triển cuộc sống tốt đẹp hơn. Nỗi lòng của Nguyễn Minh Châu cũng thay lời mà Nam cao muốn gửi gắm: “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than… (Trăng sáng)”.
Đâu chỉ dừng lại ở đó, Nguyễn Minh Châu còn mang đến một triết lý nhân sinh sâu sắc qua một tình huống đặc sắc nữa. Đó chính là giây phút tại huyện khi người đàn bà được bao công Đẩu hết sức khuyên răn, đưa ra đủ mọi thứ lí lẽ hợp tình hợp lí trên đời nhưng người đàn bà kham khổ kia vẫn xin không bỏ chồng. Dưới con mặt người ngoài cuộc nhìn vào thì bỏ chồng là cách tốt nhất để giải thoát cho chị ta, để chị ấy được sống cuộc sống tốt đẹp hơn thế nhưng chị ta lại xin, van nài không cho bỏ chồng. Người đàn bà ấy có những lí lẽ cho riêng mình, người đàn bà ấy đã nhìn thấu suốt một cuộc đời, đã trải nghiệm những cái mà Đẩu và Phùng chưa bao giờ thấy được: “các chú đâu có thể hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhục…”, “ chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…”, “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không phải sống cho mình như ở trên đất được!.
Những lời thở than người đàn bà hàng chài khiến Đẩu và Phùng vỡ lẽ được nhiều điều: Phán quyết bỏ chồng của Tòa dưới con mặt của người ngoài đó là sự giải thoát cho người phụ nữ nhưng thực ra nó lại là quyết định đánh đổi hết tất cả của người vợ; người đàn bà dù mạnh mẽ đến đâu cũng cần có một bờ vai nương tựa, chở che; Người đàn ông vũ phu ấy lại đáng thương hơn là đáng trách và một chân lý không thể chối bỏ: những kiến thức sách vở chỉ là kẻ ngây thơ trước thực tế muôn màu, muôn sắc, phức tạp.
Với hai tình huống truyện độc đáo, bất ngờ được đặt xen kẽ, thống nhất trong cốt truyện đã làm nổi bật lên chiều sâu tư tưởng và giá trị cho truyện ngắn. Thông qua truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn nhắn gửi đến độc giả một triết lý vô cùng sâu sắc: Để thấu hiểu hết cái sự đời ta không nên chỉ ngắm nhìn nó qua lăng kính của sách vở mà phải đi sâu đi sát vào thực tế, tìm tòi, khám phá, và cảm nhận để có thể ngắm nhìn hết cái khối đa diện của cuộc sống.