Bài văn phân tích truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" số 4
A.Pu-skin là nhà văn lỗi lạc, đại thi hào dân tộc Nga. Ông đã để lại cho lớp lớp thế hệ sau nhiều tác phẩm có giá trị, sức sống lâu bền và một trong số đó là truyện "Ông lão cá đánh cá và con cá vàng". "Ông lão đánh cá và con cá vàng" được Pu-skin kể lại bằng 205 câu thơ, dựa trên cơ sở truyện dân gian của Nga và Đức. Với nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật và nội dung, truyện đã để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng sâu sắc.
Truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" là câu chuyện kể về hai vợ chồng ông lão đánh cá, "sống cùng nhau trong một túp lều nát trên bờ biển. Ngày ngày chồng đi thả lưới, vợ ở nhà kéo sợi". Và trước hết, nhân vật mụ vợ ông lão đánh cá là nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Mụ vợ là người có lòng tham không đáy. Sau khi nghe ông lão đánh cá - chồng của mụ kể về việc đánh được con cá vàng và con cá xin được ông tha mạng đồng thời hứa sẽ đền đáp cho ông, mụ đã liên tiếp đưa ra những yêu cầu với con cá, những yêu cầu ấy cứ ngày một tăng dần. Lần đầu tiên, mụ yêu cầu một chiếc máng lợn vì chiếc máng ở nhà đã sắp vỡ.
Sau khi được con cá đáp ứng, bà lão vẫn chưa hài lòng, bà bảo "một cái máng thì đã thấm vào đâu. Đi tìm lại con cá và đòi một cái nhà rộng". Lần này, mặc dù biển đã bắt đầu gợn sóng nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu của mụ và để rồi, "một ngôi nhà rộng và đẹp" vẫn không đủ thỏa mãn lòng tham của bà lão, bà lão lại một lần nữa đưa ra yêu cầu khác. Lần thứ ba, bà lão yêu cầu được làm nhất phẩm phu nhân. Ông lão lại một lần nữa ra biển cả, tìm con cá và nói lên ước muốn của mụ vợ, biển cả nổi sóng dữ dội nhưng vẫn chấp nhận yêu cầu ấy của mụ vợ.
Nhưng mụ vợ vẫn chưa hài lòng với vị thế đấy của mình, bà lại muốn trở thành nữ hoàng và khi trở thành nữ hoàng bà lại muốn trở thành Long Vương ngự trên mặt biển. Mụ vợ, với năm lần đưa ra yêu cầu theo cấp độ tăng tiến và trong số đó có những yêu cầu thật vô lí, điều đó cho thấy mụ vợ là một người tham lam vô độ, không có bất cứ điều gì có thể thỏa mãn được lòng tham ấy của bà. Thêm vào đó, mụ vợ còn là người độc ác, ích kỉ và bội bạc. Những điều ấy thể hiện rõ nét qua thái độ và cách đối xử của bà với chồng của mình. Khi con cá đã đáp ứng những yêu cầu của mụ thì mụ không còn xem ông lão đánh cá như người ngoài mà đuổi khỏi nhà. Mụ quát tháo, đánh vào mặt ông lão và thậm chí mụ còn xem ông lão là nô lệ, buộc ông lão phải đi quét dọn chuồng ngựa. Và như vậy, mụ vợ trong tác phẩm hiện lên là một người tham lam, độc ác và ích kỉ, đáng bị mọi người phê phán, lên án.
Trái ngược hoàn toàn với nhân vật mụ vợ đó chính là nhân vật ông lão đánh cá - chồng của mụ. Ông lão đánh cá hiện lên là một người hiền lành, thật thà, tốt bụng, lương thiện và chăm chỉ. Mặc dù cuộc sống của gia đình lão rất nghèo khó và vất vả nhưng ngày này qua ngày khác lão vẫn chăm chỉ, cần mẫn đi thả lưới. Không dừng lại ở đó, lòng tốt của lão còn được thể hiện khi lão bắt được con cá vàng. Theo lẽ thường, như những người làm nghề chài lưới khác, khi bắt được cá người ta sẽ mang ngay về nhà, nhưng ông lão lại hoàn toàn khác.
Sau nhiều lần quăng lưới và không thu về được gì, lão mới bắt được con cá vàng nhưng khi nghe con cá van xin, lão đã tha cho nó mà không một chút lăn tăn, suy nghĩ. Để rồi, khi con cá muốn được trả ơn, lão chẳng nhận gì cả mà chỉ đáp lại với con cá "Trời phù hộ cho ngươi. Ngươi trở về biển khơi mà vùng vẫy. Ta không đòi hỏi gì cả, ta cũng chả cần gì". Ông lão tốt bụng lương thiện là thế nhưng ta vẫn thấy ông lão là người hèn nhát, nhu nhược. Trước những yêu cầu của vợ mình, lão không chút phản đối mà một mực nhất nhất nghe mà làm theo. Trong tác phẩm, có lần lão đã có phản ứng lại với vợ của mình nhưng đó chỉ là lời cầu xin của lão đối với vợ chứ không phải là khuyên răn hay ngăn cản.
Thêm vào đó, trong tác phẩm, con cá cũng là một hình tượng giàu ý nghĩa và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Con cá là phần thưởng cho những người lương thiện, có lòng tốt, là biểu hiện sâu sắc cho chân lí "ở hiền gặp lành, ác giả ác báo của nhân dân ta". Hơn nữa, cá vàng còn đại diện cho công lí, lẽ phải khi trừng trị kẻ độc ác, tham lam, bội bạc. Đồng thời, cách kết thúc tác phẩm cũng có ý nghĩa sâu sắc, góp phần to lớn vào việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Truyện kết thúc bằng chi tiết "trước mắt ông lão lại thấy túp lều nát ngày xưa, và trên bậc cửa, mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ'. Có thể nói, đó là cách kết thúc tác phẩm đầy bất ngờ nhưng cũng rất hợp lí. Cách kết thúc tác phẩm ấy chính là sự trừng trị thích đáng đối với mụ vợ - kẻ tham lam, bội bạc. Đồng thời, kết thúc ấy cũng góp phần thể hiện chủ đề, ý nghĩa của tác phẩm.
Tóm lại, truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố hiện thực và yếu tố tưởng tượng, kì ảo đã cất lên lời ngợi ca về lòng biết ơn đối với những con người lương thiện, tốt bụng và nêu ra bài học những con người tham lam, bội bạc.