Bài văn phân tích truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" số 7
Puskin là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng người Nga. Được tôn vinh là đại thi hào, Mặt trời thi ca Nga ông đã có những đóng góp to lớn đối với nền văn học nước Nga. Puskin đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ, trong đó không thể không nhắc đến tác phẩm “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Câu chuyện khẳng định chân lý cái thiện luôn chiến thắng cái ác, “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”, những kẻ tham lam sẽ chịu những hình phạt thích đáng.
Câu chuyện kể về đôi vợ chồng nghèo, người chồng hằng ngày đi đánh bắt cá ngoài biển. Một hôm, ông bắt được một con cá vàng. Con cá xin ông tha mạng cho và hứa là sẽ cho những gì mà ông muốn. Nhưng mụ vợ của lão quá tham lam nên cuối cùng phải trở lại với cuộc sống nghèo khổ.
Trước khi bắt được con cá vàng thì ông lão sống một cuộc sống nghèo khổ, hằng ngày đi ra biển đánh cá, tuy vậy ông là một người lương thiện. Một hôm, ông bắt được một con cá vàng, con cá vàng mong được ông tha mạng, thả về đại dương và sẽ hoàn thành những điều mà ông muốn. Ta thấy, ông lão là một người nhân hậu, giàu tình thương, nghe vậy ông liền thả con cá trở về đại dương đồng nghĩa với việc ngày hôm đó ông không kiếm được gì mang về và ông cũng không đòi hỏi gì ở con cá. Sự độ lượng, bao dung của ông lão đối với sinh vật bé nhỏ khiến ta thấy trân trọng và ngợi ca. Ông mang chuyện đem về kể với vợ nhưng ông càng lương thiện, giàu tình thương thì mụ vợ nhà ông càng toan tính, mưu mô và trục lợi. Mụ vợ quát mắng ông, liên tục chửi mắng và sai khiến ông ra biển tìm cá vàng để thực hiện những ý muốn của mụ.
Ông lão không hề có sự quyết đoán mà chỉ lẳng lặng nghe lời vợ và ra biển nhờ cá giúp đỡ. Lúc đầu chỉ đơn giản là cái máng lợn vì cái máng lợn nhà ông lão đã bị nứt nẻ. Cá vàng liền đồng ý và khi trở về ông đã thấy một cái máng lợn mới. Rồi sau đó là những tham vọng của mụ vợ ngày càng tăng dần cũng đồng nghĩa với sự phụ thuộc, nhu nhược của ông lão ngày càng thể hiện rõ rệt. Mụ muốn một ngôi nhà đẹp, muốn làm nhất phẩm phu nhân, muốn làm nữ hoàng của vương quốc.
Những lần ông lão ra xin cá vàng để làm thỏa mãn những tham vọng của mụ vợ, hình ảnh những con sóng ngày càng dữ dội và đầy sóng gió thể hiện sự tham lam của mụ vợ ngày càng tăng cũng đồng thời là sự bất bình của cá vàng nhưng vẫn giúp ông lão đánh cá. Ông lão nhu nhược, chỉ biết đi cầu xin cá vàng mà không hề dám quyết đoán một lần, bị mụ vợ lên mặt chửi bới, sai bọn hầu đánh đuổi. Qua đó, ta thấy được sự nhu nhược của ông lão Cá vàng rất thương ông lão, dù không muốn giúp mụ vợ nhưng luôn khuyên ông lão trở về và “trời sẽ phù hộ cho ông”.
Nhưng đến lần thứ năm, mụ vợ muốn trở thành Long Vương ngự dưới Thiên Cung và bắt cá vàng về hầu hạ mụ. Lần này, cá vàng không nói không rằng mà lẳng lặng lặn xuống biển. Ông lão bất ngờ, không biết thế nào, chờ một lúc lâu thì trở về nhưng khi trở về ông vô cùng bất ngờ. Tòa lâu đài không còn, bọn hầu hạ cũng chẳng thấy đâu, thay vào đó là hình ảnh mụ vợ ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ ngày nào với túp lều tranh xơ xác.
Câu chuyện là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những người tham lam, được voi đòi tiên, với lòng tham vô đáy thì sẽ phải chịu những hậu quả chính đáng và cái ác luôn bị đẩy lùi bởi cái thiện. Hình ảnh mụ vợ trở về cái máng lợn sứt mẻ và túp lều xơ xác là kết quả của những tham vọng không chính đáng. Đồng thời, câu chuyện cũng lên án, phê phán sự nhu nhược, phụ thuộc của ông lão. Chính bản chất hiền lành, độ lượng đã khiến ông trở thành một người chồng thiếu quyết đoán và kiên định. Hình ảnh cá vàng là đại diện cho những ước mơ của con người nhưng khi những ước mơ trở thành tham vọng thì nó sẽ không thành hiện thực khi ngoài khả năng thực hiện và lúc đó trở về con số không là điều hiển nhiên.
Câu chuyện cũng là lời khuyên cho mỗi chúng ta cần có những mong muốn chính đáng để không biến nó trở thành tham vọng, lòng tham vô đáy để cuối cùng trở về cái máng lợn…