Bài văn phân tích ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo số 6
Truyện ngắn Chí phèo có thể coi là kiệt tác của nền văn học Việt Nam thế kỉ 20. Cái khiến người đọc nhớ đến nhân vật Chí Phèo nhiều nhất, có lẽ là tiếng chửi người, chửi đời của hắn. Tiếng chửi của Chí Phèo là một “đặc sản”, một âm thanh khác thường chưa từng thấy ở đâu. Tiếng chửi ấy được nhà văn lồng ghép trong nghẹ thuật trần thuật hết sức tài tình, khéo léo như một nhà điêu khắc, khắc tạc từng đường nét của pho tương sống Chí phèo.
Nghệ thuật trần thuật hiểu đơn giản là cách kể các tình tiết sao cho sống động, lôi cuốn, thể hiện rõ nhất tư tưởng, tình cảm mà nhà văn muốn gửi gắm. Về mặt kết cấu trần thuật, việc nhà văn đưa tiếng chửi của Chí Phèo lên đầu tác phẩm đã tạo ấn tượng mạnh và có sức lôi cuốn người đọc. Ở đây, Nam Cao đã từ bỏ cách kể chuyện tuyến tính truyền thống, mà chuyển sang kết cấu hồi tưởng, đồng hiện è Cách kể chuyện tạo tính bất ngờ, sắp xếp các chi tiết quan trọng trong tác phẩm, khiến người đọc tưởng như ngẫu nhiên mà thật ra có quy luật tất yếu.
Nghệ thuật trần thuật nửa trực tiếp được Nam Cao sử dụng rất thành công. Về hình thức, đoạn văn là lời kể của tác giả, nhưng trong đó ta có thể nghe được ba giọng: Thứ nhất, đó là giọng chửi tức tối của Chí Phèo (“Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật..”). Thứ hai, đó là chất giọng lạnh nhạt, thờ ơ của người làng Vũ Đại (“chắc nó trừ mình ra”). Thứ ba, đó là giọng trần thuật khi lạnh lùng khinh bạc, khi sôi nổi của Nam Cao. Đoạn văn như thấu tóm cái hồn của ngôn ngữ đời sống, trở nên sinh động, lôi cuốn. Mặt khác, đoạn tiếng chửi có tác dụng như một cuộc đối thoại giữa nhà văn và nhân vật, từ đó làm bật lên tư tưởng, chủ đề tác phẩm.
Tiếng chửi của Chí Phèo có tính chất tăng cấp. Đầu tiên là tăng cấp về đối tượng: “trời”, “đời”, “tất cả làng Vũ Đại”, “đứa nào không chửi nhau với hắn”, “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này” è Đi từ trừu tượng đến cụ thể, từ xa đến gần, từ chửi người đến chửi mình. Tiếp đến là tăng cấp về cảm xúc: “Tức mình”, “Tức thật!”, “Thế này thì tức thật!”, “Tức chết đi được mất”. Như vậy, sau mỗi tiếng chửi, tình thế bi đát và bi kịch của cuộc đời Chí Phèo cũng tăng theo.
Qua tiếng chửi, Nam Cao đặt ra một nghịch lý trước người đọc: Chí Phèo say hay tỉnh? Rõ ràng ông đã khẳng định “cứ rượu say là hắn chửi”. Nhưng nếu đó là tiếng chửi của một người say và mất hết ý thức, tại sao lại lớp lang rành mạch (sự tăng cấp giữa các đối tượng), tại sao vẫn nhận ra “thân hắn khổ đến nông nỗi này” è Say mà tỉnh, tỉnh mà say, đó là trạng thái lưỡng phân của hình tượng Chí Phèo, qua đó Nam Cao hé lộ cho người đọc thấy được ý thức tỉnh táo của Chí Phèo sau cái vô thức của kẻ say, nỗi đau con người sau hình thù quỷ dữ, khát vọng lương thiện sau những hành động, lời nói côn đồ, ác độc.
Ngay ở đoạn văn tiếng chửi mở đầu tác phẩm, tác giả đã trình bày ba bi kịch chính của Chí Phèo, và đó cũng là nền tảng triển khai những bi kịch này xuyên suốt tác phẩm.Trước hết đó là bi kịch số phận của một người nông dân cùng khổ bị đẩy vào bước đường cùng. Cả cuộc đời Chí Phèo chỉ là con số không, không cha không mẹ không gia đình, không tài sản của cải. Chí Phèo chửi cha mẹ mình, thực ra chính là chửi chính mình, chửi chính số kiếp đau đớn của mình. “Nhưng biết đứa nào đẻ ra Chí Phèo”, câu hỏi ấy vang lên không lời đáp như chính sự bế tắc, bất lực của Chí, một kẻ bị chối bỏ ngay từ khi mới ra đời và phải sống cả kiếp người – thú đau đớn, chật vật.
Sau đó là bi kịch tha hóa, biến đổi cả nhân tính lẫn nhân hình. Cùng với việc đánh mất nhân hình, tiếng chửi và hành động rạch mặt ăn vạ, đập phá, đâm chém chính là những biểu hiện của quá trình “lưu manh hóa”, dần biến Chí Phèo thành “Con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Cuối cùng (và cũng là cao nhât), bi kịch bị tước đoạt quyền làm người. Tiếng chửi của Chí Phèo không có một lời đáp. Bởi vì, tất cả dân làng Vũ Đại đều không xem Chí Phèo là con người. Đây là hệ quả tất yếu từ những đau thương mà Chí Phèo gây ra cho họ è Tình cảnh “chỉ ba con chó dữ với một thằng say rượu” cho thấy sự cô đơn tận cùng của Chí Phèo, bị chối bỏ, bị đẩy ra ngoài xã hội người của làng Vũ Đại, bị tước đoạt quyền làm người è Tiếng chửi của Chí Phèo, do vậy, chính là một nỗ lực tuyệt vọng để giao tiếp, chính là tiếng kêu cứu của khao khát lương thiện trong vô thức của Chí Phèo, là “tiếng hát lộn ngược” vô vọng tìm sự sẻ chia, thấu hiểu.
Qua chi tiết tiếng chửi, ta thấy được bút pháp hiện thực của Nam Cao rất nghiêm nhặt. Bằng giọng văn lạnh lùng, sắc lạnh, Nam Cao vừa gợi ra được mối quan hệ giữa Chí Phèo (tính cách điển hình) với làng Vũ Đại (hoàn cảnh điển hình), vừa gợi ra được số phận, bi kịch của nhân vật trung tâm. Mặt khác, ẩn sâu trong giọng điệu tự sự lạnh lùng có phần khinh bạc ấy, là một trái tim yêu thương, thấu hiểu, xót xa thấm thía của một tấm lòng đau người, đau đời tha thiết.
Đoạn trích tiếng chửi của Chí Phèo thể tài năng nghệ thuật bậc thầy của Nam Cao. Nhà văn sử dụng kết cấu đi thẳng vào vấn đề chính: trong tiếng chửi hội tụ các vấn đề quan trọng mà tác giả muốn triển khai è Cách dẫn dắt cuốn hút, hấp dẫn người đọc. Cách kể chuyện đa chủ thể. Bằng lời nửa trực tiếp, tiếng chửi vừa có điểm nhìn của Nam Cao, vừa có điểm nhìn của Chí Phèo, vừa có điểm nhìn của làng Vũ Đại è Đoạn văn là tổng hòa của các cuộc đối thoại: cuộc đối thoại dân chủ giữa nhà văn và bạn đọc; cuộc đối thoại giữa tác giả và nhân vật; cuộc đối thoại vô vọng giữa Chí Phèo và dân làng Vũ Đại… Ngôn ngữ sống động, đa giọng điệu. Nghệ thuật trần thuật cũng đạt đến trình độ bậc thầy, làm nên sức sống cho tác phẩm.