Bài văn phân tích ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo số 10

Nhà văn M.Gorki đã từng nói "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Văn học chính là đứa con tinh thần của mỗi nhà văn, nhà thơ được cấu thành từ nhiều yếu tố. Đó là sự chắt lọc về mặt ngôn ngữ, việc xây dựng hình ảnh đầy dụng tâm của nhà văn, nhà thơ. Một tác phẩm dài ngắn không quan trọng, mà hơn cả đó chính là sự neo đậu trong lòng người. Đôi khi chỉ cần một chi tiết nhỏ nhưng lại để lại dấu ấn muôn đời, tạo thành nét riêng độc đáo của tác giả. Và chi tiết tiếng chửi trong Chí Phèo của Nam Cao cũng vậy, nó để lại ấn tượng sâu sắc để mỗi lần nhắc đến Chí Phèo người ta lại nghĩ ngay đến tiếng chửi bất mãn của hắn.


Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân nay là xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh là Nam Cao. Với 15 năm cầm bút, ông đã kịp để lại một khối lượng tác phẩm không nhỏ, đặc biệt trong hệ thống tác phẩm của ông nổi bật là phong cách trữ tình, sâu lắng, trào lộng, xót xa, hóm hỉnh mà tế nhị, sang trong mà bình dị, tinh vi mà khái quát. Thời gian đầu cầm bút, Nam Cao chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn đương thời. Dần dần nhận ra văn chương đó xa lạ với đời sống lầm than của người lao động, ông đã đoạn tuyệt với nó và tìm đến con đường nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa. Nam Cao nhận thức nghệ thuật phải gắn bó với đời sống, nhìn thẳng vào sự thật tàn nhẫn, phải nói lên nỗi thống khổ, cùng quẫn của nhân dân và vì họ mà lên tiếng. Chí Phèo là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao viết vào tháng 12 năm 1941. Đây là tác phẩm xuất sắc, thể hiện nghệ thuật viết truyện độc đáo của tác giả. Đồng thời thể hiện tấm bi kịch của một người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội.


Ngay từ đầu tác phẩm, Nam Cao đã để nhân vật của mình xuất hiện một cách độc đáo với tiếng chửi. Chí Phèo xuất hiện lần đầu trước mắt người đọc không phải bằng xương thịt mà là bằng tiếng chửi '' hắn vừa đi vừa chửi '' . Đó là hình ảnh vừa quen vừa lạ. Quen vì đó là tiếng chửi của những người say rượu, không thể nhận thức đúng đắn: Chí '' chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn''. Tiếng chửi hướng tới các đối tượng từ mơ hồ, vu vơ đến cụ thể. Lạ vì Chí chửi nhưng không có người nghe chửi và cũng không có ai chửi lại Chí ngay cả khi hắn trực diện '' cả làng Đại Vũ '' và chửi cụ thể có đối tượng '' cha đứa nào không chửi nhau với hắn''. Càng lạ hơn nữa khi nghe Chí Phèo không còn biết chửi ai, đã quay ra chửi những người đã đẻ ra thân hắn. Cây đắng thay khi đáp lại những uất ức, bất mãn của Chí lại là '' tiếng chó cắn lao xao''. Chí đã bị đánh bật ra khỏi cái xã hội loài người. Xã hội mà dù sống trong nó Chí cũng không còn được xem là con người.


Đó là một tiếng chửi vật vã, đau đớn của một thân phận con người ít nhiều nhận thức được bi kịch của chính mình. Tiếng chửi là toàn bộ phản ứng của Chí với cuộc đời bộc lộ tâm trạng phẫn uất, bất mãn khi ý thức được mình bị xã hội gạt ra khỏi thế giới loài người và tiếng chửi của Chí Phèo cũng chẳng có ai đáp lại, không có ai còn ra điều với hắn, cũng có thể vì sợ, cũng có thể vì chẳng ai coi hắn là người nữa. Tiếng chửi ấy là tiếng kêu tuyệt vọng của một con người cô đơn cần được giao tiếp dẫu là cách giao tiếp hạ đẳng nhất nhưng người dân Vũ Đại quen coi hắn là quỷ dữ mất rồi... Qua tiếng chửi ấy, ta nhận ra bốn thái độ: thái độ hằn học, hận thù của người chửi, thái độ dửng dưng, khinh miệt của người nghe, thái độ xót xa, thương cảm của nhà văn và thái độ tò mò, thương xót của người đọc... Cuộc đời cay đắng của con người đau khổ ấy còn đi đến đâu và như thế nào sẽ là một ẩn số với người đọc...


Tiếng chửi hé lộ cuộc đời đau thương của một con người nhận biết được bi kịch của mình mà đang cố gắng vùng vẫy để thoát ra. Đó là bi kịch sống giữa cuộc đời mà bị tước quyền làm người . Đây là cách vào truyện độc đáo. Bằng cách này, Nam Cao đã tạo được ấn tượng trong bạn đọc về nhân vật chính với đầy sự băn khoăn, thắc mắc: vì sao trên đời lại có một kẻ tha hóa đến như vậy? Vì sao nó chửi mà không có ai chửi lại? Ngôn ngữ kể chuyện, trần thuật, dựng chân dung nhân vật rất đặc sắc, kết hợp điêu luyện, sinh động các dạng thức ngôn ngữ nghệ thuật như ngôn ngữ của tác giả, của người kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật, cách trần thuật linh hoạt, lúc thì theo điểm nhìn của tác giả '' hắn vừa đi vừa chửi'', khi thì theo điểm nhìn nhân vật: ''Tức thật ! Ờ ! Thế này thì tức thật !...điều đó đã tạo nên một đoạn văn đa giọng điệu.

Ta đã từng đau xót cho số phận nghèo khổ, tăm tối của chị Dậu, chị Dậu nghèo tới mức phải bán con, bán chó, bán sữa nhưng Ngô Tất Tố không để chị bán nhân phẩm của mình. Còn Chí Phèo, hắn đã bán cả linh hồn cho quỷ dữ với cái giá rẻ bèo và cuối cùng bị ghẻ lạnh, cô đơn trong chính xã hội loài người. Trong đoạn văn, cứ sau một lời kể khách quan mang tính chất thông báo là một lời nhận xét của tác giả. Như vậy, bằng hiện tượng đa nghĩa của giọng điệu, ta không chỉ thấy thái độ, tình cảm của nhân vật mà còn cảm nhận được trái tim nhà văn đang lên tiếng. Đằng sau lời văn lạnh lùng gần như sắc lạnh ấy lại là một tấm lòng xót thương sâu sắc cho nhân vật và cả sự căm phẫn xã hội vô nhân đạo đã đẻ ra hiện tượng Chí Phèo.


Nhìn sâu vào tác phẩm và tâm hồn của Chí, rõ ràng đây không phải là tiếng chửi, mà là tiếng lòng thống thiết từ trái tim bị chà đạp đến tận cùng và nó bật lên thành tiếng kêu thương đau đớn với hình thức biểu đạt một cách xót xa đó là tiếng chửi. Vì vậy, mặc dù chửi, chúng ta vẫn thấy thương, vẫn thấy đau đáu, vẫn thấy day dứt trăn trở khôn nguôi... dù những trang viết của Nam Cao đã cách xa chúng ta gần thế kỉ. Chi tiết tiếng chửi của Chí Phèo đã góp phần làm nên thành công của nhà văn lớn Nam Cao. Nó đã khái quát lên một chân lý nghệ thuật "nghệ thuật chân chính không những tìm thấy cái bình thường trong sự phi thường mà còn phát hiện cái phi thường trong sự bình thường, thậm chí tầm thường". Chỉ có nhà văn lớn có khối óc và trái tim lớn mới làm được điều đó.

Bài văn phân tích ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo số 10
Bài văn phân tích ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo số 10
Bài văn phân tích ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo số 10
Bài văn phân tích ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy