Bài văn phát biểu cảm nghĩ bài "Sông nước Cà Mau" số 8
Đoạn tích “Sông nước Cà Mau” của Đoàn Giỏi đã cho người đọc thấy được một vẻ đẹp của cảnh sông nước Cà Mau rộng lớn, bao la, hùng vĩ. Đồng thời cảnh chợ Năm Căn với cuộc sống tấp nập, trù phú, độc đáo của vùng đất tận cùng Tổ quốc. Bài văn “Sông nước Cà Mau trích từ chương XVIII truyện “Đất rừng phương Nam”. Trước tiên, đoạn trích hiện lên một bức tranh sông nước Cà Mau. Vị trí của người miêu tả là ở trên thuyền, vị trí đó giúp người miêu tả quan sát một cách bao quát và chi tiết nhưng cảnh vật xung quanh.
Trước tiên, đoạn văn đầu tác giả thể hiện ấn tượng ban đầu bao trùm về sông nước ở vùng này bằng các giác quan. Đó là thị giác khi quan sát các kênh rạch chằng chịt, chi chít như mạng nhện. Sau đó là các hình ảnh thiên nhiên toàn màu xanh mát như trời xanh, nước xanh, chung quanh chỉ toàn màu xanh của lá cây. Không chỉ cảm nhận bằng thị giác, tác giả còn cảm nhận cảnh vật ở đây bằng thính giác: “ Tiếng rì rầm bất tận của những khu rừng, tiếng sóng rì rào…. những âm thanh đơn điệu triền miên”. Quang cảnh ở đây tác giả nhận xét chỉ lẳng lặng một màu xanh đơn điệu.
Đoạn văn thứ hai, tác giả đã liệt kê, đồng thời giải thích cách đặt tên cho các dòng sông, con kênh ở vùng Cà Mau. Ở đây, những cái tên người ta không đặt một cách hoa mĩ, mà đặt theo đặc điểm riêng biệt của nó. Như gọi rạch Mái Giầm vì hai bên bờ tạch mọc toàn những cây mái giầm, gọi kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng….. rồi đến kênh Ba Khía, cả xã Năm Căn. Tất cả những tên gọi đó một phần nào thể hiện nét văn hóa ở vùng đất Cà Mau này. Những địa danh đó gắn với cuộc sống người dân nơi đây.
Sự sống động của vùng đất này thể hiện rõ nhất bắt đầu từ câu : “ Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn”. Đoạn này đã miêu tả một khung cảnh hùng vĩ, rộng lớn của dòng sông và rừng đước. Những động từ như “ chèo”, “ đổ ra” “ xuôi về” thể hiện hành trình của con thuyền.Các từ ngữ chỉ màu sắc như “ cá nước bơi hàng đàn đen trũi” ; “ sóng trắng”, màu sắc của rừng đước “ màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh lọ..” Tác giả đã miêu tả dòng sông Năm Căn với cả về không gian rộng lớn, mênh mông, cả về chiều dài để cảm nhận nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm. Hình ảnh “ rừng đước” dựng lên cao ngất được so sánh như hai dãy trừng thành vô tận đã cho chúng ta thấy được phần nào sự lớn lao, hùng vĩ ở đây. Một bức tranh sơn thủy hữu tình thật đẹp và lộng lẫy.
Đoạn văn cuối cùng đã cho người đọc thấy được một khung cảnh phiên chợ Năm Căn với cuộc sống tấp nập, trù phú. Đó là hình ảnh của những túp lều thô sơ nằm cạnh ngôi nhà gạch văn minh hai tầng. Rồi đến những bên vận hà nhộn nhịp dọc con sông, những ngôi nhà bè ban đêm sáng rực. Sau khi nói đến những ngôi nhà, tác giả chuyển sang giới thiệu về các món ăn nổi tiếng: món xào, món nấu Trung Quốc, thịt lợn nướng ướp kiểu địa phương kèm theo vài cút rượu. Ngoài ra là các vật dụng cần thiết như cây kim, sợi chỉ, bộ quần áo, món trang sức nữ đắt tiền…. Hình ảnh của những người con gái hoa Kiều bán hàng, những người Chà Châu Giang, những bà cụ già người Miên bán rượu…. Tất cả khung cảnh đó đều diễn ra trong phiên chợ Năm Căn mà chỉ ở đây có được. Qua đoạn này, chúng ta hiểu được phần nào cuộc sống của người dân nơi đây.
Tóm lại, đoạn trích “ Sông nước Cà Mau” đã cho người đọc thấy được vẻ đẹp hùng vĩ, bao la của vùng sông nước ở tận cùng đất nước Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được nét văn hóa, cuộc sống của người dân nơi đây. Sau khi học xong bài này, ta càng yêu mến đất nước Việt Nam mình.