Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Bức tranh của em gái tôi" số 4
Bức tranh của em gái tôi của nhà văn Tạ Duy Anh như một lời tâm sự, thủ thỉ của tác giả với bạn đọc về thói đố kị trong cuộc sống. Câu chuyện xoanh quanh một bức tranh và cách hành xử giữa hai đứa trẻ với những lời nhắn nhủ sâu sắc về tình yêu thương, lòng vị tha, sự ích kỷ đáng để chúng ta suy ngẫm.
Tác phẩm kể về Kiều Phương, cô bé đáng yêu có biệt danh là Mèo và người anh trai. Kiều Phương rất thích vẽ, cô bé vẽ tất cả mọi vật trong gia đình: con mèo, bát múc cám,… nhưng tất cả các bức vẽ ấy đều được đưa vào vòng bí mật và nó chỉ thực sự bị phát hiện khi Mèo chia sẻ những bức tranh với bé Quỳnh – con gái của bạn bố Kiều Phương. Từ đây tài năng hội họa của Kiều Phương mới được cả nhà biết đến. Trước tài năng hội họa của con gái, bố mẹ cô bé đã vô cùng ngỡ ngàng, ngạc nhiên “Con gái tôi vẽ đây ư?” “Ôi, con đã cho bố một bất ngờ quá lớn” .
Tuy nhiên, khi tài năng của em gái được phát hiện cũng là lúc tình cảm của người anh trai với em rạn nứt, người anh sinh đố kị, ghen ghét và không còn yêu thương em như trước. Người anh thất vọng, cảm thấy bản thân mình chẳng có chút tài năng nào “tôi luôn thấy mình bất tài nên bị đẩy ra ngoài” . Cả gia đình chú ý, quan tâm, chăm sóc cho đứa em gái tài năng còn người anh tự đẩy mình trở thành người ngoài cuộc. Bởi vậy, bất cứ hành động nào trước đây là đáng yêu của em gái thì hiện tại lại làm người anh “gắt um lên” “chỉ thấy nó chọc tức” ,… Bản thân người anh tự cô lập mình, tự đẩy mình ra xa gia đình hơn. Phải chăng chính điều ấy càng làm tăng thêm thói ghen ghét, đố kị của người anh với cô em gái nhỏ Kiều Phương.
Dù nhận lại thái độ thờ ơ, dửng dưng thậm chí tức giận của anh trai nhưng Kiều Phương vẫn luôn yêu thương và quan tâm đến anh. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong bức tranh mà Kiều Phương vẽ khi đi thi. Không phải bố, không phải mẹ, mà chính là người anh trai mà cô bé hằng yêu quý. Nhìn bức tranh ấy ta không thấy một người anh hay mắng mỏ, quát nạt, đố kị với tài năng của em, mà là một người anh hoàn hảo, đang “ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi không chỉ sự suy tư mà con rất mơ mộng nữa” . Đó là hình ảnh một người anh yêu thương em hết mực, tâm hồn trong sáng, đầy suy tư, đây là chân dung người anh hoàn hảo trong suy nghĩ của Kiều Phương.
Đứng trước bức tranh vẽ chính mình người anh ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện và cuối cùng là sự xấu hổ tột cùng. Trong mắt em mình lại hoàn hảo đến vậy ư? Người anh xấu hổ vì đã cáu giận với em, xấu hổ vì thói đố kị và xấu hổ trước sự trong sáng, tấm lòng bao dung, nhân hậu em dành cho mình, bởi vậy mà cậu đã nói: “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy” . Câu nói đầy xúc động và chân thật, đó cũng là lúc người anh hiểu được những lỗi lầm của mình, hiểu được tấm lòng em gái dành cho mình.
Câu chuyện ngắn gọn được trần thuật theo dòng thời gian, với ngôi kể thứ nhất (người anh) đã bộc lộ được những cung bậc cảm xúc khác nhau, khiến cho câu chuyện không chỉ chân thực mà còn rất cảm động. Người anh đã tự kể về những thói ích kỉ, hẹp hòi tầm thường để tự thấy xấu hổ, muốn khóc vì tấm lòng trong sáng của người em. Bởi vậy câu chuyện có sức thuyết phục hơn, xúc động và hấp dẫn hơn. Không chỉ lựa chọn ngôi kể phù hợp, Tạ Duy Anh còn sử dụng ngôn ngữ kể chuyện ngắn gọn, hàm súc, các từ ngữ miêu tả tâm trạng sắc nét. Ngôn ngữ đối thoại cũng là một điểm nhấn trong truyện, nó phù hợp với tâm lí, lứa tuổi của từng nhân vật.
Câu chuyện khép lại, để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc. Bằng nghệ thuật lựa chọn ngôi kể và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, tác phẩm đã cho thấy tình cảm trong sáng, hồn nhiên, tấm lòng nhân hậu, vị tha của người em đã làm cho người anh nhận ra phần hạn chế trong tính cách và lối ứng xử của mình.