Bài văn so sánh khát vọng tình yêu trong "Sóng" và "Vội vàng" số 1

“Thơ dù viết về ai, cái gì, xét đến cùng vẫn là sự bộc lộ cái tôi nhà thơ.” (Thanh Thảo). Tiếng nói trữ tình trong thơ bao giờ cũng thuộc về ngôi thứ nhất, là tiếng nói bên trong của một cái tôi cá nhân, cá thể của nỗi niềm, tâm trạng. Vì vậy, cùng nói về khát vọng tình yêu, Xuân Quỳnh nói:


“Làm sao được tan ra...

Để ngàn năm còn vỗ”

(Sóng)


còn Xuân Diệu trong bài thơ “Vội vàng” lại từng bộc bạch:

“Ta muốn ôm...

Cho no nê thanh sắc của thời tươi”


Tình yêu vốn là một đề tài quen thuộc đi về trong thơ ca muôn đời. Ta từng thổn thức trước nỗi nhớ của người con gái trong “Khăn thương nhớ ai”, ta từng đau lòng cho mối tình chớm nở của Kim – Kiều, ta từng xót xa cho sự chờ đợi vò võ canh khuya của người chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm”. Và có lẽ, gắn với tình yêu là muôn ngàn suy ngẫm, muôn ngàn cách nghĩ, muôn vàn khát vọng. Với Xuân Quỳnh – một người phụ nữ với trái tim luôn rực cháy lòng yêu, chị tin vào tình yêu chân chính, chị thể hiện một cái tôi đầy nữ tính, duyên dáng và ý nhị đối với tình cảm thiêng liêng của loài người. Còn với thi sĩ Xuân Diệu, một người nghệ sĩ suốt đời đi tìm “lầu thơ trên mặt đất”, ông khao khát có một tình yêu trọn vẹn và cháy bỏng, muốn đem hết thảy cái dào dạt, mãnh liệt của tâm hồn để chiếm đoạt lấy tình yêu của tạo hóa. Đi về trong hai sáng tác nổi bật là hai cách viết, hai cách thể hiện, mang đậm dấu ấn cá nhân của mỗi người nghệ sĩ, tạo cho thế giới thơ ca những xúc cảm không ngờ, là những “tự truyện của một khát vọng” (J.M.Maulpoix).


“Sóng” là sản phẩm của chuyến đi thực tế về vùng biển Diêm Điền của nữ sĩ. Trước sự ào ạt của sóng bể và ngọn gió của muôn trùng biển khơi, nhà thơ đã không nén nổi lòng mình cất lên tiếng hát của nỗi lòng. Để lại trong bài thơ không chỉ có tình yêu, đó còn là khát vọng, là khao khát của một trái tim yêu nồng nàn, mãnh liệt:


“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.”


Hình ảnh sóng hòa vào khát vọng được dâng hiến, hòa mình vào biển lớn tình yêu. Hai chữ “tan ra” thể hiện khát vọng được hóa thân vào sóng để tồn tại trong cái không gian vô tận của biển cả vĩnh hằng. Con sóng lớn ấy muốn hóa thân mình thành trăm ngàn con sóng nhỏ hơn để được hòa mình vào biển khơi vô tận, để trải lòng mình, để quyện hòa và hiến dâng tất cả cho người tình biển khơi. Khát vọng ấy là khát vọng dâng hiến trong tình yêu, muốn dùng tình yêu để nối dài cái hữu hạn, ngắn ngủi của cuộc đời. Khát vọng xem chừng đầy hi sinh đó khiến người đọc nhớ về chuyện nàng tiên cá đã biến mình thành bọt biển. Sự hóa thân ấy dù đau lòng nhưng đó là biểu hiện của sự hi sinh, thà để bản thân tan biến chỉ để cho người mình yêu được hạnh phúc. Phải chăng liên tưởng ấy đã hé mở hình ảnh một người con gái giàu khát vọng hi sinh, sẵn sàng hi sinh tất cả cho tình yêu chân chính? Mục đích của cô gái ấy là gì, phải chăng là:


“Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”


Sự hóa thân ấy không phải là vô nghĩa, sự hóa thân ấy cũng không phải sự tan biến vĩnh viễn. Sóng sẵn sàng tan ra thành ngàn con sóng nhỏ hơn để hòa mình vào muôn trùng sóng bể, để ngàn năm trôi đi thì những lớp sóng ấy vẫn kéo dài mãi mãi. Những dòng thơ kết lại tác phẩm vẫn mang nhịp đập thổn thức của một trái tim yêu tha thiết và mãnh liệt. Vì vậy, “Sóng” đã trở thành một trong những bản tình ca đẹp nhất trong văn học Việt Nam hiện đại.


Trước Xuân Quỳnh, từng có một nhà thơ đã có khao khát mãnh liệt như thế, một nhà thơ Mới với cách viết mới, suy nghĩ mới khiến nhà phê bình Chu Văn Sơn từng phải thốt lên: “Trong bầu khí quyển của tinh thần Xuân Diệu, thời gian chỉ có hai mùa: mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, tình yêu, sự sống, còn mùa thu là màu lá úa, tàn phai, rơi rụng. Cảm nhận thời gian của Xuân Diệu chỉ có hai thì: thì tươi và thì phai”. Khát vọng yêu đương của Xuân Diệu đã từng khắc ghi trong tâm hồn người đọc với những câu thơ giàu khao khát:


“Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn;

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi”


Đại từ “ta” được sử dụng nhiều lần như một cách tác giả bày tỏ cái tôi riêng tư của chính mình. Câu thơ như tái hiện lại một cách tay đang ham muốn ôm trọn đất trời, khát khao tận hưởng xuân sắc xuân thì của tạo hóa. Điệp từ “ta muốn” lặp lại kết hợp với các động từ mạnh “ôm, riết, say, thâu” càng thể hiện đậm nét khát khao yêu đương mãnh liệt của “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu. Có lẽ vì quá đam mê trước cảnh sắc thiên nhiên với sự sống mơn mởn mới chớm nở trên từng cành cây kẽ lá, quá say đắm với mây và gió trời, quá yêu chiều với cánh bướm dập dờn trước gió, cho nên thi sĩ muốn “thâu trong một cái hôn nhiều”. Ông khát khao giao cảm, khát khao chiếm trọn lấy đất trời và cảnh sắc thiên nhiên, để tận hưởng trọn vẹn chúng, để “chếnh choáng” trong hương mật cuộc đời và để ‘đã đầy” trước ánh sáng của tạo hóa ban cho. Đ


ối với Xuân Diệu, không có một tình yêu nào là tình yêu hời hợt. Đã yêu, đã thương, đã say thì phải giao cảm tuyệt đối, phải thực sự quyện hòa vào nhau để được đã đầy và no nê trong hơi men cuộc sống. Nàng Xuân với sắc đẹp và sự trẻ trung của mình đã thu hút được trái tim khao khát của người thi sĩ, khiến ông muốn thâu tóm cả “trời đất, và cây, và cỏ rạng” – sự lặp lại tưởng chừng như thừa thãi đó lại là một màn kết tuyệt đẹp trong khát vọng yêu được mãnh liệt của nhà thơ. Và đúng như Khrapchenko từng nói: “Điều còn lại của nhà văn là cái giọng của riêng mình” – Xuân Diệu, thi sĩ của những nỗi niềm tình cảm mãnh liệt, đã gieo vào lòng người những xúc cảm rất mực dào dạt như thế, đã khắc vào lòng người một dấu triện rất riêng. Và rồi lầu thơ của ông cứ cao lên mãi, bởi nó được xây dựng từ khao khát yêu đương và giao cảm, và khao khát đó chưa bao giờ thôi bùng cháy.


Tuy văn chương là lĩnh vực của sự sáng tạo, nó không cho phép có sự lặp lại, giống nhau nhưng kì lạ thay giữa những người nghệ sĩ lại có một sự đồng điệu giao cảm. Cả “Sóng” và “Vội vàng” đều là tiếng nói của một cái tôi giàu cảm xúc với khát khao giao cảm với đời, với người. Cùng với đó là khát vọng yêu đương cháy bỏng của những trái tim giàu khao khát yêu đương với cuộc đời, những xúc cảm dào dạt và bùng cháy. Và “không khó lối đi nào chung cho hai nhà thơ cả” – mỗi bài thơ đều mang theo những thông điệp độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân người nghệ sĩ. Nếu như “Sóng” thể hiện một tình yêu đầy nữ tính, khát khao dâng hiến, tận hiến và bất tử hóa với tình yêu thì “Vội vàng” lại đưa ta đến một quan niệm sống rất hiện đại: sống vội vàng, sống cuống quýt để tận hưởng hết thảy mọi vẻ đẹp trên đời và bởi vì tuổi trẻ chẳng có cơ hội thắm lại lần hai. Có thể nói rằng “Sóng” như một bản giao hưởng tình yêu còn “Vội vàng” là khúc vĩ thanh về khát vọng sống vội vã với cuộc đời tươi đẹp.


Chẳng hẹn mà gặp, hai người nghệ sĩ đã thổi hồn mình vào những trang thơ với xúc cảm dào dạt và mãnh liệt. Một Xuân Quỳnh với trái tim yêu đầy nữ tính, một Xuân Diệu với sự hối hả và mãnh liệt trong cảm xúc – mỗi người đều đã ghi tên mình vào dòng chảy của thời gian, của lòng người. Những áng thơ của họ sẽ còn sống mãi với thời gian.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy