Bài văn tham khảo số 7
Nền văn học trung đại Việt Nam sừng sững ba ngọn núi. Một trong số đó có Nguyễn Đình Chiểu - cây bút tiêu biểu ở thế kỉ XIX. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho bằng những tác phẩm có giá trị. Chính vì lẽ đó, cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đã ghi lại trong lòng người đọc nhiều nhận sâu sắc.
Người được mệnh danh "Thư sinh đánh giặc bằng ngòi bút" ấy sinh năm 1822, khi dạy học tục gọi là Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai (sau khi bị mù). Quê mẹ ông là làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc phường CầuKho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Năm 1843, ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định. Đến năm 1847, ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỉ Dậu1849. Nhưng sau đó, mẹ ông đột ngột mất, ông phải trở về chịu tang mẹ. Đường đi vất vả, lại thương mẹ mà khóc nhiều nên ông bị bệnh rồi mù cả dôi mắt.
Chịu tang mẹ xong, ông lại bị một gia đình giàu có bội ước. Từ ấy, ông vừa dạy học vừa làm thơ. Khi Pháp xâm chiếm Gia Định, ông về ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre, tiếp tục dạy học và làm thuốc. Vốn mang trong mình thần yêu nước thiết tha, ông liên hệ mật thiết với các nhóm nghĩa binh của Đốc binh Nguyễn Văn Là, lãnh binh Trương Định. Không những thế, ông còn tích cực dùng văn chương kêu gọi lòng yêu nước của sĩ phu và nhân dân.
Nhìn vào những trang tiểu sử cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu, cảm nhận đầu tiên của bất cứ ai cũng là sự khâm phục nhân cách cao đẹp của nhà thơ. Nguyễn Đình Chiểu là một ngôi sao sáng, minh chứng sống động về nghị lực và ý chí của con người. Cuộc đời ông dù nhiều nghiệt ngã, đau thương: nước mất nhà tan, bản thân bị mù, bị từ hôn... nhưng ông không hề buông xuôi theo số phận. Ông đã vượt qua những nghiệt ngã đắng cay để đứng vững trước sóng gió của cuộc đời.
Nguyễn Đình Chiểu là một con người Việt Nam trọng đạo lí, nặng tình người. Ông tôn trọng và đề cao bản sắc dân tộc, yêu ghét rõ ràng, khen chê dứt khoát. Vì người khác, ông sẵn sàng hi sinh, xả thân, không màng danh lợi. Vì cuộc đời, ông chấp nhận mọi thử thách trước nghèo khổ, cơ cực, không hám lợi, không sợ uy vũ, không khuất phục cường quyền. Tóm lại, cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng về nghị lực và nhân cách trong lúc đất nước có ngoại xâm. Đôi mắt ông không sáng như những người bình thường khác nhưng tâm hồn ông thì rực sáng đến mức phi thường. Ông không thể trực tiếp cầm gươm, cầm súng đánh giặc được nhưng ngòi bút văn chương của ông sắc bén hơn cả gươm đao, chống kẻ thù, ca ngợi những tấm gương hi sinh vì nghĩa và nêu cao khí tiết của người chí sĩ yêu nước.
Không dừng lại ở đó, công việc của ông cho nền giáo dục và y học cũng khiến người đọc ngưỡng mộ. Ông là một nhà giáo tốt, một người thầy trọn đời chăm lo dạy dỗ môn sinh, truyền thụ cho thế hệ tương lai những điều cốt lõi nhất, tốt đẹp nhất của văn hoá Việt Nam, những đạo lí truyền thống của dân tộc và nhân cách cao cả của một kẻ sĩ.
Nguyễn Đình Chiểu còn là một thầy thuốc giỏi, một lương y thông hiểu sâu sắc y thuật và y đức. Tác phẩm lớn cuối đời của ông là cuốn Ngư Tiều y thuật vấn đáp, cuốn sách dạy đạo làm người và đạo làm thầy thuốc cứu người.
Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu đến cho con người nhiều cảm nhận sâu sắc, thơ văn của ông lại càng khiến người đọc rung động nhiều hơn. Thơ văn của ông biểu lộ lòng yêu nước, thương dân và là vũ khí chống giặc. Những bài văn tế ca ngợi những sĩ phu, những người nông dân Lục tỉnh đã mang đến sức mạnh hồi sinh phong trào kháng Pháp oanh liệt, bền bỉ của nhân dân Nam Bộ.
Đánh giá về những tác phẩm ấy, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét: “Bài văn của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ lại bài Đại Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi. Hai bài văn, hai cảnh ngộ, hai thời buổi nhưng một dân tộc. Cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn sống hiên ngang, sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc... muôn kiếp nguyện được trả thù kia...”.
Đặc biệt, nhắc tới thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu không thể không nhắc đến Lục Vân Tiên - “bản trường ca ca ngợi chính nghĩa”, ca ngợi “những đạo đức đáng quý trọng ở đời”. Lục Vân Tiên đóng góp cho văn học dân gian các hình thức nghệ thuật dân gian rất nhiều giá trị mà cho đến ngày nay, nhân dân ta vẫn còn lưu giữ.
Quan điểm trong văn chương của Nguyễn Đình Chiểu là “văn dĩ tải đạo”. Khác với nhà nho quan niệm Đạo là đạo của trời, Đồ Chiểu cho rằng đạo làm người đáng quý hơn nhiều. Văn chương chiến đấu vị nhân sinh:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Trong những tác phẩm ấy, còn có thể cảm nhận được sắc thái Nam Bộ độc đáo của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Từ lời ăn tiếng nói mộc mạc, chất phác đến tập lòng nặng tình, nặng nghĩa, yêu thương hết mực và căm ghét đến đều. Tất cả đều xuất hiện trong thơ ông, làm nên nét đặc sắc của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.
Có thể nói, thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu ẩn chứa nhiều điều mà chúng ta tìm hiểu thấy hết được giá trị của nó. “Trên trời có những vì sao ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”.
Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu chính là cuộc đời người chiến sĩ sống và phấn đấu hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sự nghiệp thơ ca của ông là minh chứng cho vị trí và sức mạnh của văn học nghệ thuật, trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc đời. Với những giá trị đó, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là một tấm gương sáng, xứng đáng là "ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc”