Top 10 Bài văn viết về an toàn giao thông hay nhất

Bình An 381463 3 Báo lỗi

An toàn giao thông là chủ đề được toàn xã hội quan tâm và hướng tới. Đây được coi là văn hóa giao thông tiến bộ nhất để giảm thiểu những thiệt hại do tai nạn ... xem thêm...

  1. Top 1

    Bài văn viết về an toàn giao thông số 1

    Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng đi lên bao nhiêu thì các phương tiện giao thông hiện đại càng phổ biến bấy nhiêu kéo theo đó là sự đông đúc trên đường phố cùng với tai nạn giao thông ngày càng tăng lên đáng kể. Vì vậy, vấn đề an toàn giao thông thực sự là một vấn đề quan trọng của nhân loại.


    An toàn giao thông là cụm từ dùng để chỉ các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông bao gồm việc chấp hành luật giao thông và phải có ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông. Không chỉ là một thuật ngữ pháp luật, an toàn giao thông còn là sự an toàn đối với người tham gia giao thông trên mọi phương tiện.


    Hiện nay, mỗi ngày chúng ta có thể thống kê được rất nhiều những vụ tai nạn giao thông để lại nhiều hậu quả đáng buồn. Tại sao việc an toàn giao thông lại khó đến vậy? Nguyên nhân điều này là do đâu? Đó là do người dân không chỉ chủ quan mà còn thiếu ý thức trách nhiệm trong khi tham gia giao thông, chỉ chấp hành luật khi thấy có công an giao thông, nếu sơ hở là sẵn sàng vượt đèn đỏ, phóng nhanh, lạn lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm,… Rất nhiều xe lưu thông trên đường mà không bao giờ dùng tới xi nhanh, đèn hiệu, còi,… Nhất là tình trạng người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức quy định ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của tay lái và gây tai nạn. Những tai nạn gây ra hầu hết đều là do sự vô ý thức của chính người dân và đã thiệt hại rất nhiều về người và của.

    Không ít những trường hợp mà mẹ mất con, con mất cha, gia đình đau xót, cá nhân mất mát sau những tai nạn như vậy, người còn sống cũng ít nhiều để lại những hậu di chứng về sau. Đó đều là mất mát do tai nạn giao thông gây nên.


    Để lại nhiều hậu quả đau lòng như vậy, rõ ràng an toàn giao thông đóng một vai trò quan trọng cho cá nhân và cho xã hội. Việc chấp hành các nội dung trong điều luật về an toàn giao thông sẽ góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra một cách đáng kể. Tai nạn giảm thiểu, số người chết và bị thương do những tai nạn gây ra cũng giảm theo và bớt đi phần nào những nỗi đau đớn mất mát mà gia đình và cá nhân phải chịu đựng khi có một người vì tai nạn giao thông mà mất đi sinh mạng hoặc di tật cả đời.


    Thêm vào đó, giảm thiểu tai nạn giao thông cũng là giảm thiểu chi phí do việc này gây ra. Đối với một xã hội mà an toàn giao thông được giữ vững, luật giao thông được chấp hành, người tham gia giao thông có ý thức và an toàn thì nhất định là một xã hội ngày càng đi lên. Mỗi chúng ta để thực hiện được an toàn giao thông thì cần tự xác lập cho mình ý thức trách nhiệm về việc chấp hành những quy định khi tham gia giao thông. Quy định được đặt ra không chỉ để chấp hành mà là những quy chuẩn nhất định để bảo vệ sự an toàn của chúng ta vì vậy hãy chấp hành nó là vì sự an toàn của chính mình, đừng đối phó hay chống đối, điều này không có ích lợi cho ai cả. Những điều như không vượt đèn đỏ, tốc độ đúng quy định, không dùng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông,… cần được nghiêm túc chấp hành để tạo nền móng cho một xã hội văn minh, an toàn.


    Nhưng ngày nay, không thiếu những hành vi coi thường luật giao thông để rồi gây ra những hậu quả đáng tiếc cho gia đình và xã hội. Những hành vi ấy nhất định cần có biện pháp xử lí đích đáng. “Phía trước tay lái là cuộc sống”. Hãy nhớ khẩu hiệu đó và luôn có ý thức trách nhiệm giữ an toàn giao thông cho người khác ở mọi lúc mọi nơi.

    Sang đường đúng quy định
    Sang đường đúng quy định

  2. Top 2

    Bài văn viết về an toàn giao thông số 2

    Hiện nay, mỗi năm tại Việt Nam có không biết bao ca cấp cứu vì tai nạn giao thông, có không biết bao nhiêu người chết, bao nhiêu người để lại thương tật cả đời khiến cho vấn đề an toàn giao thông trở nên cần thiết và bức bách hơn bao giờ hết, không chỉ là vấn đề của một cá nhân nữa mà là vấn đề của mọi gia đình, mọi quốc gia.


    Chúng ta vẫn thường hay nghe “An toàn giao thông” trên tất cả các kênh thông tin. Vậy cụm từ này nghĩa là gì? Đây là từ để chỉ những hành vi văn hóa của mọi người khi tham gia giao thông bao gồm việc chấp hành luật giao thông, phải có ý thức khi tham gia giao thông. An toàn giao thông còn là sự an toàn đối với người tham gia lưu thông trên các phương tiện đường bộ, hàng hải, hàng không, là sự chấp hành tốt và cư xử phù hợp đối với các luật lệ về giao thông khi lưu thông.


    Hiện nay, những tai nạn giao thông xảy ra ngày một nhiều và mức độ nghiêm trọng cũng rõ rệt hơn trước. Nguyên nhân là do người dân chủ quan thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Tình trạng vì vội vàng mà phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ vẫn xảy ra liên tục với tần suất lớn. Chiếc mũ bảo hiểm là một đồ bảo hộ quan trọng nhưng người sử dụng chỉ dùng nó như một vật tránh cảnh sát mà không thực sự coi đó là đồ bảo vệ có ích.


    Nhất là đối với thanh niên, việc tham gia giao thông lại càng thiếu ý thức khi đi lạng lách đánh võng, thậm chí còn đua xe trên đường. Có những người tham gia giao thông sử dụng rượu bia trái quy định dẫn đến không tỉnh táo khi đi xe và còn làm liên lụy đến người đi khác. Những vụ tai nạn xảy ra càng nhiều do rủi ro trên đường thì ít mà do sự thiếu ý thức của chủ xe thì nhiều và luôn để lại rất nhiều những hậu quả đáng tiếc. Những thiệt hại trên chính là những minh chứng vô cùng rõ ràng về việc an toàn giao thông rất có ích lợi cho cá nhân và cộng đồng. Điều này giảm thiểu những tai nạn do vô ý thức, giảm đáng kể số người không may phải chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần sau vụ việc đau lòng không đáng có xảy ra, giảm thiệt hại về của cải tiền bạc cho cá nhân và gia đình. An toàn giao thông cũng giúp giữ vững trật tự xã hội và góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, đất nước ngày càng phát triển và đi lên.


    Đáng tiếc là cho đến tận ngày hôm nay, khi ta đi đường vẫn có những lúc trông thấy những người lưu thông trái pháp luật. Họ có thể là do vô tình hay cố ý mà đã vi phạm luật giao thông, thậm chí có cả những người cố tình không chấp hành luật giao thông, đi trên đường không hề để ý đến sự an toàn của bản thân và cả của những người khác. Những người như vậy nhất định phải bị xử phạt thật nặng và có sự tuyên truyền hợp lí để mọi người đều hiểu về tầm quan trọng của an toàn giao thông.


    Để làm được điều này tuy không phải là việc đơn giản nhưng không hề khó. Trước hết cần ý thức được rằng “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, an toàn là trên hết, cho dù là trong bất cứ lí do và hoàn cảnh nào cũng cần chấp hành luật giao thông tuyệt đối. Không thể coi đường phố là nơi vui chơi mà cần biết chỉ một phút sơ sẩy cũng nguy hiểm đến tính mạng nên cần cẩn trọng khi tham gia giao thông, không gây tai nạn cho chính mình và cho người khác.


    Mỗi người dân cần có ý thức trách nhiệm trong việc tham gia giao thông thì an toàn giao thông nhất định sẽ được giữ vững một cách nghiêm chỉnh và đạt kết quả cao tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành luật về giao thông
    Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành luật về giao thông
  3. Top 3

    Bài văn viết về an toàn giao thông số 3

    Nước ta từ ngàn đời xưa có vô số tập tục, văn hóa, trong đó còn có 1 thứ văn hóa gọi là văn hóa giao thông. Nhưng hiện nay ít ai quan tâm đến thứ văn hóa này. Giao thông đã và đang trở thành vấn đề "quốc nạn" của nước ta. Nguyên nhân thì nhiều nhưng việc nâng cao văn hóa của người khi tham gia giao thông cũng rất là quan trọng để giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông của nước ta hiện nay.


    Theo tôi để là người có văn hóa khi tham gia giao thông trước hết chúng ta phải là người hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường phải biết không chỉ vì lợi của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người tham gia giao thông. Gặp trường hợp người bị nạn cần giúp đỡ, chia sẻ kịp thời.


    Ngoài ra chúng ta phải biết cư xử có văn hóa khi lưu thông trên đường như: ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt, không xả rác khi tham gia giao thông,... Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nói: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, mà loài người mới sáng tạo ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa…”.


    Người ta thường nói: chật nhà thì nép, chật đường thì chen. Đèn đỏ, mọi người dừng lại trước vạch vôi, ấy thế mà có một cô nàng xinh đẹp cứ đạp chân xuống đường cố nhích, cố lách mũi xe của mình nhoi lên trước dù chỉ là vài xăng ti mét đường. Để làm gì? Kết quả là bánh xe của cô chẹt lên bàn chân của một người khác đang dừng xe bên cạnh cô, thế là toáng lên chửi nhau. Vậy văn hóa giao thông đang ở đâu trong mỗi người, tai nạn giao thông từ đâu mà ra?


    Đáng buồn hơn nữa là có anh cảnh sát lăm lăm dùi cui đứng bên đường thì đi đứng sao mà nghiêm chỉnh thế. Vậy mà khi vắng bóng anh thì ôi thôi: đường ta, ta cứ đi, chẳng còn coi thiên hạ xung quanh là gì nữa. Hỏi sao tại nạn lại cứ xảy ra. Ai cũng nghĩ ở nông thôn trình độ kém hơn ở thành thị, vậy tại sao những bản tin tai nạn đều ở thành thị? Phải chăng trình độ hiểu biết của người nông thôn đã hơn người thành thị?


    Không phải thế, chỉ vì con người ta biết luật mà vẫn không nghe theo, biết sai mà không dừng lại. Phải chăng vấn nạn giao thông xảy ra do chính ý thức của con người. Tôi cũng chỉ là một học sinh trung học, những gì tôi hiểu về cuộc sống còn rất ít, nhưng những gì tai nghe mắt thấy hằng ngày thì không thể phủ nhận. Ra đến đường đã thấy lạng lách đánh võng, nửa đêm tiếng xe rú ga ầm ầm, rồi lại tai nạn người khóc, kẻ mếu. Nhà nước ta chậm phát triển cũng do ý thức cũng như tình hình giao thông còn kém.


    Đường đi cũng không phải ít, từ một trục đường chính rẽ ra vô số đường nhánh nhỏ, nhưng nhiều lúc đường chính còn " tồi tàn" hơn cả đường nhánh. Đường nhánh do dân tự bảo nhau xây nên, còn đường chính do nhà nước, vậy tại sao đi đâu cũng có ổ gà, ổ voi trên đường, phải chăng đây là hiện tượng tham ô? Thử hỏi tại sao lại không xảy ra tai nạn.


    Vậy thì tôi và các bạn hãy cùng hành động, nói đi đôi với làm. Bác dạy “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Những tấm gương đạo đức của những người tiêu biểu, những người tốt, việc tốt có ý nghĩa thúc đẩy cho quá trình đó”. Xây đi đôi với chống: Trong đời sống hàng ngày, những hiện tượng tốt -xấu, đúng - sai, cái đạo đức - cái vô đạo đức vẫn luôn đan xen, đối chọi nhau, thông qua hành vi của những con người khác nhau.


    Vì vậy việc xây dựng nếp sống văn hóa mới, đạo đức mới đặc biệt là nếp sống văn hóa giao thông phải được tiến hành và phối hợp chặt chẽ từ bản thân với gia đình, nhà trường và ngoài xã hội; nhất là những tập thể mà nơi con người, công nhân viên chức lao động dành phần lớn thời gian cuộc đời gắn bó. Phải thường xuyên tu dưỡng văn hóa, đạo đức suốt đời: Đây là một công việc phải làm suốt đời.


    Tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tại trường học, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông là nâng cao ý thức và thái độ của mọi người khi tham gia giao thông. Biết từ tốn, bình tĩnh ưu tiên nhường nhịn cho người già, trẻ em. Biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt, biết đội mũ bảo hiểm cho mình và cho trẻ em khi tham gia giao thông…Văn hóa giao thông nâng lên thì những hành vi sai trái, quậy phá, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia khi tham gia giao thông…sẽ trở thành lố bịch, bị cộng đồng lên án.


    Khi đó văn hóa giao thông của cả cộng đồng sẽ được nâng lên, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông sẽ từng bước được đẩy lùi. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cuộc sống mới luôn đòi hỏi phải xây dựng nền văn hóa đạo đức mới Việt Nam ngang tầm với yêu cầu của cuộc cách mạng mới và hội nhập quốc tế. Mỗi người chúng ta phải nghiêm túc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, góp phần đưa đất nước phát triển bền vững.

    Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông
    Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông
  4. Top 4

    Bài văn viết về an toàn giao thông số 4

    Đất nước ta đang ngày càng phát triển nhờ sự khởi sắc của nền kinh tế trong những năm gần đây. Nhưng bên cạnh đó thì vẫn còn một số vấn đề bất cập trong đó có vấn đề giao thông. Vấn đề giao thông đang ngày càng trở nên bất cập và trở thành vấn đề báo động đỏ ở Việt Nam.


    Tình trạng tai nạn giao thông đang diễn biến ngày càng phức tạp và đang ở mức báo động. Mỗi ngày đều có người chết và bị thương vì tai nạn giao thông. Người ta không khỏi rùng mình bởi những con số thiệt hại về người vì tai nạn giao thông: mỗi ngày có khoảng 35 người chết, mỗi năm hàng chục ngàn người chết vì tai nạn giao thông. Đây quả là một con số biết nói.


    Tai nạn giao thông để lại tang tóc cho biết bao gia đình, để lại những đứa trẻ không bố mẹ, gia đình tan nát. Bên cạnh đó, còn gây ra biết bao nhiêu tổn hại cho gia đình và xã hội. Có rất nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam họ chỉ sợ sự lộn xộn của giao thông Việt Nam. Họ sợ phải đi bộ ngang đường khi xe cộ đi qua ào ào, không có vỉa hè cho người đi bộ.


    Chính vì sự mất an toàn của giao thông Việt Nam ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta do sự lộn xộn, không an toàn của giao thông nước nhà. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông ở nước ta. Đầu tiên, là do ý thức của người dân chúng ta còn kém, thái độ và nhận thức về giao thông của người dân chúng ta còn quá kém. Khi tham gia giao thông ai cũng muốn đi trước không ai nhường nhịn ai mới dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông. Chính vì hiện tượng này mới dẫn đến tình trạng không nhường nhau ở ngã ba, ngã tư… gây nên hiện tượng ùn tắc giao thông hàng giờ, hiện tượng phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng gây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông.


    Một trong những nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông nữa là do chất lượng cầu đường không đảm bảo: cầu cũ, cầu yếu, chất lượng kém; mà lưu lượng xe cộ và người lại quá nhiều cho nên dẫn đến tình trạng phải nâng cấp sửa chữa liên tục ảnh hưởng đến chất lượng giao thông. Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng đó là do sự tư lợi, họ sẵn sàng dùng phương tiện quá hạn sử dụng, chạy quá tốc độ quy định, chở hành khách quá số người quy định nên dẫn đến tình trạng tai nạn xảy ra.


    Để giảm thiểu tối đa tình trạng tai nạn giao thông thì chúng ta cần có những biện pháp nhất định. Trước hết cần phải tuyên truyền cho người dân biết được những hậu quả quả tai nạ giao thông gây ra, tuyên truyền mỗi người dân chấp hành tốt luật lệ an toàn giao thông. Ngoài ra, cần có những hình thức xử phạt thích đáng dành cho những người cố tình vi phạm luật an toàn giao thông.


    Nhà nước cần có những giải pháp mang tầm chiến lược nâng cao chất lượng đường sá để giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông.Tình trạng tai nạn giao thông đang diễn ra ngày càng phức tạp và trở thành một trong những vấn đề nóng mà chúng ta cần quan tâm. Đảng và Nhà nước đã cần có những chính sách thích đáng hơn nữa vì một xã hội văn minh tốt đẹp hơn.


    An toàn giao thông hiện nay là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm vì nó tác động rất lớn tới sự nghiệp xây dựng một quốc gia giàu mạnh. Mỗi công dân phải tự giác chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông để góp phần làm cho xã hội trở nên văn minh, hiện đại.

    Tuyên truyền về an toàn giao thông
    Tuyên truyền về an toàn giao thông
  5. Top 5

    Bài văn viết về an toàn giao thông số 5

    Đất nước ta đang phát triển khá nhanh nhờ sự khởi sắc của nền kinh tế và đời sống xã hội, tuy nhiên lĩnh vực giao thông thì dường như không đáp ứng kịp yêu cầu của thời đại. Tình trạng an toàn giao thông hiện nay đã đến mức báo động đỏ và được xếp vào “thứ hạng cao” trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế, vấn nạn này đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Làm thế nào để đảm bảo an toàn giao thông? Đó là câu hỏi lớn đặt ra, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả mọi người.


    Giao thông ở Việt Nam hiện nay được coi là lĩnh vực tồi tệ nhất bởi những tai nạn giao thông khủng khiếp thường xuyên xảy ra. Người ta không khỏi rùng mình trước những thông tin đáng sợ về sự thiệt hại người và của do tai nạn giao thông gây ra hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Mỗi ngày, trung bình có khoảng 35 người chết, mỗi năm hơn chục ngàn người chết vì tai nạn giao thông. Quả là một con số khủng khiếp!


    Chiến tranh đã kết thúc mấy chục năm nhưng chúng ta lại rơi vào một thảm họa không kém đau thương, tang tóc. Có lẽ tai nạn giao thông cũng là một thứ giặc mà chúng ta phải luôn luôn đối mặt. Tai nạn giao thông không chỉ gieo rắc đau thương, làm tan vỡ hạnh phúc của bao gia đình mà còn gây thiệt hại to lớn về vật chất và tinh thần cho cả xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng mất an toàn giao thông nghiêm trọng đã ảnh hưởng không tốt tới sự nhìn nhận, đánh giá tình hình phát triển của Việt Nam và gây khó khăn trong việc đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta.

    Nhiều du khách khi được hỏi về những điều chưa được ở Việt Nam thì họ đều trả lời giống nhau ở chỗ điều đáng ngại nhất là an toàn giao thông quá kém. Họ rất sợ phải đi bộ băng qua đường vì xe cộ chạy ào ào, bất chấp đèn đỏ. Liệu đất nước Việt Nam xinh đẹp, con người Việt Nam thân thiện có tạo được cảm tình với du khách để họ còn muốn quay lại ?


    Theo con số thống kê của ngành du lịch thì hơn 70% du khách không muốn trở lại vì nhiều lí do, mà một trong những lí do đáng kể là tình trạng giao thông không bảo đảm an toàn. Rõ ràng, mất an toàn giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, nhất là đối với ngành du lịch. Làm thế nào để Việt Nam trở thành điểm đến của bạn bè quốc tế? Câu trả lời một phần thuộc về tình trạng an toàn giao thông.Nguyên nhân của tình trạng mất an toàn giao thông thì có rất nhiều.


    Trước hết là ở nhận thức và thái độ tự giác chấp hành luật lệ giao thông của người dân quá kém. Khi lưu thông trên đường, ai cũng chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ tới người khác. Cho nên mới xảy ra tình trạng không chịu nhường nhau chỗ ngã ba ngã tư nên gây tắc đường hàng giờ; hiện tượng phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách… gây ra tai nạn cho bản thân và cho người cùng lưu thông trên đường xảy ra thường xuyên.


    Một nguyên nhân quan trọng khác là chất lượng cầu đường không bảo đảm an toàn, cầu cũ, cầu yếu, cầu có tải trọng thấp quá nhiều, trong khi lưu lượng người và xe qua lại quá lớn. Đường giao thông huyết mạch nối liền các vùng miền thì vừa ít, vừa nhỏ và ở trong tình trạng phải sửa chữa, nâng cấp liên tục…Một nguyên nhân nữa là sự tha hóa của không ít người có trách nhiệm giám sát giao thông: vì tư lợi, họ sẵn sàng làm ngơ trước các đối tượng vi phạm luật như dùng phương tiện chuyên chở đã quá hạn sử dụng, chở hành khách, hàng hóa quá quy định, chạy quá tốc độ cho phép…


    Như thế là họ đã cố tình tiếp tay cho tiêu cực và điều tất yếu là tai nạn giao thông ngày càng tăng lên. Cao hơn nữa là một số quan chức của ngành giao thông chưa làm hết trách nhiệm của mình trước nhân dân và đất nước, thậm chí còn vi phạm nặng nề mà vụ án PMU 18 vừa qua là một ví dụ điển hình. Để bảo đảm an toàn giao thông hiện nay, cần phải có những biện pháp thích hợp và đồng bộ.


    Trước hết, cần phải tăng cường việc tuyên truyền giáo dục công dân về luật giao thông, nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành luật: nhắc nhở, bắt buộc mọi người đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Ngoài ra, phải có những hình thức xử phạt thích đáng đối với những người cố tình vi phạm luật. Mặt khác, cần làm trong sạch lực lượng cảnh sát giao thông, nghiêm trị những kẻ cậy chức cậy quyền, làm trái quy định của Nhà nước.


    Yếu tố quan trọng có tầm chiến lược là nâng cao chất lượng đường sá, cầu cống để đảm bảo lưu thông thuận lợi và giảm thiểu tai nạn. Điều này góp phần rất lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập với thế giới của đất nước ta.


    An toàn giao thông hiện nay là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm vì nó tác động rất lớn tới sự nghiệp xây dựng một quốc gia giàu mạnh. Mỗi công dân phải tự giác chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông để góp phần làm cho xã hội trở nên văn minh, hiện đại.

    Không vượt đèn đỏ
    Không vượt đèn đỏ
  6. Top 6

    Bài văn viết về an toàn giao thông số 6

    Khi đất nước ngày càng phát triển thì kéo theo nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác cũng phát triển. Tuy nhiên đi liền với những cơ hội, luôn tồn tại nhiều thách thức. Vấn đề giao thông đang khiến cho cơ quan chức năng nhức nhối, tìm phương hướng giải quyết.


    Vì tình trạng mất kiểm soát cũng như tai nạn giao thông đang diễn ra trầm trọng và chuyển biến tiêu cực. Giao thông ở Việt Nam chưa bao giờ hết nóng, nó gây nên nhiều tranh cãi, để lại nhiều hậu quả xấu. Giao thông Việt Nam có nhiều loại hình như giao thông đường bộ, giao thông đường thủy, giao thông đường hàng không. Mỗi loại hình đều có những đặc thù riêng, cần phải tìm phương hướng để giải quyết triệt để.


    Tuy nhiên có thể nói trong những năm qua nhức nhối nhất vẫn là vấn đề giao thông đường bộ với mật độ tham gia giao thông dày đặc, bon chen nhau, tranh giành làn đường của nhau để đi. Theo ước tính, trung bình mỗi ngày ở nước ta có 35 người chết do tai nạn giao thông và hàng nghìn người chấn thương. Con số đáng báo động đó đã khiến cho người tham gia giao thông khiếp sợ, nhưng dường như tai nạn giao thông vẫn chưa hề thuyên giảm.

    Tình trạng tai nạn giao thông, vi phạm luật giao thông đang diễn ra một cách phổ biến và khó kiểm soát trong xã hội. Vậy nguyên nhân của việc tai nạn giao thông này là do đâu? Trước hết đó chính là do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông. Khi họ không có ý thức tuân thủ luật lệ giao thông cũng như biết luật nhưng không làm theo luật sẽ dẫn đến nhiều hành động xấu. Và hậu quả chính là việc tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào.


    Tình trạng vượt đèn đỏ diễn ra nhiều, đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm là những điều mà mỗi người vẫn có thể chứng kiến thấy.Từ những việc nhỏ nhặt và tưởng như vô can đó lại là nguyên nhân khiến cho tai nạn giao thông đang ngày càng gia tăng ở nước ta. Hình ảnh những nạn nhân nằm vật vã trên vũng máu, những người thân khóc vật vờ trong bệnh viện hay hình ảnh khói nhang nghi ngút trong một gia đình trẻ.


    Tai nạn giao thông luôn để lại nhiều ám ảnh đối với những người ở lại. Ý thức của người tham gia giao thông quyết định lớn nhưng trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như người kiểm soát trực tiếp hoạt động giao thông cũng đóng vai trò không nhỏ. Việc ban hành các điều luật cho giao thông cần thiết, nhưng cần phải bám sát và đáp ứng được nhu cầu của người dân.


    Tình trạng xử phạt cũng nên công tư phân minh, không nên làm ngơ cho những người vi phạm. Hiện nay tình trạng ăn hối lộ để qua chuyện cũng xảy ra rất nhiều, tạo nên làn sóng dư luận lớn.Vậy làm thế nào để khiến cho tình trạng giao thông ở nước ta có thể đi vào quỹ đạo, hạn chế tai nạn giao thông. Đây là sự nỗ lực, cố gắng của cả cộng đồng. Nhưng trước hết vẫn là thái độ của người điều khiển phương tiện giao thông. Họ sẽ quyết định đến hành động của mình như thế nào.


    Thứ hai xuất phát từ cơ quan chức năng. Khi đó chúng ta sẽ thấy được khi giao thông ổn định sẽ có vai trò lớn như thế nào.


    Cuộc sống của mỗi người được tạo nên từ nhiều yếu tố cộng hưởng. Và việc đảm bảo an toàn giao thông cũng quan trọng không kém. Chúng ta hãy chung ta xây dựng một môi trường tham gia giao thông lành mạnh, an toàn nhất.

    An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà
    An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà
  7. Top 7

    Bài văn viết về an toàn giao thông số 7

    Cùng với ô nhiễm môi trường, vấn đề an toàn giao thông cũng làm hao tốn nhiều giấy mực của dư luận. Không phải ngẫu nhiên mà nó ngày càng được quan tâm hơn bởi mọi người trong xã hội. Với nhu cầu tham gia giao thông ngày càng tăng của các phương tiện đi lại thì diễn biến giao thông ngày càng diễn ra phức tạp đặc biệt là các thành phố lớn. Sự an toàn của người tham gia giao thông từ đó ngày càng được quan tâm nhiều hơn.


    An toàn giao thông hiện nay là sự đảm bảo về tính mạng của người tham gia giao thông. Nó ngày càng được quan tâm bởi tai nạn giao thông ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến sự an toàn của người tham gia giao thông. Trước đây, tai nạn giao thông cũng xảy ra nhưng không diễn ra nhiều bằng hiện nay. Mỗi năm đều có những thông số nói về tai nạn giao thông. Nguyên nhân của tình trạng này phổ biến nhất là do ý thức của người tham gia giao thông.

    Trước hết là họ không tuân thủ đúng luật giao thông, hệ thống đèn báo hiệu, đèn giao thông cũng như hiệu lệnh của cảnh sát giao thông trên đường. Điều này là khá phổ biến. Đã có rất nhiều cô cậu thanh niên chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy, xe tay ga nhưng lại lạng lách đánh võng trên đường không những cản trở giao thông mà đã có nhiều vụ tai nạn giao thông do việc này mà ra. Không chỉ thế ý thức tham gia giao thông của mọi người cũng rất kém, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, ngược chiều đường, dừng….


    Có rất nhiều những vi phạm mà hàng ngày vẫn liên tiếp xảy ra. Đặc biệt ở các thành phố lớn, vào giờ cao điểm tình trạng ách tắc diễn ra rất phổ biến cũng là cơ hội gây ra tai nạn khi mà ai ai cũng vội vã đến nơi mà mình muốn, hay sự thiếu ý thức của những người tham gia giao thông không chịu chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt quan tâm là sự thiếu ý thức của người dân sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

    Điều này chính là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông mà vẫn nhức nhối trong những năm gần đây chưa khắc phục được triệt để. Hậu quả của tai nạn giao thông không ai là không biết. Trước hết nó làm thiệt hại về tính mạng con người. Như thông số mà tôi đã nêu lên ở trên có đến 6518 người bị thiệt mạng do tai nạn giao thông. Không chỉ khiến cho một gia đình mất đi thành viên, người vợ mất chồng, những đứa con mất cha, gia đình bị mất đi một trụ cột vững chắc.


    Tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người để lại niềm xót thương cho người thân của họ. Không chỉ làm mất đi tính mạng của nhiều người, tai nạn giao thông còn khiến cho sự diễn biến của tình trạng giao thông càng thêm phức tạp. Nó gây tâm lý hoang mang cho những người khác. Nó khiến cho sự tiêu tốn về tài sản ngày càng gia tăng. Sự phức tạp thêm của giao thông lại càng là mối đe dọa lớn dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông kế tiếp. Vừa thiệt hại về người và của, tai nạn giao thông còn gây mất trật tự an ninh xã hội.


    Lợi dụng đám đông xúm vào xem xét tình hình tai nạn, những thành phần xấu trong xã hội nhân cơ hội này để thực hiện hành vi phạm pháp của mình nổi bật nhất là cướp giật. Ngoài ra còn rất nhiều những hậu quả khác mà tôi không thể kể hết được. Hiểu rõ được tầm ảnh hưởng cũng như nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, những giải pháp sau đây có thể góp phần làm giảm đi và khắc phục tình trạng này.


    Trước hết là tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Thứ hai là ngày càng nâng cao công tác quản lí cũng như điều khiển các phương tiện tham gia giao thông. Đặc biệt trong môi trường giáo dục nên ngày càng có nhiều các cuộc thi, giờ ngoại khóa tuyên truyền về ý thức giao thông của các em. Vì tuổi trẻ là những mầm non tương lai của đất nước, chính vì thế mà phải chú trọng quan tâm giáo dục các em vì một xã hội tương lai an toàn hơn.


    Ngay từ bây giờ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy tự ý thức bản thân tham gia giao thông an toàn. Vì chính sự an toàn của bản thân mình cũng như người khác. An toàn khi tham gia giao thông luôn là dấu chấm hỏi lớn của toàn xã hội. Ai ai cũng mong muốn được bảo đảm sự an toàn khi tham gia giao thông. Nhưng hầu hết họ lại không tự ý thức được rằng an toàn do chính mình tạo ra, tính mạng là do chính mình bảo vệ.


    Không ai có thể bảo vệ bạn 24 trên 24 và chắc chắn rằng bạn luôn được an toàn. Sự chuyển biến phức tạp của giao thông ngày nay càng đòi hỏi sự nghiêm túc và trách nhiệm của chính bạn. Hãy chung tay vì một xã hội an toàn hơn. An toàn giao thông là bạn của mọi nhà.

    An toàn khi tham gia giao thông
    An toàn khi tham gia giao thông
  8. Top 8

    Bài văn viết về an toàn giao thông số 8

    An toàn giao thông đang là vấn đề rất lớn và cần thiết trong đời sống của mỗi người dân. Nhưng hiện nay, tai nạn giao thông vẫn xảy ra với con số gia tăng. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người trong toàn xã hội phải thay đổi thái độ sống, thực hiện tốt an toàn giao thông.


    An toàn giao thông là các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông bao gồm việc chấp hành luật giao thông, phải có ý thức khi tham gia giao thông. An toàn giao thông còn là sự an toàn đối với người tham gia lưu thông trên các phương tiện đường bộ, hàng hải, hàng không, là sự chấp hành tốt các luật lệ về giao thông, cư xử phù hợp khi lưu thông trên các phương tiện giao thông.


    An toàn giao thông đang là vấn đề “nóng” luôn được sự quan tâm của xã hội. Đọc và nghe những con số người chết và bị thương do tai nạn giao thông theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông cung cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng ta thấy: số lượng vụ tai nạn giao thông khá cao, gây thiệt hại về mọi mặt như tính mạng, tài sản và chất lượng cuộc sống của mọi người, từ đó bản thân mỗi người trong xã hội cần thấy và nhận thức về An toàn giao thông hiện nay là vô cùng quan trọng trong đời sống.


    Mỗi người trong xã hội cần thực tốt an toàn giao thông không chỉ vì lợi ích bản thân mà còn vì lợi ích của mọi người, của cộng đồng. Thực tốt An toàn giao thông là đi đôi với việc nâng cao chất lượng cuộc sống xây dựng cộng đồng văn minh, an toàn cho mỗi chúng ta. Hiện nay, tai nạn giao thông do không tuân thủ luật an toàn giao thông ở nước ta ở mức cảnh báo, nó để tác hại vô cùng to lớn trước mắt và lâu dài.


    Chỉ vì không thực hiện an toàn giao thông khi lưu thông mà số thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra ngày càng nghiêm trọng. Tại sao hàng ngày các phương tiện thông tin vẫn nêu ra các vụ tai nạn giao thông trầm trọng, những con số người chết và bị thương vong rất cao nhưng ít có tác dụng trong việc giáo dục luật lệ giao thông cũng như hạn chế, làm giảm thiểu con số đó? Phải chăng con người chúng ta dần vô cảm trước vấn đề này, vì nó xảy ra quá nhiều mà chỉ có người trong cuộc mới thấm thía được nỗi đau về hậu quả?


    Việc thực hiện an toàn giao thông phải là quá khó để đảm bảo an toàn cho bản thân, mọi người và cả tài sản. Hậu quả của việc không thực hiện an toàn giao thông là rất lớn, vì thế mỗi chúng ta cần thực hiện tốt luật an toàn giao thông, chấp hành hiệu lệnh an toàn khi lưu thông. Trái lại với các hành vi an toàn giao thông là vi phạm luật giao thông, gây tai nạn, làm ảnh hưởng đến người khác gây hậu quả cho cộng đồng.


    An toàn giao thông được áp dụng cho tất cả mọi lứa tuổi, từ học sinh đến người trưởng thành đều phải thực hiện tốt trách nhiệm an toàn khi lưu thông. An toàn giao thông không chỉ là vấn đề chung của xã hội mà còn cần sự đóng góp của mỗi cá nhân. Mỗi chúng ta cần ý thức tốt khi lưu thông thì sẽ giảm thiểu số lượng tai nạn gây ra. Vấn đề an toàn giao thông đang được tuyên truyền rộng rãi qua báo đài, các trò chơi truyền hình…


    Ngay trong môi trường học đường vấn đề an toàn giao thông cũng được chú trọng, nâng cao ý thức trách nhiệm mỗi học sinh về việc chấp hành luật lệ giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy… Bản thân em không chỉ học tập tốt mà còn phải thực hiện tốt an toàn giao thông vì lợi ích của bản thân và của xã hội. An toàn giao thông luôn là vấn đề hết sức quan trọng và đang được sự chú ý quan tâm trong thực tế cuộc sống. Thực hiện tốt An toàn giao thông đồng nghĩa với việc xây dựng một cộng đồng văn minh phát triển.

    Thực hiện tốt an toàn giao thông là xây dựng cộng đồng văn minh, phát triển
    Thực hiện tốt an toàn giao thông là xây dựng cộng đồng văn minh, phát triển
  9. Top 9

    Bài văn viết về an toàn giao thông số 9

    Tôi còn nhớ cách đây khá lâu, trong một phóng sự thực tế, những du khách nước ngoài thường nói với nhau một câu thế này: "Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam". Bấy giờ, tôi chỉ cảm thấy đó là một câu nói hài hước, đùa vui. Lúc ấy tôi đã chưa thể nhận ra, dù đó là câu đùa đấy, nhưng không phải tự nhiên mà đùa như vậy! Thêm nữa, đó mới chỉ là trải nghiệm của những du khách đi bộ qua đường phố Hà Nội.


    Tới khi toàn cảnh bức tranh giao thông Việt Nam được phô bày trước mắt, thì câu nói hài hước của du khách nước ngoài không đủ để hình dung nữa, mà thay vào đó, là câu hỏi chua xót và đầy ám ảnh của nhà báo Quản Hồng Đức: "Mỗi ngày Việt Nam có hơn 30 người đột ngột và vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống trong khi đi lại trên đường. Và tử thần sẽ gọi tên ai trong số chúng ta?".


    Không còn là sự phóng đại nữa rồi, khi mà cái thực tế diễn ra ngay trong cuộc sống của chính chúng ta, theo như thống kê của cục cảnh sát giao thông, thì trong 2 tháng đầu năm 2018 đã có tới 1500 người chết vì tai nạn giao thông. Con số này có đủ để kích động bạn không, khi chúng góp phần đưa bạn, và tôi, chúng ta trở thành những người tham gia giao thông may mắn còn sống, trong hiện tại?


    Có bao nhiêu vụ tai nạn, thiệt hại vật chất và tính mạng bao nhiêu, ta đếm được, nhưng chẳng có thước nào, máy nào đo nỗi những vết thương vĩnh hằng mà những vụ tai nạn kia đã khoét sâu vào nhân tâm những gia đình, người thân nạn nhân của nó. Những vụ tai nạn thảm khốc cứ dồn dập xảy đến trong cơn hoang mang cực độ của cộng đồng, và chưa hề có dấu hiệu ngưng lại. Nhưng chúng ta đâu có lựa chọn!? Vẫn phải tham gia giao thông, vẫn phải sống chung với hoang mang lo sợ án tử luôn treo lơ lửng mỗi khi ra đường.


    Thực tế của giao thông Việt Nam đang là cái vòng tròn loanh quanh luẩn quẩn, bế tắc. Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta sợ tai nạn giao thông, là bởi họ đó là thứ tai họa từ trên trời rơi xuống, không ai biết trước, không rõ lí do, và chỉ nhận ra nó khi quá muộn. Và chúng ta biết, nguyên nhân của phần lớn tai nạn hiện nay chẳng dính dáng gì tới hai chữ tâm linh trong ngoặc kép cả.


    Những biểu hiện ý thức kém thường thấy nhất thì có thể gặp ở mọi nẻo đường, cơ hồ cứ chỗ nào có xe là chỗ ấy có vi phạm! Không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, vượt đèn đỏ, đi tắt bục, dàn hàng ngang trên đường, đi sai làn đường, uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, sử dụng điện thoại khi đi xe; chẳng những không nhường nhịn mà còn cố giành giật nhau từng khoảng trống trên đường, rồi thì có va chạm nhẹ là đủ các kiểu nào ăn vạ cố tình, rồi hung hăng đòi đánh người, hậu quả có khi còn nghiêm trọng hơn cả tai nạn thật...


    Rất nhiều, rất nhiều những biểu hiện của ý thức tham gia giao thông đã xuống cấp tồi tệ, để cảnh vi phạm không phải là ngoại lệ nữa, mà thành môi trường buộc chúng ta phải thích nghi. Tất thảy bắt nguồn từ thói ích kỉ hẹp hòi vô trách nhiệm với bản thân và người khác, không chịu mở mắt nhận ra sự việc sẽ tồi tệ thế nào khi chính ý thức ấy sẽ mang tới những đau đớn mà thân thể máu thịt không thể chịu đựng!


    Đạo đức xuống cấp ở phần đông người tham gia giao thông là nguy cơ lớn nhất, thì nguy cơ lớn thứ nhì, là sự vô cảm của một số người - những người nắm trong tay quyền lãnh đạo. Bên cạnh thứ xuất phát từ chính cái đầu của người cầm tay lái, người cầm quyền, những nguyên do của tai nạn giao thông còn tới từ công trình không đảm bảo chất lượng khi bị rút ruột trong quá trình thi công, cơ sở vật chất không được tu bổ đúng kì hạn, quản lí còn nhiều bất cập... rồi lí do thiên tai thời tiết, và... cả số mệnh nữa, chúng chiếm 20% còn lại những nguyên nhân của tai nạn giao thông.


    Lâu nay tai nạn giao thông gây ra nhiều hậu quả tới mức người ta chẳng muốn kể ra và cũng chẳng thể kể hết. Nhưng nhìn vào tác hại không cùng của tai họa, âu cũng là động lực hướng cho ta chống lại chúng, nếu vẫn còn lương tri và nhiệt huyết. Bi kịch thực sự của việc vô ý thức là hầu hết không hiểu, không hình dung ra, không có chút bóng đen nào đè lên thói ích kỉ khi nghĩ về hậu quả của tai nạn giao thông, cho tới khi chính mình phải hứng chịu mất mát, để rồi sự việc trở thành nỗi ám ảnh suốt đời không gì thanh tẩy được.


    Nói đi nói lại vẫn chỉ có làm sao cho nhận thức, ý thức, trách nhiệm, văn hóa, văn minh, đạo đức, tự trọng của người tham gia giao thông được nâng cao lên. Ở các cấp giáo dục thì đó là thay đổi toàn diện những điều bất cập được chỉ ra trong suốt thời gian qua. Còn với chung toàn xã hội, ta cần tuyên truyền, vận động, nhưng phải tuyên truyền làm sao để người ta thấy đây không còn là chuyện của luật lệ mà còn là chuyện của đạo đức con người.


    Cái được coi là bắt buộc nên đứng sau đạo đức, bởi đạo đức mới là yếu tố thực sự có sức mạnh điều chỉnh hành vi của con người. Nó khiến người ta biết kiềm chế bản thân, có ý thức nhận thức một cách đầy đủ để muốn hành động trước khi sự việc ụp xuống mình một cách không thể né tránh, khiến người ta thấy rằng bảo vệ người khác cũng là bảo vệ chính mình vậy....


    Đồng thời, những gì còn là bất cập, là thiếu nghiêm minh và còn tạo cơ sở để diễn biến trở nên trầm trọng hơn... của luật pháp, thì chỉ còn cách chỉnh sửa, hoặc dẹp bỏ đi. Cách cải thiện đúng đắn nhất là thay thế những cái sai bằng một việc đúng khác. Tính răn đe trong điều luật phải luôn sẵn sàng cho trường hợp đạo đức không cứu vãn được nữa, đó là thu hồi bằng lái xe vĩnh viễn, là tăng án phạt với các hình thức vi phạm, đồng thời tương quan giữa các án phạt phải tỉ lệ thuận với mức độ sai phạm gây ra...


    Trong khu vực của chúng ta có những nước có luật và ý thức chấp hành luật giao thông có thể coi là hình mẫu lí tưởng, như Singapore hay Nhật Bản, những nước mà thành công của họ không chỉ dựa vào cơ sở hạ tầng được đầu tư kĩ lưỡng và hiện đại - thứ chúng ta chưa lập tức mà theo được. Vậy nên trước tiên, bên cạnh thay đổi điều luật, hiển nhiên ta còn phải học hỏi nghiêm túc ý thức và văn hóa giao thông của họ để quyết liệt chống tai nạn giao thông trên mỗi nẻo đường.


    Tất cả chúng ta đều trông thấy hậu quả khôn lường cũng như những mất mát là không đo đếm được mà tai nạn giao thông gây ra, chúng ta mang trái tim con người, biết đau xót cảm thương, chúng ta đủ sáng suốt và quyết tâm, hãy hành động ngay bởi thảm cảnh đen tối nơi đây đang không ngừng đe dọa cuộc sống, tương lai của mỗi người!

    Luôn đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông
    Luôn đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông
    Ha Giang Diepnhientri 2020-02-12 10:27:29
    hay..
  10. Top 10

    Bài văn viết về an toàn giao thông số 10

    Trong nhiều năm gần đây, giao thông đã và đang trở thành một đề tài nóng thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Tai nạn giao thông diễn ra từng ngày từng giờ trên cả nước và có xu hướng gia tăng. Chính vì vậy, ta cần có những suy nghĩ nghiêm túc và hành động thực tế để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.


    Tai nạn giao thông diễn ra hết sức phức tạp và đa dạng: vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, phóng nhanh vượt quá tốc độ quy định… Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà những thiệt hại do tai nạn giao thông để lại là khác nhau. Nhẹ có thể là xước xát mình mẩy, nặng hơn là gãy chân tay, chấn thương sọ não, thậm chí có thể gây tử vong. Nhưng nhìn chung, tất cả đều gây ra những thiệt hại lớn về người và của, để lại những thương tật vĩnh viễn cho các cá nhân và biến họ trở thành gánh nặng cho gia đình, nhiều người là trụ cột, mầm non tương lai của đất nước ra đi để lại nỗi đau thương mất mát vô bờ cho người thân.


    Nguyên nhân của tai nạn là ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, thiếu hiểu biết và không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông. Sự thiếu hiểu biết về các quy định an toàn giao thông gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng làm bị thương đến chục người. Nhiều người vì lòng tham ích kỉ, rải đinh trên đường đi nhằm trục lợi cũng đã để lại những hậu quả không lường trước được.


    Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cho giao thông của nước ta còn nhiều hạn chế cũng là một phần nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Đặc biệt, hiện nay, một bộ phận không nhỏ những bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường do còn non trẻ và thiếu tự chủ, thích đua đòi, đua xe, lạng lách,... cũng đã gây ra những hậu quả đáng tiếc.

    Để giảm thiểu tai nạn giao thông, thì việc nắm rõ luật giao thông và tuân thủ luật là điều cần thiết. Luật giao thông cần được đưa vào nhà trường để học sinh có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần có tinh thần tự giác chấp hành đồng thời tuyên truyền, tham gia các hoạt động phổ biến luật giao thông tới những người xung quanh.


    An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người mỗi gia đình và toàn xã hội. Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước, cần có những suy nghĩ đúng đắn và gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

    Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông
    Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông
    Gia Minh Diệp Lạc 2022-04-24 09:22:10
    Lâu rồi đọc lại vẫn hay
    Nguyễn Quynh Anh 2021-12-22 10:23:50
    bài này hay quá



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy