Top 10 Tản văn viết về thời khắc giao mùa hay nhất

Phương Kem 2406 0 Báo lỗi

Giao mùa là khoảnh khắc thiên nhiên chuyển mình từ mùa này sang mùa khác. Giờ đây, khi mùa hè qua và thu tới cũng là thời điểm đất trời có nhiều sự vận động, ... xem thêm...

  1. Cuối tháng Tư, những ngày giao mùa xuân hạ, thời tiết nóng lạnh mưa nắng bất thường, lòng người đôi khi cũng bất thường như thời tiết.


    Cây hoa mộc còi cọc cuối vườn vẫn cựa nụ trổ hoa, đưa hương nồng thơm diệu vợi dễ khiến lòng người lao xao điều gì không rõ. Nỗi buồn mỏng như sợi heo may bất chợt dâng lên đầy mắt, có phải vì hương thơm nơi ngõ sâu quạnh hiu quá, làm ta thêm chơi vơi trong sự cô đơn, lạc lõng giữa trời cao đất rộng, cô đơn như dáng cây lẻ loi tỏa sắc hương thầm lặng.


    Tối, tôi nằm nghe lãng đãng vài khúc tình ca rồi lang thang đi dạo lên đầu thôn. Vườn hàng xóm có cây ngọc lan cổ thụ, những ngày này hoa không rộ nhưng cũng đủ đượm, đủ làm ta dừng bước hít đầy lồng ngực không khí thanh khiết dịu dàng hương ngọc lan mê đắm. Kí ức lại mơn man như gió như mây:
    "Có bao giờ em trở lại đây, đứng dưới trời cao phủ chân mây. Nghe gió hát trên cây nhắc lại thời thơ dại...". Có đôi khi một giọng ca trễ nải vọng lên từ tiềm thức, giữa những miên man tháng ngày làm lòng người dâng lên đầy hoài niệm. Có lúc, lòng người tưởng chừng trống rỗng. Nhưng thật ra không khi nào trống rỗng bởi trái tim còn đập thổn thức, bởi trí óc luôn vận động, dù giản đơn hay phức tạp."Một ngày như mọi ngày. Đời nhẹ như mây khói. Một ngày như mọi ngày. Mang nặng hồn tả tơi.. Một ngày như mọi ngày. Bóng đổ một mình tôi.". Mỗi ngày, ta nhìn từng giờ phút biến đổi, luân chuyển trong tĩnh lặng hay giữa ồn ào. Mắt ta nhìn vạn vật, màu sắc, tai ta nghe muôn vạn âm thanh. Để rồi lại tự động viên " đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng. Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng". Có gì mà phải tuyệt vọng, phải không, hỡi cát bụi kiếp người? dù " đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời. Như một lời chia tay".


    Không chứa đựng mâu thuẫn, không phải là cuộc sống. Như tình yêu, giữa ngọt ngào, ta đã có dự cảm về thương đau. Chỉ có ngọt ngào không thôi thì ngọt ngào đâu còn là ngọt ngào?. Trải qua muôn vạn ngày, ta hiểu "Tình yêu mật ngọt. Mật ngọt trên môi. Tình yêu mật đắng. Mật đắng trong đời...". Thật bình thường, phải không anh, phải không em?


    Đỗ Thu Hằng

    Khúc giao mùa
    Khúc giao mùa
    Khúc giao mùa
    Khúc giao mùa

  2. Cứ mỗi năm vào độ giao mùa, phố núi Pleiku lại trở nên sinh động đến ngỡ ngàng. Khắp hang cùng ngõ hẻm, đường nhỏ đường to, nội thành ngoại ô, núi đồi nương rẫy bỗng rập rờn ngập tràn muôn ngàn cánh bướm. Màu vàng mơ trên đôi cánh mỏng manh chập chờn lung linh tỏa đi muôn hướng khiến cho các cung đường trở nên mềm mại đến nao lòng. Có lẽ điều này đã trở thành một điểm nhấn neo giữ tâm hồn của những người con phố núi và của cả khách lãng du đã từng đặt chân thưởng ngoạn cảnh sắc nơi này.


    Pleiku dường như mùa nào cũng có những điều thú vị riêng biệt níu chân du khách thì huống gì những người đã chọn ở lại gắn bó nương tựa cả cuộc đời lại không đem lòng yêu mến đến si mê. Nếu những cơn mưa với bầu trời xám đục khiến cho đất trời ướt sũng đôi lúc làm bạn phiền lòng. Thì những giấc ngủ ngon trong nhịp điệu không tên của đất trời lại là bản nhạc du dương đưa người vào giấc mộng như bù lại cho những ướt át đến ngại ngùng. Thanh âm của ngàn vạn giọt mưa ấy dung dưỡng ký ức và tâm hồn con người như một phần hơi thở của cuộc sống không dễ phai mờ.

    Khoảng thời gian này, đất trời Pleiku cứ như nàng thiếu nữ đỏng đảnh lúc nắng lúc mưa khó mà kiểm soát. Khoảnh khắc giao mùa thường chùng chình bởi những đổi thay của cảnh sắc thiên nhiên dễ khiến cho người ta có cảm giác ngỡ ngàng. Ai đó giàu cảm xúc thường chọn cho mình những buổi chiều lặng ngắm hoàng hôn đỏ ối rỡ ràng trên cánh đồng quạt gió giữa triền thông ngăn ngắt rì rào. Người thể trạng yếu thường chuẩn bị chu đáo cho mình thêm áo thêm khăn và không quên mang theo bên mình áo mưa hoặc ô che để tránh những cơn mưa bất chợt đầu mùa. Những cơn mưa vội đến vội đi nhưng cũng đủ làm cho đường sá loang loáng nước. Mùi đất ẩm nồng bốc lên ngun ngút rõ ràng không tốt cho sức khỏe con người. Cỏ cây được tắm mát lại hớn hở tung tăng đùa theo ánh nắng cuối chiều lấp lánh. Sự gột rửa này khiến cho cây lá như vừa trải qua một bữa tiệc thanh đạm của đất trời.


    Tôi thật sự thấy thú vị ở khoảng khắc giao mùa của đất trời Tây Nguyên. Nếu màu vàng mơ phai rung rinh lung linh khắp muôn nơi đánh thức niềm vui thị giác. Thì âm thanh của những tiếng ve ngân lại khơi gợi sự sinh động của cuộc sống. Quả thật âm thanh réo rắt ấy đâu đó cũng làm cho vài người khó chịu giữa trưa hè oi ả. Nhưng lẳng lặng mà nghe bản hợp ca mùa hạ trong tiết trời chuyển mùa khiến cho chúng ta ý thức đến sự tận hiến đến kiệt cùng. Để cất lên được những âm thanh rộn rã báo hiệu hè sang, loài ve đã phải núp mình trong đất ẩm một quãng thời gian dài đằng đẵng, khi lên khỏi mặt đất là bắt đầu hành trình mải mê đến giây phút cuối của cuộc đời sau khi kịp gieo vào lòng đất những mầm non cho vòng tuần hoàn khép kín của giống loài.

    Đôi chân tôi chưa đủ sức để có thể tự mình khám phá hết thảy tất cả cảnh sắc thiên nhiên ban tặng cho vùng đất đỏ Bazan màu mỡ. Nhưng may mắn khi có những người bạn cùng sở thích về với thiên nhiên, nên đôi ba lần đã được trải nghiệm những cảm giác về với núi đồi thác suối. Cảm giác trải nghiệm quả là một điều thú vị vô cùng. Đêm trăng mùa hè rười rượi, ngả lưng xuống thảm lá thông khô êm ái, ngửa mặt nhìn lên thăm thẳm bầu trời với hàng ngàn ngôi sao lung linh nhấp nháy huyền ảo đến vô cùng. Nhìn trăng trôi trên sông trời mà cảm nhận đủ đầy sự bình yên tuyệt diệu. Cảm giác này hoàn toàn khác lạ với việc đón bình minh ở một nơi xa xôi phố hội. Hẳn sẽ là điều thú vị cho bất cứ người nào chọn điểm dừng chân để căng lều trại trong âm u rừng già nơi dòng thác ngày đêm tung bọt trắng xóa. Chung trà nóng tỏa hương thơm lựng trước khung cảnh vừa hùng vĩ lại rất bình yên nên thơ, lãng mạn của núi rừng sẽ là dấu ấn chẳng thể phai mờ. Để có được cảm giác nhìn ngắm ánh mặt trời đầu tiên ở những ngọn núi cao vời vợi, thỏa mãn cảm giác vượt qua chính mình là một thử thách đòi hỏi về sự dẻo dai khỏe mạnh của cơ thể và ý chí của bản thân. Khí hậu Tây Nguyên dường như biết chiều lòng người nên đã là cầu nối để cho những tâm hồn thích khám phá, chinh phục thiên nhiên được thỏa chí tang bồng mây núi.


    Những người lớn tuổi hoặc có những thương tích bên người thường lại sợ những lúc trở trời. Họ thường gọi là những ngày khó ở. Cảm giác mệt mỏi theo mùa phải mất mấy ngày mới quen dần sự thay đổi của đất trời. Có lẽ sự chuyển mùa ở nơi nào cũng giống nhau nên đòi hỏi sự thích nghi của con người. Đây cũng là lúc để mọi người nhận ra sự báo động của cơ thể để kịp thời có những điều chỉnh, cân bằng nhằm tăng sức đề kháng cho mình và người thân.


    Khoảnh khắc giao mùa không kéo dài mà đủng đỉnh đến và nhẹ nhàng rời đi trong vài tuần để hòa chung quy luật của thiên nhiên. Cảnh sắc chỉ là những sự biến đổi cho phù hợp với dòng chảy tuần hoàn. Đôi lúc, cảnh sắc còn là cái nhìn qua những lăng kính với nhiều gam màu trong đôi mắt con người. Nhưng có lẽ, những người cảm nhận vẻ đẹp của đất trời qua những biến chuyển của mùa là những người có tâm hồn đa mang nhạy cảm. Đây cũng là cái suy nghĩ một chiều của kẻ trót mang trong mình những mong manh yếu đuối trước thiên nhiên rộng lớn mênh mông ảo diệu đến lạ kì.


    Khi tôi ngồi vẩn vơ gõ những dòng này, thì ngoài kia từng đàn bướm vàng mơ vẫn đang miệt mài hồn nhiên bay lượn trên những thảm xuyến chi mỏng manh cánh trắng. Và không gian chìm ngập âm thanh của tiếng ve đang rộn rã gọi hè. Có lẽ vì sự cộng hưởng này làm cho lòng người rộn vui những niềm vui bé mọn mà thiên nhiên và đất trời ban tặng. Chỉ thế thôi, mà khoảnh khắc giao mùa cứ làm cho hồn mình xao xuyến, bâng khuâng…


    Ngô Thanh Vân

    Giao mùa
    Giao mùa
    Giao mùa
    Giao mùa
  3. Sớm nay, Hà thành vừa lạ vừa quen khi có những con phố gần như được phủ kín trong màu trắng tinh khôi của “tuyết tháng Ba”, là hoa sưa. Thoảng trong làn gió se se lạnh, tháng Ba cảm nhận được nét hồn tươi mới của vạn vật, của đất trời. Tháng Ba, khúc giao mùa đã điểm.


    Cả mùa đông những cây sưa yên lặng đợi chờ, để rồi khi xuân tới bỗng bừng thức dậy, bung nở cho mình ngàn cánh hoa trắng muốt. Đi trên các con đường góc phố phủ đầy sắc trắng của hoa sưa, đôi khi tôi cảm giác như đang ở xứ lạnh Đông Âu với tuyết trắng. Sắc trắng tinh khôi của hoa phủ rờm rợp các tuyến phố Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Thanh Niên. Hoa nghiêng nghiêng khoe dáng bên những mái ngói thâm nâu cổ kính. Thi thoảng hoa lại khẽ khàng sà vào ban công tầng hai của một ngôi nhà trên phố cũ nào đó. Có những ngày, tâm trí trĩu nặng áp lực cuộc sống, bước chân vô định đưa tôi về con phố xưa đong đầy kỷ niệm. Chợt những cánh hoa mong manh nương theo gió, khẽ đậu lên tóc, lên vai như một lời an ủi dịu dàng. Tôi đưa tay đón lấy cánh hoa, bất giác mỉm cười, dường như ưu phiền nhẹ vơi đi bao phần.


    Tháng Ba, nắng xuân lấp lánh reo vui trên gánh hoa bưởi ngát hương vừa lướt qua. Hương bưởi đánh thức ngăn ký ức trong trẻo thời thanh xuân của mỗi người. Những thúng mây ăm ắp hoa, ngan ngát hương theo chân người bán len lỏi đến từng ngõ nhỏ Hà thành. Hương bưởi nồng nàn mà sâu lắng khiến lòng ai bao năm vẫn thổn thức nhớ về.


    Tháng Ba, khi lọn nắng ấm áp dạo gót mùa trên phố, những cánh hoa ban tim tím e ấp khe khẽ chào xuân. Có những tuyến phố Hà Nội phủ rợp màu tím dịu dàng của hoa ban. Nhìn từ xa, ta như thấy cả một đàn bướm đang rập rờn, đùa vui trong chiều xuân.


    Dân gian có câu: “Bao giờ cho đến tháng Ba/ Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”. Phải chăng, hoa gạo bừng nở báo hiệu chấm dứt những ngày đông lạnh giá. Có những đêm xuân, mưa bụi lất phất bay, màu hoa gạo vẫn "thắp lửa" trong ánh đèn đường mờ ảo cho ta cảm giác ấm áp đến lạ thường.


    Hà Nội có một vài “cụ Gạo” khá nổi tiếng. Bao năm tháng, mỗi lần đi qua Bảo tàng lịch sử quốc gia, tôi thường dõi mắt ngắm cây gạo cổ thụ nơi đây. Dáng cây vững chãi, vươn cao đầy kiêu hãnh. Sắc đỏ tươi của hoa nổi bật trên nét cổ kính của Bảo tàng tạo nên bức tranh thú vị về sự tiếp nối thời gian. Khi mùa hoa gạo về, Ngã ba Giải phóng – Phương Mai lại được nhuộm đỏ bởi hoa gạo. Giữa phố xá xô bồ những cánh hoa đỏ tươi ngay cả khi đã rụng xuống khiến cho quãng phố mang một màu sắc đầy thi vị.


    Tháng Ba, không chỉ hoa, mà lá cũng thay màu đổi sắc tạo ra bức tranh biến ảo rực rỡ. Ra phố tháng Ba, ta bắt gặp vài cánh lá bàng đỏ thẫm của mùa đông còn sót lại chênh vênh trên cành cùng những chồi non đang cựa mình thức dậy. Có những sớm mùa xuân, tôi đứng lặng trước thảm lá lộc vừng vàng tươi phủ trên hè phố. Bất giác ngước lên, kìa những lộc biếc đang he hé trên cành như đang nháy mắt chào khách qua đường. Lá sấu, lá xà cừ cũng dần ửng vàng để bước vào mùa thay lá. Cứ thế, những hàng cây dần trút bỏ mùa cũ để khoác lên mình màu áo mới xanh non.


    Tháng Ba, thênh thênh gió, nồng nàn hương, mang nét hồn trinh nguyên tươi mới của đất trời, của vạn vật. Hà Nội bước vào khúc giao mùa yêu thương như bản tình ca mùa xuân đẹp nhất.


    Bài Vy Anh

    Khúc giao mùa
    Khúc giao mùa
    Khúc giao mùa
    Khúc giao mùa
  4. Đầu hạ thời tiết đỏng đảnh như cô thiếu nữ, ngày nóng hầm hập vậy mà nửa đêm bầu trời thu sao, gió nổi lên rồi sấm chớp mỗi lúc một dày, mạnh. Và mưa xối xả. Đang nằm quạt tay phải quờ quạng tìm tấm chăn mỏng đắp ngang người mới chìm được giấc ngon.


    Sáng ra, những cái cây sau bao ngày chịu nắng hạn uể oải héo rũ như cụ già tám chín mươi xuân nay được tưới tắm bởi nước trời bỗng xanh tươi hồi sinh thuở hai mươi sung sức nhất, những cây lúa ủ rũ những ngày nắng nóng bỗng mỉm cười sau trận mưa đầu mùa. Mưa sẽ làm cây lúa có đủ sức để chuyển chất dinh dưỡng từ đất lên nuôi bông hạt chắc cho mùa ấm no. Mưa làm những cây mạ non thêm cứng cáp để sẵn sàng cho vụ hè thu. Mưa thúc giục chùm vải trên cành nhanh chín hơn, mưa xuống ngoài đồng ruộng tấu lên bản hòa ca của những loài côn trùng, ếch nhái. Từ tiếng dế nỉ non đêm ngày đến tiếng ếch nhái, ễnh ương, chão chuộc gọi bạn tình đến mùa sinh sản. Mỗi khi bước chân qua bờ ao, bờ ruộng những con ếch nhái lại tránh người nhảy xuống nước chui rúc vào vũng bùn nào đó ẩn nấp. Không ngoai khi ai đó gọi tiết giao mùa là mùa vui tai.


    Sau cơn mưa trời lại nắng, nhưng giọt mưa còn đọng lại trên cành cây, kẽ lá khi hạt nắng xuyên qua lung linh như hạt ngọc. Vạn vật như tươi mới sau cơn mưa chuyển mùa. Tôi bỗng nhớ đến câu nói của bà “nước ở dưới gốc thường xuyên, không bằng nước thiên nhiên của ông trời tắm tưới cho cây”. Bằng sao được khi mưa nắng giao hòa, cân bằng âm dương, sinh sôi nảy nở.


    Trận mưa to đầu mùa hạ, nước từ khắp nơi đổ về dòng sông ngầu đỏ, những loài cá chui ra khỏi hang vui đùa với nước. Người gọi nhau í ới ra sông đánh bắt cá, người cầm đó, người cầm nơm, lưới, vợt… để bữa cơm có thêm món cá. Trên những khúc sông ánh đèn sáng loang loáng trên mặt nước. Trận mưa đầu mùa năm nào tôi cũng đem về một giỏ các loại cá. Bà lựa ra từng loại cá để nấu, rán để cho ra những món cá ngon, hợp khẩu vị nhất. Món cá rô đồng của bà mới ngon tuyệt làm sao. Nhưng bây giờ cá hiếm lắm rồi, để có được cá người ta dùng độc dược, xung điện để đánh bắt thì làm sao cá còn có thể sinh sản. Những con cá không bị chết bởi độc dược, xung điện cũng sống một cách dặt dẹo khó mà sinh sản.


    Mỗi năm mưa chuyển mùa trên những dòng sông, cánh đồng, dòng suối không còn có nhiều người đánh bắt cá như trước. Đã nhiều năm cái giỏ của tôi treo trên bếp lửa không buồn gỡ xuống. Tiếng sấm, chớp giật không còn thôi thúc bước chân người ra đánh bắt cá tôm. Nó dội vào trong lòng tôi nỗi buồn khó tả. Cá tôm ngày một ít, ếch nhái cũng không có nhiều để ăn sâu bọ bảo vệ cây lúa lớn lên. Mưa chuyển mùa những con giun, nhái bò ra mặt đường bị hóa kiếp bởi những bánh xe ô tô vội vã trong cơn mưa xối xả. Mưa chuyển mùa làm vạn vật tươi tốt, tôm cá, ếch nhái, giun dế vào mùa sinh sản tấu lên bản hòa ca vui tai ru con người giấc ngủ đêm hè.


    Nông Quốc Lập

    Giao mùa
    Giao mùa
    Giao mùa
    Giao mùa
  5. Những ngày cuối cùng của mùa thu đang chầm chậm trôi qua trên con đường ngát hương hoa sữa và những quả bàng vàng rộm. Đi giữa những ngày này ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa. Ngày thu sắp hết, ngày đông chợt tới. Hai mùa thu- đông tiễn đưa nhau bên bờ sông trắng cỏ bạc đầu. Không gian ấp ủ nét đẹp dịu ngọt bâng khuâng. Hanh hao mang mang. Đất trời đang chuyển, đẹp như đôi mắt người thiếu nữ đa tình mơ mộng.


    Giữa tiết trời se se, không gian mờ ảo trong làn sương mỏng. Trong trẻo và mát mẻ. Dừng chân ngắm nhìn dòng Bạch Đằng vào buổi bình minh là những trải nghiệm đầy thú vị khiến trong người cảm giác thư thái, bình yên. Khúc sông này khi xưa là đoạn cuối cùng của con sông Sặt trước khi đổ vào sông Thái Bình. Về mùa lũ nước sông lên to, sóng nhồi lớp lớp. nước trắng mênh mông. Con đê đúc bằng bê tông thời thuộc Pháp mảnh mai muốn vỡ. Về sau chính quyền huy động đào đoạn sông khác thay cho đoạn chảy qua thành phố. Từ đó không còn cảnh lo lắng, thúc trống dồn dập mỗi lần nâng cấp báo động nước lên. Cũng không còn cảnh lũ trẻ con cả trai lẫn gái ùm ùm bơi lội.


    Nắng hanh hanh vàng trải dài đường phố. Gió chuyển dần từ tây bắc sang đông bắc. Nhẹ thôi nhưng vẫn cảm nhận được. Không gian se sắt. Đã nghe hơi lạnh săn da. Hoa sữa giật mình bung nở. Một cái khăn nhẹ và mỏng choàng hờ hững trên vai cô gái. Nhìn vào đâu cũng thấy đẹp. Quê tôi đang vươn lên tầm cái đẹp. Yêu quá, chẳng muốn chuyển đi đâu nữa.


    Tiếng chim cuốc thưa thớt vọng lên như níu kéo mùa thu. Bước chân nhẹ tênh như đưa tôi vào một miền cổ tích. Chẳng hiểu sao mỗi lần nghe tiếng cuốc kêu là một lần trong tâm trí tôi lại hiện lên cảnh cung vàng điện ngọc cùng các thiếu nữ ngọc giắt trâm cài. Chỉ vì một phút lỗi lầm của vua cha khiến nước mất, thành tan. Nàng công chúa phải nhận cái chết tức tưởi, ngàn năm sau hồn chưa siêu thoát. Để đến hôm nay vẫn còn kêu “Tiếc…tiếc”


    Nắng trải trên cánh đồng đang vào vụ gặt. Nồng nàn hương vị đất đồng ấm áp. Đất sinh ra làng tôi. Người làng tôi nặng tình với đất. Đất sẽ mở ra vô cùng, vô tận nuôi sống người làng tôi.


    Cuối thu lá rụng nhiều hơn. Chiếc lá vàng chao nghiêng như lời tạm biệt mùa thu. Từng đàn có trắng dập dờn về tổ. Các loại côn trùng bắt đầu cất lời ca muôn thưở. Đó là tiếng thở của làng quê thả vào không gian yên tĩnh. Gió thổi nhiều hơn, mạnh hơn. Những cành cây trụi lá đâm ngược lên trời báo hiệu mùa thu sắp hết, một cái đẹp sắp đi qua. Đã thấy nhiều tà áo mang mầu ấm tha thướt cùng mùi son phấn.

    Những ngày giao mùa thu - đông thật kỳ ảo. Bảo nóng ư? Không phải. Bảo rằng rét ư? Cũng không đúng. Thời tiết chuyển động bất ngờ. Chả khác nào một cô gái xinh đẹp nhưng tính tình đỏng đảnh, kiêu kỳ. Đang nắng thoắt mưa, đang mưa thoắt nắng. Người xưa bảo đó là mưa bóng mây. Những giọt mưa cuối thu không có gì là độc hết. Chỉ thấy cái lành lạnh nhẹ nhàng thấm nhanh vào da thịt, len vào tận thẳm sâu trong tâm hồn. Tự nhiên thèm khát yêu đương.


    Mùa thu đã đẹp, những ngày tàn thu còn đẹp hơn. Bao nhiêu lời vàng ý ngọc tặng cho mùa thu dường như không đủ. Yêu những ngày cuối thu không để đâu cho hết. Yêu những ngày giao mùa thu - đông không biết mấy mươi. Yêu hương lúa chín dịu dàng. Yêu hương hoa sữa, hoa hoàng lan nồng nàn da diết. Người ta như uống được cả hương thơm của quê hương. Tôi yêu luôn cả những cô gái quê điệu đàng không son phấn mà vẫn hây hây má đỏ.


    Trăng cuối thu bao giờ cũng sáng nhất, đẹp nhất trong năm. Trời đêm cao vời vợi. Gió đẩy tiếng cuốc kêu luyênh loang mặt sông. Ánh trăng mầu ngọc xuyên qua kẽ lá in xuống nền đường rung rinh như tấm vải hoa kỳ diệu. Lung linh và rực rỡ. Trăng đẹp như một mệnh phụ phu nhân quyền quý. Hơi chín một chút nhưng quyến rũ đến lạ lùng, không ai có thể cưỡng nổi. Đi trong ánh trăng có cảm giác như đang được bay lên không gian vô cùng vô tận. Tiếng dương cầm nhà ai vẳng ra trầm bổng, thấm vào lòng người thiết tha sâu nặng.


    Trăng rãi trên thềm. Trăng soi góc phố. Trăng như kéo người ta sích lại gần nhau. Mùa cưới đã về. Thêm nhiều đôi nhiều cặp thề non hẹn biển. Người yêu nói với người yêu. Vợ nói với chồng. Ô hay, nghe hai người rủ rỉ nói với nhau mà tưởng như hoa nở vây quanh. Cười nhiều hơn, nói nhiều hơn, mắt sáng hơn. Nói đã yêu, cười càng yêu hơn. Tự nhiên thấy lòng mình lâng lâng xao xuyến, tràn ngập yêu thương.


    Tôi muốn những ngày giao mùa dài ra mãi. Muốn trăng thu cứ treo tít trên cao. Không gian đậm mùi hương lúa. Ngai ngái, ngòn ngọt quấn quýt từng bước chân ta. Tôi mê man đi giữa lớp lớp biển lúa vàng mà bà tôi, mẹ tôi, chị tôi một nắng hai sương dốc sức vun trồng. Cũng vào những ngày này mẹ tôi lần giở áo quần chống rét từ năm ngoái ra kiểm tra từng cái khuy, từng đường chỉ. Mẹ tôi như nói với mình: “Sắp tết rồi”. Chao ôi. Giọng mẹ tôi như thấm vào tận xương tận tủy. Người ở phố không thể biết rằng vào lúc giao mùa thu- đông chính là lúc người nông dân vất vả nhất. Vụ mầu liền kề đang phả hơi nóng phía sau. Nhiều đêm làm quá canh hai.


    Có người lại bảo: “Thu đến rồi thu lại đi. Thu đi rồi thu lại về. Vẫn nắng vàng, vẫn trăng thanh gió mát. Có khác gì đâu”. Nghĩ như thế là lầm lẫn, hết sức lầm lẫn. Vẻ đẹp của mùa thu mỗi năm một khác. Thu năm nay khác năm trước, lại càng không thể giống với thu sang năm. Chả thế mà bao nhiêu thi sĩ, văn sĩ đổ rất nhiều công sức, biết bao giấy mực để ca ngợi mùa thu mà vẫn không đủ, không hết đó sao.

    Hai năm nay đại dịch covid-19 tràn lan đã lấy đi nhiều sở thích của người dân. Đó là được hoạt động thể dục thể thao, được nhâm nhi li cà phê trên vỉa hè mỗi sớm, ngắm nhìn nắng vàng trải trên đường phố, làn sương bảng lảng mặt sông. Không sao cả. Ai cũng hiểu “Chống dịch như chống giặc”, hy sinh hôm nay để giành lấy ổn định lâu dài.


    Những ngày cuối thu dịu dàng thanh thoát bao giờ cũng khiến lòng nhẹ nhõm dịu đằm, giúp ta vượt qua những gập ghềnh khúc khuỷu của cuộc sống, vượt qua những nóng nảy giận hờn, tránh được những lỗi lầm thường gặp. Công hầu khanh tướng làm chi. Xuôi ngược bon chen làm chi. Tất cả chỉ là phù du. Tất cả rồi sẽ qua. Chỉ có mùa thu là tồn tại vĩnh cửu. Với hoa vàng, với cỏ xanh và với nhịp sống ngày một tươi sáng./.


    Nguyễn Sỹ Đoàn

    Khoảnh khắc giao mùa
    Khoảnh khắc giao mùa
    Khoảnh khắc giao mùa
    Khoảnh khắc giao mùa
  6. Nước mình phía Bắc, có bốn mùa rõ rệt: Xuân hạ thu đông. Thời gian chuyển đổi từ mùa nọ sang mùa kia thường không rõ nét lắm. Cũng là điều dễ hiểu. Theo vòng quay trái đất, có thể đã là mùa thu đẹp đẽ và mơ mộng nhưng thời tiết thì vẫn oi ả của mùa hạ. Thời gian đó gọi là thời kỳ chuyển mùa, hay giao mùa. Chuyển mùa, đổi mùa, thay mùa, giao mùa vẫn đều mang một nghĩa. Nhưng tôi thích cái từ giao mùa.


    Giao mùa, một ý nghĩa nào đó, như thấy trong đó có sự trao đổi, giao hoan, vấn vít. Thời tiết khi đó quấn quít, đan xen. Mưa nắng, nóng lạnh như diễn ra vòng vo, không dứt khoát. Lệch một tí là bên này, chệch một tí là bên kia. Cái không rõ ràng đó cho ta thấy sự bấu víu, dùng dằng. Đó chính là cái mà con người ta dễ cảm nhận với những rắc rối, lòng thòng của sự đỏng đảnh. Đó chính là thời tiết.


    Có những kỳ chuyển tiếp của sự giao mùa dễ lay động lòng người. Mỗi người đều có những kỷ niệm đẹp về thời gian, về bốn mùa của năm. Có sự chuyển tiếp mà con người ta mong đến sớm, để rồi mong nó qua nhanh, nghĩa là muốn lẩn tránh. Cũng có những sự chuyển tiếp mà người ta muốn níu kéo, dùng dằng, không nỡ chia xa. Với tôi, đa phần của cuộc đời, đó là sự chia tay mùa đông để đến với mùa xuân. Khúc giao mùa giữa đông và xuân.


    Năm nay đầu mùa đông không lạnh. Cứ nghĩ như vậy là nó phù hợp với sự “nóng lên của trái đất”. Thì cũng nghe vậy, nên nghĩ vậy và viết vậy, chứ đâu có hiểu cái nguyên nhân sâu xa về môi trường toàn cầu, về hiệu ứng nhà kính là gì đâu. Gần đến tháng cuối năm mà vẫn khối anh “phong phanh áo vải, hồn muôn trượng”. Cả nghĩ thấy tiêng tiếc, năm nay không có mùa đông! Mất đi một cái đẹp của xứ Bắc. Mất cái gì thì mất chứ, mất đi cả một mùa thì tiếc lắm!


    Chẳng hiểu sao, mình lại cứ nghĩ và tự hào về cái riêng của mùa đông mà phía Nam không có. Cũng như mỗi địa phương, mỗi nơi có một cái riêng để tự hào. Tỉ như: con gái phương Nam đẹp một cách “thời đại” với những bộ cánh mùa hè. Sức trẻ, sôi động, nhạy bén thể hiện ở phong cách ăn mặc phương Nam. Còn nét kiêu kỳ pha một chút kiêu sa, trong cái đẹp lộng lẫy có sự đoan trang, lịch lãm là cách ăn vận trong mùa đông của các bà, các cô phương Bắc. Mình thích cái mùa đông phương Bắc, có một phần là thế.


    Nhưng đấy chưa phải là tất cả của sự giao mùa. Nói đến giao mùa là phải nói về thiên nhiên, khí hậu, thời tiết và cả cỏ cây, chim chóc nữa. Trong đó, sự vấn víu, quấn quít của mùa đông với mùa thu hoặc mùa đông với mùa xuân, theo mình, là cái đáng suy ngẫm.


    Khi những chiếc lá vàng rời cành, ta ngậm ngùi thương tiếc bâng quơ vì một sự liên tưởng. Cái mùa đẹp nhất trong năm, mùa của sự dịu dàng, của tình yêu sắp qua. Nét đẹp của mùa thu để lại khiến lòng người vương vấn, không phải là cái đẹp thanh xuân, tươi trẻ mà đó là cái đẹp của sự chín chắn nhưng nhuần nhị, khiêm nhường. Ta thương mùa thu sắp qua, thương những cánh lá ta đạp dưới chân, bay bay trên phố, thương cái se se lành lạnh và thương cả cái cây đằng kia đang khô nẻ để trơ ra sự gầy guộc.


    Ta nghĩ đến mùa đông sắp tới. Mọi sự sống như bị co rút lại, ẩn mình đi như con sâu cuộn trong cái kén. Ta mường tượng sự im lìm, sự lạnh lẽo, sự trống trải… Mùa đông, mọi con đường như dài hơn, xa vời hơn, thê lương hơn. Vậy là mình không thích cái “khúc giao mùa” của mùa thu với mùa đông. Đang từ cái mơ màng bỗng chuyển sang cái giá buốt. Điêù đó cũng giống như, lảng bảng đâu đó một ý nghĩ, sự chia tay của sự già nua, xế chiều để về với lạnh lẽo, cô quạnh. Nghe hãi hãi, não ruột như về một chuyến đi xa vô định.


    Viết đến đây lại nhớ ngày xưa còn bé, được xem bộ phim của Liên Xô nói về hoạt động của một nhà nữ cách mạng. Đoạn kết của bộ phim là cảnh mênh mông tuyết trắng, những vết chân trên tuyết của nhà nữ cách mạng cho thấy còn biết bao là gian nguy và thử thách đang chờ đợi trên những chặng đường tiếp theo, tương lai cũng mờ mịt ảm đạm. Lại nhớ cả Nguyễn Đình Thi, có bài thơ chia tay người yêu trong kháng chiến “Dừng chân trong mưa bay/liếp nhà ai ánh lửa/…chiều mờ gió hút/ nào đồng chí, bắt tay/ em/ bóng nhỏ/ đường lầy*” Đấy, hình như, tất cả mọi chia xa, đều lấy mùa đông để lý giải. Vậy là mùa đông có cái gì đó tượng trưng cho cái buồn, và nhiều khi cái buồn mùa đông là cho tâm hồn con người nó heo hút, rầu rĩ, não nề lắm.


    Mùa đông trong tâm trí mỗi con người, cũng luôn mơ về sự đoàn tụ. Đó là nỗi niềm mong mỏi khát khao, nhưng hy vọng lại có vẻ mong manh. Hạnh phúc gì hơn trong lạnh lẽo, có được ngọn lửa sưởi ấm. Ngọn lửa đó chính là mái ấm gia đình, là sự đoàn tụ. Cái giá rét mùa đông làm cho con người muốn được gần gũi nhau, muốn được yêu thương nhau nhiều hơn. Đó là sự chống trả của con người với khắc nghiệt của thiên nhiên.


    Mùa đông cũng cho những nỗi nhớ tê tái dầm dề. Tê tái dầm dề như những ngày mưa phùn gió bấc. Nỗi nhớ lặn sâu, đau buốt và dai dẳng không dứt như những cơn mưa. Nhẹ thôi, mỏng mảnh thôi nhưng khắc khoải lắm.


    Ấy vậy mà tới lúc giao mùa, mọi sự lại khác. Sự bừng tỉnh như chồi bật trên cây, mắt lá xanh mướt lại đến, nõn nà phô bày, hồi sinh trở lại. Sự thay đổi kỳ diệu khiến ngỡ ngàng, khiến phải nhẹ nhàng, nâng niu. Vẫn còn đấy những sợi mưa li ti, nhưng ta lại gọi đó là những sơi tơ trời. Tơ trời ràng buộc ta với nhau. Những sợi tơ trời đó chỉ đủ làm long lanh những giọt sương. Nhìn những ngọn cỏ ngậm sương, ta mới thấy đất trời thật trong veo. Cảnh tượng đó cho lòng ta thư thái. Đấy là khoảng thời gian giao mùa của mùa đông với mùa xuân. Những tia nắng chiếu vào những hạt sương cho ta nhận biết sự lung linh, kỳ ảo của mùa xuân sắp tới.


    Trong khoảng giao mùa giữa đông và xuân, không thể không nhắc đến tiếng chim hót đầu cành. Người thành phố ít được hưởng những phút thảnh thơi khi nghe các loại chim hót ríu ran vào những sớm mai. Nó là một dàn hợp xướng đang ca khúc giao mùa. Người già có thể hình dung đó là tiếng lũ trẻ đanh chạnh choẹ cãi nhau. Tiếng chim hót xua đi tất cả những mệt nhọc và ưu phiền. Tiếng chim hót ngày xuân còn bay bổng hơn, thú vị hơn khi ta nhìn lên bầu trời cao xanh. Lúc đó, ta nhận được từ tâm hồn ta sự thư thái, tự do và cao sang lắm.


    Nói đến chim lại phải nói đến hoa. Chẳng mùa nào nhiều hoa như mùa xuân. Những gì cao quý, sang trọng nhất đều dồn cho “khúc giao mùa” này. Mùa xuân là mùa hoa. Nhà nhà đều có hoa. Đi chợ hoa để ngắm hoa và để chuẩn bị đón xuân về là một chuyến đi chơi thú vị với nhiều người trong thời điểm này. Ở nơi đây, ta gặp nhiều nụ cười. Nụ cười nào cũng tươi như hoa. Chỉ thi thoảng, chỉ đôi khi, cũng gặp những nụ cười vất vả, âu lo. Những lúc đó, ta cũng trạnh lòng. Nhưng hơn hết thảy vẫn là hoa. Hoa cho ta thấy sức sống mới đang bật dậy. Ước mong sao cuộc đời mỗi chúng ta là những mùa hoa!


    Cũng không phải không còn rét. Vẫn còn đó những luồng gió bấc tràn về. Nhưng ta đã cảm nhận được một sự hứng khởi, một khí sắc mới. Cho dù có “tháng ba bà già chết cóng” chăng nữa, ta vẫn thấy hơi ấm của mùa xuân. Cho dù còn rét Nàng Bân. Cái rét Nàng Bân là cái rét hạnh phúc. Chờ đợi, mong mỏi hạnh phúc và cũng muốn được chia sẻ hạnh phúc là bản tính vốn có của con người. Ta gọi những hạt mưa đầu năm kia là những hạt mưa xuân. “Mưa xuân cho cây tốt tươi, búp chen lá trên cành*”. Ta mường tượng những tiếng “ồ” vui vẻ khi mọi người hồ hởi nắm tay nhau, nhìn những vạt nắng vàng rải trên cánh đồng, chan hoà khắp ngõ xóm. Nắng mới lên, đấy là sự giao mùa của mùa đông với mùa xuân. Một mùa xuân mới bắt đầu.


    Vinh Anh

    *Thơ Nguyễn Đình Thi và lời một bài hát trong trí nhớ của tác giả

    Cảm nghĩ khúc giao mùa
    Cảm nghĩ khúc giao mùa
    Cảm nghĩ khúc giao mùa
    Cảm nghĩ khúc giao mùa
  7. Mùa đã sang thu rồi phải không? Đôi lúc trên dòng đời tấp nập ta bỗng giật mình thoáng bối rối trước một chiều thu vàng nắng, một chiếc lá thu vàng rơi vương trên áo ai , một làn gió đầu thu se lạnh, một vạt sương thu mỏng mảnh giăng mắc.


    Mùa đã sang thu !


    Bất giác miền ký ức tuổi thơ như dòng sông ăm ắp ào ạt tràn về làm thức dậy trong tâm thức bao kỷ niệm. Ta miên man ngụp lặn trong miền ký ức thủa nào với biết bao hoài niệm ngọt ngào của một thời thơ trẻ. Ký ức về một miền quê đã từng in dấu tuổi thơ với biết bao vui buồn mà sao đáng yêu đến thế.Ta bỗng thèm được nghe tiếng trống trường điểm rộn rã ngày khai giảng, bỗng thèm được tận hưởng giây phút chụm đầu cắn chung miếng ổi vàng ươm ngọt lịm nơi đầu lưỡi, thèm được vốc cốm xanh mềm tự tay mẹ giã. Một nỗi nhớ bồng bềnh dường như mơ hồ, dường như rõ nét. Có đôi mắt ai vội quay đi giấu cái nhìn thẹn thùng bối rối.


    Mùa đã sang thu!


    Gạt lại sau lưng những bộn bề lo toan thường nhật, ta hối hả tìm về miền quê nhỏ bé đong đầy kỷ niệm. Dòng sông tuổi thơ vẫn lững lờ chảy đi xa ngái như thời gian chầm chậm. Ta hoang hoải lục tìm trong ký ức. Đâu rồi một thủa chăn trâu cắt cỏ. Đâu rồi những trưa hè ngồi trên lưng trâu bơi qua dòng Trà Lý ?
    Mái đình xưa vẫn nằm im lìm vắng lặng. Đâu rồi tiếng trống ếch rộn ràng mỗi độ thu sang. Đâu rồi cây bàng cổ thụ xoè tán soi bóng xuống ao làng để mỗi độ thu về từng trái bàng vàng ươm réo gọi chim về xây tổ. Giờ đi ngang noi ấy chỉ còn lại kỷ niệm ùa về cùng gió lang thang vời vợi. Có bao giờ nữa không ta được một lần cầm tay nhau say sưa trong điệu múa sạp dưới ánh trăng thu vằng vặc ?


    Mùa đã sang thu!


    Ta cũng đang bước vào thu. Chầm chầm, luyến tiếc và níu kéo. Chiếc mo cau rụng xuống góc sân vô tình chạm khắc vào ký ức ta một hoài niệm. Hoài niệm về một thủa hai đứa chơi trò phu kéo mo cau. Mo cau ơi thời gian xa ngái rồi mà sao lòng còn nhớ mãi, xót mãi.


    Những tưởng quên đi sao lòng cứ nhớ. Nỗi nhớ bền chặt dai dẳng đến thế bởi miền ký ức đã hằn sâu đâu dễ để nguôi quên. Lặng lẽ lật từng nếp gấp kỷ niệm ta vội vã tìm về lòng rưng rưng nhớ, rưng rưng thương, rưng rưng xúc động. Bất giác ta thèm một điều ước. Xin người cho ta trở về tuổi thơ ngày ấy.


    Sưu tầm

    Lãng đãng trong khoảnh khắc giao mùa
    Lãng đãng trong khoảnh khắc giao mùa
    Lãng đãng trong khoảnh khắc giao mùa
    Lãng đãng trong khoảnh khắc giao mùa
  8. Đó cũng là khoảng thời gian này trong năm, khi trời bớt cao và trong, nắng nhạt và nhiều gió thổi, em gọi nó là mùa phải lòng.


    Sau mấy trận sốt giao mùa mỗi tháng tư, tháng mười một, em lại thấy mình yếu ớt, nhỏ nhen và nhạy cảm thêm vài phần. Em nghĩ trên trái đất này, chỉ có mình em là kẻ cô đơn.


    Em phải lòng không phải vì mùa. Nhưng mùa bảo em hãy xôn xao đi. Em nén lòng đợi chờ. Mùa bảo em hãy đi tìm cớ...


    Với em thì, rung động là cảm xúc khó hiểu nhất trần đời, thật đấy. Em không biết lúc nào nó xảy đến, không kiểm soát được, không cách nào ngăn nó chảy tràn trong lòng em. Có những người làm em thấy biết ơn suốt một thập kỷ. Nhưng cũng có người chỉ lướt qua thôi, làm em muốn lưu giữ cảm xúc ấy một đời sau. Cách ánh mắt em lục tung bể người để chỉ tìm kiếm một người ở đấy, cách người ấy nhẹ nhàng tìm cách chối bỏ em, em đem những cảm xúc đó, nén thành viên kẹo chua ngọt the cay, cất vào lòng (và hẳn ở đó không có kiến, chỉ có nhiều gói chống ẩm, giữ em đừng vội quên).


    Có những thứ cảm xúc đến mạnh và đi cũng nhanh, làm em hụt hẫng và cấm cảu vô vùng. Em tưởng rằng cảm xúc từ mùa này nó cũng như vậy. Nào ngờ nó lại là thứ cảm xúc như nhấm nháp cà phê, quện vào lòng một chút hơi ấm nóng, châm từ từ từng chút để thả lòng, rồi thở nhẹ ra từng giọt từng giọt. Rồi chắt chiu, rồi nâng niu, rồi nhâm nhi... Và nó còn ấm nóng, tốt cho cái amidan yếu đuối như chính em.


    Có một vài kỉ niệm trong quá khứ được em bầu chọn là khoảnh khắc vui nhất trong cuộc đời (với hơn hai chục mấy năm sống). Vào khoảng thời gian này, đôi khi nghĩ lại, nó làm em tủi thân. Em thường sợ những thứ vui vẻ, hạnh phúc quá. Bản thân em lúc nào cũng nghĩ mình là đứa bị nguyền rủa không xứng đáng được thương yêu. Nhưng nếu không có nó, em không thể có một thành trì kiên cố, cho em dựa vào mỗi khi thấy mình méo mó, lạc loài.


    Thực ra thời tiết không làm em buồn đâu, gió ngoài đường thổi mạnh quá làm trống rỗng luôn cảm xúc. Và rồi thì cô đơn vẫn là căn bệnh trầm kha của tuổi trẻ.


    Lemon Drop

    Giao mùa
    Giao mùa
    Giao mùa
    Giao mùa
  9. Bắt đầu là gió heo may về, trời se se lạnh. Nắng cuối thu vàng thanh và trong vắt như mạch nha rải trên vạn vật, không gian như được phủ một tấm voan vàng nhạt lung linh.


    Trời cao và xanh vời vợi. Ngoài đường, có người đã mặc những chiếc áo khoác nhẹ, áo len mỏng, lại có người vẫn phong phanh áo sơ mi. Gió vẫn thổi se se trên đường phố mang theo mùi hoa sữa thoang thoảng.


    Bỗng trong đêm có tiếng gió ào ào đập hối hả vào ô cửa sổ. Trời chuyển gió mùa đông bắc. Mùa đông đã về.


    Buổi sáng tỉnh dậy, nhìn ra ngoài trời thấy bàng bạc một màu trắng, gió thổi những chiếc lá bàng tím thẫm lăn hối hả trên đường, dòng người đi lại có vẻ vội vã hơn như để chạy trốn cái lạnh luồn qua lần áo chưa thật dày, ấm.

    Những ngày mưa phùn, bầu trời ảm đạm, cả không gian như nấp dưới một cái giây khổng lồ, ở đó bụi nước lây rây mờ ảo, bụi nước đọng trên tóc, trên áo như những hạt sương muối - cái lạnh cũng theo đó mà ngấm vào da thịt. Phía Hồ Tây sương khói bảng lảng trôi trong mênh mông mặt hồ, cây lá ven đường Thanh Niên xanh thẫm lại dưới làn mưa bụi. Đâu đó giữa nhịp sống hối hả vẫn thấp thoáng khiêm nhường những quán cóc bán chén trà nóng, kẹo gừng, kẹo lạc....như một nét riêng của mùa đông Hà Nội vậy. Cảm giác sẽ thật dễ chịu khi sau những ngày mưa rét bỗng đất trời bừng nắng. Ánh nắng mùa đông hanh hao như thể màu hoa cải - nó nhuộm mọi thứ trở nên tươi mới, ánh nắng mơn man trên những tán cây hoa sữa, cây xà cừ, nắng nhảy nhót trong ánh mắt lấp lánh của người thiếu nữ, nhà ai đó mang chăn ra sân thượng phơi cho mùi nắng lồng vào trong chăn. Trên đê Nhật Tân, những cây đào sắc thắm, đào phai với những nụ, những hoa...e ấp trong tiết đông lạnh giá làm xao xuyến, bồi hồi lòng người. Phía ngoại thành, nắng trải dài trên những luống đất để ải, nắng làm sáng rực lên bức tranh quê với những mảng màu xanh nõn nà của ruộng rau xà lách, xanh đậm của luống hành, vàng tươi của vạt hoa cải, đỏ rực của cà chua, ớt... Tâm trạng nhẹ nhàng khoan khoái, ta thấy yêu đời hơn và bất giác muốn hát nho nhỏ một giai điệu rộn ràng... mới hay đất trời quả là có tác động rõ rệt lên cảm xúc mỗi người.

    Mùa hè, người ta nằm trong phòng có máy điều hoà, lăn trên sàn đá hoa, nằm gần những chiếc quạt chạy vù vù... vẫn không xua đi được cảm giác bức bối, ngột ngạt. Còn mùa đông, đóng các cửa sổ, bật những bóng điện vàng sáng rực lên và cả nhà chui vào tấm chăn - một không khí ấm áp của gia đình bao trùm, cái lạnh dường như không còn hiện diện. Trong những suy nghĩ miên man về hạnh phúc tôi thấy chẳng phải trong thời đại của nền kinh tế thị trường hạnh phúc gia đình mong manh như có người vẫn nghĩ, hạnh phúc là ở trong tay ta, hạnh phúc chẳng phải là cái ǵ mơ hồ trừu tượng mà nhiều khi lại là những chuyện nhỏ nhặt rất cụ thể, nó cũng cần được nuôi nấng và nâng niu một cách tinh tế, bền bỉ và có lẽ cũng rất cần một chút suy tư theo kiểu nhân quả của đạo Phật - ấy là khi ta làm điều gì hãy cân nhắc bởi “Gieo gì gặt nấy”, “Phúc đức để lại cho con”, làm điều gì không phải sẽ phải trả giá...

    Nhớ những mùa đông của chục năm về trước, trong cái lạnh cắt da cắt thịt, mấy chị em tôi rúc ra rúc rích trong cái giường được bố tôi trải thêm mấy lượt rơm nếp, chia nhau những củ khoai nướng thơm phức, vừa cắn dè tí một vừa lắng nghe tiếng gió bấc xào xạc từng cơn và trong đêm khuya thanh vắng có cả tiếng những giọt sương nhè nhẹ rơi trên lá. Năm tháng cứ lặng lẽ đi qua, đời người cũng theo đó mà trôi nhanh hơn ta tưởng rất nhiều. Mới hôm nào còn mơ rét, thoắt cái đã mưa phùn, gió bấc. Có ai đó thông báo rằng trên đỉnh Mẫu Sơn có tuyết, đám bạn bè rủ nhau đi xem tuyết với lỉnh kỉnh những mũ, những áo, túi nước nóng..., năm trước cũng một chuyến du lịch thú vị như vậy, mới đó mà đã một năm rồi... Rồi những chồi biếc trên cây bàng trơ trụi bung ra báo hiệu mùa xuân đến... Mùa xuân với tôi là bắt đầu từ những ngày giáp tết nguyên đán, cả năm lúc nào cũng gấp gáp, trôi cuồn cuộn trong dòng chảy vô tận của những lo toan, những công việc bộn bề, bỗng một ngày nhận ra rằng Tết đến nơi rồi. Phải xếp mọi việc lại để lo sắm tết. Bao nhiêu lo toan bận rộn bỗng dưng dịu lại. Nhà cửa trang hoàng lại, đèn bật sáng trưng khắp trong nhà, ngoài ban công, cặp bánh chưng xanh và khói hương vấn vít trên bàn thờ, cành đào giành một chỗ đáng kể trong nhà như khẳng định vị thế quý phái, rất riêng biệt của nó, trong nhà không thể thiếu lọ hoa violet cắm với thược dược, hoa laydơn - thứ hoa rất đặc trưng của ngày tết mà không hoa nào thay thế được, những hộp mứt sặc sỡ... Đêm giao thừa năm nào cũng mênh mang và bồi hồi lạ thường. Ti vi phát chương trình thơ xuân, ngoài đường đã có những người đi hái lộc và chờ để về xông đất, phút giao thừa đã điểm, thắp nén hương trên bàn thờ lẩm nhẩm xin tống tiễn mọi vận hạn, xin một năm mới tốt lành... Rót chén rượu vang vợ chồng chạm chén chúc nhau, mừng tuổi các con những đồng tiền mới và cả nhà cầu chúc nhau những lời ngọt ngào. Niềm tin về tương lai năm mới sẽ làm ăn thịnh vượng, may mắn khiến lòng ai nấy đều lâng lâng xúc cảm.... cứ thế mùa đông này tới mùa đông khác, bao nhiêu mùa đông đi qua đời người, và mùa đông nào cũng vẫn là cái lạnh thấm đẫm mọi cảnh vật con người như vậy thôi, đông qua xuân đến...cứ luân hồi như vậy nhưng dường như mỗi năm ta lại cảm nhận buổi giao mùa một khác và tôi lại nghĩ đến câu bà hay đọc:


    “Chớ than phận khó ai ơi
    Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây...”

    Trần Thu Hương

    Tản mạn giao mùa
    Tản mạn giao mùa
    Tản mạn giao mùa
    Tản mạn giao mùa
  10. Không hiểu sao khoảnh khắc giao mùa từ xuân sang hạ thường có bao cung bậc, cả trong tâm trạng con người với sự biến đổi sắc màu và âm thanh, nhịp điệu của thiên nhiên...

    Cái ranh giới mơ hồ có khi không rõ rệt ấy tạo cho ta bao sự thảng thốt bất chợt, lay thức trong ta bao ký ức nỗi niềm. Sống chậm với mình chính là để lắng nghe, để gắn kết với một nội lực tiềm ẩn cho chất lượng sống và hứng khởi sống tốt hơn. Một chữ sống vẹn nguyên tươi rói là cả một sự vận động tiềm tàng…


    Khúc giao mùa chính là sự kết nối giao hòa, giao thoa. Tôi thích trạng thái giao mùa hơn là chuyển mùa, thay mùa, đổi mùa: Từ xuân sang hạ. Nếu như mùa xuân là mùa của sinh trưởng thì mùa hạ là mùa của tăng trưởng. Nếu như xuân đâm chồi, lộc xuân, lộc xanh thì mùa hạ lại náo nức với bao sắc hoa bung nở. Nếu như hoa xuân dịu dàng sắc trắng như hoa sữa, hoa chanh, hoa loa kèn, hoa bưởi… tỏa hương, lặng lẽ, dịu dàng thì hoa mùa hạ lại đỏ rực màu phượng vĩ, tím biếc màu bằng lăng với bao tiếng chim gọi đàn: tu hú gọi mùa vải chín, tiếng cuốc kêu sốt ruột bên những ao, đầm nước. Và tiếng ve - giàn âm thanh vĩ cầm đang tu luyện, ép mình trong lòng đất để một ngày lên tấu khúc nhạc mùa hè rộn rã.


    Mùa hạ giống sự năng nổ, hết mình của chàng trai hình như còn chút bồng bột nhưng phóng khoáng dạt dào. Có lẽ người đang yêu, lứa tuổi đang yêu là cảm nhận rõ nhất khúc giao mùa từ xuân sang hạ. Cũng như lứa tuổi trung niên là từ hạ vào thu và người già là từ thu đến đông. Chính sự vận động thời tiết của thiên nhiên cũng có từng khoảnh khắc đột biến giao cảm như tâm trạng, sinh lý của con người.


    Từ xuân sang hạ, vòm trời như cao rộng, thoáng đạt hơn thì dòng sông như thu hẹp lại. Cao và thấp, lạnh và nóng, rộng và hẹp… Không chỉ là độ đo kích thước, thời tiết mà ở đó còn có sự cân bằng ở từng cung bậc để đưa đến một sự hài hòa, phong phú trong sự vận động, biến đổi. Và khúc giao mùa từ xuân sang hạ còn chen vào cái rét Nàng Bân. Đợt lạnh cuối cùng đan cài câu chuyện cổ tích về nàng Bân may áo cho chồng có hậu, dệt nên bao tình nghĩa vấn vương…


    Nhà thơ Xuân Diệu đã từng thốt lên khi nhận ra quả sấu non trên cao: “Ôi từ không đến có - Xảy ra như thế nào”? Chính sự bí ẩn bất ngờ của thiên nhiên, của sự sống đã đưa lại vẻ đẹp hài hòa. Hài hòa ngay cả trong tâm hồn con người trước một thế giới xanh, không gian xanh tuyệt mỹ.


    Giao mùa từ xuân sang hạ cũng là lúc mẹ già ra phơi phóng áo bông, chăn bông - phơi phóng cả tuổi tác mình để chuẩn bị phơi phóng cho cả mùa màng rơm rạ bội thu. Cơn mưa phùn, mưa bụi lắc rắc nhú mưa, nhú lộc của mùa xuân được thay thế bằng những cơn mưa giông tích điện như tích năng lượng sống của thời khắc giao mùa chuẩn bị cho những cơn mưa rào mùa hạ. Và mưa giao mùa lại bắc cầu vồng từ xuân sang hạ, cầu vồng nâng đỡ mình lên, cầu vồng có bao tiếc nuối.


    Cầu vồng bảy sắc không chỉ là ảo ảnh mà đó còn là sự hồi quang nhịp điệu bảy nốt nhạc trên thang âm của năm dòng kẻ thiên nhiên hòa âm khúc giao mùa đi qua ký ức của con người, của tình yêu cuộc sống…


    Nguyễn Ngọc Phú

    Khúc giao mùa
    Khúc giao mùa
    Khúc giao mùa
    Khúc giao mùa



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy