Top 10 Tản văn viết về mùa hè hay nhất
Mùa hè, mùa của những cánh phượng cháy hết mình trong nắng, mùa của những bông bằng lăng tím mộng mơ, mùa của dàn nhạc giao hưởng mà những chú ve sầu mải miết ... xem thêm...sáng tạo, mùa của những chuyến đi chơi xa, mùa chia tay, mùa nỗi nhớ,... Tất cả tạo nên một mùa hè đầy màu sắc và đẹp lung linh. Bài viết này hãy cùng Toplist khám phá những bài tản văn hay nhất viết về mùa hè nhé.
-
Mùa hè rực rỡ
Nếu như Xuân nhẹ nhàng với từng hạt nắng vàng óng ánh, ấm áp cùng muôn hoa thi nhau khoe sắc, Thu lãng mạn với những con đường rợp lá vàng bay trong chiều nhạt nắng, Đông với tiết trời se lạnh mơn man của làn gió nhẹ với mây trôi, níu hồn người neo lại trong những hoài niệm quá khứ xa xưa thì mùa Hè lại rực rỡ khi được khoác lên mình tấm áo mới đủ sắc màu đan xen của những loài hoa đặc trưng.
Nhắc đến mùa hè, chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ ngay đến mùa của những cánh phượng cháy rực hết mình trong cái nắng vàng ươm như rót mật, mùa của những bông bằng lăng tím mộng mơ, mùa của dàn nhạc giao hưởng mà những chú ve sầu đang miệt mài cất tiếng gọi hè, mùa của những chuyến đi chơi xa với biển xanh, mây trắng, nắng vàng đang chờ đón, mùa chia tay, mùa của nỗi nhớ... Tất cả những điều đó đã tạo nên một mùa hè đầy màu sắc và đẹp lung linh.
Mùa hè cũng là mùa của nắng, trái ngược với cái nắng hanh hao của mùa thu, nắng ngày hè không dịu nhẹ mà rực rỡ như đang căng hết sức lực để làm bừng sáng và ấm nóng không gian, tiếp thêm cho vạn vật một luồng sinh khí mới, tươi tắn và rạng ngời hơn. Những chồi non gặp nắng có chút xao xuyến, bừng tỉnh như những người thương tìm thấy nhau. Nắng cứ vậy nhẹ nhàng buông, chạy nhảy, nô đùa thoả thích trên tán lá, mơn man ve vuốt nụ hoa đang chúm chím sắc hồng, những chùm quả đỏ mọng trên cây… làm cho hoa thêm thơm, trái thêm ngọt.
Nhiều khi, ngồi một mình ngắm những cánh hoa phượng đỏ thắm đang rung rinh trong gió, tôi tự hỏi mình liệu mùa hè có phải là mùa của sự chia ly bởi cái nóng nực ngày hè nhiều khi đến khó chịu nên người ta không còn muốn ở bên cạnh nhau nữa để chọn lối đi riêng cho mình. Vậy nên đã có rất nhiều cặp đôi đã cùng nhau có một tình yêu thật đẹp, nắm tay nhau đi qua hết bao thăng trầm và có nhiều kỷ niệm hạnh phúc ở mùa Xuân, mùa Thu rồi sưởi ấm trái tim nhau trong cả mùa Đông lạnh lẽo nữa nhưng không hiểu sao lại lạc mất nhau khi mùa hè vừa chạm ngõ.
Hè về, hoa phượng rực đỏ rơi lác đác dưới sân trường rực nắng. Đâu đó vài cô bé học trò nhỏ lặng lẽ nhặt vài cánh hoa mang về ép vào quyển sổ lưu bút thành những con bướm xinh xắn để rồi sau này khi nhìn lại cánh phượng ép khô vẫn vẹn nguyên màu đỏ son gợi bao ký ức hồn nhiên, trong trẻo như được quay về những ngày tháng học trò cùng các “chiến hữu” nhấm nháp lá phượng non rồi đuổi bắt nhau cười vang cả góc sân trường. Nhớ lắm chùm me chua giấu trong ngăn cặp vở, trái sấu đầu mùa hái vội chia nhau... Giữa bộn bề cuộc sống, khi quay nhìn lại những khoảnh khắc trong veo ấy, có người luyến tiếc, có người lại mỉm cười nhưng có một điều chắc chắn ký ức của một người sẽ không trọng vẹn nếu thiếu đi những kỷ niệm ngây thơ của một thời áo trắng, khi mà giận hờn được xóa nhòa đơn giản chỉ bắng một cây kẹo nhỏ, những cái nắm tay thật chặt, từng ánh mắt trao yêu thương.
Tắm mình trong ánh nắng mặt trời, nhắm mắt lắng nghe tiếng chim véo von trên những cành lá, tôi thêm tin rằng cuộc sống sau một vòng quay thời gian rồi sẽ lại bắt đầu bừng lên sức sống khi mùa hè đến. Có gì đẹp và yên bình hơn cảnh trên bầu trời mùa hạ xanh trong veo, tiếng sáo diều nâng cánh cò bay về phía dòng sông yên ả. Dàn đồng ca mùa hạ vẫn mải mê tấu nhạc từ lúc mặt trời lặn đến tận khuya. Tối đến, ánh trăng bạc nhẹ nhàng rắc khắp vườn cây, quả chín tỏa hương thơm nức. Với lũ trẻ, vui nhất là tụ tập lại, bày ra đủ trò chơi với nhau, cùng nhảy tung tăng theo nhịp chân trẻ thơ đang cười vui rúc rích. Tuổi thơ tôi là những ngày hè nào cũng đợi ba mẹ ngủ trưa là lại rón rén trèo cổng, đội nắng lui cui khắp bờ bụi để bắt dế, tìm tổ chim, lem luốc hì hụi đào khoai, câu cá hay nhiều hôm lại rủ lũ bạn đi hái trộm quả ổi nhà hàng xóm rồi lại ù té chạy khi bị con chó dữ nhà hang xóm nhảy ra sủa ầm ĩ…Vậy nên, những ngày hè đối với tuổi thơ ở quê là cả một thiên đường. Bến sông quê còn đó là những lần bì bõm, vùng vẫy quên cả ngủ trưa. Triền đê lộng gió là địa điểm lý tưởng để cả lũ nằm nghêu ngao hát sau khi chơi đùa đã thấm mệt. Chỉ giản đơn thế thôi nhưng mà ai cũng khát khao ước muốn thời gian một lần trở lại trong đời.
Những trưa mùa hè nắng chang chang, tôi lại phì cười khi nhớ về ngày còn bé, khi nóng quá, không chịu nổi lại chạy đứng ngay trước cây quạt, vén áo lên tận ngực và ưỡn bụng lên hứng làn gió mát rượi. Một cảm giác thật là sảng khoái vô cùng. Lúc khoái chí lên lại ghé sát quạt, hét to oa oa để nghe tiếng chính mình vọng lại. Thú vui ngày hè cứ thế vang lên trong cái nắng oi ả. Nghĩ về mùa hè, tôi lại thấy nhớ về bà nội, nhớ về những đêm nằm trên võng cùng bà ngắm sao trời, được nghe kể những câu chuyện cổ tích thần tiên rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Giờ bà đã không còn bên chị em tôi nữa nhưng khi nhắc đến mùa hè và những kỷ niệm thuở ấu thơ, tôi lại mỉm cười hạnh phúc vì đã có những ngày hạ về rực rỡ nhất bên cạnh những người thân...
Linh Châu
-
Mùa hè xưa có ai còn nhớ....
Bây giờ mỗi đứa mỗi nơi đang bôn ba cùng cuộc sống. Mùa hè xưa, kỷ niệm xưa mấy ai còn nhớ đến?
Hoa phượng nở, báo hiệu một mùa hè lại đến. Những đứa học sinh như chúng tôi ngày xưa trong mỗi dịp nghỉ hè thường được chơi cả ba tháng hè chứ không phải đi học thêm nhiều như học sinh thành phố bây giờ. Suốt khoảng thời gian ấy, chúng tôi được tha hồ vùng vẫy dầm mưa trong những cơn mưa rào, được đắm chìm trong những ước mơ bay cao theo những cánh diều no gió. Nhưng rồi cũng phải nghẹn ngào chia tay bạn bè và thầy cô để bước vào một giai đoạn mới.
Mùa hè, khung trời đã rực rỡ nắng với muôn màu sắc. Bầu trời trở nên xanh hơn, sâu hơn và bao la hơn. Mùa hè, sắc hồng của phượng vĩ nơi sân trường gợi nhắc một mùa thi, một mùa chia tay của tuổi học trò. Những cánh phượng đỏ tươi như ẩn chứa những lời thì thầm của kỷ niệm. Lời thì thầm khiến các bạn học sinh bâng khuâng trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Mùa hè, con đường thay áo mới bằng màu tím của hoa bằng lăng và màu đỏ rực của hoa phượng vĩ. Thời học sinh, chắc ai cũng đã từng có kỷ niệm một thời dắt xe đạp đi bộ dưới con đường rợp bóng bằng lăng và phượng vĩ. Khi sự việc đã trôi qua lâu rồi, nhìn lại quá khứ có đôi lúc không hiểu tại sao ngày xưa mình lại có những suy nghĩ và hành động như thế. Nhưng đúng là ở mỗi lứa tuổi, con người ta lại có suy nghĩ và hành động khác nhau nhưng vẫn phù hợp với lứa tuổi của mình.
Mùa hè, sự mở đầu cho một bầu trời đầy âm thanh của tiếng ve. Những chú ve bắt đầu hót véo von những khúc ca mùa hè dài bất tận, ngân nga khắp không gian. Tất cả hoà âm lại thành một bản giao hưởng rộn rã, vui tươi của tự nhiên, của đất trời như một món quà tặng của tạo hoá chỉ dành riêng cho mùa hè.
Mùa hè, ta rưng rưng xem lại cuốn sổ lưu bút ngày xưa với nhiều cảm xúc. Cũng tháng này năm ấy, chỉ mới đây thôi vậy mà đã mười lăm năm rồi nhỉ? Những nét chữ tinh nghịch thân thương, những lời chúc của bạn bè cùng lớp chúc mình sau này sẽ trở thành cô giáo… Nét chữ đã nhoè, mắt cũng như nhòe nước theo nét chữ. Bây giờ mỗi đứa mỗi nơi đang bôn ba cùng cuộc sống. Kỷ niệm xưa mấy ai còn nhớ đến?
Mùa hè, thời tiết thật chói chang và oi bức. Trên bầu trời từng đám mây nhè nhẹ trôi, rồi những cơn mưa đầu mùa cũng vội đến rồi vội đi. Vậy là hè đã về cùng tiếng ve ngân náo nức phía ven đường và những cành phượng hồng cũng sắp cháy rực màu hoa. Bao giờ cũng vậy, mỗi khi mùa hè về luôn gieo vào lòng người những cảm xúc mênh mang về bao kỷ niệm của thời học trò đầy hồn nhiên mơ mộng. Những tháng ngày của tà áo dài trắng tinh khôi luôn đầy ắp niềm vui tiếng cười cứ rạng rỡ mãi trên bờ môi. Mỗi mùa hè đi qua để tâm hồn lại dâng tràn niềm miên man khó tả khi nghe tiếng ve ngân và ngắm nhìn hoa phượng nở.
Mùa hè đã về gợi trong ta bao ký ức trong trẻo, hồn nhiên của một thời đã xa. Và kia từng chùm phượng thắm cứ cười tươi đong đưa trong làn gió càng làm cho lòng ta thêm nỗi nhớ bạn bè. Ôi! chỉ một ánh nhìn trong veo trên mắt và những câu nói quá đỗi thật thà ấy sao mà cứ khiến ta nhớ mãi đến tận bây giờ. Để mỗi khi mùa hè đến là lòng ta lại bâng khuâng niềm nhớ mong khôn tả.
Lâu lắm rồi ta mới lại có được những cảm giác rạo rực khi hè về. Yêu biết mấy những tiếng chẫu chuộc, tiếng ếch kêu râm ran bên bờ ao khi đêm về, tiếng côn trùng kêu rỉ rả hoà lẫn trong tiếng gió vi vu.
Yêu biết mấy những khoảng khắc cùng các bạn lên cầu Thăng Long ngắm cảnh sông Hồng khi chiều về. Cái thời sinh viên nghèo đó, chúng tôi chỉ có phương tiện duy nhất để đi chơi cùng nhau là chiếc xe đạp. Dù có phải leo dốc cao thế nào thì bọn con gái chúng tôi vẫn cứ sung sướng được ngồi ở phía đằng sau, không phải còng lưng ra đạp xe toát mồ hôi như bọn con trai. Chỉ nghĩ đến cảnh đó thôi cũng khiến cho chúng tôi cười ngặt nghẽo, sung sướng.
Yêu biết mấy những giây phút cùng bạn đi lòng vòng khắp các phố, tìm đến một quán cà phê có vị trí khá cao giữa lòng thành phố để ngồi uống nước và ngắm cảnh Hà Nộ. Hay những hôm cùng lên cầu Thăng Long ngắm bầu trời đêm, không ai nói với ai lời nào, chỉ im lặng ngắm dòng sông Hồng, ngắm sao đêm rồi đi về nhưng cũng đủ làm cho lòng ta thấy ấm áp hơn.
Yêu biết mấy những lần đi dạy thêm tiếng Trung buổi tối ở Trung tâm ngoại ngữ về muộn, được bạn rủ đi ra khu Nghĩa Tân ăn tối. 8h tối mới dạy xong, ra đến khu chợ Nghĩa Tân chỉ để ăn một đĩa cơm rang thập cẩm thôi mà sao vẫn thấy ngon miệng và vui đến thế…
Có những kỷ niệm dẫu chỉ là phút giây ngắn ngủi thoáng qua, có khi không ai còn nhớ nữa nhưng mỗi khi đi qua những con đường cũ, ký ức ùa về lại làm ta nhớ nhung day dứt chuyện ngày xưa. Giá như những giây phút ấy có thể dài hơn, lâu hơn, nhiều hơn thì có khi kỷ niệm sẽ còn nhiều hơn thế.
Cái thời xưa ấy, khi mà người ta không cần phải nói những lời yêu thương sáo rỗng, không cần tặng nhau những món quà đắt tiền, chỉ cần nhìn vào mắt nhau cũng đã thấy dâng đầy cảm xúc lâng lâng khó tả, cũng đã hiểu người kia định nói gì và trái tim cũng xao xuyến không nguôi.
Yêu biết mấy thời gian cùng mấy đứa bạn thân thời sinh viên về thăm nhà một đứa bạn quê ở Thái Bình. Nhà của bạn tôi đúng là ngôi nhà điển hình của làng quê với vườn cây, ao cá, hoa quả sum suê, có chiếc võng đung đưa mắc giữa hai cây xoài mà chúng tôi tranh nhau nằm vắt vẻo, những thứ ấy không thể nào tìm thấy ở thành phố.
Chúng tôi về đó vào đúng dịp mùa hè nóng bức như bây giờ. Buổi tối ăn cơm xong, mấy đứa mang theo cái dao và hộp muối rồi trèo lên nóc nhà ngồi ngắm sao đêm và hái xoài từ những cây xoài sai trĩu quả vươn lên tận nóc nhà để vừa ăn vừa nói chuyện.
Ngồi ngắm sao trời hằng hà sa số, lại được nghe những âm thanh quen thuộc của những ngày ấu thơ mà suốt những năm tháng học tập xa nhà không cảm nhận được. Lúc đó bỗng thấy cuộc sống như đang chậm lại, cảm giác thật yên bình, tĩnh lặng và tuyệt vời biết mấy. Có lẽ hạnh phúc không phải là có nhiều tiền, có xe đẹp hay được nhận nhiều quà có giá trị mà chỉ đơn giản là bạn bè luôn quý mến và yêu thương nhau như thế.
Có thể tất cả những điều đó chỉ còn là hoài niệm bởi cuộc sống nay đã thay đổi quá nhiều. Nhưng những âm thanh trong trẻo của mùa hè và những kỷ niệm với bạn bè ngày đi học thì vẫn còn đây, đầy đủ và nguyên vẹn như xưa. Chẳng biết những âm thanh của mùa hè bây giờ có diễn ra đúng như tôi vừa nghe thấy hay đó chỉ là tiếng vọng của mùa hè trong ký ức xa xôi. Nhưng với tôi, mùa hè và những kỷ niệm đẹp với bạn bè ngày ấy mãi mãi còn nguyên vẹn như thuở nào và in đậm trong trái tim tôi.
Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2022
Vũ Thị Minh Huyền -
Mùa hè quê ngoại
Sớm hè, làng quê bình dị bừng sáng cùng tiếng chim hót gọi bình minh. Đầu ngõ, cây phượng gầy vươn vai gánh mặt trời đỏ rực. Những cành khẳng khiu bắt đầu lóe từng đốm lửa xinh xinh.
Trên bầu trời xanh trong veo, tiếng sáo diều nâng cánh cò bay về phía dòng sông yên ả, thanh bình. Áp tai vào ngọn gió thoảng qua, tôi thầm nghe những tia nắng nhỏ nao nức chào ngày mới…
Thời thơ ấu của tôi vang vọng miền ký ức mùa hè quê ngoại. Cứ mỗi dịp nghỉ hè, mẹ lại cho tôi về thăm ngoại. Buổi trưa, tôi lặng lẽ vào mảnh vườn của ngoại để quan sát ong, bướm lượn quanh, sơn ca hát đối, chuồn chuồn tập múa, chích chòe hót vui. Mùa hè ngân lên giai điệu bình dị làng quê chở niềm vui đến từng ngõ xóm. Cây phượng gầy được treo chi chít đèn lồng thắp lửa đỏ. Ve mải mê gảy đàn từ lúc mặt trời lặn đến tận khuya. Ánh trăng rắc bạc khắp vườn cây, quả chín tỏa hương thơm nưng nức, sương đính những hạt ngọc trên vạt cỏ non xanh. Vui nhất là trò chơi bịt mắt bắt dê và trò chơi trốn tìm của bọn trẻ trong xóm. Đứa lớn, đứa bé trêu đùa nhau cười rinh rích. Mùa hè nhảy tung tăng theo nhịp chân trẻ thơ, hương mùa hạ nở xòe theo bàn tay em nhỏ với điệu múa hồn nhiên, trong trẻo…
Tôi nhớ trước hiên nhà ngoại có chiếc võng đay đã cũ nhưng rất chắc chắn. Mỗi lần tôi về chơi, mấy đứa em họ cứ tranh nhau ngồi lên võng cùng tôi. Chúng tôi đung đưa chiếc võng, tiếng kẽo kẹt vang lên trong cái nắng hanh hao của mùa hè.
Tôi lớn lên tại thành phố, ăn học, trưởng thành rồi khoác ba lô vào quân ngũ. Mỗi lần hành quân qua các nẻo đường quê, ký ức mùa hè quê ngoại lại dội về. Giờ ngoại không còn, thi thoảng trong giấc mơ, tôi vẫn nghẹn ngào gọi: - Ngoại ơi!
Mai Hoàng Hanh -
Cánh đồng mùa hạ
Người xa quê biền biệt, ai chẳng một đôi lần ngồi thơ thẩn một mình da diết nhớ thương quê. Có thể hong nỗi nhớ trong lòng về những con đường quê quanh co, hun hút với biết bao kỉ niệm buồn vui ngày hai buổi đến trường.
Đó có thể là nỗi nhớ thương xóm nghèo bãi vắng với những đêm thao thức nghêu ngao câu hát dân ca dưới ánh trăng quê. Đó cũng có thể chỉ là một thoảng hương thơm tỏa ra từ những chùm hoa dẻ hay củ khoai, bắp ngô trộm nướng năm nào… Nhưng dường như có một kí ức mà bất cứ ai từng sinh ra nơi làng quê Việt khi đi xa đều nhớ – ký ức về cánh đồng quê bốn mùa mưa nắng, đặc biệt là cánh đồng mùa hạ với ba tháng tạm “xếp bút nghiên” của các cô cậu học trò…
Dường như cũng phải hơn mười năm rồi tôi mới sải bước ra thăm trọn vẹn cánh đồng. Vì sao lại phải lâu như vậy? Khi học xong cấp ba, tôi đi lính. Ra quân, lại vào Nam học hành. Ra trường về quê, hàng ngày lên cơ quan vẫn phóng xe qua cánh đồng nhưng dường như chưa bao giờ tôi để mắt đến mảng ký ức thân thương ấy.
Thế rồi dịch bệnh len lỏi vào đời sống, về một khía cạnh nào đó, nó giúp chúng ta có thêm thời gian sống chậm lại để cảm nhận rõ hơn những gì xinh đẹp đang diễn ra quanh mình… Tôi dạo bộ xuyên qua cánh đồng trên con đường nhỏ ngày xưa. Những làng Bượm, làng Rí, làng Vắng, làng Á… giờ đổi thay nhiều quá!
Bất chợt nhớ đến ngày nhỏ, khi lũ ve bắt đầu ngân lên những giai điệu buồn, khi những cánh hoa phượng vĩ mỏng manh rụng xuống sân trường, chúng tôi lại xốn xang mơ màng đến những cánh diều no gió bay lượn trên cánh đồng bất tận vào mỗi buổi chiều. Những buổi chiều với tiếng cười trong suốt, vang vọng có khi bị pha loãng bởi tiếng gió chiều mát lành. Những đứa trẻ “đầu trần chân đất” chạy ngược chiều gió cho đến khi ngước lên bầu trời chỉ còn thấy một cây nấm nhỏ vi vu nữa mới thôi.
Rồi những lần chăn bò mải chơi, để bò thỏa thích no nê với những vồng khoai, những hàng ngô tươi tốt của bác láng giềng. Cuối cùng, về nhà là những trận đòn roi nhớ mãi. Đồng mùa hạ những con kênh bắt đầu cạn nước. Thế là ngăn dòng tát cạn mò giam bắt ốc. Thế là mỗi bận chăn bò về, chúng tôi lại còn mang theo về nhà đứa giỏ giam, kẻ giỏ cá. Mò giam bắt cá đã trở thành một thành ngữ gần gũi với những đứa trẻ quê như chúng tôi không biết tự khi nào.
Giờ đây, cánh đồng mùa hạ, mùa dịch giã vắng biệt bóng người. Cánh đồng cũng không còn xanh tốt như xưa. Có lẽ chính cánh đồng cũng ngác ngơ không hiểu vì đâu nên nỗi. Nhớ ngày trước, người ra đồng đông đúc hơn. Dù là mùa hạ nắng cháy, nhưng những người nông dân dường như không cho đất ngơi nghỉ bao giờ. Hết trồng lạc, trồng khoai đến gieo vừng, cấy lúa.
Cánh đồng bốn mùa xanh tươi. Những chỗ ruộng cao, ngày hạ, bà con tranh thủ đốt đồng cho sạch để sau đó vãi vừng. Mùi khói đồng cuộn theo gió bay vào tận trong thôn. Những chỗ ruộng sâu, bà con vẫn tranh thủ trạ lúa cho kịp vụ hè thu. Đến nay, mùa vụ, cây trồng cũng đã thay đổi. Cánh đồng mùa hạ hôm nay, bà con quê tôi chủ yếu trồng dưa. Những quả dưa căng tròn lăn lóc là thành quả của bao giọt mồ hôi, của bao công sức thức khuya dậy sớm vun trồng.
Bọn trẻ giờ đây cũng chẳng mấy đứa nào háo hức ra đồng như chúng tôi ngày xưa. Internet và áp lực học hành thi cử đang lấy đi giá trị tự do, hồn nhiên của chúng. Nào ở đâu xa, nghỉ hè, hai đứa nhỏ nhà tôi cũng chỉ quanh quẩn với bài vở và những tiếng cười trên … tikTok, zalo, facebook. Không gian mạng đã đánh cắp chúng ra khỏi những cánh đồng mát lành hay chính chúng ta – những người lớn cũng không đủ thời gian để dẫn những đứa con từ cõi hư ảo đến với thiên nhiên thú vị quanh mình?
Chắc chắn rằng, nhiều bậc làm cha làm mẹ cũng đã quên đi cách chơi với con, nói chuyện với con và thay vào đó là để mặc con với những chiếc điện thoại thông minh. Nhưng may mắn vẫn còn có những ông bố, bà mẹ tuyệt vời khi luôn đồng hành với con … trên những cánh đồng bất tận.
Một đồng nghiệp thi thoảng vẫn chụp những bức ảnh cùng con ra đồng thỏa thích nô đùa gửi cho tôi. Đồng nghiêp bảo, đó là những phút giây thư giãn tuyệt vời nhất giữa thiên nhiên rộng lớn mà mấy bố con có được. Cứ sau mỗi buổi chiều bạn bầu với cánh đồng như thế, bạn chia sẻ thêm rằng, lúc trở về nhà tinh thần các con vui vẻ hơn, chúng ăn ngon lành hơn trong mỗi bữa tối. Bỗng dưng mong muốn, mùa hè giãn cách này sẽ có nhiều đứa trẻ “bay ra” cánh đồng hơn. Chúng sẽ yêu thiên nhiên cây cỏ quanh mình hơn. Chúng sẽ có cơ hội xa rời thế giới ảo để đến với cuộc sống thực. Chúng sẽ biết trân quý từng phút giây của cuộc sống hơn.
Cánh đồng quê bây giờ có nhiều thay đổi nhưng có một điều không thể đổi thay, là khi hoàng hôn buông xuống gió đồng mát rười rượi … thứ gió đồng mát thấu vào lòng cả người đi xa. Hoàng hôn xuống, dù là bạn đang bách bộ trên cánh đồng hay đang làm một việc gì đó với những người nông dân thì vẫn không thấy cảm giác nóng bức.
Những đợt gió cứ thể thi nhau thổi rì rào không bao giờ ngớt. Và đi trong không gian đầy gió mát ấy, bạn còn ngửi thấy cả một thứ mùi đặc biệt nữa – mùi của thân thuộc và bình yên. Và, tôi cũng tin chắc rằng, những người xa quê khi chỉ cảm nhận qua đôi dòng miêu tả đó đều sẽ có cảm giác muốn trở về, trở về để “úp mặt” vào cánh đồng quê mà rưng rưng nhớ thương.
Nhớ thương ông bà mình một đời gắn bó với đồng quê giờ đã khuất núi. Nhớ thương lưng còng, tóc bạc của cha mẹ mình đã tần tảo bán mặt cho đất bán lưng cho trời nuôi mình lớn khôn. Nhớ thương cô bé, cậu nhóc đầu tiên khiến cho tim mình biết lỗi nhịp thao thức… giờ đã biền biệt … nơi đâu. Cánh đồng mãi mãi như thế – không gian, thời gian vỗ về của những thương yêu mà những kẻ xa quê vô tình đánh mất ...
Tôi nhớ diết da cánh đồng mùa hạ trong một lần người bạn ấy thất thanh cất tiếng gọi cha giữa đêm trăng bàng bạc nỗi buồn. Đó là cái đêm, chúng tôi vừa tập xong tiết mục văn nghệ cho hội trại sắp tới. Chả là, mấy đứa con trai bọn tôi đã tụ tập bàn bạc, lên kế hoạch để “tấn công” bông hoa đẹp nhất của thôn từ đêm hôm trước. Buổi văn nghệ vừa kết thúc, chúng tôi chạy những hơn một cây số đến nấp sẵn trước cổng nhà bông hoa thôn nữ. Và rồi, chờ đợi cho đến khi người bạn gái ấy thấp thoáng xuất hiện gần cổng, chúng tôi đồng loạt xông ra với đủ thứ ngụy trang khiến cô bạn hốt hoảng gọi cha thất thanh và chạy ngược ra con đường nhỏ – con đường dẫn ra cánh đồng bàng bạc ánh trăng.
Bấy giờ, từ trong nhà người cha đã chạy ra, mấy đứa trẻ vắt chân lên cổ chạy bặt tăm, riêng tôi ngác ngơ đứng lại dìu bạn nên bị tóm bắt và phải ăn đòn đầy tủi hổ. Những buổi văn nghệ sau, tôi đều tìm cách tránh mặt bạn ấy. Rồi cả những buổi hoang hôn ra đồng thả diều, tôi cũng tìm cách để không giáp mặt. Nhưng thực ra trong thâm tâm lại muốn một lần gặp bạn để nói lời xin lỗi.
Cho đến mãi mùa hạ cuối cùng, vào cái đêm liên hoan chia tay bè bạn để lên đường nhập ngũ, tôi mới có thể gặp bạn …Một đêm mùa hạ ánh trăng bàng bạc phủ xuống cánh đồng, người con gái ấy đã hát lời hạ thương tiễn chàng trai ấy lên đường. Giờ sau bao năm trở lại, cánh đồng đã đổi khác nhưng giọng hát của người con gái năm xưa vẫn vang vọng da diết đâu đây.
Chàng trai chợt nhẩm thầm lời hát nhớ thương năm nào “Hạ ơi! Anh xa em mấy mùa phượng rồi/ Mà lòng ngỡ như mình vừa xa cách ngày hôm qua/ Lối xưa có còn những tà áo trắng tung bay/ Cho anh ngây ngất ngày ngày/ Bên người tình yêu nhỏ bé…”.
Giờ đây, cánh đồng mùa hạ có thể xác xơ, khô cằn bởi cái nắng gay nắng gắt nhưng khi hoàng hôn buông xuống hay bình minh ló rạng thì gió đồng vẫn mát rười rượi … thứ gió đồng mát thấu vào tâm can sẽ làm thổn thức lòng người trở về và cả những người đang còn tha phương. Cánh đồng mùa hạ sẽ bắt đầu thì thầm kể chuyện … Câu chuyện của những ngày xa xăm…
Nguyễn Đình Ánh
-
Những ký ức mùa hè
Những cơn mưa đầu mùa rớt hạt, xua tan cái nóng làm khó chịu bao ngày mà trưa nào tụi nhỏ đi học về là trốn trong phòng, để tìm hơi mát được phả ra từ chiếc máy lạnh. Những cơn mưa đầu mùa đã tưới mát một vùng trời tháng 5. Những hạt mưa vô tình rơi rơi trên cánh hoa phượng vĩ báo hiệu mùa hè về.
Có ai với giây phút xốn xang nhớ về tuổi học trò? Hỏi vậy thôi, chớ sao mà không nhớ những khoảnh khắc đã tạo thành ký ức được chứ. Bằng chứng là đây. Trên Zalo, người ghi dòng chữ “Hè về” với những tấm ảnh với tà áo trắng, chiếc nón lá để trên rổ xe đạp cùng cành hoa phượng vĩ ở góc sân trường xưa Người thì ghi “Hạ về”, tấm ảnh với cánh hoa phượng vĩ rơi trên nền sân trường cũ,…
Tháng 5, cánh phượng, tiếng ve làm lòng người xao xuyến bổi hổi bồi hồi gọi về từ miền xưa cũ của những mùa hạ đã qua với những khoảnh khắc không thể nào quên của tuổi học trò.
Có người thầm trách, sao ngày ấy mình không nghịch phá hơn và vui đùa cùng mấy đứa bạn nhiều hơn để khoảnh khắc thời học sinh được in đậm sâu hơn. Để nay những mùa hạ đã qua lâu, những mái tóc xanh ngày nào giờ đã điểm vài sợi bạc đều tất bật lo cho riêng mình, có mấy mùa hạ ta đã ngồi cùng nhau ôn lại những mùa hạ cũ.
Tuổi học trò với bao kỷ niệm, với ba tháng hè trọn vẹn để tung tăng vui vẻ tuổi hồn nhiên. Không như những đứa trẻ bây giờ, nghỉ hè phải đi học tiếng Anh và nhiều môn để học khác. Khoảng thời gian ấy, lúc bên cánh đồng đang vẫy gọi, những buổi hè nắng chang chang với những cánh diều căng tròn ước mơ.
Những ngày chơi nhà chòi, bắt chước bà, bắt chước mẹ đi chợ, nấu cơm. Với những tờ tiền lá, được hái từ cây ổi, cây mít, được đếm một tiền hai tiền trong tiếng non thơ hòa cùng tiếng ve ngân văng vẳng trên tán lá. Hay chuyến đi du lịch hè ở biển đầu tiên trong đời, in dấu chân non trên bãi biển.
Đó có thể là mùa chia tay màu áo trắng thơ ngây với những đứa bạn một thời dắt xe đi cùng dưới tán cây phượng vĩ. Những chữ ký nguệch ngoạc trên tà áo trắng để lưu nhớ một kỷ niệm bên trang vở trắng… Ôi! Những ký ức mùa hè không thể nào quên.
Những khoảnh khắc không bao giờ trở lại nhưng trong cuộc sống cảm xúc ấy dễ dàng trở về khi chạm phải. Khi đứng trước cổng trường rước con, nghe tiếng ve văng vẳng, cánh phượng nhẹ nhàng rơi trong gió với bao kỷ niệm tuổi học trò với đong đầy những cảm xúc, yêu thương ngọt ngào cựa mình thức dậy trong tươi nguyên.
Những cơn mưa đầu mùa rơi, hoa phượng vĩ nở đỏ rực, để ai đó giành riêng những giây phút cho sự nhớ thương của những mùa hạ thời cấp sách đến trường.
Hoài Thương
-
Mùa hè ấu thơ
Cứ mỗi độ phượng cháy rực góc trời là những cơn mưa bắt đầu rơi xuống, xua cái nắng oi bức tạm lánh đi nơi khác. Tất cả mọi vật đều cất lên bài ca của riêng mình chào đón mùa hè. Rộn rã, náo nhiệt. Dĩ nhiên lũ trẻ chúng tôi cũng nôn nao chờ hè đến độ quên mất cả nỗi sợ mùa thi. Hè tới, ôi chao biết bao nhiêu điều thú vị chờ đón.
Khúc ca mùa hè bắt đầu từ tiếng ào ào của mưa. Mưa đầu mùa không rả rích sầu ơi là sầu như mưa tháng 7 mà rào rào mạnh mẽ, khuấy động mái tôn sau một mùa nắng dai dẳng nằm im. Có cả nốt cao thiệt cao và nốt thấp thiệt thấp, cứ rào rào rồi rỉ rả, lại chợt rào rào cho tới khi mấy đám mây đen lợt dần, lợt dần rồi trời trong vắt trở lại.
Sau mưa, cơn bão thanh âm mới bắt đầu trỗi dậy, xóm nhỏ như vặn mình trở dậy sau một giấc ngủ say, bắt đầu cất tiếng ca. Lũ ếch là rộn ràng nhất, ộp oạp từ khi mưa còn chưa dứt hẳn tới gần sáng mới im. Kế tiếp là mấy anh chàng dế, kéo đàn ăn mừng rích rích như sợ thua kém nhà ếch. Cây cối thì vui mừng theo cách khác, lặng lẽ nhú lên vô vàn những chồi biếc và rung rung đám lá đã được nước mưa rửa sạch bụi bặm ánh lên thứ màu xanh tươi mới. Còn chúng tôi, lũ trẻ con, vui thích nhảy múa hò reo vì được ra khỏi nhà tham gia vào cuộc “thu hoạch” quà của cơn mưa đầu mùa. Xóm nhỏ chộn rộn hẳn lên, tiếng chó sủa, tiếng gọi nhau ơi ới, ánh đèn pin lấp loáng khắp nơi, từ ruộng tới vườn, các con mương. Mát trời lũ cua thi nhau bò ra kiếm ăn, chỉ cần chịu khó soi đèn bắt chút xíu là đã được mớ cua đầu mùa, nấu bún riêu, canh rau đay thì còn gì ngon bằng. Cánh đàn ông thì đi chích cá, cơn mưa làm nước ngập lênh láng, cá từ ao nhảy ra ruộng, ra mương, vài tiếng đồng hồ thôi đã được mớ cá đồng ngon lành. Rồi soi ếch òng, ếch da. Làm siêng đội đèn dạo một vòng xuống ruộng ra mương là thể nào cũng có quà đem về cho vợ.
Sáng mai ra, chợ quê nhộn nhịp hẳn, mấy bà mấy chị ngồi bán mớ cá hồi hôm chồng chích được hay xâu ếch da, chậu ếch òng, mớ cua bắt được hồi đêm. Người mua kẻ bán kì kèo giá cả, mấy bà đi chợ tám chuyện tám với nhau, tiếng trẻ con khóc, tiếng rao mời chào của mấy quầy áo quần đồ gia dụng, … tất cả họp lại thành thứ âm thanh nhốn nháo không im ắng như mấy bữa trước đó.
Hình như cơn mưa đầu mùa đã đánh thức mùa hè thì phải. Ve bắt đầu ra rả từ tinh mơ tới chiều tối chẳng biết mệt là gì. Và hoa phượng, bung nở đỏ rực từng góc sân nhà, sân trường, ven đường như thể nhắc nhớ người ta hè đã về rồi đó. Lũ học trò chúng tôi cứ bị màu hoa thôi thúc chẳng thể nào tập trung vào mấy đề cương ôn thi cuối năm nổi. Thành ra thay vì thảo luận nhau cách giải đề thì lại túm tụm bàn luận về mấy trò chơi hấp dẫn mà chỉ có hè mới được chơi, dĩ nhiên câu cá mò cua ở vị trí số một, sau đó là thả diều, tiếp tới là trộm xoài, trộm ổi. Đủ các trò nghịch ngợm. Nghịch đến độ cây xoài nhà mình không thèm hái đi hái trộm của nhà hàng xóm ăn mới thú.
Tôi vẫn thích nhất theo chị ra ruộng bắt cua. Trưa nắng chang chang mà đứa nào đứa nấy hăm hở đội nắng mò cua. Cua nhiều phát ham. Thấy hang mò tay vào là thể nào cũng có chú cua lôi ra. Hang càng to cua càng kềnh càng. Thích nhất là khi người ta nhổ cỏ bờ, nhằm trưa nắng to ra giở đám cỏ khô thế nào cũng lúc nhúc cua trốn nắng tha hồ mà bắt. Một xíu đã lưng thùng sơn, mặt mũi, chân tay người ngợm lấm lem bùn đất mà nụ cười thì rạng rỡ mừng vui, chạy như bay về nhà khoe với mẹ. Thể nào mẹ cũng mắng yêu “đi tắm ngay không”, rồi khe khẽ reo sao tụi nhỏ tài bắt vậy không biết.
Những ngày nghỉ hè thú biết bao nhiêu. Hết bắt cua lại đi đãi hến, câu cá, thả diều. Đầu trần mà chẳng biết nắng non là gì. Tóc đứa nào đứa nấy khét nắng vàng cháy, mặt mũi thì đen thui, vậy mà chẳng hề buồn, cứ cười vang khắp cánh đồng, bờ sông. Chúng tôi lại còn thách nhau lái xe đạp bằng 1 tay, đứa nào thắng được công kênh đi khắp xóm. Thế là mỗi lần mẹ sai đi mua đồ thể nào tôi cũng tranh thủ tập lái xe bằng một tay. Chao ôi té liên miên, đầu gối, tay chân, mặt mày lác lúa thường xuyên. Khi lành để lại đám sẹo to đùng. Vậy mà còn so xem sẹo ai to ai nhỏ như chiến tích đáng tự hào chứ chẳng lo xấu chút xíu nào.
Những vết sẹo ấy bây giờ vẫn còn nơi đầu gối như nhắc nhớ một thời tuổi thơ tinh nghịch thuở xưa. Năm nào tới hè phượng vẫn nở, ve vẫn kêu, mưa vẫn rơi. Mùa hè vẫn như xưa không thay đổi, chỉ có người xưa đã đổi thay từ bao giờ. Mỗi lần hè về nhìn màu hoa rực cháy lại bồi hồi nhớ chuyện ngày thơ…
Vy Vy
-
Thương nhớ mùa hè
Vẫn cứ ngỡ rằng mùa hè chẳng cần đến vội vã, nhưng rồi cái nắng hè lại đến nhanh quá là nhanh. Có những mùa hè đi qua trong nhung nhớ. Tôi nhớ mùi của mùa hè êm đềm tới nỗi, đôi lúc người ta chỉ muốn nó hữu hình để có thể cuộn tròn mình lại ngủ một giấc thật say, và thật lâu. Cho đến tận bây giờ, khi đã khôn lớn, trưởng thành nhưng mỗi khi hè về trong lòng không khỏi bồi hồi thương nhớ. Nhìn mùa hè rực rỡ đang đến mà bỗng tiếc nuối về một cánh chuồn mỏng của mùa hè năm ấy...
Thuở nhỏ, tôi yêu mùa hè đến độ vào những buổi cuối của năm học, khi tiếng ve kêu báo hiệu hè về, khi phượng thắp đỏ lửa trong sân trường và khi nhìn những cuốn vở chỉ còn sót lại vài trang giấy trắng cuối cùng thể nào chúng tôi cũng cố giật hết để có thể yên tâm đóng gói sách vở lại chào một mùa hè sôi động. Hồi đấy, nghỉ hè là được tận hưởng niềm vui trọn vẹn, không phải lo bài vở, học hành. Nhớ những buổi sáng, chúng tôi được khua dậy rất sớm xuống sân chơi của khu tập thể bằng tiếng trống tùng tùng để bắt đầu bài tập thể dục dưới sự hướng dẫn của các anh chị phụ trách. Sau đó, cả lũ bắt đầu tản mát với vô vàn các trò chơi tuổi thơ. Nào là chơi đánh khăng, đánh đáo, đuổi bướm, bắt ve, bắt chuồn chuồn cắn rốn để biết bơi. Có những buổi trưa quên cả về nhà ăn cơm vì mải chạy theo những đám ve sầu trên phố, hay hái trộm xoài xanh từ nhà hàng xóm về chấm muối ớt ăn cay xè. Buổi tối nếu không có lịch sinh hoạt thì chúng tôi sẽ rồng rắn nhau đến một địa điểm nào đó chơi trốn tìm hoặc bắt châu chấu, cà cuống, rồi trộm lúa non từ một mảnh ruộng gần đấy. Ngày nào cũng vậy, chúng tôi luôn nghĩ đủ trò để chơi mà không thấy chán. Thời đó làm gì có iphone, internet, ngồi cắm mặt vào màn hình điện thoại đâu, kiểu gì cũng phải nhao ra đường, chứ đứa nào mà bị nhốt ở nhà thì buồn lắm.
Ngày hè loang vệt nắng. Tiếng ve sầu rỉ rả bản hòa ca sau vòm lá. Lũ trẻ chúng tôi vẫn chạy đuổi theo đám chuồn chuồn mà quên mất những ngày hè tự do, vô tư lự sắp trôi qua tự lúc nào. Còn mùa hè bây giờ, bọn trẻ con tội nghiệp quá. Làm gì có đủ 3 tháng hè để chơi đâu. Đứa thì phải học thêm, đứa lại tham gia một trại hè nào đó, rồi học năng khiếu, học ngoại ngữ hoặc nhốt mình trong phòng kín, chúi mắt vào những màn hình điện thoại, chả nói chuyện giao tiếp với ai. Tôi nhớ lại hè năm ngoái khi đưa các con về thăm quê. Bọn trẻ đã thích thú biết bao khi được đằm mình trong gió nắng mây trời, được chạy nhảy ngoài bờ sông, hái những đóa sen thơm ngát, và chạy đuổi theo những chú chuồn chuồn ớt tinh nghịch. Trẻ con sung sướng hạnh phúc nhất vì chưa bao giờ được gần gũi, vui vầy với thiên nhiên đến thế. Chúng nhảy nhót chơi đùa đội những lá sen xanh lên đầu trông thật ngộ nghĩnh. Tiếng hò reo vang dội vào khoảng xanh khi có ai đó câu được những con cá trong đầm...
Những khoảnh khắc hiếm hoi vui vẻ vì chúng được gần gũi với thiên nhiên. Những gương mặt người và hoa hoà lẫn cùng đất trời trong trẻo, hồn nhiên, thấy như được trở về tuổi ấu thơ của mình. Bỗng dưng trong lòng ngổn ngang suy nghĩ, thấy ân hận vì những mải miết lo toan, vì những mong ước lớn lao đè nặng lên đôi vai nhỏ bé mà bỏ quên mất tuổi thơ có nắng của các con. Học nhiều, chơi ít, phải đua cho bằng bạn, bằng bè, phải phấn đấu vào được trường chuyên, lớp chọn. Mùa hè mà có được vui chơi, nghỉ ngơi đâu, hết môn năng khiếu lại đến môn Văn hoá, học hành cũng bơ phờ... Trẻ con bây giờ thiệt thòi và thiếu thốn trong chính sự đủ đầy. Mùa hè bị mắc kẹt giữa phố xá đông đúc, dòng người giăng mắc. Mùa hè chìm trong màn hình máy tính, điện thoại. Mùa hè đơn độc. Mùa hè mà cả những đứa trẻ và các thành viên trong gia đình đắm chìm trong nỗi niềm của riêng mình, không ai tương tác với ai...
Nhìn các con vui đùa bỗng ước ao giá như tuổi thơ các con luôn có được những không gian xanh như thế này, được thỏa thuê ngụp lặn trong thiên nhiên trong vắt, được hít thở hương thơm tinh khiết của hoa sen, vui đùa cùng nhau. Mùa hè ơi biết bao giờ mới có được những ngày vui đích thực đây?.
Yến Minh
-
Vườn quê vải đỏ gọi hè
Tháng 6 chang chang nắng, lũ ve sầu ra rả khúc nhạc cũ xưa tự kiếp nảo kiếp nào. Bóng người cũng hư ảo mờ xa như chân trời mùa hạ. Nắng cồn cào bỏng rát, nắng mang hình hài nỗi nhớ, gọi về ký ức xa, ngỡ đã nhạt nhòa theo năm tháng...
Những cây vải mấy mươi năm đầy đẫy quả, ngả bóng ven sông bắt đầu vào mã cuối. Đi trong hương vải dìu dịu nghe gió hát: "Vườn quê vải đỏ gọi hè/ bầy chim tu hú cặp kè sóng đôi ..."*
Nhìn mùa quả lại nhớ mùa hoa.
Mùa xuân năm ấy, thăm vườn nhà có cô sinh viên tài chính năm cuối, bên chàng lính trẻ năm đầu trường Lục Quân. Đầu xuân, mưa phùn giăng kín như sương như khói, hoa vải nở trắng trời.Từng cụm hoa li ti xòe trên đầu cành, nhìn xa giống mâm xôi đỗ, đẹp như mơ. Hoa vải thơm nồng, từng đàn bướm ong rủ nhau dập dìu tìm mật. Chàng trai và cô gái nói với nhau nhiều điều bên gốc vải già, họ hẹn về mùa vải chín năm sau...
Nhưng rồi tất cả qua mau như cơn mưa mùa hè nhiệt nồng mà mau tạnh...Người bây giờ đã thật xa xôi, chỉ hoài niệm cùng mùa hoa năm xưa là mãi mãi...
Đầu tháng 5 âm lịch, vải chín rộ. Màu đỏ tươi của từng chùm nổi bật trên vòm lá xanh ngăn ngắt, giữa khoảng trời mênh mang thăm thẳm.
Từng soi vải kề nhau san sát như rừng. Qua cổng làng thấy bóng vải có mặt khắp mọi nơi, trong những thửa vườn rộng hàng mẫu. Vải vươn cành lòa xòa tỏa bóng qua bờ tường gạch rêu phong cũ kỹ, trùm lên mái ngói thâm nâu.
Lúc nhỏ, tôi vẫn thường được nghe các cụ trong làng kể truyền thuyết về cây vải tổ ở Thúy Lâm Thanh Hà nức tiếng xa gần. Bây giờ, cây đã gần hai trăm tuổi. Mùa vải nào cũng có hàng ngàn người về thăm và thắp hương cho cụ Hoàng Văn Cơm, là người có công đưa cây vải tổ về trồng.
Ngày xưa, loại hoa quả quý hiếm này dùng để cung tiến vua cùng các công hầu khanh tướng. Mỗi năm chỉ có một lần. Vải thiều gốc không hề có vị se chua chát. Sau làn vỏ hơi sần màu đỏ sẫm là lớp cùi vải dầy trắng trong mọng nước, hạt vải đen bé bằng đầu đũa, đôi khi còn nhỏ hơn. Đưa quả vải lên miệng, vị ngọt lan đầu lưỡi, hương vải tỏa thơm vùng khứu giác, nhắm mắt lại để thưởng thức...
Vải thiều bây giờ ngoài dùng để ăn tươi, còn được chế biến làm nhiều loại khác nhau như rượu brandy, vải thiều khô, cùi vải tươi đóng hộp, nước ép. Dùng vải ngâm rượu uống cũng là sở thích của không ít người. Vải thiều còn xuất khẩu sang một số nước trên thế giới. Kể cả các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ...
Đi qua tuổi ấu thơ. Mẹ cha chắt chiu chăm bón từng gốc vải ngọt lành, nuôi tôi khôn lớn thành người. Còn nhớ mãi một lần tôi say vải.
Năm ấy tôi học cấp ba. Nghỉ hè đúng vào mùa vải chín, mùa lúa chín.
Sáng sớm mẹ tôi đã gọi:
"Hôm nay con dậy sớm gặt nốt ruộng phần trăm nhà mình nhé!"Tôi vâng, dậy ra đồng ngay. Chả ăn gì. Xà cạp quấn chân cao đến đầu gối, đòn xóc trên vai. Lưỡi liềm mới tôi sắc ngọt. Lúa ngả thành hàng. Xén, bó, gánh về sân nhà. Vứt phựt gánh lúa xuống. Vặn cạp quần cho cua vào cái nồi nhôm méo nghĩ: "Trưa nay được nồi canh ngọt rồi".
Mẹ đi dạy học chưa về. Khát quá, ra bể nước mưa tu mấy gáo dừa cho đã. Nhìn cành vải trĩu quả xòa ngang bể nước, bụng đói tôi vặt một chùm to ngấu nghiến ăn.
Ngọt quá. Vặt thêm chùm nữa. Ăn xong thấy đầu chếnh choáng. Rồi chóng mặt buồn nôn.Tôi chỉ kịp gọi: "Em ơi... chị..." rồi ngã nằm quay đơ bên gốc vải, sùi bọt mép. Em tôi chạy lại nhìn rồi ra cổng kêu to: "Bác ơi chị cháu làm sao ấy!"
Bác tôi ở vườn bên chạy sang bảo: "Nó bị say vải rồi!"
Bác vặt quả chanh vắt nước vào mồm tôi. Tôi nôn ra hết chỗ vải vừa ăn. Hôm ấy tôi vừa say nắng vừa say vải.
Bao nhiêu lần mẹ tôi bảo: không nên ăn vải lúc đói.
Mà tôi quên.
Nắng tháng sáu, trải vàng rực lên khu vườn dậy mùi vải chín. Hương vải nương theo nắng, theo gió tỏa khắp không gian. Phía dưới tán vải mọi người hay dựng một cái chòi xinh xinh để ngủ trông vải chín. Đêm đêm lũ dơi và tu hú háo hức gọi nhau về ăn vụng. Trên cành cây được treo rất nhiều ống bơ sữa bò bất chợt đồng loạt rung lên. Lũ dơi và tu hú hoảng hồn nháo nhác bay đi.
Mùa thu hoạch vải diễn ra trong thời gian rất ngắn. Vải đã chín là rộ nên phải trẩy thật nhanh. Chỉ cần qua một đêm mưa, vải gặp nước nứt vỏ, cùi nhạt bán không được giá.
Cây vải là miếng cơm manh áo, là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình quê tôi nên việc được mùa hay mất mùa. Được giá hay mất giá. Luôn là nỗi trăn trở của muôn nhà.
...
Chiều nay, đi dọc dòng sông đầy gió. Đây đó thoảng thơm mùi vải chín. Những con tàu chở khách du lịch thăm miệt vải ven sông. Thăm cây vải tổ, tiếng hò hát giao lưu rộn ràng mênh mang cả một vùng sông nước...
Đã mấy chục năm tôi không sống ở làng. Người bạn thuở thiếu thời cũng lập nghiệp nơi xa. Nhớ cây vải nhà cha trồng bốn mươi năm có lẻ, đổ bóng dài phía trước. Gốc một nơi, bóng thẳm một nơi. Nhiều khi, cây cũng giống như người. Cả đời chỉ nghiêng về một phía...
Lê Phương Liên
-
Đi giữa mùa hạ
Tôi thường gọi những ngày tháng năm, là những ngày xao xuyến của Mùa hạ nhớ thương. Nhớ thương, những giọt mồ hôi thánh thót rơi trên vai áo cha, trên bờ vai mẹ ta một đời vất vả sớm hôm nơi cánh đồng, của những người nông dân chân lấm tay bùn, cả một đời mải miết những gian truân, nắng cứ hanh hao, màu vàng rực rỡ của tháng năm, những bông hoa mùa hạ, vẫn bung nở trên con đường thân quen.
Khi tôi đi giữa mùa hạ, trong lòng những phút giây thổn thức, khi nhìn những đóa hoa vàng khoe sắc, những đám cỏ xanh non, lún phún ngước mắt ngơ ngác, tròn xoe nhìn mùa hạ, bất chợt ta đi ngang qua sân trường ngày xưa, những chiếc lá bàng vẫn như đang thẩn thờ, chờ đợi bước chân ai đi ngang qua, chùm phượng vỹ vẫn đỏ rực cả một góc sân trường xưa, nơi ta tung tăng tinh nghịch với bạn bè, hòa trong bản nhạc giao hưởng của khúc ca mùa hạ của những chú ve, đó là những bản nhạc da diết cứ ngân vang mãi trong tâm hồn ta.
Tôi đưa tay, nâng niu những chùm hoa đầy hương sắc của Mùa hạ, nghe nắng cười giòn tan tinh nghịch, những khúc nhạc của tuổi thơ, màu nắng ấy vẫn cứ hiền hòa, bình dị dẫu đi qua bao nhiêu năm tháng vẫn như thế, mùa hạ về trên quê tôi có biết bao những loài hoa của nắng tháng năm nở rộ, đó là hương thơm của những đóa sen nơi cánh đồng, chúm chím màu hồng như làn môi ai dễ thương, là những khóm hoa huỳnh anh vàng rực dưới màu của nắng, và cả những khóm hoa lung linh, vương vấn cả một trời nhớ thương những năm tháng học trò, đó là những sắc tím dịu dàng của những cánh bằng lăng, màu đỏ rực nhung nhớ, lưu luyến của những hàng phượng vỹ.
Nắng tháng năm, dường như muốn kết lại, thành những bánh xe của những dòng thời gian, để đưa ta trở về với những tháng năm của ngày xưa, ta thấy thấp thoáng, những bâng khuâng trên những đôi mắt nhuốm màu thời gian, của những nỗi nhọc nhằn, những giờ dạy tan trường, ta lại nhớ miên man về những tháng năm của tuổi học trò, nhớ thương tà áo trắng ai bay trong gió và những chiếc xe đạp chở đầy những chùm hoa phượng, như chở đầy cả mùa hạ yêu thương, nhớ bóng giáng ai nghiêng nghiêng, bẽn lẽn nơi sân trường, cho tim ta những bồi hồi nhớ về những khoảng trời tuổi mộng mơ, nơi ta vẫn ép những cánh phượng hồng, để lưu giữ một mối tình đầu thầm lặng.
Nắng tháng năm, từ sân trường tỏa bao la, trải dài mênh mông trên những cánh đồng, nắng vẫn tươi nguyên những màu tươi mới, nơi cây lúa chắt lọc từ những tinh hoa của đất mẹ và những cánh đồng vẫn trĩu bông lúa chín, thơm mát hương sữa ngọt ngào, để mang nguồn sống tươi đẹp cho cuộc đời, xa xa bóng giáng những cô thôn nữ cười giòn tan trong những quang gánh mùa hạ.
Nhưng có lẽ dù đi nơi đâu, thì nắng nơi quê mình vẫn đẹp nhất, bạn có nhìn thấy những dòng sông lấp lánh in những gam màu vàng của nắng, những đám hoa lục bình tím cả một khoảng mênh mông, thấp thoáng nơi bóng nắng, in bóng dáng mẹ giữa cánh đồng xa, và nơi quê ta là những bình yên của những tia nắng mai, như những mùa nắng thanh tao nhẹ nhàng ấy đã có tự bao giờ. Đó là những buổi sáng với những tiếng chim hót rộn vang, và chúng bay về tổ ấm khi hoàng hôn nhuốm tím cả chân trời. Những chồi non, lặng lẽ, tí tách khỏi hạt mầm trong đêm, để sáng mai thức giấc vươn lên những mầm xanh tươi non, và uống những giọt sương mai mát lành , trước khi đón lấy ánh nắng ấm áp của những tia nắng của mặt trời.
Nắng cứ vậy, mà âm thầm đem đến những hương vị ngọt ngào cho cuộc đời, nuôi lớn dần những khát khao và ước vọng rộng lớn, nắng như món quà ban tặng cho cuộc đời, những màu sắc hân hoan, vui nhộn của những ngày mới, nắng còn đi muôn nơi để ban tặng tình yêu, bền chặt mặn nồng như tình đất và cây, trọn vẹn ước vọng hạnh phúc trăm năm, trải qua bao thăng trầm của thời gian, nắng vẫn cứ mãi thế mà đong đầy. Đi giữa mùa hạ, ta lại yêu thêm những màu nắng của tháng năm, như càng yêu thêm quê hương mình tha thiết, giữa một miền không gian xanh thẳm, thì thầm trong những miền ký ức, đó là những mùa hạ nhớ thương.
Đăng Nhã
-
Phố vào hè
Tháng Năm về, Sài Gòn những ngày này trời oi bức. Nắng mang theo từng hơi nóng hừng hực như xát vào da thịt cái ran rát nồng gắt. Nắng rải thảm vàng xuyên qua ô cửa, một sắc vàng óng ánh trong veo, lúng liếng như đôi mắt đứa trẻ thơ chưa vướng bận âu lo.
Vài ba cung đường hoa Bằng Lăng bắt đầu nhuộm buồn tím ngát vào lưu bút tụi học trò, hoa Muồng Hoàng Yến rũ xuống từng chùm yểu điệu vàng rực góc bịn rịn chia xa. Những cơn mưa chưa về gột mát trời mây thênh thang… Đâu đó trong tán cây cổ thụ ven đường những con ve đã bắt đầu dạo vang khúc ca râm ran muôn thuở. Phố vào hè!
Tôi đã cùng Sài Gòn đi qua bao mùa của tháng Năm và đã lưu giữ trong mình bao nhiêu kỷ niệm theo từng bước chân qua rồi nhỉ! Cũng gần hai mươi năm có lẽ, để giờ đây bàn chân đã quen quá những con đường, những tàn cây, những con hẻm ngoằn ngoèo sâu hút và cả những bụi bặm phủ đầy… Với tôi, nơi nào dấu chân đi qua nơi đó là kỷ niệm. Và tôi đã trân quý, cất giấu kỷ niệm vào sâu tim mình như thế. Mỗi lần dạo qua một cung đường, đi vào một con hẻm, thưởng thức một món ăn hè phố hay vô tình bắt gặp một quán cà phê nơi góc phố nào đó, lướt qua một gương mặt ai kia… Đều thấy mình như đã thân thương tự bao giờ. Đôi khi nhìn cảnh mà lòng như đi giữa những nhớ quên âm ỉ chẳng bao giờ nguội tắt.Phố vào hè tôi đâm ra xao xuyến lạ. Tự nhiên tôi muốn dắt chính tôi tìm về những kỷ niệm đã ngủ yên thuở nào, quay lại thời sinh viên với bao ấp ủ về một chân trời mới gởi trọn vào ước mơ phố, cho nhớ thương lấp đầy khoảng không chung chiêng trong lòng đôi chút. Phải chăng sự rung động không đến từ những hào nhoáng bên ngoài mà đến từ những gì sâu thẳm bên trong?
Bạn có muốn cùng tôi đi qua nền tháng Năm của phố dưới những hàng cây rợp bóng để gió thả vài chiếc lá khô xuống tóc bạn, tóc tôi? Chúng ta sẽ dạo quanh giữa một rừng chóng chóng hoa dầu xoay tít, nhặt từng vốc đầy ắp tay những chiếc chong chóng màu vàng nâu bé xíu, tung mạnh lên cao rồi cười sảng khoái. Rồi tôi sẽ dắt bạn ghé lại mấy tiệm sách cũ nằm ẩn sâu trong con hẻm nhỏ, cùng nhau lục lọi, tìm kiếm những cuốn sách ưa thích, ta sẽ hả hê khi tìm được mà cười khúc khích. Hay chúng ta dạo qua khoảng sân trước nhà thờ Đức Bà và Bưu Điện thành phố một chút, nhớ mang theo một nắm thóc, mình rải ra rồi chỉ cần ngồi đó lặng thinh bạn sẽ thấy những chú bồ câu đậu xuống đường ung dung bước vòng quanh mổ thóc rồi dang cánh bay đi. Và còn nữa, hồi đó tôi thường đến một quán cà phê ở Thanh Đa, hãy cùng ghé vào, tôi sẽ chỉ cho xem góc bàn tôi hay ngồi ngắm mây trời gió nước và nghe nhạc Trịnh, quán mà tôi rất thích. Liệu bạn có muốn thong dong dạo phố phường trên nền tháng Năm như thế cùng tôi không? Nhưng nhớ là giữa con nắng tháng Năm rừng rực của Sài Gòn, với những người chưa quen nơi đây như bạn hãy tự tìm cho bản thân một chỗ trốn mình nhé. Tôi nghĩ là nên dạo chơi vào lúc chiều đã nhuộm màu ráng hồng trên nóc phố sẽ thi vị hơn, bằng không bạn sẽ thấy nắng tháng Năm Sài Gòn không mấy dễ chịu đâu đấy. Còn với tôi phố là nơi tâm hồn được vỗ về yêu thương da diết, nơi trái tim được ấp ủ với bao điều thân thuộc từ lâu đã trở thành máu thịt, nên những yêu thương luôn trỗi dậy thôi thúc bất kể mùa Hạ hay mùa Thu, hay những lúc phố gắt gỏng, đỏng đánh như người tình hay hờn dỗi tôi vẫn có thể chịu được và vẫn yêu.
Phố vào hè, chiều về, từng dòng xe tấp nập chen nhau, khói bụi mịt mù như cõng cả hoàng hôn màu đỏ gạch trên nóc nhà ai mà chuyển lưu hối hả. Nếu là ngày xưa, tôi sẽ thích lắm khi nhìn xe cộ vòng vèo uốn lượn như thế. Vậy mà giờ chỉ mong đứng từ ban công nhà mình lặng lẽ nhìn hoàng hôn lặn xuống sau bức tường xa xa rồi tia nắng cuối ngày tắt phụt loang lổ cả bầu trời đêm, thấy phố lên đèn trong bình yên là đủ.
Phố vào hè, cuộc sống mưu sinh càng nhọc nhằn tất tả, những giọt mồ hôi thấm đẫm lưng áo chiều tan tầm, những bàn tay gồng lên nặng nhọc đẩy xe hàng rong trong đêm muộn, những gương mặt xanh xao trước những dãy trọ ọp ẹp khu lao động nghèo phần vì nóng phần vì mệt, trở nên ưu tư hơn….Vậy mà phố vẫn thế, vẫn nghiêng mình chào đón, mở rộng vòng tay chở che mọi mảnh đời ngày này qua ngày khác với lòng bao dung vô bờ. Từ một thành phố của buổi đầu đặt chân đến. Xa lạ! những gương mặt và giọng nói không quen, với lối sống hào nhoáng xô bồ mà người quê phải giật mình thấy bỡ ngỡ, không phù hợp. Nhưng ngày ngày ở bên phố gắn bó rồi lại thành ra yêu thương, để từ đó phố như người tri kỷ. Tôi cũng vậy, ở một nơi xa đến hòa mình vào dòng chảy rồi tự nhiên yêu phố từ lúc nào không biết. Rồi ngày lại ngày cứ trở trăn bao nỗi niềm. Phố có hiểu?
Phố vào hè, đêm chưa bao giờ chìm lỉm trong mênh mông đen thẳm. Là do đèn điện chiếu sáng? Là khói bụi quyện vào sương? Hay do người Sài Gòn thao thức trong đêm hoài không ngủ được? Mà phố luôn lấp lánh những ánh đỏ, xanh, vàng quyện vào lòng đêm rực rỡ. Phố chắc hiểu có một người, mỗi đêm vẫn hay đứng ở ban công nhà mình ngước nhìn trời, thả vào đó bao dòng tâm sự, nên trả lời tôi bằng một tiếng rao sâu hun hút của cô hàng rong người miền trung nào đó. Trong đêm khuya thanh vắng, chỉ một tiếng rao cũng đủ sức lay động đến lạ lùng. Phố này, sao ở trong phố mọi thứ đều trở nên ẩn mật và đẹp đẽ đến vậy.
Nào, hãy nhắm mắt lại và cùng tôi dạo chơi trên nền tháng Năm của phố. Hãy cứ nhắm mắt như thế để tôi dắt bạn đi giữa những nhớ quên mà ta chưa có dịp nói cho nhau nghe. Tôi sẽ cùng những con ve kia hát khúc ca của tháng Năm. Khúc ca phố vào hè! Để phố được thấy nụ cười hiền hòa trên môi bạn, môi tôi, và chính trong lòng phố yêu thương.
Tác giả: Quách Mỹ Kiều