Top 10 Tản văn viết về tháng 12 hay nhất

Phương Kem 878 0 Báo lỗi

Tháng 12 đã tới, tháng cuối cùng của năm. Tháng làm cho người ta dễ bồi hồi, xao xuyến và cũng là tháng làm cho người ta phải giật mình bối rối vì thời gian ... xem thêm...

  1. Đã thấy hơi lạnh tràn về trên phố mỗi sớm mai, đã thấy cuốn lịch trên tường mỏng dần đi theo ngày tháng. Thì, cho dù có bận rộn để hoàn thành kế hoạch của năm, cho dù có đang mải miết chinh chiến vì áo vì cơm, cũng có...


    Trong đời người, có hai thứ rất mơ hồ, nhưng chắc chắn rất khó quên, đó là âm thanh và mùi hương. Những ngày của tháng 12 mang mùi hương gợi nhắc, êm đềm và lãng mạn. Cái mùi hương làm nhớ những gì xưa cũ đã qua. Để bất chợt một sáng tháng 12, thấy giật mình, dáo dác kiếm tìm vì mùi hương trong gió quen thuộc quá. Biết đâu chừng, trong đám đông ấy…

    Tháng 12 là những đêm khó ngủ, nằm đếm thử đêm dài bao nhiêu. Chợt nghe tiếng nhạc từ xa vẳng tới, hiu hắt, mộng mị “mùa Noel đó, anh dắt em vào tình yêu”, mà xao xác, mà nát tan. Căng tai mà nghe, cảm giác xa xăm cứ vọng về, thật gần. Nhỏ xíu vậy thôi, bài hát cũ rích, vậy mà xui khiến hoang phí cảm xúc quá chừng.

    Và ký ức tháng 12. Điều mà bỗng dưng, sớm mai thức giấc tự nhiên nhớ như in. Nhớ những cơn mưa không biết bao giờ ngừng, xám xịt đến tận chân trời. Nhớ những chiều ẩm ướt, tan học về trên những con đường quê. Nhớ những đêm hun hút gió, ngồi mơ mộng những ngày mai tươi sáng. Nhớ cái âm ấm của bàn tay tìm một bàn tay, trong một ngày thiệt lạnh, mắt lấp lánh sáng. Nhớ khuôn mặt áp vào khuôn mặt, trong một góc nào đó, của cái đêm cuối tháng 12 mờ ảo… Tất cả giờ cứ hiện về trong tim, thương làm sao!

    Tháng 12 của bây giờ, ra phố, đèn hoa ngợp trời. Không khí lễ hội như ùa vào từng ngóc ngách. Đèn nhấp nháy trên các tòa nhà cao tầng. Nhạc huyên náo khắp các con phố. Khúc nhạc Giáng sinh, khúc ca mừng năm mới. Người người như tất bật hơn, để chạy đua với thời gian. Lòng người như hào sảng hơn để buông bỏ, để dọn mình. Để đón chờ những điều mới mẻ phía trước. Tháng 12, cứ như một nốt lặng của năm, cho dừng lại, cho soi rọi những ngày tháng ròng rã đã qua, rồi bước tiếp.

    Tạo hóa cũng khéo lắm. Cứ tháng 12 là đẹp. Trời đẹp. Nắng đẹp. Hoa lá đẹp. Và cả con người. Những chàng trai tháng 12 mạnh mẽ, phóng khoáng và chân tình. Những cô gái tháng 12 thì đa tình, lãng mạn và xinh xắn. Nên tháng 12, được gọi thêm là mùa cưới. Xưa, cứ hay thắc mắc, chẳng phải yêu là cưới sao, hà cớ gì lại cần đến mùa? Thì ra, người ta đôi khi cũng tìm một lý do, để cho ra kết thúc. Thì yêu đủ rồi. Tìm hiểu đủ rồi. Ái ân cũng đủ rồi. Chọn cái tháng lành lạnh, huyên náo, lãng đãng đó, để về với nhau. Để rồi bao năm sau, có chuyện để nhắc rằng, tháng 12 năm ấy…

    Rồi một chiều ngồi trong góc quán quen. Bên cạnh là tiếng cười trong vắt của bạn. Lẩn thẩn nhìn nắng rơi trên thềm đầy lá. Loay hoay nhẩm tính đời mình, trong 11 tháng của năm. Những được mất sao bỗng nhẹ hều. Đôi khi, được uống một ly cà phê thơm nồng, được thấy lòng vẫn bình an, trong một chiều phố xá ồn ã, đó đã là niềm vui.

    Chào nhé, tháng 12.

    ĐOÀN TÂM

    Tháng Mười hai
    Tháng Mười hai
    Tháng Mười hai
    Tháng Mười hai

  2. Thời gian càng chảy trôi về cuối năm, những tờ lịch cuối cùng trong năm được xé tới. Tháng 12, mới bắt đầu nhưng cũng sẽ qua đi, phải chào tháng 12 bằng một thứ gì đó đặc biệt nhỉ?


    Tháng 12, tháng cuối cùng của một năm, cũng là tháng mang lại nhiều cảm xúc nhất cho con người… Cảm giác hối hả của một năm sắp qua xen lẫn cùng cái rạo rực, vui sướng khi sắp chào đón một năm mới làm cho ai nấy đều cảm thấy lòng mình lâng lâng khó tả. Họ cảm thấy mình cần được yêu thương, cần được chia sẻ và cần được cống hiến nhiều hơn nữa cho cuộc sống này…


    Tháng 12, tháng của sum vầy và gắn kết. Chẳng phải những người đi xa hay trở về quê nhà, trở về với những người họ yêu thương vào tháng 12 đó sao. Nếu không có tháng 12 thì có lẽ đường về hãy còn xa lắm trong ánh mắt ngóng đợi của bao người con xa xứ.Không có tháng 12 thì tháng 1, tháng 2, tháng 3 và cả những tháng sau nữa sẽ cũng chẳng có thể đến được.


    Tháng 12, đoản khúc thời gian, khi bước đến tháng cuối cùng của một năm người ta thường có thói quen nhìn lại và đánh giá về những điều đã trải qua, đã nhận được trong suốt 11 tháng trước. Có người sẽ thở phào một cái rõ to vì cuối cùng cũng đi được hết 11 tháng vất vả. Có người lại ngoái nhìn về với ánh mắt đầy mãn nguyện vì cuối cùng họ đã làm được một điều gì đó thật đáng tự hào. Dù vui mừng hay tiếc nuối thì tháng 12 cũng là tháng để họ được trở lại là chính mình, được cho phép mình thả lỏng, được tận hưởng để chờ đón một năm mới sắp đến với bao kế hoạch, dự định và cả những thách thức đang đợi chờ ở phía trước.


    Sáng ra, xé tờ lịch cũ chợt giật mình, hóa ra đã sang tháng 12. Dạo một vòng trên Facebook, thấy bạn bè mỗi người chào tháng mười hai với một tâm trạng khác nhau. Kẻ háo hức, mong chờ, người thẫn thờ tiếc nuối.


    Hiển nhiên rằng, dẫu mình đứng yên thì đời vẫn chảy. Dẫu muốn hay không thì ngày vẫn qua. Hôm nào, hè còn rực rỡ, rồi thu vàng phơi phới gõ cửa, chóng vánh lắm đã đến đông. Giờ đây, đông cũng rũ áo đi nhanh, buông mành cho những gì ở lại.


    Thời gian trôi nhanh nên người cũng gấp gáp quá chăng. Hôm qua, gặp đôi bạn trẻ hỏi đường, nó chỉ tận tình, cặn kẽ, vì đã thấm cảm giác đi lạc nhiều lần, cái hồi mới vào thành phố, ngơ ngác như gà lạc mẹ. Thế nên, mỗi khi có ai hỏi đường, nó chỉ cho họ tựa như bằng cả trái tim. Lấy cả giấy bút ra minh họa cho hai bạn dễ hình dung. Nghe xong, cả hai người bình thản đi luôn, quên thả lại một câu cảm ơn nhẹ nhàng. Chặc lưỡi, chắc là họ đang vội. Nghĩ thế để đỡ buồn hơn với cuộc đời.


    Lại nhớ, cái hình ảnh ghim sâu vào tâm trí năm đầu tiên ở Sài Gòn cũng tháng 12.Sáng sớm ra,lang thang trên cầu Khánh Hội, chợt thấy phía chân cầu, một người đàn ông đạp xích lô gầy nhom đang còng lưng chở ông bà khách Tây to gấp ba, gấp bốn lần. Giữa tiết trời sớm mai mà bác túa mồ hôi như nước, hì hục nhấc từng bàn đạp nặng trịch để bánh đỗ lăn trên cầu. Nhìn mà cứ sợ, bởi chiếc xe chỉ chực tuột xuống lúc nào không hay. Hai người khách ngồi trên điềm nhiên, chỉ trỏ, chụp hình.


    Chạnh lòng mà nghĩ, chắc là cuối năm, bác cố gắng vượt sức để sắm cho con tấm áo manh quần. Người ta thi đua, nỗ lực đạt chỉ tiêu cuối năm cuối tháng thì bác cũng thế, âu cũng là cơm áo gạo tiền. Có chăng, khi cơ quan đoàn thể mừng thành tích, liên hoan cuối năm bằng những ly men sóng sánh thì người đạp xích lô ấy mừng bằng nụ cười của con trẻ, no đủ của gia đình.


    Chạy dọc đường quê tháng 12, ở quê cũng vào vụ cuối. Ước sao những cánh đồng xanh mướt, thấm mồ hôi, đậm nụ cười cứ trải dài bất tận theo nhọc nhằn của người nông dân. Cho cơn gió tạt qua chỉ khẽ vỗ về, cho mưa cũng đừng nặng hạt. Cho ngày đủ nắng, cho người đủ sức cày sâu. Chén cơm cuối năm có thêm chút mặn mòi, để người nông dân đỡ tủi thân.


    Tháng 12 có sinh nhật ba, năm tháng qua lại nhắc rằng ba đang già thêm một tuổi. Bất giác lại để ý đến mái tóc của ba và vết chân chim ở đuôi mắt mẹ. Dấu vết thời gian cứ thi nhau vẽ vời, điểm tô lên hai nơi yêu thương ấy. Nghĩ mà xót xa, ước ao lắm cũng thế thôi bởi đó là quy luật muôn đời của tạo hóa. Vạn vật cứ sinh sôi, trưởng thành, già cỗi…


    Tháng 12, cũng nhớ là không còn bao lâu nữa là đến tết Nguyên Đán,lâu rồi không được ăn tết cùng nội,vậy là bà đi cũng đã 10 năm rồi. Người còn vấn vương lắm bao chuyện ở đời, lo lắm cho từng đứa con đứa cháu, nhưng có lẽ đã xong chuyện nhân gian, đến lượt nên người phải đi. Thương nhớ lắm nụ cười móm mém hơi trầu và cái dáng lưng còng thân thuộc của nội.


    Ngẫm ra, tháng 12 chỉ vừa đến, vẫn còn mấy mươi ngày nữa để hoàn thành nốt những việc của năm cũ. Sẽ yên tâm gói gém và cất vào kho kỷ niệm, chỉ mang niềm vui và yêu thương sang thôi, bỏ lại buồn đau cho ngày tháng cũ. Rồi ta sẽ thay tờ lịch ấy, viết tiếp cho một năm tháng mới bắt đầu.


    Tháng 12, có lẽ nên bỏ qua những lan man, những cảm xúc héo úa của năm cũ để chào đón những ngày đặc biệt sắp tới của một năm mới bằng những điều đặc biệt và ngọt ngào... và chờ đón những điều bất ngờ sẽ đến nhé, bởi những niềm vui thì thường hay đến sau cùng mà...


    Lâm Hùng

    Viết cho tháng 12…
    Viết cho tháng 12…
    Viết cho tháng 12…
    Viết cho tháng 12…
  3. Tháng 12 chạm thềm. Với tôi, những tháng cuối năm là lúc trong tâm khảm gợi về nhiều nỗi man mác, bồi hồi nhất.


    Để đôi khi tôi chỉ muốn trôi giữa những chùng chình kí ức, những bình dị không tên đã thân thuộc từ lâu. Có những ngày xa nhà, ngọn gió bấc cuối mùa thổi ròng rã từ miền thương nhớ, đôi khi tôi tự hỏi giờ này, mẹ đang lụi cụi sau gian bếp ấm, hay ngoài mảnh vườn rộn rã tiếng chim?

    Đứa cháu nhỏ đã lớn thêm đến chừng nào, mà giọng nói ngọng nghịu, non nớt của nó trong mỗi cuộc gọi về cứ làm tôi nôn nao quá đỗi. Khi cánh cò cõng bóng chiều sang sông, trong hiu hiu cơn rét cuối năm, hẳn là ánh nhìn đăm đắm, xa xăm của mẹ đang mong thấy dáng tôi khăn gói quay về.

    Có lẽ nơi ấm nhất trên thế gian này là góc bếp đượm nồng ánh lửa của mẹ. Về nhà ngồi bên mẹ, hòa mình giữa những buổi chiều trôi qua trong lặng lẽ bình yên, để nghe sợi gió nhu mì gọi tên những mùi hương đằm sâu thuộc về mẹ, nghe củi lửa lục bục tiếng nhớ, tiếng thương.

    “Người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy, nhưng chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị tự đáy lòng” (Nguyễn Ngọc Tư). Kí ức là đốm lửa liu riu ngầm cháy trong giấc mơ dịu vợi, là hồi chuông ngân vọng nỗi lòng của đứa con xa quê luôn canh cánh hình bóng quê nhà.

    Tôi về, ra vườn nhìn những hạt giống mẹ gieo đã lún phún lên xanh. Giữa cái lạnh hanh hao cuối năm, những vạt cải ngọt, xà lách, hành ngò vẫn nhú lên mơn mởn dưới bàn tay chăm chút của mẹ. Sau nhà, giá đỗ mẹ ủ đã bật mầm tốt tươi trong chum đất.

    Đứa cháu nhỏ của tôi chiều nào cũng tíu tít cùng ngoại ra vườn thăm luống rau, giàn đậu, sà xuống ngồi cạnh thủ thỉ, mong cây mau lớn. Gió đong đưa những tàu lá chuối mướt xanh mẹ để dành gói bánh chưng, bánh tét. Những bông bí vàng cũng rung rinh trong gió tựa quả chuông leng keng gọi tôi về thuở thơ ấu chân phương.

    Mẹ hái những đọt bí non vào luộc cùng ngó khoai ăn chung với mắm cà. Những ngày trời hửng nắng, mẹ tảo tần thái rau cải, cà rốt, củ kiệu, củ hành để muối dưa trong chiếc khạp nhỏ. Đêm gió hiu hiu lạnh, cha đi soi cua đồng mang về để mẹ nấu món riêu cua đậm đà.

    Tháng 12, chiều chậm trôi trong bảng lảng mù sương, những tia nắng mùa đông mảnh mai le lói. Tôi bỗng thấy lòng mình dịu đi vì cái tươi nguyên, mềm mại của vạt nắng vàng sau khóm lá thưa. Giấc mơ của ngày trở gió như vẫn còn dư âm, nắng soi bóng tôi ngả vào miền nhớ dịu dàng.

    Đàn gà lục tục về chuồng đứng thành hàng rỉa cánh, bầy chim thong thả bay về tổ còn để lại giọng hót nao nao. Tiếng lá reo thiết tha trong gió từ luống cây xanh mướt, tiếng trẻ nhỏ xôn xao mảnh sân nhà, tiếng mẹ quét lá xạc xào, nhẫn nại… tất cả như đã ngấm sâu vào tâm can, vào hơi thở, để tôi tìm lại tôi những khi mông lung lạc hướng, tôi là chính tôi mỗi lúc được trở về.

    Đi giữa những ngày cuối năm, đôi khi tôi ước có thể gói ghém tất cả những mùi hương trong gian bếp của mẹ, để nỗi nhớ nhà thôi cồn cào làm cay sóng mắt mỗi bận rời đi. Mùi khói nhen lên từ lá khô đã đậm sâu, thân thuộc như là hơi thở, đánh thức miền hồi tưởng xa xưa luôn sống động trong tâm trí. Mùi của siêu thuốc bắc mẹ đun phảng phất thật dịu nhẹ, khoan khoái, chầm chậm tan trong hơi rét cuối năm.

    Mùi đất dậy lên ngai ngái sau mưa, mùi cá kho nôn nao cánh mũi, mùi hăng hăng của những que củi cháy lách tách trong lò. Mùi thanh lành, dân dã của nồi nước tắm có lá chanh, lá sả bềnh bồng phủ kín cả gian bếp nhỏ chiều mùa đông. Dòng nước ấm từ từ len lỏi cuốn đi hết bao phiền muộn, dẫu ngoài trời gió lạnh mênh mông.

    Tất cả quyện hòa thành nỗi thổn thức yên bình, lặng thầm tỏa dâng, thấm đẫm trong tâm tưởng. Khóe mắt tôi bỗng nhòa cay, khi được hạnh phúc hòa mình giữa vô vàn mùi hương đã bao lần được gọi tên từ nỗi nhớ. Những giọt nước mắt của nỗi hàm ơn vì còn có một nơi chốn yêu thương để quay về…


    Trần Văn Thiên

    Về ngang tháng Mười hai…
    Về ngang tháng Mười hai…
    Về ngang tháng Mười hai…
    Về ngang tháng Mười hai…
  4. Tháng 12 thế rồi đã đến bên khung cửa, chạm sâu qua từng nếp áo và làm run rẩy trái tim trong mùa Đông. Với mỗi người, tháng 12 mang một ý nghĩa rất riêng, đôi khi là niềm vui, đôi khi là sự chạnh lòng, đôi khi là đong đầy nỗi nhớ. Nói về vòng tuần hoàn thời gian, tháng 12 đến là thời điểm chuẩn bị kết thúc năm cũ để đón tháng giêng non của một năm mới, cho trẻ nhỏ đón thêm tuổi mới nhưng lại khiến những người già có chút bâng khuâng vì dường như cuộc đời thêm ngắn lại… Chẳng thế mà ai đó đã từng viết lên câu thơ tự sự thế này: Có ai về níu lại bước thời gian?/Giữa luyến tiếc với vô ngần nức nở/Tháng mười hai chông chênh buồn dễ sợ/Nhớ bâng khuâng, khói thuốc hóa thơ tình…


    Tháng 12 là khoảng thời gian giao hòa giữa năm cũ và năm mới thế nên có rất nhiều điều đặc biệt. Ở đó có cái lạnh tê tái lòng người, khiến bàn tay giá buốt, con người co ro hơn khi đi ngoài phố nhưng cũng chính thời tiết ấy khiến mọi người muốn gần nhau, muốn nán lại nhiều hơn ngôi nhà thân yêu, thưởng chút hơi ấm từ những người thân thương, những thứ thân quen thường nhật. Và cũng ở đó, có những tia nắng vàng óng ánh như những giọt mật ong rớt trên thềm nhà. Sau thời gian dài không muốn chạm bước chân ra nơi tràn ngập giá lạnh thì thời điểm này, ai cũng muốn chọn bộ trang phục thật đẹp, ùa xuống phố, nhâm nhi ly cà phê, nhìn đường phố chậm chậm với những chiếc lá bay mơ màng, bừng sáng bởi những tia nắng hanh hao trong mùa Đông.


    Người ta thường nói, tháng 12 và mùa Đông thường lạnh lẽo và cô đơn nhưng với cảm thụ của tôi thì không hẳn vậy, trong cái gam màu xám xám đôi khi bừng lên bởi nắng Đông, trong những cái buốt giá… vẫn không kém phần lãng mạn. Ở đâu đó trong góc phố, những quầy ngô, khoai nướng rực than hồng, những người khách ngồi gần nhau hơn, xoa xít, nhấp nháp những hạt ngô căng mọng thơm phức bởi than hồng… Chính khoảng thời gian đó, những kỷ niệm đong đầy chợt ùa về nhẹ nhàng như cơn gió, đôi khi làm ta vui đấy nhưng lại có chút suy tư, trầm lặng… Chính Huỳnh Minh Nhật cũng đã thốt lên trong “Gió tháng chạp” của mình: “Bỗng một sớm sương giăng đầy trước ngõ/Gió rung rinh thoáng gợn những u hoài/Nghe tháng chạp lạnh lùng đi qua phố/Ta giật mình thầm nhủ: “tháng mười hai!... Đông nở khẽ như một loài hoa dại/Tiễn thu đi trắng xóa những con đường/Vạt nắng cũ hanh hao màu cỏ úa/Chợt tắt dần như một tiếng yêu thương”.


    Không phải tháng 1, tháng 2, hay tháng 3 mà chính là tháng 12-tháng cuối cùng của năm, khi Tết đến thật gần, người người lại mong muốn được trở về ngôi nhà thân yêu, nơi có người mẹ tảo tần, những người thân yêu để sum vầy và gắn kết yêu thương. Trong ta chợt có chút bồi hồi, sự nhớ nhung và chút xao xuyến thật lạ.


    Cũng tháng 12, những bông cúc họa mi bắt đầu chớm tàn nhưng cũng là thời điểm mùa hoa cải “nở vàng bên bến sông, em đang thì con gái, đợi anh chưa lấy chồng. Có một mùa hoa cải nắng vàng trong mê mải”… Đi dọc bến sông, ngược con gió, đượm trong nắng Đông, hòa cùng màu vàng ươm của cải, mùi thơm của những bông hoa nhỏ li ti xếp thành chùm tỏa trong không gian, quyện theo bước chân người đi, nhấp nháp những câu thơ nhẹ nhàng từ người con gái…, không gian ấy nếu được họa trong tranh, trong nhạc, hay thơ, văn, tôi tin nó sẽ là điểm nhấn thật tuyệt vời.


    “Tháng mười hai đã về tới bến sông

    Gió bấc khẽ lay vàng bông hoa cải

    Hoàng hôn tím chiều nhuộm nơi bờ bãi

    Em còn nhớ thì con gái ngày xưa”

    (Chào đón Tháng 12 - Nguyễn Đình Huân).


    Tháng 12, có chút ngủ vùi trong chăn ấm nhưng cũng tháng 12, người người lại tấp nập ngược xuôi để kết thúc những công việc còn dang dở, để bước sang năm mới với một khí thế mới và ước mong cho sự thành công.


    Ai đó đã từng nói, không chỉ tháng 12 mà Hà Nội trong tháng 12 cũng đẹp như một nàng thơ: Lúc mộc mạc, e thẹn muốn thu mình trong góc nhỏ nhưng lúc lại bừng lên nhựa sống và như bung tỏa cùng không gian. Tháng 12 ghé qua ta không chỉ một đôi lần nhưng cứ khi chạm nhẹ vào thời khắc này, tôi, bạn lại cảm thấy xao xuyến. Tháng 12-tháng của năm cũ đến và sắp đi rồi, quyển lịch treo tường đang từng ngày, từng ngày vơi đi, liệu ai đó có dành chút thời gian để nhìn lại đoạn đường đã qua chiêm nghiệm, có đôi khi là tiếc nuối nhưng ta sẽ hạnh phúc, sẽ trưởng thành hơn…


    Trần Hiền

    Tháng 12 về trên phố
    Tháng 12 về trên phố
    Tháng 12 về trên phố
    Tháng 12 về trên phố
  5. Những ngày tháng Mười hai, gió ùa về lạnh lẽo, cha vẫn giữ thói quen dậy thật sớm nhóm lửa. Bếp lửa cha nhóm sẵn chờ mẹ ngủ dậy xuống thổi cơm sáng cho cả nhà. Cha gom hết những cây củi gộc khô ngoài vườn vào chẻ từng thanh nhỏ, chất đầy chái bếp vì thế mà mùa Đông nào cũng không sợ thiếu củi để nấu. Bếp lửa cha nhóm, mẹ thổi cơm, lửa reo tí tách. Mùi cơm sáng quyện vào mùi khói, mùi sương Đông lảng bảng bay khiến tôi luôn quay quắt nhớ về.


    Tháng Mười hai quê tôi bắt đầu vào thời vụ trồng rau Tết. Vụ rau Tết được coi là vụ mùa quan trọng nhất của cả năm. Tết người quê tôi đủ đầy hay không đều phụ thuộc vào vụ rau này. Nên từ sáng sớm, mặc cho những cơn gió Đông vần vũ, người dân quê tôi đã cầm cuốc, thúng, mủng ra đồng. Người xới đất, người ven luống, người lấy nước, rải phân, gieo hạt, trồng cây… Tuy có thâm niên trồng rau Tết lâu năm nhiều kinh nghiệm nhưng mọi thành quả thắng hay bại lại trông hết vào thời tiết. Có năm trời nắng quá, rau lớn nhanh như phỗng, chưa kịp Tết thì đã phải bán đổ bán tháo rồi, lời lãi chẳng được bao nhiêu. Gặp năm lạnh quá, rau không ngóc lên nổi, Tết đến mặc dù giá rau đắt đấy nhưng lại không có rau bán. Tháng Mười hai vì thế mà cha mẹ tôi càng thêm bận rộn và nhiều nỗi lo âu.

    Trẻ con ngóng tháng Mười hai, đếm ngày đợi chờ năm mới. Nỗi ngóng chờ của trẻ con thì luôn háo hức và vẹn nguyên tinh khôi trong từng suy nghĩ. Trong những ngày tháng Mười hai, chúng tôi đi chăn trâu, chăn bò ở đồng xa. Cái lạnh vẫn còn lạnh lắm nhưng người đứa nào đứa nấy chỉ một manh áo cộc. Cũng bởi vì nhà quá nghèo. Được cái áo ấm nhất thì dành để mặc đi học, mặc dịp Tết. Nếu mặc đi chăn trâu bò bẩn giặt làm sao cho kịp khô? Suốt những ngày đi chăn trâu bò, chúng tôi chỉ nói chuyện về Tết, về những ước mơ sau này. Để cho vơi đi giá lạnh của mùa Đông, chúng tôi tản ra phía lùm cây, bụi rậm tìm kiếm những nhành củi khô, vơ thêm rơm rạ khô chất thành đống rồi đốt thành bếp lửa cho ấm. Cũng có những lúc “liều mạng” chạy tới ruộng ngô, ruộng khoai của nhà người ta mà bẻ trộm mấy bắp, đào dăm ba củ rồi nướng ăn luôn giữa đồng.

    Khoai, ngô nướng là món quà thơm phức ấm mãi suốt tuổi thơ của những đứa trẻ con nghèo khó lúc đó. Cả lũ chia nhau từng hạt ngô, miếng khoai và cùng nhau ngồi bên bếp lửa cười nói rổn rang. Ánh lửa từ bếp củi nổ tí tách đỏ rực. Âm thanh ấy tuy rất nhỏ và rất đỗi bình yên đã đánh thức bao ước mơ thời thơ bé. Đứa nào cũng bảo quyết tâm sau này thoát cảnh ruộng đồng, không để cơ cực, giá lạnh nữa. Chao ôi, những suy nghĩ vừa chân thật vừa hồn nhiên ấy nghĩ lại khóe mắt tôi lại cay xè.

    Tháng Mười hai những đêm nằm gió lùa lạnh cóng không tài nào ngủ được. Cha tức tốc ngay ngày hôm sau chế biến một chiếc nệm êm ái bằng những cọng rơm vàng óng. Chiếc nệm như vị cứu tinh trong suốt những năm tháng mùa Đông lạnh giá. Mỗi lần nhắc lại tôi rưng rưng nghĩ về sợi rơm ân tình. Cây rơm đầu hè cha vẫn chất cao mỗi khi mùa gặt đã xong. Liệu những sợi rơm kia có chút gì nhớ nhung đôi tay chai sần của cha vân vê từng sợi, để cha bện thành chiếc nệm năm xưa?

    Rồi tháng Mười hai lại về như đã hẹn, tôi là một trong số ít đám bạn thực hiện được giấc mơ thuở thiếu thời. Bỏ lại ruộng đồng, bùn lầy, những cơn gió Đông lạnh buốt tôi lên phố học tập và làm việc. Kể tiếng là người của thành phố vài chục năm nhưng lòng tôi vẫn không quên được quê nhà. Ở đó có những ngày tháng Mười hai, tuổi thơ tôi đã lớn lên gian khổ cùng cha mẹ, xóm làng và bạn bè thân thiết. Tôi muốn được trở lại quãng thời gian tuổi nhỏ, nghèo nhưng vô âu vô lo. Tôi mong được làm chú chim chèo bẻo mỗi sớm mai đứng trên cành cây bạch đàn mà kêu thao thiết. Và tôi sẽ ngủ quên trong không gian mùa Đông bao trùm, thơm mùi đồng ruộng, thơm mùi ngô, khoai nướng trong dòng ký ức xưa đầy kỷ niệm.

    Mai Hoàng

    Tháng mười hai chạm vào miền nhớ
    Tháng mười hai chạm vào miền nhớ
    Tháng mười hai chạm vào miền nhớ
    Tháng mười hai chạm vào miền nhớ
  6. Tháng mười hai, nhanh thật! Bạn lại thở dài với điệp khúc quen thuộc đến nao lòng.


    Bạn bảo những ngày gần cuối năm lại càng nôn nao nhớ quê, thấy gió lao xao ngoài hiên mà không ngăn nổi dòng nước mắt nóng hổi đang rơi. Tôi ngẩn ngơ trước cảm xúc của bạn. Nghĩ lại mình, từ đợt ra Tết đến nay chưa một lần trở về thăm quê nữa. Bạn làm tôi nhớ quá và cảm thấy có lỗi với quê nhà. Phố thị đã làm tôi chai lỳ cảm xúc tự khi nào không hay, hay nói đúng hơn vì phải vật lộn bon chen với phố con người tôi đã thay đổi như thế này.


    Tôi cũng từng có những khoảnh khắc, những phút nhớ quê nhà da diết, nhất là mỗi khi cơn gió bấc tràn về trên căn gác trọ nhỏ. Bên tai tôi, những âm thanh hỗn tạp va vào gió: tiếng còi xe, tiếng ồn nơi công trường đang xây dựng và cả tiếng của những con mèo hoang rong ruổi trên mái nhà. Tôi cô đơn, thèm một ánh lửa quê nhà, sáng sáng mẹ nhóm bếp, xung quanh đuốc củi hồng ấm áp, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau.

    Tháng mười hai, ở quê rét lắm, mỗi sáng thức dậy thể nào mẹ cũng chuẩn bị một chậu nước nóng sẵn nơi góc nhà, kêu thằng Tâm, thằng Hải, con Lan rửa mặt. Tiếng gọi sao mà thân thương quá! Những buổi sáng như thế bỗng chốc vụt đi nhanh chóng và giờ chỉ còn trong ký ức mà thôi.


    Những tháng mười hai tuổi thơ lung linh bao sắc màu. Là cánh đồng cải ven sông, đến vụ lại bung vàng rực rỡ. Là bãi ngô xanh mướt, mỗi đợt gió về mang biết bao hương hoa ngọt ngào thoang thoảng. Ngay cả cánh đồng chiều trơ trụi gốc rạ xám xịt cũng trở thành màu sắc yêu thương. Tôi và đám bạn vô tư dang rộng đôi tay ôm lấy cánh đồng, ôm lấy những cơn gió bấc lạnh buốt. Rồi nắm tay nhau thật chặt, chân trần cứ thế chạy và chỉ chạy cho thân thể ấm nồng lên. Tiếng cười chúng tôi hòa reo cùng tiếng củi tí tách những buổi mót ngô, mót khoai nướng vội. Những màu sắc bình dị ấy, bao năm rồi mà tôi vẫn nhớ.


    Tôi nhớ những ngày tháng mười hai ẩm ướt, cái lạnh trở nên rét buốt. Hồi ông tôi còn sống, để cho đàn con cháu thêm chút ấm trong mùa lạnh, ông tỷ mẩn sắp xếp từng cọng rơm làm đệm lót chỗ nằm. Đệm rơm là chiếc đệm êm ái và ấm nhất tôi từng nằm. Chiếc đệm đã ủ ấm những giấc ngủ của tôi, ủ ấm cả giấc mơ tôi nồng cháy, để ngày hôm nay, dù chưa thành công tôi vẫn hạnh phúc, nhờ khoảng đời gian khó ấy mới có tôi ngày hôm nay. Chỉ tiếc rằng, ông rời bỏ trần gian khi tôi vẫn còn là cậu thiếu niên bé bỏng, vẫn chưa trưởng thành để khiến ông an tâm.Tháng mười hai ở quê yên bình như không thể bình yên hơn. Chẳng tiếng còi xe, chẳng tiếng công trường. Chỉ thi thoảng nghe đâu đây một vài tiếng chú chó trêu đùa nhau, tiếng gà gáy ban trưa. Các mẹ, các bà đi trên đường trò chuyện cũng rất khẽ, thủ thỉ tâm tình. Tôi thương những bước chân hối hả của mẹ, của cha.


    Thương những bùn nâu cùng những đường cày khó nhọc. Năm này qua tháng khác họ cứ cần mẫn, chắt chiu những yêu thương, bình yên cho những đứa con ăn học, nghe trong tiếng nói của cha mẹ bao nhiêu nỗi nhọc nhằn, nghe mỏi mệt cả trong từng hơi thở…


    Từng tháng mười hai cứ thế đi qua, chỉ có những tháng mười hai của tuổi thơ ở lại. Tôi chợt nhận ra mình đã bỏ lỡ những mảng ký ức, hờ hững với quê hương. Tháng mười hai đong đầy nỗi nhớ, chỉ có tôi vẫn cứ hay quên. Tháng mười hai tấu lên những nốt nhạc du dương ký ức, nhắc nhở bản thân mình không còn hờ hững và lãng quên nữa. Xin được tạ lỗi với những tháng mười hai xưa!


    Tản văn của CAO VĂN QUYỀN

    Tháng mười hai, đong đầy nỗi nhớ
    Tháng mười hai, đong đầy nỗi nhớ
    Tháng mười hai, đong đầy nỗi nhớ
    Tháng mười hai, đong đầy nỗi nhớ
  7. Khi chuyến tàu thời gian đã vào ga cuối, người càng hối hả gấp gáp hơn. Giữa ngổn ngang nỗi niềm, lòng như con thuyền chòng chành nhớ quên. Tháng 12 chẳng thể bình thản mà đi qua. Có những kí ức đã phai nhòa, có những kí ức như vết sẹo hằn sâu mà năm tháng không thể lấp đầy.


    Tháng 12 đi giữa mùa lạnh giá, cây bàng ven đường đã trút bỏ bộ cánh già cỗi, chỉ còn trơ lại bộ xương cành khẳng khiu, nhẫn nại chịu đựng rét buốt. Nhưng tháng 12 lại nhen lên sắc vàng rực rỡ của hoa cải, sắc đỏ thiết tha rào trạng nguyên, sắc xanh mơn mởn trong vườn cải bắp.


    Tháng 12, tròn một năm chị rời bỏ cõi đời, anh đi về lẻ bóng, các cháu ngẩn ngơ vì thiếu vắng tình mẹ. Còn nỗi đau nào hơn thế nữa! Ánh mắt của bọn trẻ hay hướng về phía xa xăm như muốn níu lấy ảo ảnh hạnh phúc của quá khứ, của giấc mơ không bao giờ đến một lần nữa trong đời. Nhìn các cháu trò chuyện với di ảnh mẹ mà xót xa trào nước mắt, mùa đông năm nay và bao mùa đông sau nữa các cháu hẳn còn lạnh lắm. Số phận nghiệt ngã phũ phàng bắt con trẻ phải đối mặt và khi vượt qua nó, các cháu sẽ vững vàng hơn, như cây bàng mùa đông sự sống gần như cạn kiệt nhưng khi mùa xuân đến mạch sống lại rạo rực thân cành.


    Tháng 12, giật mình thấy năm tháng kéo tuổi thanh xuân đi mãi để bụi thời gian che khuất lối về. Người nắm tay và hứa cùng tôi đi hết cuộc đời dù gian nan nghèo khó vẫn một lời đinh ninh, nhưng một ngày người buông tay trước ngã rẽ sang giàu, bỏ mặc tôi chới với giữa tháng ngày cô quạnh. Lời hẹn ước trăm năm như nước chảy bèo trôi. Chẳng trách đời khi bao cám dỗ làm lung lạc lòng người, chỉ trách mình phận hèn duyên mỏng. Tháng 12, đôi lúc kí ức lung linh lại hiện về: ánh mắt dịu dàng, nụ cười trìu mến và cả bàn tay nắm chặt chẳng buông lơi trong những ngày đông giá… Dẫu biết mình đơn côi nhưng lòng luôn nhắc nhở, đừng níu kéo khi yêu thương đã là số phận. Biết đâu cơ duyên còn đợi ở ngày mai, cứ đi hết hôm nay rồi sẽ gặp, vì ở đời có những duyên mệnh chẳng thể nào lí giải được.


    Tháng 12 tìm về với những điều hết sức bình dị và thân thương. Đó là quê hương nghĩa nặng tình sâu trong trái tim mỗi người: là tuổi thơ chân trần chạy dọc triền đê, mặt lấm lem bùn đất và tiếng cười giòn tan trong nắng chiều buông; là tình bạn hồn nhiên trong sáng của lứa tuổi học trò với bao giấc mơ không trọn vẹn; là mái trường xưa tiếng thầy giảng bài còn vang mãi đâu đây, là bóng cha dáng mẹ sớm khuya tảo tần, bền bỉ vượt qua gian khổ thử thách bằng niềm tin của mình… Tháng 12 tôi dựa vào quá khứ bình yên để tìm chút khoảng lặng nương náu tâm hồn giữa dòng đời hối hả bon chen.


    Nguyễn Thị Hải

    Nỗi niềm tháng 12
    Nỗi niềm tháng 12
    Nỗi niềm tháng 12
    Nỗi niềm tháng 12
  8. Nghe tin đài báo gió mùa, tháng 12 cũng đã sang. Tháng cuối cùng của năm, thế là một năm đầy biến động sắp trôi qua, một năm với bao dự định còn dở dang. Chắc giờ này ở quê nhà mùa đông lạnh lắm, kiểu thời tiết đặc trưng phía Bắc tổ quốc những ngày hết năm, đây cũng là mùa thứ hai con không được đón cái không khí giao mùa chuyển từ thu sang đông, rồi se lạnh đầu mùa đến rét như cắt da cắt thịt. “Món quà” của tạo hóa bạn tặng này lại là niềm yêu thích của con, mùa đông lạnh nhưng con lại thấy ấm áp vì con sắp được đoàn tụ cùng gia đình. Ở phương Nam xa xôi, chỉ có mùa khô và mùa mưa “Sài Gòn nắng lại giăng mưa”, con vẫn cảm nhận được cái lạnh có phần tái tê, con luôn hướng về quê hương, về mẹ.


    Con chim non được cha mẹ chăm bẵm, yêu thương che chở, bảo vệ đến một ngày kia con chim đó khôn lớn cũng sẽ rời tổ, tự lập trên đôi cánh của mình, giang rộng cánh bay khắp các chân trời đối đầu phong ba bão táp khôn lường. Quy luật tất yếu của tự nhiên, ai trong đời cũng phải trải qua, con chẳng phải ngoại lệ, hành trang bước vào đời của con là những kiến thức được học trong nhà trường, niềm say mê, khám phá của tuổi trẻ và đặc biệt luôn có mẹ bên cạnh. Suốt đời con luôn ghi nhớ lời mẹ dặn: “Không trộm cắp, không làm gì sai trái, không làm gì thẹn với lòng và lương tâm cứ ngẩng cao đầu mà sống”, con coi đó là châm ngôn, phương châm sống cho mình cho dù cuộc sống xa nhà, cơm áo gạo tiền, cám dỗ cuộc đời, có vất vả, khó nhọc con tin mình đứng vững, không đánh mất mình, bán rẻ lương tâm, luôn đi về phía trước ngẩng cao đầu. Người ta bảo con nghệ sĩ, đúng mẹ nhỉ, đó là thế giới riêng của con, một giới thế của cái đẹp và trong sáng không có bon chen, con giống mẹ giàu tình thương và luôn không ngừng cố gắng.


    Tháng 12 trời trở lạnh phải không mẹ, những tháng cuối năm những người phụ nữ truyền thống như mẹ bắt đầu tất bật chuẩn bị cho ngày lễ lớn nhất năm của người Việt. Khi đã lớn khôn một chút, con đã không còn thích Tết nữa, con phần nào thấu hiểu sự khó nhọc của mẹ để mang lại cái Tết tròn trịa, êm ấm cho gia đình, đằng sau nụ cười của mẹ con phần nào thấm nhuần tình thương. Mặc dù vậy con vẫn mong Tết, chỉ khi đó những người con như con mới có dịp về quê đoàn viên gia đình trong sự ấm cúng mà bấy lâu thiếu vắng. Con nhớ đâu đó câu nói, trên đời có 2 thứ không thể bỏ lỡ: người mình yêu và tấm vé về quê ngày cuối năm.


    Con mong mẹ sức khỏe và bình an.


    LỜI NÓI DỐI CỦA MẸ
    Đến bây giờ chúng con trưởng thành
    Mới nhận ra Mẹ cũng từng nói dối
    Bữa cơm ngày xưa đơn sơ mỗi tối
    Con cá gầy Mẹ chỉ chọn đầu thôi.

    Mấy đứa con lại thắc mắc liên hồi
    Sao Mẹ ăn đầu, nhiều xương dễ hóc
    Mẹ bảo, già rồi ...ăn đầu ...bổ óc
    Ăn đầu nhiều sẽ cứng cáp xương hơn.

    Mẹ còn bảo Ông Bà ngoại các con
    Ngày xưa cho Mẹ ăn toàn thịt cá
    Nghe lời Mẹ nhưng mà con thấy lạ
    Mẹ bảo ăn nhiều sao cứ gầy nhom.

    Rồi con lớn lên Mẹ thì già thêm
    Con hiểu ... nhường con ... nên Mẹ nói dối
    Rồi quên nhanh, bởi tuổi thơ nông nổi
    Chẳng vui buồn nào, nhớ được lâu đâu.
    (Thơ Việt Khoa)

    Mai Tuấn Anh

    Những ngày cuối năm
    Những ngày cuối năm
    Những ngày cuối năm
    Những ngày cuối năm
  9. Dường như cái lạnh giữa tháng 12 này cũng đã rõ dần hơn, khi bầu trời cũng thật rộng lượng không buông những cơn mưa bất chợt hay dai dẳng mãi không thôi.


    Dù lặng lẽ hay ồn ào, dù vui có buồn có, dù thành công hay thất bại cũng vậy, khi không khí giáng sinh đang tràn ngập về từ mọi nẻo đường...Để đến tới người người, nhà nhà. Khiến trong lòng con người ta luôn cảm thấy ấm áp đến lạ, cho dù cái lạnh của những ngày cuối năm nhất cũng đã tới, cho dù là sự cô đơn lạnh lẽo đi chăng nữa, thì cô đơn của hôm nay cũng mang thêm vẻ nhẹ nhàng đan xen sự ngọt ngào hứa hẹn một mùa giáng sinh mới mẻ và tốt đẹp, khi GIÁNG SINH KHÔNG PHẢI CỦA RIÊNG AI...


    Có nhiều lúc trong cuộc sống của chúng ta không phải chúng ta hiểu rõ, hay biết rõ một điều gì đấy mới cảm nhận được sự đẹp đẽ, sự ấm áp, hay sự vui vẻ và hạnh phúc. Đơn giản ta chỉ cần cảm nhận được điều đấy đối với riêng ta, ta thích, ta yêu, nó làm ta vui vẻ, làm ta hạnh phúc, vậy là đủ.


    Giáng sinh ngày lễ mà cả thế giới đang đón chờ, không riêng gì những người theo đạo Thiên Chúa. Chúng ta cũng không cần phải hiểu hay phải biết chính xác chữ CHRISTMAS là chữ viết tắt, hay là tên của Đức Giêsu, bởi đâu phải ai cũng biết tiếng nước ngoài rành rọt. Giáng sinh là ngày Thiên Chúa ở cùng chúng ta và cũng là ngày lễ kỷ niệm Chúa Giêsu ra đời.


    Giáng sinh hay còn gọi là Noel, chữ Nöel này là từ tiếng Pháp lấy từ tiếng Latinh mà người Việt Nam mình hay nói là Nôen cho dễ gọi.


    Trong những ngày này những người theo Đạo Thiên Chúa là dịp họ đến nhà thờ dự lễ để bày tỏ lòng thành kính đến Chúa. Cũng là dịp mà những đôi trẻ yêu nhau cũng muốn đến nhà thờ để cầu nguyện cho tình yêu của mình được trăm năm hạnh phúc.


    Còn những người như chúng ta, là dịp để chúng ta cùng nhau quây quần lại, cùng nhau sum họp gia đình, cùng nhau ăn một bữa cơm vui vẻ trong một bầu không khí ấm áp mà có khi cả một năm chúng ta mới gặp mặt đầy đủ được.


    Những câu chuyện đã lâu chưa kể, những con người đã lâu không gặp, những khoảng trời đã lâu chưa tìm về...


    Là cái cớ để chúng ta gặp nhau, trao tặng cho nhau những món quà trong dịp Nôen này.


    Trong những ngày này chính trẻ em của chúng ta, chúng cũng đâu cần biết rõ đâu, khi chúng nhìn thấy có những cây thông thật to, lá xanh mướt, mà ở những đầu ngọn lá có điểm một chút phơn phớt trắng để giống tuyết.


    Những ngọn nến lung linh vàng ấm, những gói quà được bọc gói rất đẹp với nhiều màu sắc để ở dưới cây thông. Điều tuyệt diệu nữa là chúng háo hức đón chờ được ông già Nôen phát quà cho chúng khi chúng nghĩ, chúng là những đứa trẻ duy nhất được phát quà trong đêm Nôen.


    Và tất cả chúng ta, những ông bố, những bà mẹ cũng đang muốn đóng giả ông già Nôen vào buổi tối, gõ cửa ngôi nhà của mình và phát những phần quà cho các con yêu quý. Nhìn được ánh mắt reo lên trong sự vỡ oà vui sướng của chúng mà những điều tuyệt vời đó sẽ mang cả vào giấc mơ khi cả tuổi thơ của chúng luôn nghĩ ông già Nôen trên đời này là có thật.


    Mừng giáng sinh đã đến, chúc cho tất cả chúng ta đón một mùa Giáng Sinh thật an lành, ấm áp, vui vẻ và tràn đầy yêu thương bên những người thân của mình.


    Chúc cho tất cả trẻ em của chúng ta mọi ước nguyện sẽ thành sự thật trong niềm vui sướng của những người làm cha mẹ.


    Tản Văn: Lê Minh

    Giáng sinh không phải của riêng ai…
    Giáng sinh không phải của riêng ai…
    Giáng sinh không phải của riêng ai…
    Giáng sinh không phải của riêng ai…
  10. Tháng 12 chầm chậm gõ cửa mang theo cái rét ngọt mùa đông, nhắc ta nhớ rằng, một năm đã gần sắp hết. Cuốn lịch trên tường ngày càng mỏng đi đồng nghĩa với những ngày tháng của năm cũ cũng dần kết thúc. Ta lại thấy rộn ràng nhiều niềm hy vọng về một năm mới tới gần; càng thấy hân hoan hơn ngày sắp được trở về với mẹ. Tháng 12, do đó “cõng” trên lưng nhiều lắm những hy vọng, những chờ đợi, những cuộc gặp gỡ ấm áp tình thân, tình người.


    Tháng 12, ta miên man trong những nỗi nhớ đồng ruộng sắp vào mùa cấy, nước còn xâm xấp gốc rạ. Vào buổi chiều muộn, đàn cò gầy nhẳng, run rẩy lội nước miệt mài kiếm ăn. Tháng 12, trong căn gác nhỏ nơi phố thị lại nôn nao nhớ, “thèm” đến da diết cảm giác được đứng giữa cánh đồng hoa cải vàng ươm nơi bến sông đang kỳ rộ nở. Nhớ những sáng đầy sương theo bà xuống bãi làm cỏ ngô bị lá cứa ngang dọc khắp tay. Nhớ những chiều vô tư lự cùng đám bạn chẳng quản ngại gió lạnh vù vù chạy trên đê nô đùa ồn ã. Rồi dang rộng đôi tay gầy, nhỏ xíu như muốn ôm lấy cánh đồng, ôm lấy dòng sông và cả những cơn gió bấc lạnh buốt. Rồi nắm tay nhau thật chặt, chân trần cứ thế chạy và chỉ chạy cho đến khi cả người nóng bừng, mệt rũ. Chiều muộn, cả lũ còn hò nhau đi nhặt nhạnh cành lá khô, tìm “mót” khoai, sắn trên đồng nướng ăn ngấu nghiến cho qua cơn đói. Những kỷ niệm bình dị ấy, bao năm rồi vẫn thắp lửa trong tâm trí ta, dồn lên cồn cào mỗi khi mùa đông gọi về. Tháng 12, thương nhớ lắm bếp lửa hồng của mẹ mỗi chiều nhá nhem tối. Bước chân mẹ vào những ngày đông tháng giá vội vã hơn bao giờ hết. Ăn cơm trưa xong, chỉ kịp uống tạm hớp nước chè súc miệng mẹ đã vội vã ra đồng “cho được việc”. Chốc chốc mẹ lại nhìn mặt trời căn giờ kịp về nấu bữa cơm chiều. Chiều tà, từ đồng sâu mẹ lội lên ruộng mạ tay thoăn thoắt hái mớ rau muống xanh nõn, qua ruộng cà vặt thêm mấy quả cà tím dài ngoằng. Trước khi ra đồng, mẹ đã hứa với anh em tôi, tối nay “thết đãi” một bữa cà bung với thịt thật ngon. Sương chùng chình vào ngõ, “quấn” lấy bóng điện vàng lơ lửng giữa sân thì anh em tôi đã kịp trải sẵn chiếu chờ cơm mẹ. Trong gió lạnh vi vút, giọng ông nội ào ào, át cả gió, nhìn hai đứa nó ăn ngon lành chưa kìa, cẩn thận không cắn phải lưỡi con nhé. Tiếng cười cứ thế át cả mùa đông. Tháng 12, thêm nhớ thương bóng cha vất vả hôm sớm. Thương những bùn nâu cùng những đường cày khó nhọc. Năm này qua tháng khác cha mẹ cần mẫn, chắt chiu những yêu thương, bình yên nuôi con ăn học. Để rồi, nghe từ tiếng nói, hơi thở thân quen bao nỗi nhọc nhằn, mỏi mệt…

    Từng tháng 12 cứ thế vùn vụt qua trong bộn bề lo toan của người trưởng thành, chỉ có những tháng 12 của tuổi ngây thơ ở lại. Ta bỗng nhận ra lúc nào đó mình đã lãng quên vùng ký ức tuyệt đẹp ấy, hững hờ với chính những niềm yêu thương đau đáu. Xin tạ lỗi với quê nghèo, với mẹ cha, với cả tháng 12 đong đầy thương nhớ. Tháng 12 này, ta sẽ sớm thu xếp để về quê./.

    Nguyễn Hoa Xuân

    Viết cho tháng 12
    Viết cho tháng 12
    Viết cho tháng 12
    Viết cho tháng 12



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy