Top 5 Tản văn viết về tháng Hai hay nhất

Phương Kem 71 0 Báo lỗi

Tháng hai, tháng của khí xuân, sắc xuân, trời xuân. Tháng hai, tháng của những đám mây rạo rực xuân bay ngang qua phố. Tháng hai, tháng của những cây bàng đâm ... xem thêm...

  1. Tháng Hai, Hà Nội cho ta thời khắc cảm giác an tĩnh đến lạ thường. Đất trời được bao phủ một màn sương mờ ảo của mưa xuân. Mưa lung linh nơi cánh hoa, ngọn cỏ. Mưa tinh nghịch đậu trên mi mắt, trên mái tóc buông lơi của ai đó. Chỉ nhẹ nhàng thôi nhưng mưa vừa đủ để thấm vai áo mỏng người thương. Trong đêm, mưa thì thầm đánh thức bao nỗi nhớ trong ta.


    Có những ngày cuối tuần, phố Hà Nội thật thưa vắng, dường như vòng xoay cuộc sống đang chậm lại. Quán cà phê cũ, ta đếm giọt cà phê tí tách rơi hòa trong tiếng nhạc dìu dặt đưa ký ức lang thang đâu đó. Lời bài hát lãng đãng khi gần khi xa khiến ta chợt ngẫm về dấu chân của thời gian: “Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai/ Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời/ Xin cho tay em còn muốt dài/ Xin cho cô đơn vào tuổi này/ Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài”. Ừ nhỉ, ai rồi cũng có lúc phải đối mặt với năm tháng hằn sâu trên khóe mắt, làn môi, mái tóc.


    Thời gian không chờ một ai, mùa hoa này tàn sẽ lại có mùa hoa khác kế tiếp. Sau quãng rằm tháng Giêng, khi hoa đào đã phai, người Hà Nội thường chơi hoa lê như để kéo dài khí xuân trong nhà. Những cành hoa lê thân mốc, lộc biếc trổ san sát cùng hoa và nụ được mang từ vùng núi phía Bắc về Hà Nội. Theo kinh nghiệm, các gốc hoa càng già càng đẹp và rất bền, có thể chơi đến khoảng 2 tháng. Khác với vẻ tươi thắm của hoa đào, những cánh hoa lê trắng muốt, thanh khiết khoe sắc trong phòng khách người Hà thành mang nét đẹp riêng thật trang nhã. Ngẫm ra, cuộc sống có bao điều đổi thay với sự xoay vần của bốn mùa.


    Tháng Hai luôn có sự ghi dấu đặc biệt với những người có cùng tháng sinh vào cung Bảo Bình. Dường như, họ có điểm tương đồng rất riêng. Những người có ngày sinh vào tháng Hai thường thông minh, nhìn nhận mọi việc sâu sắc và toàn diện từ nhiều hướng. Có được người bạn sinh vào tháng Hai thật đáng quý vì họ luôn biết trân trọng các mối nhân duyên ân tình đi qua đời mình. Thêm một điều khá thú vị, những người sinh trong cung Bảo Bình của tháng Hai luôn có sức thu hút đặc biệt với người khác. Nhược điểm lớn nhất của người sinh tháng Hai là khó có thể quên những nỗi đau đã phải nhận nhưng lại cố che giấu cảm xúc. Vậy nên, đừng bao giờ khiến họ bị tổn thương.


    Nhân sinh vô thường cho ta đủ mọi cung bậc cảm xúc. Cũng có khi, tình đang đậm sâu, thốt nhiên trở nên phai nhạt. Vạn vật luôn biến đổi theo năm tháng. Thời gian trôi nhanh như gió thoảng, có những nhân duyên chỉ đến một lần trong đời. Đôi khi, ta vuột tay chẳng kịp níu giữ người tri kỷ, chỉ một phút xoay lưng mãi trở thành người dưng. Có lẽ, chỉ đến khi ta nếm trải đắng cay của cuộc đời, khi đó sẽ tự biết nâng niu vị ngọt đậm sâu của chân ái đời mình. Sự kỳ ảo của chữ duyên khiến ta không thể đoán định điều gì sẽ đến và đi. Thì thôi nhé, nếu không còn đủ duyên ở bên nhau, ta hãy nhẹ nhàng buông nỗi buồn theo nước chảy mây trôi. Học cách lãng quên ngày tháng cũ cũng là một cách để sống an nhiên.


    Tháng Hai, mưa xuân phơi phới, hoa xoan tim tím rụng vơi đầy, hương hoa bưởi lang thang trong gió khiến nỗi nhớ thốt nhiên lại tròng trành trong tim ta.


    Vy Anh

    Tròng trành nỗi nhớ tháng Hai
    Tròng trành nỗi nhớ tháng Hai
    Tròng trành nỗi nhớ tháng Hai
    Tròng trành nỗi nhớ tháng Hai

  2. Tháng Hai, đất trời như gần nhau hơn bởi những màn mưa bụi mơn man, bởi hương bưởi hương xoan dịu dàng thoang thoảng. Thời gian cựa mình trên những chồi non lộc biếc. Không còn không khí náo nức bồi hồi của đêm giao thừa, không rộn rã hân hoan như buổi sớm nguyên đán. Tháng Hai với tôi có niềm mong chờ háo hức rất riêng, ấy là được cùng mẹ đi dự hội làng.


    Cụm di tích Đình chùa Từ Hồ quê tôi được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử quốc gia vào tháng 8 năm 1995. Chùa làng thờ Phật Bà Quan Âm. Đình làng thờ Đức thánh Chử Đồng Tử. Ở đầu làng tôi có cây đa cổ thụ hình mâm xôi và cây gạo già hình con gà. Tương truyền, khi Đức thánh Chử Đồng Tử đi cứu nhân độ thế đã dừng lại nơi đây mở yến tiệc đãi dân nghèo. Vì thế cây đa cổ thụ ấy được gọi là cây đa Yến. Biết bao huyền sử được dệt nên từ hình ảnh “mâm xôi con gà” ấy. Để rồi những người con tha hương mỗi khi trở về đều hướng mắt lên chòm cổ thụ mãnh liệt ấy, coi đó như một biểu tượng linh thiêng của làng quê mình.


    Mùng 6 tháng Hai năm sau, lần đầu tiên làng tôi mở hội to. Những người con xa quê và quý khách thập phương có dịp được thưởng ngoạn những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân gian của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đám rước hội hành hương từ đình chùa, đi vòng quanh làng, lên tế lễ ở cây đa Yến rồi trở về nhà văn hóa thôn. Đội rước kiệu Thánh trang nghiêm thành kính. Đội múa rồng khỏe khoắn nhanh nhẹn uyển chuyển. Đội tế nam, tế nữ của Hội người cao tuổi chỉnh tề mẫu mực nghiêm cẩn. Đội phụ nữ múa hát trống quân tươi tắn rực rỡ sắc màu. Các cháu thiếu nhi trong đội sinh tiền xinh xắn hồn nhiên. Bao nhiêu gương mặt là bấy nhiêu niềm vui rộn ràng. Tất cả đã làm nên không khí tưng bừng rộn rã, tô thắm sức xuân phơi phới của đất trời nhân gian…


    Tôi làm sao quên được cảm giác bồi hồi sung sướng khi tận mắt chiêm ngưỡng Đội tế nữ hành lễ. Tôi cứ nhìn như thôi miên vào khuôn mặt hồng hào phúc hậu và những động tác hành lễ trang nghiêm mà uyển chuyển của mẹ. Người thôn nữ quê mùa ấy lần đầu tiên được biết đến phấn hồng son môi. Có tiếng ai đó tấm tắc khen mẹ tôi đẹp lão nhất đội hình. Tim tôi như đập nhộn lên vì hãnh diện, tự hào. Cảm xúc vui tươi chộn rộn ấy cứ âm ỉ mơn man trong tiềm thức của tôi suốt bao năm qua…


    Đội tế nữ đầu tiên ấy được thay thế dần dần qua từng năm bởi sức khỏe của các cụ mỗi năm lại mỏng đi. Có cụ đã về với tiên tổ. Nhưng cứ mỗi độ tháng Hai, mẹ tôi kể lại cho con cháu nghe về những kỉ niệm của đội trong dịp hội làng đầu tiên ấy. Nghe mẹ kể chuyện tôi thầm cảm tạ trời đất vì thấy mẹ vẫn còn minh mẫn lắm. Nhìn đôi mắt mờ nhòa của mẹ vẫn ánh lên niềm vui khi gợi lại kí ức thân thương ấy, tôi thấy trái tim mình ấm áp lạ kì.


    Mẹ vẫn nhắc nhở: “Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa.” Mỗi dịp làng mở cửa đền, mẹ lại tự tay soạn sửa hoa quả bánh trái trầu cau để mang lên lễ Thánh. Giản dị, thanh tịnh và từ tâm. Niềm vui của người già là thấy mình còn đủ sức khỏe để mỗi ngày sóc vọng trong tháng hay mỗi dịp hội hè được tỏ lòng thành kính với Trời Phật tổ tiên, cũng là cách để tìm sự an nhiên cho tâm mình.


    Còn với tôi, niềm hạnh phúc giản đơn là được cùng mẹ đi dự hội làng. Tôi giúp mẹ mang những bộ quần áo đẹp nhất giặt giũ phơi phóng từ hàng tuần trước để kịp diện vào ngày hội. Đó là bộ áo dài nhung tím đính kim tuyến lấp lánh sang trọng hay chiếc áo bà ba màu nâu cánh gián nhã nhặn diện với chiếc quần sa tanh Nam Định đen mượt. Rồi sau ba ngày hội, mẹ lại cất thật kĩ những bộ trang phục ấy, như gói ghém lại niềm vui và nỗi mong chờ đến ngày hội sau.


    Nhớ những ngày hội làng năm xưa, con đường Rước trước sân đình còn là đường đất. Trong màn mưa phùn lây rây không ngớt, đường lầy bùn nhóp nhép. Ấy vậy mà người đi xem hội vẫn đông như nêm. Mẹ nắm tay tôi đi qua những vũng nước ngầu bùn vì lo tôi trơn trượt. Còn bây giờ, quanh các đường thôn ngõ xóm là những dải bê tông phẳng phiu sạch sẽ. Mẹ đã tám mươi xuân, vẫn nắm tay tôi đi theo đám rước hội qua quãng đường dài ngun ngút quanh thôn. Bước chân mẹ đã chậm chạp run rẩy bởi căn bệnh viêm khớp mãn tính. Vậy mà được đi bên mẹ trong cái rộn ràng tưng bừng của tiếng trống hội, nắm bàn tay gầy guộc của mẹ, tôi vẫn có cảm giác được nương tựa chở che.


    Mấy chục năm trôi qua, diện mạo quê hương tôi đã có nhiều khởi sắc. Nhưng những nét đẹp văn hóa của hội làng dường như vẫn vẹn nguyên giá trị. Giá trị ấy đâu chỉ là dịp để những người con xa quê trở về đoàn tụ với gia đình trong ngày làng vào đám, cũng đâu phải là việc quảng bá bề dày lịch sử của thôn làng với quý khách thập phương. Mà giá trị lớn lao nhất chính là lưu lại trong tiềm thức mỗi người dân quê cảm xúc háo hức hướng về hội làng với niềm tin phác thực. Những lo toan bon chen của cuộc sống thường nhật dường như tan biến. Thay vào đó là cái tâm hướng thiện bao dung. Và với tôi, nỗi đợi chờ háo hức nhất của mùa xuân là mong đến tháng Hai để đưa mẹ đi dự hội làng. Vậy mà hai năm nay vì tình hình dịch bệnh căng thẳng mà làng tôi không mở hội, đến ngày mùng sáu tháng hai chỉ mở cửa đền cho dân làng thành tâm kính lễ. Nhưng tiềm thức về tiếng trống hội và cảm giác được cầm bàn tay khô sạm mà ấm áp của mẹ lại bồi hồi chộn rộn trong tôi.


    Tôi trân trọng từng khoảnh khắc thân thương ấy. Bởi mùa xuân đã sắp cạn ngày. Và tôi đâu biết sẽ còn được bao nhiêu lần dìu mẹ đi dự hội làng mùa xuân…


    Tạ Thị Thanh Hải

    Tháng Hai cùng mẹ đi hội làng (Hình minh hoạ)
    Tháng Hai cùng mẹ đi hội làng (Hình minh hoạ)
    Tháng Hai cùng mẹ đi hội làng (Hình minh hoạ)
    Tháng Hai cùng mẹ đi hội làng (Hình minh hoạ)
  3. Lâu rồi không về thăm quê cứ ngác ngác ngơ ngơ như nghé con lạc mẹ. Làng quê đổi thay đến lạ. Những con đường láng xi măng phẳng lừ, nhà cửa hai bên san sát rực rỡ sắc mầu. Hương cây, hương hoa quẩn quanh trên mái ngói. Đã qua rồi những ngày mưa dầm gió bấc. Đã qua rồi những ngày rét thâm môi tím mặt. Mùa đông trọ nhờ một đêm như người lữ khách. Tháng hai đã về, nắng mỏng như tơ dịu vàng mặt đất, bồng bềnh trên tầng cây đang chuyển mầu xanh ngây ngất.


    Người xưa bảo: Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc”. Tôi hỏi mẹ: “Con không hiểu”. Mẹ tôi giải thích: “Tháng giêng tuy là mùa xuân vẫn còn rét lắm. Hoa rụng hết cánh trơ đài để chuẩn bị vào quả. Sang tháng hai rét chỉ còn se se, không gian ẩm ướt rất thuận lợi cho sự sinh sôi của cỏ cây”. Có lẽ mẹ tôi nói đúng. Tháng hai lúa vào thì con gái, khoai vào thì nuôi củ. Những hạt mưa tháng hai đã nặng hơn, to hơn giăng thành sợi nối trời với đất. Tiếng mưa rơi thánh thót ngân nga như khúc ca yên bình chan chứa.


    Tháng hai với cái rét tê tê đủ làm cho người ta thêm đẹp. Một cái áo gió, một tấm khăn mỏng tang khoác hờ hững trên vai khiến người thiếu nữ thôn quê má thắm môi hồng. Ta tưởng như lạc vào một thế giới toàn ngọc nữ tiên đồng. Đàn chim di trú ríu rít trở về. Đã nghe tiếng cá đớp tom tõm, tiếng tôm búng lao xao mặt ao trong đêm vắng.


    Tháng hai mẹ tôi vác cái cào ra làm cỏ lúa. Những sợi tơ nhện giăng trên lá lúa cong cong ướt đẫm sương đêm, nhưng không còn buốt giá như mùa đông. Không gian trong vắt như đẩy trời và đất xa nhau. Mùi thơm của lúa non, mùi ngai ngái của bùn như có như không. Buổi chiều tháng hai theo chân mẹ về đến tận bếp nhà. Ngọn lửa rơm bập bùng. Mùi thơm từ ngọn rau con cá lúc làm cỏ bắt được tỏa lan. Vài con cá trê nhỏ om với rau cần nhà trồng đãi khách. Một bữa cơm dọn vội mà tưởng như được thưởng thức bao nhiêu hương vị của đồng quê. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng người phố thị chắc gì được một lần thưởng thức. Tháng hai ở làng tôi là thế nhưng lại làm lòng người thật nhớ thật yêu.


    Tháng hai không e ấp lộng lẫy như tháng giêng mà rộn ràng phơi phới tràn đầy sức sống, ngọt ngào tình tứ, ấm nồng hơi thở. Mỗi ngày trôi qua cỏ cây như xanh hơn, thẫm mầu hơn. Tháng hai ngày như dài hơn. Mảnh trăng non đầu tháng mảnh và mềm như một nét vẽ. Dạo trên đường làng mùi hoàng lan nồng nàn khiến tâm hồn thư thái ấm áp. Bất chợt tiếng gáy re re của một chú dế mèn cất lên dưới bụi cỏ ven đường, lòng bỗng dưng nôn nao. Ký ức tuổi thơ bật mở: Mùa chọi dế đã về.


    Ngày ấy, những buổi trưa lũ trẻ chúng tôi không ngủ, đi lang thang ngoài vệ cỏ bờ ruộng tìm bắt dế. Tổ dế tìm rất dễ. Một dúm đất mịn và nhỏ đùn lên. Gạt lớp đất ấy, một cái lỗ nhỏ hiện ra. Chúng tôi dùng tất cả những gì có trong tay múc nước đổ vào. Nước ngập. Những ánh mắt trẻ thơ mở căng hồi hộp và hy vọng. Trái tim bé nhỏ trong lồng ngực như lạc nhịp. Thoáng chốc, hai sợi râu cong vút cùng cái đầu nâu bóng xuất hiện. Chú dế bị ngạt nước phải xộc lên. Đôi mắt nó láo liên đầy vẻ cảnh giác. “Sập”. Một thanh nứa nhỏ cắm xuống chặn đường lùi của dế. Chú dế hốt hoảng lao nhanh ra khỏi hang. Chúng tôi hò reo đuổi theo. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi đó là một chú “dế cụ”. Những chú dế này cho uống vài giọt rượu sẽ đá nhau chí chết trong sự cổ vũ của chúng tôi.


    Tuổi thơ của chúng tôi vụt bay đi khi khói lửa chiến tranh lan tới. Đêm đêm nằm phục kích chờ giặc, nghe tiếng dế râm ran lòng nhớ làng quê da diết. Tiếng gáy của dế không hay, không mượt như loài chim, không lan tỏa âm vang như tiếng sáo diều. Mà nó như đang trải lòng với bao niềm sâu lắng cất lên từ đất khiến bao trái tim như tan chảy.


    Ngày trở về tôi mang nặng tình quê ra phố. Trong đêm yên tĩnh một tiếng dế gáy re re dưới tầng tầng lớp lớp bê tông vĩnh cửu, lòng kẻ ngụ cư dấy lên muôn nỗi xót xa cho thân phận nhỏ nhoi của chú dế mèn. Tháng hai chuẩn bị cho mùa soi cá, soi ếch. Những cây đèn, cây đuốc của cha tôi chỉ chờ mưa rào đầu mùa là bắt lửa. Những chú ếch ra khỏi hang tìm đôi, tìm cặp bắt ánh lửa ngồi im như tượng gỗ chờ người đến “nhặt”.


    Cái đẹp của làng quê vào những ngày rét lộc hồn nhiên phơi phới, lòng người như muốn sống chậm lại, muốn thể hiện tình cảm của mình với những ngày xuân sắp cạn. Nhưng thời nay mấy ai sống chậm được khi phải đối mặt với cơm áo gạo tiền. Ngày xưa vào những ngày này mẹ tôi thi thoảng lại thở dài với nỗi lo ngày giáp hạt. Vẫn biết không thể lấy quá khứ so sánh với hiện tại. Như thế là khập khiễng, là chủ quan. Nhưng tôi lại yêu cái khập khiễng cái chủ quan ấy như trai gái yêu nhau, như vợ yêu chồng, như con yêu mẹ.


    Xin đừng hỏi vì sao ngày xưa kham khổ là thế, niềm vui nhỏ nhoi là thế mà vẫn yêu vẫn quý. Khối người cao tuổi hôm nay thường kể lại cho con cháu nghe những ngày giáp hạt đói hoa mắt, như muốn nhắc nhở lời tâm huyết: “Được mùa chớ phụ ngô khoai”.


    Cuộc sống hôm nay tươi đẹp và tồn tại được là bởi những tình yêu như thế./.


    Nguyễn Sỹ Đoàn

    Tháng Hai rét lộc
    Tháng Hai rét lộc
    Tháng Hai rét lộc
    Tháng Hai rét lộc
  4. Tháng Hai vốn dĩ đặc biệt bởi đó là tháng không đủ ba mươi ngày. Như thể bù đắp nên tháng Hai nồng nàn mang mùa yêu đến trong sự đợi chờ trìu mến của bao người.


    Tháng Hai lặng lẽ sưởi ấm mình bằng không khí yêu thương sum vầy của ngày Tết cổ truyền. Mùa xuân đã đến và sẽ đi từ con ngõ nhỏ, cũng như tình yêu đến đi không nằm trong ý nghĩ của riêng ai.

    Gió xuân xênh xang trên phố, cây mai nhà ai bắt đầu hé nụ, sắp sửa bung nở những bông tươi vàng. Nghe người ta hẹn nhau câu chờ đợi mãi mãi mà mơ hồ lo lắng vu vơ. Đâu ai chắc chắn những điều chưa tới. Bởi tuổi trẻ gặp gì cũng hăng hái, hôm nay yêu bầu trời vì trời xanh mây trắng, nay mai yêu biển vì biển rộng mênh mông. Tình yêu đổi thay chóng vánh như một bàn tay lật rồi úp.

    Bạn ngồi than thở, rằng ghét tháng Hai quá chừng. Ờ thì, người ta vẫn hay vô cớ như thế, ghét một ngày ghét luôn cả mùa, ghét một người ghét luôn cái nơi người ta sinh ra. Bởi tháng Hai có ngày lễ tình nhân, nhìn người ta ngọt ngào nắm tay nhau hẹn hò nơi góc phố là lòng kẻ cô đơn rộn ràng hờn tủi, thấy mình lạc lõng chơi vơi giữa muôn ngàn thương nhớ. Dần dà, người cô đơn trở nên khó tính khi nhìn yêu thương hiển hiện trước mắt.

    Tháng Hai là mùa yêu nên bất giác lẳng lặng vá lại lòng mình bằng những yêu thương chân thật. Nhận ra mình của hôm nay khác hôm qua và hẳn là khác mình của ngày mai, biết rằng chẳng ai “tắm hai lần trên một dòng sông” để thấy mình không còn ở đó trong những nhớ nhung vô cùng.

    Tháng Hai nhắc người ta, đã yêu xin đừng phản trắc, cứ thật thà nhìn vào mắt nhau mà hạnh phúc. Chẳng phải, khi về già người sẽ phải gặt những thứ đã từng gieo đó sao.

    Đôi lần, ngồi tì mặt bên khung cửa sổ, ngắm lá rơi và mây bay trên đỉnh đầu, lại lẩn thẩn mà nghĩ đến buổi hoàng hôn của đời mình. Chẳng hay lúc ấy, có ai ngồi cùng mình ngắm mặt trời lặn hay không. Tìm được một tình yêu không khó nhưng tìm được một tình yêu chân thành dài lâu hẳn là điều không dễ.

    Đám bạn cũ gặp lại nhau trong đám cưới cô bạn cùng lớp, bỗng dưng không hẹn mà nhắc nhau nhớ nhiều năm về trước, mình từng ngỡ cuộc đời rạng rỡ ra sao. Để rồi bây giờ, gần mười năm trôi qua, lại thương cho tâm hồn trưởng thành lúc này, cớ sao thiếu nhiều mơ mộng. Tình yêu ngày ấy cũng thật dễ dàng, cứ âm thầm thinh thích rồi thật thà thương nhớ mông lung. Để năm tháng về sau, gặp lại nhau vẫn thấy tim mình thổn thức dẫu cho chẳng cùng nhau nắm tay đi hết cuộc đời.


    Con đường tình yêu thênh thang lắm, thế giới bao nhiêu người thì bấy nhiêu tình yêu. Và những người yêu nhau, chỉ cần nhìn vào mắt nhau đã đong đầy một mùa yêu lãng mạn nên mùa nào mà chẳng là mùa yêu. Bởi thế, thoáng nghĩ đơn giản rằng, sao không chắt chiu thêm những yêu thương có sẵn bên mình, là tình yêu gia đình, yêu quê hương yên bình, yêu cuốn sách vừa đọc, yêu góc quán hay ngồi tỉ tê với bạn…Cho mùa yêu đi qua thật khẽ khàng và ý nghĩa dẫu tiếng yêu đó, ta vẫn chưa nghe thầm thì.


    Diệu Ái

    Tháng Hai nồng nàn
    Tháng Hai nồng nàn
    Tháng Hai nồng nàn
    Tháng Hai nồng nàn
  5. Tháng Hai về nhắc ta biết chậm lại, biết dành thời gian và yêu thương bản thân nhiều hơn. Tự hứa năm mới đi nhiều hơn tới những chân trời như trước đây, rong ruổi trên các cung đường, từng miền đất khám phá thiên nhiên, chiều chuộng bản thân.


    Tháng Hai dòng người hối hả về đón tết lần lượt rời đi. Quê nhà lùi lại phía sau, dần xa tiếng còi tàu, tiếng xe cộ. Dòng ký ức trôi theo từng cánh gió. Từng ngôi nhà hai ven đường.


    Tháng Hai gõ nhịp bởi một mùa yêu thương đong đầy. Giữa líu ríu mến thương, những ngọt ngào trao gửi của ngày lễ tình nhân, thấy người ta nắm tay đong đếm nồng nàn nên ai đó chạnh lòng nghĩ suy giữa mênh mông thương nhớ. Đem trầm tĩnh tháng năm vá lại lòng mình bằng thương mến chân thành. Mình của hôm nay đi qua phai dấu cuộc tình để biết chẳng còn ở lại trong ngổn ngang nhung nhớ cũ xưa. Trái tim biết làm lành cảm xúc bằng trân trọng ai đó thương yêu thật lòng.


    Tháng Hai phố hiền hơn trên xao xác ngọn cây. Dòng người dịu dàng xuôi ngược để con đường mềm mại bớt ùn tắc. Tháng Hai biết yêu hơn từng góc phố nhỏ. Quán cà phê thường ngồi lắng nghe tiếng guitar. Yêu từng miền bé xíu sâu lắng như cuốn sách hay ru dịu lòng người. Ta mãi như người trong miền ký ức, thổn thức kiếm tìm, gìn giữ những điều sâu tận xa xưa. Một năm chậm rãi đi qua hay chóng vánh rời bước khi lòng mình náu nương ngó lại. Có bao chộn rộn, có bao bận bịu, có nỗi niềm chạm ướt tâm hồn. Đôi lúc ngoái trông, thầm cảm ơn bản thân dũng cảm đi qua ngày đắng đót và cả hạnh phúc, cảm ơn từng giọt nước mắt phút yếu lòng, chơ vơ hay nhờ nó để biết vững vàng, mạnh mẽ hơn, cảm ơn nụ cười luôn biết tìm cách rạng rỡ giữ niềm tin, sự lạc quan và cảm ơn cô gái nhỏ đi qua tháng ngày chênh vênh, đoạn đường khúc khuỷu, con dốc trơn trượt chỉ hòng gục ngã. Nhưng không, cô gái vẫn luôn mỉm cười trấn an mình, sau tất cả còn nụ cười ở lại.


    Cảm ơn một năm đầy biến cố mà hiểu bản thân hơn, hiểu người quanh mình, biết rằng ai yêu thương mình bằng tất cả chân thành thực thà.


    Như giọt sương tháng Hai vương trên cành lá, như giọt mưa rung rinh sớm mai, tâm hồn mỏng mảnh gõ nhịp cảm xúc, cảm ơn yêu thương luôn ở bên mình cùng tháng Hai ghé qua…

    Huệ Hương

    Tâm tình tháng Hai
    Tâm tình tháng Hai
    Tâm tình tháng Hai
    Tâm tình tháng Hai



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy