Top 10 Tản văn viết về hoa gạo hay nhất

Phương Kem 162 0 Báo lỗi

Hoa gạo – loài hoa vô cùng thân thuộc trong ký ức tuổi thơ của rất nhiều người. Nói đến làng quê, chúng ta nhớ ngay đến cây đa, giếng nước, sân đình. Nhưng ... xem thêm...

  1. Tôi vẫn thường luyến nhớ những ngày tháng ba không mùa đó. Cả những buổi trời quang nắng hay những ngày mưa bụi dầm dề, ngồi bên một quán nhỏ ven đê, chỉ ngong ngóng nhìn ra phía bờ sông rực màu hoa gạo. Hồi nhỏ không hiểu được vì sao cây gạo chỉ được trồng ở đầu làng hay cuối làng, lớn lên, đi xa, về làng trong mùa tháng ba mới ngỡ ngàng nhận ra cái màu hoa đỏ tha thiết níu mắt người không thể tách rời đó, mang trong mình một ý nghĩa sâu sắc và thiết tha đến thế: cây gạo, cây chứng nhân, cây chỉ đường đưa lối để con người ta còn nhớ chốn trở về.


    Làng tôi bên sông có một cây gạo, không biết đã có từ bao đời, cành lá xù xì, u cục nổi gò, nổi đống trông u linh, kì quái và mê hoặc. Nó là nơi bao câu chuyện ấu thơ từ đó hình thành. Lũ trẻ con mỗi mùa hoa gạo lại chỉ tập trung ở bãi cỏ rộng ngay dưới gốc nhặt hoa gạo rụng chơi đồ hàng mải mê không biết chán. Tôi, đứa trẻ ở phố về quê lúc ấy, chỉ biết ngại ngùng đón từ tay bạn những bông hoa lớn bằng bàn tay, cánh cứng nhị vàng xoay tròn như chóng chóng mỗi khi rơi xuống đất mà thích thú bồi hồi.


    Sau này chưa lần nào về quê tôi gặp lại mùa hoa gạo nở. Cứ thấy luyến tiếc, nhớ nhung. Cảm giác đó hiện rõ trong tôi khi trên truyền ngược thượng nguồn sông Lam trong một ngày cuối xuân đầy nắng. Hai bên bờ sông, giữa những cánh rừng xanh tràn sức sống của ngô khoai biêng biếc, của đất váng mỡ màu là một vùng trời rực màu hoa gạo. Những gốc gạo xù xì soi mình xuống dòng sông hiền hoà và hoa gạo như trăm ngàn ánh đèn rực sáng tạo ra bức tranh thiên nhiên mùa xuân vô cùng tươi đẹp. Cái thứ hoa rực rỡ, ánh lên một sức sống diệu kì để rồi ai cũng phải thốt lên “ôi! Hoa gạo!” để rồi tự nhiên như thế, hình ảnh cây gạo đầu làng ở quê cứ tự nhiên ám ảnh hiện về.


    Tôi nhớ bà cụ già bán nước dưới gốc gạo ở quê năm đó khi nhìn thấy tôi nâng niu trên tay một bông hoa gạo đỏ, ấm áp nhìn tôi cười: "Hoa gạo lạ lắm, hôm nào trời quang, hoa đỏ thắm, kiêu hãnh bung mình trong nắng cứ như muốn người ta ngắm nhìn nó mãi không thôi. Ấy vậy mà, cứ hôm trời u ủ buồn, nhìn cây gạo lại cứ thấy nó cô đơn đến lạ". Hoa gạo là thế, chọn những ngày cuối xuân để nở, để hết mình. Hoa gạo không nuối tiếc nhưng lại gợi trong lòng người những nuối tiếc không nguôi để rồi mỗi khi nhìn thấy nó lại rưng rưng đọc những câu thơ như lạc vào một miền cổ tích:


    Em như cây gạo trên cây

    Anh như một đám cỏ may bên đường


    Buổi đó, tháng ba thức giấc, hoa gạo thắp lửa rực trời, cái thứ ánh sáng đỏ rực đầy kiêu hãnh trên nền trời xanh đó làm cho cả cánh đồng như bừng tỉnh rồi lại lặng lẽ buông mình vào cỏ, nằm khuất trong cỏ.

    Và tôi, nhờ có hoa gạo mà tan cả một buổi chiều hoang hoải buồn …


    Lâm Lâm

    Mùa hoa gạo vẽ lên trời sắc đỏ
    Mùa hoa gạo vẽ lên trời sắc đỏ
    Mùa hoa gạo vẽ lên trời sắc đỏ
    Mùa hoa gạo vẽ lên trời sắc đỏ

  2. Sắc đỏ đất Cảng cứ ngỡ chỉ có tháng năm mới rợp trời hoa phượng đỏ ai hay mới có giêng hai thôi mà cũng đã đỏ trời hoa gạo. Đường về Bạch Đằng Giang (Thị trấn Minh Đức) trong sáng sớm, khi hơi xuân vẫn còn bảng lảng đợi ánh nắng hồng bừng lên thì trên những thân gạo cao vút, bạc phếch, xù xì, đầy gai, không một cọng lá đã bung nở những chùm đèn rực rỡ giữa không trung để gọi chim về véo von, lảnh lót trên những cánh tay gân guốc, khẳng khiu của mùa đông còn xót lại làm xao xuyến lòng người, níu những bước chân qua.


    Vẫn biết hoa gạo không thuộc loại cao sang quí phái. Nó chỉ thuộc hàng bình dị, dân dã của chốn quê mùa lam lũ. Thế nhưng cái sắc màu đỏ tươi, rực rỡ của từng bông hoa năm cánh cùng bầu mật ngọt ngào say đắm ấy lại hút hồn, mê luyến biết bao người trong mỗi mùa hoa và gọi về trong ta bao nỗi niềm kỉ niệm của một thời xưa cũ, khiến cho bao kẻ tha phương không khỏi thổn thức, luyến nhớ quê nhà cùng biết bao kỉ niệm của một thời niên thiếu được mặc sức chơi đùa, nhặt hoa, gom lá bên những gốc gạo quê hương.


    Hoa gạo đỏ tươi. Đỏ như màu máu, rực như ngọn lửa đang đua nhau bung nở, thắp lên trên khắp những thân cành của gầy guộc, xương xẩu. Hàng trăm hàng ngàn bông hoa ken, kết bên nhau như thể đang tạo thành một quầng đỏ khổng lồ với hàng trăm hàng nghìn ngọn đuốc dương thẳng lên trời xanh để thiêu đốt, xua tan cái u ám của tiết trời mùa đông còn vương lại để gọi hè về với những tia nắng chói chang, rực rỡ. Nhớ lại, thời xưa, có lần ông tôi bảo hoa gạo là hoa báo mùa. Ông cứ đọc đi đọc lại cho tôi nghe câu ca nông lịch “Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”. Người bảo tôi rằng, khi nào cây gạo cổng cùng trổ hoa thì mùa xuân sắp qua và mùa hè đang đến. Còn bà tôi lại cấm, không cho tôi được bén mảng ra gốc gạo vào lúc buổi ban trưa. Bà thường hay răn rằng “thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Bà bảo cây gạo có rất nhiều ma lang thang trú ngụ. Ban trưa ra đấy sẽ bị ma bắt, ma hành. Biết là thế, dọa thì cứ vậy thôi còn hồi ấy không ít lần tôi cùng mấy đứa bạn trong xóm vẫn thường trốn ngủ trưa ra cây gạo để bẫy chim, ném hoa, chơi chốn tìm và rồi lại rủ nhau đi bơi tít mãi ngoài đầm xa. Nghĩ lại, có lẽ, hồi ấy, bà lo tôi leo trèo nghịch ngợm mà rước họa nên mới dọa vậy, khi đó bà cũng hay nói đi nói lại cái câu: “có phúc đẻ con biết lội có tội đẻ con hay trèo”.


    Phải nói, hoa gạo có một sức hút lạ kỳ. Tôi chưa thấy ai bày hoa gạo trong nhà bao giờ nhưng tôi đã nhìn thấy rất nhiều bạn gái từng say mê ngắm nhìn một cách thích thú những chùm hoa đỏ rực trên cây hay những nữ sinh thơ thẩn tìm nhặt những bông hoa gạo để mân mê ngắm nghía hay ép sổ, cài đầu đùa nghịch. Chẳng phải ngày xưa mà bây giờ vẫn vậy. Mỗi khi có cơ hội được trông thấy gốc gạo rực đỏ màu hoa như đốt trời ấy đã có không ít cô nàng reo lên sung sướng để thỏa thuê ngắm nhìn hay mặc sức tạo dáng chụp hình lưu giữ những khoảnh khắc xuân thì tươi trẻ dưới những gốc gạo đỏ hoa như rực lửa.
    Người ta vẫn thường nói với nhau hoa gạo là hoa của tình yêu. Rồi người ta còn gắn cho cái bông hoa màu hoa đỏ ấy một câu chuyện tình đầy bi thương của đôi trai gái tha thiết yêu nhau nhưng không thành duyên để giải thích với đời về sự có mặt của nó trên thế gian này. Cứ theo chuyện ấy thì cây gạo là hiện thân của một nàng sơn nữ xinh đẹp còn bông hoa chính là cái băng vải màu đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh - một kỷ vật của người yêu trao lại cho cô gái trước ngày xa cách. Ước nguyện giản dị cùng tình yêu mãnh liệt của sơn nữ đã để lại cho đời một màu hoa đỏ rực, xao xuyến nhưng cũng không kém nồng nàn, thắm thiết. Mỗi mùa hoa rụng, gốc gạo rực đỏ, muôn ngàn bông hoa hòa trong tiếng sấm cùng cơn mưa đầu mùa dễ làm người ta liên tưởng tới những hàng nước mắt lã chã của thần Mưa (hiện thân của chàng trai, người yêu cô gái) đang tuôn rơi khi trông thấy người yêu khiến lòng người không khỏi thương cảm. Câu chuyện bi thương với mối lương duyên bất thành nhưng tình yêu của cô gái đã trở nên bất tử. Bởi thế hoa gạo không tuy không kiêu sa mĩ miều nhưng vẫn có sức hút đến mãnh liệt. Vẻ đẹp của màu hoa đỏ là vẻ đẹp của sự thủy chung son sắt, của một tâm hồn đầy nữ tính dịu dàng nhưng cũng rất mãnh liệt, yêu thương.


    Hoa gạo là thế. Hoa của tình yêu. Nếu “màu hoa đỏ thắm như máu con tim” tượng trưng cho tình yêu nồng nàn, thắm thiết thì cây gạo với sức sống dẻo dai, bền bỉ lại tượng trưng cho khát vọng sống, khát vọng yêu tha thiết, mãnh liệt của đôi lứa yêu thương “cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu”. Năm cánh hoa to, mình dầy đỏ thắm, tươi nguyên như thể tình yêu không bao giờ vơi cạn. Mỗi mùa hoa nở, bầu trời và mặt đất lại rực rỡ sắc đỏ. Mỗi bông hoa như một ngọn đuốc bùng cháy thắp sáng bầu trời hay nhưng hòn than đỏ rực lửa nằm ngổn ngang mặt đất một cách đầy ấn tượng. Màu lửa ấy gây bâng khuâng, nhung nhớ, thổn thức bao tâm hồn; khiến chim trời kéo về rạo rực, ríu rít trên những cành cây làm lòng ta không khỏi xốn xang, xao xuyến. Khi mỗi mùa hoa đi qua cũng là dịp hè sang. Những cánh hoa lìa đài để lại những quả gạo to dần chờ cho đến mùa thu quả chín. Khi ấy quả gạo tách vỏ, nở xòe như một bàn tay với những túm bông trắng muốt cùng những hạt nhỏ li ti. Thế rồi theo cơn gió thổi, muôn hạt li ti cùng những túm lông trắng muốt bay đi khắp mọi nơi của hang cùng ngõ hẻm nơi đầu làng, cuối phố hay bờ đê, bến bãi nhằm tiếp tục một hành trình sinh tồn khi hạt nảy mầm sinh lá. Tự nhiên là thế nhưng cũng có những thân gạo lớn lên chẳng tuôn theo cái qui luật thai nghén của tạo hóa ấy mà lại do ai đó vô tình hay hữu ý mà bẻ cành cắm xuống đất để rồi một thời gian sau cái thân cành ấy đâm chồi sinh rễ mọc thành thân gạo. Thế đấy, cây gạo yêu đời dễ sống như sơn nữ đang đang cố vươn lên, ngày đêm ngóng đợi người yêu một đi mà mãi vẫn chưa trở về với bao nỗi niềm hy vọng, chờ mong. Cái màu đỏ thắm của năm cánh hoa hay là mảnh khăn năm tua đang cố giương lên trời cao giống như tình yêu đang thắp lên muôn ngàn hy vọng.


    Là thế, hoa gạo rợp trời. Hoa cháy hết mình trên khắp mọi nẻo như tình yêu rực lửa với muôn ngàn khát vọng đón chờ hồi sinh mà chẳng bao giờ nguội tắt. Hoa gạo đẹp lắm. Hoa gạo thương!


    Phan Anh

    Nỗi niềm hoa gạo
    Nỗi niềm hoa gạo
    Nỗi niềm hoa gạo
    Nỗi niềm hoa gạo
  3. Đào phai, mai vàng là sự kì diệu của tháng giêng. Chúa của các loài hoa tháng ba chính là hoa gạo. Xuân sắp sửa đi qua, hạ lấp ló ở đầu ngõ. Hoa gạo đẹp theo nét riêng và tùy vào thời tiết. Hôm nào trời quang hoa đỏ thắm, ngời sắc trong khoảng không. Ríu rít đàn chim, lao xao ong bướm. Hoa như đốm lửa thắp sáng cả bình minh. Hôm nào sương dày đặc, nhìn hoa như ánh lửa đêm đông, lập lòe mang đến sự ấm áp lạ thường. Có khi ông trời nũng nịu chẳng cho nắng lên, cây gạo đứng trong mây trời bàng bạc, bơ vơ thấy thương vô cùng. Hoa là tín hiệu của sự chuyển mình, báo hiệu trời đất đang giao mùa.


    Bà tôi thường nói, ở quê mình ít cây gạo, nhưng năm nào cây ra hoa nhiều, ngời sắc thắm là năm đó thời tiết thuận lợi, mưa thuận gió hòa. Năm trước về quê nhìn hoa gạo như chồi non tơ vươn mình đón nắng, hoa lún phún mọc thành chùm, tôi chỉ mong sao thời tiết ủng hộ bà con quê mình. Người dân quê đã trồng nó ở đình làng. Dáng hiên ngang, vươn lên mạnh mẽ vì sức sống của nó mãnh liệt. Giống như người dân quê: trải qua bao thăng trầm, bao biến động trong đời sống vẫn âm thầm vực dậy niềm tin.
    Gạo thuộc thân gỗ, cao, to. Thân gạo thẳng và có nhiều mấu. Lúc còn trai tráng cây gạo có nhiều vú gai. Lúc về già thì trơ trụi, mốc thếch, thỉnh thoảng có nhiều cục u, bướu mọc ra làm cho cây sần sùi hơn. Rễ cây như những con trăn khổng lồ trườn bò trên mặt đất. Gốc cây tạo nên các ụ, hang. Có lúc đi qua tụi nhỏ lại giật mình vì không biết con gì chạy ngang qua rất nhanh rồi mất dạng trong đám cỏ.


    Tháng ba hoa gạo thắp lên một trời đỏ rực. Lũ trẻ xóm tôi chiều chiều lại vây quanh cây gạo, mấy thằng nam thì đá banh, mấy cô gái thì nhảy dây. Có đứa mơ mộng ngước nhìn trời mây, ngắm hoa gạo đỏ. Nhưng chẳng có đứa nào dám trèo lên cây mà hái hoa cả. Cũng có đứa nghịch dại lia khăn lên, hoa rụng đâu không thấy, chỉ thấy trán bạn nó u một cục. Lời xin lỗi chưa kịp thốt nên lời, gió thổi qua vài cánh hoa xoay xoay trên không trung như chiếc chong chóng rồi hạ cánh an toàn xuống mặt đất. Lũ trẻ ùa lại quên các trò chơi đang tham gia tranh nhau hoa. Mấy thằng con trai nhường nhịn các cô gái như một lời xin lỗi dịu dàng. Trong các loài hoa mà tôi từng thấy, từng biết thì hoa gạo là loài hoa to nhất. Cánh dày đỏ tươi, nhị vàng xếp khum khum lại như bàn tay. Hoa không đài cát kiêu sa, không nuột nà, không thẹn thùng e ấp. Nó còn có tên gọi rất dễ thương là hoa mộc miên nhưng chúng tôi vẫn thích gọi tên hoa gạo. Thích nhất là được ngắm những cánh hoa xoay tròn trước khi đáp mình xuống đất.


    Tuổi thơ đi qua trong bình yên của quê nhà. Cây gạo đã trở thành hình ảnh không bao giờ quên trong lòng của bao đứa trẻ chân quê. Kí ức của tuổi thơ như được lưu giữ tại đấy. Khi trở về đi vòng quanh cảm nhận giọt thời gian như lắng đọng. Sự sần sùi, xù xì, mốc thếch đó giữ những bí mật của thời thơ dại ngày nào.


    Khi hoa rụng hết là lúc những chồi non bé tí mọc ra, vẫy bàn tay tí hon đón chào bình minh cùng chị gió. Lấm tấm xanh cùng với màu xanh thiên thanh của bầu trời. Quả gạo nở bung ruột trắng, theo làn gió bay xa. Ai cũng ngỡ mình đang được du lịch ở châu Âu, đang được ngắm những bông tuyết trắng ớ xứ sở hàn đới.


    Giờ đây, đình làng mở rộng nên cây gạo được đốn hạ đi trong sự luyến tiếc của bao người. Nhưng nhu cầu của việc xây dựng cảnh quang làng quê thoáng mát, đáp ứng cho tiêu chuẩn nông thôn mới. Cây gạo ấy vẫn còn sống với tuổi thơ của chúng tôi, vẫn còn trong tâm tưởng của bao người. Tháng ba lại chạm ngõ rồi. Hoa gạo thấp lên những đốm lửa chập chờn trong giấc ngủ. Hoa gạo vẫy gọi về khoảng trời và miền kí ức của làng quê. Thương lắm tháng ba – thương lắm hoa gạo ơi!


    P.T.M.L (Quảng Nam)

    Tháng ba hoa gạo
    Tháng ba hoa gạo
    Tháng ba hoa gạo
    Tháng ba hoa gạo
  4. Lâu rồi tôi mới về quê. Nhìn từ xa trên nền trời mây âm âm sáng đục như màu lông con chuột đồng mới lớn, cây hoa gạo cứ bừng lên sắc đỏ tươi như quầng pháo hoa nổ tung cả góc trời. Cả vòm cây tràn lên màu đỏ giống đĩa xôi gấc khổng lồ, hoa gạo nở cũng là dấu hiệu xuân đã cạn ngày, tiết trời chỉ còn vương vấn hơi lạnh của cái rét nàng Bân kiểu dùng dằng chưa nỡ dứt hẳn với mùa xuân. Có điều đây toàn là cây gạo mới trồng nơi điểm rẽ trên đường tỉnh lộ về làng, không phải cây gạo có nhiều kỉ niệm với tôi, cây gạo nơi cổng chợ Nhàn cạnh miếu thờ ngày xưa.

    Bao giờ đom đóm bay ra

    Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn


    Xuân thu nhị kỳ, tứ thời bát tiết cứ quay thành vòng tròn thời gian mà vẽ lên phận người với bao nhiêu số phận, chợt nhớ thời còn bé có dịp đi đâu xa về là lấy ngay cây gạo làm điểm mốc. Làng tôi nằm giữa vùng đồng bãi giáp sông muốn đi xuống phố huyện hay ra phố thị đều phải đi xuyên qua cánh đồng rộng, đường xá còn xấu nên nếu đi bộ hay chọn các lối tắt băng đồng cho tiện thì các cây lớn luôn làm dấu mốc cho việc di chuyển. Từ xa nhìn về phía làng, cây gạo nổi lên trên luỹ tre xanh như bó đuốc khổng lồ đang cháy sáng giữa trời tháng 3.


    Phía dưới là thảm lúa mới bén chân mạ xanh non mỡ màng, phía trên là nền trời thâm thấp xám đục đẹp như tranh vẽ. Cảnh thì đẹp thế bình yên thế nhưng dân quê nghèo lại nhìn hoa gạo với nỗi lo cái đói mùa giáp hạt ‘’tháng ba ngày 8‘’. Thóc lúa vụ trước qua hết tháng giêng cùng cái Tết ấm cúng là vơi đi nhiều lắm, mẹ tôi bảo đến bây giờ cái âm thanh mẹ sợ nhất vẫn là cái âm thanh khi quẹt cái vỏ hộp sữa bằng sắt tây dùng để đong gạo nấu cơm quẹt vào cái chum hết gạo thành cái âm xoèn xoẹt rất chói tai và ghê rợn.


    Âm thanh ấy báo hiệu những bữa cơm xanh có nghĩa là toàn rau cỏ và đồ ăn độn đến xanh cả ruột xanh cả mặt.


    Nhà đông con nỗi ám ảnh về cái ăn cứ đè nặng lên ánh mắt của mẹ, tôi sinh sau út ít không biết cảnh đói này nhưng vẫn mẹ câu chuyện mà mẹ kể đi kể lại. Khi anh trai tôi tốt nghiệp đi tàu làm ra tiền, món đầu tiên là anh thuê xe chở về cho mẹ cả tấn gạo cho cả nhà không còn nỗi lo cái chum thiếu gạo.Mẹ tôi đem số gạo ấy cho đi vay đến mùa lấy lại bằng thóc gạo mới nên lứa em sau không còn biết đến cái đói khi giáp hạt.


    Nếu hoa gạo nở vào mùa khác? Chắc hoa sẽ nên thơ hơn được ca ngợi đến lãng mạn nhiều hơn tên là hoa gạo, cái tên mộc mạc mang tên loại lương thực chính của người Việt.


    Hoa gạo rụng xuống tàn đi vẫn giữ nguyên màu của lửa không nhạt sắc, phai màu, quả gạo còn ở lại trên cây đến khi chín già thì bung bông gòn trắng tinh màu bông quả gạo giống nồi cơm mới trắng tinh thơm thơ ngạt ngào mùi no ấm nên có cây mới mang tên cây gạo. Bọn tôi lấy cả bông ấy nhồi vào túi vải đem ôm như ôm búp bê hay dùng để gối đầu.


    Cây gạo hay được trồng ở cạnh cái miếu, đền để là vật chuẩn, tiêu mốc cho dễ tìm, quê tôi trước ở chợ Nhàn có cây gạo cổ thụ rất to cạnh miếu thờ, đi chợ mùa này hoa gạo rơi đầy gốc cạnh bức tường loang lổ rêu xanh, trên tầng cao là lớp lớp hoa sáng đỏ, tiếng chim gọi nhau cứ ríu rít giữa màu hoa.


    Hoa gạo là giấc mơ ấm no của nhà nông như cái tên chợ quê tôi cũng là tên của niềm ao ước được thanh nhàn. Chứ thực sự cuộc sống nơi quê nghèo đâu có sự thanh nhàn.


    "Chợ Nhàn mà có nhàn đâu?

    Chỉ thấy vất vả hằn sâu mắt người.

    Dăm ba cái bắp cải tươi.

    Lơ thơ vài nhánh tỏi gầy xanh xao‘’


    Bố tôi thường bảo ‘’nóc nhà xa hơn ngõ chợ‘’ nhưng đấy là với nhà giàu có còn nhà nghèo hay gia đình công chức thì có khi ngược lại vì mái nhà hay bị đổ dột khi trời mưa phải thường xuyên lên dặm vá.


    Cái gốc gạo xù xì to lớn ấy có cái hốc rất lớn rỗng khuất vào phía trong đến mấy người chui lọt nhưng bọn trẻ ít dám nghịch ngợm chui vào vì sợ có ma.


    Có thể nỗi sợ ám ảnh từ câu ca ‘’thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề‘’ hay từ cái tên giống tên loại lương thực chính mà thành sức hút cho các linh hồn ma đói, ma khát vất vưởng tìm về trú ngụ kiếm miếng ăn. Gốc gạo to lớn ấy nổi lên hằn rõ những u cục xù xì như cả đám người gù đang xúm xít vào ôm lấy gốc gạo.

    Hiếm có đứa trẻ nào trèo được lên cây gạo này bởi vì thân to quá vòng ôm lại rất cao, thẳng tuốt lên cao với trổ cành, phân nhánh ít đứa nào hái được hoa gạo tươi mà chỉ đợi hoa rụng xuống khi trời chiều, người thưa, chợ vãn, bông gạo to hơn cả bàn tay người lớn được chúng tôi xâu lại thành chuỗi xách như xách dòng lửa cháy chạy lẫn vào trời chiều. Hoa rụng xuống cứ đỏ tươi mãi cánh hoa dầy mà lúc nào cũng như mòng mọng nước cầm nặng bàn tay đủ trò với hoa trên sân chợ kết thành vòng, xếp thành hình hay xâu thành đai đội cả lên đầu đám con gái mới lớn.


    Cây gạo sừng sững che mát cả khoảng sân chợ che mát cả thời thơ ấu của bạn bè tôi dùng màu đỏ tươi làm sáng lên lấp đi khoảng thời gian đói ăn thiếu mặc. Cái hốc cây gạo ấy cũng là nơi tôi gặp bà thím tôi đứng ăn vội ăn vàng miếng bánh đúc rõ ro vì sợ mang cái tiếng đi chợ ăn quà, người thím mà như tôi biết chưa có một ngày sung sướng, nhiều bi phẫn đến mức phải tự tìm cho mình cách rời bỏ cõi đời trong đau đớn tột cùng.


    Chợ quê ngày ấy chắc sẽ âm u nếu thiếu đi màu hoa gạo đỏ, dãy hàng quán mái tranh xám nhạt cọc tre liêu xiêu khẳng khiu dưới ánh nắng chiều. Hàng xén lẫn hàng rong, bún riêu cạnh hàng bánh đúc, còn cả dãy bên là hoa trái vườn nhà được bòn mót mang đi trao đổi người bán kẻ mua cũng mang dáng vẻ hao gầy.


    Nếu theo cái thuyết ‘’trần sao âm vậy‘’ thì người ta trồng cây gạo cho những linh hồn vất vưởng đói khát nơi âm ti địa ngục có nơi mà trú ngụ như tán cây che nắng rát lúc ngày hè, như vòm cây cho loài chim tránh trú khi trời nổi bão giông khi mà nơi tốt chỗ lành đã bị những thế lực mạnh hơn chiếm giữ.


    Đi về quê đi xuyên qua mùa hoa gạo đỏ bâng khuâng mà tự hỏi lòng mình nhiều câu rồi lại tự trả lời, thấy bóng thời gian hiện về qua tấm gương soi bằng nước mặt ao quê, thấy thời ấu thơ tưởng như mới đây mà giờ thành xa lắc. Người xưa cảnh cũ không còn chỉ còn lại những cái tên và ảnh hình trong ký ức. Chỉ có màu hoa gạo đỏ thì vẫn thế vẫn đỏ tươi cháy sáng mãi với thời gian.


    Phạm Tuấn


    Chợ Nhàn và hoa gạo
    Chợ Nhàn và hoa gạo
    Chợ Nhàn và hoa gạo
    Chợ Nhàn và hoa gạo
  5. Hoa gạo thắp lửa cháy trời tháng Ba, thắp sáng tinh khôi trời xuân yên ả, thắp ước mơ xanh một thời vụng dại, thắp cả nỗi lòng khao khát tình quê. Xưa gần mà thương, nay xa thấy nhớ.


    Hoa gạo bé nhỏ đượm sắc bình yên, đượm tình thôn dã đã làm cho bao kẻ mộng mơ phải bâng khuâng xao xuyến, phải nghiêng ngả tâm hồn để rồi chẳng thể cầm lòng mà cho ra đời những vần thơ thương nhớ đến vô cùng: “Bao năm thân thuộc gạo ơi! /Hồn quê thắp lửa cháy trời tháng ba /Nửa đời lưu lạc phương xa/ Nhớ mùa hoa gạo lòng ta bồi hồi…”.


    Với tôi, có lẽ chẳng bao giờ tôi có thể quên được những kỷ niệm ngày ấu thơ với hình ảnh những bông hoa gạo cháy đỏ con đường đến trường một thời gian khó.


    Cứ đến cuối Giêng đầu Hai trên những cành gạo lộc non lại mọc lên chi chít, mỗi nụ lộc ấy lại nở thành một quả gạo. Gạo non lúc to bằng ngón chân cái nhìn rất giống hình chiếc cúp – biểu tượng chiến thắng dành cho các nhà vô địch. Những “cúp gạo” phát triển đến lúc to bằng cái ly (chén) thì đài hoa trong lòng cúp trồi lên khum khum, úp mặt vào nhau như hình năm ngón tay chụm lại, trẻ con chúng tôi vẫn gọi là “ngẳng gạo”. Cuối tháng Ba đầu tháng Tư là thời điểm giao mùa giữ Xuân với Hạ của trời đất. Cây cỏ, thiên nhiên cũng khoác lên mình tấm áo mới. Đây cũng là lúc hoa gạo bung nở, xòe ra thành bông trông như một ngôi sao đỏ chót treo lơ lửng trên cành. Hoa nở đến độ, cả cây gạo như một tháp đèn khổng lồ soi sáng khung trời Xuân cuối, gọi bao chim muông về đây tình tự.


    Giá trị của cây gạo không chỉ là những vị thuốc từ rễ, vỏ, lá hay những cành tầm gửi trên thân cây mà hoa gạo còn ăn được, nước đọng trong hoa uống rất ngọt, rất mát. Để được thưởng thức hoa gạo lũ trẻ chúng tôi thường dùng “thang lang” đứng dưới gốc cây ném lên cho hoa gạo rụng xuống. Thang lang là những mẩu gậy dài khoảng khoảng 60 cm được chặt ra từ những cây tre đực, cành xoan hay những chiếc song cửa sổ gỗ đã cũ… Những đứa khỏe mạnh, cánh tay chắc chắn và cứng cáp nhất được chọn để ném gạo, những đứa yếu hơn thì đi nhặt thang lang ở phía đối diện mang trở lại cho người ném. Bọn con gái chân yếu tay mềm đi nhặt “thành quả” rơi dưới gốc.


    Cầm những chiếc thang lang rồi ném lên ngọn gạo giống như các vận động viên ném lao rèn luyện kỹ năng thi đấu là một niềm vui mà bất kể đứa trẻ nào cũng muốn thử sức. Kỹ thuật ném gạo rất dễ thực hiện. Người ném cầm thang lang, uốn cong người về phía sau như hình một chiếc cầu vồng lộn ngược rồi dùng hết sức bình sinh rướn người về phía trước, tay vung lên trên, sau đó nhả tay ra cho thang lang bay lên. Có những lần ném vào đúng cành sai hoa, cả mấy trục bông gạo rụng xuống, gặp gió quay tít như những trận mưa hoa đỏ rực trông thật lãng mạn, thật thích mắt. Những “chiến lợi phẩm” thu được chúng tôi đựng vào nón hay những chiếc mũ cối rồi túm năm tụm ba cùng nhau liên hoan trong niềm vui sướng vô cùng.


    Thưởng thức hoa gạo; có đứa thích ăn “cúp” bởi nó tươi giòn, đủ vị (đắng, cay, chua, chát); có đứa thích ăn “ngẳng” bởi cánh hoa giòn, ngọt và rất đượm; có đứa thích ăn “hoa”đã nở bởi phần nhụy “tăm gạo” béo mà dai, ngậy mà thơm, càng nhai, càng bùi, càng ngọt. Gia vị để làm cho hoa gạo ngon hơn chẳng có gì ngoài túi bột canh được lấy ra từ các gói mì tôm (Miliket).


    Hoa gạo ăn nhiều có khi thành nghiện. Tôi nhớ vào khoảng năm học lớp tám, trong một buổi đi lao động tập trung ở trường chúng tôi dừng lại ở một gốc gạo rất to, nằm giữa cánh đồng, hoa sai chúc chỉu. Chuẩn bị ném gạo thì phát hiện ra không thằng nào mang theo thang lang nên rất có thể sẽ chẳng có hoa gạo để thưởng thức ngày hôm ấy.


    Định bỏ cuộc thì thằng Quý “Gạo” – đứa to khỏe và ném gạo “siêu đẳng” nhất hội thấy thằng Tuyến “Ngoáy”- thằng này rất giỏi đào khoai lang và gốc mía, có mang theo một con dao rựa. Thằng Quý đã dùng con dao rựa ấy làm thang lang ném gạo. Ba lần ném đầu những bông gạo to tròn, mập mạp, tươi rói rụng xuống như mưa. Những trận mưa hoa rơi vào lòng chúng tôi niềm vui hân hoan vô bờ bởi nó chính là thức quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho những đứa trẻ quê mùa như chúng tôi. Nhưng đến lần ném thứ tư thì hỡi ơi! Chỉ có hoa gạo rụng xuống còn con dao rựa thì cắm phập vào cành mắc lại trên ngọn cây rất cao.


    Trước mắt là không có dụng cụ lao động làm ảnh hưởng đến điểm thi đua của lớp. Thứ nữa, con dao rựa này không phải của nhà thằng Tuyến mà là của nhà ông Vở – hàng xóm nhà thằng Tuyến. Ông Vở rất quý con dao bởi nó được rèn bằng thép từ xích xe tăng ông mang về khi còn trong quân ngũ. Do được thầy giáo phân công phải mang dao rựa mà gia đình thì không có nên bố thằng Tuyến phải sang nhà ông Vở nài nỉ mãi ông mới cho mượn để nó mang đi lao động. Nếu con dao vẫn nằm trên cây, chiều về có lẽ thằng Tuyến sẽ “no đòn” còn bố thằng Tuyến thì sẽ “nhục mặt”.


    Thấy thằng Tuyến bật khóc nức nở, những giọt nước mắt sợ sệt rơi xuống làm tan úa nỗi lòng của bọn con gái chân yếu tay mềm đang hí hửng nghĩ đến một buổi liên hoan hoành tráng làm tôi, thằng Quý và cả lũ bạn ngẩn ngơ không biết làm cách nào để lấy lại con dao còn “ngự” trên cây. Chúng tôi không thể trèo lên cây gạo để gỡ con dao ra được vì: Không giống như những loài cây khác, trên thân cây gạo được bao bọc bởi một lớp gai chi chít, những chiếc gai hình thoi như tấm áo giáp vững trãi, thách thức mọi sự can đảm của người muốn trinh phục trên ngọn của nó. Đã đến giờ lao động chúng tôi phải đi đến trường nhưng không ai trong nhóm làm được việc gì ra hồn. Trong đầu chúng tôi chỉ váng vất hình ảnh con dao rựa đang nằm trên cành gạo. Làm sao cho nó rơi xuống bây giờ mới là quan trọng.


    Rất may buổi lao động cũng tan sớm, thằng Tuyến chỉ bị nhắc nhẹ vì lý do “mang nhầm dụng cụ”. Vừa ra khỏi cổng trường chúng tôi chạy ùa về nhà lấy hết thang lang ra cây gạo ban trưa tìm cách “giải cứu” con dao. Những “tay ném” cừ khôi đã rất nhiệt tình, chỉ nhằm chỗ con dao rựa mắc trên cây mà ném lên. Hoa gạo rụng tơi tả, đỏ ngàu cả gốc cây nhưng chẳng ai muốn nhặt. Sau khoảng mươi phút ném thì tuyệt vời làm sao! Chính chiếc thang lang của thằng Quý đã chạm mạnh vào con dao làm nó rời cành rơi xuống. Thằng Tuyến cười như bị “ma làm”, bọn tôi thở phào nhẹ nhõm, còn thằng Quý thì bị “sai cơ” tay hơn một tuần mới khỏi. Theo thời gian, vết dao trên thân cây gạo ấy đã liền da, chúng tôi đã làm cha, làm mẹ nhưng mỗi lần nhớ về tháng Ba, nhớ về mùa hoa gạo, vết dao ấy giống như một vết hằn đậm sâu trong tim không gì có thể xóa được.


    Những kỷ niệm buồn vui trong quá khứ đã khép lại, nỗi niềm xưa cũ đã ngủ yên trong kỷ niệm. Cây gạo vẫn sừng sững giữa đồng làng, âm thầm lặng lẽ nhưng không đơn độc. Nó vẫn là nhân chứng, chứng kiến bao thế hệ học trò lớn lên rời làng đi xa. Mỗi tháng Ba về bao thế hệ lại gặp nhau ở những mùa gạo nở, nhặt lấy, nâng niu, giữ gìn những kỷ niệm xưa để yêu hơn tuổi thơ, trân trọng hơn vẻ đẹp quê hương mình.


    LÊ GIA HOÀI

    Cháy lòng hoa gạo tháng ba
    Cháy lòng hoa gạo tháng ba
    Cháy lòng hoa gạo tháng ba
    Cháy lòng hoa gạo tháng ba
  6. “Tháng ba về hoa gạo trổ đầy bông

    Vương nắng nhạt ủ hương nồng trước ngõ”


    Mỗi độ xuân về, khi đất trời lất phất những hạt mưa bụi cũng là lúc cây gạo làng tôi bắt đầu trổ bông. Những bông hoa đỏ rực như một ngọn lửa hồng sáng rực cả một khoảng trời đã làm xao xuyến trái tim của những người trót tương tư vẻ đẹp thôn dã của làng quê thương mến!


    Yêu hoa gạo, người ta yêu cái vẻ đẹp rực cháy hết mình của sắc hoa và cái dáng vẻ uy nghiêm nhưng rất đỗi nên thơ của nó. Cây gạo cứ ở đó khiêm nhường chứng kiến bao biến đổi thăng trầm cùng người làng như một điều tất yếu chẳng có gì thay thế nổi. Chẳng biết ai đã trồng cây gạo chỉ biết rằng khi các cụ cao niên trong làng sinh ra thì cây gạo đã đứng sừng sững từ lúc nào. Mùa đông cây gạo trút hết lá để lại những cành cây gầy guộc trần trụi đến cô liêu thế nhưng ẩn sau lớp vỏ có phần ảm đạm đấy là một sức sống đang chảy tràn mãnh liệt. Cứ thế cây gạo lặng yên trầm mình trong giá rét để âm thầm nhen nhóm sự sống đợi xuân về được bung nụ trổ bông.


    Khác với những loài hoa nở dai dẳng quanh năm suốt tháng, chẳng giống như những loài hoa chóng nở tối tàn, hoa gạo dâng hiến trọn vẹn vẻ đẹp giữa đất trời trong vòng một tháng ròng. Chừng ấy thời gian ấy không quá dài nhưng đủ khiến người ta trầm trồ, tấm tắc mãi không thôi. Bất cứ ai đi ngang qua cánh cổng làng dù là rất vội, dù đi xe hay đi dạo lang thang cũng không quên ngước lên để chiêm ngưỡng loài hoa đỏ đang say sưa phô diễn giữa đất trời. Nhưng có lẽ, tuyệt vời nhất là đứng từ trên đỉnh đồi cao phía sau làng hướng tầm mắt nhìn xuống, cây gạo chẳng khác nào nét chấm phá nổi bật giữa bức họa đồng quê diệu vợi, thanh bình.


    Tôi chào đời vào mùa hoa gạo nở đỏ rực. Cứ mỗi năm đến mùa này là mẹ lại kể chuyện năm xưa, tôi nghe nhiều đến mức thuộc lòng trong trí óc. Ngày hôm ấy mẹ đẻ rơi tôi dưới gốc gạo già đầu làng, chính gốc cây cổ thụ sần sùi ấy đã cùng mẹ chào đón một sinh linh bé bỏng đến với nhân gian bằng tất cả yêu thương ấm nóng. Từng cánh hoa gạo đỏ rực xoay tròn trong gió an nhiên đáp xuống đất như tiếp thêm động lực giữa lúc sinh tử cho người phụ nữ miền quê bắc bộ tảo tần. Chính nhờ cái “sự tích” này mà tôi thêm yêu cái nguồn cội, gốc rễ của bản thân và từ sâu thẳm, hoa gạo đã trở thành một phần máu thịt của tôi bằng một cách tự nhiên, hồn hậu nhất.

    Những đứa trẻ sinh ra từ làng rất háo hức mỗi độ gạo trổ bông. Tụi trẻ thường nhặt những bông hoa gạo để kết thành những vòng hoa đội lên đầu chơi trò cô dâu chú rể. Kỷ niệm thời thơ bé còn là những buổi trưa trốn ngủ cả lũ bạn rủ nhau thả cánh hoa gạo trôi dập dềnh trên sông mang theo những ước mơ thời thơ ấu trong veo. Những ký ức tuổi thơ dưới gốc cây gạo cứ vẹn nguyên trong ký ức những đứa trẻ ngày nào, dẫu đi vạn dặm vẫn nghe thấy tiếng chuông ngân vang vọng, mơn man trong tiềm thức…

    Vào những ngày lộng gió, cây gạo điềm nhiên soi bóng xuống con sông Lô hiền hòa. Dưới sắc đỏ tươi của những chùm hoa gạo, chuyện tình của đôi trai gái miền quê được gieo hạt, ươm mầm. Những cánh hoa gạo cứ thế nghịch ngợm mơn man trên mái tóc thề của người thiếu nữ lần đầu biết thương, biết nhớ một dáng hình. Tình yêu đôi lứa được nảy nở từ những buổi chiều dạo bước dưới bóng cây gạo ngắm hoàng hôn, từ những cái nắm tay thật vội cho đến một ngày chàng trai nói lời từ biệt lên thành phố. Ngày chia ly hoa gạo rụng vơi đầy, dùng dằng luyến thương cho một mối tình thật đẹp. Người yêu đi rồi, chỉ còn những cánh gạo lã chã, chênh chao như an ủi một tâm hồn đang vụn vỡ đến thắt lòng:

    “Cơn gió chiều xuôi ta về dĩ vãng

    Hẹn ước ngày nào năm tháng chia xa

    Ta cô đơn trong bóng xế chiều tà

    Bông gạo rụng, khiến lòng ta hoang vắng”

    Hoa gạo vốn mộc mạc, đơn sơ như thế chẳng thể nào so sánh được với những loài hoa kiêu sa, trăm sắc vạn hương chốn đô thành. Ở nơi xa ấy liệu có khoảnh khắc nào chàng trai xưa còn nhớ đến những cánh đỏ “mộc miên”?

    Hoa gạo đã gợi bao thổn thức, nhớ mong đối với những kẻ trót say mê loài hoa nơi đồng nội. Mỗi năm tiết xuân sang dù bận rộn đến đâu tôi cũng vẫn không quên khấp khởi chờ đợi những bông hoa gạo đỏ rực giữa đất trời như một thói quen không thể ngó lơ… Xuân tràn trề, yêu lắm cánh gạo ơi!


    - Sưu tầm -

    Trót thương mùa hoa gạo
    Trót thương mùa hoa gạo
    Trót thương mùa hoa gạo
    Trót thương mùa hoa gạo
  7. Làng tôi xưa kia các cụ trồng nhiều cây gạo. Cây bến sông, cây cửa đình cửa chùa, cây ngã ba ngã bảy. Qua nhiều đời, tự nhiên trở thành tên gọi: Chợ cây gạo, quán nước gốc gạo... Ngay đến con đường bê tông vừa làm cũng mang tên đường Ba cây gạo. Năm nào cây gạo cũng mang đến một mùa hoa. Hoa gạo đỏ chói không gian, khiến làng quê duyên dáng khi xuân về. Dưới bầu trời ngập tràn sắc đỏ, hội làng mở ra. Đèn chăng hoa kết, cờ quạt rợp trời. Đó là mùa tế thần tế thánh. Tiếng trống hội làng thúc giục lòng người. Dường như hoa cũng biết ghen hờn, cố ganh đua để đẹp bằng người, thắm bằng người. Hoa nở ven sông, sân đình. Hoa nở trên gò trên đống. Không còn ngậm ý giấu tình. Đi dưới bóng hoa gạo, má ai, môi ai cũng hồng hào, là lạ như người xứ nào, nhìn nhau ngây ngất. Người làng tôi nhìn hoa gạo nở nhớ mùa gieo lạc gieo vừng. Ông trùm gánh chèo nhìn hoa gạo nở nhớ lời hò hẹn của xứ Đoài xứ Bắc. Những chàng trai cô gái nhìn hoa gạo nở chạnh lòng nuối tiếc mùa cưới sắp qua.


    Cây gạo lúc nhỏ khắp mình mọc đầy gai nhọn. Lớn lên, những cái gai ấy giãn ra, cùn đi, trở thành những cái "vung" nhỏ úp vào thân cây. Ngày nhỏ, lũ trẻ chúng tôi leo tít lên cao, cậy cái "vung" đẹp nhất, chuẩn nhất về khoét miệng sáo. Những buổi chiều lộng gió, nhiều cánh diều giấy cõng trên lưng cái sáo kêu u u. Trầm đến nao lòng. Càng sống lâu cây càng sung sức. Cành ngang cành dọc sần sùi và gân guốc, như những cánh tay khổng lồ nâng cái ô màu đỏ vĩ đại. Cây tỏa bóng mát, lá gạo thưa, xòe ra như bàn tay đan khít vào nhau, che bớt cái nắng. Một cơn gió thoảng cũng làm những cái lá lật đi lật lại một cách đa tình. Lá gạo không vi vu như thông, không ù ù như đa, mà lách cách khiêm tốn như bộ gõ trong dàn hợp xướng.


    Dưới bóng cây gạo là xóm làng, là lũy tre, là cổng làng cổ kính rêu phong, là nơi hội tụ của mọi niềm vui và cả nỗi buồn. Cây gạo như một nhân chứng của làng. Từ những năm đói khổ của người dân nô lệ đến những bước chân rùng rùng báo hiệu sự đổi đời của làng, của nước năm1945. Từ cuộc kháng chiến 9 năm đến ngày giang sơn thu về một mối. Thăng trầm đủ cả. Gốc gạo thành nơi gặp gỡ của những giọt nước mắt chia tay. Người ra đi mang theo tất cả, cả những chùm hoa gạo đỏ vào trận chiến. Để rồi khi trăng lên trăng lặn, khi chiều qua đêm xuống thấy bâng khuâng nỗi nhớ quê hương. Cồn cào và thổn thức.


    Mỗi cây mỗi dáng riêng biệt. Trầm mặc mà mơ màng. Mạnh mẽ mà duyên dáng. Khi quả gạo già bung ra, ném vào không trung ngàn ngàn sợi bông trắng nhỏ xíu. Bông vương trên tóc. Bông đậu trên vai. Ngỡ ngàng đến ngẩn ngơ. Khắp làng có sợi bông bay, như tuyết rơi, như xứ mộng. Xung quanh là cuộc đời. Đời và mộng đan xen ngay trên mảnh đất làng tôi. Khối bà mẹ trẻ làm những chiếc gối cong cong hình trăng liềm, bên trong nhồi bông gạo. Như muốn gói cả gió, cả trăng và cả tiếng chim vào giấc ngủ bé yêu.

    Yêu biết bao nhiêu mùa hoa gạo đỏ như trái tim Đan Kô rực cháy giữa trời. Yêu biết chừng nào những con người thuần hậu kiên trung. Như tấm lòng người xưa để lại. Đi dưới bóng hoa gạo nở, tựa vào gốc gạo sần sùi, tưởng như được ngả vào vòng tay ấm áp chở che của cha ông.


    Tản văn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

    Yêu lắm mùa hoa gạo
    Yêu lắm mùa hoa gạo
    Yêu lắm mùa hoa gạo
    Yêu lắm mùa hoa gạo
  8. Tôi trở về quê vào một ngày tháng ba rắc rải những tia nắng vàng ươm. Từ đường quốc lộ qua một con đường xuyên cánh đồng là tới nhà tôi. Lúc đi ngang cánh đồng, đập vào mắt tôi là những cây gạo trổ hoa đỏ rực như muôn vàn đốm lửa lung linh. Bao năm trôi qua, lối về tháng ba của tôi, bóng dáng cây gạo vẫn vẹn nguyên như thuở nào.


    Khi đứng nhìn ngắm những bông hoa gạo, không dưng lúc đó tôi cảm thấy mình bé lại như thuở lên tám, lên mười. Cái thuở mà mỗi lần đi chăn trâu, cắt cỏ vẫn thường lân la gốc cây gạo, ngước nhìn lên những bông hoa đỏ mà… thèm thuồng. Cái sự thèm thuồng của lũ con nít chúng tôi ngày xưa ngây thơ, tinh khôi vô cùng. Lũ chúng tôi thèm được nâng niu những bông hoa gạo, ôm chúng vào lòng mà vuốt ve. Cái thời vô âu vô lo, internet, điện thoại hay vô tuyến chưa phổ biến như bây giờ. Những trò chơi với hoa gạo lúc đó trở nên mê hoặc đối với những đứa trẻ làng quê. Hoa gạo làm hàng hóa khi chơi đồ hàng. Hoa gạo kết thành vương miện, vòng hoa đeo cổ trong trò chơi “cô dâu chú rể”, tiếng cười vang khắp cả cánh đồng...


    Trẻ con ngày ấy đứa nào cũng cho rằng cây gạo là một trong những cây lạ lùng nhất. Nó lạ lùng từ tên gọi cho đến sự sinh trưởng, phát triển. Thường thì ra xuân, những lộc non sẽ chi chít trên cành nhưng với cây gạo dường như chúng chỉ dành trọn cho những bông hoa. Khoảng đầu tháng ba, khi cái lạnh vẫn còn se se lẩn quất và chút nắng vàng hưng hửng lưng chừng trời, thân cây gạo không còn cô đơn nữa mà khoác lên mình lớp áo sắc đỏ nồng nàn. Hoa gạo mang một vẻ đẹp riêng. Không quá kiêu sa, quý phái, cũng chẳng mong manh yếu đuối. Hoa gạo khiến người ta phải ngây ngất vì vẻ đẹp chân phương, mộc mạc, đằm thắm như kết nối giữa trời với đất. Đứng từ xa trông cây gạo như được thắp lên ngàn đốm lửa rực cháy.


    Chẳng ai có thể nhớ chính xác cây gạo trên cánh đồng quê tôi có tự khi nào. Những cụ già cao niên kể lại, lớn lên đã thấy ở cánh đồng mấy cây gạo sừng sững. Cũng chẳng ai có ý định chặt bỏ vì cây gạo được ví như người bạn tâm tình của người nông dân tần tảo vẫn thường hay nghỉ giải lao bên gốc cây vào những ngày nắng nóng. Nhớ những lần cấy cày mệt nhọc, người dân quê tôi lại tựa lưng vào gốc gạo nghỉ ngơi, kể chuyện, sẻ san câu chuyện thường nhật. Gốc gạo trở thành địa điểm tâm tình của người nông dân.


    Hoa gạo còn có tên gọi khác là mộc miên, ở vùng Tây Nguyên thì gọi là pơ lang. Bà tôi vẫn kể về sự tích hoa gạo như nhắc nhớ chàng trai trong truyền thuyết năm nào với tình yêu dở dang nhưng thủy chung son sắt. Trời đất chia ly đôi uyên ương khiến chàng trai ở trên trời khóc hết nước mắt, hóa thành mưa rơi xuống nhân gian. Cô gái vì muốn người yêu trên cao thấy được sự chờ đợi chung thủy của mình, bèn xin ông trời hóa dải lụa tình yêu trong tay cô gái thành những bông hoa năm cánh đỏ. Được thỏa nguyện ước mong, cô gái gieo mình chết đi và trở thành hoa pơ lang hay còn gọi là hoa gạo.


    Tháng ba của năm tháng thiếu thời của tôi, của bạn, của những đứa trẻ sinh ra từ làng hằn sâu trong ký ức là màu hoa gạo đỏ thắm thân thương. Để rồi khi đi xa, tôi lại quay quắt nhớ như nỗi niềm trong câu thơ từng đọc: “Em ở đây không có mùa hoa gạo/ Đỏ rực trời đốt cháy tháng ba/ Cho lòng ai thổn thức lúc chia xa/ Quay quắt bước mà hồn còn một nửa…”.


    Tản văn của CAO THƠM

    Lối về miền hoa gạo!
    Lối về miền hoa gạo!
    Lối về miền hoa gạo!
    Lối về miền hoa gạo!
  9. Tối qua, má gọi điện, nói rất vui: Cây gạo làng mình đã trổ hoa, đẹp lắm, cây gạo mà con nói con thích nhất á… Thú thực, tôi đã biết, nhưng nghe những lời mẹ nói, tôi càng rưng rưng hơn vì nhiều cảm xúc đan xen. Nhớ má, nhớ nhà, nhớ quê và nhớ cây gạo làng.


    Cứ mỗi đầu tháng ba, tôi đã “nhắc nhở” đứa bạn thân ở quê, rằng khi nào cây gạo ra hoa, chụp gửi cho tôi vài tấm hình. Với tôi, dường như đó là lời “hò hẹn” với quê nhà, để mỗi mùa hoa gạo đến, dù tôi đang đi làm xa nhà, xa quê, nhưng vẫn được ngắm chính cây gạo đã gắn bó với tôi và gia đình, bè bạn suốt thời ấu thơ và hoa niên mới lớn. Tôi nhẩm thầm những câu thơ tôi yêu thích: “Tháng ba về hong nắng vàng rực rỡ/ Cây gạo ven đường hoa đỏ lên ngôi/ Hương bưởi xưa quyến luyến bồi hồi/ Hoa xoan tím lạc trôi miền nhung nhớ…” (Nhớ mùa hoa gạo – Đào Mạnh Thạnh).

    Tháng ba về, trên các trang zalo, facebook… ngập tràn hình ảnh cây gạo nở hoa với các “sờ-ta-tút” là bài thơ, hay câu thơ, câu văn tâm trạng gắn với quê hương, tình bạn, tình yêu. Tất cả đã gói gắm tình cảm rất thật, riêng có của bất kỳ ai yêu thích cây gạo mùa trổ hoa tháng ba. Màu đỏ hoa gạo rưng rức niềm thương nỗi nhớ, dù được chụp cả cây với không gian cánh đồng, con đường, bờ đê, lối xóm hay một thảm hoa đỏ rụng dưới mặt đất, một nhành hoa… nhưng đều gợi lên vẻ đẹp mộc mạc, dân dã và lặng lẽ. Nhìn thôi, cũng đã thích, đã nhớ. Huống gì, tôi đã đi qua bao mùa hoa gạo nở…

    Làng tôi vùng trung du Nông Sơn nằm ven sông Thu Bồn xứ Quảng. Làng có duy nhất một cây hoa gạo, ai trồng từ bao giờ, người dân quê tôi chẳng biết. Nhưng với tôi, tôi lớn lên nơi miền quê yên ả này, tôi đã thấy một cây gạo cao lớn. Để rồi, mỗi độ tháng ba về, tiết trời ấm áp, trong ánh nắng vàng như mật lan tỏa khắp đồng sông, biền bãi, hoa gạo bung nở như khoác tấm áo đỏ rực rỡ, như thắp lửa trên nền trời. Ngày còn nhỏ, tôi thích nhất buổi mai tinh khôi, khi những làn sương mỏng vẫn còn giăng nhẹ trên con đường từ ngõ nhà ra đồng, ra sông. Cánh đồng làng lúa xanh thẳm, qua những ngày thì con gái chuẩn bị làm đòng, rào rạt trong làn nắng mới nhẹ theo làn gió thoáng qua. Vẻ đẹp của làng lúc này như được giao hòa trong sắc đỏ đến rực trời của cây gạo già nơi bến sông quê tôi bắt đầu một ngày mới. Hay những buổi chiều tà, khi hoàng hôn buông nhẹ trên rặng núi xa, tụi con nít xóm tôi, rủ nhau ra bến sông chỗ cây gạo chơi. Thường là bọn con gái, luôn có khoảnh khắc ngước nhìn hoa gạo đỏ ối cùng trời xanh mây trắng bao la. Mỗi khi gió thổi qua, những cánh hoa gạo xoay xoay trên cành cây cao như chiếc chong chóng rồi mới bay sà xuống đất. Tụi con gái lúc nào cũng điệu đà, nhặt nhạnh từng bông hoa gạo cầm tay làm duyên. Những cánh hoa gạo dày, màu đỏ tươi rói, nở rộ. Sau này lớn lên, tôi cảm nhận và yêu thích, nhìn kỹ những bông hoa gạo từ xa như những chiếc đèn lồng. Hoa gạo mọc chi chít đều khắp trên thân cành, xòe ra từng cánh đều đặn. Không những hoa, mà cái dáng vẻ cứng cỏi, thô ráp của thân cành bao tháng bao năm vẫn đứng vững vàng nơi bên sông làng tôi, dù chịu biết bao nhiêu mùa mưa nắng, bão lụt…

    Tôi yêu cây gạo làng tôi, tôi yêu cái màu đỏ mịn màng của từng cánh hoa gạo. Sau này, tôi biết ngoài cái tên hoa gạo quê mùa, chân chất, còn có tên là hoa mộc miên, hoa pơlang theo cách gọi của từng vùng miền. Xứ Quảng quê tôi, ngoài duy nhất cây gạo làng tôi vùng Nông Sơn, thì ở Hiệp Đức, Đại Lộc, Tiên Phước… cũng có các cây gạo “vững vàng” lớn lên và tỏa sắc theo năm tháng thời gian. Tôi chắc chắn rằng, tôi cũng như biết bao nhiêu người khác, ở những nơi có cây gạo là chứng nhân của làng, dù vùng miền nào, cũng đều yêu thích hoa gạo mỗi năm chỉ nở một lần. Và cứ thế, dù ở đâu, năm nào đều đón đợi mùa hoa gạo về. Với nắng mưa gió bão, cây gạo luôn có sức sống như ấp ủ, chắt chiu để đến mùa “mãn khai” là bung nở hết mình bằng vẻ đẹp của sắc đỏ rưng rức, cho hoài niệm mênh mang, nhất là với những ai đi xa luôn ám ảnh niềm nhớ quê nhà…

    Tháng ba đã chạm ngõ. Hoa gạo lại bắt đầu thắp lên những đốm lửa chập chờn trong giấc mơ hoa với ký ức bình yên quê nhà. Tôi vừa lướt facebook của con bạn thân chừ đang ở Sài Gòn, và đọc cái “sờ-ta-tút” thật dễ thương: “ Ơi những bông hoa đỏ, ước chi được về làng…” và nhìn hình ảnh cây gạo làng tôi đang nở hoa. Cả một trời hoa bừng sắc đỏ. Lúc này, cũng như bạn, là tôi nhớ cây gạo làng…


    Q Q

    Là tôi nhớ cây gạo làng…
    Là tôi nhớ cây gạo làng…
    Là tôi nhớ cây gạo làng…
    Là tôi nhớ cây gạo làng…
  10. Gió đông buồn thổi réo rắt từng hồi trên những vạt cỏ xơ xác, sắc xanh không còn đủ, những nhánh cỏ uốn lượn như cố trốn cái lạnh của mùa xuân dập dìu xoắn quện vào nhau, như trốn tìm, như né tránh, như không thể đối diện với thực tại, như giả vờ, như hờn trách không muốn đối mặt. Nước sông lững lờ trôi, phản chiếu ánh sáng le lói, mờ đục, sắc xanh đẫm màu buồn ở phía xa xa. Từng đợt mưa phùn phất phới hắt ngang hắt dọc đập vào mắt, đập vào mặt gợi nên những cơn đau buốt lạnh. Cũng trên con đường ấy, cũng ngày này năm ấy, em ra đi, hai cây gạo đầu làng với sắc đỏ của những nụ hoa trải đầy mặt đường đưa tiễn như báo hiệu về một tương lai rực rỡ, về một sự ngóng chờ của những người ở lại trong đó có anh. Một nhành hoa gạo chỉ chực ngóng, chực chờ tiếng cười, ánh mắt mỗi khi được cầm trên tay bông hoa gạo cuối mùa rụng rơi trong cơn gió, chỉ là em chẳng đoái hoài, em chẳng để tâm, em chẳng suy nghĩ đến những gì xung quanh, đến những tình cảm có thể là bồng bột của tuổi trẻ, của những người con trai quê chân chất, mộc mạc như cánh hoa gạo kia đỏ rực rỡ nhưng không mềm mại, chẳng ngạt ngào hương cũng chẳng nở đúng mùa. Trời miền Bắc có bốn mùa, mùa nào cũng rực rỡ, mùa nào cũng đẹp nhưng mùa xuân với cái rét nàng Bân, mưa phùn tầm tã, hoa đỏ lại nở, có phải trái mùa hay chỉ là sự phản chiếu một tấm lòng đơn giản những suy nghĩ giản đơn, cứ đến mùa này sẽ nở, đầu hè sẽ tàn, nhường chỗ cho những loài hoa khác khoe sắc, khoe hương. Người con trai quê vẫn thế, chỉ có tấm lòng, hai cây gạo vẫn vậy, chỉ có những cành, những lá xòe rộng ra, hướng lên trên bầu trời như chờ như đón, như mong như đợi một người. Về đi em, hoa gạo tàn rồi.


    Oe oe, từng tràng khóc vang lên báo hiệu nhà bên vừa mới có em bé. Chạy vội qua, nhìn qua cửa sổ thấy cảnh tượng người ra vào nhộn nhịp, chăm chú, miệng không ngớt những lời hỏi han về đứa bé vừa chào đời. Đôi mắt cô bé nhắm tịt, cánh mũi hồng căng, phập phồng theo nhịp thở, đôi môi chem chép thi thoảng lại lệch qua một bên làm cái miệng hơi méo trông đáng yêu làm sao. Làn da trắng ngần từ đầu đến chân. Đôi bàn tay với những ngón dài nắm chặt, đôi bàn chân thon huơ đi huơ lại như chới với. Mọi người nói chắc sẽ đẹp, chắc sẽ xinh và có lẽ sẽ luôn mỉm cười tươi vui. Thấy em bé đẹp, tôi cứ muốn sang chơi. Hai chúng tôi biết nhau từ đó.


    Hai đứa chơi với nhau từ sáng đến chiều, mà có lẽ không có bố mẹ gọi thì cũng chẳng buồn về. Hai đứa cùng lớn lên theo mỗi mùa hoa nở với những trò chơi của tuổi thơ ngập tràn tiếng cười, niềm vui và niềm hạnh phúc nho nhỏ. Mỗi lần hoa gạo rụng xuống, những đứa trẻ trong xóm đều tranh nhau nhặt lấy sớm nhất, nhanh nhất, thức cả trưa, thức cả ngày để chờ hoa rụng, để nhặt và tách những cánh hoa xếp thành những tấm thảm dầy và mềm, kết thành những chiếc ghế mà khi ngồi lên đó rất mềm và êm. Các cụ bảo ai mà ngồi được trên chiếc ghế ấy, ngày nào cũng ngồi suốt mùa hoa gạo sau này sẽ vinh hiển, sống sung sướng, làm quan, làm chức to, cả họ được nhờ. Chẳng biết có đúng hay không, nhưng những đứa trẻ con chúng tôi chỉ biết tranh nhau, chỉ biết giành nhau từng cánh hoa gạo đỏ dầy, chăm chỉ kết thành cái nệm của riêng mình. Em thì còn bé không tranh được, không giành được, chỉ phải ngồi một chỗ canh cái giỏ hoa cười đùa cổ vũ. Những tiếng cười hồn nhiên ấy bây giờ vẫn văng vẳng bên tai day dứt. Trong mỗi bông hoa gạo là những sợi tơ ngắn không thể dệt thành sợi được nhưng các cụ nói đó là tơ của trời, ban đêm sa xuống nhân gian, chui vào hoa gạo nghỉ chân không bay về trời được. Những sợi tơ nhỏ có thể gom lại để nhồi những chiếc gối nhỏ xinh đặt trên giường của những cô công chúa, búp bê đáng yêu. Vì những chiếc gối này mà các bạn gái cứ thích giành nhau từng bông, từng bông hoa gạo để làm những chiếc gối, ai càng có nhiều thì người đó càng hãnh diện được khoe với bạn bè.


    Cành gạo có cành gần, cành xa nhưng chẳng bao giờ có ai chặt cành hoa gạo. Cành nó mềm lắm, rất dễ níu, dễ bẻ. Gỗ gạo xốp, mềm, tuy cây to nhưng chẳng thể làm đồ gia dụng được nhưng than của nó thì tuyệt vời, cháy đượm, dai và mùi rất thơm. Vì vậy, được lũ con trai chúng tôi giành nhau từng cành, từng cành mỗi khi rơi xuống, gom lại đến mùa thu, lấy ra ủ thành than, nghiền nhỏ làm pháo bông. Từng gói than nhỏ được gói trong những bọc giấy hình tròn, hai phần ba được bọc với tay nắm bằng đất sét, sau đó được phơi khô cả quả pháo, khô thật khô, khô đến mức phải phơi cả tuần, rồi được bỏ vào túi ni lông tránh ẩm, đợi đến đêm trăng tàn đứng trên gò đất cao, mồi qua lửa những viên pháo bông gói bằng than cây gạo cháy đượm một phần ba, sau đó được ném lên trời theo hình vòng cung. Ai ném được xa, quả nào cháy đượm tóe ra một vệt lửa dài là người đó cảm thấy rất hạnh phúc, vui sướng, hãnh diện. Bọn con gái trong đó có em chỉ biết đứng nhìn hò reo, tán thưởng và không quên nở những nụ cười thật tươi cổ vũ. Những đứa trẻ quê tôi lớn lên với những trò chơi bên cây gạo, hưởng một ít lộc trời, nhiều người ra đi mang theo những niềm vui nho nhỏ, những kỷ niệm bọ xít để làm hành trang, để lưu những kỷ niệm mỗi khi nhớ về, quê cũ chắc chẳng có ai không nhớ về mấy cây gạo đầu làng và một sự thật hiển nhiên chúng vẫn đứng đấy báo hiệu cho mỗi người dân quê từ xa nhìn về, nhìn thấy những cây gạo là đã cảm thấy, sắp về quê rồi, về với làng rồi, về với xóm rồi. Một sự bình yên chỉ những người có quê mới hiểu.


    Lớn lên đi học, học xa học gần, học xong cả đại học tôi vẫn muốn về quê, về với xóm làng, về với ruộng đồng, về quê công tác, phục vụ bà con. Cái kiểu suy nghĩ theo lối mòn ấy chắc ít người tiêu hóa được. Khéo có người bảo mình gàn, mình dở. Nhưng mọi người cũng nên hiểu tôi yêu quê, sống xa quê là không sao chịu được. Quê có đất đai, ruộng vườn của ông bà cha mẹ, xã hội thay đổi rồi, làm gì mà chả sống được, mình có ruộng có vườn, có đôi bàn tay lao động, giàu thì không nói nhưng để sống thoải mái thì hết sức bình thường. Về quê được một năm thì em lên đại học, tiễn em đi để lại những nỗi nhớ xao lòng. Ngày em tốt nghiệp, cả nhà ra đón, ngóng từ trưa đến chiều, chờ mòn mỏi dưới tán cây gạo đến tận khi nắng không còn chiếu mới thấy bóng em về. Em vẫn vậy, vẫn vui tươi, hồn nhiên và rất hay cười, tâm sự không ngớt về quãng đời sinh viên với tỷ chuyện vui buồn lẫn lộn. Mọi người chỉ biết ngồi nghe và sẻ chia được phần nhỏ, bỏ vào trong những sự ngưỡng mộ, thèm thuồng về một cuộc sống sinh viên sôi động nơi thị thành phồn hoa, hào nhoáng. Tôi với em vẫn ngồi tâm sự, trao đổi bình thường về tất cả những vấn đề của cuộc sống, những chuyện quá khứ, những dự định tương lai. Em nói sẽ đi làm, sẽ đi kiếm tiền và sẽ sống ở một nơi xa lắm, tôi buồn đến mức tim như thắt lại, chẳng nhớ nổi em nói những gì sau đó.


    Ngày em ra đi, mang theo cả bầu trời hoa gạo, sắc đỏ nhạt nhòa không còn phủ trên những cánh hoa. Nhưng phía trước là tương lai, là cả chân trời hy vọng. Phía sau chỉ là làng quê, phía sau chỉ là kỷ niệm, phía sau chỉ là những gì hiển nhiên, những gì sẵn có, không mới lạ, không bóng bẩy, cũng chẳng ngọt ngào khoe sắc, đa hương. Nơi đó cũng chỉ còn người bạn - người anh chân chất, thật thà.


    Nước sông từng đợt len lỏi qua những đợt rong mềm mại, từng đàn cá vẫn tung tăng uốn lượn, nhởn nhơ, thong dong, bình thản, hai cây gạo vẫn thả bóng khẳng khiu vào mặt nước xanh trong. Mùa xuân, mùa của những hy vọng mới. Hy vọng về một tương lai, hy vọng về một hạnh phúc mà tôi và em là đôi nhân vật chính. Làng quê với những cánh đồng xa tít tắp, với những con sông dài mềm mại ôm dòng nước mát dịu dàng lan tỏa đến từng thửa ruộng, bờ ao. Từng đợt gió mùa vẫn rì rào, thổi vắt qua con đê dài ngoằn ngoèo. Hai cây gạo đứng đó với những chồi xanh mới nhú, đâu đó còn sót lại một vài bông hoa nhỏ, cuối mùa nở muộn, như cố níu giữ, như cố níu kéo mùa xuân. Từ xa đến gần, đâu cũng là quê hương, đâu cũng là những cảnh vật thân quen gắn liền với tuổi thơ, gắn liền với niềm nhớ.


    Dù sao anh vẫn chờ, vẫn đợi, tấm lòng chỉ như bông hoa gạo kia đỏ thắm màu chờ, năm cánh hoa đều dầy mọng, lớp vỏ ngoài thô ráp, cứng cỏi có thể che chở cho những sợi tơ trời khỏi nắng, khỏi gió. Những bông hoa ấy cứ đến mùa lại nở rực rỡ, nhưng với tôi mỗi tháng, mỗi ngày đều là những chờ đợi, chờ em về, đợi em về, về đi em hoa gạo tàn rồi!


    Vũ Thị Minh Huyền

    Về đi em, hoa gạo tàn rồi
    Về đi em, hoa gạo tàn rồi
    Về đi em, hoa gạo tàn rồi
    Về đi em, hoa gạo tàn rồi



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy