Chợ Nhàn và hoa gạo
Lâu rồi tôi mới về quê. Nhìn từ xa trên nền trời mây âm âm sáng đục như màu lông con chuột đồng mới lớn, cây hoa gạo cứ bừng lên sắc đỏ tươi như quầng pháo hoa nổ tung cả góc trời. Cả vòm cây tràn lên màu đỏ giống đĩa xôi gấc khổng lồ, hoa gạo nở cũng là dấu hiệu xuân đã cạn ngày, tiết trời chỉ còn vương vấn hơi lạnh của cái rét nàng Bân kiểu dùng dằng chưa nỡ dứt hẳn với mùa xuân. Có điều đây toàn là cây gạo mới trồng nơi điểm rẽ trên đường tỉnh lộ về làng, không phải cây gạo có nhiều kỉ niệm với tôi, cây gạo nơi cổng chợ Nhàn cạnh miếu thờ ngày xưa.
Bao giờ đom đóm bay ra
Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn
Xuân thu nhị kỳ, tứ thời bát tiết cứ quay thành vòng tròn thời gian mà vẽ lên phận người với bao nhiêu số phận, chợt nhớ thời còn bé có dịp đi đâu xa về là lấy ngay cây gạo làm điểm mốc. Làng tôi nằm giữa vùng đồng bãi giáp sông muốn đi xuống phố huyện hay ra phố thị đều phải đi xuyên qua cánh đồng rộng, đường xá còn xấu nên nếu đi bộ hay chọn các lối tắt băng đồng cho tiện thì các cây lớn luôn làm dấu mốc cho việc di chuyển. Từ xa nhìn về phía làng, cây gạo nổi lên trên luỹ tre xanh như bó đuốc khổng lồ đang cháy sáng giữa trời tháng 3.
Phía dưới là thảm lúa mới bén chân mạ xanh non mỡ màng, phía trên là nền trời thâm thấp xám đục đẹp như tranh vẽ. Cảnh thì đẹp thế bình yên thế nhưng dân quê nghèo lại nhìn hoa gạo với nỗi lo cái đói mùa giáp hạt ‘’tháng ba ngày 8‘’. Thóc lúa vụ trước qua hết tháng giêng cùng cái Tết ấm cúng là vơi đi nhiều lắm, mẹ tôi bảo đến bây giờ cái âm thanh mẹ sợ nhất vẫn là cái âm thanh khi quẹt cái vỏ hộp sữa bằng sắt tây dùng để đong gạo nấu cơm quẹt vào cái chum hết gạo thành cái âm xoèn xoẹt rất chói tai và ghê rợn.
Âm thanh ấy báo hiệu những bữa cơm xanh có nghĩa là toàn rau cỏ và đồ ăn độn đến xanh cả ruột xanh cả mặt.
Nhà đông con nỗi ám ảnh về cái ăn cứ đè nặng lên ánh mắt của mẹ, tôi sinh sau út ít không biết cảnh đói này nhưng vẫn mẹ câu chuyện mà mẹ kể đi kể lại. Khi anh trai tôi tốt nghiệp đi tàu làm ra tiền, món đầu tiên là anh thuê xe chở về cho mẹ cả tấn gạo cho cả nhà không còn nỗi lo cái chum thiếu gạo.Mẹ tôi đem số gạo ấy cho đi vay đến mùa lấy lại bằng thóc gạo mới nên lứa em sau không còn biết đến cái đói khi giáp hạt.
Nếu hoa gạo nở vào mùa khác? Chắc hoa sẽ nên thơ hơn được ca ngợi đến lãng mạn nhiều hơn tên là hoa gạo, cái tên mộc mạc mang tên loại lương thực chính của người Việt.
Hoa gạo rụng xuống tàn đi vẫn giữ nguyên màu của lửa không nhạt sắc, phai màu, quả gạo còn ở lại trên cây đến khi chín già thì bung bông gòn trắng tinh màu bông quả gạo giống nồi cơm mới trắng tinh thơm thơ ngạt ngào mùi no ấm nên có cây mới mang tên cây gạo. Bọn tôi lấy cả bông ấy nhồi vào túi vải đem ôm như ôm búp bê hay dùng để gối đầu.
Cây gạo hay được trồng ở cạnh cái miếu, đền để là vật chuẩn, tiêu mốc cho dễ tìm, quê tôi trước ở chợ Nhàn có cây gạo cổ thụ rất to cạnh miếu thờ, đi chợ mùa này hoa gạo rơi đầy gốc cạnh bức tường loang lổ rêu xanh, trên tầng cao là lớp lớp hoa sáng đỏ, tiếng chim gọi nhau cứ ríu rít giữa màu hoa.
Hoa gạo là giấc mơ ấm no của nhà nông như cái tên chợ quê tôi cũng là tên của niềm ao ước được thanh nhàn. Chứ thực sự cuộc sống nơi quê nghèo đâu có sự thanh nhàn.
"Chợ Nhàn mà có nhàn đâu?
Chỉ thấy vất vả hằn sâu mắt người.
Dăm ba cái bắp cải tươi.
Lơ thơ vài nhánh tỏi gầy xanh xao‘’
Bố tôi thường bảo ‘’nóc nhà xa hơn ngõ chợ‘’ nhưng đấy là với nhà giàu có còn nhà nghèo hay gia đình công chức thì có khi ngược lại vì mái nhà hay bị đổ dột khi trời mưa phải thường xuyên lên dặm vá.
Cái gốc gạo xù xì to lớn ấy có cái hốc rất lớn rỗng khuất vào phía trong đến mấy người chui lọt nhưng bọn trẻ ít dám nghịch ngợm chui vào vì sợ có ma.
Có thể nỗi sợ ám ảnh từ câu ca ‘’thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề‘’ hay từ cái tên giống tên loại lương thực chính mà thành sức hút cho các linh hồn ma đói, ma khát vất vưởng tìm về trú ngụ kiếm miếng ăn. Gốc gạo to lớn ấy nổi lên hằn rõ những u cục xù xì như cả đám người gù đang xúm xít vào ôm lấy gốc gạo.
Hiếm có đứa trẻ nào trèo được lên cây gạo này bởi vì thân to quá vòng ôm lại rất cao, thẳng tuốt lên cao với trổ cành, phân nhánh ít đứa nào hái được hoa gạo tươi mà chỉ đợi hoa rụng xuống khi trời chiều, người thưa, chợ vãn, bông gạo to hơn cả bàn tay người lớn được chúng tôi xâu lại thành chuỗi xách như xách dòng lửa cháy chạy lẫn vào trời chiều. Hoa rụng xuống cứ đỏ tươi mãi cánh hoa dầy mà lúc nào cũng như mòng mọng nước cầm nặng bàn tay đủ trò với hoa trên sân chợ kết thành vòng, xếp thành hình hay xâu thành đai đội cả lên đầu đám con gái mới lớn.
Cây gạo sừng sững che mát cả khoảng sân chợ che mát cả thời thơ ấu của bạn bè tôi dùng màu đỏ tươi làm sáng lên lấp đi khoảng thời gian đói ăn thiếu mặc. Cái hốc cây gạo ấy cũng là nơi tôi gặp bà thím tôi đứng ăn vội ăn vàng miếng bánh đúc rõ ro vì sợ mang cái tiếng đi chợ ăn quà, người thím mà như tôi biết chưa có một ngày sung sướng, nhiều bi phẫn đến mức phải tự tìm cho mình cách rời bỏ cõi đời trong đau đớn tột cùng.
Chợ quê ngày ấy chắc sẽ âm u nếu thiếu đi màu hoa gạo đỏ, dãy hàng quán mái tranh xám nhạt cọc tre liêu xiêu khẳng khiu dưới ánh nắng chiều. Hàng xén lẫn hàng rong, bún riêu cạnh hàng bánh đúc, còn cả dãy bên là hoa trái vườn nhà được bòn mót mang đi trao đổi người bán kẻ mua cũng mang dáng vẻ hao gầy.
Nếu theo cái thuyết ‘’trần sao âm vậy‘’ thì người ta trồng cây gạo cho những linh hồn vất vưởng đói khát nơi âm ti địa ngục có nơi mà trú ngụ như tán cây che nắng rát lúc ngày hè, như vòm cây cho loài chim tránh trú khi trời nổi bão giông khi mà nơi tốt chỗ lành đã bị những thế lực mạnh hơn chiếm giữ.
Đi về quê đi xuyên qua mùa hoa gạo đỏ bâng khuâng mà tự hỏi lòng mình nhiều câu rồi lại tự trả lời, thấy bóng thời gian hiện về qua tấm gương soi bằng nước mặt ao quê, thấy thời ấu thơ tưởng như mới đây mà giờ thành xa lắc. Người xưa cảnh cũ không còn chỉ còn lại những cái tên và ảnh hình trong ký ức. Chỉ có màu hoa gạo đỏ thì vẫn thế vẫn đỏ tươi cháy sáng mãi với thời gian.
Phạm Tuấn