Top 6 Tản văn viết về hoa ban hay nhất

Phương Kem 222 0 Báo lỗi

Hoa ban trắng thường được ví von là loài hoa của tình yêu, màu trắng tinh khôi của nó tượng trưng sự chân thành và thủy chung. Trong những bài thơ văn xưa, hoa ... xem thêm...

  1. Top 1

    Miền hoa ban trắng vùng cao

    Không hồng dịu như đào phai, mộc mạc như tam giác mạch, không rực rỡ như đỗ quyên, không vàng tươi như dã quỳ phố núi, hay nhỏ xinh như cải vàng. Nhưng có một loài hoa nở trắng núi trắng rừng mỗi độ tháng Ba về, đó chính là hoa ban. Ban trắng là linh hồn của Tây Bắc, hoa ban đã đi vào đời sống văn hóa - tâm linh bao đời nay của người dân nơi này, nhất là dân tộc Thái vùng cao.


    Khi hoa ban nở, gần như cả Tây Bắc chìm trong sắc trắng miên man, các thảm hoa lô xô trên đỉnh núi, nối dài, chảy tràn giống như những thác nước khổng lồ vươn từ sườn núi này vắt qua vách đá khác. Tất cả đều mang một màu trắng sáng bừng, tinh khôi đến nao lòng. Ban sà từ trên núi soi dáng mình nơi thung lũng ăm ắp nước đầy, ban hút hồn người lữ khách đến đây. Ngày hoa ban nở cũng là lúc đồng bào dân tộc vùng cao bắt đầu vụ mùa tươi tốt cho các thửa ruộng của mình. Nhắc đến Tây Bắc, người ta nhớ đến những cung đường quanh co, hết dốc lại đến đèo, có những đoạn khúc khuỷu, gập ghềnh. Có cả những đoạn chạy thẳng rồi bất ngờ như ngút lên trời xanh.


    Tháng Ba, hoa ban thổi hồn vào gió, gửi sắc vào không gian, gửi ấm nồng dịu ngọt của mình vào trời đất. Ngắm hoa ban nở, người ta cảm nhận được cái đẹp, thứ đẹp ấy thật giản đơn, không cần giáo huấn hay kinh kệ, nhưng vẫn dễ dàng nhận ra, một vẻ đẹp hoàn toàn thuyết phục bởi ngàn hoa ban trắng. Bỗng nhiên thấy mình thật hạnh phúc giữa đất trời Tây Bắc mang một màu ban. Loài hoa trắng núi trắng rừng ấy nở khắp lưng núi ven đồi, tỏa hương gọi mời ong bướm, hoa vừa dịu dàng vừa thuần khiết. Giữa bao la lộc biếc, chồi non nơi đại ngàn, ban khoe mình từng chùm trắng như bông, xốp đẹp tựa mây, bồng bềnh trôi trong không gian, ban chảy tràn xuống thung lũng…


    Tây Bắc là xứ sở của hoa ban và hoa ban là biểu trưng cho Tây Bắc. Theo tiếng Thái, hoa ban có nghĩa là hoa ngọt. Hoa ban có năm cánh xoè thành hình quạt, thân màu xám, có nhiều cành, nhiều nhánh dài. Hoa ban có nhiều màu sắc như tím, đỏ, trắng, nhưng nhiều và phổ biến hơn cả vẫn là hoa ban trắng. Hoa ban Tây Bắc lặng lẽ nở, lặng lẽ tặng dâng hết mình. Hoa ban từ lâu đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ. Gần nửa thế kỷ trước, hoa ban đã từng nở rộ trong những trang ký lấp lánh của nhà văn Nguyễn Tuân với “Mùa Xuân đi trong hoa”. Thật cảm xúc, yêu thương và đẹp đẽ biết bao.


    Cách đây hơn 40 năm, năm 1981,trong chuyến thực tế Lai Châu, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết bài thơ "Gửi Lai Châu" trong đó có câu:

    “…Hoa Ban nở thành người con gái Thái

    Đám mây bay trong thau nước gội đầu”


    Với người Lai Châu, đó là câu thơ hay nhất viết về hoa ban, là sự ví von kiều diễm nhất về người con gái Thái. Lên Tây Bắc, đến Điện Biên ghé Mường Then thăm Mường Trời, ta được hòa mình vào trong sắc trắng bừng ngàn ngạt của hoa ban huyền thoại, cùng thưởng thức những hương vị thanh tao. Tìm một nét cười lấp lánh cúc bạc sơn nữ đâu đó bất chợt nơi lưng chừng núi, lưng chừng đèo, để rồi lạc bước lãng du quên ngày quên tháng trong bạt ngàn hoa ban…


    Hoa ban tượng trưng cho đất trời Tây Bắc, người con gái Thái như đại diện cho linh hồn của hoa ban, là cuộc đời người con gái Thái, trong trắng trinh nguyên, tỏa hương dâng sắc cho đời cho người. Từ khi sinh ra người con gái đã thấy cội ban, lớn lên được người mình yêu tặng nhánh ban làm kỷ vật hẹn ước thủy chung. Đến ngày cưới theo chồng, hoa ban cài mái tóc, phòng hoa chúc đẹp trắng sắc ban. Những món ăn đãi khách cũng nhẹ nhàng cùng với hương ban phảng phất. Người con gái Thái rất trân quý mái tóc của mình, đặc biệt xem trọng nuôi tóc, dưỡng tóc từ thời con gái đến khi lấy chồng, họ thường ủ tóc với nước vo gạo và gội đầu bằng nước lá chanh đun cùng sả. Gắn liền với người con gái Thái là chiếc khăn Piêu được dệt nên từ đôi tay khéo léo. Màu sắc trên khăn chảy ra từ huyết mạch của trái tim, bao tình cảm bao nhớ thương được chắt chiu trên từng nhịp khung cửi. Chiếc khăn là tấm choàng, là tấm bùa hộ mệnh bảo vệ tóc, làm tóc đẹp dáng. Cùng với khăn piêu, chiếc trâm bạc cài tóc, hoa ban đã tôn vinh nét đẹp cho những cô gái miền sơn cước giữ được bản sắc rất riêng cho mình. Khăn piêu sẽ kém hoàn hảo, khi thiếu đi sắc trắng hoa ban, hoa ban biết tựa vào cút piêu nâng vẻ đẹp cho người con gái Thái. Vẻ đẹp viên mãn, trinh nguyên tròn đầy, vẻ đẹp mộc mạc mà rực rỡ khiêm nhường, vẻ đẹp hoang dại nhưng không kém phần quyến rũ.


    Trong tiếng suối đêm ngày róc rách vang vọng nơi đại ngàn hùng vĩ, là lời thì thầm của đất mẹ về huyền thoại con chim lông vàng lẻ bầy suốt đời suốt kiếp đi tìm người yêu Ô Quy Hồ, và thủ thỉ bên tai về loài ban - một thiên tình sử bất tử của dân tộc Thái. Hoa ban được dệt lên bằng sương khói miền cổ tích xa xưa cùng mối tình đẹp mà bi thương của đôi trai gái người Thái. Đó là câu chuyện tình yêu của nàng Ban và chàng Khum. Tình yêu và niềm tự hào của người Tây Bắc đối với hoa ban có lẽ cũng được bắt đầu từ câu chuyện này. Những cánh trắng mỏng manh mà bền bỉ như sự chắt chiu của khí trời, khoáng đạt của đá núi thăng trầm, và của đại ngàn hùng vĩ. Vì lẽ đó hoa ban được coi là hình ảnh đại diện cho mảnh đất Tây Bắc vùng cao. Hoa ban tựa như “búp tay người con gái Thái”, chịu thương chịu khó bằng cả tấm lòng.


    Khi mùa hoa ban nở, cũng là bắt đầu mùa lễ hội lớn nhất trong năm của người Thái. Đó là Sên bản, Sên mường (cúng bản, cúng mường) cầu mưa, cầu phúc, cầu mọi điều tốt đẹp cho bản mường của đồng bào dân tộc Thái. Loài hoa ban mỏng manh ấy lại mang trong mình huyền thoại về tình yêu, tình vợ chồng và còn là biểu tượng cho đạo hiếu của con cái với đấng sinh thành. Mùa ban nở theo gió rừng thầm thì bên tai lời yêu tiếng thương, những đôi trai gái tìm gặp nhau, cùng tỏ tình, cùng tính chuyện trăm năm. Mùa ban nở nơi núi rừng là mùa yêu, mùa ấm áp, mùa đoàn viên đến thắt đáy lòng người…


    Theo những già làng nơi đây trải lòng, từ khi sinh ra và lớn lên, người dân trong bản đã gắn chặt cuộc đời mình với cội hoa ban. Hoa ban không chỉ là một loài hoa đẹp, đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, mà khi những cánh ban bung nở cũng là lúc người dân Tây Bắc chuẩn bị cho một vụ mùa gieo trồng trên nương. Người dân nơi đây biết bám vào thiên nhiên, quan sát những thay đổi các loài cây, đặc biệt là sự thay đổi của cây hoa ban để biết được, cũng như nắm bắt được khoảng thời gian gieo trồng của mùa. Đến Tây Bắc, tháng Ba mùa hoa ban, ta được ngắm sắc hoa trắng tinh khôi, được cùng tham gia những vòng Xòe, được thưởng thức hương vị thanh tao của những đóa hoa rừng … để rồi đâu đó bất chợt thấy một nét cười “lấp lánh cúc bạc” nơi lưng chừng núi, một dáng váy thướt tha “gùi ban trên núi.” Người ta được cảm nhận từng hơi thở về loài ban trong truyền thuyết, qua cuộc sống của người dân. Thấy được dòng chảy lịch sử văn hóa với những chiến công cùng sự đóng góp của người Tây Bắc “vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến” trong cuộc kháng chiến chống Pháp gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm nào, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. … Tây Bắc nên thơ, Tây Bắc đã chuyển mình như thế trong sắc trắng của hoa ban…


    Tháng Ba chập chùng thương chập chùng nhớ…Ta lại muốn nhờ gió và cánh ban dẫn đường, để được thấy mây đan mây trên vùng cao Tây Bắc. Để được nghe lời thì thầm của đất mẹ đại ngàn hùng vĩ, nghe tiếng suối chảy róc rách, lời thủ thỉ bên tai một thiên tình sử bất tử về hoa ban của dân tộc Thái. Câu chuyện bi thương của nàng Ban và chàng Khum năm nào, nhưng là nỗi buồn đẹp trong tình yêu thật thà. Hoa ban trắng tượng trưng tình cô gái Thái, bị ép duyên ngang trái bởi người cha. Khi cô chết hóa thành bông ban trắng. Tình yêu thủy chung có đất trời chứng giám, một tình yêu chẳng thể nói nên lời. Ban tinh khiết trắng trong như nhắn nhủ, trái tim này mãi thuộc về anh.


    Ta muốn nhìn được thêm những cánh ban soi bóng mình bên thung lũng ăm ắp nước đầy, muốn nhìn thấy những người cha thanh thản giục trâu bừa thửa ruộng, những người mẹ lụi cụi gùi con, gùi mây dưới cành ban trắng bình yên.


    Khi mùa hoa ban khép lại, cũng chính là lúc đất trời Tây Bắc dang tay chào đón những cơn mưa đầu mùa cho mùa nước đổ, cho những vụ mùa mới tiếp theo. Mùa nối mùa, yêu thương của hoa ban luôn ở lại, bởi hoa biết kể yêu thương, trao gửi yêu thương của mình trên những cánh ban, biết thổi hồn vào gió, gửi sắc vào không gian, gửi dịu ngọt, ấm nồng vào trời đất…


    Lê Minh

    Miền hoa ban trắng vùng cao
    Miền hoa ban trắng vùng cao
    Miền hoa ban trắng vùng cao
    Miền hoa ban trắng vùng cao

  2. Top 2

    Hoa ban hoài niệm

    Mùa đông thành phố. Một màu xám bàng bạc khi cơn mưa đầu đông buông xuống vỉa hè. Nơi đây, những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, những dòng xe cộ lướt qua lượn lại như muốn tạo cho con người cảm giác ủ dột. Tôi nhắm mắt lại, chợt nghĩ về miền đất rực rỡ màu hoa ban trắng.


    Thiên nhiên thật hùng vĩ, rừng hoa thật tuyệt vời, tuyệt như giấc mơ sống động nhất thời con trẻ. Có lẽ sống lâu ở thành phố nên cảm giác của tôi về hoa ban không còn quá rõ ràng nữa. Nó mờ đi, nó đang dần hòa tan trong cái xô bồ, trong vòng xoáy vô cảm? Không, màu hoa ấy vẫn là thiên đường trong tôi, càng mờ ảo, nơi đó càng đẹp đẽ, lung linh. Lần gần đây nhất lên Điện Biên đã mấy năm rồi. Khi đó, từ thành phố Điện Biên chỉ cần đi vài bước là đã cảm nhận được không khí đất trời. Chớm đông trời man mát, màu trắng muốt đã mời gọi từ xa, tôi khoác vội chiếc áo, dung dăng dung dẻ ngắm hoa cứ như đứa trẻ lên năm. Hoa mong manh màu lá, hoa nở trắng trên cao. Hoa phớt hồng rạng rỡ. Hàng người cứ trầm trồ xuýt xoa, còn tôi chỉ thấy ngại thay cho những cành hoa trắng tinh khôi. Rõ ràng cánh hoa đang xấu hổ trước những ánh mắt tò mò ngây dại ấy.


    Hà Nội. Tôi dắt xe ra phố, ngồi một mình ở quán cà phê bên đường. Ngõ phố này là nơi có mấy chị hàng hoa quang gánh đi qua. Hà Nội tuy ngột ngạt nhưng vẫn giữ được nét thanh cao vốn đó: đó là thưởng lãm hoa. Trên gánh là hơn chục loài hoa đang khoe sắc: hoa hồng, hoa cúc, hoa loa kèn, hoa ly… rồi các loại hoa nhỏ nữa. Đó là sự êm dịu có lẽ là duy nhất trong những con phố xô bồ, trong cuộc sống đầy bon chen tấp nập. Tôi buột miệng hỏi chị bán hoa: “chị có biết hoa ban không?”. Chì mỉm cười: “Tôi chăm hoa hơn hai chục năm, chẳng lẽ không biết”. Được dịp, tôi mua một bó hoa của chị rồi lần la trò chuyện, cũng vì muốn nghe chị kể kỷ niệm về hoa ban.


    Thời trẻ, chị cũng khá xinh, lại hiền hành, chăm chỉ. Gái làng hoa, cũng gắn bó một thời thanh xuân với những luống đất, với chiếc kéo tỉa cành. Chăm hoa đến đôi mươi, chị phải theo chồng, không còn thời gian ve vuốt những bông hoa chớm nở. Hà Nội đô thị hóa, làng hoa Ngọc Hà năm xưa cũng dần thu bé, rồi tạm biệt. Một số người trồng hoa vẫn cố trụ lại với nghề, nhưng không còn ở đất Ngọc Hà nữa. Với chị, có lẽ cái nghiệp “hoa” còn vương vấn dữ lắm nên chị không còn giữ được gia đình của mình. Câu chuyện thật buồn, nhưng chị cố kể sao cho nhẹ nhàng nhất có thể. Giờ đây, chị chỉ còn gánh hoa này vui vẻ với đời.


    Rồi chị kể về kỷ niệm lần duy nhất trong đời được thấy hoa ban mà không phải trên truyền hình. Đó cũng chính là lần duy nhất được hưởng trọn vẹn cả hai thứ cảm giác: đầm ấm gia đình và viên mãn đời hoa. Điện Biên, một màu sương trắng hòa quện với màu tinh khiết của hoa ban nở rộ. Cây ban trút lá, rồi hoa ban nở trắng một vùng. Tháng ba tim đập chân run, e ấp nép vào người mình yêu, cùng nhau ngắm trời hoa ban rực rỡ. Hoa trắng ánh hồng của tình yêu. Như màu trái tim yêu thương nồng cháy. Hoa ban phủ kín mọi nơi, như tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu không thể đổi thay. Chị nhìn quanh, đôi mắt mở to, chìm trong cảm giác tuyệt diệu. Gió nhẹ hiu hiu thổi, trời lạnh nhưng lòng ấm, tất cả các giác quan đường như hợp tác với nhau chỉ để đón nhận màu trắng thuần khiết. Chỉ tiếc, hiện tại lúc đó không phải là tương lai bây giờ. Chị đã không còn người thương, chỉ nghĩ về màu trắng hoa ban như kỷ niệm buồn và nhung nhớ.


    Hà Nội vẫn chưa quá lạnh, bên ly cà phê giữa phố phường đông đúc, hai con người từng đứng ngơ ngẩn giữa trời hoa ban cùng nhau gặm nhấm kỷ niệm đẹp nhất của đời người. Chúng ta sống có lẽ cũng là một cái duyên, nhưng gặp một người có điểm chung lại là xúc cảm đặc biệt không dễ để miêu tả. đến khi chia sẻ kỷ niệm đó lại thấy yêu nó nhiều hơn, rồi lại mong muốn quay trở lại nơi diễn ra kỷ niệm. Hoa ban, tượng trưng cho một tình yêu trong sáng, thuần khiết của đồng bào Thái ở Tây Bắc, nhưng có lẽ, bất cứ ai đến đây cũng sẽ cảm thấy mình yêu cuộc đời hơn một chút, yêu người đi chung đường đời hơn. Hoặc nếu đi một mình, người đó sẽ thèm hơn cảm giác yêu và được yêu.


    Ngày đó, trên phố núi Mường Thanh, hoa ban đua nhau bung nở. Tôi đến Điện Biên cũng chỉ vì công việc, nhưng rồi bị thu hút bởi màu trắng say mê ấy. Màu thuần khiết êm dịu, hừng hực tràn trề tỏa lan trong nắng, bao phủ tâm hồn mệt mỏi của cuộc sống bộn bề lo toan. Trên cung đường núi, doc các con đường về bản, hoa ban diu nhẹ lan toả với hương lá, hương cây, hương trong lành của khí trời, tất cả tổng hoà tạo thành một bức tranh không thể hoàn hảo hơn. Bức tranh ấy tác động đến mọi giác quan, đưa tôi vào giấc mơ tuyệt đep ngay trong hiện thực. Cần gì cõi mơ, hoa ban cũng tươi đẹp hơn tất cả những gì ta có thể tưởng tượng. Chẳng cần đi vào giấc ngủ, đơn giản ta chỉ cần nhìn ngắm và cảm nhận cũng đủ để đồng cảm với thiên nhiên.


    Và em, người con gái Thái với chén trà thơm nóng bỏng. Trà mới pha, nước mới nấu còn em chưa bước vào đời, cuộc đời ngoài kia xếp cao bao gian truân vất vả, liệu người con gái với khuôn mặt dịu hiền và nụ cười cảm mến như em sẽ làm thế nào khi được thích, đươc yêu? Dẫu sao, em bảo sẽ ở lại đây để tiếp tục góp phần phát triển vùng đất dấu yêu này, sẽ ở bên những cánh hoa ban trắng. Cứ vậy đi em gái bé nhỏ, để Điện Biên có thêm kỷ niệm trong lòng. Chia tay rồi, cứ trăn trở về những con người bên rừng hoa ấy. Họ trong sáng, chân thật như màu ban trắng thuỷ chung. Họ đẹp như đoá hoa rừng thản nhiên khoe sắc, nép mình bên dòng đời ào ạt.


    Giữa thủ đô ồn ã, trong phố cổ ngàn năm văn hiến, có hai người nhớ về kỷ niệm hoa ban. Chuyện mỗi người một vẻ, nhưng ai cũng mong sớm về rừng trắng.


    Đinh Thành Trung

    Hoa ban hoài niệm
    Hoa ban hoài niệm
    Hoa ban hoài niệm
    Hoa ban hoài niệm
  3. Top 3

    Lai Châu, hoa về trên phố tháng ba

    Bạn đã bao giờ đến thành phố Lai Châu vào tháng ba chưa? Tháng ba, Lai Châu thực sự tuyệt vời. Giữa xuân, thành phố trong thung lũng đẹp ngọt ngào trong sắc màu của những mùa hoa rực rỡ dễ làm ta say sưa, xao xuyến...


    Tháng ba về. Thành phố trẻ như bừng tỉnh sau giấc ngủ mùa đông. Những quả đồi, những con đường như đang hát lên bài ca rộn ràng giai điệu của mùa xuân khiến cho ta ngây ngất. Trên những nông trường, rừng mỡ đang trổ hoa, những bông hoa trắng như ngôi sao đậu trên nền lá xanh bóng. Dưới tán mỡ là những nương chè, vườn cây ăn quả và những ngôi nhà nhỏ, phía trước phía sau đều mướt mát màu xanh non của chè búp vụ xuân. Ta như thấy một Lai Châu xưa cũ, như mấy chục năm đã qua, một Lai Châu mộc mạc và dịu dàng, ấm áp vẫn chờ ta ở đó, bình yên và giản dị.


    Lai Châu tháng ba. Thành phố đón mùa xuân về chầm chậm trên những dãy núi. Hoa lau nở bàng bạc dưới chân những rặng thông xanh biếc. Những cành lau đu đưa đu đưa trong một khúc ca giản dị của gió, để bay về xa xôi...


    Tháng ba về bên kia phố, trên đồi tháp truyền hình, Lâm Viên là điểm đi bộ và ngắm cảnh thành phố được nhiều người yêu thích. Ở đây, ta có thể thỏa thích ngắm nhìn những vạt lau già trầm mặc, những đám hoa tỉ muội tím nhỏ xinh líu ríu mọc tràn hai bên đường.


    Tháng ba, hoa về trên phố. Ta thêm yêu những con đường nhỏ, thích vòng đi vòng lại một con phố chỉ vì yêu một màu hoa. Hoa giấy mọc trên vỉa hè, trườn trên ban công, trên mái tôn, trên giàn trước cửa những ngôi nhà ven đường. Những sắc tím, hồng lay lay nhè nhẹ, vẫy vẫy như ru, như mơ làm bước chân ta quên hết mệt mỏi phong trần ...


    Ta chợt dừng thật lâu trước cổng một ngôi nhà chỉ vì một sắc trắng tinh khôi. Ta đưa tay chạm thật nhẹ lên cánh hoa mỏng manh mà xinh đẹp đến nao lòng. Những chiếc lá xanh nhỏ xíu, bông hoa trắng tinh, lòng hoa xanh nhạt phơn phớt, hương thơm dìu dịu... Chào em nhé - nàng tiên của núi cao! Quả thực với ta, hoa đỗ quyên trắng chính là một nàng tiên - loài hoa ấy luôn có một vẻ đẹp thanh cao, trong sáng, một sức hút đặc biệt mà ta nhớ mãi không quên... Và cứ thế, ngắm đỗ quyên trắng, lòng ta mơ về một Pu Ta Leng tháng ba ngập tràn sắc hoa đỗ quyên hồng, tím, đỏ - rực rỡ như một tấm thảm đẹp diệu kỳ.


    Tháng ba, cả thành phố như hát lên cùng sắc hoa đặc trưng của miền Tây Bắc. Ven hồ Hạ, trong công viên, trên quảng trường, ...ở đâu ta cũng gặp hoa ban. Hoa ban trắng, hoa ban hồng, hoa ban tím...có lẽ chất đất ở mỗi gốc cây, mỗi con đường sẽ tạo nên một màu sắc khác nhau của hoa ban, càng làm phong phú thêm bộ sưu tập sắc hoa của thành phố. Ta bâng khuâng xao xuyến, ta say sưa trong làn hương ngòn ngọt đâu đây... Mỗi bông hoa ban đều dễ dàng làm ta say đắm. Con đường như đang hát dưới bước chân em qua, thảm lá khô lạo xạo, kia nữa,những bông hoa ban rụng xuống vẫn giữ nguyên vẻ đẹp trong sáng dịu dàng, và ta không nỡ bước chân lên...


    Tháng ba, khi những cây xoan trổ những chùm hoa như mây tím nhạt, cũng là lúc ta về với San Thàng để ngẩn ngơ cùng hoa chanh, hoa bưởi. Những khu vườn rộng, những cây bưởi ven rào đang nở những chùm hoa trắng, cả chân đồi ngát hương...Ta như mơ về khu vườn vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, nơi những cô gái gội đầu bằng lá bưởi, cài tóc hoa bưởi...Hoa bưởi đẹp như thiếu nữ xuân thì, ta muốn ướp mình trong hoa bưởi để cả mùa xuân cũng ngát hương...


    Tháng ba trên thành phố trẻ, ta say sưa với những màu hoa dịu dàng và rực rỡ, ta yêu thêm thung lũng, càng yêu thêm những con người đang cần mẫn trồng cây, trồng hoa, tô điểm cho Lai Châu một vẻ đẹp tươi sáng đến say lòng!


    Và bạn, có theo tôi về cùng Lai Châu say hoa?


    Đinh Hồng Nhung

    Lai Châu, hoa về trên phố tháng ba
    Lai Châu, hoa về trên phố tháng ba
    Lai Châu, hoa về trên phố tháng ba
    Lai Châu, hoa về trên phố tháng ba
  4. Top 4

    Hoa ban đã về...

    Cứ độ này, tôi lại xao xuyến mỗi khi đi qua những con phố tím màu hoa ban trong những ngày tháng ba nắng vàng rực rỡ. Như một góc Tây Bắc giữa lòng thành phố loài hoa phơn phớt tím cả một góc phố khiến tôi cứ ngẩn ngơ như được chìm vào trong một miền Tây Bắc xa xôi.


    Tôi nhớ mãi một câu thơ viết về hoa ban nó như một khúc dạo tình cho những cặp thủa mới yêu nhau “Gặp em đây khi mùa hoa ban nở/ Giữa núi rừng nghe tiếng thở đâu đây/ Hoa ban trắng ai đã rải trên cây/ Để lòng anh đang ngất ngây tình ái”. Thế nhưng, có lẽ người ta cũng chẳng hiểu sao hoa ban lại khiến chàng trai kia ngây ngất vì tình đến vậy. Có điều gì đẹp hơn, khi độ này cầm tay người yêu dạo bước trên những con đường hoa ban “rực nắng”.


    Tôi được biết hoa ban, theo tiếng người dân tộc Thái có nghĩa là hoa ngọt. Đối với người Tây Bắc, hoa ban biểu trưng cho sự thủy chung son sắt và vẻ đẹp trắng trong của người con gái. Hoa ban mang hình ảnh của một thời tuổi trẻ mộng mơ nồng nhiệt. Chính vì thế khi bước chân xuống phố gặp hoa ban tím càng khiến tôi rạo rực lên một tình yêu chỉ vì những ngóng đợi, những niềm vui nho nhỏ.


    Tôi không quên được truyền thuyết của người dân tộc Thái về hoa ban như này: Thuở ấy, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải lại có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà tạo mường, vốn là một thanh niên lười nhác, lại có tật gù lưng.


    Mặc cho cô gái hết lời van xin, người cha vẫn không từ bỏ ý định, và ông đã bàn bạc cùng với nhà tạo mường sửa soạn làm lễ cưới cho hai người. Trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản của Khum gặp chàng để cầu cứu. Nhưng chẳng may khi đến nhà Khum, thì được tin chàng đã theo cha đi mua trâu ở bản xa. Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người rồi bươn bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có nghe thấy. Cuối cùng kiệt sức nàng ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao.


    Nơi nàng nằm xuống sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, và hằng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.


    Về phần Khum, sau khi về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, biết là có chuyện chẳng lành, bèn vội vã đi tìm nàng. Dò hỏi bà con bên bản người yêu, Khum biết được là nàng đã bỏ nhà ra đi, còn đi đâu thì không rõ. Thế là chàng trai lên đường đi tìm người yêu, đi mãi hết mường này, bản khác mà vẫn không tìm thấy bóng người yêu. Cuối cùng, chàng kiệt sức, ngã xuống. Sau khi chết, chàng hoá thành con chim sống lẻ loi trong rừng, và cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu tha thiết từ năm nào.


    Qua những vần thơ, câu truyện tôi càng yêu màu hoa ban. Một màu tím dịu nhẹ thủy chung son sắt. Cũng chính từ màu tím dịu nhẹ căng tràn yêu thương sức sống mãnh liệt đó mà khiến mỗi độ ban về khiến bao người dân đi qua, dù vội vã đến mấy cũng phải nán lại chụp nhanh vài tấm hình, hoặc chí ít cũng sẽ vấn vương mà ngoảnh đầu lại đặng vài giây.


    Hoa ban chỉ nở trong tháng 2 và tháng 3 nên nhiều khi người ta không kịp ngắm nghía cho thật sâu, không kịp chụp vài kiểu làm kỷ niệm. Và rồi, ta lại tự nhắc bản thân, thôi thì đợi đến năm sau. Rồi một năm bộn bề lại khiến ta quên mất. Rồi ta lại chỉ vô tình bắt gặp được sắc trắng hoa ban lơ lửng một góc trời trong một nhịp chảy nào đó bận rộn của cuộc sống. Rồi lại hứa hẹn. Rồi lại lỡ mất. Rồi lại tự nhủ đến năm sau.


    Không chỉ có ban ngày mà khi cả ban đêm hoa ban vẫn khiến người xem xao xuyến đến lạ thường. Ban đẹp rực trong lòng khách lãng du, đẹp trong mỗi tâm trí những con người .Và tôi, đôi lúc tôi cũng như thế, cũng nhớ về hoa ban như một kỷ niệm chẳng thể phai mờ.


    Phương Uyên

    Hoa ban đã về...
    Hoa ban đã về...
    Hoa ban đã về...
    Hoa ban đã về...
  5. Top 5

    Một thoáng Tây Bắc trong lòng Hà Nội

    Mỗi độ giêng hai, con đường Bắc Sơn- Hoàng Diệu gần Lăng Bác lại rộn rã hơn bởi bao người đi ngắm hoa Ban, chụp ảnh cùng Ban.


    Những bông Ban trắng pha lẫn sắc tím hồng- một loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc lại nở bung giữa lòng Hà Nội, nó như tô điểm cho vẻ đẹp của Hà Nội thêm phần lãng mạn.


    Du khách khắp nơi đổ về đây để được ngắm chút thanh tao, chút lãng mạn, mộng mơ của loài hoa chỉ nở rộ khoảng 3-4 tuần. Những cánh hoa buông lơi, nhẹ xoay trong gió hạ mình xuống con phố lặng im như lắng nghe cái lao xao của phố thị, tôi cũng lặng im ngắm cánh hoa rơi.


    Không khó để bắt gặp những thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài nghiêng nghiêng chụp cùng Ban, những cặp đôi nắm tay nhau đi dạo dưới Ban, thậm chí người đi đường dù có vội đến mấy cũng từ từ chạy chậm để được thưởng thức chút núi rừng Tây Bắc.


    Hoa ban tím dậy mùa xuân phố núi

    Để lòng người như lạc cõi yêu thương

    Hoa lấp lánh giọt trên cành e ấp

    Giữa núi đồi nắng sớm bạt ngàn sương


    Tưởng rằng Ban chỉ có ở vùng Tây Bắc nhưng nay ban bung nở giữa lòng thủ đô.


    Truyền thuyết hoa ban gắn liền với chuyện tình yêu mãnh liệt nhưng cũng đầy nước mắt giữa nàng Ban và chàng Khum, được ví như mối tình giữa Romeo và Juliet của phương Tây. Thế nên trong văn hóa Tây Bắc, hoa ban tượng trưng cho sự thủy chung nên thường được các đôi trai gái Thái tặng nhau dịp đầu xuân.


    Xưa hoa ban trắng là vẻ đẹp đặc trưng của núi rừng Tây Bắc thì vài năm gần đây hoa ban là một phần không thể bỏ lỡ ở đoạn đường này. Đoạn đường ngắn tầm năm mươi mét với khoảng hai chục cây hoa Ban nhưng Hoàng Diệu - Bắc Sơn là điểm đến của nhiều tay săn ảnh cũng như những người mê hoa Hà Nội. Những bông ban trắng pha lẫn chút sắc hồng tím sà xuống, bung nở như nụ cười cô sơn nữ chào đón du khách tới thăm.


    Hoa ban thuộc loài cây thân gỗ nhỏ, các cành cây chia thành nhiều nhánh khẳng khiu, hoa ban cùng họ với hoa bướm, nó không có hương thơm nhưng có vị ngọt ở nhị hoa nên mỗi khi hoa nở, nó thu hút khá nhiều ong về tìm mật. Vào mùa đông, ban thường trút lá, dồn nhựa vào nuôi nụ để mùa xuân, khi tiết trời ấm lên một chút, những tia nắng xuân vẫn còn xen lẫn những ngày mưa phùn thì nụ hoa bật nở, những nụ hoa như ngón tay thiếu nữ, bật xòe theo thời gian.


    Tôi chẳng biết từ khi nào, nhắc tới con đường Bắc Sơn- Hoàng Diệu này là người ta nhắc tới hoa ban. Vẻ đẹp của ban chẳng cháy bỏng như phượng, chẳng nhuộm tím cả trời như bằng lăng, cũng không nồng nàn như hoa sữa, vẻ đẹp của ban khiến người ngắm thảnh thơi, tự do thả hồn vào bầu trời lúc thì trong xanh bởi cái nắng giao mùa, lúc lại xám xịt, ảm đạm, ấy vậy mà người ngắm chẳng chút nặng nề.


    Ban đã mang đến cho Hà Nội thêm một phần lãng mạn, thêm một chút tinh khôi và đậm nét trữ tình để ai đã đi qua một lần là nhớ mãi.


    Gió xuân se lạnh cuốn những bông hoa tàn rụng rơi cuộn theo chiều gió, nó như cuốn đi hết những mệt mỏi, lo toan hàng ngày, chỉ tôi và ban giữa lòng Hà Nội.


    Lê Hà

    Một thoáng Tây Bắc trong lòng Hà Nội
    Một thoáng Tây Bắc trong lòng Hà Nội
    Một thoáng Tây Bắc trong lòng Hà Nội
    Một thoáng Tây Bắc trong lòng Hà Nội
  6. Top 6

    Hoa ban Tây bắc

    Lần đầu trong đời tôi được thấy hoa ban, đó là lần đầu lên Tây bắc. Hoa ban, hoa ban trời ơi, sao mà đẹp. Qua Mã Đức, Mai Châu, bắt đầu chớm đốc Pha Đin là bắt gặp một mầu hoa trắng bạt ngàn thấp thoáng trong sương. Dọc con đường uốn lượn, mầu ban trắng đục trắng mờ lúc ẩn, lúc hiện, nối dài theo trập trùng dốc núi.


    Chuyến lên miền núi qua đất hoa ban không dài, nhưng về xuôi cứ níu kéo tôi trở lại con đường Tây Bắc. Tôi nhớ hoa ban, nhớ đến nao lòng, muốn lên Tây Bắc để thêm một lần chiêm ngưỡng hoa ban. Chớm nắng hè, những ngày này có thể mùa ban đã cạn. Tôi ước được bây giờ tự tay ngắt dẫu chỉ một nhành ban trắng dọc đường Tây Bắc mang về tặng cho một người con gái yêu mến hoa ban. Tôi sẽ kể cho em nghe về hoa ban Tây Bắc, bởi em đã thầm ước ao một lần được nhìn thấy hoa ban.


    Năm sau vào mùa ban nở lên Tây Bắc, tôi lại tìm đến hoa ban. Vẫn một mầu bông sương, nhưng lác đác trên những cành khẳng khiu. Ngắm những bông ban đọng lại còn sót trên cây mà bùi ngùi thương cảm cho một mùa ban vừa đi qua giá rét. Có lẽ cái giá rét, gió sương như ghen ghét sắc hương đã quật xuống muốn xóa đi mọi dấu vết hoa ban? Những không, cái còn lại, sót lại trên cành vẫn điềm tĩnh lên hương, khoe sắc bất chấp sự khắc nghiệt của đất trời, mưa nắng.


    Vài ba lần nữa tôi lên Tây Bắc vào mùa ban nở. Mỗi lần gặp hoa ban lại để lại trong tôi những bâng khuâng, hồi hộp, đợi chờ... mỗi lần là một dịp để tôi hiểu hơn về đời sống hoa ban.


    Có một lần không bao giờ tôi quên được. Lần ấy, dưới ánh trăng những cây ban nối nhau từ đỉnh trời quanh co theo dốc đá phơi những dải lụa trắng mịn màng chảy tràn như thác. Ngắm nhìn trong đêm thác ban như hơi thở dập dồn, dan díu lấy nhau lúc hiện, lúc chìm trong màn sương mỏng. Khi ấy như một miền cổ tích từ xa xưa hiện về chùm lên tôi xóa tan đi mọi dấu vết ưu phiền, toan tính. Thật hạnh phúc có những ngày tôi được sống với hoa ban.


    Nếu hoa cải nở vàng tươi rực rỡ xua đi cái ảm đạm, hắt hiu của mùa đông xám trời bên bãi bờ dọc những triền sông của đồng bằng Bắc bộ, thì hoa ban mỗi mùa về lại bung ra một mầu nắng ấm, thắp lên cho đất trời Tây Bắc hồi xuân.


    Truyền thuyết của người Thái kể lại rằng: Ngày xửa ngày xưa ở vùng Tây Bắc có người con trai và người con gái yêu nhau say đắm. Tình yêu của đôi lứa gái, trai trong như con suối, sáng như ánh trăng, đẹp như hoa rừng nở tràn khắp nẻo mùa xuân. Họ hẹn hò, thề thốt suốt đời thủy chung. Nhưng nhà chàng trai nghèo quá, bố mẹ cô gái không cho chàng làm rể. Chàng từ biệt ra đi. Một ngày trở về tìm lại người yêu thì được biết khi chàng đi rồi, người con gái cũng bỏ trốn vào rừng giữ trọn lời thề năm trước mà không chịu để bố mẹ gả cho người khác. Rồi nàng chết trong rừng vì chờ đợi, nhớ mong, giá rét để lại những dấu chân trần in khắp những nẻo đường rừng. Chàng trai đau đớn khóc than thảm thiết lần theo vết chân người yêu, nước mắt rỏ xuống từng dấu chân nàng, Một ngày, đến dấu chân cuối cùng của nàng thì chàng gục xuống, rồi chàng trai tan vào đất trời, rừng núi. Ít lâu sau từ những vết chân của người con gái mọc lên những cây hoa trắng thật đẹp, đó là cây ban. Bởi thế ở khắp núi rừng Tây Bắc hoa ban được biết đến là biểu tượng của tình yêu lứa đôi, là sức sống của lòng thủy chung là khao khát nhau trong chờ đợi...


    Ở miền xuôi, nhiều khi nhớ hoa ban, tôi thường lang thang dọc những con đường, những phố xá, những công viên để ngắm, nhìn hàng ban trắng, đỏ được người ta đưa từ miền rừng núi về trồng. Lạ thật, càng nhìn lâu, càng chạnh niềm nhớ đến cháy lòng hoa ban Tây Bắc.


    Hoa ban của núi rừng Tây bắc không giống hoa ban được trồng ở miền xuôi, bởi chúng không ưa mỡ mầu, đất cát, không chịu được bụi bặm và ồn ã, không muốn bó mình trong không gian chật hẹp. Hoa ban của núi rừng Tây Bắc đã từ lâu quen thuộc sống thanh đạm với khí trời, gió núi. Bấu vào đá, bám chặt vào rừng, thân cành khẳng khiu mà rút ruột nuôi những bông hoa nở đến hết mình trắng muốt.


    Vào những năm trước đây cứ mỗi độ xuân về hoa ban Tây Bắc lại nở trắng trời dọc các triền suối, những cánh rừng. Cây hoa ban rất ít khi tách ra riêng rẽ, chúng thật đẹp khi đứng trong quần thể chòm xóm, đại gia đình.


    Bông hoa ban có năm cánh. Từng cành mềm, mịn gối lên nhau như một sự gắn kết, che đỡ từ khi còn chúm chím, rồi xòe dần, nở bung lên cho một mầu trắng thản nhiên. Hoa ban to như lòng bàn tay, lốm đốm nhụy vàng tỏa hương dìu dịu. Cái hương đặc trưng tan vào núi rừng để khi không còn hoa ban nữa ta vẫn cảm thấy từ núi rừng như còn tỏa hương ngan ngát của hoa ban. Cái hương hoa ban mà chỉ có con người được hoa ban yêu mến mới cảm được.


    Nhìn kỹ hoa ban sẽ thấy ở từng cánh nổi lên những đốm tía trên thân hoa mỏng mảnh tràn đầy sức sống. Có lần tôi đứng thật lâu, nhìn ngắm bông hoa ban mỏng tang, ảo mờ, rung rinh trong sương khói mà cảm thấy hoa ban như đang thì thầm về một điều gì thật mầu nhiệm.


    Rồi theo mỗi mùa xuân, hoa ban Tây Bắc cũng thưa dần bởi những chính sách đồi, rừng được trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả. Dù có vơi đến bao nhiêu thì hoa ban của núi rừng Tây Bắc vẫn còn lại đấy, vẫn mọc lên để nở hoa trắng ngần ở những mỏm đá, những khe suối, những cánh rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ để cho con người chiêm ngưỡng cái mầu trắng trong tinh khôi đến hoang dại mà đẹp mê hồn được sinh ra từ sự giao thoa, từ sự kết tinh của núi rừng, trời đất.


    Bình Nguyên

    Hoa ban Tây bắc
    Hoa ban Tây bắc
    Hoa ban Tây bắc
    Hoa ban Tây bắc



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy