Top 9 Tản văn viết về thầy cô hay nhất

Phương Kem 2956 1 Báo lỗi

Thầy cô chính là người cha, người mẹ thứ hai của chúng ta. Thành công trên bước đường đời của mỗi người chắc hẳn cũng in dấu ấn của thầy cô giáo. Cứ mỗi lần ... xem thêm...

  1. Top 1

    Tản văn về ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

    Cứ mỗi lần tháng 11 ùa về, đến cái ngày mà cả một năm mới có một lần để nhắc học trò nhớ về thầy cô của mình, nhắc đến ngày Nhà Giáo Việt Nam thì mọi ký ức của thời học sinh lại ùa về. Nhớ những lời căn dặn, những cái vỗ vai, hay cả những lời răn đe nghiêm khắc của thầy cô khi học trò mắc phải lỗi.


    Thầy cô là người luôn dành tất cả mọi yêu thương cho đứa học trò của mình, kể cả những đứa học trò mà luôn làm mình phát bực la lớn lên và mời đi ra khỏi lớp. Thậm chí có thể là đình chỉ học môn đó một tuần cũng có.


    Thầy cô là người luôn phải chịu đựng bởi bao trò tai quá mà những đứa học trò gây ra, hay thường là những vị cứu tinh của những học sinh bị bắt nạt. Có thể nói thầy cô như là những thần tượng của học trò, hay là người cha, người mẹ thứ hai vậy.


    Thầy cô là người đã dạy con nét chữ đầu tiên để rồi sau này, khi con lớn hơn một chút, con mới hiểu sự ân cần của cô, khi cầm tay con uốn từng nét chữ không chỉ đơn thuần là dạy con biết viết, mà nết người của con cũng bắt đầu từ những nét chữ A,B,C. Là người mà phải thức cả đêm để viết lại và cảm nhận bài văn thầy phê “cảm nhận còn hời hợt” bằng tất cả tình cảm, vốn sống của mình. Tất cả những gì thầy cô làm là chỉ mong học sinh của mình sẽ tốt hơn, trưởng thành hơn.


    Nhớ ngày 20/11 năm xưa chắc ai cũng trải qua cái thời mà đòi mẹ phải mua quà để đi tặng thầy cô cho bằng được nhưng nỗi khổ là không dám đi một mình, lần nào cũng phải mẹ kè kè đi, lúc đó nhỏ có biết nói gì đâu thấy bạn đi mình cũng đi cho bằng được. Quà 20/11 lúc xưa cũng chỉ là dầu gội, bột ngọt, sữa hay cuốn sổ và cái bút, nhà có điều kiện hơn thì xấp vải cho thầy cô may đồ để đi dạy. Lớn lên chút thì đã biết đường đi mua quà cho thầy cô, nhưng đến lúc tặng thì run cầm cập, gặp thầy cô ở trường suốt không sao cả nhưng mà gặp riêng thầy cô thì không dám đến. Nhớ lúc đi tặng quà thì vừa vào phòng, thấy thầy cô là tặng cho thầy cô rồi nói một câu ngắn gọn: "Mừng Cô (Thầy) 20 tháng 11" rồi chạy cái vèo ra ngoài, để thầy cô phải chạy ra gọi học trò quay trở lại ngồi chơi, nhưng cũng chỉ ngồi được 5 phút rồi "Cô (Thầy) cho em xin phép". Đến hôm sau vẫn còn không dám gặp thầy cô.


    Lớn lên rồi học cấp 3, ngày 20/11 được xem như là một ngày học nhẹ nhõm của học sinh thì phải - theo tôi nghĩ như thế. Vì ngày 20/11 thường thì thầy cô khuyến mãi không dò bài, học sinh cũng không phải thấp thỏm vì cái giờ dò bài như thường ngày. Đôi khi thì còn được nói chuyện phiếm và nghỉ học luôn môn đó, thường thì lớp trường đại diện lớp tặng hoa cho thầy cô rồi thôi, xong cái ngày 20/11. Nhưng cái ngày 20/11 không phải thầy cô vui vì được nhận hoa và quà của học trò thôi, thầy cô vui vì thấy rằng những đứa học trò của mình đã lớn khôn hơn, thầy cô khi thấy những thành quả của mình tốn bao công sức tâm huyết đạt được thành quả, đó là điều mà làm cho thầy cô tự hào nhất trong đời làm nhà giáo của mình.


    Không biết ngày 20/11 của bạn như thế nào nhưng của tôi là một ngày đầy cảm xúc, tuy đi làm xa không thể tới thăm thầy cô được, nhưng không khi nào thầy cô không nhớ tới tôi. Lúc tôi gọi điện thoại chưa kịp nói tên mình thì thầy cô đã nhận ra tôi trước, tôi vui mừng và đôi khi là bật khóc, cho dù lúc đi học tôi có phá, có quậy nhất lớp thì thầy cô vẫn nhớ và cười phì nói: "Thằng học trò phá nhất lớp của cô nay làm ở đâu rồi, có khỏe không? Năm nay cho gọi điện thoại nhưng năm sau phải về nhà thăm cô đấy nhé!!!". Trải qua biết bao lứa học trò, bao nhiêu năm nhà giáo mà thầy cô vẫn nhớ học trò của mình chứng minh một điều là thầy cô luôn dành mọi tâm huyết cho những đứa học trò nhỏ bé, dù có hay nghiêm khắc với mình đi chăng nữa thì cũng dễ hiểu là thầy cô chỉ muốn điều tốt nhất cho mình mà thôi. Chắc điều đó ai cũng cảm nhận được như tôi, vì nếu không có những điều như thế thì bạn có thể thành công hay sống tốt hơn như hiện nay để còn ngồi đọc những dòng tốt viết đây.


    Lúc ngồi viết những dòng này thì nhớ lại những trò tai quái của mình đã mang đến cho thầy cô... Sao có thể làm những trò ấy nhỉ, nhưng mà thôi "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" mà, nhưng dù gì thì cũng mong ngày 20/11 sắp đến, hãy bỏ một chút thời gian nếu như được hãy đến thăm thầy cô, thầy cô sẽ không quên bạn đâu, nhưng nếu không được thì hãy dành cho một cuộc điện thoại chỉ năm, mười phút thôi. Đừng chỉ gửi một cái hình lên mạng Xã hội cho thầy cô và kèm theo dòng ngắn ngủn: "Mừng 20/11, chúc Thầy (Cô) có ngày lễ vui vẻ" là thôi.


    Xin cảm ơn những thầy cô đã dìu dắt con từ những ngày đầu tiên học lễ, hậu học văn. Những yêu thương, trân trọng và thành kính nhất là tất cả những gì con muốn những người cô thầy đã dạy dỗ con nên người. Chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để mãi mãi vun đắp cho sự nghiệp trồng người.


    Sưu tầm

    Tản văn về ngày nhà giáo Việt Nam 20-11
    Tản văn về ngày nhà giáo Việt Nam 20-11
    Tản văn về ngày nhà giáo Việt Nam 20-11
    Tản văn về ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

  2. Top 2

    Người thầy đầu tiên

    Đêm yên tĩnh quá! Mọi vật chìm đi trong màn đêm u tịch. Tiếng côn trùng kêu rả rích ngoài kia cũng khiến người ta giật mình. Những dòng cảm xúc vui buồn trong con cuộn dâng ào ạt như thác đổ. Con ngồi đây viết những dòng này kính yêu gửi mẹ: Người thầy đầu tiên của con!


    Mẹ sinh con ra giữa mùa đông tuyết trắng xoá nơi xứ người, giữa cái lạnh tê buốt dưới 0 độ. Một mình mẹ vượt cạn cô đơn không có người thân bên cạnh, chỉ có cha con là người duy nhất. Khi con cất tiếng khóc chào đời dưới hình hài một bé gái tim mẹ như vỡ oà vì sung sướng. Mẹ nói con là thiên thần nhỏ của mẹ, lòng mẹ lâng lâng thứ cảm xúc khó cất thành lời.


    Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc mẹ cũng đã trải qua một giai đoạn đấu tranh ghê gớm giữa sự lựa chọn công việc và có con. Cuối cùng mẹ đã lựa chọn con với tình yêu thương vô bờ. Mẹ chọn có con để đánh đổi lấy thời gian làm việc lâu hơn ở xứ người. Kết quả là mẹ về nước sớm trước thời hạn cho phép.

    Mẹ có biết con hạnh phúc biết bao nhiêu khi mẹ đã lựa chọn để con được làm người? Nhưng có con rồi cuộc đời mẹ thêm phần vất vả, nặng nhọc biết bao nhiêu! Bài học đầu tiên con học được từ mẹ là sức mạnh của tình mẫu tử thiêng liêng có thể chiến thắng mọi lợi ích về tiền tài, vật chất. Tình yêu thương như ngọn lửa một khi đã được nhen lên trong mỗi người thì sẽ mãi cháy sáng!


    Đối với con mẹ không phải người mẹ bình thường nữa mà là người bạn lớn, người thầy vĩ đại của con. Dù là những câu chuyện đơn giản mẹ kể hay những cử chỉ việc làm nhỏ bé cũng như những lời chỉ dạy tận tình của mẹ, tất thảy đều có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với con. Từ lúc sinh con ra, nuôi dạy con đến lúc con khôn lớn trưởng thành thì những gì con học được từ mẹ vẫn là vô vàn những điều bổ ích. Chúng trở thành hành trang cho con bước vào đời.


    Mẹ truyền cho con tình yêu quê hương, đất nước qua từng lời ru làm con thêm yêu những cánh cò trong câu ca dao. Những câu chuyện cổ tích Tấm Cám, Thạch Sanh,… dạy con những bài học về đạo lí làm người đồng hành cùng con suốt thuở ấu thơ. Tình yêu văn chương nghệ thuật trong con từ đó cũng được mở lối.


    Mẹ ơi, con nhớ ngày đầu tiên khi con vào lớp 1 mẹ đạp xe gần chục cây số đưa con đến trường. Lời mẹ dạy con thấm từng câu từng chữ rằng con phải kính thầy, mến bạn, chăm chỉ học hành sau này trở thành người có ích cho xã hội. Con vẫn nhớ những dòng chữ đầu tiên mẹ cầm tay con viết trên trang vở trắng.


    Mẹ dạy con học ăn, học nói, học gói, học mở, từng chi tiết dù nhỏ nhặt nhất trong cách ứng xử với mọi người. Tình yêu và sự quan tâm của mẹ không thể dùng từ ngữ để đong đếm. Con vẫn nhớ hồi con học cấp 2, đi thi học sinh giỏi văn không có tài liệu tham khảo mẹ đã mượn sách rồi nắn nót chép từng dòng chữ một vào cuốn sổ nhỏ cho con. Năm đó con đạt giải, tuy không phải là giải cao nhất nhưng con đã nhìn thấy đốm sáng óng ánh đầy tự hào trong đôi mắt mẹ.


    Cuộc sống dẫu không đẹp như mộng, cuộc đời không đẹp như thơ. Con nhiều lúc vấp ngã và lạc lối trong dòng đời tấp nập. Những lúc như vậy lại có mẹ gần bên nâng bước con đi.


    Đó là lúc con thi trượt đại học năm đầu, bao nhiêu công sức học hành tưởng như đổ sông đổ bể, bao nhiêu ước vọng tưởng chừng vỡ nát mẹ lại động viên tinh thần con quyết tâm làm lại từ đầu. Mẹ chắt chiu từng đồng tiền ít ỏi bao đêm thức trắng cọc cạch bên chiếc máy khâu đã cũ dành cho con mua sách ôn thi lại đại học. Mỗi lần cầm cuốn sách trên tay là những giọt mồ hôi lặng thầm mẹ rơi lòng con lại thấy nao nao. Mẹ dạy con lòng dũng cảm làm những việc cần làm và đi đến những nơi chưa từng đi và đối mặt với thất bại. Và cuối cùng con đã thành công!


    Đó là những lúc con học xa nhà, những lá thư mẹ gửi như truyền thêm cho con nghị lực và sức sống. Mẹ dạy con cách đối mặt với nỗi nhớ nhà và lòng ham học hỏi những kiến thức mới.


    Đó là những ngày tháng con không may ốm nặng vừa đi học vừa chữa bệnh và nhìn cuộc đời phía trước một màu xám xịt và ảm đạm. Mẹ dạy con cuộc đời vô cùng hữu hạn trong cái vô hạn của thế giới bao la và vũ trụ rộng lớn vì vậy hãy biết trân trọng sinh mệnh trong từng khoảnh khắc cuộc đời.


    Đó là lúc tình đầu của con tan vỡ mang theo bao nhiêu nước mắt và buồn đau. Mẹ dạy con “tất cả là không có gì”. Rồi con sẽ tìm thấy tình yêu mới ở một người mới, người yêu thương và trân trọng con thật sự và nắm tay con đi tiếp quãng đời còn lại. Mẹ dạy con cách yêu thương một người ngoài bản thân mình. Mẹ dạy con quên đi những điều không hay, không tốt, nhìn thấy những điều tốt đẹp trong cuộc đời và mỗi con người. Rằng cuộc đời ngoài bóng tối còn rực rỡ hoa và ánh sáng!


    Giờ đây, dù đã trưởng thành và rời xa vòng tay bao bọc của mẹ, một mình con sải cánh trên bầu trời cao rộng nhưng mỗi khoảnh khắc bên mẹ trong những ngày xưa yêu dấu với con đều đặc biệt và khác biệt. Quá khứ ấy dội về đều đáng quý khiến con lưu giữ không phai kỉ niệm nơi trái tim và sẽ theo con trong suốt cuộc đời sau này.


    Cảm ơn mẹ đã sinh con ra trên thế giới này. Con vô cùng biết ơn công lao sinh dưỡng và dạy dỗ mẹ đã dành cho con trong đời. Mẹ chính là người thầy xuất sắc dạy con những kiến thức nằm ngoài sách vở. Con muốn thốt lên rằng: “Mẹ ơi con yêu mẹ nhiều lắm!” và hình ảnh của mẹ luôn được lưu giữ đặc biệt nơi trái tim con.


    Tác giả: Nguyễn Minh

    Người thầy đầu tiên
    Người thầy đầu tiên
    Người thầy đầu tiên
    Người thầy đầu tiên
  3. Top 3

    Người thầy giáo già lặng lẽ

    Tôi thích mùa thu, bởi cây mía ngọt hơn khi gió heo may chớm gọi về, bởi làn ao trong veo long lanh soi bóng hình cô thôn nữ bình yên và êm dịu, bởi hoa cúc, hoa cải trải vàng cả cánh đồng quê yêu dấu! Tôi vẫn hay ngồi tâm sự với người Thầy giáo già về ước mơ của tuổi trẻ, về hoài bão xa xăm, về mộng tưởng không cùng… Tôi vẫn ví người thầy ấy như mùa thu trong tôi! Nhiều khi tôi tự hỏi, tại sao người Thầy ấy lại có một sự bình yên lạ, sao Thầy có thể cho tôi bài học quý như cả cánh đồng hoa vàng óng, sao kiến thức đong đầy như vị ngọt của mía đón heo may? Và tôi chợt hiểu rằng, một con người có ý nghĩa không phải chỉ bởi những danh hiệu cao quý, không thể là sự sang ngang tương đồng với những bằng khen hay huân chương! Thước đo đôi khi nằm ngay trong cảm nhận của những người xung quanh. Người thầy giáo già lặng lẽ như thế mà tôi biết – Thầy giáo Đồng Bá Nghĩa, nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT Lạng Giang số 3.


    Tôi nhớ, lần đầu tiên khi về trường, hồi ấy – cô sinh viên non dại, cá tính, mạnh mẽ, được làm cô giáo, tôi phấn khích lắm! Cả thế giới thu lại trong niềm hạnh phúc vì hai tiếng “cô giáo”. Ánh mắt tò mò, lạ lẫm của mọi người khiến tôi chột dạ, rồi tôi lóng ngóng không biết đi vào phòng nào và sẽ nói gì với Ban Giám hiệu. Cái hình ảnh không thể quên được, người thầy giáo có mái tóc bạc trắng với nụ cười hồn hậu và ánh mắt nhân từ chào tôi, hướng dẫn tôi về các phòng ban, hỏi han và khen ngợi tôi. Sau buổi hôm ấy, về nhà để chuẩn bị cho ngày hôm sau đến trường bắt đầu làm cô giáo, tôi không thể ngủ! Nhớ lại, thiết nghĩ mình giống con trẻ khi bước vào lớp Một quá, nhưng bởi lời khen của người Thầy giáo ấy, tôi thấy yêu mến và tự hào với nghề tôi chọn.


    Những ngày tháng sau đó, cũng bảy năm trôi qua rồi, được làm việc với Thầy giáo già chúng tôi yêu mến mái tóc bạc của Thầy lắm. Thực ra, đó là người thấu hiểu lẽ đời, bao dung độ lượng và đức độ. Thầy phụ trách về mảng nề nếp và cơ sở vật chất của nhà trường, vì thế chả thấy mấy lúc những cậu học sinh cá biệt không “tiếp bước” sau Thầy. Nhưng thật kì diệu, mấy cậu nhóc tuổi mới lớn ngang ngạnh, phá phách là thế, thậm chí giương ánh mắt không mấy thiện cảm nhìn chúng tôi, sao lại ngoan ngoãn và thân thiết với Thầy vậy! Có lần chúng tôi ngồi vui với Thầy, dò hỏi bí quyết “trị” học sinh cá biệt của Thầy. Tôi sững sờ khi biết, thầy chẳng có bí quyết gì ngoài sự thấu hiểu tâm lí học trò, dùng đức độ mà răn dạy, dùng khuyên lơn mà đánh thức cái thiện ở học trò. Ngày mới về trường, tôi được giao chủ nhiệm học sinh lớp 11 A10 (Khóa 2013 – 2016), đó là lớp nhiều học sinh cá biệt về nề nếp. Thiếu kinh nghiệm và còn cứng nhắc trong cách xử lí những tình huống vi phạm của học trò, tôi vướng phải không ít rắc rối. Cũng may, người Thầy giáo già ấy luôn là hậu phương vững chắc, âm thầm trợ giúp tôi từ phía sau. Vừa gặp riêng, động viên học trò, vừa giới thiệu với học trò những ưu điểm của tôi để trò dần cảm mến và gần gũi cô, rồi Thầy cũng gọi tôi ra tâm sự như “người học trò lớn”. Từng chút chia sẻ, nói chuyện cởi mở, tôi không có áp lực về khoảng cách sếp – nhân viên. Thầy gợi ý tôi, “Đã bao giờ cháu viết thư tâm sự chân tình với một học sinh cá biệt chưa? Mà cháu à, cháu dạy Văn thì biết đấy, Chí Phèo tưởng chừng là tên lưu manh, kẻ tha hóa, con quỷ làng Vũ Đại, ấy thế mà trong thằng Chí ấy vẫn tồn tại cái đẹp, cái thiện và khao khát hoàn lương. Cháu còn nhớ Giăng – văn giăng còn gì, con người vĩ đại ấy cứu bao nhiêu người, làm bao điều thiện lại là kẻ trốn tù vì tội ăn cắp ổ bánh mì. Con trẻ có hư,có nghịch mới cần sự quan tâm, giáo dục của người lớn. Biết cách giáo dục chúng nó, biết đâu chính những đứa trẻ ấy mới trở thành người vĩ đại? Chúng nó có lệch lạc mới cần nhà trường và thầy cô uốn nắn…” Sau những câu nói ấy, trong đầu một kẻ rõ ràng đúng là đúng, sai là sai như tôi như vỡ ra cái gì đó. Từ hôm ấy, tôi nghĩ nhiều, lắng nghe nhiều, học cách mỉm cười nhiều hơn với học trò. Dần dà, tôi thấy yêu “lũ quỷ nhỏ” và đầy niềm tin. Học trò cũng hiểu và nghe lời tôi hơn. Đó là lớp học thành công đầu tiên của tôi và cũng là lớp học trò bạo dạn dám tổ chức sự kiện để bày tỏ tình cảm yêu mến cô giáo chủ nhiệm trước những ngày lễ quan trọng. Tôi hiểu, đằng sau tôi là người Thầy giáo già, chất keo kết nối, những bài học cho cả học trò nhỏ và học trò lớn chúng tôi. Khi học trò ra trường về thăm tôi kể lại những năm tháng đáng nhớ ở phổ thông, toàn những câu chuyện ngộ nghĩnh gắn bó, xoay quanh người thầy giáo già ấy. Nào Tuyên, Phúc, Thế, Hoàng Anh…mấy cậu hay phạm lỗi và thường xuyên được gặp Thầy, chúng quý Thầy như cha, nhưng chúng nói đôi khi thầy như bạn của chúng em, mọi điều có thể dễ dàng chia sẻ.


    Thi thoảng những giờ ra chơi, chúng tôi thích qua phòng Thầy, một chút nguồn vui tinh thần được tiếp thêm, một vài câu chuyện văn học, cuộc sống được Thầy kể,và có khi là một chiếc kẹo nhỏ, gói cà phê hòa tan…sao mà ấm áp và quý đến vậy! Tôi đã có 05 năm cảm nhận tiếng cười, sự mến yêu từ đồng nghiệp, từ chính vị giáo già ấy. Các anh chị đều yêu quý gọi Thầy là ông xưng con hoặc chú – cháu…hay độc đáo hơn chúng tôi thường trêu “Người chưa từng nổi giận”, “Vị cha già có mái tóc bạc”, “Người có nụ cười ngây thơ đẹp nhất”… Những tình cảm yêu mến ấy đâu phải người cán bộ quản lí nào cũng có. Tôi nhớ đến những câu chuyện về chủ tịch Hồ Chí Minh, sự giản dị, đức tính khiêm nhường, gần gũi mọi người….có lẽ Thầy giáo già ấy đã ghi nhớ và hành động theo tấm gương đạo đức của Người!


    Thoáng chốc, gần 40 năm công tác cho một đời người. Thoáng chốc, tuổi 60 gọi tên – Thầy giáo già ấy đến lúc cần nghỉ ngơi. Nhìn lại cả một hành trình dài trước những thăng trầm biến đổi của nền giáo dục, người Thầy ấy không ngừng nỗ lực, cống hiến và đổi mới mình. Đối mặt với ba lần thay Sách giáo khoa, nhiều cuộc cải cách lớn trong giáo dục, nhiều môi trường và vị trí làm việc khác nhau, Thầy Đồng Bá Nghĩa đã luôn được đồng nghiệp và các thế hệ học trò yêu mến, nhất là được sự tín nhiệm của Sở Giáo dục tỉnh Bắc Giang, Thầy giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng nhà trường THPT Lạng Giang số 3 từ năm 2012 đến năm 2019. Từ một chàng sinh viên trẻ, đam mê với Vật lí, Thầy đã đến vùng đất xa xôi dạy cái chữ, cái tình cho những đứa trẻ Cao Bằng, rồi trở về mảnh đất Bắc Giang quê nhà, Sơn Động từng in dấu chân, và Lạng Giang yêu dấu đã níu đôi chân Thầy. Hơn 10 năm gắn bó với THPT Lạng Giang số 1, khoảng thời gian cũng ngần ấy năm nữa Thầy gắn bó với THPT Lạng Giang số 2, tôi không biết nhiều về vị giáo già ấy, tôi chỉ nhớ đã từng được cô Liên THPT Lạng Giang số 1, cô giáo chủ nhiệm và dạy Văn cũ của tôi đã từng kể về người bạn, đồng nghiệp Đồng Bá Nghĩa trong một ngày tôi về thăm Cô. Trong lời kể đầy yêu mến, thán phục, nghĩa tình của năm tháng gian khó, Thầy giáo già ấy hết lòng giúp đỡ mọi người, vẫn là nụ cười hồn hậu, sự chân thành và nhẹ nhàng ấy. Ngày đó, tôi chưa biết Thầy là ai nhưng ấn tượng về một thầy giáo như thế! Và thực sự tôi đã cảm nhận được nét đẹp nhân cách nhà giáo và phương pháp quản lí hết sức đặc biệt – tôi thiết nghĩ đó là “đức trị”! Con người thuần hậu, gần gũi, nhẹ nhàng, sống thanh bạch, giản dị là niềm cảm phục lớn trong lòng mỗi giáo viên trường THPT Lạng Giang số 3 chúng tôi!


    Gần 40 năm gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nhiều thế hệ học trò luôn yêu mến và vẫn ùa về thăm Thầy mỗi dịp kỉ niệm ngày lễ tôn vinh Nhà giáo Việt Nam. Người thầy giáo già của chúng tôi đã nghỉ hưu và lui về làm hậu phương cho nhiều thầy cô giáo cần sự giúp đỡ về chuyên môn, giáo dục. Những năm tháng giờ đây, Thầy vui vầy bên gia đình nhỏ nhưng vẫn luôn có những nghĩa cử cao đẹp như: dạy sửa chữa đồ điện tử, giảng giải về kiến thức vật lí, kiến thức ứng dụng của môn học với các thiết bị hàng ngày mà lũ trẻ cần biết. Người thầy giáo ấy vẫn bình lặng như mùa thu trong chúng tôi, trong những câu chuyện mỗi ngày chúng tôi gặp nhau – tấm gương của “giáo dục bằng yêu thương và sẻ chia”!


    Tác giả: Nguyễn Thị Anh – GV Văn trường THPT Lạng Giang số 3

    Người thầy giáo già lặng lẽ
    Người thầy giáo già lặng lẽ
    Người thầy giáo già lặng lẽ
    Người thầy giáo già lặng lẽ
  4. Top 4

    Viết cho người thầy trong trái tim em...

    Thầy ơi! Không biết thầy có còn nhớ em trong số lũ học trò lóc nha lóc nhóc ngày ấy. Con bé xương xẩu, ăn mặc phong phanh giữa mùa đông giá, chân tím ngắt co ro trong đôi dép nhựa sứt quai.


    Chiếc xe đạp vành méo xệch, bàn đạp cong queo chở thầy lẫn trò vượt con đường đất đỏ già cây số, gập ghềnh ổ gà để tới lớp năng khiếu huyện. Cái lớp học ấy, bao phen “gạn đục khơi trong”, chỉ còn vỏn vẹn có ba đứa học trò. Mới lớp 5 mà một đứa mê làm thơ. Một đứa mê cổ tích. Đứa còn lại tâm hồn lúc nào cũng như treo ngược cành cây.


    Ngày ấy được học văn thầy sao mà say mê. Em cứ nâng niu cuốn sách thầy cho: tuyển tập những bài văn đạt giải cao trong các kỳ thi sinh giỏi. Say sưa với câu, vần. Đã biết dồn cảm xúc vào bài làm sao cho nên lời, nên ý.


    Lớp học chỉ có ba học trò mà vẫn ồn ào, sôi nổi xung phong tranh luận. Tập vở được cắt xén, tiết kiệm hết mức, dành dụm từ năm này sang năm khác đã chi chít lời thầy giảng. Em đã thầm ngưỡng mộ giọng văn thầy trong những tiết học đầu đông, lá bàng đỏ quạnh, co ro thầy trò.


    Bài văn nhỏ bằng bàn tay, dung dị đến thế mà sao chất chứa cả một trời yêu thương. Thầy ngồi cạnh, sửa những lỗi chính tả ngây ngô. Sửa một chữ, hai chữ, ba chữ... Mắt thầy nheo lại, trán nhăn tít sau gọng kính ố vàng. Học trò ngẩn người, từ đó biết cẩn thận mỗi khi đặt bút.


    Có hôm lén đem tập Thơ tình Xuân Diệu lên lớp, cắm cúi đọc dưới gầm bàn. Thầy nghiêm khắc phạt đứng lên cuối lớp. Thầy ơi, có phải thầy nghĩ lớp 5 thì chưa nên đọc những điều của người lớn... Thầy lắc đầu. Học văn là học làm người. Học phải có nơi có lúc, học còn phải phù hợp. Trò tự tìm hiểu, không cần thầy dẫn dắt, dễ sa vào cảm tính, rồi sẽ hời hợt với cả một thời đại thi ca…


    Em đã nghe như nuốt từng lời thầy hôm ấy.


    Thầy còn nhớ không thầy, bài văn tả “con mèo nhà em”... Ai đời mèo lại có cả “nốt ruồi son trên cánh mũi”. Mặc các bạn cười, em vẫn bảo vệ chú mèo ngoan của mình. Thầy đọc bài làm trẻ con, dịu dàng và độ lượng: “Biết đâu chả có một con mèo như vậy, nếu như ta ưu ái giúp nó có thêm cái nốt ruồi duyên!”. Thầy bao giờ cũng vậy. Ân cần, an ủi.


    Rồi lớp chỉ còn hai học sinh. Một bạn xin nghỉ để chuyển sang môn chuyên khác theo “gợi ý” của bố mẹ. Chỉ còn thầy với hai đứa trò nhỏ vẫn vô tư, ríu rít như chim sẻ. Sắp đến ngày thi, thầy vẫn ung dung với mỗi bài giảng mới. Văn là dòng chảy cuộc sống bất tận. Thầy dạy các em đôi mắt tinh tế khi nhìn dòng chảy ấy…


    Rồi thầy xoa đầu cô trò nhỏ của thầy: Giọng văn được, có cảm xúc, sáng tạo, nhưng... chữ xấu tệ. Em hãnh diện, nép vào lưng thầy cười rúc ra rúc rích. Với thầy, em lúc nào cũng là cô trò ngoan, thầy nhỉ!


    Rồi những kỳ thi qua. Những giải thưởng kéo theo những chuỗi ngày học và học dài đằng đẵng. Em càng yêu văn hơn. Mơ mộng được trở thành cây bút tên tuổi. Vô tâm với tuổi thơ bé dại, với phố huyện nhỏ và con đường đất đỏ ngày hai buổi tới trường.


    Chắc thầy đã già lắm. Ký ức tuổi 12 không giúp em tìm lại được thầy. Cuộc sống xô bồ, trôi chảy mãnh liệt. Cô trò nhỏ ngày nào giờ đã trở thành người cầm bút thực thụ.


    Bỗng một hôm nào đó nghe bài hát “Những điều thầy chưa kể”, giật mình thấy nhớ quá, nhớ đến quay quắt ngày hôm qua bình yên. Nơi đó có thầy, người đã dìu em những bước đi đầu tiên. Người đã nắn ngón tay viết từng lời từng chữ của bài văn nhỏ.


    Tác giả: Lưu Trang

    Viết cho người thầy trong trái tim em...
    Viết cho người thầy trong trái tim em...
    Viết cho người thầy trong trái tim em...
    Viết cho người thầy trong trái tim em...
  5. Top 5

    Tri ân thầy cô

    Tôi không biết bạn định nghĩa thế nào về hai tiếng “thầy cô”, nhưng với tôi, THẦY CÔ LÀ CHA MẸ. Thầy cô không mang ta đến thế giới này, nhưng bù lại, họ cho ta phần hồn, phần kiến thức, cho ta có cơ hội nắm bắt cả cuộc sống !


    Tháng 11 về với những đợt gió lạnh quấn quýt các con đường trên làng quê, con chợt bất giác rằng, tháng này là tháng tri ân... Từ ngày con bắt đầu lớp vỡ lòng, đến nay đã là qua hết 11 cái ngày 20 tháng này rồi, nhưng ngày 20-11 năm thứ 12, con thấy một điều gì đó bâng khuâng, tiếc nuối và cả sợ hãi. Rồi mai đây, một ngày rất gần thôi, con xa mái trường, xa thầy cô, liệu trong dòng chảy của thời gian và dòng xoáy của cuộc đời, có lúc nào con tự nhủ mình phải về thăm lại thầy cô không? Con sợ lắm cái cảm giác dòng đời cuốn con ra xa, xa dần với những ngày tri ân thầy cô !


    Con phải bắt đầu từ đâu để kể hết những công lao to lớn, những kỉ niệm chẳng mấy dễ quên bên thầy cô, bên bè bạn đây? Hai năm có lẻ rồi, con sống dưới mái trường, trong sự quan tâm dạy dỗ của thầy cô, trong sự yêu thương giúp đỡ của bạn bè. Ba năm trung học phổ thông chẳng mấy chốc mà trôi qua, nó tựa như một giấc ngủ trưa chẳng đầy, khi mở mắt ra con người ta đã qua cái tuổi học trò hồn nhiên!


    Thầy cô đối với chúng con bằng cả một tấm lòng, nhưng những đứa trò vô tâm này chưa bao giờ dám cất lên lời cảm ơn đến thầy cô cả. Khi thầy cô chẳng quản ngại mệt mỏi để tận tụy bài giảng cho chúng con thì những đứa trò này lại vội vàng vơ sách vở cất vào cặp khi thấy đồng hồ gần điểm giờ về. Chúng con xin lỗi, vì sự vô tâm của chúng con. Vậy con xin mượn ngày 20-11, mượn câu chữ để bày tỏ những gì biết ơn sâu sắc đến người. Nếu như những người trong nghề khác đẹp khi họ được điệu đà, diện những bộ quần áo lung linh, được make-up cầu kì thì với thầy cô, thầy cô đẹp nhất lúc cần cù bên trang giáo án, lúc say sưa trong bài giảng trên lớp, lúc ân cần chỉ bảo cho chúng con những điều hay, lẽ phải, và kể cả lúc phạt chúng con vì đôi lần lỡ vi phạm nội quy của lớp, của trường! Chúng con ngày một trưởng thành hơn, là lúc thầy cô cũng có thể nở nụ cười. Con từng nghe thấy một câu nói rất hay rằng: “Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh của mình đang trưởng thành, lớn lên...”. Nhưng con đâu hay biết rằng, đằng sau nụ cười ấy, là những nỗi vất vả, những lo âu của thầy cô cho những ngày lắng lo cho những đứa trò nhỏ. Con thấy tóc thầy điểm bạc, con thấy dáng cô hao gầy,... con biết phải làm sao, làm sao đây để có thể quay ngược thời gian lại những ngày con nghịch ngợm, phá bĩnh để thầy cô ưu phiền, hay để có thể ngăn lại tiếng tích tắc của chiếc kim đồng hồ cứ quay từng ngày đủ 24 tiếng. Thầy cô ơi, con biết làm sao?


    Năm nay con là học sinh cuối cấp, con với các bạn cùng khóa năm nay đang chơi vơi trong nhiều ngã rẽ. Trên con đường phía trước hàng trăm ngả. con biết làm thế nào để lựa chọn đúng một con đường. Có người bảo con rằng, hãy đi bên phải. Nhưng người kia lại bảo phải đi bên trái, và có người thì bảo con rằng hãy đi thẳng. Nhiều khi con hoang mang đến thẩn thơ vì chọn lớp, chọn trường, xác định đam mê.


    Nhiều khi con muốn bỏ tất cả để đi theo cảm tính của bản thân, nhiều khi con đã từng muốn nhắm mắt mặc mọi thứ tự trôi qua. Nhưng chính lúc ấy, thầy cô lại đến bên con, đặt bàn tay lên đôi vai con và dẫn dắt con đi đến con đường đầy những ước mơ chân thiện. Con thấy trong bước chân của thầy cô có cả một con đường lớn trải rộng và dài. Con thấy trong đôi mắt thầy cô là cả một bầu trời hoài bão. Quả thực nếu không có thầy cô, con chẳng khác chi “một con thuyền không bánh lái” !


    “Thời gian qua, mùa thu nay có khác
    Bao chuyến đò qua chốn ấy sông sâu
    Nghĩa thầy cô một đời không trả hết
    Dẫu đời con qua biết mấy nhịp cầu.”


    Thầy cô kính mến, dẫu con có đi hết vạn nẻo nhân gian, dù con có đạt được nhiều điều mong muốn thì con vẫn hiểu rằng chẳng bao giờ có thể đi hết những lời thầy cô truyền đạt. Từng bài học trong giáo trình phổ thông , có thể bài con nhớ, bài con quên nhưng những bài học về cách thành nhân mà thầy cô dạy thì con sẽ nhớ suốt đời. Từng chuyến đò tri thức cập bến là một lớp người giúp ích được cho xã hội, thầy cô đã nâng niu, vun đắp cho chúng con tất thảy mọi thứ. Nhưng bao lâu rồi, người vẫn cứ thầm lặng như vậy, âm thầm dìu dắt, âm thầm hi sinh. Bao nhiêu biết ơn cho đủ để con dành đến người?


    Quá khứ trôi qua không bao giờ lấy lại được, nhưng chắc chắn nó sẽ không bao giờ phai nhòa trong ký ức của con. Bàn tay của thầy cô dìu dắt như thắp sáng thêm trên biển lớn một ngọn hải đăng rực sáng. Con muốn cảm ơn thầy cô nhiều lắm, những cống hiến lặng lẽ của người cho sự nghiệp trồng người. Ngày 20-11 gần đến, đứa trò nhỏ này xin mạn phép đại diện cho tất cả các bạn học sinh dưới mái trường THPT Tây Tiền Hải xin gửi lời chúc tốt đẹp và niềm biết ơn sâu sắc đến quý thầy cô. Kính chúc quý thầy cô luôn sức khỏe, nhiệt huyết và yêu nghề, ngày càng có nhiều thế hệ học trò ngoan ngoãn, có tài, có đức, có ích cho xã hội:


    ”Mùa qua mùa, bụi thời gian rơi rắc
    Nên tóc thầy một sáng bỗng bạc thêm
    Trời xanh vẫn bình yên ngoài cửa lớp
    Chữ nghĩa tình muôn thuở chẳng nguôi quên.”


    Tác giả: Tô Tuyết Trinh

    Tri ân thầy cô
    Tri ân thầy cô
    Tri ân thầy cô
    Tri ân thầy cô
  6. Top 6

    Gia tài thầy để lại

    Chúng tôi đi dọc theo triền sông men theo những nương dâu đang mùa thay lá chỉ còn trơ ngọn phất phơ trong nắng chiều thu vàng vọt. Những cơn mưa mùa làm cho lớp đất trên con đường mòn ven bờ nhão ra bết đầy trên dép. Con đường ngày còn bé chúng tôi vẫn thường men theo lối tắt đến ngôi trường làng chẳng có đổi thay là mấy. Có chăng là những bụi rậm ven bờ và mấy cây lộc vừng nằm sát mé sông đã không còn nữa. Ba đứa chúng tôi sải những bước chân hoang hoải mặc cho những cơn gió chiều lành lạnh thổi làm lòa xòa mái tóc. Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới trở lại nơi này, nơi lưu dấu bao ký ức ngọt ngào của những ngày còn bé cắp sách tới trường làng, nơi đã ươm mầm cho ước mơ đầu đời của chúng tôi bay xa và trở thành hiện thực.


    Mấy đứa chúng tôi cứ bước đi lặng lẽ mà chẳng ai nói với ai một lời nào sau khi đưa tiễn người thầy mà chúng tôi hết mực yêu thương về với đất mẹ. Ký ức tuổi thơ của những ngày đầu đi học cùng thầy giờ cứ chực trào, thổn thức trong tim của những đứa học trò mái đầu giờ đã lốm đốm bạc. Có lẽ trong lòng mỗi chúng tôi lúc này đang miên man ngược về một miền xa lắc nên chỉ nghe tiếng của những đôi dép khua loạt xoạt vào đám cỏ ven đường. Sau khi tiễn thầy một đoạn đường trần gian cuối cùng, chúng tôi muốn đi lại trên lối mòn ngày xưa dù giờ đã vắng bước chân của người chèo chiếc đò làng. Những học trò nhỏ năm nào được thầy cưng chiều nhất đang lần những bước chân tìm về chốn xưa trong một chiều thu buồn lặng. Nhận được tin thầy Hồng ra đi, chúng tôi không phải quá ngạc nhiên vì căn bệnh ung thư quái ác đã hành hạ thân xác đến tận mấy năm trời lúc thầy vừa rời bục giảng nhận quyết định về hưu. Tôi kéo tay hai đứa bạn ngồi xuống vệ cỏ nơi ngả rẽ dẫn vào con đường đến ngôi trường làng nằm ở giữa đồng. Nga, cô bạn dạy ở thành phố đã lâu rồi không đi bộ trên những con đường đất gồ ghề giờ thấm mệt nên nằm sãi ra trên bãi cỏ mà thở. Tôi buông một câu phá vỡ không khí trầm lặng lúc nãy giờ:
    - Tao nhớ nhất câu khuyên của thầy lúc rời trường làng. Câu nói như lời tiên tri đã gắn tao với nghiệp sư phạm “ráng học cho giỏi lớn lên làm cô giáo, thầy giáo nghen các con”.


    Sau câu nói ấy, cả ba chúng tôi đứa nào cũng ngước mặt nhìn lên bầu trời chiều cố nén để tránh những đôi mắt ầng ậc nước cứ chực trào.


    Ngày còn thơ bé, thầy Hồng là thần tượng của lũ nhỏ học trò ở ngôi trường làng này. Trong con mắt của đám học trò nheo nhóc đáng thương ngày ấy, thầy là người siêu phàm vì cái gì cũng biết, cũng làm được. Giọng nói trầm trầm của thầy lúc giảng bài đã cuốn hút tôi từ những ngày đầu được thầy dạy. Tôi thần tượng thầy chẳng khác gì giới trẻ bây giờ thần tượng mấy ca sĩ tận bên xứ Hàn. Chính tác phong, tính tình hiền hậu, gần gũi của thầy làm cho vô số những cô cậu học trò nghèo quần áo rách bươm trong cái xóm nhỏ này trở nên ham học. Trong cái cặp đi dạy nhăn nhún của mình luôn có sẵn kéo để cắt tỉa mái tóc vàng hoe vì rám nắng của mấy cậu trò nhỏ hay có cả cây kim, sợi chỉ để khâu lại mấy cái cúc áo vì ham chơi mà đứt. Trong những ngày mưa gió, thầy còn leo lên tận trên mái để thay mấy viên ngói vỡ cho khỏi dột hay che chắn cái cửa sổ cho chúng tôi khỏi bị gió lùa vì đứa nào ngày ấy cũng phong phanh tấm áo chẳng ra hồn. Chính tình thương như người cha dành cho những đứa con nhỏ mà thầy Hồng trở nên vĩ đại trong mắt của những đứa học trò nơi ngôi trường làng này. Ai ai cũng quý mến thầy từ người già đến con trẻ. Sự nhiệt thành của thầy như dành hết cho đàn trẻ thơ chỉ mong sao chúng tôi lớn khôn hơn để vượt qua cái lũy tre làng đầu xóm mà bơi ra biển lớn, để hơn thế hệ của thầy và ba mẹ chúng tôi. Thấy mấy đứa nhỏ trong xóm bỏ học đi chăn bò giúp gia đình, thầy xót xa nên hàng đêm cứ lặn lội đến từng nhà động viên rồi có khi kéo về nhà mình kèm thêm để chúng theo kịp bè bạn. Lòng nhiệt tình của thầy đã làm lay động nhiều bậc phụ huynh và nhờ thế mà nhiều bạn nhỏ trong cái xóm nghèo này thoát mù chữ.


    Những ngày cuối cùng ở lớp năm trường làng, thầy quàng vai tôi căn dặn phải ráng học cho thật giỏi để sau này làm nhà giáo mà thay thế thầy dạy bảo các em nhỏ làm tôi rưng rưng xúc động. Chính hình ảnh của thầy và những lời động viên năm xưa ấy là nguồn động lực để tôi quyết tâm theo ngành sư phạm cho đến tận giờ. Trong muôn vàn khó khăn của cuộc sống có lúc tưởng chừng như không vượt qua được, hình ảnh thầy Hồng đã giúp tôi trụ vững mà ở lại gieo cái chữ cho bọn trẻ nơi miền trung này. Những lần về thăm lại thầy nhân ngày nhà giáo, bao giờ chúng tôi cũng thấy nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt đã hơn nữa đời người gắn bó với con trẻ. Thầy đã dành hết thanh xuân và gần như cả cuộc đời của mình ươm những mầm cây non và gieo vào chúng tôi những bài học giá trị đầu đời để tạo đà cho những mầm cây ấy vươn xa hơn. Trong nụ cười ấy tôi thấy có cả sự mãn nguyện khi chúng tôi đã tiếp bước thầy như mong ước ngày xưa. Thầy luôn khuyên bảo chúng tôi lạc quan dù cho bây giờ xã hội có bạc bẽo với nghề sư phạm đi chăng nữa. Những năm sắp về hưu, thầy già đi từng ngày nhưng ngọn lửa nghề trong lòng vẫn âm thầm cháy đến những giọt dầu cuối cùng. Những tưởng nhận quyết định về hưu sẽ là lúc thầy rời bục giảng, buông những viên phấn trắng để vui thú điền viên tuổi già nào ngờ đâu cơn bạo bệnh lại ập đến. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh lúc tôi đến thăm, thầy vẫn ân cần cầm tay tôi dặn dò tiếp tục ở lại với nghề mà dạy dỗ các em nhỏ chứ đừng vì khó khăn chán nản mà bỏ. Thế mới biết nghiệp sư phạm đã vướng vào thầy đến những giây phút cuối. Tôi nắm chặt đôi tay gầy guộc, đôi bàn tay cầm phấn cả một đời người mà nước mắt cứ rơi mặc cho bao người qua lại nơi bệnh viện đông đúc vì biết rằng cái ngày rời xa đôi bàn tay ấy đã đến rất gần rồi. Vẫn biết vòng sinh lão bệnh tử của tạo hóa nhưng sao lại quá bất công với người thầy mà tôi hằng quý mến. Gia tài thầy để lại cho đời trước lúc xa lìa thế giới phồn thực này là những bài học làm người. Là tình thương vô bờ bến dành cho những đứa trẻ con nơi xóm nghèo. Là ước mơ mà thầy đã ươm mầm kể từ khi chúng tôi còn bé như cái kẹo. Là con đường đến với bầu trời bao la bên kia lũy tre ven sông mà những lúc giảng bài thầy hay nhắc đến. Hãy an nghỉ thầy nhé! Trường xưa vẫn còn mãi vang vọng tiếng thầy dù xác thân có về với đất mẹ. Em sẽ thay thầy tiếp tục chèo con đò nhỏ đưa những lữ khách đáng yêu cập những bến bờ lớn hơn. Thầy mãi mãi là thần tượng trong lòng của chúng em thầy ạ!


    Gió từ dòng sông quê vẫn mãi thổi qua cánh đồng có ngôi trường làng giờ đã thay bằng ngôi trường hai tầng bề thế. Con đường vào trường đã bê tông hóa nhưng giờ như thênh thang hơn khi thiếu vắng những bước chân của thầy giáo già. Gió ơi hãy nhè nhẹ ru giấc thầy ta nhé để thầy được ngủ sau cả một đời người mệt nhoài. Trời đã tắt nắng từ lúc nào. Ba đứa học trò thả lòng mình theo những cánh chim chiều đang sải những đôi cánh mỏi về hướng núi nơi người thầy yêu dấu vừa yên nghỉ mà như muốn nhắn gởi những điều chưa nói hết cùng thầy. Tôi hối hai cô bạn của mình về kẻo không thấy đường đi vì lối mòn thân quen ấy giờ cũng trở nên xa lạ. Khoảng lặng hiếm hoi chiều nay chúng tôi dành tặng thầy mình cũng là phút giây cho những trái tim đã sắp già nua thổn thức những nhịp đập của thời con trẻ. Ngày mai chúng tôi lại trở về với công việc giảng dạy thường ngày và trong những lời giảng của những người học trò nhỏ ngày nào chắc chắn sẽ có chút gì trong “gia tài” mà thầy để lại.


    Tác giả: Bùi Duy Phong

    Gia tài thầy để lại
    Gia tài thầy để lại
    Gia tài thầy để lại
    Gia tài thầy để lại
  7. Top 7

    Lời thầy cô mãi mãi vẫn nhớ

    Có lần, tình cờ tôi được nghe một bài hát với giai điệu và ca từ rất tha thiết, chân tình, giàu hình ảnh như một câu chuyện kể:


    “Lời Thầy Cô, mãi mãi vẫn nhớ, mãi mãi vẫn nhớ ghi trong cuộc đời,
    Những Công ơn năm xưa đã cho ta hôm nay, ngày mai”[1]


    Tôi đã lắng nghe bài hát ấy với một cảm xúc lạ. Những ca từ trong trẻo, đong đầy nhiều kỷ niệm ngỡ như một tiếng vọng xa xưa, gợi nhớ trong tôi về những Thầy Cô giáo của mình.


    Người Việt Nam luôn nêu cao tinh thần tôn sư trọng đạo mà ông cha ta đã truyền dạy từ bao đời nay: "Nhất tự vi Sư, bán tự vi Sư", “Không Thầy đố mày làm nên”. Ai cũng đã từng một thời cắp sách tới trường. Và trên bước đường sự nghiệp, công danh....không thể vắng hình bóng người Thầy. Chính Thầy Cô đã trang bị cho học sinh những kiến thức để làm hành trang bước vào đời, chắp cánh cho những ước mơ được bay cao. Những bài học của ngày hôm qua, có khi đến tận hôm nay tôi mới thấu hiểu hết. Đúng là học trò đâu chỉ trưởng thành bằng nguồn kiến thức và người Thầy cũng đâu chỉ dạy cho học sinh giải toán, làm văn. Thầy Cô còn gửi gắm muôn vàn tâm tình, truyền cho học sinh nhiều điều thiêng liêng, kỳ diệu khác.


    Thuở ấu thơ, từ những ngày đầu đi học, chúng tôi đã được Thầy Cô uốn nắn từng nét chữ, giảng giải cho biết thế nào là “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “Công Cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”... Những bài học đầu tiên về lễ nghĩa, về đạo làm người ấy không thể phai mờ trong ký ức.


    Tôi đã được đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều và cũng đã học được nhiều điều trong cuộc sống, nhưng duy chỉ có một điều tôi vẫn chưa thực hiện được là nói lời cảm ơn đến Thầy Cô giáo cũ. Chính sự ngại ngần này đã khiến “người học trò nhiều tuổi” trăn trở suốt bao năm qua. Và thật lạ, mỗi khi nhớ về Thầy Cô, hình ảnh sâu đậm nhất trong miền ký ức của tôi chính là bóng dáng người Thầy với tấm lòng bao dung, sống thanh bạch, giản dị rất “đời thường”: áo sơ mi sờn bạc, chiếc cặp đã phai màu theo năm tháng, chiếc xe đạp cũ và đôi mắt hiền sau cặp kính trắng. Những hôm trời mưa như trút nước, Thầy trùm mảnh ni lông che vừa đủ chiếc cặp trong giỏ xe và hai vạt áo. Giáo án thì khô mà lưng áo Thầy lại ướt!


    Nhớ về Thầy, tôi không thể nào quên những ngày mưa rả rích, Thầy thương học trò không có áo mưa nên ở lại chờ khi mưa tạnh mới yên tâm ra về. Chẳng biết từ bao giờ, Thầy đã trở thành người bạn đồng hành cùng chúng tôi. Mấy mươi năm rời xa mái trường phổ thông, hình ảnh đẹp tôi mang bên mình vẫn là hành động Thầy giơ tay chào học sinh khi ngày đầu đến nhận lớp.


    Biết bao thế hệ học trò đã lớn lên, trưởng thành hơn từ những bài học không lời quý giá như thế. Những bài học không có trong giáo án, chỉ bắt gặp ở trang sách của cuộc đời, cho nên dù thời gian có lật sang bao nhiêu trang đi nữa… vẫn cứ đẹp, cứ sáng ngời ý nghĩa cao cả.


    Tôi nhớ đến Thầy Cô – những nhà giáo tận tâm – bằng lòng thành kính. Những kiến thức sách vở mà Thầy Cô dạy có thể sẽ mai một theo thời gian, nhưng lời Thầy Cô dạy học sinh cách sống cho trọn đạo hiếu, sống sao cho có ý nghĩ thì chẳng thể nào phai nhạt. Thầy Cô đã dạy cho học sinh rất nhiều điều ngoài trang vở. Chúng tôi đã được nghe kể về những nỗi niềm “khát chữ” của thế hệ Thầy Cô. Thầy Cô chỉ biết lấy việc học làm niềm vui, làm đích vươn lên để thoát nghèo, thoát khổ và để sống cho đáng sống với tư cách làm người.


    Lời Thầy Cô, tôi mãi mãi vẫn nhớ: “Sống trên đời phải có niềm tin và nỗi sợ”. Và từ bài học “ngoại khóa” ấy, tôi biết sợ ánh mắt thất vọng của người thân mỗi khi tôi không đạt được kết quả tốt để càng cố gắng vươn lên. Những khi lạc mất niềm tin, tôi nhớ đến câu chuyện về cuộc đời Thầy. Dù cuộc sống còn lắm khó khăn nhưng lúc nào Thầy cũng lạc quan, thỉnh thoảng còn hóm hỉnh: “rên hèn, van yếu đuối”[2]. Từ bài học thầy dạy, tôi thực sự hiểu rõ: “Không có niềm tin thì làm việc gì cũng khó thành công” và thầm cảm ơn Thầy Cô đã cho tôi biết tin yêu vào cuộc sống, đã dìu dắt để tôi hiểu tình người mang đầy ý nghĩa và cho tôi nhìn rõ trong mỗi người đều tiềm ẩn những vẻ đẹp cùng khả năng riêng, quan trọng là biết phát hiện và phát huy nó. Tôi hiểu đó là những lời khích lệ để chúng tôi – những học trò của Thầy Cô - luôn vững vàng, cứng cáp trên đường đời. Thầy Cô cũng đã truyền cho chúng tôi một niềm tin mãnh liệt vào chính bản thân mình để khơi dậy ngọn lửa của lòng đam mê, biết rèn luyện để mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn với bản thân mình. Tôi đã từng mặc cảm, tự ti vì gia đình mình nghèo; sợ sệt vì không có một sức khỏe bình thường như các bạn. Giữa những hoang mang, lo lắng, tôi đã kịp nhận được sự quan tâm, động viên của Thầy Cô: “Cuộc sống sẽ có ý nếu biết lấy nghịch cảnh để mài dũa bản thân”. Khi tôi chùn bước hoặc có lúc không thể làm được một việc gì thì bàn tay ấm áp của Thầy Cô lại nhẹ nhàng nâng đỡ, truyền cho tôi thêm nghị lực: “Khi người ta sống hời hợt, thiếu tự tin thì làm việc gì cũng khó thành công”. Với riêng tôi, đó là những lời yêu thương xuất phát từ trái tim người Thầy, người Cô chân chính, dõi theo cả đời mình. Đến bây giờ, bước chân tôi đi có lúc vững vàng, có khi chệch choạc, vội vã hay ngập ngừng, … thì những tình thương mà Thầy Cô đã trao cho ngày nào chính là kim chỉ nam để hướng tôi đi đúng đường.


    Thầy Cô – hai tiếng thân thương tôi mang trong tim suốt cuộc đời. Dẫu có đi hết chiều dài của cuộc sống, tôi vẫn chưa đi hết lời Thầy Cô chỉ dạy. Nếu có ngày được bước lên đài vinh quang thì tôi mãi luôn ghi nhớ người nâng bước cho tôi trên từng bậc thang là đôi tay không bao giờ mệt mỏi của các Thầy Cô. Cái ngày xưa của một thời kỷ niệm đã qua đi, sẽ không bao giờ quay lại nhưng những hồi ức về một thưở đến trường nhận được sự chỉ dạy ân cần của Thầy Cô sẽ không bao giờ phai nhòa trong mỗi học sinh. Thầy Cô đã dìu dắt chúng tôi, dạy chúng tôi học cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng: “chấp nhận bài thi bị điểm thấp còn vinh dự hơn gian lận trong thi cử”. Thầy Cô cũng dạy chúng tôi biết quý thời gian, trọng chữ tín, chỉ cho chúng tôi phương cách sống để giữ lòng trong sạch, nhắc nhở chúng tôi rằng: “Tính cách là những gì ta có được từ môi trường nuôi dưỡng, giáo dục” và “lỗi lầm lớn nhất mà con có thể mắc phải chính là mất thời gian để biện hộ cho lỗi lầm của mình”. Thầy Cô ơi! Bao nhiêu năm qua, học sinh của Thầy Cô vẫn luôn tâm niệm: “Không gì sưởi ấm cho ta bằng lửa tự trọng trong tâm hồn”. Thầy Cô đã truyền cho chúng tôi sự kiên nhẫn, niềm vui của việc đọc sách, hướng cho chúng tôi tiếp cận những giá trị nhân văn để có những trải nghiệm cuộc sống và biết cảm nhận số phận con người: “Không được chế giễu nỗi đau của người khác, biết cư xử tốt với mọi người bắt đầu bằng việc nghĩ về điều tốt của họ”. Không ai trong lớp quên được mỗi khi giao những bài tập làm thêm, Thầy luôn gửi kèm một lời nhắn nhủ: “Ai chưa hiểu thì hỏi nhé!”. Ngắn gọn và bình dị là thế nhưng chan chứa biết bao tình thương. Như được dịp, cả lớp cứ nhao nhao lên: “Thầy ơi, cho em hỏi”, “Thầy ơi, sao lại thế”, “Thầy ơi, giúp em”, “Thầy ơi, Thầy ơi”…khiến Thầy phải nói không ngừng nghỉ. Đâu chỉ có thời gian chạy, Thầy cũng mệt nhoài vì chạy theo từng thắc mắc của chúng tôi ngay cả khi đã quá giờ ăn trưa. Chính vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao cả của Thầy Cô là một tấm gương sáng để học sinh soi vào, chiêm nghiệm và tự hoàn chỉnh mình.


    Thời gian trôi qua, giờ ngẫm lại mới thấy thấm thía: “Bước chân đi hôm nay, có ai quên đôi tay người xưa”[3]. Thầy Cô đã gieo hạt giống tri thức, thắp sáng trí tuệ, nuôi dưỡng tâm hồn, truyền ngọn lửa tinh thần… để chúng tôi mạnh dạn bước tiếp và trở thành người có ích. Qua nhiều năm tháng, có ai đếm được bao nhiêu “chuyến đò” Thầy Cô đã chở? Bao nhiêu ước mơ, khát vọng đã được Thầy Cô chấp cánh để vươn lên? Chỉ biết rằng, dù tóc đã bạc, mắt không còn tinh anh nhưng Thầy Cô vẫn luôn giữ vững tay chèo, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Bởi, với Thầy Cô: “Thành công trong đời người làm nghề giáo không phải là một thành quả hữu hình nhưng có một giá trị lớn lao không vật chất nào sánh bằng, đó chính là sự trưởng thành, lớn khôn về học vấn và nhân cách, phẩm chất của lớp lớp học trò”.


    Tất cả chúng tôi đều cảm nhận sâu sắc những ngày tháng được Thầy Cô dạy bảo là những ngày hạnh phúc và vui nhất của lứa tuổi học trò. Niềm vui, niềm hạnh phúc ấy kết thành những kỷ niệm về tình nghĩa thầy trò, mãi mãi sáng đẹp và đáng trân trọng biết bao. Muốn cảm ơn Thầy Cô thật nhiều, nhưng làm sao kể hết ân tình và cũng không thể viết thành lời chúc cho đầy đủ và tròn trĩnh được, vì công lao và sự đóng góp của Thầy Cô trọn vẹn hơn rất nhiều. Niềm kính yêu trân trọng đó, lớp lớp học sinh của Thầy Cô ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau luôn khắc ghi:


    "Nghĩa Thầy Cô một đời không trả hết
    Dẫu đời con qua mấy nhịp cầu”


    Với công việc thầm lặng, khó nhọc nhưng vô cùng cao cả, vinh quang, Thầy Cô giáo - dù ở đâu, trong bất cứ thời đại nào – cũng luôn luôn phải được trân trọng, tôn vinh. Tôn kính người Thầy không chỉ là nghĩa vụ mà còn là nghĩa cử cao đẹp của mỗi người học trò và của xã hội. Phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc không phải chỉ trong một ngày mà trong mỗi ngày của cuộc đời chúng ta.


    Ngày Hiến chương Nhà giáo đang đến rất gần. Những bài hát ca ngợi, tri ân Thầy Cô lại rộn ràng vang lên.


    *****

    [1] Ca khúc: Lời Thầy Cô – Sáng tác: Nguyễn Đức Trung
    [2] Trích một câu trong thơ Tố Hữu
    [3] Ca khúc: Lời Thầy Cô – Sáng tác: Nguyễn Đức Trung


    Tác giả: Mai Mai

    Lời thầy cô mãi mãi vẫn nhớ
    Lời thầy cô mãi mãi vẫn nhớ
    Lời thầy cô mãi mãi vẫn nhớ
    Lời thầy cô mãi mãi vẫn nhớ
  8. Top 8

    Nhớ hoa con tặng cô thầy

    Buổi sáng của một ngày tháng 11,nắng vẫn vàng nhạt và cái lạnh chỉ vừa se se, dìu dịu, mênh mang ... Tôi lại nhớ ngày xưa, khi tôi còn là một đứa học trò nhỏ ở thôn quê,vào cái thời mà cha mẹ nhiều khi còn muốn con bỏ học để đỡ đần việc đồng áng.


    Ấy là vào khoảng giữa đông, khi cái rét cắt da cắt thịt len lỏi khắp nơi cũng là lúc chúng tôi háo hức vì sắp được đi thăm thầy cô. Háo hức vì lòng yêu thầy cô nhưng có lẽ trong suy nghĩ non nớt và giản đơn của chúng tôi lúc ấy, sự háo hức cho một ngày được tung tăng cùng chúng bạn, một ngày được truyền tay nhau ôm bó hoa thập cẩm đủ mọi sắc màu và xòe nở tung tóe đến nhà thầy cô còn nhiều hơn.


    Ngoài hoa ra thì chúng tôi chưa bao giờ tặng thầy cô bất cứ một món quà gì. Đơn giản vì không ai bảo chúng tôi làm thế. Bố mẹ chúng tôi bận lo ngày hai bữa cơm nên kính trọng thầy cô cũng theo kiểu của những người nghèo. Vả lại lúc ấy giả thử có tiền đi nữa thì ở một làng quê nông thôn đói nghèo đeo đẳng cũng đâu có ai bày bán thứ gì để chúng tôi mua tặng thầy cô ...


    Hoa tặng thầy cô của chúng tôi nó lọc sọc, màu mè và tự do hết chỗ nói. Chúng tôi không mua hoa bởi không ai bán hoa. Săp tới ngày hiến chương nhà giáo là bọn nhóc chúng tôi bảo nhau mỗi đứa kiếm sẵn đâu đó mấy bông hoa. Miễn có hoa là được chớ hoa gì không quan trọng.


    Sáng sớm của ngày 20/11, chúng tôi tụ tập ở nhà một đứa trong bọn. Mỗi đứa góp vào một vài bông hoa trong vườn nhà hay ngắt đâu đó trên đường đi, thảng hoặc cũng có đứa hái trộm của hàng xóm hay mò vào tận khu vườn ươm của các cụ già trong xã.


    Thôi thì đủ loại hoa: cúc vạn thọ rực rỡ vàng, bông hồng nhung thơm ngát có những cánh hoa mịn như nhung, bông cúc tím ngắt bé như chiếc cúc áo...lại còn cả bông mào gà màu đỏ rực y như mào của một con gà trống.


    Đâu đã hết. Giữa bó hoa lộn xộn và nhí nhố của chúng tôi đôi khi còn cả một vài bông huệ trắng...mà sau này mỗi khi chợt nhớ tôi còn thấy khóe mắt mình cay cay.


    Ấy vậy mà chúng tôi cho rằng bó hoa của mình thật là tuyệt. Tôi cũng mê mẩn những bông hoa kia chẳng kém gì lũ bạn. Chúng tôi giành nhau, tị nạnh nhau để được ôm bó hoa trong tay. Qua một đoạn đường nhỏ là đứa đang ôm phải chuyển cho đứa khác. Có đứa chân đất, quần thủng mà cứ rồng rắn, tưng bừng đến thăm thầy cô, ánh mắt sung sướng, rạng rỡ như đi xem hội.


    Thầy cô tôi thấy trò đến thăm thì ra đón, cũng vui mừng hạnh phúc không kém. Nhận bó hoa từ tay học trò tặng với vẻ cảm động thương mến mà chẳng bao giờ lộ chút gì khó chịu trước món quà ngô nghê, vụng dại của chúng tôi.


    Cô giáo tôi lúc đó cũng nghèo nhưng nhà cửa sạch sẽ lắm. Cô kéo ghế cho chúng tôi ngồi rồi lấy chuối cho chúng tôi ăn. Ý chừng cô biết thể nào chúng tôi cũng đến nên chuẩn bị trước. Cô ân cần hỏi đứa này nhà có ăn cơm trộn sắn nạo không, đứa kia buổi trưa nhà thường ăn gì. Đôi lúc cô chớp chớp đôi mắt. Tôi thấy mắt cô đỏ lên trong một thoáng, tròng mắt hình như ươn ướt rồi vui tươi trở lại ngay...


    Học trò bây giờ cũng đến thăm và tặng hoa cho tôi vào mỗi dịp hiến chương nhà giáo, những bó hoa đẹp được bó một cách trang trọng và khéo léo... Mỗi lần nhận hoa tôi đều xúc đông và trong tâm trí lại hiện ra những bó hoa tặng thầy cô xưa.


    Thầy cô tôi nay đã già. Có người đã ra đi...nhưng đọng mãi trong lòng thế hệ học trò như chúng tôi là những kỉ nịệm về tình thầy trò một thời gian khó.


    Tác giả: Yến Bùi

    Nhớ hoa con tặng cô thầy
    Nhớ hoa con tặng cô thầy
    Nhớ hoa con tặng cô thầy
    Nhớ hoa con tặng cô thầy
  9. Top 9

    Mùa thứ 12

    (Kính tặng những người Thầy)


    Cô yêu mùa thu. Không phải như bao người đợi thu đến để được đắm mình trong cái cảm giác se se lạnh, trong làn gió thoáng nhẹ, mơn man trên mái tóc; Cũng không phải để thả hồn theo những nỗi buồn vu vơ khó tả khi dạo bước trên những thảm lá vàng rơi; Càng không phải bởi thu thật xanh, thật dịu từ bầu trời đến muôn ngàn cây lá!


    Cô yêu mùa thu với những ngày bộn bề công việc; với niềm mong mỏi được sống trong những trang văn ngập tràn cảm xúc; với niềm phấn chấn khi chạm vào những cái nhìn đầy háo hức của trẻ thơ mỗi giờ lên lớp…Nào những trang giáo án thơm tho mùi giấy mới; nào những ý tưởng đã nung nấu suốt mùa hè bởi cái nóng như thiêu như đốt; nào những lỉnh kỉnh bảng to, bảng nhỏ, giấy ngắn, giấy dài …Cô dịu dàng bước lên những bục giảng yêu thương, lòng tràn đầy nhiệt huyết!


    Đã mười hai mùa thu như thế trôi qua, kể từ cái ngày tôi được gặp cô lần đầu tiên khi cô cất lời giới thiệu dịu dàng: Chào các con! Chúc mừng các con, những người chiến thắng! Cô sẽ cùng các con phấn đấu trong những chặng đường tiếp theo. Các con đồng ý không?” Chúng tôi chẳng ai dám dõng dạc đáp lời cô cả, nhưng đã coi cô là mẹ! Đó cũng là vào mùa thu!


    Tôi thấy cái sắc thu toả ra từ khuôn mặt dịu dàng, thuần hậu của cô. Có lẽ, chưa bao giờ tôi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của cô, nhưng lũ chúng tôi đã từng say sưa ngắm nhìn đôi mắt cô trong những giờ lên lớp. Không phải vì cô có đôi mắt mộng mơ, mà bởi đôi mắt ấy cho chúng tôi cảm giác ấm áp, dịu hiền. Đôi mắt đã từng ánh lên trong những niềm vui mỗi khi có đứa trò nào trả lời trúng ý. Đôi mắt từng lấp lánh trong những bài giảng tình yêu; Đôi mắt với những ánh nhìn trăn trở mỗi khi trò lười biếng; Cũng đôi mắt ấy, đã nhiều lần ngấn nước chỉ vì đọc bài thơ xúc động, hay một đoạn văn của trò giãi bày lòng mình với mẹ…Cô thích nói với chúng tôi về thơ của Xuân Quỳnh, thơ Xuân Diệu. Cô dạy chúng tôi biết yêu cuộc sống, biết sống vị tha từ những bài học giản dị, đời thường hay từ chính sự cố gắng chống trọi với những cơn ho dài để dạy tiếp phần bài còn dang dở. Thú thật, chúng tôi cũng chỉ biết về cuộc sống của cô qua những cơn ho dài bất tận (Bởi chẳng bao giờ cô kể về mình). Cũng như chẳng bao giờ chúng tôi tự hỏi, sao thu đẹp dịu dàng mà thu buồn đến thế! Và chúng tôi đã gọi cô là Nàng Thu! (Chỉ gọi với nhau thôi, bởi chúng tôi thích thế!)


    Đã là mùa thu thứ mười hai, trở lại mái trường xưa với bao nhiêu hoài niệm, chúng tôi ráo rác kiếm tìm Nàng Thu trong bao nhiêu lạ lẫm. Nàng Thu của chúng tôi đã không còn nữa! Căn bệnh ung thư vòm họng quái ác đã kéo cô đi từ mùa thu trước!


    Cô ơi! Chúng tôi đứng lặng, chôn chân giữa bao nhiêu tiếng nói cười hân hoan của ngày tựu trường...


    Trước sân trường, lá vàng vẫn rơi thưa thớt, nắng vẫn dịu dàng phủ lụa óng hàng cây, gió vẫn e thẹn vuốt ve từng mắt lá, trẻ vẫn áo mới, quần đai…


    Và dường như Nàng Thu vẫn lướt nhẹ qua thềm, dịu dàng qua từng lớp học. Nàng Thu ngắm những ánh mắt trong veo hướng về bục giảng, trong cái háo hức, say mê; trong cái mùi thơm tho của giấy vở trắng tinh; trong những ý tưởng sáng tạo được ươm mầm …Tôi thầm ước, ở nơi xa cô hãy cứ yên lòng, lớp lớp chúng con luôn nhớ lời cô dạy:


    “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.


    Tác giả: Khánh Phượng Vũ

    Mùa thứ 12
    Mùa thứ 12
    Mùa thứ 12
    Mùa thứ 12



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy