Top 10 Tản văn về ngày khai trường hay nhất

Phương Kem 456 0 Báo lỗi

Ngày khai trường (hay còn gọi là ngày tựu trường hay ngày khai giảng) là buổi đầu tiên của một năm học. Ngày khai trường là ngày mở đầu sau mấy tháng nghỉ hè, ... xem thêm...

  1. Tôi thường nhớ về những mùa tựu trường đã qua giữa lẫn lộn vui buồn. Ngày tựu trường đầu tiên, tôi như cánh diều lần đầu chao lượn giữa một chân trời mới mẻ. Ngày tựu trường cuối cùng, lòng lại bâng khuâng tiếc nuối năm tháng mộng mơ sắp sửa chia xa, nhen nhóm những ước vọng gửi vào trang vở mới. Như một khúc ca tuổi hoa dạt dào trầm bổng, buổi tựu trường dệt vào lòng người bao hoài cảm vấn vương. Và sau những nỗi niềm trong veo ấy, là ánh mắt thẳm sâu mênh mông hy vọng của cha, cùng bao yêu thương lặng thầm trong dáng mẹ tảo tần…


    Trường cấp I của tôi ở đầu làng, nhà tôi ở cuối làng. Đường đến trường bởi thế mà đi qua cánh đồng lúa bềnh bồng, men theo hàng cau thơm hương kín đáo, rồi đi vào một lối nhỏ lát gạch xanh rêu dưới bóng tre già. Ngày nhỏ, tôi hay chơi thả diều, đuổi bắt cùng đám bạn quê ở mảnh đất trống sau trường. Ngôi trường làng có rặng phi lao trước cổng thường ngày vẫn thân thuộc, gần gũi như thế. Nhưng vào buổi sáng đầu tiên đi học, khi đứng trước sân trường nhộn nhịp áo trắng quần xanh, chân tôi bỗng ngập ngừng, vừa quen vừa lạ, vừa xốn xang vừa sợ hãi mơ hồ. Buổi sáng sớm hôm đó, mẹ đã nhẹ nhàng đánh thức tôi dậy và trao cho tôi cuốn tập, cây viết cùng một bộ quần áo mới. Trước khi tất tả đội nón đi làm ở nhà máy, mẹ dặn tôi cùng bạn đến trường ngoan ngoãn, lễ phép với cô giáo, rồi khẽ ôm tôi vào lòng mà ánh mắt thoáng hiện nỗi buồn. Ngày đầu tiên tới lớp, tôi chỉ đi một mình, cảm giác giận mẹ chợt dâng lên trong tâm hồn thơ trẻ. Thấy các bạn đều có mẹ nắm tay đến tựu trường, đứa được mẹ vỗ về, đứa bẽn lẽn nấp sau áo mẹ, tôi bỗng thấy buồn, một nỗi buồn non nớt, hồn nhiên. Sau này nhớ lại thuở ngây ngô ấy, nhớ đáy mắt xót xa của mẹ, tôi chạnh lòng thương mẹ rưng rưng.


    Tôi lên cấp II, những mùa tựu trường vẫn vẹn nguyên bao xúc cảm. Háo hức được gặp lại bạn bè sau mấy tháng hè, tự hào vì mình đã lên một lớp mới, lâng lâng khi khoác màu áo trắng tinh khôi. Năm nào tôi cũng học sách của anh chị tôi để lại, những trang sách phẳng phiu, được giữ gìn cẩn thận. Cảm giác đợi chờ, pha lẫn hồi hộp đã nhen nhóm trong tôi từ hôm tôi dán nhãn vở, ghi tên và bao bìa. Ngày tựu trường, tôi nôn nao dậy sớm. Vì nhà gần nên tôi đi bộ đến trường. Cánh đồng lúa chín vàng trước cổng, mùi hương dung dị quyện vào gió thu. Tiếng trống trường điểm từng nhịp vang vọng, ngân lên trong lòng tôi nỗi rạo rực phơi phới. Những cánh hoa me tây cuối mùa nhẹ rơi, khẽ vương trên làn tóc thướt tha của cô bạn ánh mắt trong ngần.


    Cấp III, tôi thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Xa nhà ra thành phố, tôi ở lại ký túc xá của trường, mỗi dịp cuối tuần, nghỉ hè tôi về với bố mẹ. Buổi khai giảng, bố chở tôi từ nhà đến trường, bằng chiếc xe máy cũ. Con đường xa hun hút, gió tạt cay xè đôi mắt, tôi ngồi lặng yên sau lưng bố. Những lúc như thế, lòng lại thương bố quay quắt. Tấm áo bố mặc đã phủ màu thời gian, đôi tay gầy với những đường gân khắc khoải mưa nắng, vẫn vững vàng dù đường đi gập ghềnh, lồi lõm. Tôi bỗng nhớ lại những lúc bướng bỉnh, những khi vô tình khiến bố buồn mà lòng day dứt mãi. Xe dừng trước cổng trường, giọng bố trầm đục dặn tôi cố gắng học hành, ân cần trao cho tôi ánh mắt ấm áp niềm hy vọng và tin tưởng. Bố dừng lại một lúc lâu đợi tôi bước qua cổng trường, hòa vào màu áo trắng, rồi mới quay xe về.


    Mỗi mùa tựu trường, lật trang vở mới, tôi lại rưng rưng nghĩ về bóng dáng bố mẹ lam lũ từng ngày để tôi được đi học. Nét chữ tôi viết hôm nay không chỉ vương mùi mực, mà tôi còn ngửi thấy cả mùi mồ hôi, mùi sương gió bốn mùa bàng bạc mái tóc bố, khắc khoải khóe mắt mẹ. Tôi bắt đầu bài học đầu tiên về cách sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của bố mẹ, mà có lẽ tôi sẽ học suốt cả cuộc đời.


    Tác giả: Trần Văn Thiên

    Ngày tựu trường trong tôi
    Ngày tựu trường trong tôi
    Ngày tựu trường trong tôi
    Ngày tựu trường trong tôi

  2. Vậy là một tháng mới lại về. Lật quyển sổ ghi vội những dòng nhật ký cho một đêm có nhiều tâm sự, tạm biệt tháng tám với nhiều cảm xúc buồn vui, bâng khuâng có nhưng tiếc nuối chẳng nhiều. Chợt cười buồn khi nhớ những vần thơ bạn đã ghi trong sổ lưu bút năm xưa, sổ lưu bút ngày tựu trường cuối cấp. Tháng 9 đến, mùa khai giảng mới lại về. Bâng khuâng nhớ màu áo trắng học trò, mở vội tủ, tìm chiếc áo đồng phục năm xưa, trên vệt áo những màu mực đã dần phai nhạt, nhưng những dòng lưu bút vẫn còn đó, từng gương mặt, nét cười trong veo trở về trong ký ức, chầm chậm như cuốn phim đang tua lại… Tháng 9, có lẽ người ta cứ mãi giấu mình trong màu ký ức học trò, để hoài niệm, để bâng quơ một nụ cười rất nhẹ về mối tình đầu, về những lần đi học muộn, đặc biệt là để thấy tâm hồn nhẹ bẫng lang thang trong cảm xúc bồi hồi những ngày đầu tựu trường, gặp lại bạn bè sau 3 tháng hè xa trường xa lớp…


    Tháng 9, trời đã vào hẳn thu, hoa cúc trên phố phường nở rộ, sắc vàng thắm như mật trải dài khắp các nẻo đường, càng làm cho màu áo trắng học trò đẹp hơn bao giờ hết. Chợt thấy tiếc, ngày còn đi học, chưa bao giờ thích những chiếc áo đồng phục thùng thình, thô kệch, cũng chẳng mê bộ áo dài vướng víu, mà sau khi xa trường rồi, bỗng thèm được mặc chiếc áo ngày xưa mình ghét biết bao, bỗng thương biết bao nhiêu cái nét dịu hiền của cô bé tuổi mới lớn, căng tròn duyên dáng trong những chiếc áo dài trắng tinh khôi chứa đựng tâm hồn người Việt Nam. Giờ mới thấy mới hiểu vì sao, cái sắc trắng áo dài ấy đi vào thơ ca nhiều thế. Một thời đầy kỉ niệm, là thơ, là nhạc và là tình yêu: “Là áo ai bay trắng cả giấc mơ. Là bài thơ còn hoài trong vở. Giữa giờ chơi mang đến lại mang về…”. Nhưng thèm trở lại mà thời gian chẳng thể trở lại, nên chỉ có thể mượn tháng 9 để nhìn về ký ức học trò với những tiếc nuối, với những nhung nhớ mà thôi.


    Tuổi học trò nào mà chẳng có những điều dại khờ, ngốc nghếch, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới ấy, nếu không phạm sai lầm thì có lẽ sẽ là tuổi học trò “vứt đi”. Bởi sẽ chẳng có những ngày tháng sau này, như hiện tại, ngồi nghĩ về mà bật cười, tiếc nuối rồi lại thở phào. Cái đẹp của học trò chính là những vấp ngã đầu đời đầy ngớ ngẩn, vì một ký ức “sạch sẽ” quá sẽ là ký ức đáng ngủ quên. Vậy nên mới có thời sau này, những cô mặt mày đã vương tý bụi trần lại đâm mê mẩn cái màu trắng mà tuổi học trò ra sức tẩy chay, ra sức bóp cho cái áo chặt lại, ra sức vén cho cái váy nó ngắn lên, ra sức tìm những màu nổi bật, mà đâu hiểu, màu trắng tự thân nó đã là đẹp nhất khi được những tâm hồn trong sáng, vô tư tô nét cho rồi. Cuộc sống mà, như một lu màu thôi, màu nào bạn cũng có thể nhuộm được, trừ màu trắng tinh khôi ban đầu.

    Tháng 9, gọi về biết bao kỷ niệm, có cơn mưa đầu mùa ướt áo, có những lần trốn học cùng bạn bè đạp xe ăn kem, có những ngày sân trường rụng đầy lá vàng, cùng lũ bạn vùi khoai đốt lá, có những mong ngóng một đường bóng bay vút trên sân, có nỗi nhớ ngây ngô khờ dại…


    Tháng 9, những ngày mưa nắng thất thường lùi lại, những cơn gió mùa đã ghé lại nhiều hơn, nên tháng 9 để dành cho những ngày lang thang ngang dọc khắp các nẻo đường Hà Nội ùn ứ, chật chội. Đi tìm mình trong những câu hát về mùa thu: “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”… Không phải nghệ sĩ, nhưng tâm hồn nghệ sĩ, nên cho mình đi lạc để mà yêu Hà Nội – những cung đường nắng mật mùa thu, được không?


    Dẫu sao thì tháng 9 đã về. Không quá si mê, nhưng mà tràn đầy ngây ngất. Vậy thì, cớ gì không chào tháng 9, tháng của những ký ức mãi xanh ru lòng an lành để khởi đầu cho những kế hoạch mới?


    Nguyễn Văn Hiệp

    Tháng 9 Đến, Mùa Khai Giảng Mới Lại Về!
    Tháng 9 Đến, Mùa Khai Giảng Mới Lại Về!
    Tháng 9 Đến, Mùa Khai Giảng Mới Lại Về!
    Tháng 9 Đến, Mùa Khai Giảng Mới Lại Về!
  3. Lại một mùa thu. Thu tha thiết gọi mình trở về với một phần kí ức không thể nào quên. Tim mình nhói lên, như đã từng, và mãi mãi!


    Đêm khai giảng năm thứ hai ở trường Đại học. Áo dài trắng, đôi dép cao gót, tóc buộc lửng nửa đầu, chấm nhẹ một tí son, mình sải bước đến trường. Cúi nhìn vòng hoa đung đưa trước ngực, mình nhớ cảm giác ngưỡng mộ dành cho các anh chị khóa trước trong lễ vinh danh sinh viên xuất sắc của ngày này năm trước. Vòng hoa rực rỡ trên cổ họ đẹp như vòng nguyệt quế trong chương trình truyền hình yêu thích khiến mình không nguôi niềm ao ước. Sau một năm miệt mài cố gắng, mình cũng đã giành được vòng hoa đầu tiên của đời sinh viên. Lâng lâng bước đi trong mùi hương dịu ngọt của cây hoa sữa cạnh văn phòng khoa văn, mình thầm cảm ơn cuộc đời đã hào phóng ban cho mình bao nhiêu niềm hạnh phúc!


    Và cô bạn cùng lớp bước tới, thảng thốt báo tin: cậu mất rồi!


    Tai ù đi, mình cố gắng gắn kết các thông tin đứt nối: “Cửa Lò”, “chiều nay”, “sóng cuốn” và “cậu”. Không thể như thế được! Mới hôm kia cậu còn đến chỗ mình. Tai mình vẫn còn nghe thấy tiếng xe đạp phanh két trước cổng dãy trọ, tiếng gọi thân quen “Hà ơi!”, rồi cậu dắt xe vào, bước chân như nhún nhảy, vừa cười vừa nói. Cậu lúc nào cũng vui vẻ, nhìn mọi thứ thật lạc quan. Trong mắt cậu, tất cả mọi người đều có điểm đáng yêu, khó khăn nào cũng có cách tháo gỡ, cuộc đời này thật sự là một món quà …


    Nhớ buổi trưa đầu năm lớp 1, trên đường đi học về, mình gặp cậu. Cái áo trắng lấm lem. Đôi mắt to tròn ầng ậng nhìn lên cái xắc cước nằm vắt vẻo trên bụi gai ven đường, cái bút chì hai đầu xanh đỏ rơi phía dưới gốc. Bụi gai cao và rậm, hai đứa con nít vừa bằng cái kẹo loay hoay mãi mà không làm gì được. Thật may, có bác chăn trâu gần đó dùng rựa phạt bớt cành gai và lấy giúp. Sau này mình mới hiểu, là con trai nhưng cậu không giỏi leo trèo, không thích chọc tổ ong, càng không biết ném hòn đá nhảy cóc trên mặt nước như mấy bạn trong xóm. Cậu lại giải toán rất nhanh, chữ viết thì vừa sạch vừa đẹp. Chẳng mấy chốc, cậu trở thành “đồ con gái”, thường xuyên bị bọn con trai bắt nạt, phải xách cặp, xách dép cho các “đại ca”. Mình không phải "anh hùng" để cứu "mĩ nhân", nhưng thỉnh thoảng mình cũng xách cặp với dép giúp cậu. Thế là chúng mình thành bạn.


    Có lần mình rủ cậu rẽ theo lối mòn xuống cái hồ gần trường để khám phá. Hồ rộng lắm, mặt hồ phẳng lặng, nước trong xanh, nhìn xuống có thể nhìn thấy cả những con ốc nhỏ lẫn trong đá. Cậu ngồi trên bờ, mắt hướng ra xa, trầm ngâm nghĩ ngợi điều gì. Tớ nhìn sang, chỉ thấy màu xanh trong thăm thẳm của bầu trời soi xuống mặt hồ in trong đôi mắt cậu, hắt ánh lung linh lên từng sợi lông mi dài cong vút. Lúc ấy, cậu chính là thiên thần trong truyện cổ tích, đẹp, thông minh, hiền lành nhất trên đời!


    Đùng một cái, hè năm lớp 4, nhà cậu chuyển về quê. Mỗi lần đi ngang qua mảnh vườn có ngôi nhà nhỏ nép mình dưới tán cây trứng gà xanh thẫm, mình lại như thấy hình ảnh hai đứa trẻ con lích rích chơi nơi bậu cửa. Chao ôi! Thèm được thủ thỉ chuyện trò cùng cậu, nhớ đôi mắt to tròn trong veo và nụ cười hiền như ánh nắng mùa thu. Mỗi lần nghe ai nhắc đến vùng quê ấy, mình lại mong được đến đó một lần để tìm lại người bạn đã gắn bó suốt một thời thơ dại.


    Một ngày thu tuổi mười lăm, mình vừa vào lớp, ướt nhẹp vì cơn mưa tháng tám, một cậu bạn trong lớp đưa cho mình một cái ảnh thẻ nhỏ xíu và hỏi: Có nhớ ai không? Áo trắng, mũ ca lô, khăn quàng đỏ, và đôi mắt trong veo, cái miệng tủm tỉm như đang cố giấu một nụ cười! Cậu! Chính là cậu! Thì ra, mấy năm xa quê, cậu vẫn khắc khoải nỗi nhớ mong mảnh vườn nhỏ và lũ bạn cùng làng. Ngày hôm ấy, dẫu trời vẫn xám xịt một màn mưa, trong lòng mình lại xôn xao nắng vàng ấm áp.


    Cậu biết không, lúc nhận được thư cậu báo đỗ Sư phạm Toán ở Vinh, mình ngập tràn hạnh phúc. Dẫu chưa từng sống ở Vinh, mình vẫn cảm thấy thành Vinh thật gần với lòng mình. Thành phố ấy là nơi cậu đã học ba năm phổ thông, sẽ là nơi chúng mình học tập để trở thành thầy cô giáo. Mình luôn nghĩ rằng, nếu trên đời này có người sinh ra để làm giáo viên thì người đó nhất định là cậu. Cậu sẽ trở thành thầy giáo dạy Toán hóm hỉnh nhất, yêu thương học trò nhất, và tất nhiên là đẹp trai nhất! Còn tớ, tớ sẽ luôn tự hào đươc là đồng nghiệp của cậu.


    Những ngày mưa dầm dề thành Vinh, mình quay quắt trong nỗi nhớ nhà, cậu đã đến và chúng mình lang thang các hiệu sách cũ trên đường Nguyễn Văn Cừ. Những khuôn mặt không quen biết dường như cũng náo nức tươi vui theo tiếng cười giòn tan của cậu, tán lá bên đường càng láng bóng mướt xanh trong ánh mắt hân hoan của mình. Cậu còn đem những ngôi sao dạ quang đính lên tường phòng trọ mình nữa. Mỗi lúc tắt điện, cái phòng trọ nhỏ xíu của mình trở thành một bầu trời thu đầy sao. Ánh mắt trong veo lấp lóe những tia cười của cậu hòa vào vòm trời sao lung linh, huyền diệu …


    Rồi cậu ra đi, đột ngột không báo trước! Trưa hôm ấy, mặt trời tỏa nắng xuống cánh đồng trước nhà cậu, một thứ nắng thu nhức nhối, xót xa mà tớ chưa từng thấy bao giờ. Vùng quê yên bình nép bên sườn núi bàng hoàng, sửng sốt. Ngôi nhà nhỏ như vỡ ra, nghẹn ngào, thổn thức, người mẹ cứng cỏi, cương nghị mình từng biết giờ oặt người, lả đi trong nỗi đớn đau ập xuống bất ngờ. Mình tiễn cậu trên con đường liêu xiêu rẽ vào ngọn đồi phía cuối làng. Những bụi sim, những lùm cây dại, trảng cỏ may phất phơ hiu hiu trong gió, vòng hoa trắng héo úa trong nắng chiều cuối thu…


    Người bạn đã đi cùng mình qua bao mùa thu kỉ niệm với nụ cười tỏa nắng giờ lặng im dưới nấm đất mới còn hăng mùi rễ cây. Rồi lần lần, cỏ che, mưa xóa, hình ảnh cậu sẽ nhòa mờ trong bộn bề cuộc sống trần gian. Không thể vô lí như thế được! Lần đầu tiên trong đời mình cảm thấu nỗi đau mất đi một người thân! Nếu đời người là một chiếc lá, bé nhỏ, mỏng manh thì cậu đã bị bứt lìa khỏi cành khi hãy còn xanh ngời ngợi, để lại một vết thương luôn tấy lên trong lòng người ở lại mỗi độ trời trở gió heo may. Còn có bao nhiêu bài cậu cần phải học để trở thành thầy giáo, còn có bao nhiêu học trò chờ cậu phía tương lai, còn bao nhiêu món quà cậu chưa kịp tặng cho bố mẹ, cho cậu em trai, và mình cũng còn có bao điều chưa nói….


    Nghĩ về cậu, mình luôn có cảm giác cậu là một thiên sứ, trong trẻo, tốt lành như làn gió mùa thu dịu nhẹ mà đất trời ban cho mảnh đất cằn khô rát bỏng quê mình. Có lần, mình nói với cậu nỗi lo về đời người ngắn ngủi, mong manh, cậu cười bảo: Đời người không đo bằng chiều dài của năm tháng mà đo bằng sự phong phú của trải nghiệm và chiều sâu của tâm hồn. Mười chín mùa xuân, cậu đã kịp gieo vào vườn đời bao nhiêu yêu thương và hi vọng. Một mùa gieo hạt nữa lại về, chợt nghe lòng mình rưng rức, bồi hồi. Dường như thiên sứ mùa thu của mình đang ở đâu đó thật gần, trong bầu trời biếc xanh, trong nắng vàng dịu nhẹ và trong ánh mắt học trò lấp lánh những tin yêu!


    Hà Nguyễn

    Thiên sứ mùa thu
    Thiên sứ mùa thu
    Thiên sứ mùa thu
    Thiên sứ mùa thu
  4. Thuở thơ ấu là những ngày trong trẻo nhất cuộc đời mỗi con người. Trong những ngày trong trẻo ấy buổi khai giảng năm học mới như như một vì sao lung linh hiện hữu trong tâm trí nhỏ nhoi của ngày làm cô cậu học trò!


    Mùa thu! Khi mà nắng đã bớt nóng chỉ còn màu vàng tượng trưng lảnh lót trên những tán lá. Và gió, gió xô nghiêng những tàn cây, gió đưa cánh chim đi muôn phương, gió lật tung cuốn vở trên tay cậu trò. Trên khắp các nẻo đường hân hoan bước chân người học trò đi đón ngày khai giảng năm học mới.


    Cả tuần nay ngôi trường, thầy cô và các em học sinh nao nức chuẩn bị cho ngày khai giảng. Các bậc phụ huynh cũng nhiệt tình giúp đỡ. Hôm qua hôm kia các bác đã đến tỉa cành, chặt cây, dọn dẹp sân trường. Cùng các thày cô, bác lao công lau rửa khung cửa, biển hiệu. Căng cờ hoa. Tôi thì bao giờ cũng biết việc trang trí trống là của mình nên tranh thủ làm đi, trong lúc các cô giáo đi hiệu dưỡng lại tóc mây. Ôi, cứ như nhà có đám cưới.


    Thật vậy. Lúc bảy giờ tối, cô em trường bên mượn chút tài liệu, tôi ra trường lấy cho em ấy. Ban ngày mình đã nhìn khung cảnh ngôi trường nên có quen rồi. Giờ tối ra đây trong ngày khung cảnh chuẩn bị cho ngày mai khai giảng. Trường lộng lẫy trang hoàng, từ cốc nước đến lọ hoa, từ dãy rạp trên cao hay thảm trải dưới sân. Hàng trăm chiếc ghế đỏ của học sinh đã sắp đặt thẳng hàng ngay lối. Chiếc trống mặc áo mới với những hoa văn trang nhã và tươi vui. Lễ đài rất trang hoàng gây xúc động rưng rưng lạ thường. Thêm yêu mến và tự hào về mái trường mình gắn bó bao năm nay.


    Sáng ngày mai, ai ai cũng đến trường sớm hơn. Học trò đồng phục tinh tươm, khăn đỏ thắm bay, bóng và cờ hoa rực rỡ. Cô giáo áo dài trang trọng, các phụ huynh vui vẻ hân hoan, họ tin tưởng vào mái trường mà con theo học.


    Ngày khai giảng, ngôi trường khoác thêm nhiều sắc màu, mọi hình ảnh, mọi đồ vật được chăm chút kĩ càng hơn, đầy đủ hơn. Hàng cây như xanh hơn, những quả phượng già có chiều bớt nhăn nhó, vẻ như muốn thả mình xuống sân trường vui đùa. Gió reo phần phật lá quốc kì đỏ thắm. Trên hiên nhà cao tấm hình Bác Hồ tươi cười cùng dòng chữ: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không. Dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phàn lớn ở công học tập của các cháu" của Bác Hồ như mỉm cười động viên mỗi tâm hồn thơ trẻ! Sân trường hôm nay lung linh rực rỡ một rừng cờ và hoa và sắc thắm khăn quàng. Gương mặt ai ai cũng tươi vui hớn hở! Tươi vui lắm chứ!


    Tuổi học trò nào mà chẳng có biết bao hình ảnh ấn tượng ghi dấu không phai. Trong đó ngày khai giảng tươi đẹp và trân quí làm sao. Ôi kìa! Ngoài cổng trường hôm nay còn rất nhiều cha mẹ, ông bà đưa con tới lớp. Chắc hẳn bên cạnh sự quan tâm con trẻ họ còn đến trường để tìm lại kí ức thuở ngày thơ đi học! Tìm lại cái bàn, cái ghế, tìm lại khung trời thơ ấu xa xăm lâu lắm rồi. Tụi trẻ thì tươi rói và sáng trong như những trang giấy trắng tinh khôi. Hôm nay các em đến trường nhưng không phải học. Mà để vui, vui trong trang phục mới, trong tay cờ và hoa, đi trong sân trường cũng tràn ngập sắc hoa với không khí vui tưng bừng và đầy tình thương yêu mến, những gương mặt bạn bè thày cô tươi sáng thân thiện vui vẻ! Hôm nay tưng bừng phấn khởi lạ thường! Ồ, hôm nay NGÀY KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI!


    Tôi đứng nghiêm trang chỉ huy các em học sinh trong lễ diễu hành, lễ chào cờ và đón khách. Công việc tôi làm tổng phụ trách dễ đến hai mươi năm rồi mà sao mỗi lần khai giảng năm học mới lại không khỏi bồi hồi và xúc động.


    Tiết mục chào cờ long trọng, thiêng liêng hơn tất cả mọi ngày cộng lại. Bác ở trên cao đang vẫy tay đón chào chúng ta! Tiếng quốc ca, đội ca âm vang hào hùng cùng trời xanh thẳm mênh mang. Sau đó chương trình lễ khai giảng diễn ra trang nghiêm, ngắn gọn mà sâu lắng. Khi cô hiệu trưởng gióng trống mở đầu cho một năm học mới cả sân trường âm vang tiếng trống rộn rã, náo nức như tấm lòng mỗi học sinh, giáo viên hân hoan vào năm học vậy, những chùm bóng bay trên tay cậu học trò non nớt đang thả lên trời, hãy bay đi nhé, hãy thay tớ tìm ở bầu trời cao rộng kia những nắng, những gió, những hân hoan và cả những đợi chờ đang hứa hẹn tớ ngày mai!


    Ngày mai và rất nhiều ngày sau đi qua tuổi học trò. Năm học mới khí thế và âm vang ảnh hưởng của ngày khai trường lại vang lên giục giã trong tâm hồn mỗi cô cậu học trò, trong lòng mỗi thày cô giáo, trong lòng mỗi con người MỘT THỜI CẮP SÁCH, MỘT TRỜI THƠ ẤU!


    Tản văn của Nguyễn Thanh Duyên

    Ngày khai giảng
    Ngày khai giảng
    Ngày khai giảng
    Ngày khai giảng
  5. Phố phường lại tung bay những tà áo trắng tinh khôi, không gian lại rộn rã tiếng cười để mỗi độ thu sang, lòng người thêm nôn nao bao xúc cảm. Mùa thu thắp lên tri thức mới chào đón thế hệ tương lai dấn thân mà khám phá. Mùa thu sẽ mãi còn ghi trong tâm trí với những kỷ niệm êm đềm thời tuổi mộng tim mơ.


    Tháng chín gọi thu về cho nắng hồng ươm tóc, trải dài ươm xanh sắc lá. Ngoài bờ giậu, cúc chúm chím môi cười rồi e ấp bung mình khoe cánh nhỏ xinh xinh. Gió cũng thẹn thùa, dịu dàng lướt nhẹ mây trắng trên cao. Có lẽ bầy sẻ nâu cũng rộn ràng chào thu đến, chúng nhảy chân sáo tung tăng, lích chích reo ca trên tán điệp, mắt tròn xoe lúng liếng dòm tà áo trắng lượn lờ nô nức sáng này.

    Mùa thu về gọi học sinh đến trường, tiếp tục cuộc hành trình bay cao, bay xa giữa bầu trời trong xanh và bao la quá đỗi. Bao nỗi niềm của tháng hè xa cách giờ ngồi lại bên nhau rôm rả giải bày, mà buộc tiếng cười thả vào miền ký ức tuổi thần tiên. Một góc sân trường, một chiếc ghế đá hành lang, một bóng râm nho nhỏ… Đâu đâu cũng có những mái đầu chụm lại sẻ chia những kỷ niệm vui buồn của những ngày xa vắng. Những ánh mắt vô tình bắt gặp nhau giữa nắng vàng tươi đẹp, ngơ ngác, ngạc nhiên rồi vỡ òa vui sướng trong những vòng tay buộc chặt một tình người.

    Mùa thu về thêm phần thi vị yêu thương khi cô nữ sinh che nghiêng vành nón, e thẹn quay đầu giấu nụ cười nào vừa chớm nở giữa tinh khôi. Giữa nỗi hân hoan niềm vui ngày hội ngộ với mái trường, thầy cô, bè bạn… chợt bắt gặp nét lo sợ, rụt rè trên gương mặt trẻ thơ lần đầu tiên đi học. Thương giọt lệ tràn mi theo từng bước nhỏ âu lo. Ai rồi cũng phải trải qua một lần như thế, nắm chặt áo mẹ mà ngỡ ngàng nhìn mọi vật xung quanh, thấy sao mà xa lạ, mà nôn nao đến vậy. Rồi nỗi sợ hãi dâng tràn lên ánh mắt khi cánh cổng rêu phong khuất dần bóng mẹ, con ngoáy cổ nhìn, mặt lã chã nước mắt rơi.

    Giờ học đến, cô vào lớp dịu hiền như nàng tiên trong những câu chuyện cổ mà mẹ vẫn thường hay kể mỗi đêm. Cô đưa con đến những vùng xa đất mới, không có hoàng tử, lọ lem, không có những nàng công chúa và mụ phù thủy xấu xa,… chỉ có những con người cần mẫn với miệt ruộng đồng, chân chất, hiền hòa, yêu thương theo từng khoảnh khắc thời gian đưa đẩy. Nắng hoan ca nhảy múa trên trang giấy trắng học trò thêm rực rỡ niềm tin đang ngời lên đôi mắt trẻ. Trên bậu cửa, lũ bồ câu khẽ gật gù rồi vỗ cánh bay đi…

    Thời gian cứ vương vấn qua nhanh, đem những ký ức hôm qua cất vào ngăn quá khứ. Quá khứ có niềm vui, nỗi buồn, có nụ cười cũng có bao dòng nước mắt… nhưng nó vẫn là hành trang quý giá nhất, là trải nghiệm chân thật nhất trên đoạn đường ta đã đi qua.

    Mùa học mới lại về, ngày đoàn viên lại đến, làm xôn xao nỗi nhớ và gợi bao nỗi bâng khuâng. Tháng hè ngắn thôi mà dài đằng đẵng, xa thầy cô, bạn bè, xa phấn trắng, bảng đen, xa bàn ghế, xa góc hành lang… thì làm sao nằm yên cho được. Nhớ lắm những phút giây cùng bạn bè chơi trò đuổi bắt, những lúc cùng ngồi đổi trao dưới gốc phượng già vững chãi với thời gian. Nhớ giọng nói thấy có ân tình dạy bảo, qua bao tháng bao ngày cho lũ trò nhỏ ngày một trưởng thành, ngày một lớn khôn. Học sinh cứ khắc khoải nhớ thương rồi trong mộng mơ giờ phút tựu trường, để có thể một lần gặp lại mình trong quá khứ, để được hội ngộ với thầy cô, mái trường, để được ôm xiết nhau mà ôn lại những kỷ niệm cũ xưa.

    Mỗi mùa hè qua xóa nhòa khoảng cách cho mọi người xích lại gần hơn mà hân hoan đón chào nhau như chưa một lần xa cách.

    Xen trong tiếng trống ngân vang có vị mặn mồ hôi mẹ cha tất bật lo toan cho ngày con đến lớp. Mẹ cha đã cày bẫm cuốc sâu đồng xa, ruộng cạn, để đổi lấy nụ cười của con nơi gốc phượng sân trường. Con làm sao đếm hết nỗi vất vả, lo toan in hằn lên ánh mắt mẹ cha, bởi làm gì có phép toán nào đong hết những yêu thương ấy. Mẹ cha vẫn lặng thầm làm tất cả cho con những mong con bình yên, khỏe mạnh và thành công trên đoạn đường phía trước. Năm tháng có qua đi, có nhạt nhòa kí ức nhưng cả cuộc đời làm sao quên được những hi sinh của mẹ cha trên dọc dài những bước chân con.

    Và phút giây hội ngộ đi qua, lớp học trở nên yên ắng với bụi phấn rơi rơi. Lũ học trò chớp mắt dòm, thầy cô trải yêu thương và nhiệt huyết của mình trên từng bài giảng, đưa mình bay đến phương trời xa mới, có xa lạ, cô ngỡ ngàng, ngạc nhiên nhưng cũng lắm khát khao, hi vọng.

    Theo năm tháng, cây tri thức cứ lớn dần và ươm xanh những ước mơ, hoài bão phía bên đời. Học sinh đã bao lần dặn lòng khắc ghi từng sợi trắng tóc thầy cô, như khắc ghi sự ân cần dìu dắt của người đưa đò tận tụy.

    Rồi lời hứa hôm nào chợt hiện về để mùa thu mang treo lơ lửng giữa tầng mây. Lời hứa với thầy cô về một miền tri thức, với mẹ cha về một tương lai, một nghị lực, niềm tin trên bước đường đời. Lời hứa sẽ vươn lên dầu phải qua nhiều gian truân, vất vả. Lời hứa sẽ vượt lên số phận riêng mình chung sức giữ gìn và dựng xây quê hương thêm giàu đẹp, an yên cho đồng lúa, rừng tràm gọi cánh chim về bầu bạn giữa hồn sen, cho Đồng Tháp quê mình thêm tươi hồng sức sống.

    Phố phường lại tung bay những tà áo trắng tinh khôi, không gian lại rộn rã tiếng cười để mỗi độ thu sang, lòng người thêm nôn nao bao xúc cảm. Mùa thu thắp lên tri thức mới chào đón thế hệ tương lai dấn thân mà khám phá. Mùa thu sẽ mãi còn ghi trong tâm trí với những kỷ niệm êm đềm thời tuổi mộng tim mơ.

    Chợt thấy hạnh phúc và vui sướng biết dường nào khi mình còn khoác lên vai màu áo trắng, còn có quãng thời gian được gắn bó với mái trường, thầy cô, bè bạn… còn được một lần nhặt cánh phượng rơi thả vào miền kí ức tuổi hoa niên…


    Lại Thị Ngọc Huệ

    Mùa khai trường
    Mùa khai trường
    Mùa khai trường
    Mùa khai trường
  6. Mùa thu vẫn đến rồi đi, rồi lại đến và đi. Như những chuyến tàu đều đặn đi về trên sân ga thời gian. Chảy trôi, chảy trôi. Cuốn theo tôi. Mỗi lần “chuyến tàu” ấy quay lại, là lúc đất trời ngả màu xanh lơ. Dấu hiệu mùa thu đánh thức kỷ niệm…


    Mùa thu với tôi là những lần khai giảng.


    Lần đầu tiên đi học, là lớp Một. Trường trong làng, cách nhà có một đoạn đường chừng 500m. Nhưng bước chân nhỏ bé và ngượng ngập, e sợ nghe như là xa lắc. Ba mẹ đi làm đồng. Tôi theo chân anh trai đến lớp. Anh trai tôi học trường xã, nên chỉ dẫn tôi đến trường. Ngơ ngác nhìn đám bạn cùng xóm. Đứa nào cũng xênh xang quần áo mới bám đầy hoa cỏ may và hớn hở nét thơ ngây. Cô giáo Như Hương hướng dẫn chúng tôi xếp hàng vào lớp, sắp chỗ ngồi. Tôi ròm nhất nên được ngồi bàn đầu. Tôi đã biết đọc rành rõ nên không hề có cảm giác âu lo trong bài học đầu tiên: chữ a. Nhưng tôi nhớ mãi giọng dịu dàng ân cần của cô giáo, khi dạy lớp đọc. Nhớ bàn tay mềm mại của cô cầm tay tôi tập viết những nét đầu tiên. Nhớ cây bút lá tre màu xanh, mũi bút dài, có một cái “bụng” để chứa mực. Nhớ ngôi trường làng mái tranh vách đất mà rộn rã tiếng nô đùa trẻ thơ…


    Mùa thu vào lớp Sáu. Từ trường làng ra trường xã là cả một chân trời rộng mở. Đúng là “Trường em mái ngói đỏ hồng/Mọc lên tươi thắm giữa đồng lúa xanh”. Tôi ngỡ ngàng trước trường mới, bạn mới, thầy cô cũng hoàn toàn xa lạ. Đám bạn trong xóm đã nghỉ học nhiều, chỉ còn tôi và thằng Hiệp được học chung lớp. Ngày đầu tiên, sau lễ khai giảng và hồi trống tựu trường, chúng tôi ai về lớp ấy. Thầy chủ nhiệm của tôi tên Vũ, dạy Toán. Thầy vào lớp, ổn định lớp và điểm danh, dặn dò. Ngày đầu tiên học lớp 6 chỉ là nhận sách vở và chép thời khóa biểu với vô số những môn học: Toán, Văn, Lý, Sinh, Sử, Địa... Mỗi môn học do một giáo viên phụ trách, chứ không như thời tiểu học. Lạ lẫm quá, tôi bông thấy nhớ cô Thiểm, cô Nam, cô Hoài Hương, thầy Lan, cô giáo lớp 1. Nhớ đám bạn trong xóm, nhiều đứa không còn ngày khai giảng, vì nghèo quá, phải ở nhà đỡ đần cha mẹ…


    Thêm một mùa nắng rải những sợi tơ vàng, giăng mắc khắp không gian, tôi hồi hộp vào ngưỡng cửa cấp Ba. Tuổi mới lớn bao giờ cũng đẹp và đầy mơ mộng. Nên chưa bao giờ tôi nôn nao, mong đến ngày khai giảng như lúc này. Hồi đó, ước mơ xa xỉ của học trò trường làng như chúng tôi là được học ở ngôi trường danh giá nhất huyện. Trong niềm vui tựu trường, tôi đọc trong mắt các bạn niềm bỡ ngỡ xen lẫn tự hào. Ngôi trường mới thật khang trang với ba dãy phòng học. Sân trường rộng thênh, nhiều tán xà cừ, tán bàng tỏa bóng mát rượi. Vẫn còn lác đác những đốm phượng nở muộn trong vòm lá xanh. Cô học trò gầy tong teo bỗng lớn đến không ngờ trong tà áo dài tha thướt. Lần đầu tiên, trang phục này làm tôi ngượng nghịu trước ánh nhìn của các bạn nên bước chân dịu dàng như… thiếu nữ. Thấy trong mình mang chút bóng dáng của Xuyến, Thục hay Cúc Hương trong tiểu thuyết Nguyễn Nhật Ánh. Cổng trường cấp Ba mở ra trước mắt tôi vời vợi ước mơ và khát vọng…


    Vậy đó, biết bao mùa cây thay lá đi qua đời người. Nhưng để lại cảm xúc trong trẻo nhất trong mỗi người có lẽ là những mùa tựu trường. Mùa theo mùa đi mãi, nhìn những mùa thu đi, để hoài niệm, để an nhiên gom vào mình những dấu yêu của đất trời, của lòng người. Lặng nhìn bầu trời, dịu dàng sắc thu, xôn xao hội ngộ. Ngơ ngác heo may.


    Nguyễn Thị Diệu Hiền

    Những mùa thu đi qua tôi
    Những mùa thu đi qua tôi
    Những mùa thu đi qua tôi
    Những mùa thu đi qua tôi
  7. Cứ mỗi lần đến năm học mới, tôi lại tự mình bao vở viết nhãn cho con dù con tôi đã lớn và có thể tự làm được những việc này. Tôi vừa muốn giúp con, vừa muốn nhớ lại cảm giác của những tháng ngày đi học. Dù bao năm tháng đã qua, những tháng ngày ấy mỗi năm lại lùi xa hơn, nhưng trong lòng tôi, ký ức ấy vẫn còn nguyên vẹn. Cứ mỗi lần ngày khai trường đến, tôi lại nhớ má, nhớ ba, nhớ những thầy cô đã dạy tôi từ những ngày đầu ấy, nhớ những bạn bè đã cùng bên nhau suốt những ngày đi học.


    Như mọi nơi trên khắp đất nước này, ngày tựu trường của chúng tôi cũng là một ngày tháng chín, một ngày thu. Nhưng mùa thu Tây Nguyên không có “lá ngoài đường rụng nhiều”, không có những “đám mây bàng bạc”. Mùa mưa nơi đây còn chưa qua hết và thỉnh thoảng những trận mưa tầm tã vẫn còn trút xuống vào đúng ngày khai giảng, gây nên những bất tiện. Dù vậy, cái cảm giác nôn nao mỗi lần nhớ lại ký ức của ngày đầu đến trường của mỗi người có lẽ không khác nhau nhiều.


    Tôi quên sao được cái lần đầu tiên ấy, khi tôi chỉ là một đứa bé con chưa tròn 6 tuổi. Con đường làng dẫn đến trường tôi vẫn còn khá lầy lội vì những trận mưa trước đó. Tôi gần 6 tuổi, nhưng bé tẹo và vì thương tôi, mẹ tôi không dẫn mà là ẵm tôi đến trường trên con đường ấy. Những đứa trẻ khác, lớn hơn tôi một chút cũng được mẹ dẫn đến trường. Ai cũng có vẻ rụt rè, bỡ ngỡ, vụng về trong những chiếc áo mới rộng thùng thình so với khổ người, chiếc cặp chéo vai dài quá gối. Đến nơi, mẹ vào gặp thầy hiệu trưởng và xin cho tôi vào thẳng lớp hai. Tất nhiên là thầy rất ngạc nhiên, nhưng vì quy định hồi đó nếu đủ khả năng có thể học vượt nên sau khi sát hạch khả năng đọc viết và làm toán, thầy đã chấp nhận yêu cầu của mẹ và cho tôi vào học lớp 2 của ngôi trường mang tên “trường tiểu học cộng đồng Phú Thọ” với các bạn 7 tuổi với biết bao ngỡ ngàng. Cô giáo đầu đời của tôi mới hiền từ và dịu dàng làm sao, cô đã đưa tôi qua những ngày tháng ấy một cách nhẹ nhàng và đáng nhớ. Rồi những bạn bè của tôi nữa, họ đã cùng tôi đi qua những ngày đầu đến trường hồn nhiên và đầy thân thương. Dù cuộc sống nhiều đổi thay đã khiến tôi không còn gặp lại nhiều bạn trong số đó, nhưng chúng tôi đã có những ngày thơ cùng nhau và ký ức ấy vẫn còn đây, ấm áp biết bao!


    Tôi đi qua thời học sinh một cách dễ dàng dù lớn lên trong một thời kỳ nhiều gian khó của đất nước. Có lẽ tuổi thơ lúc nào cũng vậy, niềm vui và sự yêu thương đã xoá mờ hết những thiếu thốn về vật chất. Những năm ấy, trường lớp còn đơn sơ tạm bợ. Sau 3 tháng hè dài là mùa mưa, cỏ cây đã kịp phủ khắp sân trường, mang sự ẩm thấp tối tăm cho các phòng học. Trước ngày khai giảng năm học mới khoảng một tuần là những ngày dọn dẹp vệ sinh sân trường, lau chùi lớp học, sửa lại bàn ghế. Học sinh nông thôn đã quen giúp cha mẹ lao động chân tay nên dù chỉ ở tuổi thiếu niên đã có thể làm những công việc ấy một cách gọn gàng và hiệu quả. Những ngày vất vả nhưng đầy niềm vui, và trong mỗi chúng tôi bây giờ, đó là những ký ức đẹp và đáng nhớ.


    Ba tháng hè với chúng tôi hồi đó là những tháng nghỉ học đúng nghĩa. Chúng tôi đứa thì giúp cha mẹ làm đồng, đứa thì trồng rau, tưới nước, đứa thì chăn bò, cắt cỏ nên những ngày sắp trở lại trường thật bồi hồi nhiều cảm xúc khi được gặp lại thầy, lại bạn. Đêm trước ngày khai giảng thật là náo nức. Sách vở của tôi cũng được ba tự tay bao và dán nhãn. Xếp những quyển vở mới vào cặp, hũ mực mới, cây bút mới, tất cả đã sẵn sàng cho một hành trình mới. Thật vui mà cũng thật là thách thức.


    Hôm nay, năm học mới đã chính thức bắt đầu. Nhìn những đứa trẻ lần đầu bỡ ngỡ đến trường nắm chặt tay cha mẹ, những học sinh cũ hớn hở vui cười khi gặp lại nhau, những thầy cô giáo trang phục chỉnh tề đầy khí thế đón chào năm học mới, hẳn mỗi người chúng ta đều có chút cảm xúc bâng khuâng. Riêng tôi, cảm xúc cho ngày khai trường là một cảm xúc xuyên suốt từ những ngày chập chững những bước chân đầu tiên, nép vào lòng mẹ, được mẹ ẵm qua những khúc đường lầy lội để đến trường, rồi bao ngày khai trường của thời học sinh, sinh viên rồi tới cả cuộc đời nhà giáo vui cùng bao thế hệ học sinh sinh viên.
    Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, thoáng chốc mà đứa trẻ thơ với mái tóc loà xoà ngày nào giờ đã là một phụ nữ trung niên mái đầu điểm bạc. Ngày khai trường năm nay, dù không ra đường, nhưng lòng vẫn như nghe được tiếng trống trường rộn rã vang lên, như vẫn nhìn được những cô cậu học trò trong những bộ đồng phục mới tinh với bao mong chờ cho một năm học mới. Trường lớp bây giờ đều khang trang, đẹp đẽ, bàn ghế sạch sẽ vừa tầm, các em bây giờ có cơ hội nhiều hơn để yên tâm học tập. Như một người luôn quan tâm đến việc học của lớp trẻ, tôi thầm chúc một năm học mới có những bước đột phá và thành công, mong những nhà quản lý giáo dục có những chỉ đạo hợp lý và kịp thời, có những chính sách xác đáng để nền giáo dục nước nhà có thể đạt được những tầm cao mới.


    Tôi lại như nhìn thấy mình, đứa bé thơ lần đầu đến trường của buổi sáng mùa thu gần 50 năm về trước trên con đường làng lầy lội ấy…


    Ai Nguyen

    Chào năm học mới
    Chào năm học mới
    Chào năm học mới
    Chào năm học mới
  8. Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày (Helen Keller)… Con người là thế, đôi khi có trong tay niềm hạnh phúc vô biên mà không biết. Chỉ đến khi mất đi rồi, người ta mới nuối tiếc, mới thấm thía, mới chợt nhận ra rằng, thứ người ta mất đi tưởng bình thường mà thật vô giá… Trong dòng chảy của thời gian, đã bao lần bạn dừng lại, để nhận ra như thế? Đã bao lần bạn cảm thấy nhớ thương tha thiết những điều đã từng bình thường mà giờ đây thành xa xỉ, thành ước ao… Còn tôi, giờ phút này, ngồi bên cửa sổ, nơi có những chùm lá nhãn lòa xòa, rung rinh trong gió, giỡn đùa với giọt nắng thu vàng óng mà ước ao, mà mong nhớ một âm thanh bình dị đã gắn bó với cuộc đời tôi: Tiếng trống trường mùa thu…


    Tiếng trống trường thân thương đã đánh thức tuổi thơ tôi một cách diệu kì. Bước vào lớp Một, tôi được ông bà đưa đến trường. Ngôi trường làng nhỏ bé có một phân hiệu ở xóm chùa. Lớp một của chúng tôi học ngay trong chùa, nơi có những cây cột to bằng gỗ, hai ba đứa chúng tôi vòng tay mới ôm hết, chân cột là những phiến đá xanh mát lịm; nơi không khí trầm lặng, có chút u tịch. Ngày đó, không có điện, nên ánh sáng tự nhiên chiếu vào lớp học đã bị chặn lại bởi mái chùa thấp, bởi những cánh cửa bức bàn, bởi bậu cửa cao tận đầu gối chúng tôi. Tôi cứ tưởng, đi học chỉ là như thế; khi cô giáo đến lớp, cô sẽ gọi bọn trẻ con lau nhau chúng tôi lại, xếp hàng trước cửa lớp, rồi vào lớp, bắt đầu giờ học. Khi nào cô nói được nghỉ thì nghỉ, được về thì về… Chỉ đến khi được đến trường chính khai giảng, tôi mới biết không phải thế! Trong ngày khai giảng, trường đông thật là đông. Chúng tôi đứng ở sân trường, cái sân đất nện rắn chắc, hướng lên lễ đài. Khi tiếng trống khai trường vang lên, tôi thấy lòng xốn xang lạ thường. Tiếng trống giòn giã, âm vang, tiếng trống ngân rung những cảm xúc mới mẻ trong lòng một đứa trẻ sáu tuổi. Trong không khí im lặng trang nghiêm, tiếng trống dõng dạc gọi mời, thúc giục chúng tôi… Từ lúc ấy, tôi đã ao ước, nhanh nhanh học hết lớp một để được lên trường chính, hằng ngày nghe âm thanh tươi vui ấy…


    Tiếng trống trường thân thương đã đi cùng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ; đã mang đến cho chúng tôi thật nhiều những cung bậc cảm xúc. Nhớ những ngày trên đường đi học ngang qua cánh đồng, chúng tôi la cà rút trộm đòng đòng của ruộng lúa ven đường, vừa ăn vừa trêu nhau. Bỗng đâu, tiếng trống văng vẳng theo làn gió nhẹ vang tới, khiến chúng tôi cuống cuồng… “Trống báo rồi, nhanh lên nào”! Thế là cả nhóm ba chân bốn cẳng chạy cho kịp giờ. Tiếng cười vang trên những lá lúa còn đẫm sương đêm. Nhớ những mùa thi, tim đập dồn khi nghe hiệu lệnh trống vào. Đang vội làm nốt bài, trống báo hết giờ vang lên, trái tim như hẫng một nhịp. Cũng có khi, vừa kịp xong bài, có khi còn thừa thời gian, ngồi mong tiếng trống. Vẫn cái âm thanh vậy thôi, mà lúc háo hức vui mừng, lúc buồn tiếc, lúc giận dỗi. Có phải tại trống trường không? Không, là do lòng người học trò thôi… Cứ như thế, tiếng trống cùng tôi đi qua tuổi thơ dưới mái trường làng với lớp học tuềnh toàng, cửa chính, cửa sổ đều không có cánh; dưới mái trường nơi thị xã nhỏ bé hiền hòa… Tiếng trống lẫn vào tán cây, làm chín vàng những trái bàng, giục phượng trổ bông đỏ thắm. Tiếng trống vang vọng, lan xa trên mặt nước hồ Bạch Đằng mênh mang sóng vỗ.


    Tiếng trống tưởng sẽ ngủ yên trong tôi sau mười hai năm đèn sách. Nhưng không, tiếng trống trường còn gắn với cuộc đời tôi, khi tôi chọn con đường nhà giáo, con đường gắn với mái trường và những mùa thi, mùa phượng vĩ. Tiếng trống trường cùng tôi trưởng thành trong sự nghiệp trồng người. Nhớ ngày đầu tiên ở vị trí giáo sinh thực tập, trong giờ chào cờ, tiếng trống làm tôi xúc động, lòng dâng trào những tình cảm yêu thương lạ lùng. Trong khi đó, rất nhiều học sinh tranh thủ lúc trống vang lên mà nói chuyện. Chắc họ không nghĩ sẽ có một lúc nào thèm được nghe tiếng trống trường… Lại ngày đầu tiên là giáo viên, đứng trên cương vị mới, nhìn học sinh vui tươi ngày khai giảng, lòng tôi cũng hồi hộp vô cùng. Hồi trống khai trường năm ấy vẫn còn vang vọng mãi trong tôi.


    Có thời gian, trường tôi dạy dùng chuông thay trống. Hết giờ, vào giờ, tiếng chuông reo theo những giai điệu khác nhau rất vui tai nhưng tôi vẫn bâng khuâng tiếc nhớ tiếng trống, nhớ những âm thanh ấm áp rung lên, nhớ mặt trống làm bằng da trâu nhẵn lì… Dù dùng chuông báo giờ, nhưng khai giảng, chiếc trống vẫn được đặt ngay ngắn trên sân khấu, phủ vải đỏ. Âm thanh của nó vang lên trong tiếng nhạc, cùng giọng đọc diễn văn diễn cảm, làm nức lòng thầy trò, tự nhiên tim đập những nhịp đập rộn ràng, thấy mình như trẻ lại, hòa vào niềm vui của học trò.


    Dù hơn hai chục năm đã trôi qua, đã nhiều mùa học sinh tựu trường, nhưng chưa năm nào tôi có cảm giác thèm nghe tiếng trống trường như năm nay. Tờ lịch cuối cùng của tháng tám đã rơi xuống, ngày khai giảng đang đến rất gần… Nắng thu đã vàng óng ả trên những nhành cây, tán lá. Gió heo may đã về trên những phố quen. Trời đất đã bảng lảng sương sớm sương chiều… nhưng lòng người không có cái hồi hộp mong chờ như trước. Thay vào đó là nỗi âu lo, là niềm hi vọng dịch bệnh nhanh qua, là ao ước được đến trường, được nhìn những gương mặt rạng rỡ, được nghe tiếng trống trường trầm ấm, vang xa. Khai giảng online, nghĩa là sẽ nghe tiếng trống trên tivi, ngôi trường gần nhà cũng sẽ im lìm. Hi vọng, trong tương lai, những ngày khai trường sẽ lại tưng bừng cờ hoa, vui tươi tiếng trống. Mùa thu sẽ được đánh thức bằng những âm thanh xao xuyến lòng người…


    Phương Thảo

    Tiếng trống trường mùa thu
    Tiếng trống trường mùa thu
    Tiếng trống trường mùa thu
    Tiếng trống trường mùa thu
  9. Khi nàng thu thay áo mới, khoác lên mình tấm áo kiêu sa, kiều diễm của ngàn chiếc lá nhuốm vàng kết trong nắng nhạt, khi hương hoa sữa thoang thoảng quyện trong từng con gió mỏng manh xen vào từng hàng cây, góc phố khiến lòng người lâng lâng thì đó cũng là lúc bắt đầu mùa tựu trường – mùa dệt nên những ước mơ, khát vọng, đam mê của tuổi học trò. Năm năm học dưới mái trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn là năm lần khai giảng với những cung bậc cảm xúc không hoàn toàn giống nhau. Và có thể nói ngày khai trường năm nay là ấn tượng nhất với những học sinh lớp Năm như chúng tôi.


    Từ sáng sớm, khi thành phố còn chìm trong biển mây mù của những đợt mưa thu chưa dứt, gió nhuốm lạnh, len lỏi vào tận góc nhỏ của căn phòng, tôi đã giật mình trở dậy trong tâm trạng háo hức đợi chờ. Và chắc rằng không phải riêng tôi mà các bạn tôi cũng vậy, có lẽ ai cũng nhận ra mình lớn hơn thật nhiều khi trở thành những cánh chim đầu đàn của tổ ấm Lê Quý Đôn thân yêu. Cảm giác vui sướng ấy cứ dâng lên, nảy nở trong lòng tôi như những đóa hoa tươi mỉm cười trong nắng sớm. Tôi đến trường trong niềm vui hân hoan.


    Xa xa, ẩn dưới tán lá xanh mát, cổng trường hình ngôi nhà dần hiện ra theo bước chân tôi. Đến gần, cánh cửa rộng mở như người mẹ thân yêu dang rộng vòng tay đón các con thơ vào lòng. Bước qua cổng trường là hàng loạt những cảnh tượng bất ngờ hiện ra trước mắt tôi. Ôi! Trường tôi sao hôm nay đẹp thế? Nào cờ, nào hoa, nào dây trang trí và cả những chùm bóng bay bắt mắt đủ các sắc màu… Lạ thay, có nhiều nhóm học sinh đã đến trường tự bao giờ - thì ra không phải tôi đến sớm nhất như tôi đã nghĩ.


    Một lúc sau, học sinh chúng tôi đã có mặt đông đủ, các thầy cô đều mặc lễ phục thật đẹp mắt. Vậy mà mưa vẫn rơi. Giọt ngắn giọt dài nối đuôi nhau đáp xuống mặt sân, tưởng như buổi khai trường sẽ bị hoãn lại mất. Lúc đó, tôi mới cảm nhận được thế nào là cảm giác chờ đợi, nôn nao đến nóng lòng. Chốc chốc, chúng tôi lại chạy ra hành lang ngó xuống sân và thầm mong trời tạnh hẳn. Cuối cùng thì buổi lễ được tiến hành muộn hơn so với dự định nhưng cũng cực kì thành công.

    Những tiết mục văn nghệ mở màn sôi động đã hâm nóng bầu không khí se lạnh của buổi sáng mùa thu. Chúng em như những chú chim non cất cao tiếng hát ngợi ca mái trường – tổ ấm thân yêu thứ hai trong niềm tự hào khôn xiết. Sân trường ngập một màu đỏ của cờ và hoa. Không còn chút cảm giác se lạnh nào mà chỉ còn quanh đây cảm giác ấm áp và rất đỗi thân thương.


    Sau phần văn nghệ chào mừng, toàn trường đứng dậy làm lễ Chào cờ. Học sinh các lớp đứng trang nghiêm hệt như những chú lính trong đội quân tinh nhuệ đang sẵn sàng chiến đấu. Nhìn các em học sinh lớp Một còn bé nhỏ và lộ rõ vẻ ngây ngô, chợt ùa về trong tôi hình ảnh của năm năm về trước – lúc ấy tôi cũng như các em. Nhanh thật đấy các bạn ạ! Phải chăng bước chân của thời gian không tạo ra âm thanh nên nhiều khi ta không chú ý, để đến lúc ngoảnh lại mới ngỡ ngàng thời gian trôi qua thật nhanh… Rồi bài hát Quốc ca và Đội ca lần lượt được vang lên hào hùng thể hiện niềm tự hào dân tộc và quyết tâm phấn đấu học tập của học sinh chúng tôi. Không khí bắt đầu lắng dần khi cô Hiệu phó Phạm Thị Lan lên đọc thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Lá thư như một lời động viên, cổ vũ và nhắn nhủ chúng ta phải cố gắng học tập, rèn luyện ngày một tốt hơn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục…học tốt”. Và có lẽ phần ấn tượng nhất, gây xúc động nhất trong tôi là giây phút cô Hiệu trưởng Bùi Thị Quỳnh Hương lên đọc diễn văn khai giảng và đánh trống khai trường. Những giai điệu trầm bổng ấy đã quá quen thuộc suốt mấy năm qua mà sao hôm nay tôi nghe bồi hồi đến lạ. Mái trường ơi, thầy cô ơi, có phải đây là lần cuối cùng chúng con – những học sinh cuối cấp được nghe tiếng trống khai giảng dưới mái trường Tiểu học thân thương này? Suốt bốn năm qua, ngày lại ngày, sau tiếng trống trường là lớp học lại ngân lên lời thầy cô giảng bài, những phép toán, những bài văn,… đưa chúng con đến chân trời mới lạ…


    Tiếng trống khai trường vang lên khép lại những ngày hè sôi động và mở ra một năm học mới đầy ý nghĩa. Tôi thầm hứa sẽ cố gắng hết mình để đạt được kết quả cao nhất trong năm học cuối cấp này. Những chùm bóng bay bay lên cao, cao mãi mang theo ước mơ và và khát vọng của tuổi học trò chúng tôi.

    Năm nay em học lớp Năm
    Là gương anh chị cho đàn em thơ
    Em luôn biết quý thì giờ
    Biết yêu cái chữ, yêu điều phải, hay
    Mê say, chăm chỉ sớm chiều
    Để em xứng cháu Bác Hồ kính yêu…

    (Theo Thanh Tú và Thu Thảo – 5A1)

    Cảm xúc: Ngày khai trường trong tôi
    Cảm xúc: Ngày khai trường trong tôi
    Cảm xúc: Ngày khai trường trong tôi
    Cảm xúc: Ngày khai trường trong tôi
  10. Tháng Chín thật đặc biệt với tuổi học trò bởi có ngày tựu trường. Trong ký ức của nhiều người, tiếng trống luôn gắn với tuổi học trò lung linh sắc màu kỷ niệm. Tiếng trống trang trọng buổi khai trường, tiếng trống khẩn trương giục giã báo hiệu giờ vào học, tiếng trống thao thiết, thoáng chút lưu luyến trong ngày lễ chia tay tuổi học trò... Đến một ngày, sau bao thăng trầm, ta sẽ chợt thấy bâng khuâng nhớ tiếng trống trường thân thương mỗi khi tháng Chín về qua ngõ.


    Còn nhớ, năm đầu tiên đi học, tôi được mẹ đưa đến trường tiểu học gần nhà. Con gái nhỏ hồi hộp, tay run run cứ níu vạt áo mẹ mãi chẳng muốn rời. Cô giáo mỉm cười trìu mến và bảo: “Thôi nào, con chào mẹ rồi vào xếp hàng cùng các bạn đi nhé”. Nắm tay cô đi vào xếp hàng mà vừa đi, tôi vừa ngoái lại. Mẹ tôi và các phụ huynh đứng ở cuối sân trường, mắt dõi theo các con của mình trong ngày đầu đến lớp.


    Buổi lễ khai giảng diễn ra thật trang trọng, tiếng trống khai trường được thầy Hiệu trưởng gióng lên nghe thật vang vọng, trầm hùng: “Tùng...tùng...tùng...”. Một cảm giác mới lạ, pha chút tự hào dâng lên trong tôi: “Vậy là mình đã trở thành học sinh cơ đấy”. Và bắt đầu từ đó, tiếng trống trường theo tôi suốt quãng đời học sinh.


    Tuổi học trò thật nhiều kỷ niệm gắn với tiếng trống trường. Vẫn biết, mỗi tiết học chỉ có 45 phút, vậy mà lúc nào chúng tôi cũng hong hóng chờ tiếng trống chuyển tiết để có 5 phút nghỉ giải lao. Vào giờ ra chơi, chúng tôi thường có 15 phút để ra sân chơi và tranh thủ với đủ thứ trò chơi của tuổi học trò. Con gái nhảy dây, chơi ù, chơi ô ăn quan. Con trai thì đá cầu, ném loong, đuổi bắt... Cả sân trường ồn ã tiếng học trò. Bỗng tiếng trống vang lên báo giờ học bắt đầu, học trò hối hả vào lớp, trả lại sự yên lặng cho sân trường. Tuổi học trò thế hệ nào cũng có những trò nghịch ngợm, thật đúng là: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Tôi còn nhớ, có lần, một số bạn đi học muộn nên không được vào lớp, phải chờ ngoài sân trường. Lừa lúc bác bảo vệ không để ý, cả nhóm xui nhau lẻn vào gõ trống chuyển tiết sớm hơn quy định. Cả trường được một phen nhốn nháo, còn các bạn đó đều phải viết bản kiểm điểm và mời phụ huynh tới gặp giáo viên. Sau này, mỗi lần gặp nhau, đó là một kỷ niệm đáng nhớ thường được cả lớp nhắc tới.


    Trong những ngày hè, chiếc trống trường nằm yên lặng “tạm nghỉ ngơi” trên giá. Sân trường vắng lặng, dường như, trống cũng nhớ các cô cậu học trò. Khoảng sân rộng chỉ còn bóng nắng trốn tìm theo gió và tiếng chim lích rích chuyền cành.


    Tháng chín, những trái bàng chín ửng vàng lấp ló trong tán lá cũng là khi ngày tựu trường đã tới. Chiếc trống trường lại được bác bảo vệ lau chùi, soạn sửa để chuẩn bị bước vào làm nhiệm vụ của năm học mới.


    Năm tháng trôi, tôi chợt bắt gặp cảm giác hồi hộp, pha chút rưng rưng xúc động trong buổi đầu đưa con trai nhỏ tới trường. Trong màu nắng thu óng ả, những bóng áo trắng bé xíu xếp hàng thẳng tăm tắp trên sân trường. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay dưới trời thu xanh ngắt lồng lộng gió. Và, ô kìa, “Tùng...tùng...tùng...” tiếng trống trường gióng lên từng hồi nghe sao mà náo nức đến thế.


    Tháng Chín này, Hà Nội và nhiều thành phố đang trong thời gian giãn cách do dịch bệnh. Thầy cô giáo và học trò dự lễ khai giảng năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Dù không được nghe tiếng trống trường, không được gặp nhau trực tiếp, nhưng tôi tin, các thầy cô giáo, phụ huynh và bao thế hệ học trò sẽ vẫn cảm nhận được niềm vui của ngày toàn quốc khai giảng. Chúng ta cùng đoàn kết bên nhau trong thời khắc khó khăn này để tiếng trống trường thân thương sẽ lại reo vui trong những ngày sắp tới.


    Bài Vy Anh

    Tháng chín, bâng khuâng nhớ tiếng trống trường
    Tháng chín, bâng khuâng nhớ tiếng trống trường
    Tháng chín, bâng khuâng nhớ tiếng trống trường
    Tháng chín, bâng khuâng nhớ tiếng trống trường




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy