Top 10 Tản văn viết về tết Trung thu hay nhất

Phương Kem 2362 0 Báo lỗi

Tết Trung thu là một trong những dịp lễ lớn tại Việt Nam, đánh dấu thời điểm trăng tròn và sáng nhất vào tháng Tám âm lịch. Tết Trung thu mang trong mình những ... xem thêm...

  1. Tôi có thể quả quyết mà không sợ ai nói mình là chủ quan, rằng: Trăng đêm rằm tháng 8 là đẹp nhất, sáng nhất. Đêm đó ánh trăng bao giờ cũng xanh ngắt, tinh khôi, nền trời thăm thẳm không một gợn mây. Trăng trải khắp sông hồ đồi núi làng mạc. Lung linh và huyền ảo. Gió may xào xạc ngoài hiên. Tất cả như hiện ra dưới một lăng kính mới. Không gian như được ướp một thứ hương dìu dịu bởi các loại quả loài hoa, của đồng lúa sắp vào mùa thu hoạch. Tiếng trống thì thùm đâu đó gợi cho tôi nhớ đến vô cùng cái thủa còn thơ phá cỗ trông trăng.

    Những ngày này, mọi con đường trong nội thành như lột xác không thể nhận ra. Băng giôn quảng cáo căng đỏ đường. Đèn mầu xanh đỏ nhấp nháy như mời gọi. Đại lộ Hồ Chí Minh, Trần Hưng Đạo, Đồng Xuân, Sơn Hòa ngàn ngạt người đi. Ấy là chưa kể đến những con phố nhỏ hơn hoặc các chợ. Mọi nhà trước tháng 8 còn buôn bán kinh doanh vải vóc, tạp phẩm thì nay đã thu gọn hàng cũ để rồi bày ra đủ loại bánh trái. Truyền thống có, mới lạ có.


    Hàng nhập ngoại ê hề. Hoặc bán các loại đồ chơi trẻ em bằng nhựa, bằng gỗ, bằng tre nứa, mầu sắc rất bắt mắt. Ánh sáng chan hòa rực rỡ tựa chốn thần tiên. Người ta phải gửi xe để đi bộ. Đường đông quá. Những người ông người bà, người cha người mẹ đẹp như tranh vẽ, nô nức đi mua sắm tết Trung thu cho con cho cháu. Này chiếc đèn ông sao, đèn lồng mầu đỏ. Này cái đầu sư tử có đôi mắt long lanh. Cả những con giống được tết bằng hoa quả. Tiếng chào mời rổi rít chen nhau. Có cả tiếng cười, tiếng gắt gỏng khó chịu.

    Cứ tầm 10 tháng 8 là mẹ tôi đã bày cỗ lên một cái bàn. Chập tối khiêng ra sân, khuya muộn lại khiêng vào. Chẳng làm gì hết. Chỉ để khoe với chúng bạn thôi. Đều đặn như thế đến hết hôm rằm. Trên bàn mẹ tôi bày nhiều thứ. Cái bánh nướng óng như mật. Cái bánh dẻo mịn màng mát lạnh. Phong đậu xanh xinh xinh. Quả hồng đỏ, quả bưởi vàng...Thiên nhiên thật ưu đãi cho bọn trẻ chúng tôi. Mùa này thường nhiều hoa quả nhất trong năm. Ấy là chưa kể nhập từ nước ngoài về. Mấy con chó, con thỏ được tết bằng những múi bưởi. Mắt của chúng đính bằng hạt nhãn đen lay láy. Lại còn con cá, con lợn và nhiều con giống khác nặn bằng bột có nhân sống động như thật. Ngon mắt đến vô cùng. Bây giờ mọi loại thực phẩm hay đồ chơi đều phải có nhãn mác. Trên đó phải ghi đầy đủ các thông tin quy định như; Cơ sở sản xuất, địa chỉ, số điện thoại, thành phần làm nên sản phẩm, hạn sử dụng. Người ta sợ đồ bẩn, nhiều hóa chất độc hại. Chứ ngày xưa chả ai nghĩ tới điều đó. Người với người sống thật thà tình nghĩa. Tin nhau như người làng.

    Những ngày này tôi sướng như điên, đi khoe hết nhà này đến nhà khác. Hàng xóm ba bề, bốn bên ai cũng chuẩn bị cúng ngày rằm tháng 8. Kể cả những nhà không có trẻ con. Mới sẩm tối, tôi đã bắt mẹ phải thắp hết các loại đèn tôi có. Đèn ông sao, đèn xếp, đèn con cá và cả chiếc đèn kéo quân mà ở trên đó có rất nhiều điển tích. Về sau được đi học tôi mới hiểu trọn vẹn ý nghĩa của tích cổ ngày xưa. Tâm phục, khẩu phục các bậc tiền nhân. Cái gì, vật gì các cụ cũng nghĩ ra được sự tích của nó. Sự tích nào cũng hay, cũng đẹp. Cái nghĩa nhân tử tế bao giờ cũng thắng hung bạo lọc lừa.


    Chúng tôi đánh trống om xòm. Cái khoảng sân không rộng lắm trước nhà được dùng để múa sư tử. Trăng chiếu sáng như ban ngày. Cây cối xung quanh cũng lao xao như tiếng cười chia vui cùng chúng tôi. Những ngày ấy tôi thức rất khuya. Trong lòng luôn rạo rực bồn chồn mong ngóng. Một đêm chờ bằng cả tuần cộng lại. Mong sao trời nhanh sáng. Sáng để làm gì tôi không biết. Chắc chỉ để ngắm bàn cỗ cho đã con mắt, cho đã một năm chờ đợi. Hoặc lại lang thang ra những con phố người ta bán đồ chơi. Thấy gì lạ mắt là bắt mẹ phải mua cho bằng được.


    Ngày ấy trẻ con chúng tôi chỉ có chiêu bài tuyệt thực thôi. Bố mẹ nào chẳng lo lắng khi con mình không chịu ăn uống. Thế là phải mua. Tết của con trẻ mà. Ngồi trong lớp mà lời cô giáo giảng bài cứ chui từ tai bên này sang tai bên kia, bay mất. Chẳng biết bây giờ trẻ con có thế không? Trẻ con ở bất kể thời nào đều có một điểm chung là trẻ con, là thiếu niên nhi đồng. Trẻ con thuộc về những gì sắp tới. Thuộc về tương lai.

    Trong giấc ngủ chập chờn mơ mộng, tôi thấy chú Cuội và con Thỏ Ngọc trên cung Quảng Hàn xuống cùng chơi cùng hát với chúng tôi: "Ông giẳng ông giăng/Xuống chơi với tôi/ Có bầu có bạn/ Có bát cơm xôi/ Có nồi cơm nếp/ Có cặp bánh chưng...". Chú Cuội còn tặng tôi mấy chiếc lá đa để chữa bệnh cứu người. Thỏ Ngọc cũng biết hát biết múa biết cười.


    Lạ thế. Giấc mơ đưa tôi vào câu chuyện cổ tích vì sao chú Cuội phải ở trên mặt trăng đời đời kiếp kiếp. Tỉnh lại tất cả biến mất. Cả mấy chiếc lá đa chú Cuội tặng. Nhìn bàn tay không còn gì tiếc ngẩn tiếc ngơ. Ngủ lại mong giấc mơ tiếp nối. Chẳng thấy gì. Buồn muốn khóc.


    Tuổi thơ hầu như đứa nào cũng ích kỉ. Hễ ai chê mâm cỗ nhà mình, chê cái đầu sư tử nhà mình vừa nhỏ vừa xấu thì y như rằng ghét cay ghét đắng người đó. Không thèm chơi mấy ngày. Phải khen, phải thích. Cái gì của nhà mình cũng nhất cũng đẹp. Không nhà nào sánh nổi.

    Tối hôm rằm, mẹ tôi đốt trầm, thắp nhang làm lễ tế trời, tế đất. Mẹ tôi cầu những gì nghe không rõ. Nhưng dáng điệu vô cùng kính cẩn. Thì ra tết Trung thu đâu chỉ dành riêng cho lũ trẻ chúng tôi. Người lớn cũng coi trọng lắm.

    Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu sao những ngày phá cỗ trông trăng đêm rằm Trung thu thời con trẻ cứ in đậm trong trí nhớ già nua. Kể cũng lạ. Chuyện hôm qua, hôm kia nhiều khi quên mất. Có lẽ cuộc sống thời @ sôi động quá, trôi nhanh quá, nhiều khi chưa kịp nhìn, chưa kịp nghe xem, chưa kịp suy ngẫm nó là cái gì thì đã vèo qua.


    Nửa đêm về sáng trăng xuống thấp hơn, chỉ ngang tầm ngôi nhà cao tầng. Tiếng trống bung bung như tạo thêm sức lực cho dòng máu chảy mạnh hơn, con mắt tinh tường hơn, tinh thần sáng láng sảng khoái hơn. Đứng trên lầu cao nhìn xuống dòng sông khói mờ sương tỏa.


    Con sông về đêm nhỏ hẳn, đẹp như một nét bút lông mềm mại, khẽ lay động. Trăng lồng trong nước. Nước lồng bóng trăng. Tiếng cuốc kêu khản đục khắc khoải như muốn níu giữ thời gian. Xa xa, dọc bờ sông, ánh đèn con trẻ đi rước đêm Trung thu nhấp nhô theo nhịp trống. Trăng đẹp quá. Gió xanh quá. Mây tím quá. Khiến những kẻ xa quê vì bất cứ lý do gì cũng đều bâng khuâng nhung nhớ./.


    Tản văn của Nguyễn Sỹ Đoàn

    Tết của tuổi thơ
    Tết của tuổi thơ
    Tết của tuổi thơ
    Tết của tuổi thơ

  2. Cứ mỗi độ Trung thu, tôi lại bồi hồi nhớ về những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, vô tư với biết bao kỉ niệm. Ngày đó mọi thứ đơn giản lắm nhưng lúc nào ăm ắp niềm vui, ăm ắp tiếng cười, ấn tượng nhất là đêm rằm tháng Tám.


    Khi ông mặt trời vừa xuống núi, tôi tắm rửa, ăn cơm rồi nhanh chóng chạy ra sân hợp tác. Tiếng trống ếch, tiếng cười đùa của lũ trẻ rộn vang xóm nhỏ. Vầng trăng tròn vạnh như chiếc đèn trời khổng lồ tỏa ánh sáng dịu mát xuống làng quê. Chúng tôi say sưa với các trò chơi: Kéo co, bịt mắt đánh trống, chiến tranh bùng nổ, bịt mắt đập cột,....Chạy nhảy, đuổi bắt,...hò hét. Mồ hôi lấm tấm lưng áo mà đứa nào đứa nấy vẫn mải mê không biết mệt mỏi. Tiếng cười tuổi thơ giòn tan, trong veo.


    Đêm Trung thu rước đèn, phá cỗ. Dưới sự hướng dẫn của các anh chị phụ trách, chúng tôi xếp thành hai hàng dài. Tay giơ cao đèn ông sao. Mấy hôm trước đó, tôi được bố làm cho chiếc đèn ông sao khung uốn bằng tre, dán giấy bóng kính đủ năm màu trên năm cánh sao. Ở giữa có ngọn nến nhỏ thắp sáng. Những ánh đèn ông sao lấp lánh tạo nên sắc màu lung linh, huyền ảo khắp nẻo đường làng.


    Đi đầu là đội trống. Trống cái đặt trên chiếc xe đạp, một người dắt xe, người kia tay giữ trống, tay đánh trống. Hai trống con được hai bạn đeo vòng dây qua cổ, vừa đi vừa đánh. Cứ đi một đoạn, chị phụ trách lại ra hiệu cả đoàn dừng lại và bắt nhịp cho chúng tôi hát vang những bài hát quen thuộc. Giai điệu bài hát “Chiếc đèn ông sao” của nhạc sĩ Phạm Tuyên với những ca từ thân thương đã trở thành một phần không thể thiếu làm nên không khí tưng bừng, rộn rã cho ngày tết Trung thu quê tôi:


    Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu/ Cán đây rất dài cán cao quá đầu/ Em cầm đèn sao em hát vang vang/ Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan./ Tùng rinh rinh tùng tùng tùng rinh rinh/ Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn/ Tùng rinh rinh rinh rinh tùng rinh rinh/ Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi.


    Rước đèn vòng quanh hết các con đường trong xóm, chúng tôi trở về sân hợp tác liên hoan.


    Quà Trung thu là mấy cái kẹo chanh, kẹo gôm; mấy cái bánh quy Hải Châu hay quả hồng, múi bưởi,...đơn giản là vậy nhưng đứa nào cũng hồi hộp chờ các anh chị phụ trách phát đến lượt mình. Chúng tôi vừa liên hoan, vừa ca hát vui vẻ. Khi trở về nhà, tôi lại cùng gia đình quây quần phá cỗ dưới ánh trăng. Mẹ tôi trải chiếu cói ra sân, bê đĩa bánh kẹo và nải chuối, đĩa hồng ngâm đã thắp hương trên ban thờ xuống. Cả nhà trông trăng, phá cỗ.


    Càng về khuya, trăng càng sáng tỏ, vằng vặc giữa mênh mông, loang loáng trên những tàu lá chuối sau vườn. Ánh trăng ướt đẫm sương đêm. Tôi vắt chân chữ ngũ, nằm ngửa mặt lên trời, mơ màng ngắm nhìn trăng, cố gắng tưởng tượng hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây đa, chợt nhớ tới những câu đồng dao bà nội từng đọc cho tôi nghe vào những đêm hè đầy sao:


    “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/ Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời/ Cha còn cắt cỏ trên trời/ Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên/ Ông thì cầm bút, cầm nghiên/ Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa”.


    Cứ thế suy nghĩ miên man rồi tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Mẹ nhẹ nhàng bế tôi vào giường theo những giấc mơ cổ tích.


    Trung thu của tuổi thơ tôi chân chất, mộc mạc mà rộn ràng, ấm áp là vậy!


    Thời gian dẫu có trôi qua, tuổi thơ tôi ngày một xa, cuộc sống cũng ngày một thay đổi nhưng Trung thu thì còn mãi. Trăng mùa thu vẫn sáng mọi nẻo đường như người bạn thân thiết, mang niềm vui, sự háo hức cho con trẻ.


    Đoàn Hạnh

    Trung thu
    Trung thu
    Trung thu
    Trung thu
  3. Khi những vạt nhãn bên kia sông quả chỉ còn lác đác, thời gian quãng ngày từ từ co lại là lúc mùa thu đã chín. Thu như một thiếu nữ dần bớt mộng mơ, vẻ đẹp mong manh đằm xuống, để lắng sâu nhất vào lúc giữa rằm tháng Tám.


    Dẫu đã xa tuổi thơ mấy chục năm, dấu yêu dại khờ chỉ còn nương náu ở kí ức, tôi vẫn muốn dành để nhớ về Trung thu, về mùi hương dẻ thơm nức ùa tới khẽ khàng mỗi khi gió từ nơi nào xa lắm thoảng qua mảng hồn mình đang chênh chao giữa cuộc sống bộn bề. Hình như con người ta càng chạm tuổi thu, càng hay hoài niệm. Quá khứ cứ rong ruổi phía sau ta nhắc nhớ về ngày thu xa lắc…


    Bố tôi bảo rằm Trung thu là rằm trẻ con, qua tháng ngâu một quãng nỗi buồn chia xa của Chức Nữ - Ngưu Lang cũng nguôi ngoai để lại giữa bầu trời thu một dòng ngân hà trong vắt - bầu sữa dành cho con trẻ. Nền trời leo lẻo như đôi mắt bé thơ hồn nhiên, tinh khôi trước vạn vật trên đời. Có lẽ vì vậy mà mỗi rằm tháng Tám sự quan tâm chăm chút yêu thương được dành hết cho con trẻ.


    Nhìn thấy quả hồng trong vườn của bố tôi thắp đèn lồng đỏ rực trên cành cây trơ trụi lá, buồng chuối tiêu sau nhà lốm đốm vàng, trái bòng rám nắng đu đưa trên cành cao là sắp đón rằm Trung thu. Năm nào cũng vậy, trẻ con chuẩn bị cho rằm từ mùa trước. Hạt bòng được bóc trắng tinh xâu vào thành chuỗi dài treo lên cho khô chờ đến đêm rằm mang ra đốt. Những chiếc cật tre chẻ mảnh được vót nhẵn, giấy màu xanh đỏ được dành dụm sẵn để làm đèn ông sao, đèn kéo quân.


    Có năm còn không mua được giấy màu, đèn ông sao được dán bằng giấy báo, vậy mà náo nức. Trẻ con ngày ấy gần như đứa nào cũng biết cách làm cho mình một chiếc đèn ông sao từ nan tre, hay chiếc đèn lồng từ ống sữa bò, hộp xà phòng đã rửa sạch. Bọn con gái rủ nhau nhặt hạt thị cạo cho trắng vỏ, xiên vào đầu hạt chỗ nảy mầm chiếc que nhọn để làm dùi trống, gõ vào ống bơ toong toong nghe thật rộn ràng.


    Lũ trẻ con xóm tôi còn có một món đồ chơi tự tạo thật đặc biệt: pháo đất. Đất sét được các nhà vét ao vật lên phơi trên bờ tre đã khô, mấy đứa con trai hì hụi khuân về để trên mặt sân. Trưa ngày rằm, mỗi đứa lấy từng nắm tùy theo khối lượng pháo của mình, nhào với nước thật kĩ cho nhuyễn, đến khi dẻo quánh lại thì nặn thành hình khối như chiếc nồi con rỗng miệng tròn đều.


    Pháo của ai, người ấy bảo quản, phải giữ cho pháo không bị khô, chờ đến tối đem ra thi xem pháo nào nổ to hơn. Buổi tối, khi mọi nhà đã cơm nước xong xuôi bọn trẻ con mang pháo đến sân nhà tôi để thi, mặt sân nhà tôi phẳng nhẵn, rộng rãi, lại có bố tôi và mấy bác trong ngõ làm trọng tài.


    Giải thưởng cho pháo nào nổ to nhất là một cặp bánh sừng bò bố tôi mua mãi tân trên phố huyện về. Bao giờ trò pháo đất cũng được chơi đầu tiên để ông trăng nghe tiếng pháo nổ bùm bụp và câu đồng dao vang vang pháo nổ, pháo nang, cả làng chịu chưa? mà nhô lên qua ngọn tre làng rồi chiếu sáng khắp đường thôn ngõ xóm. Kỉ niệm ấy dẫu bao nhiêu mùa thu đã đi qua rồi, tôi vẫn còn rưng rưng nhớ.


    Bây giờ, cuộc sống đã đủ đầy, trẻ con nhà nào nhà nấy rủng rỉnh đồ chơi, đa dạng chủng loại, sặc sỡ sắc màu, rộn rã thanh âm hàng nội có, hàng nhập từ nước ngoài có được bày bán la liệt. Người lớn cũng nhân dịp tết Trung thu mà rủ nhau gặp mặt ăn uống vui chơi, trang trí cho trẻ những sân khấu biểu diễn rực rỡ ánh đèn, làm cho bọn trẻ con chiếc đèn lồng khổng lồ nhấp nháy, vừa để ôn lại kỉ niệm của một thời còn thơ bé. Rằm Trung thu dù bận bù đầu với công việc, tôi cũng tranh thủ đưa con đi sắm nào bánh nướng bánh dẻo, bòng bưởi, chuối na bày biện thành mâm ngũ quả cúng trông trăng ở sân nhà.


    Khi các con tôi đã chạy chơi cùng chúng bạn đón trăng, tôi cứ ngồi mãi ở đầu thềm nhà mình nhìn lên vầng trăng vằng vặc với bóng cuội ngồi dưới gốc đa mà da diết nhớ. Chắc giờ này bố tôi ở quê nhà đang ngồi bên bể nước nheo nheo cặp mắt đã mờ đục ngắm vầng trăng rồi hỏi mẹ tôi: “Các con chúng nó đi rước đèn sao chưa thấy về bà nhỉ?”


    Đông Bắc

    Mùa về thương đâu yêu xưa…
    Mùa về thương đâu yêu xưa…
    Mùa về thương đâu yêu xưa…
    Mùa về thương đâu yêu xưa…
  4. Năm 1986, khi đang học ở bậc Tiểu học, tôi nhớ rất rõ bài Trung thu độc lập của Thép Mới có đoạn: “Đêm nay anh đứng gác nơi biên giới, trăng ngàn và gió núi bao la khiến lòng anh man mác nghĩ đến Trung thu và nghĩ đến các em. Trăng đêm nay soi sáng xuống nước Việt Nam độc lập yêu quý của các em. Trăng sáng mùa thu vằng vặc chiếu khắp thành phố, làng mạc, núi rừng, nơi quê hương thân thiết của các em…” Hồi đó, tôi còn nhớ là “biên giới” chứ không phải “trại” như các con học sau này. Dù chưa hiểu gì nhiều nhưng những câu văn mượt mà ấy cứ ngân nga xao xuyến bao tâm hồn thơ dại. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và thuộc lòng từ lúc nào không biết. Với riêng tôi, mùa Trung thu luôn gắn liền với những trang văn đầu đời đẹp đến nao lòng như thế! Lúc này, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng thế hệ trẻ chúng tôi đã có những mùa trung thu rất đẹp và thi vị. Những mùa trung thu xa xưa ấy vẫn luôn là dòng kí ức ngọt ngào chảy mãi trong tâm hồn tôi.


    Ngày ấy ở thôn quê, hầu hết cha mẹ đều làm nông, cái đói cái nghèo bủa vây bám riết, đói no còn canh cánh từng ngày, đếm đong mùa giáp hạt thì làm sao nghĩ đến những món ăn tinh thần cho con trẻ, trong đó có Trung thu! Như thấu hiểu nỗi lòng của cha mẹ, bọn trẻ chúng tôi rất ngoan ngoãn, chẳng bao giờ so bì hoặc đòi hỏi gì ở người lớn mà tự tìm niềm vui theo cách riêng mình. Chẳng cần chờ đến chính rằm, lúc mặt trăng tròn vành vạnh, tỏa ánh vàng khắp thôn quê, làng xóm, mà ngay từ đầu tháng Tám âm lịch, không khí vui Trung thu đã rộn rã lắm rồi. Buổi sáng đi học ở trường làng Vĩnh Phú, ngôi trường đơn sơ bé nhỏ chỉ có mấy phòng học ngay tại Lẫm của làng, cũng là nơi để bà con xã viên tập trung khi họp đội. Tiếng đọc bài ê a vang lên, trong đó có Trung thu độc lập càng khiến cho bọn trẻ chúng tôi nôn nao, háo hức. Tan trường về, tiếng đùa vui, cười giỡn giòn tan, vang cả đường làng rợp bóng tre xanh, gió mát. Buổi chiều bắt đầu rủ nhau làm lồng đèn để đợi đón tết Trung thu!


    Để làm được chiếc lồng đèn ngôi sao năm cánh, tôi phải tỉ mẩn, cẩn thận và mất mấy buổi chiều mới xong. Làng quê tôi có nghề đan rổ, do vậy tre lúc nào cũng sẵn có. Khó ở chỗ phải tự vót tre sao cho thẳng, tròn và nhẵn bóng, rồi phân chia cánh cho đều nhau. Sau đó cột cho thật khéo để đứng mà không vênh, xách lên phải hài hòa cân đối. Khó khăn nhất là tìm giấy bóng gương xanh đỏ để trang trí và tìm lon sữa bò để đặt nến bên trong. Ngay cả nến cũng không có, tôi lấy hũ mực Quế Lâm đã hết, đổ dầu vào, lén vặn lấy phần trên của cây đèn hột vịt đặt vào trong thắp sáng. Khi trời vừa chập tối, dù chưa đến rằm, khắp con đường làng quanh co heo hút bóng tre đã nhấp nháy ánh đèn lồng ngôi sao xinh xắn của bọn trẻ. Làng quê chưa có điện, chỉ có ánh trăng thu bàng bạc hòa chiếu với ánh đèn lồng xanh đỏ, kể cả tiếng reo hò cứ thế theo vào trong những giấc mơ xa lơ xa lắc. Chỉ thương là cách làm thủ công, thiếu vật liệu, lắp ghép tạm bợ, đèn ngã dầu loang, lồng đèn phựt cháy là chuyện bình thường! Thế rồi hì hục làm lại trong bồi hồi, tiếc nuối, nôn nao! Riêng việc làm đầu Lân thì chỉ có mấy anh lớn hơn và phải khéo tay mới được. Tôi chỉ theo xem chứ chưa tự làm bao giờ.


    Trung thu, bọn trẻ chúng tôi mong chờ nhất là được nhận bánh kẹo của Đội sản xuất. Đầu giờ chiều ngày rằm thángTám hằng năm, tiếng kẻng quen thuộc vang lên, không để gọi người lớn ra đồng mà thúc giục trẻ con đến Sân kho hoặc Lẫm làng nhận quà bánh. Dẫu là ít ỏi, đơn sơ nhưng so với quãng đời tuổi thơ thiếu thốn thì món quà ấy đã đem lại niềm vui to lớn cho tôi và các bạn. Hương vị ngọt ngào của tuổi thơ cứ tròn vo như viên kẹo đỗ, vỗ về miền kí ức xa xưa, kể cả đi theo tôi suốt dặm dài mưa nắng!


    Hồi đó, chưa có những đội lân chuyên nghiệp. Trường Hòa An 1 của tôi có tổ chức làm Lân, tự luyện tập để đến Trung thu biểu diễn múa lân phục vụ bà con, vui là chính. Nếu có thêm ít tiền ủng hộ thì dùng làm quỹ cho Liên đội. Các anh khối 9 lớn nhất trường đảm nhận công việc này, theo sự sắp xếp của thầy Tổng phụ trách. Tự làm, rồi hăng say tập luyện để biểu diễn khoảng ba đêm (từ 12 đến 15 âm lịch) là niềm vui, niềm vinh dự rất lớn của các anh. Có lẽ trẻ con vùng thôn quê sống tự lập khá sớm, cho nên các anh dù lớn hơn tôi vài tuổi nhưng trông chững chạc và giỏi lắm!

    Làng quê chưa có điện, dưới ánh đuốc bập bùng, ánh trăng vàng mát dịu, tiếng trống lân rộn rã vang lên, tiếng trống mới sáng nay gọi học trò vào lớp, bây giờ trống nằm trên cộ bò và đang thúc giục Lân nhịp nhàng theo hiệu lệnh! Qúy và vui ở chỗ các em học sinh biểu diễn hết, từ đánh trống đến múa lân… Bà con rất vui và ủng hộ nhiệt tình, đều là con cháu cả, ai cũng quý thương. Riêng tôi và các bạn mãi đi theo cổ vũ, có khi lạc nhau, có lúc ướt mưa hoặc tay chân bết đầy bùn đất vẫn ham. Ôi nhớ! Nhớ những con đường làng đầy rơm rạ đất bùn. Nhớ những hàng tre ngút ngàn xanh ngắt, từng rơi xuống những cây gai nhọn hoắt. Nhớ tiếng trống rộn vang với chú Lân dẻo dai, dũng mãnh. Nhớ ánh trăng thu đang dát vàng, dát bạc, liệu nơi chốn cao xanh kia, chú Cuội với chị Hằng có vui như bọn trẻ ở nhân gian?!


    Cuộc sống đã đổi thay và phát triển từng ngày. Những mùa Trung thu của con cháu về sau đủ đầy hơn, cũng vui hơn với niềm vui mới. Dù cho khác biệt là tất nhiên nhưng chắc chắn tuổi thơ ai cũng háo hức mong chờ mùa Trung thu được tung tăng với đèn lồng, trông trăng, phá cỗ, xem lân, nhận quà bánh...


    Vậy mà Trung thu năm nay đặc biệt quá, mùa Trung thu không tiếng trống lân rộn ràng, không tiếng hò reo khắp phố phường, thôn xóm. Dịch bệnh vẫn còn, việc đến trường phải tạm hoãn, các cháu đón Trung thu tại nhà với gia đình đủ cả người thân đã là niềm hạnh phúc lắm rồi. Chợt ngậm ngùi xót thương cho hơn 1500 trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh rơi vào cảnh mồ côi vì dịch Coovid19 đã cướp đi những người thân yêu nhất! Các em rồi sẽ sống ra sao, bươn chải thế nào giữa dòng đời tất bật! Thật xúc động và ấm lòng, khi trong mùa trăng nhiều xa xót này, chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cam kết sẽ nhận 1000 em mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới. Thông tin này như một món quà đầy ý nghĩa nhân văn, sưởi ấm lòng người và vỗ về, ủ ấm những cánh chim non thơ dại!


    Thu đang độ cuối mùa nhưng vẫn còn vẻ đẹp dịu dàng quyến rũ. Nắng vẫn vàng và trăng vẫn sáng lung linh. Chỉ có điều vắng tiếng tùng tùng, rinh rinh rộn rã đã ít nhiều để lại khoảng trống lặng trầm trong miền nhớ. Bất chợt câu văn của Thép Mới vọng về trong tâm trí tôi “Trăng ngàn và gió núi bao la khiến lòng anh man mác nghĩ đến Trung thu, nghĩ đến các em”. Tôi đã từng đi qua những mùa Trung thu thương nhớ và mong rằng dịch bệnh qua nhanh để em thơ được cắp sách đến trường, để những mùa Trung thu đẹp luôn vẹn tròn trong tâm trí các em thơ!


    Phan Huy Thuỳ

    Trung thu thương nhớ
    Trung thu thương nhớ
    Trung thu thương nhớ
    Trung thu thương nhớ
  5. Hạ cuối níu kéo mùa trên từng chùm sấu lúc lỉu cong mình xuống như mời gọi. Kiễng chân vươn hái chùm sấu chín, ta như chạm vào tuổi thơ xa lắc. Tuổi thơ có lũ trẻ đen nhẻm lang thang dưới những con đường làng quanh co và dừng chân dưới cây sấu già cuối xóm. Đi qua khi nào chúng cũng ngước cổ ngóng quả sấu chín sót cuối vụ. Quả sấu tròn xoe như cục nắng đung đưa theo gió trêu ngươi vị giác của bọn trẻ. Không có cảnh hứng vạt áo đợi thị rụng như trước mà chúng đi tìm cái sào tre có móc ngoắc xuống. Chẳng mấy chùm sấu ước ao đã nằm gọn trong những đôi tay bé xíu. Chúng mang về rửa sạch, cạo vỏ rồi gọt xoáy vòng tròn để chấm muối ớt. Vỏ sấu giòn sần sật, thịt sấu dẻo trắng trong lộ hạt sấu già nâu đen bên trong. Xong xuôi cả bọn chúi đầu vào chén ngon lành. Tuổi thơ thấm vị chua chua, mặn mặn, cay cay như thế!


    Thu về, từng cơn gió heo may đưa hương ổi chín bay đi khắp nẻo. Mùi thơm thoang thoảng ngọt ngào. Cây ổi cành khẳng khiu đỡ từng chùm quả chín nhuộm mùa thu sóng sánh ánh mật. Lấp ló sau vòm lá, màu quả ổi chín lẫn trong màu nắng hanh hanh như lẩn trốn bàn tay người hái quả. Đứng dưới gốc cây nhìn lên, lũ chào mào tham ăn đang tranh nhau chí choé, nghe tiếng động cả đàn vỗ cánh bay đi. Bọn trẻ nhanh thoăn thoắt trèo lên cây tìm quả chín. Trước tiên chúng tìm hái quả chào mào ăn dở rồi ngồi vắt vẻo trên cành thưởng thức. Kì lạ là quả nào chim ăn dở là quả đó ngon ngọt và thơm hơn hẳn. Tay cầm quả ổi đào vỏ vàng, bên trong ruột lộ màu hồng hồng thơm nức đưa lên mũi hít hà. Mùi thơm đi sâu vào lồng ngực, mùi thơm luồn vào tóc, mùi thơm đậu lên vai vấn vít. Khi mùa thị đi qua thì trong nhà trưng quả ổi chín cũng là một thú chơi bình dân của bọn trẻ chúng tôi ngày đó. Không gian đưa hương thơm ấm áp, nhẹ nhàng khiến ta cảm thấy an yên như luôn có ông bà, cha mẹ, người thân bên cạnh.


    Mùa thu đã về trên dòng sông Hồng vừa qua cơn bão lũ. Con nước trở lại hiền hòa, trong xanh. Buổi chiều bọn trẻ con tắm sông nô đùa đến bợt bạt da thịt mới rủ nhau lên bờ. Con đường về nhà đi men theo lối mòn mà hai bên phủ kín cỏ may. Mùa này hoa loà xoà bám gót chân cọ vào da thịt ngưa ngứa. Hoa bông chùm gai góc phủ tím chiều. Bãi cỏ mênh mông trải dài ngút ngát chạm đến phía Bát Tràng. Theo sát chúng tôi, chị Dung thuyền chài nghiêng hông kẹp rổ cá mới đánh lên bán cho mọi người kịp bữa tối. Mớ tôm cá tươi ngon nên chỉ loáng cái chị bán hết sạch. Ngày ấy, thỉnh thoảng nhà tôi có thêm món cá mương chiên giòn chấm nước mắm tỏi ớt, hay tôm rang mặn ăn với rau muống luộc đánh sấu. Có hôm sang hơn được ăn canh chua nấu cá ngạnh sông. Mẹ sai tôi nướng quả dọc cho chảy nhựa chát, bóc lớp vỏ cháy nấu canh cá để tao độ chua. Bố là thì làm thịt cá bởi không cẩn thận ngạnh đâm vào tay sẽ rất tê buốt. Chị có nhiệm vụ rửa hành, nghệ, thì là, cà chua… Mỗi người một việc khiến bữa cơm tối cả nhà quây quần luôn ngập tràn tiếng cười nói vui vẻ dưới ánh đèn dầu leo lét đủ ấm áp sau một ngày nỗ lực lao động và học tập.


    Khi mùa vơi đi gần nửa là lúc chúng tôi chuẩn bị dần cho đêm trăng phá cỗ - Tết Trung thu. Hạt bưởi không được bỏ đi mà gom lại lột vỏ, bóc lớp màng nâu nhạt đến khi lộ hạt trắng ngần thì lấy dây thép xâu lại thành chuỗi đem phơi khô giòn làm pháo bưởi. Tuỳ năm mà có số pháo bưởi nhiều hay ít vì nó tỉ lệ thuận vào túi tiền của mẹ. Nói vui thế chứ lũ trẻ chúng tôi luôn nhanh tay qua hàng xóm xin hạt nên năm nào “mùa nàng” cũng bội thu. Thời điểm này, dịch vụ thu gom vỏ lon làm đèn lồng khá phát triển. Bọn trẻ chụm lại lấy kéo cắt dọc thân lon, gập xuống sao cho phình cân đối ở giữa rồi lấy ống đu đủ đổ nến. Ai khéo léo hơn làm đèn ông sao bằng giấy bóng kính, lấy giấy màu cắt tua làm viền… Cứ thế chẳng mấy chốc chúng tôi có một Trung thu khá đủ đầy. Hồng nhà cái Nga, ổi nhà thằng Dương, bưởi thì đi “xin tạm” nhà ông Hai Đức, bánh nướng bánh dẻo nhà ai có gì mang đến.


    Đêm Trung thu trăng sáng vằng vặc. Tiếng trống ếch vang từ xa thúc giục. Bọn trẻ con chỉ chờ âm thanh ấy liền nhanh chân hoà vào dòng người tưng bừng đèn đuốc. Dẫn đầu luôn là đoàn lân sư có cái đầu nghênh nghênh múa nhịp nhàng theo điệu trống. Ông địa mặt toe toét cười ôm cái bụng tròn xoe nghênh ngang mở đường. Lũ trẻ rồng rắn theo sau. Đứa cầm đèn ông sao, đứa đầu đội vương miện công chúa, đứa tay đẩy đèn cù xoay tít, đứa nào sang hơn thì có đầu sư tử được được bố mẹ mua ở phố Hàng Mã về. Còn chúng tôi tay cầm đồ tự chế mà lòng cũng vui khôn xiết! Vì không khí nhộn nhịp, tưng bừng. Vì sắp được cùng nhau ngồi phá cỗ trông trăng…


    Một buổi sáng thu phai chớm lạnh, tôi theo mẹ ra chợ cóc ven đê. Cuối dãy là hàng cá của mấy chị bên bên bờ bắc sông Hồng gánh sang. Chậu ốc xâm xấp đủ ngập mớ ốc đá xanh bóng to tròn nằm trong góc. Gặp mớ ốc ngon mẹ chọn mua. Mẹ dặn: Con ốc phải đầy miệng, nắp mở là ốc béo, không mua ốc vào tuần trăng vì ốc có con ăn không ngon... Mẹ dặn và mẹ dặn... Đứa trẻ như tôi khi đó chẳng nhớ được gì, chỉ mong “ ngày tháng mười chưa cười đã tối” để thưởng thức món canh chuối ốc của mẹ. Bát canh nóng hổi, thơm lừng mùi hành, lá lốt, tía tô, vàng màu nghệ, bùi vị chuối xanh, mềm ngầy của đậu rán, chua thanh thanh của mẻ và giòn giòn của ốc. Mặc dù chạy qua hàng thịt ba chỉ nhưng món ăn vẫn luôn đúng như slogan: chuẩn cơm mẹ nấu!

    Giờ đây, tôi đã đi qua bao mùa thu vàng phôi pha màu nắng nhưng mùi vị tuổi thơ mãi chẳng thể quên. Phải chăng mùi vị chua cay đắng đót của cuộc đời cũng chỉ là một trong những mùi vị của tuổi thơ xưa tôi đã từng nếm trải? Phải chăng đó cũng là động lực cho tôi thêm vững tin trước mùa thu đầy biến động của năm nay?


    Thanh Nhàn Trần

    Hương vị mùa Thu xưa
    Hương vị mùa Thu xưa
    Hương vị mùa Thu xưa
    Hương vị mùa Thu xưa
  6. Chân sáo nhảy nhót, bé hào hứng về nhà, ngày mai lớp bé tổ chức Trung thu, bé lại được gặp chú Cuội, chị Hằng. Bé sẽ được đeo mặt nạ Tôn Ngộ Không cầm gậy Như Ý hay mặt nạ chú thỏ ngộ nghĩnh gạ chạy đua cùng rùa. Bé háo hức, bé mong chờ.


    Cô giáo của bé sẽ hóa thân thành chị Hằng Nga xinh đẹp, mặc chiếc váy màu xanh thiên thanh, choàng một cái khăn trắng, đầu đội vương miện như năm nào. Cô sẽ kể cho bé cùng các bạn nghe bao câu chuyện hay, năm nào cũng nghe mà không chán. Bé sẽ lại thấy chú Cuội do cô giáo khác đóng, mặc áo nâu sồng, đầu chít khăn như một bác tiều phu thực thụ. Vui lắm, háo hức lắm.


    Hàng cây đổ bóng hoàng hôn trên con đường hanh hao gió, bé vừa đi vừa ngắm những ruộng lúa đang trổ đòng thơm ngát. Trường của bé là trường mẫu giáo ngay đầu làng, tan trường bé cùng các bạn dắt tay nhau về qua con đường hai bên rì rào lúa hát. Không cần bố mẹ tới đón, bé cũng học lớp lá rồi chứ không như các em lớp mầm, lớp chồi nữa đâu. Chỉ một năm nữa thôi, bé sẽ tạm biệt trường mầm non để vào lớp một.


    Bé nhớ, khi cây thị nhà bà Tư chín vàng, tỏa mùi thơm khắp xóm, đi tới đâu cũng thấy mùi thị lan trong gió là lúc Trung thu sắp về. Khi cây bàng trước cửa lớp của bé lá đang ngả dần sang màu vàng rồi đỏ, khi mẹ mua thêm áo mới có kèm chiếc khăn là lúc mùa thu tới. Chẳng biết thu đẹp tới mức nào, làm lay động lòng người ra sao mà anh Phong lúc rảnh rỗi lại ngân nga câu hát:


    “Em có hay mùa thu mưa bay gió nhẹ
    Em có hay thu về hết dấu cô liêu
    Và em có hay khi mùa thu tới
    Bao trái tim vương màu xanh mới
    Em có hay hay mùa thu tới hồn anh ngất ngây”


    Bé thắc mắc sao anh cứ hát hoài một bài hát, bé không hiểu mà cũng thuộc lời. Anh chỉ đáp lại: tại thu.


    Thu của bé là không nhễ nhại mồ hôi khi chơi ném bóng cùng bạn. Thu của bé là ánh nắng vàng nhảy nhót trên những khóm hoa cúc cô trồng trong sân, là cái se lạnh của giọt sương đêm trên vai áo mẹ khi tan ca muộn trở về, là cái húng hắng ho của ông khi trời trở gió, là gói cốm xanh bà phần mỗi chiều tan lớp, là cái bánh nướng bố mua ngọt ngào.


    Thu của bé là đĩa thị bà để thắp hương rồi chia phần. Những quả thị tròn đầy, xinh xắn, vàng mướt màu nắng, hương thơm thật đặc biệt khiến bé cứ muốn mãi hít hà. Bà bảo thị quê mình có mùi lúa chín, có mùi rơm mới, mùi bếp lửa, mùi làng quê với những ân tình chan chứa. Nghe bà nói bé chẳng nỡ ăn, cứ cầm mà nâng niu, gìn giữ. Bé cũng muốn như chị Lan, mè nheo bà đan cho một cái túi bằng chỉ, đựng quả thị treo đầu giường để mùi thị, mùi làng quê theo bé vào giấc ngủ.


    Thu của bé là sau những ngày nghỉ hè ở nhà cùng ông vót nan tre đan rổ, tha thẩn cùng bà nhặt rau ngoài vườn chờ mẹ về nấu cơm sẽ được bố cho ra phố một buổi mua sách tập tô, tập vẽ để vào năm học mới. Bé biết mùa thu tới là khi mẹ nghỉ làm một ngày ra chợ mua quần áo mới cho chị Lan, cho bé, thêm đôi dép đẹp để không thua kém bạn bè lúc tới trường.


    Thu của bé là khi ngồi bên hiên nhà cùng bà chờ mẹ đi làm về. Bé ngước lên nhìn trời hỏi bà những chòm sao lung linh. Chòm sao Bắc Đẩu như cái gàu sòng ông tát cá ngoài mương, in rõ trên nền trời đen thẫm. Ánh trăng vằng vặc băng qua cánh đồng rì rào hương lúa, lướt trên ngọn tre rồi soi mình xuống đáy ao trước hiên nhà. Xa xa tiếng ri rỉ của dế, tiếng sột soạt của chiếc lá rơi, tiếng chẫu chuộc gọi nhau, tiếng cá quẫy nước để trăng lại rung rinh vỡ tan nhiều mảnh. Một dải sáng mờ xuất hiện trên bầu trời, bà gọi đó là sông Ngân, bé lại được nghe bà kể về sự xuất hiện những chòm sao, về trăng và về cả những đêm rằm.


    Bé thích cái cảm giác theo ông ra vườn chặt buồng chuối đã lốm đốm quả vàng. Ông bảo để ông pha ra từng nải, dấm hương vài hôm, chuối chín trứng cuốc sẽ phần bé trái to nhất. Bé thích bẻ đôi quả chuối, chấm vào gói cốm bà cho, đưa lên miệng ăn. Chuối chấm cốm, chẳng biết từ đâu, sao mà ngon thế, bé có thể ăn no để tối mẹ đưa cơm cứ lắc đầu. Bé thích theo chị Lan hái hồng, đợi những quả hồng chín mọng, bóc lớp vỏ mỏng rồi cắn. Miệng bé, miệng chị Lan choe choét, dính tèm lem hồng vòng quanh mà vẫn thích thú cười. Hồng bà trồng sao ngọt thế. Bà bảo những trái hồng tích tụ tinh túy của trời đất, nắng gió của cả mùa hạ để khi trời vào thu, không khí hanh hao hơn sẽ làm cho hồng chín và bung tỏa những ngọt ngào. Cũng giống như cây ổi đào bà trồng góc vườn, những quả ổi đào ruột hồng thơm phức, chị em bé vặt xuống, lau lau vào áo rồi bẻ đôi ra ăn. Anh Phong bảo ăn ổi thế mới ngon, mới ngọt chứ đụng dao vào nó chát. Bé thích cả na, cả bưởi bà trồng. Có những lúc muốn ăn na, bé đứng dưới gốc nhìn những trái na xanh ngắt lẫn trong vòm lá, hỏi bà khi nào na chín. Ông lại đon đả nói thay bà, đợi thu, đợi thu con nhé. Khi những trái na mở mắt, ông sẽ hái cho con, tha hồ mà ăn, mà chia cho các bạn, làm bé cứ muốn thu tới thật nhanh. Bé muốn mang cả những trái bưởi vàng ươm màu nắng, ngọt thanh mát ông trồng từ khi bé chưa sinh ra để chia cho các bạn, năm nào Trung thu của lớp ông và bé cũng góp phần.


    Bé háo hức mong chờ thu không phải chỉ vì những trái cây trong vườn mà còn vì nhiều lý do khác. Bé sẽ được lên lớp mới, được mặc quần áo mới, được dự tết Trung thu cùng các bạn trong lớp. Bé nhớ mãi câu chuyện cô kể, vầng trăng trên cao kia là nơi ở của một nàng tiên mang tên Hằng Nga. Ông trăng to đùng tỏa ánh sáng bao phủ xuống ngôi làng của bé hóa ra lại có ngôi nhà mang tên cung Hằng. Những đêm trăng sáng nhất trong năm, Hằng Nga mặc xiêm y lộng lẫy xuất hiện, nhìn xuống trần gian đáp lại nỗi mong nhớ của chồng mình. Bé nhớ chú Cuội là một tiều phu hiền lành chăm chỉ trong một lần đánh nhau với cọp đã tìm được cây thuốc “cải tử hoàn sinh”. Nhờ cây thuốc quý, chú Cuội đã cứu được bao người. Nhưng chỉ vì vợ chú Cuội hay quên mà cây đã “bay về trời”. Muốn níu cây lại không được, Cuội lại chẳng muốn buông tay nên đã cùng cây về cung trăng từ đó.


    Bé háo hức chờ thu, chờ đến rằm tháng tám, bé sẽ lại thấy bạn Linh đội cái mũ Hàm Hương múa điệu múa cô dạy cả tuần. Có khi bé được đóng ông Địa với cái bụng to tròn, phe phẩy quạt nhảy múa bên con sư tử bạn Hùng hóa thân. Cũng có khi bé cùng các bạn người trống, người đèn hát vang bài hát Chiếc đèn ông sao. Thích nhất là cả nhà buổi tối ngồi quây quần bên mâm cỗ trông trăng, khi phá cỗ bao giờ bé cũng được phần bánh nướng, bánh dẻo to nhất, thứ bánh chỉ Trung thu bé mới được thưởng thức.


    Ánh trăng trong vắt cùng làn gió thu mát rượi đưa bé vào giấc ngủ với nụ cười còn đọng trên môi. Bé mơ ngày mai bé sẽ hòa ca cùng các bạn bài hát Trung thu vui nhộn:


    “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu
    Cán đây rất dài cán cao quá đầu
    Em cầm đèn sao em hát vang vang
    Đèn sao tươi màu của đêm rầm liên hoan!

    Tùng rinh rinh tùng tùng rinh rinh
    Đây ánh sao vui chiếu xa sáng ngời
    Tùng rinh rinh tùng tùng rinh rinh
    Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi!”
    Chiếc đèn ông sao – Phạm Tuyên


    Lê Hà

    Thu của bé
    Thu của bé
    Thu của bé
    Thu của bé
  7. Tuổi mỗi người có bao nhiêu mùa trăng, ai mà đếm nổi.


    Có những mùa trăng cứ lung linh, phiêu bồng trong ký ức. Không lãng mạn như mùa trăng của tình yêu lứa đôi nhưng mùa trăng của thời niên thiếu lại thánh thiện, trong trẻo và đáng yêu vô cùng.


    Ai đã từng qua, một đời chẳng thể nào quên. Tôi say sưa trong âm thanh mời gọi của tiếng trống ếch những đêm thu. Tiếng trống như có men say làm thôi miên lũ thiếu niên tuổi tôi, hễ cứ nghe thấy tiếng trống dinh tùng phía sân kho (sân hợp tác) là mọi công việc được hoàn tất nhanh nhất có thể. Những năm đó, mùa thu ở làng quê tôi, nước ngập khắp cánh đồng.


    Cái vùng chiêm khê mùa thối chỉ mong nước bớt đi để khỏi mất mùa. Nước ngập cả con đường từ gốc cây gạo trong làng ra sân hợp tác, chúng tôi xắn quần lội uồm uồm, vừa lội vừa sợ đỉa bám chân.


    Vậy mà đứa nào cũng vui, cũng háo hức. Không hiểu sao, chỉ mấy động tác đi đều bước (1-2-1)mà tập khoảng gần tháng trời, có đứa vẫn vung tay lạc nhịp.


    Vui nhất là tập hát, tập múa, tập đóng kịch. Có đứa mãi còn ngượng nghịu với những điệu múa do các anh chị dạy làm cả lũ cười bò ra. Tập đi, tập lại cho đến khuya, về đến nhà, rửa chân tay, đứa nào đứa ấy lên giường ngủ một mạch đến sáng.


    Rồi cái ngày mong chờ sau gần một tháng trời cũng đến. Đó là ngày cắm trại thu. Đêm đó chúng tôi hầu như không ngủ hoặc ngủ cũng dậy từ tờ mờ đất. Mặc bộ quần áo tươm tất, đeo khăn quàng đỏ và mũ calo (gấp bằng giấy hoặc bìa) trông rất oách.


    Khi tôi đến nơi, đã thấy mọi người tề tựu đông đủ, mặt đứa nào cũng vui nhưng vẫn có nét căng thẳng. Các anh chị phụ trách bận rộn với đủ thứ công việc để chuẩn bị cho việc cắm trại.


    Đường đến trung tâm xã dài gần bốn cây số, chúng tôi phải đi bộ đến đó để cắm trại. Đi đến đâu tiếng trống ếch rộn vang theo những bước chân líu ríu, hăm hở đến đó, lạ thay đường xa mà chả đứa nào thấy mỏi chân.


    Chúng tôi lạc vào không gian trại thu của mười sáu chi đội với đủ màu sắc sặc sỡ. Màu đỏ của cờ Tổ quốc, cờ dây, sắc màu đa dạng của mái trại...Mái trại là những vỏ chăn còn mới tháo ra chứ đâu có nhiều vải đẹp như bây giờ.


    Cổng trại được trang trí cầu kì, những băng giấy xanh, đỏ, tím, vàng được phết hồ và quấn vào những đoạn tre.Có những cổng trại được tết cầu kỳ từ lá dừa thật lạ.


    Trong trại luôn có ảnh Bác Hồ treo trang trọng và mâm ngũ quả được các anh chị gọt, tỉa, sắp, bày rất khéo. Góc học tập bao giờ cũng có chiếc bàn con, em Ngân xóm tôi luôn được chọn vở để trưng bày vì nó viết chữ đẹp và toàn điểm giỏi. Hồi đó, tôi gầy nhẳng và cũng chẳng cao lớn gì, vậy mà không hiểu sao, tôi có đủ dũng khí để đứng trước toàn liên đội (đội thiếu niên của một xã) để dõng dạc điều khiển các nghi thức Đội! Năm nào kết quả cắm trại được giải cao thì không những trẻ con vui, thanh niên vui mà cả làng đều vui.


    Sau một đến một ngày rưỡi (tùy từng năm) cắm trại xong, từng đoàn lại nhổ trại về trong tiếng trống ếch tưng bừng, rộn rã.


    Vui nhất là đêm rằm. Những mâm bánh Trung thu đầy đủ sắc màu. Màu xanh của bưởi, màu vàng của chuối, màu đỏ tươi của hồng, thơm lừng mùi cốm mới và bánh khảo, bánh nướng, bánh dẻo...Những cái đèn kéo quân hay đèn ông sao lung linh khắp xóm. Nhớ những giây phút cùng bạn bè, trẻ con hàng xóm chạy sang nhà nhau khoe đèn, khoe trống, đốt hạt bưởi sao mà rộn rã. Để chuẩn bị cho một xâu hạt bưởi đốt đêm rằm, lũ trẻ chúng tôi phải bóc tất cả các hạt bưởi, xâu lại, đem phơi khô trước đó mấy tháng trời. Gọi là mâm cỗ trông trăng cũng đúng vì nhà nào cũng bày mẫm cỗ ra sân cho trăng ngắm mà lũ trẻ mải chạy nhảy, nô đùa, đâu có thiết gì ăn uống.

    Làng tôi, sau ngày rằm, bao giờ cũng có một tối liên hoan văn nghệ. Sân khấu được dựng lên ngay trên sân kho. Từ chập tối, loa đài đã kêu inh ỏi, tiếng trống ếch rộn ràng,dồn dập, tôi có cảm giác là tiếng trống làm rung động cả mặt nước. Tối đến, nhà nhà lũ lượt kéo nhau ra sân kho vui như trẩy hội. Đầu tiên, những tiết mục văn nghệ của thiếu niên đã tham gia biểu diễn tại xã được công diễn lại. Chẳng biết chúng tôi hát múa có hay không mà cứ được bà con vỗ tay ầm ầm. Xen kẽ là các tiết mục văn nghệ của các anh chị đoàn viên, các ông, bà, cô, bác trong xóm (sau này là cả những người đi đường thấy vui cũng dừng chân ghé xem và cũng đóng góp các tiết mục văn nghệ). Buổi tối đó vui vô cùng, dưới ánh trăng sáng lung linh, chúng tôi được vui chơi thỏa thích vì tận đến sang năm mới có ngày hội này.


    Còn một ngày vui nữa phải kể đến, đó là ngày làng tổ chức các trò chơi dân gian. Chúng tôi say sưa trong những trò chơi ném vòng, kéo co, nhảy dây...ai thắng thì được kẹo, được thưởng đồ chơi, những thứ đó luôn hấp dẫn, mê hoặc con trẻ. Khoái nhất là cái ngày đó, những đứa trẻ tha hồ chơi mà không phải làm bất cứ việc nhà nào.


    Trên cái hồ ngoài đình, người ta bắc một cây cầu bằng một thân cây luồng to, dài. Phía đầu kia cầu có treo giải thưởng, thường là một con vịt hoặc mấy quả bưởi. Mọi người đứng xem vây kín cả một đoạn bờ hồ. Luật chơi là ai đi trên cầu, không ngã xuống nước, ra đến đầu cầu sẽ được thưởng. Những thanh niên, thiếu niên (thường là con trai) leo lên được vài bước rồi lại ngã ùm xuống. Có những người ra gần đến nơi, được mọi người reo hò, cổ vũ ầm ĩ mà cuối cùng cũng toạch.


    Chỉ có anh Tuấn nhà bác Thân là giỏi, năm nào anh cũng có phần thưởng trong trò chơi này. Các trò chơi kết thúc, trẻ em, người lớn ra về, dù được thưởng hoặc không được thưởng gì, ai nấy đều hoan hỉ.


    Rồi ngày vui qua đi, sân kho lại vắng lặng như tờ, những cái trống cái, trống con xếp vào một góc chờ đến tháng tám năm sau. Dư âm của những ngày vui dần lắng lại, chúng tôi chuyên tâm vào chuyện học hành hơn và lòng lại háo hức chờ đón mùa Trung thu năm tới.


    Những tết Trung thu bây giờ, các cuộc vui, liên hoan được người lớn tổ chức cho thiếu niên, nhi đồng ngày một rầm rộ, hoành tráng, hiện đại hơn nhưng chả biết lũ trẻ có được những tháng ngày mong đợi, hồi hộp, háo hức và vui vẻ như chúng tôi thuở nào?


    Cho đến bây giờ, không khí của những ngày Trung thu ấy cứ hiện lại trong tôi. Tôi chẳng thể nào quên mùi hạt bưởi thơm giữa những tia lửa phát ra trong không khí tưng bừng rộn rã, trong tiếng trống con, trong ánh đèn ông sao xanh đỏ, trong tiếng reo hò náo động thôn xóm của lũ trẻ. Cái cảm giác ấy nó cứ ma mị, bám riết lấy tôi mỗi khi tiếng trống ếch bập bùng trong thôn xóm. Những mùa trăng niên thiếu lại ùa về!


    Hà Kim Quy

    Những mùa trăng niên thiếu
    Những mùa trăng niên thiếu
    Những mùa trăng niên thiếu
    Những mùa trăng niên thiếu
  8. Khi những trận mưa tháng bảy dai đẳng như dòng lệ nhớ nhung buồn tủi vì li biệt của vợ chồng Ngưu Lang-Chức Nữ dần vơi, mùa Ngâu nhường chỗ cho nắng thu vàng óng màu mật ong mới vắt thì trái cây dần chín. Bên hè phố, ngoài chợ, hương thơm trái chín tỏa ngát. Mùi ổi thơm đến gọi mời, mít vườn chín tỏa hương lan xa trong gió muốn níu chân khách, mùi sầu riêng gọi bao thương nhớ bay bay cùng làn gió heo may. Và thị chín vàng, thơm đến nao lòng người qua lại. Cuộc sống bận rộn đôi lúc khiến ta quên đi nhiều thứ. Vậy mà mùi thơm của thị, của mít và ổi - những món quà thân thuộc của tuổi thơ xưa kia lại thầm nhắc nhớ: mùa thu năm nay đã đi được phân nửa quãng đường.


    Nhớ mùa thu năm xưa...


    Hồi đó, có bé gái lon ton theo bà nội đi lễ chùa. Mấy chục năm rồi, còn lưu lại trong trí nhớ thời thơ ấu thì đó là ngôi chùa nhỏ rêu phong cổ kính, lại hơi vắng. Điều ấn tượng nhất là cạnh chùa có một cây cổ thụ tỏa bóng râm mát cả khoảng sân, lá xanh ngắt, um tùm. Gốc cây to lắm, chắc cả vài vòng tay ôm. Hỏi, thì bà bảo đó là cây thị. Nhìn lên vòm cây rậm rạp nó thấy lấp ló ẩn trong tán lá vài quả đã ngả dần sang màu vàng. Lễ xong, trên đường về, bà giảng giải rằng cây thị đã có từ lâu. Bà bảo khi bà còn bé đã thấy cây to lắm, cây thường cho quả chín vào mùa thu. Rồi bà kể chuyện cô Tấm ẩn mình trong trái thị. Câu chuyện hấp dẫn ấy khiến con đường về nhà dường như ngắn lại.


    Vài hôm sau, bà đi chợ mua về mấy quả thị nhỏ, vàng ươm màu nắng và thơm lừng. Mấy gian nhà nhỏ ngát hương thơm nức của thị. Bà dạy cách làm giỏ để đựng thị. Tước những sợi cói nhỏ trong đám cói bà giã để đan vỉ đan quài, bé gái vụng về làm cái giỏ đầu tiên trong đời để đựng món quà được mua bằng những đồng tiền chắt chiu từ những mớ rau, mớ chè của bà nội. Và trái thị tròn năm ấy được treo bên cây cột giữa nhà, cứ lặng lẽ tỏa hương tới vài ngày. Rồi thị vàng sậm lại, chín nẫu, những đốm màu sẫm trên vỏ thị ngả dần sang đen, mùi thơm nhạt dần. Bà nội bảo nếu không ăn, thị sẽ hỏng. Đành dùng mũi dao khía vỏ thành sáu, rồi nó lột dần vỏ thị. Nhấm nháp vị của thị như được hưởng cả hương vị mùa thu. Thị có vị ngọt pha chút chát nhưng với đứa trẻ con nhà nghèo thiếu dinh dưỡng hồi ấy thì đó lại là món quà rất ngon lành. Trái thị nhỏ nhưng hạt lại rất to, nó còn chưa kịp hưởng hết vị thơm ngon thì cái hột tròn tròn trôi tuột xuống bụng. Nó hốt hoảng mách bà, bà chỉ cười vui bảo không sao đâu. Còn anh trai hơn vài tuổi thì kêu toáng lên: "Chết rồi, chỉ đêm nay hột đó nảy mầm rồi mọc cây trong bụng đấy. Sáng mai sẽ mọc xuyên qua đầu. Rồi nó sẽ lớn lên. Chỉ tháng sau nó sẽ lớn bằng cây mít trước cửa". Dù được bà trấn an mà lòng cứ thấp thỏm, bé gái lâu lâu lại sờ tay lên đầu xem mầm cây đã mọc chưa ? Giờ, đôi khi nhớ lại chuyện cũ, nó cứ tủm tỉm cười mãi một mình. Hình như trẻ con, đứa nào cũng dễ bị lừa như vậy.


    Cái vỏ quả thị ấy như hình một bông hoa sáu cánh được nó dán lên cột nhà vì tiếc nuối hương thơm. Thương cháu gái, phiên chợ ngày bảy ngày ba nào bà cũng chắt chiu vài đồng bạc lẻ mua thị. Tết Trung thu xưa còn hằn sâu trong kí ức với tiếng trống ếch rộn ràng, với những lều trại đầy đèn sao và đêm văn nghệ tưng bừng dưới ánh đèn măng-xông hòa cùng ánh trăng sáng mờ tỏ. Nhớ mâm cỗ trông trăng toàn hoa trái vườn nhà: chuối tiêu trứng cuốc, bưởi rám nắng, ổi găng, khúc mía ngọt lịm, oản xôi và trái thị thơm nức vàng tươi sắc thu. Hương thơm của thị quyện trong gió heo may cứ thế chở dần mùa thu tuổi thơ trôi qua. Rồi bé gái ấy lớn lên, đi học đi làm, lấy chồng xa quê. Chỉ khi chút gió heo may về thầm nhắc thu đã sang, lòng lại cồn lên bao nỗi nhớ...


    Vài lần về quê nhưng chẳng bao giờ nó gặp trúng mùa thị chín. Dõi mắt trông lên giữa đám lá um tùm xanh ngắt kia, nó mong kiếm tìm một quả chín trái mùa. Thấp thoáng trong mù sương tiềm thức là một ngôi chùa rêu phong cổ kính đến trầm mặc và gốc thị già nua, vững chãi ngày xưa. Năm nay thu đang độ nên nó càng nhớ quê, đôi lúc lòng băn khoăn tự hỏi: Chẳng biết thu nay cội thị già có còn ra trái? Và trái chín có còn tròn vo, căng mọng với mùi hương quyến rũ đến gọi mời ? Lòng thầm ước rằng giá được bé lại, chân trần lon ton theo bà theo mẹ đi chợ phiên, để được hoà vào dòng người quần vải áo nâu lam lũ sáng sáng gồng gánh rau dưa đến chợ. Và rồi lại nhảy chân sáo mừng vui khi tan chợ, vì nó biết rằng trong cái thúng nhỏ của bà có vài củ ấu, quả ổi chín vàng làm bạn với trái thị thơm lừng.

    Chiều nay nắng thu vàng tươi, gió hiu hiu nhè nhẹ chở đám mây trắng nhởn nhơ thong thả dạo chơi. Trời đang đẹp lắm, nhưng người đi đường lại vội vã với khẩu trang kín mặt, chẳng còn tiếng trống lân rộn ràng như mọi năm. Dù trên đầu đã vài thứ tóc, lưng đã cong, mắt bớt tinh và bước chân dần chậm lại nhưng mỗi mùa Trung thu về vẫn khiến lòng nao nức. Trung thu vẫn là tết của đoàn viên, tết của tình thâm vậy mà nhiều người năm nay khó về nhà sum họp. Ghé vào sạp trái cây ven đường, mắt sáng lên, hít thiệt sâu mùi hương trái chín thơm lừng. Thị đây... Vẫn tròn trịa, vẫn ngát hương, vẫn vàng ươm màu nắng nhưng đó không phải là trái thị quê nhà mà bà nội mua về sau mỗi phiên chợ Thượng lúc mùa thu gõ cửa. Dù có thể mua tất cả số thị đó nhưng rồi nó chỉ chọn vài quả tròn trịa vàng tươi. Vẫn nhớ lời dặn của bà: "Mít tròn, dưa méo, thị vẹo..." nhưng tay nó lại cứ lựa trái tròn vo, thơm nức gắn trên cành còn nguyên vài chiếc lá xanh ngắt, mang về. Để rồi đêm nay nó nhẩn nha kể cho con cháu nghe về quê cha đất tổ và kỉ niệm tuổi thơ với những mùa thu đã qua.

    Mâm cỗ Trung thu năm nay có thêm trái thị vàng...


    Quế Hương

    Hương mùa thu
    Hương mùa thu
    Hương mùa thu
    Hương mùa thu
  9. "Bao giờ cho tới mùa thu
    Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm ..."
    Nguyễn Duy


    Ai đã từng đi qua tuổi thơ thì chắc hẳn chẳng thể nào quên được những đêm rằm tháng tám. Với tôi, những ngày tháng ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Nỗi háo hức, mong chờ cộng với sự hý hửng mình sẽ được miếng bánh to hơn các bạn trong lớp vẫn còn nguyên vẹn đến tận hôm nay. Những cái tết Trung thu tuy sơ sài nhưng giống như một sự kiện trọng đại luôn được trẻ con ngóng đợi từ trước hàng tháng trời với niềm vui khôn tả.


    Cái ngày hôm đấy, trẻ con cả xóm đến trường bằng chiếc lá sen to tướng đội trên đầu thay ô che nắng, nhìn chẳng khác gì đám ếch xanh ríu tít di chuyển trên con đường làng, và chủ đề chỉ quanh việc mỗi đứa được bao nhiêu quà mà thôi.


    Cái ngày hôm ấy, có thể chưa phải rằm nhưng khi biết được các anh chị thanh niên sẽ vào trường phát quà cho thiếu nhi là chúng tôi mừng vui khôn tả. Quà được để hổ lốn trong những cái thúng thường ngày dùng để chứa ngô, lúa chứ lấy đâu ra giấy bóng kính xanh đỏ đẹp đẽ như bây giờ. Vậy mà chúng tôi vẫn chộn rộn trong lòng với quần áo đẹp, khăn quàng đỏ chỉnh tề có khi còn hơn cả ngày khai trường, đứa nào đứa nấy mắt mũi hau háu như lũ chết đói nhìn đến tội. Quà của mỗi đứa trẻ con chúng tôi chỉ là một miếng bánh nướng, một miếng bánh dẻo (chắc là một phần 8 chiếc thôi chứ cũng không nhiều) thêm 3 cái kẹo Hải Châu gói giấy màu xanh. Thế thôi mà đã trở thành một đại tiệc tưng bừng của tuổi thơ với mùa thu, lá sen và hương cốm...


    Những ngày xưa ấy đã xa lắc xa lơ cùng với những vui buồn con trẻ nhưng vẫn còn đâu đây tiếng trống rộn rã, những trận cười nghiêng ngả với trò múa lân xin tiền, với những cây đèn ông sao tự làm dán bằng giấy màu thủ công. Tuổi thơ tuy nghèo nhưng cũng đủ kỷ niệm để làm nên những ký ức ngọt ngào vỗ về và nuôi nấng ta qua tháng ngày giông bão của cuộc đời.


    Lại một Trung thu nữa đang về. Tôi giờ là mẹ của hai đứa con mà vẫn còn hứng thú tổ chức rằm với những hồng, na táo, bưởi... Cũng chẳng biết có ngớ ngẩn hay không nhưng cũng thấy lòng dịu lại sau những tháng ngày dài mệt mỏi. Thấy yêu cuộc đời hơn và vui niềm vui con trẻ. Cám ơn cuộc đời, cám ơn những đứa con vì có chúng mình trưởng thành hơn và cũng biết làm những việc có ý nghĩa hơn. Và vì con mình có thể cho qua nhiều thị phi và vượt qua nhiều phiền muộn.

    Yêu lắm tuổi thơ tôi !


    Đoàn Thị Vy

    Tết Trung thu
    Tết Trung thu
    Tết Trung thu
    Tết Trung thu
  10. Một ngày tháng tám, đã thấy nắng thu lấp loá, vàng mơ như can mật ong sóng sánh; đã thấy trong dáng hình ký ức, ngày tháng nào tôi đứng chênh vênh, khi bên này ngày mưa gió, phía bên kia tuổi thơ hun hút thấp thoáng lặng im. Bỗng thấy tuổi thơ không ở đây mà như ở đây, bỗng thấy những ngày thơ ấu đã xa ngái rồi mà lại như vừa mới diễn ra đây thôi. Ngay cả khi trong chớp mắt, trong lãng đãng sương bay vấn vít đầy những sắc màu và thanh âm.

    Nhưng nhiêu đó thôi cũng chưa gợi mở đường tìm, chỉ khi chuyến tàu ký ức thổi day dứt chẳng rời, cố vương va vào ngày hoài niệm, gợi lên từng mảnh tuổi thơ thấp thoáng rạc rời. Đâu phải ai cũng có thể gìn giữ được tuổi thơ, nhưng lỡ đánh mất rồi lúc tìm lại sao còn thấy nữa, hoạ chăng chỉ còn những mảnh vụn chắp vá lại, khâu lại mảnh thời gian mà thôi. Ngay cả khi, nhìn đám trẻ bây giờ xoay vần với bao nhiêu sách vở, háo hức giải trí tương tác trên các nền tảng xã hội, tham gia những trào lưu thời trang, hội nhóm vào những “drama” vô nghĩa, các em đâu cưỡng cầu hay mong ngóng, tiếc nhớ về một thời tuổi thơ đơn sơ như tôi bao giờ. Tôi cũng không phải ngoại lệ, một thành niên đang lần tìm, để một lần được khóc trước tuổi thơ.


    Trong buổi chiều chập choạng, ngồi khóc trước ký ức tuổi thơ thấy mình như rêu bám trên bức tường đã cũ kỹ, càng bóc tách ra càng gợi nhớ, như thể có một tấm vé thông hành xuôi chiều cố ngược ta về quá khứ. Hiện lên mấy đứa trẻ con trong dịp tết Trung thu, sao cứ giống nhau quá, các em xuống phố đêm trăng, hòa vào dòng người đông đúc, chụp vài tấm ảnh, xem vài màn múa lân chen chúc đông đúc người qua lại. Tôi lặng nhìn theo, mê ngắm cảnh tượng ấy và cái ý nghĩ tự cao xuất hiện, rằng thật tiếc cho các em vì không có tuổi thơ, nhưng rồi chợt khựng lại, có phải nhất nhất giống như thời của tôi, thế hệ của tôi thì mới gọi là tuổi thơ? Rất đỗi vị nhiên, tôi được trải qua những ký ức đơn giản bình dị, gần gũi và nguyên sơ. Nhưng các em lại may mắn được hưởng những điều thật hiện đại, rực rỡ, nhộn nhịp và đủ đầy. Các em lớn lên theo dòng chảy của nhịp sống hiện đại, đâu phải là một điều kém may mắn, chỉ là những điều làm nên tuổi thơ của mỗi thời, mỗi thế hệ đều khác nhau, và bằng cách này hoặc cách khác mà thôi.

    Qua màng lọc thời gian, qua lớp sương hoài niệm, hay qua cách tôi nhìn sang những đứa trẻ xung quanh mình. Con trai tôi đang say sưa, chăm chú trên tay là cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh. Tuổi thơ tôi đã qua từ lâu rồi, tôi đọc cuốn này cũng lâu lắm rồi, hay là mình tưởng tượng ra mình cũng như thế. Nhưng lạ thay, tôi thấy tôi trong đấy, tôi trôi trong đấy. Tôi bật cười, rồi lần mở Youtube bài Donna Donna (tôi nghe lần đầu khi tivi phát chương trình “Học tiếng Anh qua các bài hát và trò chơi” của kênh VTV2). Thì kể làm sao hết, phân chia sao hết những ngăn ký ức tràn đầy ngăn hồn vừa thênh thanh vừa dẫn lối, đê mê tìm về. Ngày tôi xa mẹ, lần ấy tôi khóc như dại qua giọng ca của Joan Baez. Tôi như tâm trạng của chú bê con, ước ao được quay trở về ngôi nhà thân yêu có mẹ tôi ngồi nấu cơm nơi góc bếp, trước sân nắng hoang vàng, cha tôi đánh cờ với chú Chín dưới bóng cây xoài cát toả mát xanh; tôi thì lúc đấy, giống như chú bê con kia hiên ngang mà tự do bay lượn trên bầu trời dìu vời vợi.

    Phố vẫn chìm trong mưa dài, ngập lối và tôi tưởng như chẳng còn được nhìn, trông, mong, ngóng, đợi chờ, dẫu chỉ để tặng riêng cho mình khoảng lặng bình yên và ngồi khóc với tuổi thơ. Những mảnh ký ức vẫn cứ quay quay, xoay bay trong trí nhớ. Thỉnh thoảng trong giấc mơ vẫn ám ảnh tôi, cảnh tượng ngồi khóc trước hiên nhà, mặc mưa gió đường xa. Vẫn vang đâu đây, lời mẹ: khi con chọn cách quay lưng với nỗi buồn, nỗi buồn sẽ chăng bao giờ ở lại. Những ủi an mẹ không thể cùng con thì thầm suốt cả cuộc đời dài rộng, chỉ cần con tự biết cân bằng, thích nghi, lấp đầy cô đơn, tịnh yên trước những ầm ồn, thì chơi vơi đó, sóng gió đó, sẽ theo gió bay đi.

    Bên khung cửa sổ chớm thu, gió mưa vẫn thổi ràn rạt, ký ức hiện lên đứt quãng nhưng đủ làm tôi rơi nước mắt. Thôi thì hãy sống thật với cảm xúc của mình trong từng nhịp thở đi qua, người sống sao thật đúng với cảm xúc của của mình mà không cần kìm nén, để ấm nồng thổi suốt hành trình, sưởi ấm những ngày hoang lạnh. Ký ức tuổi thơ có nhiều nhặn gì đâu, thôi cứ khóc đi khi còn có thể; như tôi, trước tuổi thơ, muốn thiêm thiếp đi những buổi chiều ràng rạc mắt, hoang dại, rồi bạc gió trong chiêm chiếp tìm mẹ, lạc loài vườn xưa.


    Nguyễn Thị Diễm

    Khóc trước tuổi thơ
    Khóc trước tuổi thơ
    Khóc trước tuổi thơ
    Khóc trước tuổi thơ



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy