Top 10 Sự tích, truyền thuyết thú vị nhất về tết Trung thu

Tú Nguyễn 579 0 Báo lỗi

Tết Trung thu là một ngày lễ mà ai ai cũng yêu thích và mong chờ. Đó là ngày lễ mà cả người lớn lẫn trẻ em có thể được gặp gỡ bạn bè, cùng ... xem thêm...

  1. Ngày xửa ngày xưa, mọi vật bị bao trùm bởi ánh nắng chói chang của Mặt Trời. Suốt hàng thế kỷ, thế giới không có bóng đêm. Sông ngòi khô cạn, lá xanh khắp nơi đổi màu vàng úa. Muôn loài đói khát vì hạn hán kéo dài và kiệt quệ vì không có giấc ngủ ngon. Trong một ngôi nhà nọ, có một bà mẹ cùng ba đứa con nhỏ cũng đang héo hon, gầy mòn. Bà mẹ nhìn các con mà xót xa trong lòng.


    Một ngày kia, bà quyết định đi tìm Thần Mặt Trời. Trước khi đi, bà dặn dò con trai lớn rằng:

    - Mẹ phải đi tìm Thần Mặt Trời để xin ông ấy tắt bớt nắng đi. Mọi việc trong nhà mẹ trông cậy vào con. Con hãy chăm sóc các em thay Mẹ nhé.


    Bà đi mãi, đi mãi… Đến một ngọn núi, bà kiệt sức ngã quỵ bên đường.Tình cờ có một chú thỏ Trắng chạy ngang qua, thấy bà gặp nạn, Thỏ trắng tìm nước đưa cho bà uống. Bà tỉnh lại tâm sự cho Thỏ trắng biết mọi việc.Thỏ trắng nghe bà kể cũng mủi lòng, thỏ liền dẫn lối cho bà. Bà đi theo thỏ khoảng hai dặm đường là tới Trời. Vừa gặp bà, Thần Mặt Trời quắc mắt lên và quát rằng:

    - Hỡi con người nhỏ bé, ngươi cả gan tìm lên tận đây để làm gì?

    - Thưa Thần Mặt Trời vĩ đại, tôi đến cầu xin ngài hãy tắt bới nắng đi và ban mưa xuống, để thế gian bớt khô hạn, muôn loài có thể nghỉ ngơi.

    - TO GAN! Chẳng phải hàng ngàn năm nay, các người dùng ánh sáng của ta để mưu sinh sao?

    - Xin ngài hãy nhìn xuống trần gian...


    Thần Mặt Trời vén mây nhìn xuống trần gian, kinh ngạc nhìn thấy sông suối khô cạn, cây cối chết khô, muôn loài kiệt quệ. Ông buồn rầu bảo với bà rằng:

    - Ta không thể tắt nắng để bóng đêm tràn ngập thế gian. Bóng đêm ngự trị thì bọn yêu ma sẽ lộng hành. Trừ khi có ai đó chịu hy sinh để trở thành ánh sáng trong đêm tối.


    Sau một hồi suy nghĩ, bà quyết định sẽ là người hy sinh. Nhưng bà xin Thần Mặt Trời cho bà thời gian đến ngày rằm tháng Tám để về nhà thu xếp cho các con.


    Ở nhà trời bắt đầu đổ mưa… Lộp độp… Chia tay Thần Mặt Trời, bà trở về trong lòng nặng trĩu vì sắp xa các con. Nhưng khi về nhà, nhìn cây cối xanh tốt, các con vui tươi, sự sống đã trở lại, bà cảm thấy lựa chọn của mình đúng đắn.

    - Aaaa… Mẹ về, Mẹ về rồi !!!


    Bà dẫn con trai lớn ra đồng, chỉ dẫn cách gieo mạ, cấy lúa, trồng rau. Rồi bà chỉ dẫn con gái cách may vá, thuê thùa. Còn bé út, bà ôm vào lòng dặn dò phải biết vâng lời anh chị. Sau khi bà thu xếp xong mọi việc cho các con thì cũng vừa đến ngày rằm tháng Tám.


    Cả nhà nướng một mẻ bánh và quây quần bên nhau, bà dặn dò các con:

    - Dù mẹ có đi đến phương trời nào, mẹ vẫn dõi theo từng bước trưởng thành của các con. Hãy ghi nhớ lời mẹ con nhé!


    Cả nhà ôm nhau thật lâu. Sau đó, theo lời chỉ dẫn của Thần bà đứng trước nhà. Bỗng chốc bà thấy cơ thể mình nhẹ tênh và bay bổng lên không trung. Màn đêm dần bao phủ và ánh sang dịu nhẹ lan tỏa khắp thế gian. Cho đến ngày nay, vầng sang tròn vằng vặc trên cao ấy người ta gọi là Mặt Trăng. Mặt Trăng được kết tinh từ tấm lòng của người mẹ, luôn soi sáng, dẫn lối cho các con thân yêu. Ánh trăng sáng tỏ nhất vào đêm rằm tháng Tám, vì đó là ngày đoàn viên của bốn mẹ con họ. Tương truyền rằng, cứ đến ngày này, ba người con đều làm một mẻ bánh nướng để cả nhà cùng ăn bánh bên nhau. Đến nay người ta gọi ngày “Đoàn viên” ấy là “tết Trung thu”.

    Sự tích tết Trung thu
    Sự tích tết Trung thu
    Sự tích tết Trung thu
    Sự tích tết Trung thu

  2. Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Một con cọp con đột dưng xông đến. Không kịp tránh, anh đành liều mạng vung rìu lên đánh nhau với nó. Cọp còn non nên thua sức người, bị Cuội bổ một rìu, lăn quay ra đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao.


    Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đứa con đã mất. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.


    Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm ngã vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:

    – Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó!


    Nói rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn phía đông, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong.


    Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.


    Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó đuối nước. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quít theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn.


    Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, vật nài xin Cuội cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.


    Vợ chồng Cuội sống với nhau thật thuận hòa, êm ấm. Nhưng một lần, vợ Cuội trượt chân ngã vỡ đầu, Cuội rịt lá thuốc cho mà mãi không tỉnh lại. Thương vợ, Cuội nặn thử bộ óc bằng đất cho vợ rồi rịt thuốc lại. Không ngờ vợ Cuội sống lại, tươi tỉnh như thường. Nhưng từ đó, người vợ mắc chứng hay quên.

    Một lần, vợ Cuội quên lời chồng dặn, đem nước bẩn tưới cho cây thuốc. Vừa tưới xong, ai ngờ cây thuốc đảo mạnh, mặt đất chuyển động, gió thổi ào ào. Cây thuốc bỗng dưng bật gốc, lững thững bay lên trời. Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.


    Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Mỗi năm cây chỉ rụng xuống biển có một lá. Bọn cá heo đã chực sẵn, khi lá xuống đến mặt nước là chúng tranh nhau đớp lấy, coi như món thuốc quý để cứu chữa cho tộc loại chúng. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa….

    Sự tích chú Cuội cung trăng
    Sự tích chú Cuội cung trăng
    Sự tích chú Cuội cung trăng
    Sự tích chú Cuội cung trăng
  3. Tương truyền, vào thời xa xưa, trên trời xuất hiện mười ông mặt trời, cùng chiếu xuống mặt đất, khiến cho mặt đất nóng đến bốc khói, mọi sông biển đều khô cạn, con người gần như không thể sống nổi. Chuyện này đã làm anh hùng Hậu Nghệ bức xúc. Anh đã trèo lên đỉnh núi Côn Lôn, dùng thần lực giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời và chỉ để lại một ông mặt trời duy nhất. Từ đó về sau, mặt đất không còn khô nóng như trước, người dân cũng đã sống được. Lập nên thần công cái thế, Hậu Nghệ nhận được sự tôn kính và yêu mến của mọi người, rất nhiều chí sĩ mộ danh đã tìm đến tầm sư học đạo, trong đó có Bồng Mông là một kẻ tâm thuật bất chính.


    Không lâu sau, Hậu Nghệ lấy một người vợ xinh đẹp, tốt bụng, tên là Hằng Nga, mọi người đều ngưỡng mộ đôi vợ chồng trai tài gái sắc này.


    Một hôm, Hậu Nghệ đến núi Côn Lôn thăm bạn, trên đường tình cờ gặp được Vương mẫu nương nương đi ngang qua, bèn xin Vương mẫu thuốc trường sinh bất tử. Nghe nói, uống thuốc này vào, sẽ lập tức được bay lên trời thành tiên. Nhưng Hậu Nghệ không nỡ rời xa vợ hiền, đành tạm thời đưa thuốc bất tử cho Hằng Nga cất giữ. Hằng Nga cất thuốc vào hộp đựng gương lược của mình, không ngờ đã bị 1 học trò tên là Bồng Mông nhìn thấy.


    Ba ngày sau, Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông với tâm địa xấu xa đã giả vờ bị bệnh, xin ở lại. Đợi Hậu Nghệ dẫn các học trò đi không lâu, Bồng Mông tay cầm bảo kiếm, đột nhập vào hậu viện, ép Hằng Nga phải đưa ra thuốc bất tử, trong lúc nguy cấp Hằng Nga đã vội vàng mở hộp gương lược, lấy thuốc bất tử ra và uống hết. Hằng Nga uống thuốc xong, thấy người bỗng nhẹ rời khỏi mặt đất, hướng về cửa sổ và bay lên trời. Nhưng do Hằng Nga còn nhớ chồng, nên chỉ bay đến mặt trăng là nơi gần với nhân gian nhất rồi trở thành tiên.


    Tối hôm đó, khi Hậu Nghệ về đến nhà, các thị nữ vừa khóc vừa kể lại câu chuyện xảy ra lúc sáng. Lúc đó chàng cảm thấy vô cùng tức giận, rút kiếm đi tìm Bồng Mông để giết nhưng hắn đã bỏ trốn từ lâu. Hậu Nghệ bất lực chỉ biết vỗ ngực giậm chân và kêu khóc. Lúc đau khổ nhất chàng đã ngửa cổ lên trên trời và gọi tên Hằng Nga. Khi đó, anh kinh ngạc phát hiện ra, trăng hôm nay đặc biệt sáng ngời, mà còn có thêm một bóng người trông giống Hằng Nga. Hậu Nghệ vội sai người đến hậu hoa viên nơi Hằng Nga yêu thích, lập bàn hương án, đặt lên đó những món ăn và trái cây mà bình thường Hằng Nga thích ăn nhất, để tế Hằng Nga nơi cung trăng đang nhớ đến mình.


    Sau khi mọi người nghe tin Hằng Nga lên cung trăng thành tiên nữ, đều đã lần lượt bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an. Từ đó, phong tục "bái nguyệt" vào tết trung thu được truyền đi trong dân gian.

    Sự tích Hằng Nga
    Sự tích Hằng Nga
    Sự tích Hằng Nga
    Sự tích Hằng Nga
  4. Chuyện kể rằng, ngày xưa, trên trời có một nàng tiên nữ tên là Hằng Nga, nàng rất xinh đẹp và chăm chỉ cai quản cả một Vầng Trăng sáng lung linh. Nàng rất yêu trẻ con nên mơ ước của nàng là được ghé xuống trần gian chơi đùa cùng các em nhưng do quy định của tiên giới không cho phép.


    Một hôm, Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi “Làm bánh ngày rằm” vào ngày rằm tháng 8 – là ngày mà trăng tròn và sáng nhất trong năm, người nào làm được loại bánh ngon nhất, đẹp nhất và lạ mắt nhất sẽ được trọng thưởng bất kỳ điều gì mình muốn.


    Hằng Nga rất thích thú, háo hức tham gia cuộc thi ngay. Khi xuống trần gian để tham khảo, nàng gặp được Cuội – một chàng trai chuyên gia nói dóc, cứ mỗi tối Cuội lại tụ hợp các em nhỏ dưới gốc cây đa đầu làng mà kể chuyện tầm phào.


    Ngoài tài “nói dóc”, Cuội rất giỏi nấu nướng, cậu thường tự tay làm bánh cho bọn trẻ trong làng ăn nên các bé rất yêu quý Cuội. Hằng Nga biết vậy rất vui mừng và ngỏ ý nhờ Cuội cùng nàng làm ra loại bánh mới, thế là Cuội đưa ra một sáng kiến là cứ bỏ tất cả mọi nguyên liệu hòa lại rồi đem nướng lên, nào là trứng, hạt dưa, thịt, mè, hạt sen, lạp xưởng…


    Và thật kì lạ, những chiếc bánh ra lò thơm phưng phức, các em nhỏ ăn vào đều khen rất ngon, mặc dù còn chưa đẹp mắt lắm nhưng đó là món bánh ngon nhất mà bọn trẻ con được thưởng thức.


    Đã đến thời hạn trở về thiên đình, Hằng Nga đem những chiếc bánh chưa đặt tên thật ngon lên thiên đình dự thi và chia tay những người bạn thật đáng yêu nơi trần gian, từ biệt chàng Cuội nói dóc nhưng tài năng và tốt bụng.


    Nhưng chàng Cuội vì lưu luyến không muốn rời xa nàng, nên đã nắm chặt lấy tay nàng và thật kì lạ, có một sức mạnh siêu nhiên nào đó đã kéo chàng cùng cây đa đầu làng lên cung trăng. Leo lên cây đa chàng có thể nhìn thấy bọn trẻ đang vui đùa dưới trần gian. Có đôi lúc nhớ nhà, nhớ các em, Cuội chỉ biết ngồi khóc và buồn bã.


    Về phần Hằng Nga, món bánh độc đáo của nàng đã giành giải nhất và được Ngọc Hoàng đặt tên là "bánh Trung Thu" và ban cho nàng một điều ước. Nàng ước rằng mỗi năm đến dịp ngày rằm tháng 8 sẽ được cùng Cuội xuồng trần gian để ban phát niềm vui và vui chơi cùng các em nhỏ. Điều ước được chấp nhận và Ngọc Hoàng đặt tên cho ngày rằm tháng 8 là “Tết Trung Thu” – dịp tết vui chơi của các em nhỏ.

    Từ đó, cứ mỗi độ Tết Trung Thu, chị Hằng và chú Cuội lại được xuống trần gian để mang niềm vui cho các em, món bánh Trung Thu từ đó cũng trở thành món ăn đặc sắc không thể thiếu trong ngày này.


    Từ đó về sau, cứ đến ngày Rằm tháng Tám, là lúc trăng sáng và tròn nhất, người ta lại tổ chức rước đèn, múa rồng múa lân dưới ánh trăng để kỷ niệm ngày chú Cuội, chị Hằng và đàn Thỏ xuống mặt đất vui chơi. Bánh Trung thu làm thành hình mặt trăng để tưởng nhớ cuộc liên hoan vui vẻ dưới trăng buổi tối mà trẻ con quen gọi là tết Trung thu.

    Sự tích bánh Trung thu
    Sự tích bánh Trung thu
    Sự tích bánh Trung thu
    Sự tích bánh Trung thu
  5. Ngày xửa ngày xưa, ở Trung Hoa cổ đại, có một vị thần tên là Ngô Cưu. Công việc của ông trên thiên đình là chế tạo thuốc trường sinh cho các vị thần để duy trì sự sống bất tử sau mỗi một ngàn năm.

    Trong một lần du ngoạn đến trần gian, Ngô Cưu đã tặng một vài viên thuốc trường sinh cho con người. Biết chuyện, Ngọc Hoàng vô cùng tức giận và trừng phạt Ngô Cưu phải đốn hạ một cái cây khổng lồ. Tuy nhiên, vì đây là cây thần nên mặc dù Ngô Cưu có đốn mãi đi chăng nữa, cây vẫn mọc ra lại được, vì thế Ngộ Cưu phải ở lại đó vĩnh viễn để chặt cây.


    Ngọc Hoàng không thể nào rút lại lời trừng phạt đã ban, nhưng lại không biết phải làm sao và đau đầu vì chuyện thiếu người bào chế thuốc trường sinh cho mình. Ngài muốn tìm một người đáng tin cậy, có trách nhiệm và thật thà. Ngọc Hoàng nghĩ rằng con người quá thông minh và rất dễ bị mua chuộc, nên ngài quyết định chọn con vật để làm công việc bào chế thuốc này. Sau đó, ngài đã giao trọng trách này cho ba vị thần.


    Ba vị thần bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm của mình và biến thành ba ông cụ ngồi giữa rừng sâu. Ba người liên tục lớn tiếng cầu xin:

    - Xin hãy cứu giúp chúng tôi với, chúng tôi bị lạc đường và đã không được ăn gì trong ba ngày. Chúng tôi đã kiệt sức rồi.

    - Xin hãy cho ba ông lão này một ít thức ăn.


    Nhiều loài động vật nghe thấy tiếng than khóc và cầu xin của ba ông cụ liền tò mò đến xem. Đặc biệt có ba loài vật là cáo, khỉ và thỏ giúp đỡ ba vị thần nhiệt tình nhất. Chúng lập tức đi vào rừng kiếm thức ăn cho các ông cụ. Cáo tìm được một ít sắn, khỉ thì nhặt được chút trái cây nhưng chỉ có thỏ là không tìm được một thứ gì dù đã tìm kiếm khắp nơi. Khác với cáo và khỉ lanh lẹ, linh hoạt, thỏ vốn bản tính hiền lành, tuy không tháo vát nhưng lại có lòng nhân ái vô hạn.


    Khi đến gần ba ông cụ già, thỏ buồn lắm vì đã không tìm được thức ăn giúp đỡ ông cụ. Để các ông lão không đói, thỏ quyết định nhảy vào đống lửa:

    - Con xin lỗi vì đã không thể tìm được thức ăn để giúp các ông, nhưng con vẫn có thể lấy thân mình để cứu sống các ông, đánh đổi một thân hình nhỏ bé để giúp đỡ nhiều người hơn cũng là việc nên làm.

    Cảm động trước tấm lòng của thỏ, đống lửa ngùn ngụt bỗng chốc tan biến, ba ông lão hiện nguyên hình là ba vị thần:

    - Chúng ta đã thấu hiểu lòng tốt của tất cả các con. Ở kiếp sau, ta sẽ cho các con được đầu thai làm người. Riêng thỏ, ta sẽ mang con lên cung trăng để hình ảnh của con được lưu giữ mãi mãi, xem như món quà cho lòng tốt và sự dũng cảm của con.


    Ba vị thần quyết định đưa thỏ lên cung trăng, tiếp quản việc giã thuốc và làm bạn với Hằng Nga. Từ đó, thỏ được nhiều người biết đến với cái tên là Thỏ Ngọc.

    Sự tích Thỏ Ngọc cung trăng
    Sự tích Thỏ Ngọc cung trăng
    Sự tích Thỏ Ngọc cung trăng
    Sự tích Thỏ Ngọc cung trăng
  6. Ngày xửa ngày xưa, gần đến dịp tết Trung thu, nhà Vua tổ chức một cuộc thi khéo tay khắp cả nước, ai làm đèn lồng đẹp Vua sẽ ban thưởng cho. theo lệnh Vua, dân chúng nô nức thi nhau chế ra những chiếc đèn kỳ lạ nhưng không có chiếc đèn nào làm cho vua vừa ý. Bấy giờ, có một anh nông dân nghèo khó tên là Lục Đức mồ côi cha, Lục Đức nổi tiếng là người hiền lành, chất phác và vô cùng hiếu thảo với mẹ.


    Một hôm nằm mơ, Lục Đức thấy một vị thần râu tóc bạc phơ hiện ra phán rằng: "Ta là Thái Thượng Lãn Quân, cảm động nhà ngươi hoàn cảnh nghèo khó nhưng ăn ở hiền lành, hiếu thảo với mẹ, ta sẽ chỉ cho ngươi cách làm chiếc đèn dâng Vua". Hôm sau theo lời dặn của Thần, Lục Đức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm chiếc đèn. Thời gian qua mau, khi chiếc đèn làm xong là ngày rằm tháng 8 cũng vừa đến.


    Lục Đức cùng mẹ vui mừng đem chiếc đèn vào kinh thành dâng Vua. Nhà vua xem, thấy chiếc đèn vừa lạ, vừa nhiều màu sắc lại biết chuyển động nên vô cùng hài lòng. Khi Vua hỏi ý nghĩa của chiếc đèn, Lục Đức theo lời Thần tâu rằng: "Thưa bệ hạ, thân trúc ở giữa đèn là biểu hiện trục khôn, cái chong chóng quay sáu mặt biểu tượng cho sáu cá tính của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Chong chóng luôn quay tượng trưng cho con người thay đổi căn do tại đạo làm người chưa tới. Bởi vậy cần ánh sáng soi tỏ để người người sống tốt lành, có đạo đức. Chong chóng luôn luôn quay cũng nhờ ánh đèn soi sáng, cũng như con người tốt lành cũng nhờ đạo đức. Sáu mặt của chiếc đèn làm bằng giấy tươi sáng biểu hiện cá tính của con người".


    Vua truyền đem đèn cho dân chúng cùng xem. Đèn đốt lên làm quay chong chóng. Hiện lên sáu màu sắc rực rỡ là hình ảnh vua, quan, người, ngựa nối đuôi nhau. Tất cả những hình nhân trên đèn được làm bằng giấy.


    Vua ban thưởng cho mẹ con Lục Đức rất hậu và phong làm Vạn Hộ Hầu. Từ đó, mỗi khi đến Tết Trung thu, nhớ lại sự tích người con hiếu thảo Lục Đức, dân chúng đua nhau bắt chước chàng làm nên những chiếc đèn màu rực rỡ gọi là đèn kéo quân.

    Sự tích rước đèn Trung thu
    Sự tích rước đèn Trung thu
    Sự tích rước đèn Trung thu
    Sự tích rước đèn Trung thu
  7. Ngày xưa, vào đêm rằm tháng 8 trong kinh thành, có gia đình nọ đã vô cùng hạnh phúc khi đứa con trai nhỏ chào đời, ai ai cũng mong đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành một người tài giỏi, đem lại danh gia vọng tộc, vẻ vang cho gia đình.


    Qua nhiều năm sau, đứa trẻ lớn lên thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú và học vô cùng giỏi. Chàng tên là Trần Tố. Vào một ngày nọ, chàng tình cờ nhặt được chiếc khăn tay của cô thiếu nữ xinh đẹp tên là Ngọc Hoa và đem lòng yêu nàng. Suốt những hôm ấy, khi kì thi trạng nguyên sắp đến gần, Trần Tố chẳng thiết học hành mà chỉ chìm vào những mộng tưởng tình ái, tương tư về cô gái Ngọc Hoa.


    Chẳng ai có thể cảnh tỉnh được chàng, thấy vậy, cô gái Mai Thị đem lòng thầm mến Trần Tố từ lâu chịu không nổi nhìn thấy người mình yêu bị tương tư dày vò, nên đã khuyên nhủ chàng học hành và hứa hẹn sẽ giúp chàng tìm hiểu thêm về Ngọc Hoa.


    Dưới sự giúp đỡ của Mai Thị, Trần Tố thường xuyên gửi thư tâm sự qua lại cùng Ngọc Hoa, họ kể với nhau đủ thứ chuyện, chia sẻ tình cảm, khó khăn và nói với nhau những câu yêu thương mùi mẫn... Tuy hạnh phúc và sung sướng vì người con gái mình thầm thương đã chịu hứa hẹn với mình, kèm theo đó, Trần Tố lại lo lắng vô cùng vì Ngọc Hoa luôn từ chối gặp mặt chàng, chàng luôn linh cảm rằng Ngọc Hoa đã có người yêu, người nàng yêu đích thực không phải là chàng.


    Chàng cứ nghĩ mãi về điều đó, thấy vậy, một ông lão bí ẩn xuất hiện và đưa cho chàng một chiếc mặt nạ quái dị, ông ta nói:

    - Nếu con còn đang phân vân không biết nàng có yêu mình, vào ngày rằm tháng tám, khi kinh thành diễn ra lễ hội , con hãy đeo mặt nạ này để che đi khuôn mặt của mình và gặp nàng. Tiếp đó, con sẽ thấy được câu trả lời.


    Trần Tố vui vẻ nhận lời. Vào ngày rằm trung thu, đúng ngày ước hẹn gặp nhau của hai người, chàng đeo chiếc mặt nạ kì quái mà ông lão tặng cho để đến gặp người yêu với một sự tự tin. Vì chiếc mặt nạ xấu xí trên khuôn mặt, không ai nhận ra Trần Tố và một mực tránh xa chàng, nhưng Trần Tố vẫn ung dung bước đi trên đường với một sự tự tin rằng chắc chắn Ngọc Hoa sẽ nhận ra chàng.


    Nhưng thật buồn thay, khi gặp Ngọc Hoa, chàng sững sờ nhìn thấy nàng đang đi cùng một người khác và hoàn toàn không nhận ra chàng. Trần Tố thất vọng và chợt nhận ra hóa ra bấy lâu nay nàng chỉ đùa cợt với mình, với tình cảm chân thật của mình. Thế là chàng lặng lẽ bỏ đi xa... Trong lúc buồn bã, bỗng chàng nghe thấy tiếng gọi của Mai Thị:

    - Trần Tố, sao chàng lại ở đây? sao chàng lại đeo vật kì lạ gì trên mặt thế?

    - Mai Thị, em vẫn nhận ra ta ư?. Trần Tố bất ngờ lên tiếng.

    - Chỉ cần nhìn cái bóng thôi là em cũng đã nhận ra chàng rồi, nhưng sao anh lại mang mặt nạ làm gì?


    Dứt lời, Trần Tố liền ngộ ra câu trả lời. Chàng hiểu ra đâu mới là người yêu chàng thật lòng. Sau khi trở về nhà, chàng dồn hết tâm trí vào sự nghiệp, rèn luyện và học hành, cuối cùng chàng cũng thành công đỗ Trạng Nguyên và đưa ra lời cầu hôn với Mai Thị. Sau này, để kỉ niệm cho khoảnh khắc đặc biệt ấy, Trần Tố tổ chức lễ hội vào đêm rằm trung thu, những người dự hội đều đeo mặt nạ giống như ông lão tặng chàng trai thuở trước, nhưng trên đó vẽ những hình mặt rất xấu xí. Người ta quan niệm làm như vậy để tôn vinh những tấm lòng nhân ái, tâm hồn trong sáng và chân thành, dù có che dấu gương mặt thật thì những người xung quanh vẫn nhận nhau không một chút dối gian.

    Sự tích chiếc mặt nạ Trung thu
    Sự tích chiếc mặt nạ Trung thu
    Sự tích chiếc mặt nạ Trung thu
    Sự tích chiếc mặt nạ Trung thu
  8. Xa xưa, hàng năm vào những ngày Tết, các làng chài ven biển thường bị một con quái vật xâm nhập, phá hoại nhà cửa, ăn thịt cả người lẫn súc vật. Mỗi năm nó xuất hiện trên đất liền một lần, gieo rắc kinh hoàng cho khắp làng xa, xóm gần. Nhân dân kêu than, cúng vái và tìm nhiều cách diệt trừ nó nhưng đều thất bại. Trước một con vật lạ vừa hung dữ, vừa mạnh bạo, con người đã chịu bó tay. Vì thế, thay vì được hưởng không khí vui xuân, hưởng lộc tại nhà, mọi người phải kéo nhau lên núi lánh nạn. Người xưa đã gọi con vật đấy là Lân.


    Lời cầu cứu vang khắp đất trời, Ngọc Hoàng phái Phật Di Lặc hoá thân thành ông Địa xuống trần gian để cứu giúp chúng sinh khốn khổ. Ông Địa xuất hiện, miệng cười toe toét, hiền hòa, nhử Lân ăn một loại cỏ tiên gọi là Linh chi thảo khiến nó từ một con vật dữ tợn ưa ăn thịt người trở thành một loài thú hiền lành thích bắp cải và hoa quả.. Lạ thay, ăn xong Lân thuần tính, quy phục ông địa và biết nhảy múa làm vui cho mọi người. Dân chúng hò reo mừng rỡ, cuộc sống thanh bình trở lại. Sau đó, ông Địa đưa con Lân về trời.


    Hàng năm, vào những ngày ttết Trung thu, ông Địa dẫn con Lân trở lại trần gian, cùng đi chúc Tết mọi nhà, chứng tỏ quái thú đã thành thú lành, cái ác trở thành cái thiện. Ông Ðịa và con Lân đi đến đâu là giáng phúc tới đó nên nhà nào cũng hoan hỉ treo rau xanh và giấy đỏ đón chào. Sau này, người có tiền thường treo giải bằng tiền buộc trong một miếng vải đỏ, treo cùng bắp cải hoặc rau xanh. Lân phải trèo lên cao lấy bằng được “thức ăn” này. Tất nhiên, ông Ðịa không cùng trèo với Lân mà chỉ cùng lân múa, phe phẩy chiếc quạt to, ru Lân ngủ hoặc đánh thức lân dậy. Cảnh ông Ðịa vuốt ve lân và Lân vui vẻ múa xung quanh ông Ðịa thể hiện được tình cảm thông sâu sắc giữa loài vật và loài người trong một bầu không khí thanh bình, hoan lạc. Từ đó trong dân gian truyền tụng: “Kỳ lân xuất thế, thiên hạ thái bình”. Về sau, hàng năm vào các ngày lễ, Lân đều xuất hiện. Có điều là xuất hiện của nó lần này đều mang đến cho mọi người nhiều may mắn, làm ăn phát tài phát lộc.

    Sự tích con Lân và ông Địa
    Sự tích con Lân và ông Địa
    Sự tích con Lân và ông Địa
    Sự tích con Lân và ông Địa
  9. Ngày xưa, ở dọc theo một bờ sông nọ, có một ngôi làng dân cư đông đúc, phồn thịnh. Bỗng nhiên, ở dưới sông có một con cá chép thành tinh xuất hiện. Con cá này thường lên bờ vào đêm trăng tròn tháng tám tìm bắt người và gia súc để ăn thịt. Dân cư trong làng tìm cách trốn tránh hoặc chống cự, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến rằm tháng tám là có rất nhiều người bị con cá chép thành tinh sát hại. Nhiều người phải bỏ làng mà đi. Làng xóm vì vậy mà trở nên thê thảm, tiêu điều.


    Một hôm có nhà sư vân du qua đó, nghe dân làng trình bày thảm họa mà họ đang gánh chịu, ông mới bày cho dân làng làm mỗi nhà một cái lồng đèn hình con cá chép thật lớn, bên trong là nan tre, bên ngoài phủ vải. Đến rằm trung thu, dân làng đem lồng đèn treo trước cửa, trong lồng đèn có thắp đèn sáp lớn. Khi cá chép thành tinh lên bờ tìm người để ăn thịt, đi đến nhà nào nó cũng thấy lồng đèn cá chép, tưởng là nhà của đồng loại nên bỏ đi.


    Từ đó, mỗi năm cứ đến rằm trung thu, dân làng lại làm lồng đèn cá chép. Tục này ngày càng lan rộng ra khắp nơi, trở thành một thú vui trong ngày Trung thu. Theo thời gian, lồng đèn cá chép được những tay thợ đầy sáng kiến chế biến thành những kiểu lồng đèn khác như cá hóa long, con thỏ, con rồng, v.v… Theo đà văn minh của nhân loại, lồng đèn được mang hình thức xe tăng, máy bay, tàu thủy, xe hơi, v.v…

    Sự tích đèn cá chép
    Sự tích đèn cá chép
    Sự tích đèn cá chép
    Sự tích đèn cá chép
  10. Người Việt ta ăn Tết Trung Thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch là do ta phỏng theo phong tục của người Tàu.


    Chuyện xưa kể rằng vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng tám âm lịch. Trong đêm Trung Thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời thật đẹp và không khí mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn còn được gọi là Diệp Pháp Thiện. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát.


    Trong giờ phút tuyệt vời ấy nhà vua quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn bàng hoàng luyến tiếc.Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình.


    Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.Cũng có người cho rằng tục treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám âm lịch là do ở điển tích ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng. Vì ngày rằm tháng tám là ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng nên triều đình nhà Đường đã ra lệnh cho dân chúng khắp nơi trong nước treo đèn và bày tiệc ăn mừng. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám trở thành tục lệ.Lại có chuyện kể rằng một vị tướng tên là Lưu Tú ở đời nhà Tây Hán, từ năm 206 trước Tây lịch tới năm 23 Tây lịch, trong lúc quân tình khốn quẫn đã cầu Thượng Đế giúp cho quân lính có đồ ăn để chờ quân tiếp viện.


    Sau khi cầu Thượng Đế, quân lính tìm được khoai môn và bưởi để ăn. Nhờ đó sau này Lưu Tú mới bình định được toàn quốc và lên làm vua tức là vua Quang Võ nhà Hậu Hán. Ngày mà Lưu Tú cầu được linh ứng là ngày rằm tháng tám. Từ đó nhà vua truyền lệnh cứ đến rằm tháng tám là làm lễ tạ trời đất và thưởng trăng bằng khoai môn và bưởi. Ngày lễ trọng thể vui tươi này được gọi là Tết Trung Thu. Tục lệ này được truyền sang Việt Nam và đã được người Việt sửa đổi để thích hợp với tính tình và phong tục Việt.Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn.


    Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa. Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung Thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) thì từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa Thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa Thu là mùa của thành hôn.


    Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi”, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi tết Trung thu.


    Người Hoa và người Việt đều làm bánh trung thu để cúng, ăn, biếu thân bằng quyến thuộc, và đãi khách. Điểm chung kế tiếp là người Hoa và người Việt đều tổ chức rước đèn trong đêm trung thu.

    Truyền thuyết lịch sử về tết Trung thu
    Truyền thuyết lịch sử về tết Trung thu
    Truyền thuyết lịch sử về tết Trung thu
    Truyền thuyết lịch sử về tết Trung thu



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy