Trung thu thương nhớ
Năm 1986, khi đang học ở bậc Tiểu học, tôi nhớ rất rõ bài Trung thu độc lập của Thép Mới có đoạn: “Đêm nay anh đứng gác nơi biên giới, trăng ngàn và gió núi bao la khiến lòng anh man mác nghĩ đến Trung thu và nghĩ đến các em. Trăng đêm nay soi sáng xuống nước Việt Nam độc lập yêu quý của các em. Trăng sáng mùa thu vằng vặc chiếu khắp thành phố, làng mạc, núi rừng, nơi quê hương thân thiết của các em…” Hồi đó, tôi còn nhớ là “biên giới” chứ không phải “trại” như các con học sau này. Dù chưa hiểu gì nhiều nhưng những câu văn mượt mà ấy cứ ngân nga xao xuyến bao tâm hồn thơ dại. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và thuộc lòng từ lúc nào không biết. Với riêng tôi, mùa Trung thu luôn gắn liền với những trang văn đầu đời đẹp đến nao lòng như thế! Lúc này, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng thế hệ trẻ chúng tôi đã có những mùa trung thu rất đẹp và thi vị. Những mùa trung thu xa xưa ấy vẫn luôn là dòng kí ức ngọt ngào chảy mãi trong tâm hồn tôi.
Ngày ấy ở thôn quê, hầu hết cha mẹ đều làm nông, cái đói cái nghèo bủa vây bám riết, đói no còn canh cánh từng ngày, đếm đong mùa giáp hạt thì làm sao nghĩ đến những món ăn tinh thần cho con trẻ, trong đó có Trung thu! Như thấu hiểu nỗi lòng của cha mẹ, bọn trẻ chúng tôi rất ngoan ngoãn, chẳng bao giờ so bì hoặc đòi hỏi gì ở người lớn mà tự tìm niềm vui theo cách riêng mình. Chẳng cần chờ đến chính rằm, lúc mặt trăng tròn vành vạnh, tỏa ánh vàng khắp thôn quê, làng xóm, mà ngay từ đầu tháng Tám âm lịch, không khí vui Trung thu đã rộn rã lắm rồi. Buổi sáng đi học ở trường làng Vĩnh Phú, ngôi trường đơn sơ bé nhỏ chỉ có mấy phòng học ngay tại Lẫm của làng, cũng là nơi để bà con xã viên tập trung khi họp đội. Tiếng đọc bài ê a vang lên, trong đó có Trung thu độc lập càng khiến cho bọn trẻ chúng tôi nôn nao, háo hức. Tan trường về, tiếng đùa vui, cười giỡn giòn tan, vang cả đường làng rợp bóng tre xanh, gió mát. Buổi chiều bắt đầu rủ nhau làm lồng đèn để đợi đón tết Trung thu!
Để làm được chiếc lồng đèn ngôi sao năm cánh, tôi phải tỉ mẩn, cẩn thận và mất mấy buổi chiều mới xong. Làng quê tôi có nghề đan rổ, do vậy tre lúc nào cũng sẵn có. Khó ở chỗ phải tự vót tre sao cho thẳng, tròn và nhẵn bóng, rồi phân chia cánh cho đều nhau. Sau đó cột cho thật khéo để đứng mà không vênh, xách lên phải hài hòa cân đối. Khó khăn nhất là tìm giấy bóng gương xanh đỏ để trang trí và tìm lon sữa bò để đặt nến bên trong. Ngay cả nến cũng không có, tôi lấy hũ mực Quế Lâm đã hết, đổ dầu vào, lén vặn lấy phần trên của cây đèn hột vịt đặt vào trong thắp sáng. Khi trời vừa chập tối, dù chưa đến rằm, khắp con đường làng quanh co heo hút bóng tre đã nhấp nháy ánh đèn lồng ngôi sao xinh xắn của bọn trẻ. Làng quê chưa có điện, chỉ có ánh trăng thu bàng bạc hòa chiếu với ánh đèn lồng xanh đỏ, kể cả tiếng reo hò cứ thế theo vào trong những giấc mơ xa lơ xa lắc. Chỉ thương là cách làm thủ công, thiếu vật liệu, lắp ghép tạm bợ, đèn ngã dầu loang, lồng đèn phựt cháy là chuyện bình thường! Thế rồi hì hục làm lại trong bồi hồi, tiếc nuối, nôn nao! Riêng việc làm đầu Lân thì chỉ có mấy anh lớn hơn và phải khéo tay mới được. Tôi chỉ theo xem chứ chưa tự làm bao giờ.
Trung thu, bọn trẻ chúng tôi mong chờ nhất là được nhận bánh kẹo của Đội sản xuất. Đầu giờ chiều ngày rằm thángTám hằng năm, tiếng kẻng quen thuộc vang lên, không để gọi người lớn ra đồng mà thúc giục trẻ con đến Sân kho hoặc Lẫm làng nhận quà bánh. Dẫu là ít ỏi, đơn sơ nhưng so với quãng đời tuổi thơ thiếu thốn thì món quà ấy đã đem lại niềm vui to lớn cho tôi và các bạn. Hương vị ngọt ngào của tuổi thơ cứ tròn vo như viên kẹo đỗ, vỗ về miền kí ức xa xưa, kể cả đi theo tôi suốt dặm dài mưa nắng!
Hồi đó, chưa có những đội lân chuyên nghiệp. Trường Hòa An 1 của tôi có tổ chức làm Lân, tự luyện tập để đến Trung thu biểu diễn múa lân phục vụ bà con, vui là chính. Nếu có thêm ít tiền ủng hộ thì dùng làm quỹ cho Liên đội. Các anh khối 9 lớn nhất trường đảm nhận công việc này, theo sự sắp xếp của thầy Tổng phụ trách. Tự làm, rồi hăng say tập luyện để biểu diễn khoảng ba đêm (từ 12 đến 15 âm lịch) là niềm vui, niềm vinh dự rất lớn của các anh. Có lẽ trẻ con vùng thôn quê sống tự lập khá sớm, cho nên các anh dù lớn hơn tôi vài tuổi nhưng trông chững chạc và giỏi lắm!
Làng quê chưa có điện, dưới ánh đuốc bập bùng, ánh trăng vàng mát dịu, tiếng trống lân rộn rã vang lên, tiếng trống mới sáng nay gọi học trò vào lớp, bây giờ trống nằm trên cộ bò và đang thúc giục Lân nhịp nhàng theo hiệu lệnh! Qúy và vui ở chỗ các em học sinh biểu diễn hết, từ đánh trống đến múa lân… Bà con rất vui và ủng hộ nhiệt tình, đều là con cháu cả, ai cũng quý thương. Riêng tôi và các bạn mãi đi theo cổ vũ, có khi lạc nhau, có lúc ướt mưa hoặc tay chân bết đầy bùn đất vẫn ham. Ôi nhớ! Nhớ những con đường làng đầy rơm rạ đất bùn. Nhớ những hàng tre ngút ngàn xanh ngắt, từng rơi xuống những cây gai nhọn hoắt. Nhớ tiếng trống rộn vang với chú Lân dẻo dai, dũng mãnh. Nhớ ánh trăng thu đang dát vàng, dát bạc, liệu nơi chốn cao xanh kia, chú Cuội với chị Hằng có vui như bọn trẻ ở nhân gian?!
Cuộc sống đã đổi thay và phát triển từng ngày. Những mùa Trung thu của con cháu về sau đủ đầy hơn, cũng vui hơn với niềm vui mới. Dù cho khác biệt là tất nhiên nhưng chắc chắn tuổi thơ ai cũng háo hức mong chờ mùa Trung thu được tung tăng với đèn lồng, trông trăng, phá cỗ, xem lân, nhận quà bánh...
Vậy mà Trung thu năm nay đặc biệt quá, mùa Trung thu không tiếng trống lân rộn ràng, không tiếng hò reo khắp phố phường, thôn xóm. Dịch bệnh vẫn còn, việc đến trường phải tạm hoãn, các cháu đón Trung thu tại nhà với gia đình đủ cả người thân đã là niềm hạnh phúc lắm rồi. Chợt ngậm ngùi xót thương cho hơn 1500 trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh rơi vào cảnh mồ côi vì dịch Coovid19 đã cướp đi những người thân yêu nhất! Các em rồi sẽ sống ra sao, bươn chải thế nào giữa dòng đời tất bật! Thật xúc động và ấm lòng, khi trong mùa trăng nhiều xa xót này, chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cam kết sẽ nhận 1000 em mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới. Thông tin này như một món quà đầy ý nghĩa nhân văn, sưởi ấm lòng người và vỗ về, ủ ấm những cánh chim non thơ dại!
Thu đang độ cuối mùa nhưng vẫn còn vẻ đẹp dịu dàng quyến rũ. Nắng vẫn vàng và trăng vẫn sáng lung linh. Chỉ có điều vắng tiếng tùng tùng, rinh rinh rộn rã đã ít nhiều để lại khoảng trống lặng trầm trong miền nhớ. Bất chợt câu văn của Thép Mới vọng về trong tâm trí tôi “Trăng ngàn và gió núi bao la khiến lòng anh man mác nghĩ đến Trung thu, nghĩ đến các em”. Tôi đã từng đi qua những mùa Trung thu thương nhớ và mong rằng dịch bệnh qua nhanh để em thơ được cắp sách đến trường, để những mùa Trung thu đẹp luôn vẹn tròn trong tâm trí các em thơ!
Phan Huy Thuỳ