Top 6 Tản văn viết về Tết Đoan Ngọ hay nhất

Phương Kem 72 1 Báo lỗi

Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là tết Đoan Dương, được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. "Đoan" có nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là khoảng ... xem thêm...

  1. Ở Việt Nam, ngày 5.5 Âm lịch gọi là Tết Đoan Ngọ. Ta vẫn hiểu nôm na là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng.


    Còn với riêng tôi, Tết Đoan Ngọ gắn liền với những kỷ niệm ngọt ngào thuở thiếu thời. Những ký ức ấy vẫn vẹn nguyên theo thời gian. Cứ mỗi độ giữa hè, khi những đóa hồng liên ngào ngạt tỏa hương, khi những trái mận chín mọng tựa làn môi thiếu nữ được bày bán nhan nhản mỗi phiên chợ sáng mai là tôi lại nao nao nhớ ngoại. Nhớ món rượu nếp gói lá sen thơm lừng. Nhớ ngững ngón tay nhuộm lá móng đỏ rực. Nhớ Tết Đoan Ngọ bà còn ở bên tôi…


    Ngày này mấy chục năm trước, bà gọi tôi và em trai dậy sớm lắm. Trời vừa tờ mờ sáng, mẹ đã ra sau vườn bứt mấy chùm lá khế đem vào lần lượt phủi phủi lên đầu hai chị em và nói: “Diệt sâu bọ, diệt sâu bọ”. Không cần đánh răng súc miệng, chúng tôi ăn luôn dăm quả mận và mấy thìa rượu nếp, mặc dù chưa bỏ bụng nắm xôi hay quả trứng cho bữa sáng như thường lệ… Phải chăng, đấy là phép “diệt sâu bọ” của người xưa?


    Còn một điều đặc biệt nữa của ngày này, đó là tục nhuộm móng tay, móng chân bằng lá móng. Tôi đem thắc mắc hỏi bà. Bà tôi giống như một cuốn từ điển sống về dân gian học của cả nhà. Vấn lại chiếc khăn nhung, têm miếng cau khô và lát rễ thái mỏng vào nửa lá giầu không bỏ miệng bỏm bẻm nhai, bà chậm rãi kể. Theo lời bà, các cụ ngày xưa đi cấy lội ruộng nhiều, móng tay móng chân ngâm nước lâu bị ngấm bẩn, vàng xỉn trông rất không đẹp mắt. Để khắc phục điều đó, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, cách nhuộm móng bằng lá thịnh hành như một phát kiến tuyệt vời của người nông dân. Từ đời bà, đời mẹ truyền sang đời chúng tôi.


    Chiều hôm trước, mẹ ra tường hoa vặt nắm lá để tối nhuộm cho hai chị em. Ông tôi trồng một cây lá móng nếp ở đó. Lá móng nếp nhỏ và xếp cánh dày hơn lá tẻ. Nhuộm bằng lá móng nếp thì móng cứ gọi là đỏ au, đẹp ơi là đẹp. Còn nếu dùng lá móng tẻ thì màu nhuộm sẽ vàng, không tươi bằng.


    Buổi chiều, ông dùng cây sào tre đứng dưới gốc cây móc lá vông xuống cho cháu gái. Tôi nhặt những chiếc lá hình lục giác màu xanh đậm xếp thành một xấp lớn cất đi. Đây là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên bộ móng đẹp. Vì bà vẫn nói, lấy lá khác gói, màu lên không đều, không đẹp.

    Tối đến, cơm nước xong xuôi, ông bắc chõng ra sân gạch, ủ ấm lá vối ngồi hóng mát. Mẹ cặm cụi chuẩn bị mớ lá sen và chum rượu nếp cho phiên chợ sáng. Ba bà cháu tôi bắt tay vào công cuộc “làm đẹp”. Bà cẩn thận tuốt từng chùm lá, loại bỏ những lá vàng và cuống bỏ vào cối giã . Khi nắm lá màu xanh đã nát nhuyễn, bà khéo léo đắp vào các đầu móng, không để thừa ra ngoài vì nếu chườm ra dù chỉ một chút thôi thì màu sẽ bị lem nhem trông rất xấu. Xong, bà lấy lá vông quấn chặt và dùng dây thun cột mười đầu ngón tay, ngón chân của hai chị em lại.


    Cả đêm hôm ấy, không biết thằng em giai thế nào, chứ tôi không tài nào chợp mắt được, cứ thấp thỏm lo tuột… Sáng dậy, bỏ lá vông bọc bên ngoài ra, rửa trôi đi hết lớp lá màu nâu nâu dinh dính, thế là hai đứa nhóc có bộ móng chân, móng tay đỏ chót. Còn nhớ, khi đó tôi hồi hộp lắm, lúc rửa xong thì ôi chao thích ơi là thích. Cảm giác ấy nó giống như được mẹ mua áo mới ngày Tết vậy.

    Tết Đoan Ngọ năm nay tôi cho bọn trẻ về quê. Vẫn được mẹ gọi dậy sớm ăn mận hậu và rượu nếp diệt sâu bọ như mọi khi nhưng không sao khỏa lấp được cảm giác thiếu vắng trong lòng. Nhìn bộ móng tay sơn gel đỏ xinh xinh tôi lại nhớ bà. Tiếc là bà đã theo mây gió về trời, như những chiếc lá móng, lá vông đã không còn hiện hữu sau vườn nhà nữa…


    Hoa Diên Vỹ

    Lá móng vườn xưa
    Lá móng vườn xưa
    Lá móng vườn xưa
    Lá móng vườn xưa
    Hoàng Ngọc 2023-06-23 10:15:18
    Hay quá ạ

  2. Tết Đoan Ngọ… cả một thời ấu thơ với bao mong ngóng, rộn ràng. Cái mong ngóng, rộn ràng có lẽ chỉ xếp thứ hai sau cái mong ngày Tết Nguyên đán.

    Tôi đã luôn bắt đầu nhẩm đếm nó từ ngày mùng một đầu tháng, lúc mẹ tôi mua ở chợ nải chuối vàng ươm về thắp hương trên bàn thờ. Tôi hay hỏi mẹ: Hôm nay là mùng một tháng năm hở mẹ? Để khấp khởi đợi mẹ tôi ừ một tiếng cái điều mà tôi đã biết tỏng trong bụng rồi. Thật là lạ. Rồi suốt từ hôm đó trở đi, tôi hồi hộp và sung sướng âm thầm, trí óc trở đi trở lại những kỉ niệm của ngày Tết Đoan Ngọ năm trước và mường tượng đến ngày Tết Đoan Ngọ sắp tới.


    Buổi sáng ngày mùng bốn, mẹ tôi sẽ ra chợ thật sớm. Nếu không bận ngái ngủ thì tôi cũng theo chân mẹ để được sung sướng ngắm nhìn những cành lá móng người ta cắt bán đầy chợ, sung sướng được cầm cành lá móng từ chợ về tận nhà. Rồi tôi sẽ cất nó thật cẩn thận trong gầm giường để nó khỏi héo.Nhảy chân sáo sang nhà đứa bạn, tôi gọi nó rõ to từ ngoài cổng: Thi ơi, mẹ đằng mua lá móng chưa? Bọn mình đi hái lá vông đi. Rồi vừa hái, hai đứa vừa bàn nhau buổi chiều sẽ rủ thêm mấy đứa nữa để sớm mai đi vứt hòn sành hòn sỏi… Nhưng muốn có sành sỏi để vứt chúng tôi lại phải đi tìm, đi lựa. Thế là chiều hôm đó đứa nào đứa nấy cứ bận rộn hết cả lên. Nào chuẩn bị mảnh sành (Thường chúng tôi lượm đâu đó ở bụi tre, bụi chuối, góc vườn những mảnh vại, mảnh bình vỡ). Sỏi thì nhặt ở bờ ao hay ven đường… Nào tước dây chuối...


    Tối đến, tôi tuốt lá móng cho vào cái cối đá nhỏ, giã nhuyễn. Mấy đứa em tôi háo hức ngồi xung quanh. Dây chuối, lá vông đặt bên cạnh. Mẹ tôi cẩn thận cầm bàn tay từng đứa lên. Em út được ưu tiên trước. Lấy một chút lá móng trong cối, mẹ sẽ vê vê rồi đặt lên từng móng tay của em tôi. Đoạn lấy lá vông bọc móng tay lại rồi dùng dây chuối tước nhỏ buộc ra ngoài móng để giữ chặt lá móng ở đấy. Đêm ngủ có quẫy đạp lung tung thì lá cũng không bị rơi ra ngoài. Cứ thế lần lượt từng đứa một. Riêng tôi là con gái, lại lớn nhất, nên được mẹ đắp cả lá móng lên mười đầu ngón chân nữa. Tôi thích lắm.


    Suốt cả tối tôi khum khum đôi bàn tay đắp lá móng, nghe thớ thịt chạy giần giật, không làm gì được với mười đầu ngón tay đắp lá mà thích thú đến lạ. Trước khi đi ngủ, tôi ngó lại chỗ để mấy hòn sành sỏi, dặn bà tôi: mai bà nhớ gọi cháu dậy thật sớm, bà nhé!


    Mọi ngày, bà tôi gọi một lần không bao giờ tôi dậy được. Nhưng buổi sáng ngày mùng 5, bà chỉ gọi khẽ thôi là tôi đã choàng dậy ngay. Bên ngoài trời còn tối, tôi nhảy ngay xuống đất, châm đèn lên rồi nín thở, hồi hộp tháo mấy cái móng ra, sung sướng tột độ khi thấy móng tay, móng chân đỏ chót lên. Sau đó, tôi nhặt mấy hòn sỏi, chạy vù ra cổng. Lũ trẻ chúng tôi lố nhố đứng đợi nhau nhưng không đứa nào nói một câu (Vì nói là điều ước sẽ mất thiêng). Khi đã đông đủ, chúng tôi lặng lẽ đi theo nhau tới giếng chùa. Tự xếp hàng một cách rất chi là trật tự, từng đứa một sẽ bước xuống bậc giếng, thả những hòn sỏi trong lòng bàn tay ra và ước điều gì mà mình muốn với một niềm tin mãnh liệt. Có lẽ sau đó thì chúng tôi cũng quên sạch những điều mình ước và chẳng đứa nào biết điều đó có thành sự thật hay không. Ấy vậy mà năm nào cũng ước…


    Tôi về tới nhà thì trời cũng tang tảng sáng. Ngồi ở bậc hè, tôi đợi mẹ mang hoa quả về để giết sâu bọ. Thoáng thấy bóng mẹ ngoài cổng là tôi chạy vào nhà, lay lũ em dậy rồi hớn hở giúp chúng bỏ lá móng ra, tíu tít xem của đứa nào đỏ hơn, đẹp hơn… Thường mẹ tôi hay mua mận, xoài… có thời gian thì làm thêm rượu nếp. Mận có quả chua, có quả chát, xoài cũng có quả ngọt, quả chua.Tôi nhăn cả mặt mà vẫn cố ăn trong khi dạ dày còn rỗng nhưng không thấy đau bụng bao giờ.


    Tôi vừa ăn vừa ngắm nghía thật kĩ mười đầu ngón tay, ngón chân mình. Chà, nó đỏ chót và bóng lên, đẹp không thể tả. Phần da xung quanh móng cũng đỏ thẫm lên nữa, như bã trầu. Cái này thì không đẹp chút nào nhưng không sao, chỉ rửa tay bằng xà phòng vài ngày nó sẽ hết. Sẽ chỉ còn lại những cái móng sạch sẽ và đỏ chót không bao giờ phai màu. Khi móng dài đến đâu thì màu đỏ sẽ đẩy lên trên đến đấy. Móng tay, chân tôi lúc đó lại có hai màu. Bao giờ phần màu đỏ bị màu trắng lấn hết, bàn tay, bàn chân tôi lại trở về như cũ…


    Quãng nửa buổi, độ tám chín giờ, tôi xăng xái giúp mẹ những việc lặt vặt để chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên buổi trưa và thỉnh thoảng lại tranh thủ chạy vù ra ngõ để xem những cái móng đỏ của lũ bạn…


    Giờ đây, mỗi năm đến ngày Tết Đoan Ngọ tôi vẫn nhớ như in những kỉ niệm của cả thời thơ ấu. Làng tôi bây giờ đi mỏi chân chắc cũng không thể tìm đâu ra một cây lá móng. Trẻ con không nhuộm móng nữa, cũng chẳng còn thời gian để đi tìm, đi vứt hòn sành, hòn sỏi mà mong ước ngây thơ như chúng tôi ngày xưa. Tết Đoan Ngọ với chúng chẳng có gì đặc biệt… Tôi cứ vẩn vơ nghĩ như vậy để rồi lòng lại chợt buồn, chợt tiếc…


    Bùi Yến

    Tết Đoan Ngọ
    Tết Đoan Ngọ
    Tết Đoan Ngọ
    Tết Đoan Ngọ
  3. Tết Đoan ngọ trong ký ức tuổi thơ tôi là một ngày đẹp vô ngần. Ngày đó, cứ đến đầu tháng Năm âm lịch, bọn trẻ con chúng tôi đứa nào cũng háo hức mong đến ngày tết Đoan ngọ, để được ăn nhiều món ngon. Còn người lớn thì lo sắm sửa các lễ vật chuẩn bị cho ngày Tết.


    Thuở ấy, quê tôi còn nghèo lắm, đến mùng bốn mẹ mới đi chợ bán mấy con gà, mấy con vịt, mấy quả bầu, quả bí… để mua các lễ vật cho mâm cỗ ngày mùng năm. Mâm cỗ ngày tết Đoan ngọ rất tươm tất. Ngoài cơm, canh, cá, thịt, chè, xôi, trà, rượu… thì bánh và trái cây là những lễ vật không thể thiếu. Cha tôi bảo rằng: Tết Đoan ngọ cũng thiêng liêng không kém gì tết Nguyên đán. Đây cũng là dịp để cả gia đình đoàn tụ, sum vầy sau gần nửa năm bươn chải. Khi lễ vật đã đặt đầy đủ trên bàn thờ gia tiên, cha tôi thắp nhang khấn vái. Tôi đứng khoanh tay trước ngực chờ cha cúng. Chao ôi, mùi khói nhang bay nghi ngút hòa quyện mùi hoa quả, rượu trà… lan tỏa trong không gian ngôi nhà một mùi thơm thật thiêng liêng, thành kính; nó mãi mãi in đậm nguyên vẹn trong trái tim tôi đến tận bây giờ!

    Cúng xong, cả nhà cùng nhau bưng xuống, rồi quây quần bên mâm cơm. Bữa cơm thật đầm ấm, cả nhà trò chuyện râm ran. Ăn xong, cha tôi bắt tôi trèo lên mấy cây mít, còn ông đứng dưới cầm cái rựa chặt tới tấp vào thân mít. Vừa chặt ông vừa la “Mít! Mày có chịu ra trái cho tao không?” Tôi ở trên cây trả lời “Dạ, con sẽ ra trái, cha đừng chặt con nữa!”. Ông hỏi: “Ra nhiều hay ít?” “Dạ ra nhiều”. “Mày nhớ nghen! Chừng này sang năm mà không có trái, tao chặt mày”. “Dạ con sẽ ra trái thật nhiều cho cha”. Sau đó cha tôi chặt hết những nhánh sâu, nhánh già. Mà không riêng gì cha tôi, cả làng ai cũng thế. Vui ơi là vui! Xong rồi, cha dẫn chị em tôi chạy đi kiếm lá mồng năm, còn mẹ tôi ở nhà dọn dẹp. Ngày ấy nhà nhà đi hái lá mồng năm, nên ai cũng tranh thủ vừa đi vừa chạy. Vả lại hái nhanh kẻo hết giờ ngọ lá cây mất hiệu nghiệm. Lúc này bọn trẻ con chúng tôi là vui nhất. Đứa nào cũng hò hét, la ó, xí phần nhau. “Bụi này của tao”. “Bụi kia của tao”… Hình như cây cỏ trong thiên nhiên đều là vị thuốc cả, nên nhiều người thấy cây gì cũng hái. Nhưng cha tôi thì không. Ông chỉ hái những lá cây quen thuộc như cây mâm xôi, cây lá vằng, dây tơ hồng, đinh lăng, ngải cứu, cỏ gấu, cỏ mần trầu, chó đẻ, mã đề, lá sả, lá tre, lá lốt, rễ tranh, rau má, râu bắp… Cha tôi bảo Các cây lá này tuy dân dã, nhưng là những vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh”. Hái xong đem về cha mẹ tôi băm nhỏ ra trộn đều rồi phơi nắng, để dành nấu nước uống thay chè.

    Thời gian trôi đi, chị em chúng tôi trưởng thành, rồi đi làm ăn phương xa, ngày tết Đoan ngọ ít khi có nhà, để cha mẹ buồn thiu bên mâm cơm cúng gia tiên, nhưng biết làm sao được.

    Bây giờ, tôi đang miên man với những dòng đầu tháng năm, mà lòng chợt ước được quay về tuổi thơ ngày ấy, để ngày tết Đoan ngọ được cùng cha đi hái lá mùng năm, để được cùng cha mẹ thưởng thức những quả mít, quả mận, quả ổi… từ vườn quê mát lành.

    Phạm Văn Hoanh

    Tết Đoan ngọ trong ký ức
    Tết Đoan ngọ trong ký ức
    Tết Đoan ngọ trong ký ức
    Tết Đoan ngọ trong ký ức
  4. Trong một năm, người Việt quan trọng nhất 2 ngày, đó là tết Nguyên Đán và tết Đoan Ngọ.


    Tết Đoan Ngọ xa xưa từ Trung Quốc du nhập qua Việt Nam và một số nước trong vùng Châu Á. Ở Việt Nam Tết Đoan ngọ được Việt hóa thành ngày Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Nhiều vùng quê, dân ta gọi đơn giản “Ngày mồng 5 tháng 5”.


    Vào ngày này từng gia đình tổ chúc cúng kiếng để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, sâu bệnh không phá hại, mùa màng bội thu. Sau đó tổ chức bữa ăn sum họp trong đình, con cháu đều tụ họp đông đủ như ngày tết cổ truyền.


    Tùy theo phong tục vùng miền, ngày mồng 5 tháng 5 mỗi nơi có sự chuẩn bị cho bữa ăn gia đình một cách khác nhau.


    Trên đất Bình Thuận, vùng Tánh Linh, Đức Linh, chiếm đa số người Quảng Nam vào định cư nên phong tục ăn mồng 5 ở đây mang đậm chất Quảng. Ngày mồng 5 tháng 5 bà con tạm xếp công việc đồng án, trẻ em được mặc áo quần mới, dắt nhau đi chơi quanh xóm. Các mẹ, các chi lo rọc lá, phơi lá gói bánh ú, bánh tro, bánh tét và chuẩn bị đồ ăn thức uống y như ngày tết cổ truyền. Lại nói về bánh ú tro. Bánh ú tro, món ăn truyền thống của người miền Trung, bánh màu vàng sậm do nếp được ngâm từ nước tro. Bánh có nhân ngọt hoặc mặn hoặc không có nhân, bánh không có nhân ăn với đường hay mật ong.


    Đúng trưa mồng 5 từng nhà bày lễ vật, bánh trái cúng ông bà, có người còn tranh thủ đi hái lá quanh vườn phơi làm thuốc để dành uống trị bệnh. Sau đó là bữa ăn gia đình. Món ăn của bà con ngoài một trong hai món truyền thống mỳ Quảng và bánh tráng cuốn thịt heo còn có món bánh xèo.


    Mồng 5 tháng 5 thường rơi vào những ngày mưa dầm lê thê, trong không gian này, không gì hơn được quầy quần bên bếp lửa, từng chiếc bánh xèo vàng ươm, dòn rụm với nhân tép, thịt heo có cả nấm mối, kèm theo rau cải và nước chấm pha có vị ớt, tỏi thơm nồng. Tiếng lửa reo, tiếng bánh xèo xèo trong chảo, cùng với tiếng nói cười vui vẻ, hạnh phúc gia đình như được nhân lên.


    Khác với cách ăn của người dân Quảng, số đông người dân La Gi lại chọn thức ăn truyền thống trong ngày mồng 5 tháng 5 là thịt vịt và bánh hỏi heo quay.


    Vịt sau khi mua về được chế biến thành nhiều món như vịt luộc chấm mắm gừng, vịt tìm, vịt nấu bún măng… và tất nhiên món tiết canh vịt là không thể thiếu. Kinh nghiệm của người xưa, sở dĩ thịt vịt được ưa chuộng là do vào tháng 5 âm lịch, tiết trơi oi bức, vịt có tính hàn, ăn vào giúp cơ thể mát mẻ, cân bằng âm dương.


    Ngoài những món ăn chính người dân nơi đây còn có những món khác như chè trôi nước, cơm rượu… Theo quan niệm dân gian, ăn cơm rượu trong ngày mồng 5 tháng 5 mang ý nghĩa diệt trừ được sâu bọ.


    Người xưa tin rằng, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Vì thế cơm rượu có ý nghĩa đặc biệt trong ngày Tết diệt sâu bọ.


    Ngô Văn Tuấn

    Ăn gì trong ngày tết đoan ngọ
    Ăn gì trong ngày tết đoan ngọ
    Ăn gì trong ngày tết đoan ngọ
    Ăn gì trong ngày tết đoan ngọ
  5. Mùng năm là ngày văn hóa truyền thống từ lâu đời của người dân nông thôn với nhiều tên gọi khác nhau. Quảng Nam quê tôi chỉ gọi ngày này là Tết mùng năm. Và năm nào vào ngày này dân làng cũng quẩy giỏ bội đi cắt lá mùng năm.


    Tết mùng năm (ngày 5 tháng 5 âm lịch) lại về, tôi háo hức được ăn bánh trái cúng và phụ má đi cắt lá.

    Từ thời còn ông bà ngoại, sáng sớm ông bà đã dậy sắm sửa bánh trái để cúng. Đồ cúng thường là các loại trái chín trong vườn như mít, đu đủ, chuối mốc… Ông bà còn gói thêm bánh ú tro và nấu xôi chè đường tán. Cúng mùng năm thường vào buổi trưa, ông bà cúng kiếng rất thành tâm và luôn dặn con cháu như thế.

    Từ ngày mùng một mùng hai, tôi lên rẫy chọn hái trái mít nghệ trẵn da, giòng dây thả xuống đất cho khỏi bị rớt trúng đá mít bị bầm, trụi đoạn tre tầm vông giữa cuống gánh về. Ông bà dặn hái mỗi ngày một trái để có mít chín nhằm ngày cúng. Có năm may mắn cúng được trái mít chín cây.

    Chừng nửa buổi, mẹ quẩy đôi giỏ bội lên đồi cắt lá mùng năm. Vào sáng sớm mùng năm hay từ ngày mùng bốn thường có cơn mưa nhẹ. Ngoại nói mưa rửa sạch cây lá cho dân chúng cắt chè mùng năm. Ngày đó không ai dắt trâu bò lên đồi núi cho ăn, sợ trâu bò ăn hay tiểu tiện làm bẩn cây lá, lỡ người vô tình cắt về làm chè uống nước sẽ có tội.

    Đầy đôi giỏ lá, mẹ lo về nấu đồ cúng. Ngoại đã chuẩn bị dao thớt chặt nhỏ lá bỏ ra nong nia phơi liền cho kịp nắng.


    Trưa mùng năm, cả làng xách giỏ ra đồng dạo bắt cá tay không. Dù trời không nắng gắt như những ngày hè chói chang, có năm mùng năm trúng ngày chỉ hanh nắng nhưng cá dưới ruộng cứ trồng đầu lên chết ngất, có con còn nhảy lên bờ ruộng nằm thở dốc.

    Lúa cấy vụ hè thu đang thời con gái, đứng trên bờ đã thấy cá rô cá tràu cá trê hấp hối vẫy yếu ớt. Cá chỉ chết giấc vào một hai tiếng giấc trưa ngày hôm đó, sau giờ đó lại khỏe mạnh trở lại. Ai cũng nói đó là ngày bà Giàng, ngày diệt sâu bọ…

    Chiều mẹ lại tiếp tục quẩy giỏ bội đi cắt lá mùng năm. Mỗi thứ lá một ít: lá ổi, lá dủ dẻ, lá dung lá sim lá móc lá chè vối cam thảo… Ngày mùng năm lá gì cũng sạch sẽ, lá gì cũng sẽ được chặt nhỏ phơi khô làm thành chè. Chè mùng năm.

    Ông bà phơi chè khô, lót lá chuối dồn chè vô bao tời cất để dành uống vừa giáp lại mùng năm năm sau. Vị chè có mùi thơm thơm chan chát đăng đắng có hậu ngòn ngọt. Ai mất ngủ sôi bụng thình ruột đái láu uống một ly nước chè mùng năm nấu chín nóng hổi sẽ hết bệnh trong tức khắc.

    Ông nói, chè mùng năm là vị thuốc nam trị bá bệnh. Chè mùng năm còn là món biếu làm quà cho khách quý từ phương xa tới thăm chơi.

    Ngày mùng năm, ông thường bày mẹo rằng, hễ cây mít nào không ra trái hay trái dở thì một đứa con trai vác rựa ra gốc mít ấy giá rựa đốn.

    Đứa con gái kéo tay can ngăn rằng: “Ông đừng chặt làm chi, để sang năm nó sẽ ra trái và ra trái ngon thôi”. Cuối cùng nếu có chặt cũng chặt một nhánh nhỏ xíu làm phép. Cứ thế, chưa thấy cây mít nào năm sau sẽ bị đốn thật cả.

    Ngày mùng năm nếu không nhằm ngày nghỉ, tôi cũng nghỉ học để theo thanh niên trong làng lên núi cao hái trái mè tré, sa nhân. Sa nhân hái vào ngày này mấy thầy thuốc đông y và thuốc nam tìm mua lại với giá cao gấp mấy lần ngày thường. Trong lúc hái trái sa nhân, tôi thường bứt thêm mấy cuống hoa sa nhân trắng xóa về trộn với chè mùng năm cho đủ gia vị thuốc nam.

    Xưa bày nay bắt chước, con cháu vẫn cúng vào ngày mùng năm theo lệ dù rằng khó cảm nhận ý nghĩa của nó gắn liền với đời sống vùng nông thôn như trước. Phong tục tập quán ở nông thôn mai một, ngày mùng năm dần bị nghĩ lệch hiểu sai.

    Ngày mùng năm, ông thường bày mẹo rằng, hễ cây mít nào không ra trái hay trái dở thì một đứa con trai vác rựa ra gốc mít ấy giá rựa đốn.

    Đứa con gái kéo tay can ngăn rằng: “Ông đừng chặt làm chi, để sang năm nó sẽ ra trái và ra trái ngon thôi”. Cuối cùng nếu có chặt cũng chặt một nhánh nhỏ xíu làm phép. Cứ thế, chưa thấy cây mít nào năm sau sẽ bị đốn thật cả

    TRƯƠNG ANH QUỐC/TTO

    Tết Đoan Ngọ về cắt lá mùng năm
    Tết Đoan Ngọ về cắt lá mùng năm
    Tết Đoan Ngọ về cắt lá mùng năm
    Tết Đoan Ngọ về cắt lá mùng năm
  6. Còn vài ngày nữa mới đến Mùng 5 tháng 5 Âm lịch, vậy mà quê tôi đã bắt đầu rộn ràng chuẩn bị ăn Tết Đoan Ngọ. Miền Tây quê tôi có nhiều món ăn dân dã, nhưng không biết từ lúc nào, hễ đến ngày này, thì hầu như nhà nào cũng chuẩn bị món bánh xèo chưng lên bàn thờ cúng ông bà. Nhắc tới món bánh xèo, là thấy lòng háo hức, dù lớn bao nhiêu tuổi, tôi vẫn không thể nào quên hương vị bánh xèo của bà ngoại.


    Hồi tôi còn nhỏ, tới ngày Tết Đoan Ngọ, má dẫn mấy chị em tôi về nhà ngoại ăn bánh xèo. Vào ngày đó, con cháu tụ về đông lắm, mà phải về trước một ngày. Cả nhà cùng làm, mỗi người mỗi việc, chộn rộn đông vui như ngày hội. Sáng sớm, bà ngoại đem thùng gạo ra cối để xay bột. Nhìn cái cối đá to đùng quay đều đều dưới bàn tay thành thạo của bà, tôi ngưỡng mộ lắm. Tôi xin bà ngoại cho xay bột, nhưng dù tôi gồng hết sức, cái cối cũng nằm ì một chỗ không chịu quay. Ai nấy cũng cười, bà ngoại nói: “Cái cối này nặng lắm, con bé xíu quay sao nổi, sau này lớn lên tha hồ quay nhe hông”. Vậy là tôi lấy cái muổng múc gạo bỏ vào cối.

    Bà ngoại nói, gạo này ngâm từ đêm qua, muốn làm bánh xèo ngon, phải lựa gạo hơi cũ, gạo mới bánh bị nhão. Tôi nói với ngoại, một thùng to như vậy xay biết chừng nào xong. Bà cười nói. Một lát xong mà. Năm nào bà cũng ngâm một thùng như vầy, cho tụi con ăn cho đã, về thành phố không có mà ăn đâu. Bà ngoại xay một lát, giao cho người anh họ xay.

    Bột xay rồi được bồng lại trong bao (bồng bột), đặt trong thau, lấy mấy tấm thớt nặng dằn lên trên để ra cho hết nước, sau đó lấy ra quậy thành bột làm bánh. Bột trộn với nước cốt dừa, hành lá xắt nhuyễn, một ít bột nghệ. Bột phải đủ độ béo, có vị hơi mằn mặn, ngọt ngọt, không bị nhão hoặc quá khô thì mới ngon.

    Cánh con gái nhí nhố chân yếu tay mềm thì ra sau vườn hái rau. Nhìn rổ rau sống đủ loại đã thấy mê rồi. Cải xanh, xà lách, đọt xoài, lá cóc, lá lốt, bằng lăng, rau nhái, rau diếp cá, rau quế, rau thơm… chấm với nước mắm ớt có dưa chua.

    Má tôi và mấy dì bằm củ hủ dừa để làm nhân bánh. Nhân bánh còn có thịt ba rọi xắt mỏng, tép đồng, thịt vịt xiêm bằm nhuyễn nữa. Tất cả ướp gia vị, rồi xào vừa chín để sẵn.

    Má tôi làm nước mắm ngon lắm, nước mắm pha bằng nước dừa tươi, chanh, tỏi, ớt. Dưa chua làm bằng củ cải trắng, củ cải đỏ xắt sợi để riêng, khi nào ăn thì cho vào chén nước mắm. Nhìn chén nước mắm sóng sánh, tỏi ớt nổi đều trên mặt, chua chua, ngọt, thấy mà thèm.

    Bà ngoại đổ bánh bằng chảo gang, to hơn vòng tay của tôi, bếp củi than đỏ hừng hực, vài sợi khói mờ mờ, khiến cho căn nhà thêm ấm áp. Bà ngoại khéo tay lắm, bà lấy cái vá múc bột đổ vào cái chảo nghe “xèo xèo”, tay lắc cái chảo nhẹ một cái, bột trong chảo thành cái hình tròn vo như cái bánh tráng vậy, rồi để nhân vào, đến khi bánh vàng đều, bà gấp đôi lại, mỗi chiếc bánh được xếp cách nhau bởi miếng lá chuối đặt trong cái sàng bằng tre. Mấy đứa tôi vây quanh bà ngoại, vừa thán phục vừa hau háu muốn ăn. Thật thích thú mỗi khi nghe tiếng “xèo xèo” réo lên trên chảo mỡ nóng, mùi thơm ngào ngạt bốc lên, bụng đói cồn cào.

    Ăn bánh xèo phải ăn bằng tay mới đúng điệu. Bánh vừa lấy ra khỏi chảo còn nóng hổi, vàng hực, lấy tay xé một miếng bánh giòn rụm với đầy đủ nhân thịt vịt, thịt ba rọi, tép, đậu xanh, củ hủ dừa cuốn với rau sống còn tươi rói, chấm vào chén nước mắm ớt có dưa chua, cay cay, ngọt ngọt, từ từ đưa lên miệng… Hời ơi, ngon không thể tả được.

    Bà ngoại thấy mấy đứa tôi ăn một cách hồ hởi, bà cười đôn hậu: “Tết Đoan Ngọ mà không có bánh xèo thì mấy đứa không về đông đủ như vầy đâu”. Nghe vậy, ai nấy cũng cười híp mắt, rồi tập trung gói gói, nhai nhai, hít hà “Đã quá ngoại ơi”.

    Ờ, vừa ăn bánh xèo, vừa nghe tiếng “Xèo, xèo” trong chảo, tiếng lốp bốp khi bột xôi, tiếng giòn giòn khi bánh vàng tới. Mùi thơm của bánh tỏa khắp nơi, cảm thấy hồn quê hòa quyện, hương quê thắm đượm vào lòng.

    Cái hương vị quê ấy, mặn, ngọt, da diết khó mà phai nhạt, làm gì, ở đâu, đi đâu cũng thương, cũng nhớ. Càng lớn, càng đi xa, cuộc sống càng lo toan thì tôi càng thấm thía hương vị quê nhà. Tôi mới hiểu, vì sao những người bà con ở định cư ở nước ngoài mỗi khi về quê là háo hức đòi ăn bánh xèo cho được hà.

    Tết Đoan Ngọ năm nay, mấy chị em tôi rủ nhau về nhà má đổ bánh xèo. Bánh xèo bây giờ làm đơn giản hơn, mua bột pha sẵn đem về trộn không còn ngâm gạo qua đêm nữa, không còn xay bột bằng cối đá nữa, có lẽ vì vậy mà không khí cũng ít rộn ràng hơn xưa. Chị Hai pha nước mắm cũng ngon lắm, nhưng không đậm đà bằng má hồi xưa. Chị Tư đổ bánh cũng tròn lắm nhưng không khéo và đẹp bằng cái bánh của bà ngoại hồi xưa. Cái gì cũng không giống hồi xưa nữa.

    Bánh chín, tôi dọn một mâm cúng ông bà, cúng ba, má. Mấy chị em tôi quây quần bên nhau, vừa ăn vừa kể cho con cháu nghe chuyện hồi xưa. Nhìn mấy đứa nhỏ ăn bánh xèo một cách vồn vã, tôi nói: “Ăn từ từ thôi mấy đứa, bột còn nhiều lắm, ăn tới mai vẫn còn”. Chị Hai tôi giật mình: “Sao nói y chang bà ngoại vậy chèn?”. Tôi cười cười, mắt ươn ướt.

    Nhớ quê, nhớ da diết âm thanh cót két của cái cối xay bột, nhớ giọng ngoại cười hiền từ, mộc mạc, thương yêu, nhớ bếp lửa than hồng, nhớ tiếng “xèo, xèo” trong chảo nóng. Cái bánh xèo ngày xưa ấy, ngon đậm đà tình quê. Nhưng tất cả chỉ còn lại trong ký ức mà thôi. Bà ngoại đã lên trời. Má tôi cũng theo bà ngoại qua mấy cái Tết Đoan ngọ rồi, để lại trong lòng tôi nỗi niềm thương nhớ vô biên.

    Ngoại ơi, tụi con nhớ ngoại nhiều lắm, nhớ hương vị bánh xèo của ngày xưa, giờ cố tìm nhưng không còn nữa, ngoại ơi.

    Huyền Văn

    Tết Đoan Ngọ, nhớ bánh xèo miền Tây
    Tết Đoan Ngọ, nhớ bánh xèo miền Tây
    Tết Đoan Ngọ, nhớ bánh xèo miền Tây
    Tết Đoan Ngọ, nhớ bánh xèo miền Tây



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy