Top 10 Tản văn viết về Tết hay nhất

Phương Kem 1439 0 Báo lỗi

Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết cổ truyền là tết của dân tộc Việt Nam. Mỗi năm một lần, vào dịp cuối năm là mọi người từ khắp nơi sẽ quay về quê hương để ... xem thêm...

  1. Khi hương xuân chạm ngõ, cánh gió nao nao trong làn mưa bụi lất phất bay, những ký ức thấm đẫm hương vị Tết xưa lại chầm chậm quay về trong tâm trí tôi. Với tôi, một đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong thời bao cấp, Tết Hà thành luôn có phong vị riêng, để lại dấu ấn sâu đậm khó phai.


    Cứ độ sau rằm tháng Chạp, mẹ của tôi đã bắt đầu rậm rịch, lo toan chuẩn bị dần cho Tết. Khi nhớ về Tết thời bao cấp, tôi luôn ấn tượng với các gian hàng bách hóa lấp lánh đèn hoa bán túi quà Tết theo tiêu chuẩn. Mẹ tôi thường đi xếp hàng từ sáng sớm để mua túi quà Tết. Chiều muộn, khi mẹ trở về, anh em tôi sán vào, ngắm nghía từng món đồ mẹ dỡ ra. Này là hộp mứt Tết màu đỏ vẽ hình hoa đào, này là vài gói kẹo mềm, chai rượu cam hoặc chanh, gói thuốc lá Thủ đô bao bạc. Ngoài ra, còn có đầy đủ miến, bóng bì, hạt tiêu, mì chính... Chao ơi, chỉ một túi hàng mẹ mua theo tiêu chuẩn, mà sao tôi đã thấy Tết đang hiện hữu trong nhà.


    Tôi còn nhớ, mỗi khi giáp Tết, các chị thanh nữ thường rủ nhau mua khế, cà chua, mận, táo, gừng, cà rốt về làm mứt. Đây cũng là dịp để các chị thể hiện tài nữ công gia chánh. Các chị tỉ mẩn chế biến theo những công thức riêng để có những món mứt hương vị dịu dàng, chua ngọt mời khách ngày Tết. Có những buổi tối, ở sân khu tập thể nhà tôi, các chị cùng “sên” mứt, lũ trẻ chúng tôi sán vào xem. Thi thoảng lại được các chị cho “nếm”, mỗi loại một vị thật là vui.


    Tết Hà thành trong ký ức của tôi còn in dấu những chuyến tàu điện ngày cuối năm. Gần Tết nên chuyến tàu nào cũng chật như nêm. Mọi người hối hả mang hàng hóa đến chợ bán cho kịp trước Tết. Người đi chợ cũng náo nức mua sắm. Có khoảng thời gian xa nhà, giấc mơ tôi vẫn còn vọng tiếng “leng keng” của những chuyến tàu điện sớm lướt qua trên phố.


    Hăm ba tháng Chạp, các nhà náo nức cúng ông Công ông Táo. Tôi vẫn nhớ cảm giác thích thú khi được ngồi sau xe đạp của anh trai chiều cuối năm lên hồ Tây thả cá chép, tiễn ông Công ông Táo về trời. Anh trai tôi đỗ xe sát mép hồ rồi khẽ khàng đổ cá xuống hồ. Chúng tôi thường đứng dõi theo những chú cá chép vàng ẩn hiện nương theo sóng hồ Tây bơi xa mãi trong chiều cuối năm.


    Cận Tết, khu chợ hoa cũ đất Hà thành trên mạn phố cổ bắt đầu họp. Các cành đào bích, đào phai đất Nhật Tân, Nghi Tàm ngậm nụ chúm chím trong mưa xuân, quất Tứ Liên căng mọng chín vàng khoe sắc trên phố Hàng Lược. Phố Hàng Khoai thường bán các loại hoa cổ truyền như violet, lay ơn, thược dược... Phố Hàng Mã bán hoa giấy, đèn lồng, bóng bay và các thứ trang hoàng nhà cửa ngày Tết. Quá bộ ra phố Hàng Rươi, ta sẽ bắt gặp các hàng bán đồ thờ cũ, đồ đồng được bày bán ngay trên vỉa hè. Những người lớn tuổi rảnh rang thường dạo bước ra ngã năm Cống Chéo ngắm nghía, chọn mua các loại sành sứ, tiểu cảnh, non bộ mang về trang trí nhà.


    Trong chuỗi ngày chuẩn bị Tết, việc gói bánh chưng luôn khiến mọi người háo hức hơn cả. Các bà các mẹ rủ nhau rửa lá dong, đãi đỗ, vo gạo ở máy nước công cộng. Những bàn tay cóng đỏ trong giá lạnh nhưng mọi người vẫn trò chuyện thật rôm rả. Tối đến, bố tôi ngồi tỉ mẩn tước lá, chẻ lạt trong khi mẹ đồ đỗ xanh, ướp thịt gói bánh. Mùi hạt tiêu, nước mắm ngon ướp với thịt ba chỉ thơm nức. Bố tôi gói bánh nhanh và chắc tay, chỉ một loáng đã xong. Bánh gói xong được xếp vào nồi to và bắc lên bếp đun. Nồi bánh chưng sôi “lịch sịch... lịch sịch” phả hương thơm của gạo nếp, lá dong ra không gian xunh quanh. Các bà các mẹ thường “dúi” vào bếp than ít khoai sắn cho trẻ con nhấm nháp. Đêm luộc bánh chưng, cả khu tập thể vui rộn ràng. Niềm vui theo vào cả trong giấc mơ của những đứa trẻ như tôi.


    Sáng ba mươi tháng Chạp, khi việc dọn dẹp nhà cửa đã hoàn tất, tôi thường được mẹ cho đi chợ hoa. Dạo một vòng, mẹ tôi chọn cành đào phai cánh kép. Cành đào tuyệt đẹp với hoa và nụ san sát kề bên nhau, e ấp khắp các cành chi, cành tăm. Sau đó, mẹ tôi thong thả chọn mua các loại hoa cổ truyền như: Violet tím nhạt mảnh mai, thược dược rực rỡ, đồng tiền bông đơn đỏ tươi, bông kép hồng nhạt, lay-ơn cứng cáp, hoa bướm dịu dàng. Những đóa hoa được mẹ cắm bên nhau như khu vườn xuân khoe sắc trong phòng khách. Với người Hà thành, thấy bình hoa cổ truyền là thấy Tết, thấy xuân.


    Chiều tất niên, các gia đình chuẩn bị mâm cỗ dâng gia tiên với những món ăn được chế biến cầu kỳ, tinh tế. Cách thức bày biện mâm cỗ thể hiện tài vén khéo của người phụ nữ trong gia đình. Bánh chưng xanh mướt bên xôi gấc đỏ tươi, gà luộc ánh mỡ vàng óng, canh măng khô nấu chân giò, nem rán giòn, giò chả cắt “quả trám”, dưa hành, xào thập cẩm đa sắc màu, canh bóng nấu thả độc đáo... Tất cả nhẹ đưa hương thơm ngon, thanh khiết. Mâm cỗ Tết không chỉ hấp dẫn về hương vị mà còn trở thành nét văn hóa độc đáo, thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu dâng lên ông bà tổ tiên.


    Sau bữa cơm tất niên, mẹ tôi lại tất tả làm gà, đồ xôi, nấu chè cho mâm cúng giao thừa. Hình ảnh bố thành kính lễ quan Tân niên giờ phút giao thừa luôn in sâu trong tâm trí của tôi. Dường như, khoảnh khắc đó, bao điều hy vọng tốt đẹp trong năm mới được ông gửi gắm vào lời khấn nguyện.


    Sáng mồng một hay còn gọi là ngày “Chính đán”, anh em tôi súng xính trong quần áo mới, được ông bà, bố mẹ mừng tuổi. Cho đến sau này, tôi vẫn mãi nhớ niềm hân hoan khi được nhận những đồng tiền mừng tuổi mới tinh ngày đầu năm.


    Năm tháng trôi, mỗi khi chạm Tết, tôi thao thiết nhớ hương nước mùi già mẹ nấu chiều cuối năm, nhớ hè phố nhuộm đầy xác pháo tươi hồng, nhớ hương trầm ngát thơm quyện cùng khói pháo thơm nồng và hương các loài hoa lan tỏa dịu dàng trong gió xuân… Phong vị Tết Hà thành mãi neo trong miền ký ức của tôi bình yên mà sâu sắc, thân thương đến lạ.


    Vy Anh

    Phong vị tết Hà Thành
    Phong vị tết Hà Thành
    Phong vị tết Hà Thành
    Phong vị tết Hà Thành

  2. Sáng thức dậy trời se se lạnh, mưa lây phây như rắc bụi trên những phố dài , ngang qua ngõ nhà ai chợt nghe tiếng hát đầy không khí mùa xuân vọng qua ô cửa đã nhuốm màu thời gian “…rồi dặt dìu mùa xuân theo én về / mùa bình thường mùa vui nay đã về / mùa xuân mơ ước ấy….” đó là ca từ bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao luôn làm lòng người lắng lại, bình yên và dâng đầy cảm xúc trong những ngày áp tết.


    Phố ngoài kia những ngày cuối năm đã bắt đầu tưng bừng, hối hả, đất trời vạn vật nở hoa, mùa xuân đã đến thật gần trên từng búp lá non tơ. Cuối năm ai cũng thấy mình bận rộn hơn, vội vã hơn trên từng khuôn mặt. ai cũng mong chờ một năm mới tốt đẹp hơn, an yên hơn. Lòng luôn tự hỏi lòng, mình đã làm được gì và chưa làm được gì trọn vẹn trong một năm đầy biến động đi qua. Những vui buồn, được mất của thiên tai, của đồng loại cũng sẵn lòng gác lại một bên mỗi khi tết đến, xuân về.


    Những ngày áp tết ai cũng muốn lòng mình thanh thản, bình yên bên gia đình và những người thân yêu. Ai cũng muốn dành cho mình một khoảng lặng để ngồi ngắm phố phường, ngắm từng dòng người, dòng xe qua lại, ngắm từng nụ hoa đào còn lấm tấm hơi sương. Mùa xuân đã ngập tràn trên phố, mùi tết đã bắt đầu phảng phất trong gió xuân, mưa bụi.


    Chẳng còn mấy ngày nữa là đến ngày ông công, ông táo về trời. Trong tâm thức mỗi người, đây cũng là một trong những ngày cuối năm rất quan trọng, nhà nào cũng chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Táo một cách long trọng nhất có thể. Nhà nào cũng cúng cá chép và mong cá chép hóa rồng để làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.


    Sau ngày ông Táo là những ngày tảo mộ ở quê. Những người đi xa thì về sớm, những người ở làng thì tảo mộ vào chiều 30 tết, cả cánh đồng nghi ngút khói hương, người nhổ cỏ, chặt cây, người quét dọn, tu sửa mộ phần cho ông bà, cha mẹ và những người thân sao cho sạch sẽ, đẹp đẽ, đồng thời thắp hương cúng khấn mời các cụ về sum họp, ăn tết cùng con cháu. Tảo mộ cũng là một việc làm cuối năm đầy ý nghĩa đã trở thành phong tục truyền thống cho con cháu nhằm tỏ lòng biết ơn những bậc sinh thành, về cội nguồn dòng tộc của mình.


    Hoài niệm và kí ức luôn mang đến cho con người chật đầy những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tôi nhớ lắm những đêm 30 thủa còn thơ nhỏ bên ngôi làng nằm ven bờ sông Đáy, tôi nhớ mùi hương trầm, huệ trắng trong những đêm cuối năm mưa bụi lây phây, nhớ mùi vỏ trấu nếp âm ỉ cháy bên nồi bánh chưng xanh khói cay xè mắt, nhớ chương trình tiếng thơ được phát sóng qua chiếc đài radio cũ kỹ của nội. tôi nhớ mùi nhang trầm đen mỗi lần nội thắp trên bàn thờ gia tộc. mùi nhang đen cứ lẩn khuất đâu đây mà sau này đi xa tôi không tìm lại được. kí ức luôn là một điều gì đó thật hiện hữu mà khó gọi thành tên và cũng không bao giờ phai mờ trong mỗi người chúng ta.


    Một mùa xuân mới lại sắp về, những giai điệu về mùa xuân đang ngân dài trên phố nơi mỗi bước chân đi, ta nghe đâu đây những giọt mưa xuân đang rơi tí tách trên cành đào hé nụ và lâng lâng đắm chìm trong những ca từ "lắng nghe mùa xuân về" của nhạc sĩ Dương Thụ "giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường / mùi hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng / và anh đợi em, đợi em như đã hẹn...".


    Vâng ! Những ngày áp tết đang đến thật gần.


    Đinh Tiến Hải

    Những ngày áp Tết
    Những ngày áp Tết
    Những ngày áp Tết
    Những ngày áp Tết
  3. Có thể nói cái Tết là một phần không thể thiếu được trong văn hóa người Việt. Mọi cái đều dành cho ngày Tết. Những câu nói như “có đói cũng ngày Tết, có hết cũng ngày mùa”, “vui như tết” đã thể hiện phần nào cái no ấm đủ đầy, sự vui tươi trong dịp tết. Người giàu có sắm sửa rình rang, người nghèo cũng phải lo đủ bữa cơm tươm tất hơn trong ngày Tết. Dù cuộc sống bao nhiêu thay đổi nhưng ngày Tết trong lòng mỗi người Việt vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa. Nó là dịp đoàn tụ gia đình, là lúc mọi người tạm quên hết những vất vả lo toan để mong chờ và hy vọng cho một năm mới tươi sáng hơn. Trong sự vần xoay của đất trời, cứ năm hết là Tết đến. Dù có mong chờ hay không thì người ta cũng chuẩn bị mọi thứ cho Tết theo khả năng của mình.


    Tuổi thơ vô tư chưa biết đến sự khắc nghiệt của thời gian, hồn nhiên mong chờ tết với những thích thú của riêng mình. Dù sống trong no ấm đủ đầy hay cảnh nhà thiếu trước hụt sau, trẻ em cũng có những lý do để mong chờ tết. Trẻ con nhà có điều kiện thì chờ Tết đến để có những bộ quần áo thời thượng, được nhận lì xì khủng, được đi du lịch đây đó với gia đình. Trẻ nghèo thì chỉ mong chờ Tết đến để được mẹ sắm cho bộ quần áo mới, được ăn những bữa ăn ngon hơn, được những ngày rảnh rang hơn để ba mẹ dẫn đi thăm bà con họ hàng. Những cái tết của một thời còn khó khăn, phương tiện di chuyển chỉ là đi bộ hoặc xe đạp, nhà thì con đông, những đứa trẻ cũng hiếm khi được cha mẹ dẫn đi mà chỉ túm tụm cùng nhau và cũng với những bạn bè hàng xóm dắt nhau ra đầu ngõ để ngắm người qua lại chơi xuân. Những bộ quần áo đơn sơ được “may trừ hao” rộng thùng thình nhưng mặc vào cứ tưởng như mình đã lớn hơn và đẹp lên rất nhiều. Bộ đồ, đôi dép, cái mũ được cất kỹ đến sáng mồng một mới đem ra, mặc rồi nhìn nhau cười thích thú. Có thể nói không ở tuổi nào mà cái Tết lại được mong chờ và đón nhận vô tư như với tuổi thơ.

    Những người đã làm cha làm mẹ thì mong chờ tết cùng những nỗi lo toan. Những cái Tết mấy mươi năm về trước thường được chuẩn bị từ rất sớm. Tháng mười, sau khi cắt lúa xong, những người mẹ quê chắt bóp bán bớt một ít sau khi đã tính toán đủ số lúa ăn cho đến mùa để may cho con manh áo tấm quần. Mọi thứ đều phải tính toán, tích cóp, nâng niu từng chút một. Nỗi lo lắng là làm sao để những vườn rau vườn hoa có thể kịp tết để bán được thêm chút tiền mà mua thêm chút đồ đạc đón tết. Con heo còi nuôi trong chuồng, bầy gà để dành tết liệu có lớn kịp để có mâm cơm tươm tất mà cúng ông bà, cho con cháu có được những bữa ăn ngon hơn. Người buôn bán nhỏ những ngày giáp tết lại càng tất bật hơn với đôi quang gánh tất tả, mua chợ trên, bán chợ dưới, nhặt nhạnh thêm từng chút để con có thêm cái bánh cái kẹo mà ăn tết với người ta. Mà Tết thì không phải chỉ có ăn, có mặc. Người sống sao thì người chết cũng vậy, dọn mồ mả, lo lắng bàn thờ tổ tiên ông bà là một việc không thể thiếu được. Một năm chỉ có một lần tết, bàn thờ phải ấm cúng trang trọng thì ông bà mới về ăn tết và phù hộ cho con cháu mạnh khỏe bình an trong năm mới.


    Tết với những sinh viên đi học xa nhà và những người đi làm ăn xa bắt đầu vào khoảng cuối tháng chạp. Những chuyến xe cuối năm về quê lúc nào cũng đông đúc, người người chen chúc nhau. Ai cũng muốn được về sớm để dọn dẹp, đón tết với gia đình. Nhưng cũng có những sinh viên nghèo, những người vì hoàn cảnh công việc không thể lên những chuyến xe cuối năm để về nhà thì cái tết dường như không còn nhiều ý nghĩa. Với những gia đình mà con cháu không về đủ thì dịp tết cũng không còn trọn vẹn niềm vui. Với những gia đình nhỏ mà ông bà cha mẹ vẫn còn thì tết là dịp để tụ hội và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, cùng nhau ăn những bữa ăn gia đình ấm cúng, để những kỷ niệm còn mãi tươi đẹp, để rồi năm tháng dần trôi, khi cha mẹ đã dần khuất núi thì nỗi nhớ thương cứ còn mãi không nguôi. Từng thế hệ cứ tiếp nối nhau như vậy và truyền thống ăn tết của người Việt luôn được bảo tồn. Dù cách xa về không gian, dù cuộc sống nhiều thay đổi, dù có những hoàn cảnh công việc bắt buộc phải xa nhà, xa quê, nhưng mỗi khi cành mai vàng, cành đào hồng thắm khoe sắc, lòng mỗi người dân Việt đều không khỏi nao nao cho một cái Tết cân kề.


    Mỗi năm một lần, khi những tờ lịch dần được gỡ hết thì cái tết lại đến. Dù trong hoàn cảnh nào thì cái tết cũng có một ý nghĩa đặc biệt với người Việt. Một năm cũ đi qua, một năm mới đến để người ta biết mình đã làm được những gì và có những kế hoạch, những hy vọng mong chờ cho một năm tiếp theo. Phong tục đón Tết làm người Việt trở nên gần nhau trên nhiều phương diện. Tết không của riêng ai, Tết của mọi nhà!


    Ai Nguyen

    Tết của mọi nhà
    Tết của mọi nhà
    Tết của mọi nhà
    Tết của mọi nhà
  4. Có người bảo: "Càng lớn càng thấy Tết không còn vui như xưa. Nhớ lắm cái hương vị Tết ngày thơ bé". Thật ra Tết vẫn vậy những có lẽ chúng ta đã thay đổi. Chúng ta đã không còn là những đứa trẻ ngây thơ chờ mong Tết đến để được mặc quần áo mới, được sướng râm ran trong lòng khi nhận được phong bao lì xì, được quây lại, cuộn tròn bên nồi bánh chưng, được thỏa thích đi chơi mà không phải canh cánh lo vì mải chơi mà bị ăn đòn.


    Tết không nhạt đi mà là vì chúng ta đã lớn. Chúng ta mang trên mình trọng trách mới, gánh trên vai những trách nhiệm, những mối lo toan, những mối quan hệ xã hội khác với trước kia. Nhiều khi chúng ta quá bận rộn với những thứ thuộc về giá trị vật chất mà quên mất đi giá trị tinh thần. Chẳng có thời gian để lắng lòng lại nghe cho xong một bài hát yêu thích. Điều đó khiến ta sợ Tết, chán Tết và cho rằng Tết không còn như xưa. Là cái cớ để ta không thích Tết nữa.


    Tết vẫn vậy chỉ là căn nhà mỗi ngày cứ càng ngày rộng ra vì các con cứ đi mãi chưa kịp về. Bữa cơm đoàn viên cứ mỗi ngày một vắng những người thân yêu. Tết vẫn vậy nhưng ta không còn cảm giác hồi hộp để nghe mùi nước lá mùi đêm Ba Mươi nữa. Bây giờ thay bằng nấu nước lá mùi, ta thay bằng sữa tắm, tinh dầu. Mùi bồ kết nướng trên bếp than cháy thơm cả chiều tất niên cũng không còn nữa. Cũng không còn cùng cha lúi húi cắt hoa cắm trên bàn thờ ông Công, không ngồi chăm chú từng đường kim của mẹ đính vội hàng nút áo cho mình.


    Bây giờ, khi chúng ta đi xa, xa mái nhà yêu thương, những ngày giáp Tết mới thấy lẻ loi trên bước đường phiêu bạt. Lại thấy nhớ nôn nao cái vị Tết xưa. Mới thấm cái vị Tết, cái ý nghĩa của ngày Tết. Tết là để đoàn viên, Tết để sum vầy, Tết để trở về căn nhà xưa, để được ngửi lại mùi hương lá mùi, hương bồ kết thoảng tan chiều tất niên. Tết để về nhà quét cho mẹ cái sân gạch lâu không có nhiều dấu chân qua lại đã lên rêu xanh trơn trượt. Tết để quây quần bên mâm cơm chan chứa yêu thương, ấm nghĩa tình gia đình.


    Cái vị Tết ấy bao nhiêu năm qua vẫn vậy. Vẫn đậm đà và chan chứa yêu thương. Tết nào có nhạt đi chỉ là con người thay đổi, tâm tình thay đổi. Cũng nào phải thời gian tàn nhẫn, bụi thời gian phủ mờ tất cả. Chỉ là chúng ta thay đổi. Tâm tình ta thay đổi. Và vì thế ta cũng nhầm lẫn là Tết thay đổi và vị Tết cứ nhạt dần. Chúng ta vẫn sẽ chẳng nhận ra vị của Tết khi trên bước đường tha hương chợt nhận ra không khí Tết đang tràn ngập phố phường. Và ta vẫn đang quay cuồng với bộn bề cuộc sống, mãi vẫn chưa chạm được cái ngõ quê quen thuộc mới chợt nhận ra Tết là để trở về ăn một bữa cơm đoàn tụ giản đơn nhưng ấm áp nghĩa tình. Chẳng cần mâm cao cỗ đầy chỉ cần còn nơi để trở về, chỉ cần còn muốn trở về chắc chắn vị Tết vẫn mãi luôn ngập tràn, vẫn mãi đậm đà như xưa.


    Hãy trở về chắc chắn sẽ thấy mùi vị của Tết.


    Thanh Nguyễn

    Vị Tết
    Vị Tết
    Vị Tết
    Vị Tết
  5. Thấm thoắt một năm nữa sắp qua đi. 365 ngày làm việc miệt mài cốt sao vun vén cho cái tổ ấm của mình được ấm no thật sự, còn gì hạnh phúc bằng?


    Nhưng có phải ai cũng mãn nguyện với những gì mình trải qua đâu? Bởi ngoài kia, chỗ này, chỗ khác vẫn còn những mảnh đời, những phận người, những thân cò xơ xác lắm kiếm ăn dưới màn đêm lạnh giá. Càng cuối năm, nhịp sống càng hối hả, vội vã, trăm việc đều trông chờ ngày Tết.


    Tết đấy! Còn lâu nữa đâu? Hơn tháng thôi. Con trẻ sẽ xúng xính trong những bộ quần áo mới, hân hoan với những phong bao lì xì sặc sỡ. Người già trầm ngâm, tư lự bên cành đào, cành mai, cây quất ngẫm nhân tình thế thái, mắt nheo nheo nhìn đàn con cháu. Người những trưởng thành thì lại trăn trở, tất bật lo toan cùng bao thứ liên quan đến tiền. Bao nhiêu khuôn mặt là bấy nhiêu nỗi buồn vui.


    Tết đấy! Ai cũng muốn bỏ chút ít thời gian trang hoàng lau dọn nhà cửa, nhất là nơi thờ tự cho sáng sủa, sạch sẽ. Thoảng chút khói hương trầm mặc quyện cùng cái rét là niềm tin, là những tia hi vọng vào năm mới sẽ tốt đẹp hơn.


    Tết đấy, ai cũng muốn cố lo cho có được nào bánh kẹo, nào đào mai quất...rồi đêm giao thừa quây quần, vừa rôm rả chuyện trò, vừa nhâm nhi bên gia đình mà thưởng thức vị ngọt của hạnh phúc.


    Tết đấy! Chả biết vui hay buồn khi lại một tuổi nữa, mái đầu ta điểm thêm những sợi bạc?...


    Cậu Tú

    Tết...
    Tết...
    Tết...
    Tết...
  6. Nếu ở thành phố, tết đến gần với bạt ngàn hoa, hàng tết đủ màu sắc và những dòng người tấp nập ngược xuôi, tất bật sắm sửa, lễ lạt thì tết ở làng quê mang một vẻ đẹp riêng.


    Lúc nào cũng thế, gần những ngày tết, người dân quê tôi thường bận rộn với mùa vụ. Từ sáng sớm tinh mơ, trời còn nhá nhem tối, sương mù đang giăng dày đặc khắp đường làng thì các bà, các mẹ, các chị đã ra đồng. Tiếng cười nói vang khắp từ các ngõ xóm ra tận cánh đồng quê. Trên những thửa ruộng xăm xắp nước còn mới tinh những đường cày, những hàng mạ non xanh mơn mởn được gieo xuống. Như có phép màu, khi mặt trời lên cao là lúc cả cánh đồng trải dài một thảm xanh non tăm tắp hàng lối. Cấy lúa xong, các xóm tổ chức quét dọn, cuốc cỏ ở các lối đi, sơn lại tường, nhà văn hoá xóm với những câu khẩu hiệu đón tết đầy khí thế để “Mừng Đảng, mừng Xuân”.


    Các gia đình trong hôm 23 tháng chạp cúng ông táo về trời đều có một cây nêu thật đẹp với những lá cờ đỏ sao vàng được treo ở đầu ngọn nêu tung bay phấp phới trong gió. Đèn nhấp nháy đủ màu sắc được trang trí quanh cây nêu. Cổng xóm, cổng nhà tưng bừng ánh sáng. Những cành đào chúm chím nụ hồng được chặt từ ngoài vườn vào để trang trí đèn nhấp nháy và những quả bóng đủ màu sắc. Theo quan niệm của dân gian, những cành nào có đủ nụ, hoa và quả thì cành đào ấy báo hiệu tài lộc và sự hưng vượng trong năm sẽ vào nhà gia chủ dồi dào. Việc chuẩn bị đồ ăn tết ở người dân quê cũng khác biệt ở thành phố. Bên cạnh việc mua sắm hoa quả, bánh kẹo, vật dụng gia đình ở các quầy tạp hóa, người dân quê còn tự túc thức ăn ngày tết. Thức ăn đó là từ những luống rau cải, những hàng xà lách, vồng khoai lang, bụi rau bầu xanh mướt rợp khu vườn hay những chiếc bắp cải trắng xanh tròn lẳn kiêu hãnh khoe mình dưới nắng xuân rực rỡ. Bao nhiêu chiếc ao làng cũng được người dân quê tôi tung lưới, đặt nơm để đánh bắt. Mùi bùn đất tanh nồng với bao nhiêu mẻ cá, tôm được quăng lên dải đất trống… như quẫy gọi mùa xuân ấm no đến xóm làng. Các gia đình còn chung nhau làm thịt lợn, thịt trâu, thịt bò. Những bếp lửa to được nhen lên, dao thớt, xoong nồi, rổ rá, các thứ lộc thơm được chuẩn bị đầy đủ. Người lớn xúm xít lại, đàn ông thì mổ thịt, đàn bà chuẩn bị các vật dụng cần thiết và nấu ăn. Mấy gia đình tập trung tại một nhà cùng nhau ăn bữa cơm cuối năm ấm cúng. Mùi thịt thơm, mùi lạc rang, mùi các thứ lộc thơm quyện lại,… thật hấp dẫn. Những chuyện đồng áng, chuyện sinh hoạt thường ngày đến chuyện giá cả, chính trị, bóng đá,… được đem ra bàn luận sôi nổi. Sau bữa ăn, mọi người quây quần quanh ấm chè xanh ấm nóng với những bát nước sóng sánh vàng. Không chỉ vậy, các loại bột được xay ra để làm bánh. Có loại bột sống được xay từ nếp nguyên hạt sau khi bóc vỏ, có loại bột chín được xay từ nếp đã được ngâm và rang vàng. Tôi còn nhớ ngày nhỏ cứ ngồi trực bên bà ngoại để xin một nắm cốm vàng ngọt thơm ấy. Để làm bánh ong, bà còn rang lạc, vừng và lấy nước màu đỏ từ quả gấc hoặc quả xum phù (một loại quả màu đỏ, có lông bên ngoài, ruột đỏ). Tôi thích nhất lá lúc, bà đổ bột, nước màu, lạc rang vào khuấy đều khi mật mía sôi réo rắt trên bếp. Sau đó cho thêm gừng tươi giã nát hoặc dừa bào sợi để bánh dậy mùi thơm. Khi những thứ trên đã tạo thành hỗn hợp đặc sệt, quyện chặt vào với nhau trong một nồi bánh thơm phức thì bắc xuống cho ra mâm để sẵn hạt vừng trắng đã rang chín. Từ đó, đổ ra khuôn rồi nén lại hoặc nặn hình theo ý thích của mình. Những nắm đồ đày bà cho chúng tôi thưởng thức vừa ấm nóng và ngọt thơm làm sao! Các lọai mứt dừa, mứt cà rốt, mứt bí, mứt gừng,… cũng được các bà, các mẹ, các chị em trổ tài khéo léo quanh các bếp lửa.


    Vui nhất là không khí chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét vào chiều 29 tết. Hầu như mọi thành viên đều tham gia. Bà thường chẻ lạt, tôi thì rửa sạch, lau khô lá dong, mẹ thì ngâm nếp, vớt nếp cho ráo và chuẩn bị nguyên liệu làm nhân bánh. Những chiếc bánh chưng vuông vức và những chiếc bánh tét hình trụ gói chặt bởi nhiều lần lạt buộc lần lượt được mẹ sắp vào nồi từng cặp. Bếp lửa được nhen lên bằng những viên gạch táp lô và những thanh củi to đượm lửa. Xong bữa cơm tối, cả nhà ngồi quanh nồi bánh chưng vừa hơ tay vừa trò chuyện,… xua tan cái lạnh giá của mùa đông. Thường bánh chín vào lúc đã khuya, lũ trẻ chúng tôi ngủ lăn khoèo, bố hoặc mẹ dậy vớt bánh cho ráo rồi ép bánh. Sáng sớm mai, khi chúng tôi tỉnh dậy, những chiếc bánh nhỏ bố gói hôm qua được bóc ra, chao ôi, thật ngon mắt, cắn từng miếng thơm dẻo, âm ấm mà thích thú vô cùng!


    Ngày cuối cùng của năm thật đặc biệt. Tiếng trống nhà thờ họ vang lên, mùi hương trầm vương đầy không gian nghe thật ấm cúng, thiêng liêng và thân thuộc. Gần trưa 30, lũ trẻ chúng tôi xúng xính trong những bộ quần áo mới xách túi quà có chai rượu, thẻ hương và cặp bánh chưng đến nhà thờ họ cùng bố, miệng hát líu lo, chân huýt sáo,… Tết đến đầy lo toan nhưng cũng thật êm đềm và vui tươi. Chúng tôi đã lớn lên từ những ngày tết quê như thế!


    Hà Vinh Tâm

    Tết ở quê
    Tết ở quê
    Tết ở quê
    Tết ở quê
  7. Cận Tết. Hà Nội có những ngày chìm trong làn mưa bụi lất phất bay. Cả thành phố được phủ một lớp khăn voan mềm nhẹ với cái rét ngọt cuối đông. Tôi trở về nhà sau một ngày mệt nhoài bởi bộn bề công việc. Phố tấp nập, người xe đan xen như mắc cửi. Ô kìa, một chiếc xe đạp cũ kỹ chở những đóa thược dược rực rỡ sắc màu đang chầm chậm “trôi” trên phố. Tôi vội mua cho mình một bó hoa thược dược thật lớn cùng vài cành violet. Lạ thế, mỗi lần nhìn thấy hoa thược dược, tôi cảm giác Tết đang đến thật gần với bao ký ức xưa cũ cứ thế ùa về.


    Nhớ những ngày Tết đã xa, sáng tất niên, thế nào mẹ cũng dắt tôi đi chơi chợ hoa, chọn những cành hoa thược dược đủ sắc màu cắm kèm với violet, hoa đồng tiền, hoa lay-ơn, hoa cánh bướm. Khi về tới nhà, mẹ tôi thường ngâm bó hoa vào chậu nước để “hồi” hoa. Những bông hoa sau khi “uống” nước đã tươi tỉnh sẽ được mẹ tôi tỉ mẩn cắm vào chiếc bình men màu lam.


    Có khá nhiều kinh nghiệm để giữ bình hoa ngày Tết được tươi lâu. Mẹ tôi thường tỉa hết lá phía dưới cành để tránh lá rữa mục trong bình khiến hoa nhanh héo. Theo kinh nghiệm, dùng một con dao sắc cắt vát cuống hoa khi vẫn ngâm trong chậu nước sẽ giúp hoa dễ hút nước và tươi lâu hơn. Để “dưỡng hoa”, các bà các mẹ còn truyền nhau "bí kíp" cho vào nước cắm hoa một trong các loại sau: Thuốc B1, thuốc Aspirin, giấm trắng, đường, nước cốt chanh. Và điều quan trọng nhất, đó là, thường xuyên thay nước cho hoa. Giữ nước bình hoa luôn sạch khiến bình hoa thược dược tươi suốt Tết.


    Người Hà thành cắm hoa thược dược vào dịp Tết bởi theo quan niệm truyền thống, đây là loài hoa được tôn vinh là hoa tướng, sau mẫu đơn - hoa vương. Sắc hoa rực rỡ, sang trọng mang đến may mắn và viên mãn thành tựu vào dịp đầu xuân năm mới. Trong tình yêu, hoa thược dược mang ý nghĩa cho hạnh phúc trường tồn, mãi mặn nồng theo năm tháng. Bởi vậy, một số đám cưới thường cắm loại hoa này.


    Hoa thược dược thuộc loại cây thân thảo, sống lâu năm, tên khoa học là Dahlia variabilis Desf, có nguồn gốc từ Mexico và rất phong phú về màu sắc như: Tím, cam, hồng, đỏ, huyết dụ, trắng... Có một điều khá thú vị, trong mỗi bông hoa thược dược lại có sự pha trộn màu sắc hài hòa. Những bông hoa vươn lên nổi bật trên nền lá xanh thẫm. Cánh hoa thược dược xếp thành từng lớp như tổ ong tỏa đều về các hướng. Cũng có loại thược dược cánh hoa xếp rối, có loại cánh hoa như bị xé nhỏ ra, có loại cánh đơn, cánh kép... Khi ngắm cánh đồng hoa thược dược đúng độ bừng khoe sắc, ta sẽ cảm nhận rõ năng lượng tốt lành dâng tràn hiện hữu.


    Người Hà Nội ăn Tết phương xa thường luyến nhớ những điều thật giản đơn. Có một năm, tôi đi công tác dịp cận Tết, suốt cả chuyến bay, tôi nâng niu bó hoa thược dược và violet làm quà cho người bạn quê gốc Hà Nội, giờ sinh sống trong Nam. Và...bạn tôi vỡ òa hạnh phúc, reo lên đầy vui sướng khi đón nhận bó hoa. Tôi rưng rưng theo lời bạn thốt lên: “Ôi, tôi cảm thấy bạn mang Tết Hà Nội vào đây rồi...”.


    Xuân đến, chầm chậm dạo qua những cánh đồng hoa của đất kinh kỳ, trong muôn hồng ngàn tía, tôi vẫn nhận ra những luống hoa thược dược thắm sắc rực rỡ trong làn mưa bụi. Hoa thược dược không chỉ đẹp trong mắt tôi mà còn để lại dấu ấn trong ký ức của những người đã từng sống ở Hà Nội. Chiều nay, tôi cắm cho mình một bình hoa thược dược và thầm nhớ về những lời nhắn gửi của bạn bè gần xa: “Thấy hoa thược dược là thấy Tết”.


    Bài Vy Anh

    Thược dược gọi Tết
    Thược dược gọi Tết
    Thược dược gọi Tết
    Thược dược gọi Tết
  8. Tôi nhớ Tết của những ngày xưa, xưa ấy!


    Kí ức tôi, vẫn nguyên vẹn những cái Tết nghèo mà đầm ấm, mộc mạc mà thân thương. Có lẽ vì nghèo, vì thiếu thốn mà con người ta dùng tình yêu thương để lấp đầy những khoảng trống đó, để quên đi nỗi lo cơm áo, để vui vầy sum họp gia đình những ngày đầu năm thật ấm cúng, an vui.


    Tôi nhớ những ngày giáp Tết, mẹ cắt lá dong dặn chị em tôi ở nhà rửa cho thật sạch. Bố và anh quét lại vôi cho căn nhà ngói năm gian cũ kĩ. Hồi ấy tôi còn nghĩ, cái nhà nó cũng sướng y như chị em tôi, mỗi năm thay áo mới một lần. Mẹ phì cười khi tôi so sánh vậy. Mẹ bảo, bao giờ khá giả, mẹ sẽ may nhiều quần áo mới cho ba chị em chứ không phải chỉ chờ đến Tết.


    Tôi yêu những khoảnh khắc cả nhà ngồi làm bánh chưng cùng nhau. Bố dặn mấy đứa ngồi nhìn mẹ làm mà học, mai kia lớn còn làm thay cho mẹ. Tôi lăng xăng nắm từng nắm đỗ nhỏ mẹ đã đồ chín để làm nhân bánh. Hăng hái lắm, phần vì cảm thấy mình được việc, phần vì kiểu gì mẹ cũng sẽ cho tôi nếm thử một hai nắm. Mẹ biết tôi thích thứ đỗ bở tung ấy, nên năm nào mẹ cũng chuẩn bị dư ra nhiều hơn số cần dùng.


    Tôi thèm quay trở lại những ngày hì hụi cùng anh trai làm pháo. Những quả pháo được làm từ giấy vở, từ những quyển sách cũ, cùng với bột thuốc súng. Những bánh pháo dài thật dài, những quả pháo cối to thật to. Anh bảo, pháo nhà mình phải nổ to nhất, phải dài nhất mới oách. Và để thử xem quả pháo cối anh làm nổ có to hết cỡ không, hai anh em bàn nhau sang bếp nhà bác hàng xóm, đặt nó vào cạnh cái bếp tro, dòng dây và châm ngòi. Pháo nổ, nổ to lắm. Tro trong bếp bay tứ tung, mịt mù khắp cái bếp, phủ kín cả những vung nồi cám lợn nhà bác. Lần đầu tôi được nghe tiếng pháo to như thế, và cũng là lần đầu mẹ tặng anh em tôi một trận roi đau đến như thế. Giao thừa năm ấy, đúng là pháo nhà tôi nổ rền nhất xóm. Tiếng pháo ròn rã như tiếng cười hào hứng cùng niềm hân hoan của hai anh em tôi.


    Tôi thích những phút giây ngồi quanh nồi bánh chưng đỏ rực lửa. Bố lấy cây bời những cục than hồng, đem nhúng vào nước lạnh để hôm sau lấy than nướng thịt. Mẹ lại kể chuyện ngày xưa, cái ngày xưa của mẹ, nghèo khổ hơn chúng tôi gấp vạn lần. Thời của tôi, Tết được ăn thịt thỏa thích, nhưng cái Tết của mẹ có cơm trắng mà ăn đã là no đủ lắm rồi. Mẹ kể, ông ngoại ăn lợn đậu tận làng bên, có đến hơn chục nhà ăn chung con lợn. Ông sai cậu sang chờ rồi nhận phần nhà mình. Cậu đi bộ men theo bờ ruộng, bước thấp bước cao. Khi thì vấp ngã khi thì loạng choạng. Miếng lòng dồi luộc lên thơm quá, con đói và sự thèm thuồng không thể kiềm chế nổi một đứa trẻ quanh năm chưa có miếng nào ngon. Cậu cứ thế xơi hết chỗ phần đó. Mà gọi là phần, chứ thực ra có được mấy miếng. Về được tới nhà, trên tay cậu chỉ còn vài miếng thịt sống được xâu vào lạt, lụn vụn và dính đầy bụi với sạn. Mẹ cứ kể đi kể lại những câu chuyện đó, và mỗi lần kể nước mắt vẫn cứ rưng rưng. Chị em tôi cũng nghe đi nghe lại, không thấy nhàm mà chỉ thấy thương cái tuổi thơ đói khổ của mẹ mà thôi.


    Tôi luôn khát khao những bữa cơm đoàn viên, có bố mẹ có anh chị. Không phải vì đồ ăn ngon, mà những ngày như thế tôi thấy bố hiền lắm, không còn lạnh lùng ít nói như ngày thường. Bố nói về một năm đã qua của cả nhà, bố nhận xét từng đứa con một, cái gì được cái gì chưa được. Bố dặn chị em tôi phải biết quan tâm hơn tới mẹ. Không quát mắng, không cau có, không nguyên tắc, chỉ có sự đầm ấm đầy yêu thương.


    Những kỉ niệm, những hình ảnh về những cái Tết của tuổi thơ vẫn luôn hằn sâu trong kí ức tôi. Không ai muốn quay trở lại một ngày xưa đói khổ lam lũ, mà con người ta, giữa cái dòng đời hối hả này, chỉ khát thèm cái cảm giác ấm áp chân thành của lòng người những ngày xa xưa ấy.


    Hạnh Nguyễn

    Kí ức Tết xưa
    Kí ức Tết xưa
    Kí ức Tết xưa
    Kí ức Tết xưa
  9. Nhiều gia đình trẻ hiện nay có xu hướng đi du lịch vào dịp Tết nguyên đán. Bạn bè tôi cũng không ít người sục sạo săn vé, đặt tour, book phòng để chuẩn bị cho hành trình trải nghiệm Tết ở những miền đất khác. Đó là cách nói mĩ miều. Đơn giản hơn người ta gọi là “trốn Tết”. Họ trốn Tết vì nhiều lẽ. Trong đó, không ít người cho rằng: Tết càng ngày càng nhạt, không còn nhiều niềm vui như Tết xưa. Có câu: “vui như Tết”, đã Tết là phải vui, phải được vui. Vậy thì ở đâu có niềm vui, có lẽ, ở đó là Tết. Du lịch mùa xuân cũng là một cách thưởng thức Tết theo lối hiện đại.


    Chúng tôi cũng là những người trẻ. Vì lập nghiệp xa quê hương nên Tết là dịp thuận lợi và ý nghĩa nhất trong năm để trở về. Bạn tôi đã có lần tính toán giữa một chuyến du lịch Tết với chi phí về quê và khẳng định: ki cóp quanh năm đôi khi không đủ cho mấy ngày Tết quê trong khi đi du lịch đỡ tốn kém hơn nhiều. Tiền có thể tính, có thể so. Nhưng nhiều thứ giá trị khác làm sao đo đếm được mà biết hơn – thua. Rõ ràng, Tết nay không thể giống như Tết xưa. Tết của thời buổi đất nước hiện đại hóa phải khác với Tết của những năm tháng cơ cực. Tết của người trưởng thành làm sao giống Tết của trẻ thơ … Đã có người tiếc nhớ ngẩn ngơ: cứ thế này rồi Tết cổ truyền cũng mất. Đã có người đề nghị: bỏ Tết cổ truyền để chuyển sang Tết tây cho đúng tinh thần toàn cầu hóa… Những điều ấy không phải là không có lí do.


    Tôi không nhớ mình đã đọc ở đâu một câu nói của nhà thơ, đại ý là: bớt kêu ca và quay quắt đòi hỏi mọi thứ phải theo ý mình. Muốn tìm gì, hãy nhìn từ bên trong trước đã. Theo lẽ đó, mỗi chúng ta cũng nên tìm Tết ở trong mình. Cuộc sống thay đổi từng ngày từng giờ nhưng có những giá trị chạm khảm vào tiềm thức không thể lu mờ. Bữa cơm đoàn viên chiều ba mươi ấm cúng trong mùi nhang Tết ngọt nồng quyện gió se; tiếng nói cười rộn rã chúc nhau những điều tốt đẹp; phút rộng mở xí xóa những tị hiềm để bắt tay hòa ái; khoảnh khắc nhìn cánh hoa thanh tân mà rạo rực hi vọng… Những điều ấy không phải là thói quen. Nó luôn là sự tươi mới trong thân thuộc, là nét văn hóa được gìn giữ giữa biến thiên cuộc sống.
    Ngày đi học, đọc Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ, tôi đã thích thú vô cùng màu Tết vừa cổ điển, vừa tưng bừng; rất đậm đà mà lại tươi mát. Khi có dịp tìm hiểu về Tết trong những sáng tác của Vũ Bằng lại thấy nó hết sức trang nhã và quá đỗi phong tình. Rồi nhiều, nhiều màu Tết sống động khác được ghi bằng tất cả tình yêu, sự thiết tha, nồng nhiệt trong huyết quản của người cầm bút. Và hẳn mỗi chúng ta, ai cũng có những tư vị Tết rất Việt Nam. Đọc Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính không khó để nhận ra được cái nhìn mới mẻ về Tết cổ truyền ở thời điểm đầu thế kỉ XX. Những phong tục, thủ tục, quan niệm ngày Tết xưa đến nay đã khác nhiều song cái cốt lõi là tinh thần Tết thì chưa bao giờ nhạt. Còn biết đến cội nguồn, còn thiết tha được sống, được đón nhận những khởi đầu thì lo gì mất Tết.


    Những đứa trẻ của chúng tôi vẫn cứ chờ đợi dịp cuối năm thế này. Chúng rất thích được đi tàu hỏa về quê. Những chuyến tàu Tết rộn ràng. Những sân ga huyên náo, chật chội bày biện đủ thứ hàng hóa. Những hành khách vừa tất bật vừa hồ hởi. Những suối sông, đồi núi bừng thức sau đông dài. Đến đâu, cũng có những phong vị rất riêng, lạ mà quen của Tết. Qua mỗi điểm dừng, chúng tôi cùng nhau đếm các ga còn lại. Hành trình nào có dài như người ta ái ngại. Những cuộc gọi gần ngày về của ba mẹ tôi bao giờ cũng là lời căn dặn tỉ mỉ việc đi đứng cho dù các con đã trưởng thành. Có lẽ ông bà đếm từng ngày để gặp con cháu. Tôi tự hỏi, với những người già như ba mẹ, tìm Tết ở đâu để “vui như Tết”? Có phải họ tìm Tết nơi những người trẻ mà họ trông ngóng với tất cả yêu thương.

    Tôi gặp lại những dòng này khi dọn máy tính sau một năm sấp ngửa làm việc online. Trùng hợp thay, nó xuất hiện vào thời điểm Tết nguyên đán cận kề. Một năm bất ổn, một năm đau thương khép lại. Những biến động dữ dội của cuộc sống đã dạy ta bài học quý giá về sự thích ứng, cho ta thấm thía hạnh phúc từ những điều giản dị, bình thường. Đã không ít chuyện xưa nay vẫn nghĩ là bình thường lại trở nên khó thế. Tết này, sẽ là Tết đầu tiên chúng tôi không được sum vầy bên ba mẹ. Có những nghẹn ngào cố giấu khi ai đó hỏi: “Tết, có về quê không?”. Sao câu trả lời nào cũng thấy lần khần, day dứt với chính mình quá. Ba mẹ đã khéo chặn từ trước: “Đừng về! Một năm không về cũng không sao.”; “Đừng về! Nguy hiểm, phiền phức lắm đó con!”…Sau những mệnh lệnh quyết liệt ấy, là rất nhiều nhớ thương, mong mỏi phải đè nén. Tôi thường lái câu chuyện sang hướng khác, nói mấy điều vui vẻ, lạc quan, vu vơ để tránh những run rẩy lòng mình. Trong muôn trùng kí ức, hình ảnh những cuộn khói cố bay lên giữa lất phất mưa phùn những ngày Chạp cuối, những mẻ mứt gừng ngọt ngào, nồng nàn mẹ đảo liên tục trên chảo gang, nồi lá xông tẩy uế nghi ngút chiều ba mươi... trở về nức nở. Cuối ngày, ba thường ngồi ở hiên nhà, duỗi một chân xuống tam cấp, pha ấm trà, lặng lẽ với chiếc bóng đổ dài nhìn ra đường xóm. Mẹ thì bận bịu sửa soạn bếp núc, quên cái này nớ cái kia, loay xoay một lúc rồi ngẩn ngơ nhận ra: tết này, thiếu thật! Tôi đã nhiều lần hình dung cảnh ấy khi cân nhắc chuyện về Tết. Vì thế nên quyết định ở lại rồi mà lòng vẫn dùng dằng, chới với. Giữa những bủa xua tin tức dịch bệnh, nhìn lại tháng năm qua, tôi hiểu rằng, hạnh phúc lớn lao nhất của chúng tôi đến thời điểm này là sự bình an của tất cả người thân. Cũng có nghĩa là chúng tôi còn cơ hội để quây quần, cơ hội để tìm lại những điều mình đã lỡ nhịp, cơ hội để được bắt đầu. Suy nghĩ ấy nhen lên niềm hân hoan bé nhỏ. Chúng tôi sẽ cùng nhau đợi Tết, đón Tết, cảm nhận điều thiêng liêng của Tết ở trong tim mình...


    Hoàng Đào Ngọc Trinh

    Tìm Tết ở trong mình
    Tìm Tết ở trong mình
    Tìm Tết ở trong mình
    Tìm Tết ở trong mình
  10. Những ngày giáp Tết ở quê tôi thường có mưa bụi kèm theo không khí lạnh. Những hạt mưa phùn lạnh giá đọng lên những ngọn cỏ thành những hạt li ti long lanh, lâu lâu tích tụ lại thành những hạt nước lớn rơi trên những cành lá chuối nghe lộp bộp ở sau vườn nhà. Những hạt mưa bụi bay lơ lửng theo những làn gió nhẹ bám vào tóc, vào quần áo, lên má người đi sắm Tết khiến người ta vội đi nhanh hơn trong màn mưa vì ngại ướt quần áo, người bị ngấm lạnh. Đang những ngày cuối đông khắc nghiệt nhưng cây cối dường như vẫn tràn đầy sức sống, tốt tươi hơn để chuẩn bị đón chào một mùa xuân mới.


    Tôi yêu không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết ở vùng nông thôn quê tôi. Chợ huyện là trung tâm mua sắm lớn nhất nên những ngày giáp Tết thường đông vui lắm. Từ sáng sớm, mọi người từ khắp nơi, nườm nượp đi chợ qua nhà tôi, nói cười vui vẻ, bàn luận đủ thứ chuyện trên đời. Ở chợ, người ta bán đủ thứ, từ hoa giấy, tranh tết đến thịt cá, rau quả đáp ứng nhu cầu người đi chợ mua sắm.


    Tết càng cận kề thì không khí Tết càng hối hả, thúc giục người ta chuẩn bị đón Tết. Những con đường từ khắp nơi đều đổ về trung tâm của huyện. Đông nhất là chợ huyện - nơi các bà, các mẹ, các chị đi mua sắm, mời nhau mua hàng, trả giá râm ran. Chợ mở cửa từ sáng sớm cho đến chiều tối muộn mới hết người mua sắm.


    Trên gánh hàng của những người đi chợ bán là những thứ hàng ở nhà trồng được, nuôi được mang đi bán như gà, vịt, rau quả, ... để mua về những thứ cần thiết cho cái Tết của cả nhà, tùy vào điều kiện kinh tế gia đình.


    Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng trong gánh hàng sắm Tết nặng trĩu lo toan của những người vợ, người mẹ tần tảo, đảm đang thời đó bao giờ cũng có mớ lá dong rừng để gói bánh Chưng, thịt lợn, đỗ xanh, mũ Ông Táo, những bó hoa bằng giấy nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng để thờ tổ tiên và những tờ tranh dân hay những câu đối rất ý nghĩa để treo trong nhà trong những ngày Tết, với mong muốn mang đến những điều may mắn, tốt đẹp cho gia chủ. Nếu còn dư giả hoặc đã dành dụm từ trước, người ta mới nghĩ đến chuyện mua quần áo mới cho lũ trẻ. Ở vùng thôn quê thì không phải đứa trẻ nào cũng có quần áo mới để đón Tết vì cha mẹ nghèo quá.


    Tôi nghe thấy, đâu đó có tiếng lợn kêu eng éc, đó là những nhà chung nhau làm thịt một con lợn để ăn Tết. Quanh làng, chỗ nào cũng có thể nghe thấy tiếng người nói lao xao, tiếng nước đổ xì xụp của gầu tát nước hay tiếng máy bơm nước xình xịch ầm ĩ, đó là khi người ta tát ao để lấy cá ăn Tết. Lũ trẻ con thôn quê chúng tôi hết xem người ta làm thịt lợn lại chạy ra xem tát ao, bắt cá. Mặc cho giá lạnh mùa đông miền Bắc những ngày cuối năm, nhiều đứa vẫn quần đùi áo cộc, lội ào xuống ao để "hôi" những con cá còn sót lại sau khi chủ nhà đã bắt cá xong. Có khi chỉ bắt được vài con cá nhỏ còn sót lại nhưng những khuôn mặt đính bùn và đôi môi tím ngắt vì lạnh vẫn ngời lên niềm vui sướng của trẻ thơ.


    Tết đang đến gần với nhịp điệu càng tăng lên theo bước chân người đi hối hả, ngược xuôi trên đường. Những con đường làng cũng được quét dọn sạch sẽ. Người ta quét vôi những bức tường, cái cổng, dọn dẹp nhà cửa, trồng cây nêu, vẽ cung bằng vôi trắng trên sân để đuổi ma quỷ, lau chùi đồ thờ cúng, dọn dẹp bàn thờ cho gọn gàng.


    Ai cũng có thể cảm nhận rõ rệt một cái Tết đang đến gần, không những bằng quang cảnh thôn quê sạch đep như vừa được khoác lên một chiếc áo mới, không những bằng những âm thanh quen thuộc của bước chân mọi người đang chuẩn bị Tết vui tươi nhưng vội vã mà còn là mùi vị, khiến ta ứa nước miếng của những món ăn thơm lừng bốc lên từ mái bếp, đang tỏa khói lam chiều của nhà ai đó, đang nấu bữa ăn ngày giáp Tết.


    Tết còn là một dịp để sum họp với người thân. Lác đác đã có những người đi làm xa trở về quê hương sau những tháng ngày ly hương đầy vất vả và khó nhọc lao động kiếm sống nơi đất khách quê người. Thật vui lây với tiếng chào hỏi những người trở về, râm ran từ đầu đến cuối thôn.


    Không phải người xa quê nào cũng có điều kiện để về quê ăn Tết. Vì rất nhiều lý do khác nhau mà nhiều người phải ngậm ngùi chịu cảnh Tết tha hương. Có những người con Tết không về với mẹ lại xót xa khi tưởng tượng ra hình ảnh mẹ quê đang mỏi mòn chờ con. Đau xót biết bao nhiêu khi mà sau nhiều năm xa quê, người con đã trở về với mẹ khi Tết đến, Xuân về thì đã quá muộn, chỉ còn thắp hương thổn thức khóc mẹ mà thôi!


    … Tết năm ấy, mẹ tôi vui lắm vì anh trai tôi mấy năm đi biền biệt, cuối cùng cũng trở về ăn Tết với gia đình tôi. Người đi xa mấy ai hiểu hết được nỗi nhớ thương của những người mẹ, người cha thầm mong Tết con về nhà để trọn vẹn một mùa xuân ấm áp tình thân của gia đình.


    Mùa Xuân dường như đang tràn ngập mọi nơi, len lỏi đến từng ngõ xóm, đến với những lũy tre, con đường, bờ ao, góc sân, những mái tranh nghèo của miền thôn quê yêu dấu - nơi mà tôi đang sống những năm tháng đầy kỷ niệm ngọt ngào của tuổi ấu thơ.


    Một trong những công việc mà hầu như nhà nào cũng phải làm để đón Tết là gói và nấu bánh chưng. Công việc chuẩn bị cũng khá nhiều công đoạn gồm: đi mua lá dong và chuẩn bị lá chuối, mua gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, lạt buộc, củi và nồi nấu bánh. Gạo nếp và đỗ xanh phải ngâm nước trước nhiều tiếng và đổ ra cho ráo nước, lá dong và lá chuối phải rửa sạch, phơi khô. Có nơi người ta dùng khuôn lá dừa hoặc khuôn gỗ khi gói cho vuông vức bánh chưng.


    Người dân quê tôi thường trải chiếu lên hè hoặc ngoài sân để gói bánh và luộc bánh ngoài sân cho rộng rãi. Những người đi xa không quên được cảnh nhà nào cũng quây quần gói bánh chưng nhộn nhịp, vui tươi trong những ngày giáp Tết.


    Chiều 30 Tết, có những năm nhà tôi nấu bánh chưng, thường do chú rể tôi xuống gói giúp. Có năm, bận đi làm, bố mẹ tôi gửi gạo nếp, thịt và đỗ xanh nhờ chú tôi gói và luộc giúp luôn. Tôi lại thích thú được đạp xe lên nhà cô tôi để chở bánh chưng về nhà. Ngon nhất và háo hức nhất là lúc nếm miếng bánh chưng vừa luộc xong. Hương vị thơm ngon đó chỉ một năm mới gặp một lần, mãi mãi tôi không thể quên được.


    Những năm bố mẹ tôi gói và luộc bánh chưng tại nhà, tôi náo nức đứng xem chú rể tôi và bố tôi gói bánh chưng và chờ đợi lúc bố tôi bắc bếp ra giữa sân để luộc bánh chưng. Đêm 30 Tết tôi thức thâu đêm, ngồi bên bếp lửa bập bùng, nghe tiếng bánh chưng sôi sùng sục trong nồi và chờ đợi 10 đến 12 tiếng đồng hồ đến khi bánh chưng chín. Thời đó người ta thường gói bánh chưng vào buổi sáng ngày 30 Tết và chiều mới bắt đầu luộc bánh chưng và gần đến 12 giờ đêm là bánh chưng chín để bầy lên bàn thờ để thắp hương cúng giao thừa.


    Những năm ấu thơ của tôi, không có tivi hay máy thu thanh để nghe tin tức, ca nhạc và tiếng Chủ tịch nước chúc Tết qua loa truyền thanh công cộng. Mọi người chỉ xem giờ để chờ đợi thời khắc thiêng liêng, trời đất giao hòa, kết thúc năm cũ và bắt đầu một năm mới, chứa chan hy vọng về cuộc sống càng ngày càng tốt đẹp hơn. Sau này, bố mẹ tôi dành dụm mãi mới mua được một chiếc ra - đi - ô cũ hiệu Sanyo của người họ hàng mang từ miền Nam ra sau giải phóng 1975. Từ đó, tôi mới được nghe những chương trình yêu thích như "Tiếng Thơ", "Câu chuyện cảnh giác", "Dân ca và nhạc cổ truyền" và tiếng chúc Tết của Chủ tịch nước đúng vào đêm Giao thừa. Sau giao thừa, chúng tôi đi ngủ để sáng Mùng Một chúng tôi dậy sớm, mặc bộ quần áo mới, nhận tiền mừng tuổi và chạy ngay đi chơi với lũ bạn cùng xóm.


    Tết là của ai? Có lẽ không phải Tết là của người lớn vì bố mẹ chúng tôi phải vất vả, lo toan để lo Tết cho gia đình. Bọn trẻ chúng tôi đâu có cảm nhận được sự lo toan vất vả của người lớn để cố gắng lo cho cả gia đình một cái Tết, tuy chưa thể đủ đầy nhưng phải ấm áp tình thân. Tết thực sự là của trẻ con và trẻ con mong chờ nhất vì Tết chúng tôi được nghỉ học mấy ngày, vui chơi thỏa thích, được khoe quần áo mới, nhận mừng tuổi, ăn những món ngon mà chỉ có lễ tết mới được ăn mà thôi.


    Còn ai mong chờ Tết? Tết, đối với người lớn, chỉ là một cái mốc thời gian cho những dự định, lời hứa nào đó. Người ta thường nói "Hẹn đến Tết nhé!" vì Tết là cái điểm hẹn thời gian để mua sắm một đồ vật phải dành tiền cả năm mới đủ, làm việc gì đó hay thậm chí để trả nợ vì không ai muốn năm mới vẫn còn nợ người ta.


    Khi mẹ còn trên cõi đời, nhiều người cảm thấy hạnh phúc khi được về bên mẹ trong những ngày Tết. Nhiều người xót xa, nuối tiếc những Tết xưa, lúc còn được ở bên mẹ trong giây phút chuyển giao năm cũ và năm mới.


    Cuộc sống chúng ta luôn luôn chuyển động và biến đổi không ngừng. Tết bây giờ khác xưa nhiều lắm! Âu đó cũng là quy luật khó cưỡng lại của cuộc sống. Bây giờ Tết người ta mua sắm, đặt mua trên mạng mọi thứ hàng hóa và dịch vụ phục vụ Tết cho nhanh và tiết kiệm thời gian và công sức. Nhiều người lựa chọn đi du lịch vào dịp Tết thay cho sum họp gia đình. Người ta không còn muốn “ăn Tết” mà thích “chơi Tết”. Tết bây giờ đủ đầy hơn nhưng vẫn thiếu đi những hương vị thực sự của Tết cổ truyền xưa.


    Mỗi năm về quê ăn Tết, nhìn lại cảnh xưa đã đổi khác nhiều khi sắp đến Tết, tôi lại thấy cay cay nơi khóe mắt khi chợt nhớ về hình ảnh của những người thân đã khuất, nhớ về những cái Tết của ngày xưa thơ bé, đầy đủ những người thân, ấm áp, quây quần và tràn ngập tình thương gia đình. Tôi nhớ mùi khói bếp nấu bánh chưng, nhớ mùi dưa hành phơi nắng, nhớ cảnh cả nhà quây quần bên mâm cỗ tất niên, nhớ khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng bên người thân. Tất cả vẫn mãi trong tâm trí tôi những kỷ niệm về những cái Tết xưa! Nhớ đến nao lòng!


    Tản văn: Trần Trung

    Tết trong tôi là...
    Tết trong tôi là...
    Tết trong tôi là...
    Tết trong tôi là...



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy