Phong vị tết Hà Thành

Khi hương xuân chạm ngõ, cánh gió nao nao trong làn mưa bụi lất phất bay, những ký ức thấm đẫm hương vị Tết xưa lại chầm chậm quay về trong tâm trí tôi. Với tôi, một đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong thời bao cấp, Tết Hà thành luôn có phong vị riêng, để lại dấu ấn sâu đậm khó phai.


Cứ độ sau rằm tháng Chạp, mẹ của tôi đã bắt đầu rậm rịch, lo toan chuẩn bị dần cho Tết. Khi nhớ về Tết thời bao cấp, tôi luôn ấn tượng với các gian hàng bách hóa lấp lánh đèn hoa bán túi quà Tết theo tiêu chuẩn. Mẹ tôi thường đi xếp hàng từ sáng sớm để mua túi quà Tết. Chiều muộn, khi mẹ trở về, anh em tôi sán vào, ngắm nghía từng món đồ mẹ dỡ ra. Này là hộp mứt Tết màu đỏ vẽ hình hoa đào, này là vài gói kẹo mềm, chai rượu cam hoặc chanh, gói thuốc lá Thủ đô bao bạc. Ngoài ra, còn có đầy đủ miến, bóng bì, hạt tiêu, mì chính... Chao ơi, chỉ một túi hàng mẹ mua theo tiêu chuẩn, mà sao tôi đã thấy Tết đang hiện hữu trong nhà.


Tôi còn nhớ, mỗi khi giáp Tết, các chị thanh nữ thường rủ nhau mua khế, cà chua, mận, táo, gừng, cà rốt về làm mứt. Đây cũng là dịp để các chị thể hiện tài nữ công gia chánh. Các chị tỉ mẩn chế biến theo những công thức riêng để có những món mứt hương vị dịu dàng, chua ngọt mời khách ngày Tết. Có những buổi tối, ở sân khu tập thể nhà tôi, các chị cùng “sên” mứt, lũ trẻ chúng tôi sán vào xem. Thi thoảng lại được các chị cho “nếm”, mỗi loại một vị thật là vui.


Tết Hà thành trong ký ức của tôi còn in dấu những chuyến tàu điện ngày cuối năm. Gần Tết nên chuyến tàu nào cũng chật như nêm. Mọi người hối hả mang hàng hóa đến chợ bán cho kịp trước Tết. Người đi chợ cũng náo nức mua sắm. Có khoảng thời gian xa nhà, giấc mơ tôi vẫn còn vọng tiếng “leng keng” của những chuyến tàu điện sớm lướt qua trên phố.


Hăm ba tháng Chạp, các nhà náo nức cúng ông Công ông Táo. Tôi vẫn nhớ cảm giác thích thú khi được ngồi sau xe đạp của anh trai chiều cuối năm lên hồ Tây thả cá chép, tiễn ông Công ông Táo về trời. Anh trai tôi đỗ xe sát mép hồ rồi khẽ khàng đổ cá xuống hồ. Chúng tôi thường đứng dõi theo những chú cá chép vàng ẩn hiện nương theo sóng hồ Tây bơi xa mãi trong chiều cuối năm.


Cận Tết, khu chợ hoa cũ đất Hà thành trên mạn phố cổ bắt đầu họp. Các cành đào bích, đào phai đất Nhật Tân, Nghi Tàm ngậm nụ chúm chím trong mưa xuân, quất Tứ Liên căng mọng chín vàng khoe sắc trên phố Hàng Lược. Phố Hàng Khoai thường bán các loại hoa cổ truyền như violet, lay ơn, thược dược... Phố Hàng Mã bán hoa giấy, đèn lồng, bóng bay và các thứ trang hoàng nhà cửa ngày Tết. Quá bộ ra phố Hàng Rươi, ta sẽ bắt gặp các hàng bán đồ thờ cũ, đồ đồng được bày bán ngay trên vỉa hè. Những người lớn tuổi rảnh rang thường dạo bước ra ngã năm Cống Chéo ngắm nghía, chọn mua các loại sành sứ, tiểu cảnh, non bộ mang về trang trí nhà.


Trong chuỗi ngày chuẩn bị Tết, việc gói bánh chưng luôn khiến mọi người háo hức hơn cả. Các bà các mẹ rủ nhau rửa lá dong, đãi đỗ, vo gạo ở máy nước công cộng. Những bàn tay cóng đỏ trong giá lạnh nhưng mọi người vẫn trò chuyện thật rôm rả. Tối đến, bố tôi ngồi tỉ mẩn tước lá, chẻ lạt trong khi mẹ đồ đỗ xanh, ướp thịt gói bánh. Mùi hạt tiêu, nước mắm ngon ướp với thịt ba chỉ thơm nức. Bố tôi gói bánh nhanh và chắc tay, chỉ một loáng đã xong. Bánh gói xong được xếp vào nồi to và bắc lên bếp đun. Nồi bánh chưng sôi “lịch sịch... lịch sịch” phả hương thơm của gạo nếp, lá dong ra không gian xunh quanh. Các bà các mẹ thường “dúi” vào bếp than ít khoai sắn cho trẻ con nhấm nháp. Đêm luộc bánh chưng, cả khu tập thể vui rộn ràng. Niềm vui theo vào cả trong giấc mơ của những đứa trẻ như tôi.


Sáng ba mươi tháng Chạp, khi việc dọn dẹp nhà cửa đã hoàn tất, tôi thường được mẹ cho đi chợ hoa. Dạo một vòng, mẹ tôi chọn cành đào phai cánh kép. Cành đào tuyệt đẹp với hoa và nụ san sát kề bên nhau, e ấp khắp các cành chi, cành tăm. Sau đó, mẹ tôi thong thả chọn mua các loại hoa cổ truyền như: Violet tím nhạt mảnh mai, thược dược rực rỡ, đồng tiền bông đơn đỏ tươi, bông kép hồng nhạt, lay-ơn cứng cáp, hoa bướm dịu dàng. Những đóa hoa được mẹ cắm bên nhau như khu vườn xuân khoe sắc trong phòng khách. Với người Hà thành, thấy bình hoa cổ truyền là thấy Tết, thấy xuân.


Chiều tất niên, các gia đình chuẩn bị mâm cỗ dâng gia tiên với những món ăn được chế biến cầu kỳ, tinh tế. Cách thức bày biện mâm cỗ thể hiện tài vén khéo của người phụ nữ trong gia đình. Bánh chưng xanh mướt bên xôi gấc đỏ tươi, gà luộc ánh mỡ vàng óng, canh măng khô nấu chân giò, nem rán giòn, giò chả cắt “quả trám”, dưa hành, xào thập cẩm đa sắc màu, canh bóng nấu thả độc đáo... Tất cả nhẹ đưa hương thơm ngon, thanh khiết. Mâm cỗ Tết không chỉ hấp dẫn về hương vị mà còn trở thành nét văn hóa độc đáo, thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu dâng lên ông bà tổ tiên.


Sau bữa cơm tất niên, mẹ tôi lại tất tả làm gà, đồ xôi, nấu chè cho mâm cúng giao thừa. Hình ảnh bố thành kính lễ quan Tân niên giờ phút giao thừa luôn in sâu trong tâm trí của tôi. Dường như, khoảnh khắc đó, bao điều hy vọng tốt đẹp trong năm mới được ông gửi gắm vào lời khấn nguyện.


Sáng mồng một hay còn gọi là ngày “Chính đán”, anh em tôi súng xính trong quần áo mới, được ông bà, bố mẹ mừng tuổi. Cho đến sau này, tôi vẫn mãi nhớ niềm hân hoan khi được nhận những đồng tiền mừng tuổi mới tinh ngày đầu năm.


Năm tháng trôi, mỗi khi chạm Tết, tôi thao thiết nhớ hương nước mùi già mẹ nấu chiều cuối năm, nhớ hè phố nhuộm đầy xác pháo tươi hồng, nhớ hương trầm ngát thơm quyện cùng khói pháo thơm nồng và hương các loài hoa lan tỏa dịu dàng trong gió xuân… Phong vị Tết Hà thành mãi neo trong miền ký ức của tôi bình yên mà sâu sắc, thân thương đến lạ.


Vy Anh

Phong vị tết Hà Thành
Phong vị tết Hà Thành
Phong vị tết Hà Thành
Phong vị tết Hà Thành

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy