Tết trong tôi là...
Những ngày giáp Tết ở quê tôi thường có mưa bụi kèm theo không khí lạnh. Những hạt mưa phùn lạnh giá đọng lên những ngọn cỏ thành những hạt li ti long lanh, lâu lâu tích tụ lại thành những hạt nước lớn rơi trên những cành lá chuối nghe lộp bộp ở sau vườn nhà. Những hạt mưa bụi bay lơ lửng theo những làn gió nhẹ bám vào tóc, vào quần áo, lên má người đi sắm Tết khiến người ta vội đi nhanh hơn trong màn mưa vì ngại ướt quần áo, người bị ngấm lạnh. Đang những ngày cuối đông khắc nghiệt nhưng cây cối dường như vẫn tràn đầy sức sống, tốt tươi hơn để chuẩn bị đón chào một mùa xuân mới.
Tôi yêu không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết ở vùng nông thôn quê tôi. Chợ huyện là trung tâm mua sắm lớn nhất nên những ngày giáp Tết thường đông vui lắm. Từ sáng sớm, mọi người từ khắp nơi, nườm nượp đi chợ qua nhà tôi, nói cười vui vẻ, bàn luận đủ thứ chuyện trên đời. Ở chợ, người ta bán đủ thứ, từ hoa giấy, tranh tết đến thịt cá, rau quả đáp ứng nhu cầu người đi chợ mua sắm.
Tết càng cận kề thì không khí Tết càng hối hả, thúc giục người ta chuẩn bị đón Tết. Những con đường từ khắp nơi đều đổ về trung tâm của huyện. Đông nhất là chợ huyện - nơi các bà, các mẹ, các chị đi mua sắm, mời nhau mua hàng, trả giá râm ran. Chợ mở cửa từ sáng sớm cho đến chiều tối muộn mới hết người mua sắm.
Trên gánh hàng của những người đi chợ bán là những thứ hàng ở nhà trồng được, nuôi được mang đi bán như gà, vịt, rau quả, ... để mua về những thứ cần thiết cho cái Tết của cả nhà, tùy vào điều kiện kinh tế gia đình.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng trong gánh hàng sắm Tết nặng trĩu lo toan của những người vợ, người mẹ tần tảo, đảm đang thời đó bao giờ cũng có mớ lá dong rừng để gói bánh Chưng, thịt lợn, đỗ xanh, mũ Ông Táo, những bó hoa bằng giấy nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng để thờ tổ tiên và những tờ tranh dân hay những câu đối rất ý nghĩa để treo trong nhà trong những ngày Tết, với mong muốn mang đến những điều may mắn, tốt đẹp cho gia chủ. Nếu còn dư giả hoặc đã dành dụm từ trước, người ta mới nghĩ đến chuyện mua quần áo mới cho lũ trẻ. Ở vùng thôn quê thì không phải đứa trẻ nào cũng có quần áo mới để đón Tết vì cha mẹ nghèo quá.
Tôi nghe thấy, đâu đó có tiếng lợn kêu eng éc, đó là những nhà chung nhau làm thịt một con lợn để ăn Tết. Quanh làng, chỗ nào cũng có thể nghe thấy tiếng người nói lao xao, tiếng nước đổ xì xụp của gầu tát nước hay tiếng máy bơm nước xình xịch ầm ĩ, đó là khi người ta tát ao để lấy cá ăn Tết. Lũ trẻ con thôn quê chúng tôi hết xem người ta làm thịt lợn lại chạy ra xem tát ao, bắt cá. Mặc cho giá lạnh mùa đông miền Bắc những ngày cuối năm, nhiều đứa vẫn quần đùi áo cộc, lội ào xuống ao để "hôi" những con cá còn sót lại sau khi chủ nhà đã bắt cá xong. Có khi chỉ bắt được vài con cá nhỏ còn sót lại nhưng những khuôn mặt đính bùn và đôi môi tím ngắt vì lạnh vẫn ngời lên niềm vui sướng của trẻ thơ.
Tết đang đến gần với nhịp điệu càng tăng lên theo bước chân người đi hối hả, ngược xuôi trên đường. Những con đường làng cũng được quét dọn sạch sẽ. Người ta quét vôi những bức tường, cái cổng, dọn dẹp nhà cửa, trồng cây nêu, vẽ cung bằng vôi trắng trên sân để đuổi ma quỷ, lau chùi đồ thờ cúng, dọn dẹp bàn thờ cho gọn gàng.
Ai cũng có thể cảm nhận rõ rệt một cái Tết đang đến gần, không những bằng quang cảnh thôn quê sạch đep như vừa được khoác lên một chiếc áo mới, không những bằng những âm thanh quen thuộc của bước chân mọi người đang chuẩn bị Tết vui tươi nhưng vội vã mà còn là mùi vị, khiến ta ứa nước miếng của những món ăn thơm lừng bốc lên từ mái bếp, đang tỏa khói lam chiều của nhà ai đó, đang nấu bữa ăn ngày giáp Tết.
Tết còn là một dịp để sum họp với người thân. Lác đác đã có những người đi làm xa trở về quê hương sau những tháng ngày ly hương đầy vất vả và khó nhọc lao động kiếm sống nơi đất khách quê người. Thật vui lây với tiếng chào hỏi những người trở về, râm ran từ đầu đến cuối thôn.
Không phải người xa quê nào cũng có điều kiện để về quê ăn Tết. Vì rất nhiều lý do khác nhau mà nhiều người phải ngậm ngùi chịu cảnh Tết tha hương. Có những người con Tết không về với mẹ lại xót xa khi tưởng tượng ra hình ảnh mẹ quê đang mỏi mòn chờ con. Đau xót biết bao nhiêu khi mà sau nhiều năm xa quê, người con đã trở về với mẹ khi Tết đến, Xuân về thì đã quá muộn, chỉ còn thắp hương thổn thức khóc mẹ mà thôi!
… Tết năm ấy, mẹ tôi vui lắm vì anh trai tôi mấy năm đi biền biệt, cuối cùng cũng trở về ăn Tết với gia đình tôi. Người đi xa mấy ai hiểu hết được nỗi nhớ thương của những người mẹ, người cha thầm mong Tết con về nhà để trọn vẹn một mùa xuân ấm áp tình thân của gia đình.
Mùa Xuân dường như đang tràn ngập mọi nơi, len lỏi đến từng ngõ xóm, đến với những lũy tre, con đường, bờ ao, góc sân, những mái tranh nghèo của miền thôn quê yêu dấu - nơi mà tôi đang sống những năm tháng đầy kỷ niệm ngọt ngào của tuổi ấu thơ.
Một trong những công việc mà hầu như nhà nào cũng phải làm để đón Tết là gói và nấu bánh chưng. Công việc chuẩn bị cũng khá nhiều công đoạn gồm: đi mua lá dong và chuẩn bị lá chuối, mua gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, lạt buộc, củi và nồi nấu bánh. Gạo nếp và đỗ xanh phải ngâm nước trước nhiều tiếng và đổ ra cho ráo nước, lá dong và lá chuối phải rửa sạch, phơi khô. Có nơi người ta dùng khuôn lá dừa hoặc khuôn gỗ khi gói cho vuông vức bánh chưng.
Người dân quê tôi thường trải chiếu lên hè hoặc ngoài sân để gói bánh và luộc bánh ngoài sân cho rộng rãi. Những người đi xa không quên được cảnh nhà nào cũng quây quần gói bánh chưng nhộn nhịp, vui tươi trong những ngày giáp Tết.
Chiều 30 Tết, có những năm nhà tôi nấu bánh chưng, thường do chú rể tôi xuống gói giúp. Có năm, bận đi làm, bố mẹ tôi gửi gạo nếp, thịt và đỗ xanh nhờ chú tôi gói và luộc giúp luôn. Tôi lại thích thú được đạp xe lên nhà cô tôi để chở bánh chưng về nhà. Ngon nhất và háo hức nhất là lúc nếm miếng bánh chưng vừa luộc xong. Hương vị thơm ngon đó chỉ một năm mới gặp một lần, mãi mãi tôi không thể quên được.
Những năm bố mẹ tôi gói và luộc bánh chưng tại nhà, tôi náo nức đứng xem chú rể tôi và bố tôi gói bánh chưng và chờ đợi lúc bố tôi bắc bếp ra giữa sân để luộc bánh chưng. Đêm 30 Tết tôi thức thâu đêm, ngồi bên bếp lửa bập bùng, nghe tiếng bánh chưng sôi sùng sục trong nồi và chờ đợi 10 đến 12 tiếng đồng hồ đến khi bánh chưng chín. Thời đó người ta thường gói bánh chưng vào buổi sáng ngày 30 Tết và chiều mới bắt đầu luộc bánh chưng và gần đến 12 giờ đêm là bánh chưng chín để bầy lên bàn thờ để thắp hương cúng giao thừa.
Những năm ấu thơ của tôi, không có tivi hay máy thu thanh để nghe tin tức, ca nhạc và tiếng Chủ tịch nước chúc Tết qua loa truyền thanh công cộng. Mọi người chỉ xem giờ để chờ đợi thời khắc thiêng liêng, trời đất giao hòa, kết thúc năm cũ và bắt đầu một năm mới, chứa chan hy vọng về cuộc sống càng ngày càng tốt đẹp hơn. Sau này, bố mẹ tôi dành dụm mãi mới mua được một chiếc ra - đi - ô cũ hiệu Sanyo của người họ hàng mang từ miền Nam ra sau giải phóng 1975. Từ đó, tôi mới được nghe những chương trình yêu thích như "Tiếng Thơ", "Câu chuyện cảnh giác", "Dân ca và nhạc cổ truyền" và tiếng chúc Tết của Chủ tịch nước đúng vào đêm Giao thừa. Sau giao thừa, chúng tôi đi ngủ để sáng Mùng Một chúng tôi dậy sớm, mặc bộ quần áo mới, nhận tiền mừng tuổi và chạy ngay đi chơi với lũ bạn cùng xóm.
Tết là của ai? Có lẽ không phải Tết là của người lớn vì bố mẹ chúng tôi phải vất vả, lo toan để lo Tết cho gia đình. Bọn trẻ chúng tôi đâu có cảm nhận được sự lo toan vất vả của người lớn để cố gắng lo cho cả gia đình một cái Tết, tuy chưa thể đủ đầy nhưng phải ấm áp tình thân. Tết thực sự là của trẻ con và trẻ con mong chờ nhất vì Tết chúng tôi được nghỉ học mấy ngày, vui chơi thỏa thích, được khoe quần áo mới, nhận mừng tuổi, ăn những món ngon mà chỉ có lễ tết mới được ăn mà thôi.
Còn ai mong chờ Tết? Tết, đối với người lớn, chỉ là một cái mốc thời gian cho những dự định, lời hứa nào đó. Người ta thường nói "Hẹn đến Tết nhé!" vì Tết là cái điểm hẹn thời gian để mua sắm một đồ vật phải dành tiền cả năm mới đủ, làm việc gì đó hay thậm chí để trả nợ vì không ai muốn năm mới vẫn còn nợ người ta.
Khi mẹ còn trên cõi đời, nhiều người cảm thấy hạnh phúc khi được về bên mẹ trong những ngày Tết. Nhiều người xót xa, nuối tiếc những Tết xưa, lúc còn được ở bên mẹ trong giây phút chuyển giao năm cũ và năm mới.
Cuộc sống chúng ta luôn luôn chuyển động và biến đổi không ngừng. Tết bây giờ khác xưa nhiều lắm! Âu đó cũng là quy luật khó cưỡng lại của cuộc sống. Bây giờ Tết người ta mua sắm, đặt mua trên mạng mọi thứ hàng hóa và dịch vụ phục vụ Tết cho nhanh và tiết kiệm thời gian và công sức. Nhiều người lựa chọn đi du lịch vào dịp Tết thay cho sum họp gia đình. Người ta không còn muốn “ăn Tết” mà thích “chơi Tết”. Tết bây giờ đủ đầy hơn nhưng vẫn thiếu đi những hương vị thực sự của Tết cổ truyền xưa.
Mỗi năm về quê ăn Tết, nhìn lại cảnh xưa đã đổi khác nhiều khi sắp đến Tết, tôi lại thấy cay cay nơi khóe mắt khi chợt nhớ về hình ảnh của những người thân đã khuất, nhớ về những cái Tết của ngày xưa thơ bé, đầy đủ những người thân, ấm áp, quây quần và tràn ngập tình thương gia đình. Tôi nhớ mùi khói bếp nấu bánh chưng, nhớ mùi dưa hành phơi nắng, nhớ cảnh cả nhà quây quần bên mâm cỗ tất niên, nhớ khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng bên người thân. Tất cả vẫn mãi trong tâm trí tôi những kỷ niệm về những cái Tết xưa! Nhớ đến nao lòng!
Tản văn: Trần Trung