Top 10 Tản văn viết về cha hay nhất

Phương Kem 731 0 Báo lỗi

Tình cảm cha con thường được xem như là một trong những tình cảm đẹp nhất và thiêng liêng nhất trong cuộc sống. Nó mang lại cho con người cảm giác an toàn, ấm ... xem thêm...

  1. Hình ảnh cha trong kí ức của con luôn là một người đàn ông khỏe mạnh, có thể chắn gió che mưa cho cả gia đình. Thế mà giờ đây, khi tháng năm đi qua để lại những vết đồi mồi trên gương mặt chai sạm vì nắng vì gió ấy, con mới chợt nhận ra, thì ra cha đã già…


    Chúng ta đã từng là hai người bạn, hai người bạn thân đúng nghĩa. Kể từ khi con còn nhỏ, đã luôn biết đến sự tồn tại và hiện diện của cha trong tất cả những nhịp thở hằng ngày của con. Người ta vẫn thường nói con gái giống như một chiếc áo khoác bông ấm áp mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho cha. Còn với con, cha là siêu nhân có thể cùng con làm tất cả mọi thứ mà con hằng mong ước. Cùng nhau, chúng ta đã trải qua những tháng ngày với những đoạn hồi ức quý giá, và cha mẹ chính là động lực cho con cố gắng mỗi ngày.


    Thế nhưng rồi ai cũng phải lớn lên, kèm theo đó là những giọt nước mắt khi chúng ta phải chứng kiến cảnh cha mẹ chúng ta già đi mỗi ngày, và con cũng vậy. Cha của con bây giờ chân tay đã không còn khỏe mạnh, mái tóc đã lâm râm và nụ cười đã có phần mệt mỏi.


    Cuộc sống này bắt buộc chúng ta phải đối mặt với quá nhiều thứ – những thứ trách nhiệm mà cha phải gồng gánh để mang lại cho gia đình những ngày tháng vô tư quả thật đã khiến cha già yếu đi nhiều. Thế nhưng, ngày cha càng già, thì ngày con gái phải rời xa gia đình thân thương để đến với một vùng đất mới, một gia đình mới lại càng gần. Và chúng ta dường như dần trở nên xa lạ…

    Cha bắt đầu dấu con về những cơn đau dai dẳng hay những trận ho kéo dài. Mẹ cũng không còn kể với con về những lần không cẩn thận bị ngã. Con cũng gạt đi những đớn đau và sự bất công mà xã hội mang lại. Chúng ta, từng người thân thiết trong gia đình, lại bắt đầu có với nhau những bí mật nhỏ nhặt…

    Con chợt giật mình, từ khi nào mà gia đình mình lại giống như những người xa lạ đến vậy? Có phải đối với cha mẹ, việc chia sẻ những nỗi đau đớn của mình với một người thân ruột thịt còn đau hơn nỗi đau về thể xác đến hàng nghìn lần hay không? Và chúng ta tự cho rằng, khi không ai biết gì về những nỗi đau đớn mà chúng ta phải trải qua, lòng họ sẽ thấy nhẹ nhõm… Có phải vậy không cha?


    Những tháng ngày lang bạt nơi đất khách quê người, con lại mang những mảnh hồi ức cũ kĩ về một gia đình ba người ấm áp ra để gặm nhấm. Mỗi lúc như thế, nỗi nhớ nhà trong con lại lớn dần. Giá như người ta không phải lớn lên, giá như người ta không phải lập gia đình, thì con mong con sẽ được sống mãi bên cạnh cha mẹ, vui những niềm vui chung, và cùng xót xa cho những nỗi đau mà cha mẹ phải gánh chịu. Thế nhưng cuộc sống đâu có giống như ta mơ ước phải không cha ơi?

    Con gái đã đến tuổi trưởng thành, đã đến lúc phải lập gia đình, rồi mai đây con sẽ có cho mình 1 gia đình mới. Chúng ta, dần dần sẽ không còn là những người bạn thân. Con biết cha rồi đây sẽ buồn vui lẫn lộn, khi mà người bạn thân lâu năm của con rồi sẽ phải cầm tay con trao lại cho người bạn đời mà con lựa chọn. Nhưng cha ơi, con dù lớn đến bao nhiêu thì vẫn sẽ mãi luôn là cô con gái bé bỏng của cha mà thôi! Cho dù có phải đi hết cả cuộc đời này, thì cha vẫn luôn là người hùng có thể làm tất cả mọi thứ trong tim con.

    Cha hãy sống thật khỏe mạnh như cha đã từng, đến nỗi mà bệnh tật hay tuổi già cũng không thể mang đi được nụ cười trên đôi môi cha. Sống thật khỏe mạnh, vì chỉ có như thế thì con gái mới có thể mạnh mẽ mà bước tiếp mỗi ngày…

    Minh Hoài

    Cha trong kí ức của con
    Cha trong kí ức của con
    Cha trong kí ức của con
    Cha trong kí ức của con

  2. Cha tôi luôn giữ thói quen trồng một khóm bầu trong vườn. Ông bảo, bầu là loài cây thân thảo dễ tính, gắn bó và dường như thấu hiểu sự lam lũ của nhà nông chỉ sau cây lúa ngoài đồng. Có lẽ thế mà bầu thường ra quả trĩu trịt lại chan chứa ngọt thanh, mát mềm những bữa cơm quê sum vầy niềm tấm tắc. Có biết bao giàn bầu đã neo đậu mải miết vào những năm tháng tuổi thơ lẫn trưởng thành của tôi. Khi cha bắc chiếc giàn tre, mẹ nhổ cỏ tưới nước và vun vén thêm phân thêm đất cho khóm bầu mới trồng từ đận tháng mười thì qua giêng thôi sẽ tha hồ được ăn quả.


    Giàn bầu ngày ấy được cha trồng ngay trước cổng chỉ cách khoảng sân chừng mươi bước. Từ hiên nhà trông ra hay từ ngõ xa nhìn vào, giàn bầu xanh rợp tầm mắt, quả vắt vẻo, quả buông xuống lưng chừng như những đứa trẻ rộn rã chơi trò đánh đu. Tiếng chuyền tre tí tách bên dóng chân nhỏ theo nhịp tung lên hạ xuống từ quả bưởi non vẫn còn he cay phảng phất, tiếng sỏi đá lạo xạo với trò chơi ô ăn quan, tiếng lách tách của những hòn bi ve hay tiếng hò reo khi gẩy từng chiếc nịt, tiếng cười đùa của anh em tôi chí choé giòn tan dưới giàn bầu dịu mát. “Quả này đẹp quá, quả kia cũng đẹp, của anh… của em…”. Lời xí phần hồn nhiên cứ theo đôi tay với lên, đôi chân kiễng bật thêm để chạm vào những quả bầu trên cao đang vẫy gọi. Những giọt nắng xuân chẳng thể bụm miệng được nữa mà lăn lóc ra khắp giàn bầu, rơi cả xuống đất vẫn chưa hết cười rung rinh nắc nẻ.


    Bóng mẹ đi chợ về thấp thoáng từ đằng xa, mấy anh em lại chen chân nhau mà chạy mà vấp để đón quà, những lá bầu, quả bầu cũng xôn xao như chung niềm ngóng mẹ. Tôi nhớ như in hình ảnh mẹ treo quai nón vào ghi đông xe đạp rồi dựng chân chống cạnh giàn bầu. Mẹ đặt chiếc ghế để đứng lên cho cao, một tay cầm dao cắt vào cuống quả bầu, tay kia đỡ sẵn phía dưới rồi âu yếm nhìn giàn bầu một lượt như muốn bày tỏ tấm lòng hàm ơn. Cha ngồi bên thềm uống ngụm nước vối vàng ươm rồi nhẩn nha: “Râu tôm nấu với ruột bầu /Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Vẫn là tôi te tái: “Con không ăn râu tôm đâu, con ăn thịt tôm cơ! Hay là canh hến cũng được”. Mẹ đang thái từng miếng bầu mà ngưng lại cười thành tiếng. Tình nghĩa cha mẹ dành cho nhau từ buổi ban đầu với hai bàn tay trắng đến lúc dựng nên cơ đồ với mấy mặt con thơ đã trải qua bao thăng trầm cuộc đời vẫn giữ vẹn nguyên một niềm sắt son ấm áp.

    Khi cha vùi khẽ hạt bầu vào trong khoảng đất tơi xốp và tưới thêm chút nước giữ ẩm, mấy mầm xanh mở mắt nhú mình chỉ vài ngày sau đó. Chẳng mấy chốc đôi ba chiếc lá xanh biếc xoè ra, ngọn và tua bầu như cánh tay reo vui hân hoan vẫy chào nắng gió. Cha cắm mấy cành tre nhỏ hơi ngả ra, dẫn lối cho bầu leo lên giàn khi bốn chiếc cột đã được chôn vững vào bốn góc để đan xếp, gác gối những cây tre nhỡ bằng cổ tay hay những cây tre to chẻ đôi lên phía trên mà buộc chắc nịch các mối nút bằng mấy vòng lạt dẻo hoặc sợi dây thép bé. Ngày ngày, mẹ tưới một vòng luống rau rồi tưới cả khóm bầu cha dặn. Dây bầu mập mạp khoẻ khoắn ôm vai bá cổ, quấn quýt không rời tấm lưng giàn vuông vắn như thể những đứa con bé bỏng được cha công kênh trên lưng mà dạo chơi khắp ngõ. Ngọn bầu lia láu vươn mình đến đâu, những chiếc tua bám chặt vào thanh tre đến đấy. Chẳng mấy chốc từ kẽ thân lá, hoa bầu nhú lên li ti rồi một hôm bung ra trắng muốt, bướm ong sà xuống hít hà, những quả bầu bé bỏng đậu lại như những con sâu róm con, và ba bốn tuần sau quả đã nhẵn thín lúc lỉu kéo võng cả dây trên giàn, gọi chờ người tới lui để hái.


    Những quả bầu xanh biếc, uống trọn những tinh tuý của mùa đương xuân. Chúng say sưa dưới bầu trời êm ru khoáng đạt, có vũ điệu nắng vàng óng ả, có khúc gió vi vu thơm nồng, có mưa như tràng kẹo tí hon ngọt mát, đất ân cần tơi xốp cho rễ bén sâu thêm. Đôi tay cha trồng và chăm sóc tỉ mỉ, gửi gắm một mùa bầu bội thu, đôi tay mẹ hái quả từng ngày mà lòng tràn trề hạnh phúc. Cũng từ vòng tay chở che và dìu dắt của cha của mẹ, anh em tôi biết yêu thương, biết nhịn nhường, biết quan tâm đùm bọc nhau hơn nữa. Những mùa bầu cho cổng nhà tôi bóng mát, cho quả ngọt bên bữa cơm ngon, anh em tôi khôn lớn mỗi ngày, cha và mẹ càng thương nhau như “gừng cay muối mặn”.


    Cây bầu lành tính và gắn bó khăng khít với vườn quê, người ở quê, quả bầu tận hiến cho bữa cơm nhà nông, chẳng kén người ăn, chẳng chọn người nấu. Bầu luộc, bầu xào, bầu nhồi thịt và cá cùng hấp lên thơm lừng, bầu nấu canh hến canh tôm đậm đà thơm phức. Mẹ bảo ăn bầu sẽ giúp tôi bớt nóng trong và khỏi chứng hay nhiệt, anh tôi đỡ sủi bụng mà tiêu hoá tốt hơn. Sau này tôi mới biết thêm nhiều công dụng từ quả bầu khi hỗ trợ cả hệ tim mạch, làm chậm quá trình lão hoá và giảm căng thẳng mệt mỏi của hệ thần kinh. Những công dụng to lớn thần kì lại ẩn chứa trong thứ quả mộc mạc chân quê, thứ quả đã gắn bó với nhà tôi mỗi độ xuân đi xuân về xanh cao biêng biếc.


    Có những khi mẹ cha đi làm đồng về mệt tới rũ rượi như muốn lả đi, chỉ cần xuỳ xụp một bát cơm chan canh bầu cùng mấy quả cà còn luênh loang váng muối là tỉnh táo và khoẻ hẳn trong người. Nhớ ngày anh tôi bắt được mớ hến ở sông làng, nhớ ngày cha tôi cất được lưng rổ tép ở hồ thôn. Nồi canh bầu lại có dịp “khua chiêng gõ mõ” dọc ngang con ngõ. Mẹ cắt mấy quả bầu cho hàng xóm cạnh bên, người quen đến chơi nhà ngắm nhìn giàn bầu say sưa mà trầm trồ khen ngợi. Mẹ cắt cho họ mang về đôi quả mà nhận lại suốt những lời cảm ơn. Giàn bầu như dõi nghe, như mừng vui tự hào nơi đầu sân xanh niềm thơm thảo. Bầu ăn chẳng xuể, mẹ đựng vào thúng mang đi chợ, những quả bầu thân thương, suốt dọc đường ai cũng hỏi mua hết khi chưa kịp tới chợ.


    Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lo sợ khi thấy giàn bầu bị quăng quật sau một đêm giông bão bất chợt ngày xưa. Những lá bầu bạt đi nghiêng ngả, vài dây bầu buông thõng tả tơi, một góc giàn tre liêu xiêu chực như sập xuống…Rồi cha buộc lại giàn, mẹ cắt đi những đoạn thân đã gần đứt rồi nhấc những thân lành lặn còn ngổn ngang khe khẽ quanh giàn, quả non bị rụng xuống nhiều, những quả đẫy đà thật may vẫn còn cứng cáp. Một thời gian sau, khóm bầu hồi sức, những nhánh chồi mới lại đâm ra, ngọn bầu vươn tua tủa.


    Khi giàn bầu vãn quả cũng là lúc dây bầu khô dần, lá bầu lặng lẽ quắt đi. Cha tôi để dành quả bầu già treo vào bếp cho khô để dành hạt giống cho vụ mới. Những hạt giống ấy rồi sẽ xanh mầm, xanh cây và đơm hoa kết trái như chính tổ tiên của mình đã bao mùa xuân hiến trọn. Nhìn cha giữ gìn hạt giống trên tay, lại đem phơi nắng mỗi ngày, tôi muốn đặt tên cho giàn bầu nhà tôi là giàn bầu hạnh phúc. Hạnh phúc luôn bắt đầu từ những điều giản dị yêu thương, hạnh phúc là khi cho đi hay khi đón nhận những điều dù bình thường mà thiêng liêng đẹp đẽ. Tôi tin trong cuộc đời này, còn bao hạnh phúc bắt đầu từ những điều nhỏ bé giản đơn mà đôi khi ta thờ ơ, ta bỏ quên hay chưa một lần nhận ra và lắng nghe cảm nhận. Mùa xuân đã thì thầm nói cho tôi về những điều tuyệt vời ấy…


    Cha tôi vẫn giữ thói quen trồng bầu vào mùa xuân, mùa của muôn hoa muôn loài căng tràn nhựa sống. Tôi từng hỏi rằng vì sao cha không trồng bầu quanh năm, cha bảo vì lo những dây bầu không thích nghi kịp thời tiết mà còi cọc chậm lớn ít quả và nhanh tàn. Nên chọn đúng thời điểm để gieo trồng những hạt mầm ta vốn đã yêu thương và thấu hiểu. Cha thương khóm bầu như tình thương cha vẫn luôn dành cho mấy mẹ con tôi. Nhìn giàn bầu xanh rợp, nhìn ngôi nhà nhỏ nằm bình thản hiền hoà, chở che bao niềm đầm ấm suốt những năm tháng đã qua, ánh mắt của cha như mỉm cười vì hạnh phúc.


    Tôi trở về thăm nhà lúc mùa xuân đang vào độ chín. Cùng cha ra vườn mà hái chút lá lốt, nhánh sả hay vài quả chanh. Kìa những quả bầu buông xuống mượt mà, những quả xám vỏ, khoằm cong bên chiếc giàn cách mặt đất chừng mét rưỡi. Cha bảo làm giàn thấp thế này dù đứng hay ngồi đều có thể hái quả. Mẹ bị hoa mắt chóng mặt chẳng thể bắc ghế mà trèo hái suốt một mùa bầu. Lưng cha gù đi theo số tuổi, đôi chân chậm dần và bàn tay không còn mau lẹ như xưa nữa. Cha tiều tuỵ bên chiếc ao bay màu xanh, màu áo lẫn vào giàn bầu mộc mạc, tảo tần chịu thương chịu khó. Lòng tôi dâng trào hạnh phúc lẫn nghèn nghẹn, đăng đắng nỗi niềm xót xa. Cả mẹ và cha đã cần mẫn một đời cho đến tận bây giờ vẫn không ngơi cần mẫn.


    Bát canh bầu mùa xuân này vẫn còn nguyên hương vị bát canh bầu từ ngày xuân trong tôi thơ bé. Có vị yêu thương lo lắng, vị chăm bẵm ân cần vị khoan dung trìu mến. Vẫn đôi tay xưa của mẹ nấu, vẫn đôi tay xưa của cha trồng, niềm hạnh phúc thật mênh mông khi giàn bầu xưa và nay vẫn hiền hoà như lòng cha lòng mẹ. Những kỷ niệm tươi thắm lại ùa về bên mâm cơm sum vầy đủ đông, chính những giây phút này đây tới mai sau sẽ trở thành những kỉ niệm thiêng liêng ấm nồng còn thương và nhớ mãi. Giàn bầu mang niềm hạnh phúc ngọt ngào giữa mùa xuân, cho mẹ cha và ngôi nhà, cho anh em tôi từ khi còn tấm bé.


    Mộc Nhiên

    Giàn bầu hạnh phúc
    Giàn bầu hạnh phúc
    Giàn bầu hạnh phúc
    Giàn bầu hạnh phúc
  3. Tôi đã từng nhiều lần đặt bút viết về mẹ, nhưng họa hoằn lắm mới có vài dòng chữ về cha. Không phải tôi không nhận ra đó là một sự thiên vị, đôi lúc làm cha phải nghĩ suy. Nhưng thật lòng mà nói, cuộc đời cha là một câu chuyện dài, vinh quang và cay đắng, mà một vài con chữ khó mà khái quát được. Có chăng, chỉ là sự lột tả một lát cắt nào đó về Người.


    Cha không phải là một người vĩ đại để nói với tôi những điều lớn lao. Cha cũng chưa bao giờ là người hoàn hảo để nói với tôi về những điều hoàn mĩ. Cha chỉ là một người bình thường như bao người cha khác trên thế gian thường chia sẻ với tôi về những điều giản dị trong cõi nhân sinh này.


    Thuở tôi còn ấu thơ, cha thường dạy tôi bằng những câu nói, câu chuyện đầy hình tượng mang tính triết lí. Ngày ấy, tôi đón nhận bằng tất cả sự thờ ơ mà không hề biết rằng, những lời dạy ấy đã hữu ích cho tôi rất nhiều trong cuộc mưu sinh sau này.


    Cha là một người vô cùng nghiêm khắc. Tôi sợ nhất là cây roi của cha. Thật ra, mẹ mới có roi, chứ cha làm gì có. Cây roi của mẹ đa dạng lắm, có thể là một nhánh cây nhỏ bẻ từ hàng rào, hoặc có khi tận dụng từ một cành khô được rút ra từ bó củi mẹ nhặt nhạnh và gom về từ ngoài đồng; nhưng thường nhật là que bếp, nên sau mỗi lần tôi bị đánh, là lằn ngang lằn dọc, màu đo đỏ trộn lẫn màu đen. Ờ thì, ”thương cho roi cho vọt”, nhưng cha làm gì có roi. Bởi ông rất ít đánh, nên mỗi lần “lâm trận”, ông phải…đi kiếm roi. Cũng chẳng cần phải quan tâm rằng theo quy luật nào, chỉ cần hiểu một điều đơn giản: cha không đánh nhiều như mẹ, và cây roi của cha lúc nào cũng…to hơn cây roi của mẹ. Khi đánh, cha cũng không hay nhiều lời như mẹ, cha ngắn gọn, súc tích, nhưng cơ bản là tôi cũng chả nhớ được, vì còn mải …sợ. Cho nên, tôi cũng làm gì biết được cây roi ấy đã giúp tôi tránh được bao cây roi còn to hơn thế ở đâu đó ngoài đời kia.


    Cha là một người khô khan. Ngần ấy thời gian tôi có mặt trên cõi đời, ông chưa bao giờ nói với tôi một lời ngọt ngào. Và đặc biệt, ông chưa bao giờ khen tôi….lấy nửa lời, thay vào đó thậm chí có khi là những lời chê trách. Nhưng tôi chả bao giờ buồn, chả bao giờ tủi thân hoặc có khái niệm về sự chán nản như cách những nhà giáo dục, những nhà tâm lí hay nói về sự tổn thương mà lời chê bai mang lại. Bởi tôi hiểu, cha vẫn luôn dành cho tôi một tình yêu vô bờ bến. Có lẽ, khi nhận ra những hạn chế còn tồn tại của con trai mình, lòng ông cũng đầy lo lắng. Ông luôn muốn tôi nhận ra những khiếm khuyết để hoàn thiện bản thân.

    Cách mà ông lựa chọn để thực hiện điều ấy là thuật “khích tướng”, để kích thích lòng kiêu hãnh và rèn luyện bản lĩnh trong tôi, để ông có thể ngẩng cao đầu tự hào về tôi, đứa con trai mà ông gửi gắm tất cả tin yêu. Và để đáp lại, tôi luôn chứng minh cho ông thấy, tôi mạnh mẽ đến nhường nào. Mạnh mẽ như cách tôi vẫn thường hay nghĩ về ông.


    Vậy mà, tôi đã chứng kiến nhiều lần ông khóc. Khi một người đàn ông rơi lệ, đó hẳn là những giọt nước mắt chân thật và thiêng liêng nhất trong cuộc đời. Lần thứ nhất là lúc bà tôi tạm biệt cõi trần. Ông quặn lòng lau giọt nước mắt đớn đau trước lúc linh cữu bà rời xa ngôi nhà yêu dấu. Lần thứ hai ông khóc làm cả gia đình tôi xiêu vẹo trong trong bữa cơm tất niên. Buổi chiều cuối năm hôm ấy, mâm cơm thiếu hẳn một góc, cứ chông chênh. Đó là lần anh trai tôi đi làm ăn xa không về . Đó là lần đầu tiên, nhà tôi đón Tết mà khuyết đi một thành viên. Ông bật khóc một cách tự nhiên. Nước mắt cứ chảy dài trên khuôn mặt dạn dày gió sương. Tôi ngỡ ngàng và chợt nhận ra, Người cũng yếu mềm lắm. Đặc biệt, lần cô em út của tôi và cũng là đứa con gái duy nhất của ông lên xe hoa về nhà chồng, ông tựa vào bờ tường nức nở như một đứa trẻ lên ba. Tôi sững sờ. Tôi thương ông quá. Tôi tự hỏi, sự nghiêm khắc, sự khô khan, sự mạnh mẽ biểu lộ ra bên ngoài của ông phải chăng là sự che đậy những mỏng manh tình cảm, để ông đủ sức chèo lái gia đình tôi qua bao khó khăn, để nuôi dạy anh em chúng tôi trưởng thành, bay đi muôn ngả.

    Giờ đây, mỗi lần từ thành phố về, tôi đều thấy ông ngồi trước hiên nhà. Chỗ ấy, lẽ ra phải là chỗ của mẹ tôi như mọi người vẫn thường hay mặc định về hình ảnh tựa cửa ngóng trông những đứa con thân yêu. Nhưng mẹ còn bận bịu với bao việc không tên mà những người đàn bà ở quê chẳng bao giờ ngơi tay. Ông ngồi đó, để nghĩ suy về nhân thế, về những đứa con, để đợi chờ…Rồi mắt ông rạng ngời khi thấy thằng con trai, đứa con gái út, mấy đứa cháu nhỏ, cứ tíu ta tíu tít dắt díu nhau về tề tựu cùng ông, cùng bà. Cả nhà rung lên trong tiếng cười vui. Cha là thế, giản đơn và bình dị biết bao.


    An Nhân

    Cha tôi
    Cha tôi
    Cha tôi
    Cha tôi
  4. Năm giờ sáng khung giờ mà tôi mặc định để đón bình minh, hơi sương vẫn còn ngái ngủ trên tán lá. Nơi ban công vẫn thế, những bông hoa xinh tươi khoe sắc đón chào ngày mới. Ở những dò lan già cỗi là những mầm non đang nhú lên kế thừa cho thế hệ trước. Thế hệ cha anh.


    Chợt nhận ra cây cối, con người và muôn loài trong thế giới đều có chung cách tồn tại và duy trì nòi giống bảo toàn thế hệ mai sau. Phố của ngày chủ nhật còn ngái ngủ, những căn nhà còn đóng kín cửa. Nó như một thói quen, bình thường phố tỉnh giấc rất sớm. Người đi làm, người đi chợ tất bật. Hôm nay chủ nhật mọi người nán thêm trên chiếc giường sau một tuần lao động mệt nhọc. Trong dãy nhà trọ tồi tàn phía bên kia đường bà mẹ trẻ tay khệ nệ ôm túi đồ dành cho em bé, tay đẩy chiếc xe có nhóc tì bé nhỏ tay huơ huơ về phía căn phòng. Một ông bố ngồi trên xe lăn mở cửa, cảnh tượng thường ngày của đôi vợ chồng trẻ và đứa con trai bé nhỏ. Người chồng bị tai nạn mất đôi chân, cô vợ bán vé số vẫn đẩy đứa bé đi cùng. Khoé mắt tôi cay cay, đứa bé và gia đình nhỏ làm tôi nhớ về cha. Người đã cùng tôi năm tháng tuổi thơ trên cánh đồng đầy nắng. Cha tôi là một ông giáo nghèo, à mà ở thập niên tám mươi có ông giáo nào giàu đâu. Không như bây giờ thầy giáo đi xe hơi bóng bẩy, nhà cao cửa rộng. Ông giáo ngày ấy đồng lương không đủ mua gạo, gia đình tôi cứ chạy theo một vòng tròn luẩn quẩn. Ngày cha mẹ lãnh lương thì đi trả nợ, vài ngày kế tiếp thì có gạo ăn. Cuối tháng lại đi vay tiền đong gạo, đầu tháng lại tiếp tục đi trả nợ. Cha tôi vẫn vui miệng đó là khoản nợ luân hồi con ạ! Nợ tái sinh.


    Thế rồi một ngày như mọi ngày cha tôi đi dạy về trên chiếc xe đạp Thống Nhất không phanh, không chuông, không gạc baga. Hôm nay khuôn mặt cha phấn khởi hơn thường lệ, ông lấy trong chiếc túi áo ra một quả ổi to chín mọng. Gia đình tôi sinh ra ở miền Trung, ngày đó hàng hoá không thông thương như bây giờ nên quê tôi chỉ có những quả ổi sẻ. Quả ổi to cũng chỉ bằng nắm tay em bé, còn đây quả ổi bằng cái bát ăn cơm. Màu vàng xanh chứng tỏ nó đã chín, mùi thơm thoang thoảng. Chúng tôi vây quanh cha để hỏi ở đâu mà cha có quả ổi to thế, nó có ngon không. Trong đầu của những đứa trẻ như chúng tôi lúc đó chỉ mong cha nhanh chóng cắt ra để thưởng thức quả ổi to tướng đó. Cha tôi nói rằng quả ổi là quà của một chú học sinh đi miền Nam về tặng cho cha để làm giống, không phải để ăn. Khuôn mặt chúng tôi lúc đó chùn lại vì nghĩ sẽ không được ăn quả ổi thơm ngon kia nhưng không. Cha tôi dùng dao cắt từng miếng phần cơm của quả ổi chia cho chúng tôi, miếng ổi dày cộm phầm cơm ăn rất giòn vị ngọt thanh. Lúc đó chúng tôi đều cảm nghĩ đây là quả ổi ngon nhất từ trước đến nay mà chúng tôi đã ăn. Cha tôi lấy phần ruột ổi đem rửa trong nước, rất nhiều hạt được cha tôi tách ra khỏi phần cơm ổi. Sau đó cha tôi đem đi ủ mầm, thời gian thấm thoắt trôi qua sau hai năm thì vườn ổi hơn ba mươi cây của cha đã cho ra quả bói. Cha tôi chăm chỉ bón phân, tưới nước. Chúng tôi thì cứ ra thăm quả ổi hàng ngày, chỉ mong sao chúng nhanh chín để cha cho ăn thoả thích. Năm đầu tiên mỗi cây chỉ được năm sáu trái nhưng đến mùa thứ hai khi cây đã lớn, nhà tôi có một vườn ổi gọi là ổi miền Nam chi chít trái. Chúng tôi lấy những chiếc túi nylon gói quả ổi lại, quả ổi được gói luôn to hơn quả bình thường và thường rất mềm. Hơn ba mươi cây ổi trái đầy cành, cha tôi sai chúng tôi mang biếu hàng xóm. Có nhiều hôm ổi chín nhiều quá mẹ tôi mang ra chợ bán, ngày đó ở quê ít ai mua trái cây nên giá bán cũng rất rẻ.


    Cha mẹ tôi vẫn là nhà giáo nghèo nơi xóm nhỏ, khi nhà nước có những chế độ đãi ngộ nhà giáo tốt hơn thì cha và mẹ tôi lần lượt rời xa nhân thế. Chúng tôi mất cha, đành rời xa mảnh đất thân thương ngày bé để lên đường mưu cầu hạnh phúc. Cha tôi nằm lại nơi quê hương, biết rằng không ai tồn tại mãi mãi. Với tôi cha vẫn như ngày hôm qua ở đó bên vườn ổi xanh tươi.


    Năm tháng cuộc đời trôi qua chúng tôi đã lớn, đã là những ông bố bà mẹ. Khi những đứa con thơ của mình đau ốm, hay đơn giản chỉ là bước chân nhỏ bé của con thơ vấp ngã. Cảm giác bao bọc yêu thương của tôi dành cho con trỗi dậy, nó giấy lên dòng cảm xúc như ngày thơ bé chúng tôi được bao bọc trong vòng tay cha mẹ.


    Thế giới muôn màu, trong nhân gian to lớn luôn có những gia đình bé nhỏ. Ở đó luôn tồn tại tình yêu thương trời biển mà cha mẹ dành cho con cái. Trân quý những gì hôm nay để ngày mai chúng ta không còn phải hối tiếc. Giá mà…


    Bầu trời có trong xanh hay u ám, thế giới có thể sẽ đổi thay. Duy chỉ có tình thương của đứng sinh thành dành cho con cái là trường tồn mãi mãi.


    Hoà Bình Nguyễn.

    Với tôi, cha trường tồn
    Với tôi, cha trường tồn
    Với tôi, cha trường tồn
    Với tôi, cha trường tồn
  5. Với mỗi người, có lẽ không có tiếng gọi nào thiêng liêng hơn hai tiếng mẹ cha. Từ lúc bập bẹ biết nói, tiếng đầu đời của một đứa trẻ là 2 tiếng ấy. Rồi đến khi trưởng thành, thật hạnh phúc biết bao khi ta lại được gọi bằng mẹ, bằng cha. Nếu như người mẹ thường được ví với những gì êm ái, dịu dàng, ngọt ngào và ấm áp thì người cha là một hình tượng cao cả, vững chãi, một bóng mát, một bờ vai che chở, nâng bước cho đàn con. Câu ca dao đầu đời mà mỗi đứa trẻ được học và sẽ theo suốt cuộc đời mình là: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.


    Tôi luôn theo dõi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, một chương trình đoàn tụ người thân của đài truyền hình và không ít lần rơi nước mắt xúc động vì những tình cảm của người mẹ, người cha dành những đứa con cũng như những đứa con dành cho cha mẹ mình. Một người thất lạc gia đình từ nhỏ, không còn giữ được hình ảnh hay kỷ vật nào của cha mẹ, đã viết hai chữ “Cha; “Mẹ” đặt trang trọng trên bàn thờ. Sau này, nhờ chương trình, anh đã tìm lại được quê hương và hai bức hình cha mẹ để thay thế cho hai chữ anh đã đã viết lên bằng sự đau đáu cả đời về hai đấng sinh thành. Cũng trong chương trình này, tôi đã rất xót xa trước hình ảnh một người cha đã 45 năm vẫn không ngừng đi tìm đứa con trai 5 tuổi ngày nào thất lạc trong cuộc ly loạn trên đường 7. Bằng những phương tiện thô sơ và một tình yêu thương con vô bờ, ông đã đi khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để tìm dấu vết của đứa con thất lạc năm nào và giúp nhiều gia đình đoàn tụ. Thật buồn và đau xót là đứa con trai ông vẫn chưa có một manh mối nào.


    Người ta thường dành những lời cao quý nhất cho tình mẫu tử, và hình ảnh người mẹ có vẻ được khai thác nhiều hơn trong văn chương, nghệ thuật như một biểu tượng của sự ấm áp, bao dung và đầy thương yêu. Chắc chắn không có gì thay thế được hình ảnh người mẹ trong lòng những đứa con. Trong khi đó, người cha thường cứng rắn, mạnh mẽ, khó có thể làm thay mẹ những việc như khâu chiếc áo rách cho con hay lau giọt nước mắt, dỗ dành con khi con buồn khổ. Có thể vì sự cứng rắn cần có của phái mạnh mà người cha thường được ví như cây cao bóng cả nhưng lại thiếu đi sự trìu mến, ấp iu. Có vẻ như tình cha không được đặt ngang bằng với tình mẹ. Và như vậy thì thật là bất công cho những người cha, những người mà tình cảm dành cho con có thể không hề thua kém người mẹ, dù cách thể hiện có thể khác nhau.


    Nếu như bàn tay mẹ gắn với những tảo tần sớm hôm để chăm sóc cho con từng miếng ăn giấc ngủ thì bàn tay người cha lại gắn với những việc trong nhà cần đến bàn tay đàn ông. Sửa mái nhà dột, hàng rào hư hay ống nước bóng đèn hỏng. Sẽ là một sự thiếu thốn hụt hẫng trong gia đình nếu không có những đôi bàn tay ấy. Có biết bao câu chuyện cảm động về tình cha mà ta đã nghe, đã đọc. Và xung quanh ta, biết bao người cha bằng những việc làm bình dị hàng ngày đã để lại trong tim các con một tình yêu thương vô bờ bến.


    Tôi đã có một người cha như thế. Cha tôi, một người nông dân ham học hỏi đã truyền cho tôi tình yêu với sách vở. Chính cái cách ba tỉ mỉ bao từng quyển vở rồi kẻ vẽ những chiếc nhãn đẹp, cắt dán vào vở cho mấy chị em tôi mỗi khi năm học mới đến đã làm cho chúng tôi thêm trân trọng những quyển vở của mình, từ đó cẩn thân từng nét chữ và không muốn có những điểm kém làm xấu đi quyển vở mà ba bao. Ba cùng má đã vất vả trên đồng lúa, vườn rau, nương rẫy, áo sờn vai thấm mồ hôi để chúng tôi có thể đến trường. Có những ngày tôi đau yếu không đạp xe nổi đến trường, ba đã chở tôi trên chiếc xe đạp vượt đoạn đường dốc gần 10 cây số đưa tôi đến trường rồi lại về nhà làm việc. Đến khi tôi sinh con, ba lại lo lắng sợ tôi gặp trở ngại khi sinh, rồi hết lòng lo lắng cho con cháu. Người cha tuyệt vời ấy đã ra đi gần 2 năm để lại trong tôi bao nhớ nhung, xót xa vì những điều mình chưa làm được. Cha tôi, một người cha bình dị, đã để lại trong lòng con cái một tình yêu lớn lao như vậy.


    Các con tôi cũng đã lớn lên trong sự che chở của một người cha. Cha của các con tôi tuy không nhẹ nhàng chỉ dạy cho con từng nét chữ hay bao bọc cho con quyển vở để đến trường, nhưng tình thương và sự quan tâm dành cho con là không hề thua kém bất kỳ một người cha nào. Những ngày tôi phải đi học xa nhà, chính là người cha đã thay luôn vai trò người mẹ mà chăm sóc con từng miếng ăn giấc ngủ. Hai đứa con gái xa mẹ nhờ được sự thương yêu, ân cần chăm sóc của cha đã đi qua những ngày đầu của tuổi dậy thì khó khăn khi vắng mẹ. Ngày con đi học xa nhà, cha cũng là người đưa đi rồi về nhìn căn phòng trống mà rơi nước mắt thương con. Người cha dù còn những điều chưa làm được nhưng bằng những câu chuyện và tấm gương của chính cuộc đời mình đã khơi dậy ở các con một ý chí vươn lên. Tôi luôn cảm ơn người cha của các con vì những điều ấy.


    Được sinh ra trên cuộc đời, được có mẹ có cha là hạnh phúc lớn của mỗi người. Tiếng hát ngọt ngào của ca sĩ Ngọc Sơn đã từng cất lên ca ngợi một tình cha tha thiết “Tình cha ấm áp như vầng Thái dương, ngọt ngào như dòng nước trôi…”. Bên cạnh sự dịu dàng, vỗ về, ấp iu như suối nguồn yêu thương từ mẹ, mỗi đứa trẻ lại cần một người cha cứng cáp như cây tùng, cây bách và đầy ắp tình thân tỏa bóng mát chở che. Cái bóng mát của tình cha cũng như cái mênh mông của tình mẹ có núi cao, nước nguồn nào sánh được.


    Nguyễn Thị Thúy Ái

    Bóng mát tình cha
    Bóng mát tình cha
    Bóng mát tình cha
    Bóng mát tình cha
  6. Có câu: "Tình yêu đích thực đầu tiên của một cô gái chính là người cha" (câu nói của Marisol Santiago).


    Cha – người đàn ông ngoài cứng trong mềm, giả vờ mạnh mẽ nhưng lại yếu đuối trong giây phút mẹ thập tử nhất sinh để mang con gái đến thế giới này.

    Con gái chính là sinh mệnh của cha. Cho nên, nhiều khi hai cha con lại cho mẹ ra rìa.

    Đối với cha, con gái nhỏ chính là bảo bối mà cha nâng niu trong tay. Giây phút ôm con còn nhỏ xíu xiu trong tay, cha phải hết sức cẩn thận vì sợ làm đau con. Cha chăm bẵm con mỗi ngày, cho con ăn, ru con ngủ. Mỗi khi đi làm về liền chạy ù vào nhìn con đang ở trong nôi một cái mới yên lòng.

    Rồi con lớn một chút, cha tập cho con bò, cha nắm tay con những bước đi đầu đời, cha đau khi con té ngã, nhưng vẫn nén lòng để con tự đứng lên. Vì cha muốn con gái cha mạnh mẽ, vấp ngã ở đâu thì tự biết đứng dậy ở đó. Khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời cha là khi con cất tiếng gọi đầu đời: "Cha, cha, a ba, a ba"

    Cha – là người bình thường, nhưng đôi lúc lại y hệt siêu nhân. Cha luôn có mặt đúng lúc mỗi khi con rơi vào nguy hiểm để dang tay ôm lấy con khỏi đám chó đang chu miệng lên sủa hay để đỡ lấy con khi con sắp trượt chân ngã.

    Thời gian trôi, cha hình như có chút buồn khi con không còn là cục bông bé nhỏ cuộn tròn trong lòng cha. Con gái nay đã lớn, nhưng vẫn mãi mãi là công chúa cha dùng cả đời để bảo bọc trong vòng tay. Cha vẫn mãi là lá chắn cho con giữa bão giông ngoài kia.

    Cha luôn dạy con gái nhiều điều hay lẽ phải, đặc biệt ở đời phải sống chân thật. Vậy nhưng cha lại học thói hư tật xấu ở đâu mà chỉ toàn nói dối. Những câu: "Cha no rồi, con với mẹ ăn đi", "Cha không mệt", "Cha không sao đâu", "Cha đi làm khỏe lắm, sướng lắm" có câu nào là thật lòng thật dạ không cha? Hay cha chỉ dùng lời nói dối vô hại ấy để làm yên lòng vợ con, để vợ con được no đủ hơn một chút?

    Cha có thể khổ cực, có thể thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng người ta có gì, con gái cha cũng phải có cái đó. Người khác có con búp bê đáng yêu, có một bộ váy công chúa xinh hay một con gấu bông mềm mại, thì con gái cha cũng nhất định không thiếu.

    Cha – người đàn ông là trụ cột gia đình, là người kiếm ra tiền, nhưng lại không bao giờ tiêu xài cho mình. Tiền của cha là để cho vợ con, còn cha lúc nào cũng tạm bợ cho qua.

    Cha – rõ ràng không đẹp trai, không cao ráo như người mẫu, diễn viên, cũng không có thân hình chuẩn soái ca sáu múi mà chỉ có sáu múi dồn vào một nơi. Ấy vậy mà lại một tay ôm một người. Rõ ràng là có mẹ rồi, vậy mà vẫn nói yêu con. Mà con, dù biết là người thứ ba cũng chấp nhận tình cảm của cha mới ghê chứ! Quan trọng là, mẹ thế mà lại chấp nhận san sẻ cha cho người khác cơ!

    Cha – luôn là người giành lấy đau đớn phần hơn, nhưng lại luôn là người chầm chậm đón lấy phần hạnh phúc. Cả cuộc đời cha luôn hi sinh thầm lặng như thế, cho đi nhưng không màng nhận lại.

    Cha – luôn miệng bảo sao cũng được, nhưng giới hạn của cha lại chính là gia đình, là vợ con. Động đến cha không sao, nhưng động đến vợ con cha thì tuyệt đối không thể. Bình thường cha lành lắm, nhưng khi có ai động vào giới hạn của cha, thì cha sẽ giống một con nhím đang xù lông, sẵn sàng chiến đấu.

    Cha - đau lòng biết mấy khi thấy con những đêm thức khuya ôn bài. Cha, bỏ hết tất cả mọi việc để đồng hành cùng con những ngày bước vào kì thi quan trọng, cũng là người thậm chí còn lo lắng và hồi hộp hơn cả khi đứng ở bên ngoài chờ con gái đi thi.

    Cha à, ngày mà con gái tay trong tay một chàng trai dắt về ra mắt, cha có buồn không? Khi mà cha từ người đàn ông đầu tiên của con, từ mối bận tâm chính của lòng con, nay lại phải cay đắng sẻ chia thêm cho một người nữa?

    Sinh con gái, có lẽ là mối làm ăn lỗ vốn nhất trong cuộc đời cha mẹ. Mẹ thì mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, cha vất vả lo toan, ấp ôm con trong tay đến hơn hai mươi năm trời, cuối cùng lại phải ngậm đắng nuốt cay gả con đi, nhìn con biến thành con gái người ta.

    Dù thế nào đi nữa, dù con gái lấy chồng như bát nước đổ đi, thì cha vẫn mãi mãi là người đàn ông duy nhất giữa muôn vạn người ngoài kia còn buồn hơn khi con gái buồn, còn đau gấp bội khi con gái đau, thậm chí sẵn sàng hi sinh tất cả để đổi lấy nụ cười của con mình mà không cần có bất cứ điều kiện gì. Bởi: "Mỗi cô gái có thể không phải là nữ hoàng của chồng mình nhưng luôn là công chúa của cha họ" – Embed from Getty Images.

    Con gái của cha, được cha nâng niu, chưa bao giờ nỡ quát mắng một câu nào, vậy nên cha càng sợ đôi khi con phải chịu hờn tủi vì gia đình chồng. Cha sẽ xót xa lắm, thế nên cha luôn bảo rằng bất cứ khi nào mệt mỏi rồi, bất lực rồi, không đi tiếp được nữa rồi thì cứ quay đầu nhìn lại, cha vẫn ở phía sau, cả đời là chỗ dựa an toàn nhất. Cha là vậy, "có thể cha không hoàn hảo, nhưng cha luôn dùng cách hoàn hảo nhất để yêu con."

    Cha – là tiếng gọi thân thương nhất mà con gái được gọi, là chấp niệm cả đời này không thể buông bỏ. Và hạnh phúc hơn tất cả, chính là khi gọi: "Cha ơi", sẽ có người đáp lại bằng sự trìu mến: "Ơi, gì vậy con?"

    Tình yêu của mẹ bao la
    Tình cha càng lớn thiên hà mênh mông
    Mẹ thương chín tháng trong lòng
    Cha yêu con với từng dòng mồ hôi
    "Cha ơi!" hai tiếng thế thôi
    Mà sao con thấy, ôi ơn biển trời!
    Từ ngày con khóc chào đời
    Là cha quyết giữ nụ cười ngây ngô
    Tập con biết đứng, biết bò
    Những khi con khóc làm trò con vui
    Ngắm con thơ bé ngủ vùi
    Vòng tay cha thoảng có mùi sữa thơm
    Cả ngày chỉ muốn ấp ôm
    Vì con chẳng ngại sớm hôm tảo tần
    Miễn con no ấm đủ phần
    Cha còn vứt cả tấm thân chẳng màng
    Đời cha cơm áo nặng mang
    Luôn mong con sẽ tâm an miệng cười
    Con thương cha lắm, cha ơi!
    Người luôn hãy sống cả đời bên con
    Con đây dù lớn hay non
    Nơi cha vẫn mãi cho con mái nhà
    Con xin ước nguyện thiết tha
    Bình yên hạnh phúc, mẹ cha đủ đầy!


    Tác giả: Hạ Vy

    Cha - người đàn ông đích thực trong cuộc đời mỗi cô con gái
    Cha - người đàn ông đích thực trong cuộc đời mỗi cô con gái
    Cha - người đàn ông đích thực trong cuộc đời mỗi cô con gái
    Cha - người đàn ông đích thực trong cuộc đời mỗi cô con gái
  7. Tháng tư sắp sửa qua mà cái rét nàng Bân vẫn còn lưu luyến mãi. Ông trời xót thương ai để rồi mưa cứ rả rích ngày đêm. Trong những ngày này, tôi lại tìm cho mình một khoảng lặng để tĩnh tâm suy nghĩ về mọi thứ trong đời. Và tôi nghĩ về cha – một người có lẽ đến tận bây giờ tôi vẫn cảm thấy “nợ”.


    Cũng lâu lắm rồi, nay tôi mới lại viết về cha. Không phải vì cảm xúc chai sạn mà tôi chẳng biết phải viết gì cũng như tình cảm cha dành cho tôi âm thầm chẳng cần nói thành lời. Nói về cha, tôi gói gọi trong hai từ tuyệt vời. Đời cha nghèo lắm chẳng thể cho tôi cuộc sống đầy đủ về vật chất. Nhưng cha lại cho tôi một tình yêu lớn lao, vô bờ. Tuổi ấu thơ của tôi ngọt ngào, đẹp đẽ với những lần cha kiệu trên vai, mỗi buổi ngồi sau xe đạp cùng cha rong ruổi trên những con đường ngoằn ngoèo xanh mướt hàng tre. Cha còn là người thầy đầu tiên của tôi trong cuộc đời. Ông dạy tôi biết yêu thương, biết thế nào là lẽ phải, đúng, sai và thắp lên trong tôi ngọn lửa của những ước mơ, hoài bão.


    Nội tôi kể rằng ngày còn nhỏ cha học giỏi lắm. Nhưng vì nhà nghèo nên cha chỉ được học hết lớp 5. Đó là lí do, ông luôn cố gắng kiếm tiền để cho tôi được bằng bạn bè. Ngày còn trẻ, ông làm nghề đội cát, đá thuê theo thuyền với ngày công rẻ mạt. Mọi chi phí sinh hoạt gia đình đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi ông mang về. Cứ mỗi lần, thuyền bị nhỡ nước về chậm một, hai ngày, tôi lại bắt gặp khuôn mặt bố đăm chiêu. Ông trở nên cáu gắt vô cớ. Tuổi ấu thơ, tôi chẳng thể hiểu nổi mà đôi khi còn cảm thấy sợ hãi, núp sau vạt áo mẹ mỗi lần ông giận dữ, quát tháo. Chỉ khi trưởng thành đối mặt với những lo toan như nỗi lo của cha ngày nào, tôi mới thực sự hiểu và thấm nhuần gánh nặng cuộc đời và áp lực cuộc sống gia đình cha tôi đã trải qua.


    Trong kí ức của tôi, cha là người ít nói. Rất ít khi, tôi được nghe những lời ngọt ngào, tình cảm từ ông. Nhiều lúc tôi đã vô tình so sánh cha mình với cha của người khác. Tôi đã từng nghĩ rằng ông không thương mình. Nhưng chỉ mỗi lần tôi bị ốm hay bị té ngã, ông vội vã lọc cọc đạp xe mua thuốc về bất chấp tiếng sấm ù ù bên tai. Khi ấy, tôi mới thực sự hiểu rằng: Cha vẫn yêu tôi. Ông đã cất kín một tình yêu lớn tựa núi Thái Sơn trong bức tường của sự im lặng. Tình yêu của cha cứ thế: lặng lẽ, thầm kín như vậy...
    Cỗ máy thời gian cứ vô tình và chẳng chờ đợi ai.


    Mái tóc xanh của cha bị gió sương điểm tô màu trắng bạc.
    Làn da đen khỏe ngày ấy giờ in hằn những nếp nhăn.


    Tôi trưởng thành. Ngày tôi lấy chồng, cha tiễn tôi lên xe hoa với nụ cười hạnh phúc. Nhưng ông chẳng dám nhìn khi con gái bước lên xe hoa về làm dâu xứ lạ. Chắc ông đang buồn và cảm thấy thật thiếu vắng. Tưởng rằng ông sẽ không còn lo cho tôi nữa mà sẽ quan tâm, để ý, chăm chút bản thân mình. Ấy thế, ông vẫn âm thầm, vẫn lặng lẽ dõi theo từng bước bước tôi đi. Mỗi lần tôi gặp vướng mắc trong cuộc sống, ông chỉ im lặng tiến lại gần, ngồi bên cạnh giúp tôi lau khô đi những giọt nước mắt. Có khi, tôi muốn gục ngã, cha nắm chặt lấy tay con gái như truyền sinh lực để tôi mạnh mẽ bước tiếp. Chiều chiều khi hoàng hôn đổ về giăng lối, bóng cha gầy gò khắc khoải, ngóng trông con gái trở về. Đôi khi, tôi vô tình mải mê công việc, ít về quê. Cha lại điện thoại hỏi thăm, nhắc tôi giữ gìn sức khỏe. Lời cha ấm áp, chan chứa tình thương là động lực để tôi cố gắng vượt qua giông bão của cuộc đời.


    Ở cái tuổi xế chiều, người ta được con cái chăm sóc, phụng dưỡng. Nhưng gánh nặng trên vai cha nhiều hơn sau mẹ bị tai nạn chấn thương sọ não. Ông âm thầm lo toan tất cả. Cha thay tôi chăm sóc mẹ, là một chỗ dựa tinh thần vững chắc để tôi yên tâm với gia đình, công việc của mình. Lúc nào gọi cho tôi, ông cũng nói mọi thứ vẫn ổn. Nhưng tôi biết rằng, ông đang giấu đi những giọt nước mắt mặn chát của cuộc đời. Thực ra, ông cũng mệt mỏi lắm rồi. Nhiều lúc, tôi thấy mình nợ ông nhiều quá. Đến tận bây giờ vẫn cảm thấy nợ mà chẳng khi nào mới có thể trả được.


    Trong suy nghĩ của tôi, cha lúc nào cũng là người khỏe mạnh nhất. Cha là trụ cột gia đình, là chỗ dựa để cho tôi bám vào khi vấp ngã. Tôi thật quá vô tâm. Để bất chợt, tôi nhận ra mái tóc ba đã bạc trắng quá nhiều. Cha đã già và luôn cần tôi ở bên quan tâm, chăm sóc, động viên.


    Đôi khi ta cứ khách sáo trong cách quan tâm đến cha mình. Ta cứ tưởng rằng mình chọn những món quà có giá để biếu vào ngày lễ là đã báo hiếu. Hà cớ gì phải đợi đến lễ Vu Lan, hãy quan tâm tâm đến cha hàng ngày đơn giản chỉ cùng ăn bữa cơm chiều giản dị. Hãy yêu cha nhiều hơn khi còn có thể. Đừng để khi cha chẳng còn, ta mới thét gào gọi: Cha ở nơi đâu?


    Tác giả: Nguyễn Thanh Thủy, bút danh: Thanh Thuy

    Cha tôi
    Cha tôi
    Cha tôi
    Cha tôi
  8. Tháng tư, thời tiết không còn đỏng đảnh, nồm ẩm như mấy bữa trước nữa, từng sợi nắng mỏng manh như tơ nhện đã vương hồng lên mái bếp. Mẹ bảo, đấy là nắng non buổi sớm sau những ngày mưa xuân, mưa bụi. Nắng non khiến con người ta rạo rực, thân thiện hơn bằng các mối tương giao, hòa quyện giữa vạn vật đất trời. Ngoài vườn những bông hoa bìm bìm rung rinh theo làn gió nhẹ, cạnh bờ giậu lích chích tiếng chim sâu bên những vạt sương còn vương trên lá cỏ, từng giọt lung linh rơi trên nắng mới tinh khôi, bình yên đến kỳ lạ. Mẹ cắt một đóa hoa loa kèn trắng muôn muốt đem vào cắm trên chiếc bình gốm Chu Đậu rồi sai đứa cháu ra trước giại hiên nhà hái giúp bà mấy lá trầu. Mẹ ngồi têm trầu bên cánh phản bằng gỗ mun, mùi thơm của trầu lẫn vào mùi vỏ của cây chay làm căn nhà ấm sực lên. Trầm ngâm một lúc rồi mẹ nói: Thời gian trôi nhanh quá, loáng cái đã hết đời người. Bằng này, cách đây bốn mươi tám năm là tôi vừa sinh ra anh đấy, anh vừa tròn một tháng tuổi thì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện tháng 4 năm 1975 là một ngày vui không bao giờ quên được. Mấy hôm nữa thể nào xã cũng gửi giấy mời cha anh đến dự lễ kỉ niệm bốn tám năm ngày giải phóng miền nam.


    Cha ngồi sưởi nắng trước hàng cau, bóng cha đổ dài trên sân gạch, mái tóc cha đã bạc trắng theo năm tháng, đôi bàn tay đầy vết đồi mồi loang từng đốm nhỏ. Cha lặng lẽ rót trà hoa cúc từ chiếc ấm đất ra hai chiếc chén con như một nghi thức. Đã nhiều lần tôi pha trà nhưng cha không ưng ý, bởi tôi thường tham lam cho nhiều hoa nên nước có vị đắng và màu xỉn. Khi pha, cha chỉ cho vào đôi ba bông cúc đơn nhỏ, loài cúc ta, cúc trồng làm cảnh trong vườn và trong các chậu cây bên bờ giếng. Hoa cúc sau khi hái, phơi được nắng có hương thơm và vị rất dễ chịu. Cha bảo, dạo này tôi hay mất ngủ, uống trà hoa cúc của mẹ anh làm tôi thấy ngủ ngon hơn. Dạo cuối năm vừa rồi, Hội cựu chiến binh của tỉnh mời đi thăm lại chiến trường xưa, sau khi thăm viếng, thắp hương cho đồng đội mỗi người cũng được tặng một phần quà và một hộp trà hoa cúc. Nói rồi cha nhấp chén trà và ngồi hồi ức lại những năm tháng hào hùng đã đi qua.

    Năm 1969, cha tôi là bộ đội thông tin. Cuộc chiến chống Mỹ cứu nước lúc bấy giờ vô cùng khốc liệt. Trên lưng mỗi người lính ngoài khí tài là các phương tiện kỹ thuật nhằm bảo đảm kịp thời thông tin liên lạc, điện đàm với bộ đội công binh, pháo binh và pháo phòng không. Nhiều lần nghe cha kể về những năm tháng vượt núi cao, rừng rậm, suối sâu để chuyển và nhận những bức điện tín từ sở chỉ huy, đặt mạng lưới thông tin liên lạc sao cho vừa đảm bảo bí mật, vừa thông suốt vô cùng khó khăn, gian khổ. Cha nói, chỉ có những người lính vào sinh ra tử mới hiểu thấu cái giá của hòa bình và chỉ những người lính trong cuộc chiến mới mong mỏi hòa bình hơn bất cứ ai, bởi họ là những người trực tiếp cầm súng chiến đấu. Khoảnh khắc ngày 30 tháng 4 năm 1975 là thời điểm cả dân tộc được “Núi sông liền một dải, Nam Bắc hợp một nhà”, hàng vạn ngôi nhà thao thức sáng đèn, hàng triệu người dân vui mừng không ngủ được, bởi ai cũng biết rằng cha con, vợ chồng từ nay sẽ mãi mãi được đoàn tụ bên nhau.


    Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã đi qua, đất nước đã im tiếng súng. Cha tôi trở về thăm nhà cũng vào một buổi chiều tháng tư năm 1976. Mẹ kể, lần nhận được thư cha viết từ căn hầm bí mật trong chiến trường gửi ra lúc ấy tôi vừa tròn một tháng tuổi và hôm nay cha trở về tôi cũng vừa đầy một tuổi. Nỗi vui mừng khôn xiết khi mẹ nhìn thấy cha trở về khỏe mạnh trên chiếc xe đạp mượn của binh chủng thông tin ngoài Hà Nội. Trong bộ quân phục màu xanh người lính cùng chiếc mũ tai bèo của anh giải phóng quân, gặp ai cha cũng chào hỏi rõ to. Cả cơ quan mẹ náo nức vui như ngày chiến thắng, ai cũng đến chia vui và chúc mừng. Cuộc sống ngày ấy tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng tình người thì vô cùng ấm áp và cảm động. Bữa liên hoan tối hôm đó chỉ có lạc rang, nước vối và đóa hoa loa kèn được cha mua vội từ chợ hoa phố Hàng Lược mang về tặng mẹ. Mẹ bảo, bó hoa ấy mãi mãi là bó hoa đẹp nhất đời người. Sau này năm nào mẹ cũng trồng một vài luống hoa loa kèn để nhắc nhớ về những ngày tháng tư hào hùng lịch sử. Thời gian là thước đo cho mọi giá trị và hòa bình đã chứng minh cho những giá trị đó chính là đất nước phồn vinh, hạnh phúc như ngày hôm nay.


    Cách đây vài năm, nhìn đôi bàn tay gầy guộc của cha lần giở những kỷ vật chiến trường còn sót lại sau ngày giải phóng miền nam như những báu vật lòng chợt rưng rưng thổn thức. Cha lấy từ hòm đạn cá nhân ra một chiếc võng dù, chiếc ống nhòm cũ kỹ, một đôi quân hàm đã bạc phếch màu thời gian, một cuốn sổ ghi chép trong chiến trường, chiếc bi đông đựng nước bằng nhôm, bức ảnh đen trắng chụp cùng đồng đội đã ố vàng, bong tróc và đặc biệt một con chim chích bông nhỏ được khâu từ mảnh vụn chiếc tăng và nhồi bông rất khéo để tặng chị gái tôi trong những ngày cha nằm dưỡng thương trong trạm phẫu. Đó là tất cả những kỷ vật của cha tôi sau ngày chiến thắng. Những đồng đội của cha trong bức ảnh bây giờ người còn, người mất, có những người đã ngã xuống trong cuộc chiến và mãi mãi nằm trong lòng đất mẹ, những người đã hy sinh xương máu và một phần cơ thể cho ngày thống nhất đất nước. Đó là những ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt trong lòng người chiến sĩ như cha tôi và những người may mắn được trở về.


    Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, ký ức về một thời hào hùng, hoa lửa vẫn nằm sâu trong trái tim cha. Tôi biết người lính không nuối tiếc tuổi thanh xuân, sống hết mình vì nghiệp lớn nhưng người lính muốn tìm lại tuổi thanh xuân trong vòng tay đồng đội. Cứ mỗi độ tháng tư về thời tiết trong trẻo, dịu dàng hơn bởi những mùa hoa loa kèn nở trắng phố. Tôi nghe niềm xúc động dâng lên trong cha, tháng tư mùa hoa, mùa của tâm hồn và tháng tư mùa của độc lập, tự do và hạnh phúc.


    Đinh Tiến Hải

    Cha tôi - một thời hoa lửa
    Cha tôi - một thời hoa lửa
    Cha tôi - một thời hoa lửa
    Cha tôi - một thời hoa lửa
  9. “Các em học để làm gì? Học Toán để làm gì?...”. Tiếng người thầy sang sảng vang lên trong buổi học đầu tiên khi năm học mới bắt đầu. Các trò ngồi dưới, người thì im lặng suy nghĩ, người thì lí nhí nói học để biết, học cho thông minh, học vì yêu Toán, học để kiếm tiền… Còn người thầy với mái đầu hói, làn da bánh mật, đôi mắt sáng tỏ, hàm răng đen vì thuốc lào, đôi bàn tay xù xì, chiếc áo sơ mi màu ghi đá, chiếc quần kaki sơ vin bởi cái thắt lưng da màu đen, giọng cất vang, ấm áp: “Đúng, các em đều nói đúng, nhưng học trước tiên phải làm một người tốt, để biết yêu thương và giúp đỡ gia đình, xã hội. Cũng như vậy, học Toán để biết một bữa ta phải nấu bao nhiêu gạo cho không thiếu mà cũng không thừa, đỡ phí. Biết tính bao nhiêu tiền để mua đủ thức ăn trong một tuần, một tháng. Toán cho em biết một sào ruộng bằng bao nhiêu hécta, bao nhiêu mét vuông, làm thế nào để người nông dân chia ruộng theo khẩu cho mỗi gia đình. Hãy nhìn Toán và đưa nó về với cuộc sống như khi các em ăn cơm, như khi mẹ đi chợ mua rau và như khi bác thợ xây xây nhà, như khi các em chơi chắt, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, hiểu như vậy là biết yêu chính mình, yêu gia đình và sẽ biết đóng góp cho xã hội…” Ngoài cửa sổ, một cô bé cứ say sưa, tròn mắt lắng nghe từng lời của thầy. Điều đặc biệt là, cứ vào năm học mới, cô bé này phải đợi bằng được tiết dạy đầu tiên như thế, của những lớp học sinh thầy dạy, để được nghe những lời giới thiệu đại thể như vậy – vì những tiết sau đó, thầy giảng Toán cho anh chị lớp lớn, cô chẳng hiểu gì…


    Và cô bé đó chính là tôi, người thầy đó chính là cha tôi – Thầy giáo Nguyễn Trọng Thái – người làng Duyên Yên (làng Lở – Ngọc Thanh – Kim Động – Hưng Yên, cách đây đã hơn ba mươi năm. Và cái tên Thái Toán, cái tên đã trở nên quen thuộc khi tôi được nghe nhiều bậc tiền bối (kể cả học trò) trong ngành giáo dục huyện rồi tỉnh nhắc đến cha tôi.


    Có rất nhiều kỉ niệm về cha mà ngày nay tôi cũng không nhớ hết vì ngày đó tôi còn bé, cũng không có ý niệm ghi lại. Nhưng tôi chỉ biết rằng: tôi rất tự hào về cha tôi.


    Cha tôi kể, tốt nghiệp ĐHSP Toán, ông được phân về dạy trường Cấp III Ân Thi, rồi Cấp II Đức Hợp, sau đó lại về Trường Bổ túc Văn hóa xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, rồi lại về trường Bổ túc Văn hóa xã Lương Bằng – hay còn gọi là Trường Dân Chính huyện Kim Động, rồi về dạy và làm quản lí tại trường THCS Đồng Thanh. Cuối cùng thì cha làm việc tại Phòng GD&ĐT Kim Động, rồi nghỉ hưu năm 2008. Cứ như vậy, cha tôi làm việc cần mẫn, chăm chỉ như một con ong.


    Tôi nhìn lại, cho đến bây giờ, cha tôi không có một giấy tờ nào làm bằng chứng rằng ông là một giáo viên giỏi – Không giống như giáo viên chúng tôi ngày nay, đủ các loại nào thì Giấy chứng nhận Giáo viên dạy giỏi cấp này, cấp kia, nào là Danh hiệu Chiến sĩ thi đua Cơ sở, nào là Giấy khen của UBND huyện, của Sở GD&ĐT… Nhưng tôi còn nhớ như in những lần cha tôi được trường cử đi thi Giáo viên dạy giỏi tại Ân Thi rồi tận ngoài Hải Dương. Khi cha tôi đi, tôi cũng không còn nhớ những lần ông vắng nhà nó như thế nào. Tôi chỉ biết rằng khi ông trở về đều mang về một chiếc mũ cối. Cha tôi bảo đó là phần thưởng cho người được giải Nhất hội thi. Cuộc đời cha tôi không biết bao lần ông được những chiếc mũ cối mang về nhà. Và tôi cũng chẳng nhớ bao nhiêu lần mình ra đón cha, đón chiếc mũ cối từ tay cha rồi chạy vào đưa khoe mẹ…Tôi còn ngây thơ tìm mãi trong cặp của cha xem có quà gì không. Lần nào cũng không vì các cuộc thi đó người đạt giải không được lĩnh tiền như bây giờ.


    Có lần, khi gia đình tôi ở tập thể Trường cấp 1+2 xã Đồng Thanh, Kim Động, một người đàn ông dáng vẻ lam lũ, chất phác đi một chiếc xe đạp thồ chở theo rất nhiều bắp cải (có lẽ anh ta đi bán) đến hỏi tên cha tôi:


    - Thầy ơi! - Anh ta nhỏ nhẹ


    - Cậu tìm ai – Tôi thấy cha tôi có vẻ ngạc nhiên.


    - Em đây, thầy không nhận ra em ạ. Thầy còn nhớ, có một cậu học trò nghèo, thầy đến tận nhà vận động để đi học bổ túc chỉ vì nó thích học mà gia đình lại không có điều kiện không? Thầy đã cho gia đình nó phiếu gạo và phiếu thịt trong khi gia đình thầy đang rất cần không ạ?


    Cha tôi có vẻ ngờ ngợ, rồi đầu gật gật.


    Vậy là câu chuyện cứ thế diễn ra khi cha tôi nhớ ra anh ta…Lúc về anh ta không quên đưa lại cho gia đình tôi mấy cây bắp cải và nói: “Dẫu rằng hôm nay em có đủ tiền đưa biếu thầy cả trăm cái bắp cải, cả chục món ăn ngon hay một vật gì đó giá trị thì cũng không trả đủ số tiền một cân thịt và năm cân gạo trên chiếc tem phiếu ngày nào và cả cái công thầy dạy cho em… ”. Nghe kể lại, cả nhà tôi đều bùi ngùi xúc động, còn tất nhiên anh học trò năm xưa ấy cũng rơm rớm, nghẹn ngào - khi gặp lại cha tôi, còn tôi lại thêm một lần tự hào về cha.


    Khi tôi lớn lên, cha tôi kể lại rằng, hồi ông còn là giáo viên, đúng vào đợt kiểm tra chuyên môn của trường, thầy Nguyễn Viết Thạch thời đó làm nghiệp vụ của Phòng Giáo dục huyện Kim Động (thầy từng là Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên, nay đã về hưu) thầy đến dự giờ của cha tôi. Cha tôi kể: “Khi mình đang dạy, ông ý chạy vào xem, vừa vào vừa nói “Chả dự được ai, vào ngồi dự tiết này cho vui”. Lúc đầu thầy có phần không để ý giờ dạy. Sau đó thầy ngồi yên lặng, ngây người, chăm chú dự đến hết giờ và không có đánh giá xếp loại, lúc ra, thầy cười rất tươi, bắt tay mình”. Vừa kể dứt, cha tôi cười khà khà.


    Hồi tôi học tại Trường THCS Đồng Thanh, Kim Động, tôi rất thích nghe tiếng cha giảng bài (có một điều đặc biệt đáng tiếc, tôi không được cha tôi dạy một năm nào từ lớp sáu đến lớp chín). Tôi rất thích ngắm cái dáng người bình thản, vừa giảng bài khuôn mặt vừa rạng rỡ của cha. Không chỉ tôi, mà rất nhiều người cùng có ấn tượng ấy về ông. Thầy Sông, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Phù Cừ, khi thầy nhận ra tôi trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi năm học 2009 – 2010, thầy đã kể về cha tôi:


    - Bố mầy tài lắm đấy, dạy Toán không bao giờ cần giáo án nhưng bài vẫn cứ nuột, dạy cứ tưởng cháy giờ nhưng cuối giờ lại ngon lành không ai ngờ tới. Cái tài của bố mày là dạy đủ thể loại, từ học sinh giỏi đến trung bình yếu. Cái tài nữa là dạy Hình học không bao giờ cần thước và compa, thế mà hình vẫn cứ tròn, đường vẫn cứ thẳng, góc vẫn cứ chuẩn xác. Tài thật đấy, dạy cứ như chơi, bọn học sinh không hề bị áp lực, đến cái thằng nghịch nhất lớp, hay trốn học mà nó cũng thích nghe giảng… Hài hước mà chuẩn mực, nhẹ nhàng mà bản lĩnh…


    Còn tôi, nghe thầy nói về cha tôi mà tôi thấy tự hào quá. Có một điều gì đó mà tôi chưa làm được như cha mình chăng, khi ngày nay, cũng là một giáo viên nhưng tôi thấy mình đang quay cuồng trong những phương pháp mới, trăn trở với kĩ thuật dạy học hiện đại hay những phương tiện dạy học tiên tiến, tôi vẫn cứ thấy bài giảng của mình chưa được như bài giảng của cha theo lời mọi người kể. Phải chăng nhìn từ cha tôi, tôi đang đi kiếm tìm cho mình một hướng đi trong nghề. Nó là cái gì, mông lung thật, khó quá! Hay có phải đó là cái tâm với nghề của cha tôi, hay tại bởi tình yêu mà cha dành cho Toán, dành cho học trò, sự say sưa đến lạ, những vẫn đủ nuôi dạy những tâm hồn tuổi thơ của bao thế hệ, không chỉ là Toán mà là cách làm người. Hay tại bởi cha tôi yêu cái nghề dạy học như hơi thở của chính mình, khi dạy là không còn vướng bận điều gì của cuộc sống mà cái quan tâm duy nhất của cha tôi là việc học trò học Toán thế nào và hiểu gì về nó, học trò có hiểu bài như hiểu bát cơm, chai tương, củ hành của đời sống không…? Tất cả cứ khiến tôi phải đi tìm.


    Từ khi về nghỉ hưu đến giờ, cha tôi đều mang trong mình bệnh tật. Nhưng không lúc nào tôi thấy ông không bàn về việc dạy học. Nói đến học trò mà mắt cha tôi cứ sáng lên. Mỗi lần tôi chở các con về thăm ông là cha tôi đều pha ấm chè rồi nói chuyện với tôi y như với những đồng nghiệp vậy. Và những câu nói của cha sẽ in mãi trong tâm khảm tôi, sẽ theo suốt hành trình làm thầy của tôi: “Dù sao mình vẫn thích đứng lớp”. “Con mà dạy trò thì phải nhìn từ việc nó cần gì”… “Còn dạy con mình thì không được áp lực, khi nào nóng giận thì đi ra chỗ khác, không dạy nữa”. Rồi “Dạy đừng làm mất cái tâm của mình nhưng không quên khơi lên cái tài của trò”, “Nghề giáo đừng nghĩ việc hám lợi, không hay …” !


    Và những lời bài giảng đầu tiên tôi nghe được từ cha tôi chính là bài học đầu tiên của tôi khi tôi làm nghề giáo. Tôi sẽ làm tiếp, sẽ đi tiếp con đường mà cha tôi đã bước, đã từng coi đó là điều quý nhất khi mỗi người quyết định lựa chọn mình trở thành một người thầy!


    Sưu tầm

    Cha tôi là một người thầy
    Cha tôi là một người thầy
    Cha tôi là một người thầy
    Cha tôi là một người thầy
  10. Mùa đang trôi dần về những ngày cuối năm. Mấy bữa nay, những đợt gió mùa đông bắc liên tiếp tràn về, mang theo những cái lạnh cắt da, cắt thịt, như muốn thử thách sức chịu đựng của con người.


    Chiều nay, sau khi từ hiệu cắt tóc về, ngắm mái tóc pha sương của mình trong gương, tự nhiên tôi nhớ đến cha mình, người đã sống vì vợ con cho đến những phút giây cuối cùng của cuộc đời. Nhớ đến nghẹn lòng! Bất giác, tôi nuốt khan tiếng thở dài, khoé mắt bỗng dưng cay xè...


    Đã hơn ba mươi năm trôi qua, tôi vẫn thầm gọi cha trong những giấc chiêm bao mỗi khi đêm về.

    Ngày ông từ giã cõi đời, tôi không có mặt bên cha để được nhìn ông lần cuối. Nhận tin cha mất qua tờ điện tín, tôi bàng hoàng, thẫn thờ, cảm giác hụt hẫng. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, tôi nhận một tin dữ như vậy (khi ấy tôi đang đóng quân ở vùng biên giới Lạng Sơn). Sau khi báo cáo chỉ huy đơn vị, vì không có phương tiện đi lại, mãi tới tối ngày hôm sau, tôi mới về đến nhà. Người đón tôi đầu tiên khi tôi về là mẹ tôi. Đã lâu lắm rồi, tôi mới thấy mẹ mình quấn trên đầu vòng khăn xô màu trắng. Bà chống cây gậy tre, bước đi run run, ngước đôi mắt cạn khô, mờ đục, nắm lấy bàn tay thô nháp của đứa con xa, nghẹn giọng:


    -Sao bây giờ mới về? Đợi mãi không thấy con về, mọi người đã đưa bố mày ra đồng được ba ngày rồi. Lúc sắp ra đi, ông ấy cứ nhắc và gọi tên con mãi. Rõ tội!


    Nói rồi bà mếu máo, đôi mắt mờ đục, đỏ hoe. Nhìn dáng người nhỏ thó với tấm thân lưng còng xiêu vẹo của bà, lòng tôi tê tái, xót xa!


    Tự dưng cảm giác như có ai đang bóp nghẹt lồng ngực mình. Tim tôi nhói đau. Hai hàng nước mắt cứ thế trào ra, thấm vào miệng, vào họng khô khốc, mặn chát!


    Quăng chiếc ba lô xuống nền nhà, tôi đến trước ban thờ hương linh Cha, run rẩy thắp ba nén nhang, rồi chắp tay vái lạy.


    - Cha ơi! Tôi gọi cha trong tiếng nấc nghẹn mà không nói được gì.


    Cứ thế, tôi oà khóc nức nở, nghẹn ngào như chưa bao giờ được khóc...


    Vốn sinh ra ở một vùng chiêm trũng nghèo khó, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cha tôi là một lão nông chi điền nổi tiếng cần cù và hiền lành. Các chị tôi kể, trước khi mất, buổi chiều hôm đó, ông vẫn còn cố tranh thủ cày xong mấy thửa ruộng để kịp đổ ải cho vụ Đông xuân. Chiều muộn, khi đã xong việc, về nhà, thấy nước giếng ấm, ông dội qua loa mấy gầu cho sạch bùn đất bám trên người và ăn vội lưng cơm tối.


    Ăn xong, cha tôi nói nhức đầu và thấy gai gai người như sắp lên cơn sốt. Uống xong chén nước, ông lên giường trùm chăn. Một lát sau, tự dưng chị gái tôi nghe thấy tiếng cha tôi ú ớ như muốn gọi ai đó. Chị vội chạy lại bên giường thì thấy cha tôi đang run lên bần bật và liên tục gọi tên tôi (chả là tôi là cậu con út mà ông rất mực yêu thương, cưng chiều, giờ phải sống xa nhà vì cuộc đời bộ đội). Thấy vậy, mẹ và các chị tôi hốt hoảng chạy lại chỗ cha tôi nằm. Giọng cha tôi cứ yếu dần, yếu dần, hơi thở có phần gấp gáp, đứt quãng. Hai bàn tay gầy guộc của ông cứ quờ quờ trước mặt và chỉ ra hướng cồng nhà, thều thào gọi tên tôi. Khoảng vài phút sau, tay ông rơi xuống và buông thõng xuống giường. Chị gái tôi vội lấy sợi bông đặt lên hốc mũi của cha và thấy ông đã không còn thở nữa.


    Nhưng mắt của ông vẫn mở. Từ trong hốc mắt ứa ra những giọt đục ngầu. Mẹ tôi vội lấy khăn ra lau và không thấy cha tôi chớp mắt. Bà nhận ra ông đã vĩnh viễn về với các bậc tiền tổ. Rồi bà lặng lẽ vuốt mắt cho cha tôi và lấy khăn thấm những giọt nước mắt đang trào trong khoé mắt mình...


    Định mệnh đã khiến cha tôi ra đi sau gần tám mươi năm hiện hữu trên đời! Cha tôi là là một lão nông, cả cuộc đời "chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ" (NĐC), nhưng với tôi, ông thật vĩ đại trong gia đình, trong mắt của vợ con và những người thân!


    Đêm buông màn. Ngoài trời, từng cơn gió lạnh vẫn thổi về xao xác, giá ngắt. Mưa cũng bắt đầu rơi nặng hạt. Đêm tháng Chạp tối đen, buồn hiu!


    Vài ngày sau, tôi khoác ba lô trở về đơn vị. Nhịp rung lắc của con tàu đưa tôi chìm dần vào giấc ngủ chập chờn. Tôi lại mơ thấy cha nhìn tôi đầy trìu mến mà không nói một lời. Tiếng hú vang của còi tầu báo hiệu đến sân ga chợt làm tôi tỉnh giấc. Trời cũng vừa sáng rõ. Khoác ba lô lên vai, tôi rảo bước về đơn vị. Hành trang của một người lính trong tôi lúc này, không gì khác là nỗi nhớ thương cha, vầng thái dương đã tắt lịm không bao giờ tôi còn được nhìn thấy nữa!


    Vài ngày nữa là đến ngày giỗ cha tôi. Người mẹ già lưng còng thân yêu của tôi cũng đã về với cha tôi vài năm sau đó... Thắp nén nhang thơm lên ban thờ cha mẹ, tôi cúi đầu xin lỗi hương linh song thân vì dịch bệnh nên ngày giỗ cha không về được. Giọt nước mắt tôi lại rơi, ngấm vào họng mặn chát!


    Bất giác tôi nghẹn giọng và oà lên:
    - Cha, mẹ ơi! Hãy lượng thứ cho con!


    Đêm nay, trời trở gió mùa. Chắc hẳn, tôi lại gặp cha mình qua giấc chiêm bao chập chờn trong giấc ngủ không tròn!


    ---
    Xứ Lạng, một chiều Đông


    Son Truong.

    Nhớ cha
    Nhớ cha
    Nhớ cha
    Nhớ cha



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy