Top 8 Tản văn viết về Tây Bắc hay nhất

Phương Kem 575 0 Báo lỗi

Tây Bắc là khu vực vùng núi phía Tây của miền Bắc Việt Nam. Nhắc đến Tây Bắc, chúng ta liên tưởng ngay đến những dãy núi non hùng vĩ trùng điệp, những bản ... xem thêm...

  1. Tôi đã phải lòng Tây Bắc lúc còn nhỏ khi nghe bài hát “Tình ca Tây Bắc” của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh, phổ thơ Cầm Giang mà ca sĩ Kiều Hưng và ca sĩ Thu Hiền song ca hát lúc bấy giờ.


    Hồi đó tôi chưa biết bài hát đấy là của ai, chỉ biết rằng mình rất thích nghe. Ca từ bài hát thật đẹp, giai điệu vui tươi, đặc biệt rất giàu hình ảnh về một Tây Bắc xinh đẹp luôn làm mê đắm lòng người. Sức quyến rũ bài Tình Ca Tây Bắc dần khiến tôi cảm nhận được vẻ đẹp như mơ nhưng lại thật của Tây Bắc. Tôi nghĩ, bất cứ ai khi nghe bài hát này cũng đều có chung cảm nhận về Tây Bắc như vậy.


    “Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón xuân về

    Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa

    Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn

    Bâng khuâng nỗi lòng nhịp sáo ai đưa khúc ca rộn vang...”


    Tây Bắc đã đi vào những bài hát và những bài thơ rất hay. Tôi dần lớn lên, dần yêu thích Tây Bắc, những bài hát, bài thơ nào về Tây Bắc tôi cũng muốn mình được nghe, được đọc. Tôi yêu Tây Bắc, nơi rừng thiêng núi nhớ, nơi Tây Bắc bạt ngàn rừng xanh thăm thẳm, nơi chim chóc chuyền cành, nơi trời xanh mây biếc. Tây Bắc nơi có rừng thơm với những con suối mát ngọt lành quanh co chảy quanh. Tây Bắc nơi những áng mây bồng bềnh thật mỏng, nơi có những cánh ban và gió dẫn đường. Để như thấy được Tây Bắc điệp trùng thương, Tây Bắc điệp trùng nhớ...


    “…Em là dòng sông Mã, anh là núi Mường Hung
    Cho thuyền em ngược dòng, gió đưa em về núi
    Em hãy về bên suối, đợi anh anh ở bên khuông
    Anh làm no lòng Mường, em làm vui ấm bản...”


    Thấy bản sương giăng, thấy đèo mây phủ, thấy quanh co, quanh co, hết dốc lại đến đèo. Để thấy những cô gái Thái gùi cả mây gió, bạt ngàn cỏ cây cũng lần theo bước...Để thấy bên kia là vách đứng bên này thẳm sâu. Ơi dòng sông Mã... ơi núi Mường Hung..! Từ khi ra đời, bài thơ đã nhanh chóng bén duyên trở thành bài hát với lời ca ngọt ngào, giai điệu thiết tha, náo nức, bâng khuâng, có lúc trầm lắng đi vào lòng người. Ca từ đẹp, kết hợp cùng giai điệu sao tuyệt vời và hay đến thế! Tìm hiểu thêm về giai điệu, điều đặc biệt, nhạc sỹ Bùi Đức Hạnh đã đưa được chất xoè Thái cũng như phong vị âm nhạc xứ sở nơi đây vào bài hát để rồi chính thức năm 1957 tất cả chúng ta cùng được thưởng thức một “ Tình Ca Tây Bắc” giàu hình ảnh và trữ tình đẹp như vậy. Tác giả thật khéo sắp đặt giống như nhìn trước được điều sẽ xảy ra trong tương lai.


    “…Em là dòng sông Mã

    Anh là núi mường Hung...”


    Để rồi mấy chục năm sau người Sơn La thật tự hào, khi thuỷ điện Mường Hung được xây dựng trên chính dòng sông Mã anh hùng ngày nào cùng hò vang “Tình Ca Tây Bắc” bên núi mường Hung, bên dòng sông Mã. Bài ca đi cùng năm tháng ngày đó có anh và em, bây giờ thuỷ điện mường Hung (là anh), có dòng sông Mã (là em) quanh năm reo vui con nước, đưa điện về thắp sáng lên bao yêu thương, bao hy vọng, đổi mới cuộc sống người dân bản nơi đây.


    Ơi Tây Bắc...Tôi rất muốn đi khắp dải Hoàng Liên Sơn, nơi Sapa như tiên cảnh sớm mai. Dẫu thời gian trôi, nhưng Sapa chẳng phai màu, nơi Sapa đất trời như một, như dải lụa mềm như cảnh bồng lai. Nhớ chợ tình để hồn ai lạc bước, lúc đến mê mải đắm đuối vui say, khi về lạc lối quên ngày quên tháng…Tôi muốn đi suốt chiều dài một dải, muốn dõi mắt xa thật xa nhìn toàn cảnh Tây Bắc, một Tây Bắc điệp trùng thương, Tây Bắc điệp trùng nhớ...Tôi đứng trên đỉnh Fansipan hùng vĩ, lặng người đi, nơi mây đan mây, nơi trời buông nhẹ lẫn mưa bay, thấy lòng đắm say đất trời hoà quyện, lưu luyến lòng người làm hồn như chơi vơi...


    Những mùa ở đây được ví như chiếc áo sặc sỡ, cứ thế khoác lên Tây Bắc đủ bốn mùa. Mỗi mùa đều có những vẻ đẹp mà bất cứ ai đến đây đều không nỡ lòng xa Tây Bắc. Phải lòng Tây Bắc ngày nao ấy đã trở thành tình yêu trong tôi. Tây Bắc thật hùng vỹ, nhưng lại có vẻ đẹp dịu dàng rất riêng. Tây Bắc cho tôi thêm hiểu, khi yêu điều gì đấy, thứ gì đấy, cũng không nhất thiết phải chạm vào hay nắm giữ, cũng như chiếm hữu. Tình yêu Tây Bắc luôn là điều đẹp đẽ trong tôi, Tây Bắc thật hùng vĩ, rất quyến rũ và rất xinh đẹp.


    Ơi…những bà mẹ lam lũ sáng mải mê chiều, gùi con mình gùi lẫn mây lên rẫy. Ơi…những bà mẹ quên nhọc nhằn, quên lả cả đôi vai, quần quật chiều ôm đồm tối, gùi cái trăng khuya lẫn con mình về bản. Mong sao cho tất cả các con, ai cũng được đến trường biết yêu thương con chữ, rất cần sáng cái tâm, rất cần tâm hồn rộng mở. Rất mong được nhiều thầy cô mang con chữ tới đây, để ngày sau tương lai các con thêm tươi thêm sáng.


    Tây Bắc hùng vĩ lắm, Tây Bắc xinh đẹp nhiều, mẹ đại ngàn luôn dang tay chở che ôm trọn Tây Bắc, giữ Tây Bắc luôn được bình yên, Tây Bắc mãi không phai. Một màu xanh mướt mát ngút ngát bao la...


    “…Rừng rừng vui tiếng chim ca vui tưng bừng

    Suối nước trong xanh có bóng em và bóng anh

    Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng

    Đất nước hoà bình hạnh phúc ta như mùa xuân...”


    Lê Minh

    Bản tình ca Tây Bắc
    Bản tình ca Tây Bắc
    Bản tình ca Tây Bắc
    Bản tình ca Tây Bắc

  2. Tôi thấy mình đang lâng lâng bay và bước đi trong trời hoa mận trắng. Những cánh hoa li ti, trắng muốt, đang rụng xuống tơi bời và bay bay trong gió. Cả một cánh rừng hoa mận trắng đang trôi bồng bềnh, đẹp như một giấc thiên thai. Giấc hoa mận trắng của mùa Xuân đang nở sáng trắng suốt một dải núi đồi Tây Bắc. Những con đường mòn từ phố núi ngoắt ngoéo đã dẫn dụ bước chân du khách dạo bộ tới gần phía chân núi. Hương hoa mùa Xuân dâng lên ngọt ngào ! Con gái tôi đã tìm đúng địa chỉ một vườn mận xinh đẹp để mẹ thoả giấc mơ thưởng lãm hoa mận trắng !


    Chợt thấy mình vừa lạc vào một khu vườn mận đang nở hoa trắng muốt, ui chao là đẹp! Một khu vườn đẹp như cổ tích đang lấp lóa dưới nắng chiều. Giấc hoa mận trắng đẹp lộng lẫy trong nắng vàng chiều nay là có thật. Có hoa, có quả, lại có búp lộc non tơ trên cành và đặc biệt là cảm xúc rưng rưng khi ngắm nhìn những gốc mận cổ thụ. Những thân cây cổ thụ, bạc da, mốc trắng, vừa xù xì, gai góc, vừa trầm ngâm khi cựa mình, nứt vỏ. Những búp lộc non tơ xoè tay vẫy gió. Những cái cây mùa Xuân đang hớn hở khi dâng trào nhựa sống.


    Những quả mận xinh xinh còn non tơ đang lấp ló trên cành. Yêu quá những trái non ngọt mùa ! Dắt tay Cu Bi đi trong vườn Xuân. Chợt nhớ câu thơ “Trẻ em như búp trên cành…” thật ý nghĩa! Ngắm nhìn thật lâu từng trái non ngơ ngác ! Những quả mận non vẫn phủ dày một lớp phấn trắng trên bầu má non. Đã nghe mùa Xuân về trong làn gió Xuân hây hẩy. Mùa Xuân Tây Bắc và những giấc mơ hoa mận trắng tuổi thơ xa xưa đang quay về ! Cơn mơ trong tôi vừa mở ra với cánh rừng Xuân nở đầy hoa mận trắng nơi chân núi…


    Mùa xuân Tây Bắc không chỉ đẹp bởi những sắc màu đặc trưng của hoa đào, hoa ban khi chúng khoe sắc điểm tô vẻ đẹp cho núi rừng. Những loài hoa ấy đã đi vào trong thơ ca nhạc hoa từ bao lâu nay. Trong nỗi nhớ da diết và trong ý nghĩ của tôi lúc này đang hướng về quê hương tuổi thơ. Một vùng biên ải xa xôi ở Lào Cai ngày xưa. Nơi ấy, mùa xuân Tây Bắc luôn đẹp lộng lẫy với những cánh rừng. Ký ức tuổi thơ tôi không thể thiếu vắng những đồi hoa đào mận, những giấc hoa trắng trong, tinh khôi và luôn kỳ ảo.


    Mùa Xuân Tây Bắc luôn bừng nở và tràn ngập trong ý nghĩ tôi, đặc biệt vào những ngày Tết như thế này. Ký ức núi luôn gắn với những giấc mơ của tuổi thơ. Tôi từng thương nhớ những thảm hoa mận nở trắng muốt trong muôn nỗi ưu tư. Loài hoa tinh khiết và trong trắng ấy cứ theo mãi trong suốt tuổi thơ tôi cho đến tận bây giờ. Hoa mận trắng rất hợp với đồi núi, đất đai, sông suối nơi non cao và vẻ đẹp của chúng luôn là điểm nhấn cho núi đồi trở nên sáng bừng. Rừng hoa mận trắng sẽ còn lung linh hơn, huyền ảo hơn dưới ống kính của giới nhiếp ảnh.


    Con người ta hình như ai cũng bớt đi chút nhọc nhằn khi được nhìn ngắm hoa nở. Khi đứng trước hoa sẽ thấy lòng mình như dịu lại. Ấy là khi người ta luôn suy tư, ngẫm ngợi về cuộc đời, nghĩ về những phận người đang chao đảo trong cuộc mưu sinh, đặc biệt là sau đại dịch thế kỷ mang tên Covid 19. Khi lối sống thực dụng với đầy rẫy sự bon chen, giả dối gia tăng, cuộc sống ngày càng trở nên mệt mỏi và hỗn tạp thì những giấc hoa càng trở nên hiếm hoi.


    Hình như càng nở trong giá buốt và sương sa thì hoa mận càng thêm vẻ thần tiên, lộng lẫy, trắng trong. Hoa mận trắng vào mùa Xuân càng thêm đẹp, vẻ đẹp trong giá buốt đến nao lòng. Loài hoa của núi rừng Tây Bắc luôn ngậm sương giá của đất trời mà chưng cất nên những vẻ đẹp mong manh và tinh khiết. Từng chùm hoa hé nở một cách lặng lẽ và khiêm nhường. Hoa hồn nhiên nở trắng những thung sâu hay trong những khu vườn đồi đẹp như giấc thiên thai.


    Hoa mận vẫn lặng lẽ toả hương, thứ hương núi tinh khôi lan xa ngay ở nơi non cao vực thẳm. Chẳng cần biết có ai nâng niu hay đoái hoài gì đến thân phận mong manh của hoa hay không. Mỗi khi được ngắm hoa mận trắng nở trong những ngày xuân, lòng ta không khỏi xốn xang. Những cánh hoa trắng ngần, điểm từng chùm lá xanh non và hoa nở cứ bung từng chùm xinh xinh dưới nắng. Hoa luôn gọi về những kỷ niệm ấu thơ. Tiếc rằng những vườn hoa mận trắng miền Tây Bắc đã ngày càng thưa vắng hơn xưa.


    Sau này khi đã trưởng thành và có dịp đi khắp đó đây, có dịp trên đường đi tôi bất ngờ bắt gặp một cây mận đang nở hoa, giống như một niềm hạnh ngộ. Tôi thường đứng lặng hồi lâu, nhìn ngắm những cây mận nở hoa trắng với một niềm say mê khó tả. Ký ức tuổi thơ tôi vụt quay về và cảm xúc tràn ngập trong sắc hoa mận trắng. Thứ hoa trắng muốt nở hồn nhiên trên đồi núi, nở da diết ngay trong vườn nhà, hoặc nở ưu tư trong khu vườn nhà bạn bè đều hấp dẫn tôi. Hoa mận nở, ta đón Xuân về. Mùa Xuân nơi non cao bỗng lộng lẫy như cảnh sắc miền thiên thai ngay giữa đất trời.


    Bước chân tôi đã từng đi đến nhiều nơi, có lẽ tôi may mắn khi đã được đến với hầu khắp mọi miền đất nước. Mận đào là loài cây đặc trưng vốn được trồng nhiều ở vùng Tây Bắc và Tây Bắc chính là xứ sở của nhiều loài mận đào. Nếu mẹ thiên nhiên đã ưu đãi khi tặng cho loài cây anh đào những sắc hoa màu hồng tươi thì cây mận dân giã lại được nhận về mình màu hoa trắng muốt, tinh khôi. Mận đào đã thêu dệt nên bức tranh mùa Xuân luôn tươi mới trong tâm hồn bao người.


    Tôi cũng thấy mình khá may mắn khi từng được thưởng ngoạn những vẻ đẹp hoang sơ của nhiều loài hoa rừng. Kỳ ảo trong nắng chiều, bung tỏa ngay dưới chân núi xa, hoa đào và hoa mận bỗng sáng lên lấp lánh. Đôi khi, chợt thấy nhớ mùa Xuân Tây Bắc đến quay quắt khi chợt nghe mơ hồ một tiếng chim rừng khắc khoải vang ngân trong ký ức. Những dải đồi thoai thoải của miền quê Mộc Châu hôm nay bỗng đẹp lung linh hơn trong vầng sáng điệp trùng của hoa mận.


    Chỉ có sắc hoa mận vẫn trắng muốt và đầy ưu tư rụng vào nỗi nhớ tôi và cứ nở trắng mỗi ngày Xuân. Giấc hoa mận trắng từ ngày nào vẫn còn như thực như mơ. Ấy là khi bước chân tôi vừa chạm tới một vườn mận nở trắng núi đồi trong ngày xuân. Tôi bỗng thấy nhớ da diết về quê hương Lào Cai, rồi nhớ thương vùng đất Sa pa, Bắc Hà, Bảo Thắng...Những mảnh đất mà mận đào luôn thêu hoa thêu gấm vào bức tranh mùa Xuân. Hoa neo giữ hồn người Tây Bắc đi xa mau chóng trở về quê hương mình trong những ngày Tết.


    Hoa nở sáng theo dọc tuổi thơ tôi. Con đường đưa tôi về với cội nguồn mình luôn đẹp đẽ và tinh khiết như đi dưới sắc hoa mận trắng mỗi khi Xuân về. Đó cũng là con đường mà mỗi người khi ra đi tất yếu sẽ mong trở về nhà sau nhiều bộn bề, để gắn bó hơn với quê hương và những người thân yêu, ruột thịt của mình. Giấc hoa ấy linh thiêng, đặc biệt hơn, trong trẻo hơn bởi ký ức luôn được ươm mầm xanh và ngập tràn trong nỗi nhớ. Dẫu có thế nào, giấc hoa kia cũng đưa tôi quay về với khu vườn của tuổi thơ xa xưa. Nơi ấy là những giấc mơ trong trẻo, nơi tâm hồn tôi luôn được tưới tắm dẫu tràn ngập sương giá, nắng gió. Nơi có nhiều vầng hoa mận trắng dù có gió bão vẫn cứ mong ước được tinh khôi.


    PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO

    Giấc mơ hoa mận trắng nở đầu xuân
    Giấc mơ hoa mận trắng nở đầu xuân
    Giấc mơ hoa mận trắng nở đầu xuân
    Giấc mơ hoa mận trắng nở đầu xuân
  3. Tây Bắc luôn mang trong mình những vẻ đẹp thật bình yên. Nơi đây, mỗi mùa đổi mới đều đem đến cho ta những trải nghiệm tuyệt vời về thiên nhiên và con người. Và có lẽ, điều đặc biệt nhất của Tây Bắc chính là sự bình yên mà nơi đây đem lại.


    Đôi khi, bình yên đến từ những khoảnh khắc giản đơn như tiết trời lạnh lẽo, khi mình ngồi thảnh thơi trước hiên nhà và hít thở không khí trong lành của cỏ cây, sương khói và đất trời. Từng hơi thở đều như những giai điệu êm đềm của cuộc sống, ta có thể cảm nhận được sự yên bình đang hiện diện xung quanh mình.


    Nhưng bình yên không chỉ đến từ những khoảnh khắc giản đơn đó. Sự bình yên cũng đến từ những cảnh đẹp thiên nhiên, nơi mà mỗi đợt gió thổi qua lại mang đến cho ta những khung cảnh rực rỡ của hoa nở. Đó có thể là những cánh đồng hoa lúa rực rỡ màu vàng của Tây Bắc vào mùa Thu, hay là những đồi hoa tam giác mạch trắng xoá nơi vùng cao nguyên.


    Những con người đang sinh sống tại Tây Bắc cũng là một phần của sự bình yên này. Họ sống giản dị, hạnh phúc với những điều đơn giản và bình thường nhất của cuộc sống. Mỗi khi đi qua một ngôi làng nhỏ, ta có thể cảm nhận được sự ấm áp và chân thành của những người dân địa phương. Người đến, người đi đều như lẽ thường tình, không có gì quá xa lạ hay kỳ lạ.


    Tây Bắc không phải là một nơi hoang sơ hay tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Nhưng nơi đây vẫn giữ được những giá trị tốt đẹp của con người và thiên nhiên. Sự bình yên của Tây Bắc luôn đánh thức lòng tự tại và sự hài lòng trong tâm hồn của con người. Đó là điều mà ta không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới này. Tại Tây Bắc, chúng ta có thể tìm thấy sự yên bình giữa nhịp sống vội vã của thế giới hiện đại. Nơi đây, ta có thể thưởng ngoạn những vẻ đẹp thiên nhiên đầy mê hoặc và đồng thời, trải nghiệm cuộc sống đơn giản, chân thật, tốt đẹp.


    Tây Bắc đầy những màu sắc và đa dạng của văn hoá dân tộc, nơi mà những truyền thống và phong tục vẫn được giữ gìn và truyền lại từ đời này sang đời khác. Điều đó cho thấy sự đoàn kết và tình yêu thương giữa mọi người, cùng với sự tôn trọng và gìn giữ giá trị văn hoá truyền thống của đất nước. Tây Bắc cũng là nơi của những con người chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên, để giữ gìn những giá trị về đa dạng sinh học và cảnh quan đẹp của đất nước. Những khu rừng nguyên sinh, những dòng sông trong lành, những con đường núi mấp mô, tất cả đều được bảo tồn và phát triển bền vững. Điều này cho thấy sự quan tâm và trách nhiệm của người dân địa phương với môi trường sống xung quanh.


    Tất cả những điều này khiến Tây Bắc trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của Việt Nam, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến để trải nghiệm và khám phá. Một khi đã đặt chân đến đây, sự bình yên và đẹp đẽ của Tây Bắc sẽ chắc chắn gây ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, và là một ký ức khó quên trong cuộc đời của họ.


    Trong thế giới ngày nay, khi mọi thứ đang diễn ra quá nhanh và sống trong sự hối hả, đôi khi ta cần phải tìm kiếm sự bình yên và đơn giản của cuộc sống. Và Tây Bắc chính là một trong những nơi tuyệt vời nhất để tìm kiếm điều đó. Từng chuyến đi đều Tây Bắc sẽ mang lại cho ta những trải nghiệm đáng nhớ, những cảm xúc chân thật và sâu sắc, và hơn hết là một niềm tin và hy vọng vào tình người và tình thiên nhiên. Trên những con đường ngoằn ngoèo của Tây Bắc, ta có thể thấy rõ sự đoàn kết và tình yêu thương giữa những người dân bản địa. Những bức tranh của những cánh đồng lúa chín vàng, những vườn hoa đầy màu sắc, những ngôi nhà sàn truyền thống đẹp mắt, tất cả đều cho ta cảm giác được sự bình yên và đẹp đẽ của cuộc sống.


    Tây Bắc cũng là nơi để ta cảm nhận sự sống động của văn hóa dân tộc. Văn hoá của người Mông, Dao, H'Mông và nhiều dân tộc khác đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú. Tại đây, ta có thể tham gia vào các lễ hội, tập quán truyền thống và thưởng ngoạn nghệ thuật dân gian độc đáo.


    Tuy nhiên, Tây Bắc cũng đang đối mặt với những thách thức trong việc bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa và thiên nhiên của địa phương. Chính vì thế, mỗi chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn những giá trị đó cho thế hệ sau.


    Nhìn lại chặng đường đi qua của mình, ta sẽ thấy rằng Tây Bắc không chỉ là một điểm đến du lịch tuyệt vời, mà còn là một bài học về sự sống và tình yêu. Nơi đây cho ta thấy được tình người, tình thiên nhiên và tình với bản thân mình. Tây Bắc đã giúp ta đón nhận và yêu thương bản thân mình hơn, đồng thời giúp ta hiểu được ý nghĩa của sự đoàn kết và tình yêu thương.


    Đó chính là sự đặc biệt và quý giá của Tây Bắc - nơi mang trong mình những vẻ đẹp thật bình yên và tình yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy luôn trân quý và giữ gìn những giá trị đó, để Tây Bắc luôn là một điểm đến du lịch tuyệt vời và cũng là một nguồn cảm hứng cho tâm hồn của chúng ta. Và cuối cùng, hãy để những trải nghiệm và cảm xúc tại Tây Bắc tiếp thêm động lực cho chúng ta trong cuộc sống này, để chúng ta luôn sống và yêu đời một cách tươi đẹp như những ngày tại Tây Bắc.


    Giang Pham

    Viết cho Tây Bắc, về Tây Bắc
    Viết cho Tây Bắc, về Tây Bắc
    Viết cho Tây Bắc, về Tây Bắc
    Viết cho Tây Bắc, về Tây Bắc
  4. Rừng Tây Bắc đang vào mùa chít.


    Những ai đã từng ở rừng thì chẳng lạ gì cây chít. Những bụi cây chít có thể mọc lên ở khắp mọi nơi. Chít mọc trong khe suối tốt tươi rậm rạp, chít mọc trên đồi cằn thiếu nước bỏ hoang nắng khô và gió Lào rát mặt, chít treo mình trên taluy dương cạnh những cung đường loanh quanh sườn núi, chít chen chúc với lau với sậy, chít nương náu rồi xòe lá ngay cả dưới bóng râm…Những hạt chít khô bé tí teo có thể tự do bay theo gió mà phát tán khắp nơi. Để rồi nếu không bị vùi lấp quá sâu và gặp được nơi đất ẩm, cây chít non sẽ nẩy mầm rồi lặng lẽ lớn lên. Những ngày đầu tiên chỉ là một mầm cỏ mỏng manh yếu ớt, thế mà chỉ cần qua một mùa mưa những phiến lá chít hình lưỡi mác với đầu lá nhọn, bản lá rộng chừng 7 đến 9 xen ti mét, chiều dài cỡ hai gang tay đã vươn ra xanh ngắt. Cây chít thuộc họ lúa, ngoài sinh sôi từ hạt thì còn có thể phát triển rất nhanh nhờ khả năng đẻ nhánh từ những cây con bị tách ra khỏi bụi. Bởi thế, chít sẽ là một trong những loại cây tái sinh và phủ kín sớm nhất trên những vạt đất đồi mới năm trước còn trơ trụi vì sạt lở hay vì cháy.


    Cây chít rất thân thuộc với mỗi người dân miền núi.


    Lũ trẻ miền núi đi nhặt củi hoặc lấy rau trên rừng thường hay mải chơi về muộn, để bụng đói mềm và miệng lưỡi khát khô. Những lúc ấy chúng chui vào bụi chít, bới bẻ vội vàng được vài cái mầm măng xanh tím, bóc nháo nhào qua lớp vỏ ngoài dính đất là có thể đưa cả cái măng chít vào miệng mà nhai rau ráu. Chúng nuốt vội thứ nước ngọt mát từ thân cây chít; nghiền nát, nhai nhừ những đoạn lá chít non; thế là lại có thể hể hả cười, kéo cái cây dài trên đầu bó củi lên vai, hay xốc túi rau rừng lên vai rồi lượt thượt kéo nhau về.


    Đám trẻ gái chặt những cuộng chít già, lúc phơi khô nó vàng hươm trơn bóng, cắt mười đoạn dài bằng bằng cỡ hai gang. Nhặt thêm một trái bòng non mới rụng, thế là đã có bộ chuyền để đánh suốt buổi trưa. Chúng tung quả rồi vơ chuyền thật dẻo, chúng vừa chơi vừa đọc bài đồng dao dài “ Que mốt, que mai…”. Đám trẻ trai cũng cắt cuộng chít già, thành những đoạn tầm mười phân chằn chặn. Thêm thân sậy và nan tre tròn nhỏ. Chúng làm lồng nuôi chim pít, cắt ti. Chúng luồn lách giữa bụi cây bờ cỏ, mắt long lanh đuổi theo cánh chim trời. Hong hóng mải mê đến không ít lần bị mắng.


    Lá cây chít lành tính, lại dễ kiếm quanh năm nên thường được lấy về để nuôi cá hay nuôi gia súc. Vào những tháng mùa đông, khi cánh đồng được cày ải đắp bờ, cỏ để nuôi trâu bò sẽ chẳng còn một mống, lúc ấy lá chít thực sự là cứu tinh để giúp đàn gia súc vượt qua mùa đông giá.


    Những người phụ nữ trong nhà thì thích cắt lá chít bánh tẻ để làm món bánh gio truyền thống. Gạo nếp trắng ngần ngập dưới nước gio trong, gói trong chóp lá màu xanh nhòn nhọn. Mẹ buộc lạt vòng quanh mềm mại. Xếp xếp, tầng tầng chiếc bánh lá xinh xinh. Đồ trên bếp hơi bay nghi ngút, hương nếp thơm và lá chít nâu dần. Miếng bánh chín trong veo sần sật, thấm ngọt ngào hương mật chấm môi.


    Chít trên rừng được khai thác nhiều nhất là vào dịp tháng giêng đến tháng ba. Lúc những bông hoa chít đã bắt đầu nở rộ trên khắp các sườn đồi.


    Những bông hoa chít khiêm nhường màu xanh nhú dần ra khỏi búp lá, cuống hoa cứng dần chuyển sang xanh đậm, những hạt chít nhỏ bám li ti trên bông chít dài hàng mét. Hoa chít không hẳn đẹp, nhưng người Tây Bắc vẫn háo hức chờ mùa hoa chít tháng giêng. Mùa rừng cho thêm chút lộc. Cậu bé nghèo tranh thủ một buổi chiều được nghỉ học; bà mế nhân lúc nông nhàn nghỉ tay làm ruộng, mấy thiếu nữ má hồng tay cầm dao, đeo ếp… người ở bản ai cũng có thể đi hái bông chít vì việc này không quá nặng. Thế là người người lũ lượt tỏa vào rừng để cắt những bông hoa chít nở vừa đến độ. Góp gom mang về bán cho lái buôn thu mua về xuôi cho làng nghề làm chổi. Chổi làm từ hoa chít có hình dáng to đẹp, không cần phải cúi quá sâu khi quét như chổi rơm nên bông chít hái về bao nhiêu cũng có người mua hết. Dân bản đi rừng từ sáng sớm, để đến buổi chiều về mang vác những bó hoa chít phất phơ xanh tím trên những cuộng chít dài trắng nõn. Có chỗ người ta dựng cả một bó hoa chít mà luộc cuộng trong một cái nồi thật lớn rồi mới dàn chít ra phơi nắng cho khô. Khói luộc chít bay lên hòa lẫn với sương chiều bảng lảng của miền sơn cước, mùi hoa chít khô dần toả ra thứ hương rừng ngai ngái, dễ chịu.


    Mấy năm gần đây, một thứ quà quê nằm trong thân cây chít không trổ được hoa bỗng nhiên thành đặc sản. Thế là mùa chít cho lộc ở Tây Bắc lại bắt đầu sớm hơn. Tháng 11 là quãng thời gian bắt đầu của mùa sâu chít.


    Người ta vào rừng tìm những con sâu vàng nằm trong ngọn chít xanh.


    Cả người con sâu có màu vàng nhạt, cái đầu và những chiếc chân ngắn ngủn, xíu xiu của nó đậm màu hơn rồi nhạt dần về phía thân. Thân con sâu căng bóng, trắng sữa, ngấn ngân những vòng vòng, nếp nếp. Một dải sọc dài chạy thẳng từ đầu đến đuôi nó có màu cam đậm suôn suốt, lóng lánh, phập phồng chuyển động. Con sâu uốn mình lười biếng giữa ngọn chít xanh chật chội. Nó kí sinh bên trong cây chít từ lúc bé, ăn mầm chít và sống luôn trong đó. Cây chít nào có sâu thì ngọn cây sẽ bị phình ra một chút, lá ở phía trên sẽ cụt, không nở được hoa.


    Người ta sẽ chặt cả cây xuống và cắt lấy đoạn thân bị phình ra ấy và mang về. Lúc bắt đầu sơ chế mới dùng dao sắc chẻ nhẹ vào đoạn chít rỗng ruột, nhẹ nhàng lấy con sâu ra thả vào bát nước để tránh bị đen. Rồi mới vớt ra đem đi chế biến đồ ăn, đi ngâm rượu thuốc, nuôi cấy thuốc nam hay sấy khô đợi bán. Chẻ chít cũng cần tỉ mỉ, khéo léo và thật kiên trì nữa nhưng sâu chít bán được giá cao nên người bán rất mừng. Nghe nói rằng sâu chít rất bổ, rằng uống được rượu sâu chít thì “ông khỏe, bà vui”, tăng cường sức khỏe. Rằng sâu chít ăn có vị bùi và ngậy, ăn sâu chít thường xuyên thì có khả năng phục hồi rất tốt sau các đợt điều trị bằng chiếu xạ. Rằng sâu chít rừng chẳng khác nào là “đông trùng hạ thảo” của Việt Nam. Rằng người ở xuôi giờ cũng biết dùng sâu chít, nên mỗi đông về cũng mong chờ chút quà, chút lộc từ loại cây bình dị ấy của rừng.


    Người Tây Bắc càng ngày càng thêm thương cây chít, cây chít cũng thương người nên lá chít cứ xanh.


    Sơn Nữ

    Mùa chít trên rừng Tây Bắc
    Mùa chít trên rừng Tây Bắc
    Mùa chít trên rừng Tây Bắc
    Mùa chít trên rừng Tây Bắc
  5. Đọc tiêu đề của bài viết này hẳn bạn cũng như tôi đã ngửi thấy mùi thơm cay cay thoang thoảng đâu đây. Thứ gia vị được người dân Tây Bắc yêu thích và là bí quyết được sử dụng trong các món ăn đậm đà hương vị núi rừng, được ví như "hạt tiêu" của người dân nơi đây, chính là từ chùm quả màu xám vàng nhỏ bé mang cái tên độc đáo: Mắc khén. Mắc khén có tên khoa học là hoàng mộc hôi, thân cây có nhiều gai, quả hình tròn, có vị cay và thơm, chính vụ thu hoạch vào tháng mười - tháng mười một, mọc nhiều ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Mắc khén được người dân Tây Bắc phơi khô, rang rồi xay hoặc giã ra để dùng làm gia vị nấu ăn, ướp thịt, làm chẳm chéo (một loại nước chấm rất nổi tiếng của người Thái Tây Bắc).


    Cũng như các loại gia vị khác, để cảm nhận được hương vị của mắc khén phải thưởng thức các món ăn dùng đến "hạt tiêu rừng" như một gia vị không thể thiếu để cho món ăn được ngon và tròn vị nhất. Người Tây Bắc sử dụng mắc khén cho nhiều món ăn hàng ngày, nhưng trong khuôn khổ bài viết có hạn và để bạn đọc tiện theo dõi tôi xin giới thiệu hai món ăn đặc trưng của người Thái Tây Bắc là món rêu đá và cá nướng pa tỉnh tộp.


    Rêu dùng làm nguyên liệu trong món ăn này là rêu mọc tự nhiên, bám trên đá, lấy ở vùng nước sạch, chảy xiết. Loại rêu này không phải lúc nào cũng có mà xuất hiện theo mùa, thường là vào cuối thu đầu đông. Khi vớt rêu lên, người dân thường để rêu lên đá, lấy viên đá khác đập vào, rồi rửa nhiều lần ngay tại dòng suối cho bớt cát, sạn đá, những con ốc nhỏ bám trên rêu. Sau đó mang về nhà, đổ ra rổ và rửa dưới vòi nước nhiều lần. Qua công đoạn này thì đem cắt thành từng đoạn nhỏ, vừa miếng, rồi đem đi chế biến.


    Có thể tùy theo sở thích mà làm thành món canh rêu, nộm rêu hoặc rêu nướng. Để làm món rêu nướng thì sau khi cắt nhỏ ra thì cho vào rêu: Mắc khén, tỏi, ớt, gừng, sả, nước mắm và có cá suối nướng cùng sẽ càng ngon hơn. Sau đó bọc tất cả vào lá vả, hoặc lá chuối đem nướng trên than hồng. Món rêu đá nướng, nếu bạn may mắn được ăn một lần sẽ nhớ mãi hương vị thơm ngon kì lạ của nó. Ngoài ra, ăn rêu đá còn rất tốt cho sức khỏe. Có tác dụng thanh mát, giải độc cho cơ thể, lưu thông khí huyết, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.


    Theo khoa học thì ăn cá rất tốt cho sức khỏe, người Nhật Bản rất thích ăn cá tươi và có cách chế biến cá thành những món ăn rất độc đáo, ví dụ như món sashimi của Nhật đã nổi tiếng khắp thế giới. Ở Tây Bắc, người Thái cũng có một món ăn từ cá cũng độc đáo và gây thương nhớ không kém, đó là món cá nướng pa pỉnh tộp. Trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái, đa số họ không dùng dầu mỡ để chế biến món ăn, phương pháp chế biến dựa vào kinh nghiệm từ xa xưa và thường dùng rất nhiều loại gia vị từ thiên nhiên như mắc khén, hạt dổi, lá mắc mật, rau mùi, ớt, hành, tỏi, sả,... Vì vậy, món ăn của họ thường có mùi vị rất riêng biệt, thơm ngon, đậm đà và nhiều dinh dưỡng.


    Theo tiếng Thái, pa có nghĩa là cá suối, pa pỉnh tộp nghĩa là cá suối gập nướng. Để làm món pa pỉnh tộp, nguyên liệu chính là cá, thường thì cá nào cũng có thể làm được, nhưng thông dụng và ngon nhất là cá suối, cá rô phi, cá trắm và cá chép. Cá được cắt dọc phần lưng để dễ gập lại và gia vị ướp trong bụng cá không bị chảy ra ngoài. Sau đó cho phần gia vị ướp bao gồm: nước mắm, mắc khén, sả băm, ớt, lá mắc mật vào trong bụng cá, gập đôi lại rồi cho vào vỉ nướng đều hai mặt trên than hồng. Nướng đến khi cá chín vàng ươm, có mùi thơm thì bỏ ra đĩa, ăn nóng. Gắp miếng cá, chấm vào bát chẳm chéo cay cay mặn mặn, đưa lên miệng ăn sẽ cảm nhận thấy thịt cá mềm, vị ngọt và rất thơm ngon. Thường thì món cá nướng pa pỉnh tộp là món chính trong cỗ cưới và mâm cơm đãi khách của người Thái.


    Đến mùa mắc khén, người dân Tây Bắc thường hái về, buộc thành từng chùm, phơi khô rồi treo ở gác bếp để dùng dần. Những món ăn độc đáo được kết hợp với những loại gia vị đặc biệt như mắc khén, khiến du khách khi tới nơi đây, ăn một lần sẽ nhớ mãi hương vị của núi của rừng. Các món ăn đặc sản từ Tây Bắc là một nét riêng từ cách chế biến cho đến hương vị, góp phần vào sự đa dạng, phong phú trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam.


    Đặng Thùy Tiên

    Thơm ngon
    Thơm ngon "hạt tiêu rừng Tây Bắc"
    Thơm ngon
    Thơm ngon "hạt tiêu rừng Tây Bắc"
  6. Nàng thích được gọi cái nắng vào thu ở miền Tây Bắc như thế. Đó là cái nắng vàng rực rỡ như thêu hoa thêu gấm dưới trời thu. Cái nắng lung linh sắc màu, khi đất trời vào thu, người ta chỉ gặp ở miền núi cao Tây Bắc, hay nói một cách khác, nàng thích thú nhận ra cái nắng thu ấy mang sắc màu thổ cẩm. Ấy là khi những vườn cây trái chín vàng, sự thơm tho tràn theo hương gió, đầy gọi mời.


    Nắng dệt nên nhiều thảm hoa kỳ ảo trên những triền đồi vắng. Nắng nhảy nhót, reo vui cùng những cơn gió hoang. Nắng vàng lên sắc màu lúa chín trên những ruộng bậc thang nhấp nhô sóng lượn. Nắng xanh lên trên mái tóc của những cô nàng miền Sơn cước. Nắng chín đỏ trên những cặp má đào. Nắng về theo những nụ môi hồng. Nắng ánh lên sắc tím trên chõ xôi nếp nương mùa gạo mới của các mế. Nắng đen sậm trên những sắc áo chàm của những người đàn ông Mông. Đó là sắc nắng lung linh thổ cẩm. Không gian đã bớt đi sự oi ả, chang chang nóng bức của mùa hè. Mùa thu và hương cốm mới đang về.


    Hãy cùng nhau lên với Tây Bắc để lắng nghe nắng hát. Nắng làm bước chân đi xa thêm gần lại. Nắng thổ cẩm sẽ hào phóng thêu gấm hoa lên mỗi bước chân của bạn. Nắng chưng cất cho trái cây suốt từ mùa Xuân sang mùa hạ và đến mùa thu thì quả đã chín thơm. Cây lá và quả mùa thu đã chín đỏ, chín vàng trên những đồi cam, quýt, na, bưởi. Sắc vàng tươi quyến rũ của những trái thị chín thơm làm người ta phải xuýt xoa. Như những chiếc đèn lồng xinh xắn, vàng tươi, những trái thị cứ thơm nức không gian. Mùi ổi chín, chuối chín, mít chín cùng đua chen hương thơm với thị.


    Trên mỗi cung đường đi lên Tây Bắc, sự trập trùng, quanh co, làm cho thứ nắng thu kia ảo diệu và như trong trẻo hơn. Khi đất trời ngập tràn thứ ánh sáng gấm hoa rực rỡ thì hương thơm của cây trái lan tỏa, gọi mời những mùa vàng ấm no. Nắng thu rực rỡ bên này đồi gọi nắng phía bên kia. Nắng thu đang mở ra trước mắt bạn một miền thiên nhiên biếc xanh, thơm tho và quyến dụ. Bà con các dân tộc miền Tây Bắc ăn Tết độc lập vào dịp Quốc Khánh 2/9 trong một không khí náo nức đặc biệt ! Đó là dịp để trai gái các bản làng xuống núi vui chơi và tìm bạn.


    Mùa nào miền Tây Bắc quê hương nàng cũng đều đẹp ! Bởi mùa nào miền Tây Bắc cũng đậm đà hương sắc. Tây Bắc sẽ quyến dụ bước chân của bạn bằng cái nắng lấp lóa với đủ mọi sắc màu. Ấm áp, gần gũi, nồng nàn, lung linh và da diết nhớ thương. Ngược biên cương đi bạn ơi, hãy thử chuyến du ngoạn đi men theo dọc dòng sông Hồng. Đó sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời. Sông Hồng từ nơi cội nguồn đất Việt sẽ thì thầm kể cho bạn nghe vô vàn những câu chuyện hay và hé mở những điều bí mật.


    Một ngày, nàng cho phép mình vừa bay vừa hát theo dọc sông Hồng trên đôi cánh thi ca. Được trở về quê hương Lào Cai trong nỗi nhớ khôn nguôi. Đó là một chuyến viễn du đẹp đẽ và ảo diệu. Một cuốn phim hay được mở ra trong tưởng tượng. Được về lại tuổi thơ với dòng sông yêu thương và ngắm những cây cầu xinh xẻo từ thuở nàng còn nhỏ. Về với những giấc nắng hoa thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Nắng thổ cẩm đang trổ lấp lánh trên những con đường cũ, trên những vách núi cũ, trên những ngọn đồi cũ, trên sắc màu váy áo rực rỡ của những cô gái dân tộc mà bao năm chưa chịu già.


    Nắng thổ cẩm rọi lấp lánh trên gương mặt của những người đàn bà miền sơn cước. Họ dường như bao năm qua vẫn thế. Họ vẫn trẻ, vẫn giản dị, hồn nhiên, nụ cười không có tuổi. Nắng thổ cẩm sáng lung linh trong tâm hồn nàng là điều có thật. Cái nắng vừa ấm áp, rực rỡ, vừa lấp lánh, ảo huyền. Phố núi Sapa- Lào Cai luôn chờ đón nàng quay trở về. Nàng thấy mình đang bay trong biển mây ! Ngược miền biên cương, nàng đi tìm lại mình. Tìm lại tuổi thơ và cây cầu treo xưa. Cây cầu treo cũ ngày nào vẫn còn lắc lư, chòng chành trong trí nhớ. Cầu cũ rung rinh trong nắng, vắt ngang qua một dòng suối nhỏ.


    Dòng suối ấy có những dải cát vàng, nhiều sỏi trắng, nước trong văn vắt. Cây cầu ấy vắt ngang giấc mơ, vắt ngang những chiều ảo vọng. Nàng bỗng vắt vẻo gió. Nàng chợt lửng lơ mây. Nàng thấy mình nhẹ tênh khi bay bay, khỏa mình trên sóng nước. Nhớ dáng em xưa khi còn thơ ngây. Là nàng của một thời xa xưa con gái. Gió níu ô cây, gió mong cây mở lá xoè ô. Đôi tay non bé bỏng, là nàng thuở ấu thơ vụng dại của ngày xưa.


    Nơi ấy, nàng từng sợ hãi không dám bước đi khi bấm chặt chân đất để đi qua cây cầu ấy trong những ngày mưa trơn trượt. Nhớ ngày đến lớp ở nơi sơ tán, hai bàn tay bé xíu của trẻ con đã cố sức bám chặt vào hai bên dây ô văng của cây cầu treo. Tròng trành và lắc lư! Dưới kia là con suối đục ngầu vào mùa lũ. Vụng dại và ngây thơ đến thế ! Đó là những ngày nàng đến trường đi học vào những năm đi sơ tán 1969- 1970.


    Những dải đồi xoãi lưng nằm mơ màng ngủ. Ruộng bậc thang nơi lưng chừng núi vẫn mướt mải chín. Đợi mùa vàng về, cho lúa thơm lên cồn cào gốc rạ. Nàng nhớ như in con dốc cao, ngược lên theo lưng đèo, con đường lên với Sa pa mù sương. Nơi có những cây thông già thân mốc trắng và cao vút. Dốc còn mải quanh co làm chi để con suối dưới thung kia phải ngước mắt nhìn lên ?


    Có phải tiếng em gái Hmông đang cười trong gió ? Mà sao hoa cỏ lim dim say đến thế ? Hay là tiếng chuông chiều từ ngôi nhà thờ đá đã ngân lên. Có tiếng những bước chân trai gái dắt ngựa đi xuống chợ từ xa xưa.


    Nàng nghe thấy tiếng vòng bạc leng keng theo từng bước chân Sơn nữ.Ngược lên miền biên viễn xa xôi. Ngắm rừng xanh và nhớ màu khèn lá. Trai Hmong có còn gọi bạn tình, nghe ngất ngư trong gió những lời ca rêu đá. Suối rì rầm kể chuyện lan man. Để thác kia tức tưởi vỡ òa òa trắng xóa. Nắng thổ cẩm vẫn lung linh trên lá. Quê hương ta có biết bao nhiêu niềm đắm say thật lạ !


    Hát lên một khúc “Tuổi đá buồn” khi tự hỏi đá xanh rêu kia đã bao nhiêu tuổi. Nhớ mùa mùa tóc ai ngả xanh rêu chín. Núi cúi đầu trầm ngâm đứng lặng, mây trắng lưng trời thả những vòm khăn mây bịn rịn. Chợ phiên kia cũng sắp tan rồi. Ruộng bậc thang lưng núi xa kia vẫn mướt mải nắng xanh. Vẫn đợi mùa vàng thơm cồn cào gốc rạ. Đêm mùa hạ,nàng mơ những giấc xanh. Em gái xưa có còn ngồi vun nắng hoa thổ cẩm ? Mà màu nhớ, màu thương vấn vít trên những sợi lanh mềm ?


    Nắng thổ cẩm reo lấp loáng tiếng chim chiều. Màu yêu thương vẫn xanh lên mắt núi. Màu xanh bất tận của biên cương ! Đó là mảnh đất yêu dấu Lào Cai, quê hương tuổi thơ của nàng. Nơi núi cao rừng thẳm, nơi đất và người luôn gắn bó, nơi mênh mang sức sống cao nguyên. Nơi con người luôn sống hoà quện cùng thiên nhiên. Xứ sở miền biên cương, nơi đầu nguồn khi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Nơi có những dòng suối nhỏ, như những mạch nguồn, cứ trong veo. Những dòng suối tuổi thơ vẫn chảy mãi trong tâm hồn ta suốt tự thuở nào. Một mùa thu với sắc nắng thổ cẩm vẫn xôn xao !


    PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO

    Mùa nắng thổ cẩm!
    Mùa nắng thổ cẩm!
    Mùa nắng thổ cẩm!
    Mùa nắng thổ cẩm!
  7. Lỡ hẹn mãi với suối ngàn thác núi, cuối cùng tôi cũng đến được với cội nguồn Tây Bắc yêu thương. Xe vun vút bay trên con đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai như chưa từng bao giờ gặp không gian thênh thang đến vậy.Xa dần những xóm làng san sát, xa dần những ồn ã phố phường, Tây Bắc ẩn hiện trong sương, mênh mang sâu thẳm như người thiếu nữ mơ màng giấc xuân, dáng nằm tình tứ quyến rũ làm hồn người sóng sánh. Thấp thoáng những nếp nhà sàn mái lá xám đục ngả đầu vào lưng núi. Rì rào âm hưởng của lá rừng vẫy gió, của tiếng suối thì thầm vọng lại lắng đọng thành cảm giác gờn gợn trên da thịt và nghèn nghẹn nơi lồng ngực.


    Sa Pa đón tôi vào một ngày sương mờ dùng dằng chia tay những ngày đông cuối cùng nên giăng kín con đường ngoằn ngoèo giữa lưng trời.


    Cảm xúc trong tôi thay đổi liên tục như một bản giao hưởng đầy biến tấu khi chạm dần đến vùng đất mà mình mà chỉ mới gặp trong ao ước. Đi giữa màn sương mờ, ấy là lúc tôi có cảm giác mình đang lạc bước vào một câu chuyện tình đầy lãng mạn. Mưa phùn gieo mình nhè nhẹ lên những chồi non. Nồng nàn hơi thở của đất trời lúc giao mùa. Trải qua những ngày giá rét, người ta vẫn cảm nhận được mùa xuân đang về khẽ khàng trong gió.


    Có khi xe đi qua một vùng không sương, từ cửa kính xe có thể ngắm những cây đào phai mọc trên núi đá, vắt vẻo giữa lưng chừng trời đất hòa quyện sương khói bảng lảng . Mùa xuân ở vùng cao bao giờ cũng se sẽ đặt bước chân dịu dàng đầu tiên lên mỏng mảnh cánh đào. Lúc thấy màu hồng thấp thoáng cũng là lúc tôi quên đi những dốc cua tay áo chao đảo đất trời làm cho mình thấy chóng cả mặt...


    Có lẽ đối với bất kì ai, cảm xúc dành cho lần gặp gỡ đầu tiên bao giờ cũng thật ấn tượng. Ngồi trong cáp treo dẫn lên đỉnh Fan Xi Păng, mưa lất phất, xung quanh dày đặc một màn sương trắng lạnh buốt, đi trong bốn bề sương bao phủ, không gian dường như thu hẹp lại thành bức rèm trắng tinh, tôi hình dung mấy cô gái ngồi trong ca bin cùng tôi kia giống như nàng Thúy Vân, Thúy Kiều thời hiện đại lên với Sa Pa để trải nghiệm cảm giác “ êm đềm trướng rủ màn che”. Suy nghĩ thoáng chốc ấy vụt biến mất khi không gian chợt sáng bừng. Cáp treo chạy lên khỏi thung lũng. Chao ôi, có lẽ lần đầu nắm tay chàng trai mình yêu cũng chỉ cảm xúc đến dường ấy thôi. Trước mặt, sau lưng là rừng là thác, là mây bay xuống từng lớp từng lớp từ trên đỉnh núi đẹp mê hồn.


    Ngược con dốc dài, mây quấn chân người để lên đỉnh Phan Xi Păng, chúng tôi quyết định bỏ qua sự trợ giúp của công nghệ, leo bộ để trải nghiệm cảm giác chinh phục nóc nhà Đông Dương.Bích Vân thiền tự hiện giữa khoảng không thênh thang, tiếng chuông chùa ngân nga trong thoang thoảng hương trầm gợi nỗi cảm hoài về một một miền biên viễn xa xôi bạt ngàn mây trắng lưng trời, bạt ngàn lau lách phảng phất hồn thiêng ông cha từ ngàn đời. Sương khói bảng lảng xen lẫn với những hạt mưa xuân trên đỉnh núi cao hơn ba ngàn mét khiến tâm hồn tôi như được thanh lọc, bỗng lắng lại dịu dàng, những bon chen chộn rộn của cuộc sống đời thường tan biến nhường chỗ cho cảm xúc lâng lâng đầy tự hào về những đẹp đẽ nhất tạo hóa đã ban cho đất nước mình.

    Sa Pa mùa xuân bạt ngàn sắc hoa. Hoa bung nở vạn màu trên núi Hàm Rồng, bẽn lẽn e ấp mấy chùm son môi, lồng đèn trước cửa các nhà hàng, khách sạn; đỏ tươi tắn ấm áp vài bông chuối giữa lưng chừng núi xanh thăm thẳm. Nhánh lan rừng hồn nhiên vắt vẻo tỏa hương trên mấy thân gỗ già nua cũ kĩ. Sinh động nhất là những bông hoa thêu trên váy xòe của các cô gái bản xuống chợ, họa tiết với gam màu thật đến nỗi mấy cánh bướm cũng rập rờn bay theo chùm hoa đầy sức sống đang chuyển động.Đi dạo một vòng quanh chợ bán đặc sản miền Tây Bắc, muốn mang chút hương rừng về xuôi, tôi chọn cho mình hai giò lan xinh xắn. Cô bạn nhà văn đã gắn bó mấy chục năm với SaPa bảo: “ Lan này mang về xuôi sẽ héo thôi”. Lan rừng ở đây không thể rời xa núi rừng, không xa được sương khói SaPa, xa là nó cạn khô dòng nước mắt, nên nó cứ ôm ấp mây trời lưng núi mà chắt lọc yêu thương mà dâng hiến nhan sắc và hương thầm..


    Giá như đời người, gặp nơi nào, người nào yêu đắm say nhất sẽ không phải rời xa, tôi sẽ ở lại mãi với đất này để bốn mùa ngắm mây trắng đọng ngang trời Tây Bắc. Nhưng cuộc đời là mải miết chuyến đi nối tiếp nhau, là nuối tiếc cho những mối tình dang dở nên vẫn phải chia tay. Về xuôi rồi, đêm nằm giữa ồn ã phố đông mà một mảnh hồn tôi vẫn neo lại nơi lưng trời mây trắng…


    Sưu tầm

    Lưng trời mây trắng
    Lưng trời mây trắng
    Lưng trời mây trắng
    Lưng trời mây trắng
  8. Ngợp sắc vàng trước mắt tôi vẻ đẹp sóng sánh, quyến rũ của mùa thu. Đó là màu nắng vàng như rót mật quyện với màu vàng xuộm ấm no trên những ruộng lúa bậc thang lượn sóng, mềm mại, trải dài khắp đất trời. Yên Bái mùa thu đẹp quá! Tôi muốn thu vào mắt mình tất thảy khoảnh khắc này, muốn bay lên cùng trời đất này, Yên Bái ơi!


    Đã đến Tây Bắc nhiều lần, Tây Bắc thử lòng tôi bằng đèo cao, bằng thung sâu, bằng những đường đèo quanh co đến nín thở, nhưng tôi đã phải lòng Tây Bắc. Mảnh đất Mộc Châu, Sơn La mùa hạ với những triền đồi xanh mát, ngút ngàn tầm mắt. Những quả mận chín đỏ, ngọt ngào như cô gái đang căng mọng vào mùa chín khêu gợi. Rồi Sa Pa mờ mờ, ảo ảo, thấp thoáng trong mây, quyến rũ như một nàng dâu e ấp trong chiếc khăn voan ngày cưới...Nhưng đây là lần đầu tôi đến Yên Bái vào mùa thu.


    Bài hát Đường lên Tây Bắc của nhạc sỹ Văn An cứ vang lên trên suốt hành trình: “Đường lên Tây Bắc xa xôi, nếp nhà sàn thấp thoáng...Cùng bảo vệ quê hương, sức trai bền gan chiến đấu...” . Tôi lại nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc viết sau khi giải phóng Điện Biên: “...Lên miền Tây vời vợi ngàn trùng/ ...Ở dưới xuôi nghe nói ngại ngùng/ Lúc ra đi, lửa trong lòng vẫn cháy” . Cảm xúc của nhạc sỹ, nhà thơ như vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Trải qua cung đường hơn bốn trăm cây số, qua bao ruộng vườn, thành phố, bản làng, qua những sườn núi cao hun hút gió, những dòng sông cuồn cuộn chảy ngược phía tôi đi, tôi đã đặt chân tới mảnh đất này. Tôi choáng ngợp trước vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ mà hùng vỹ. Trải ra trước mắt tôi là những con suối vừa hiền hòa, vừa dữ dội, len lỏi qua những khe đá với khúc nhạc rừng bất tận, là những cánh rừng già rậm rạp, hoang vu và kỳ ảo, là tiếng chim rừng lảnh lót thả vào đại ngàn bản hòa tấu những cung bậc diệu kỳ.


    Thị xã Nghĩa Lộ hiện dần ra nghiêng nghiêng trong lòng chảo Mường Lò. Nhà sàn homstay hiền lành như nụ cười đôn hậu của chủ nhà tươi cười niềm nở đón đoàn. Bữa tiệc rượu được bày ra. Những món ăn đặc trưng của vùng Tây Bắc quyện mùi rượu ngô thơm nồng ngây ngất men say. Men say trong niềm vui hạnh ngộ của đoàn Báo chí khóa Ba cùng men say rạo rực của đất trời, tụ hội nơi cửa ngõ Tây Bắc thiêng liêng của Tổ quốc hòa quyện vào nhau làm lòng người lâng lâng, rạo rực.


    Đêm đó, chúng tôi được dự Lễ hội xòe Mường Lò, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của ba mươi dân tộc anh em, là một trong những di sản văn hóa của các dân tộc Yên Bái. Một lễ hội ngợp sắc màu văn hóa truyền thống, phong phú, đa dạng của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Thái , Mường,... rực rỡ, tỏa sáng.


    Tiếng chiêng cùng tiếng khèn, tiếng sáo vang vọng khắp bản mường, trôi trên những cánh rừng ban đang ủ nhựa, giục bàn chân em nhịp nhàng trong điệu xòe hoa rộn ràng thổ cẩm, giục những chiếc khăn piêu bay bay trong gió. Đôi môi em hồng như thảo quả chín lựng mùa đông. Hồn tôi cũng phiêu du cùng những ca khúc mang bản sắc riêng của vùng cao Tây Bắc như Thu Khau Phạ, Men say và ngất ngây bên em, tay trong tay ngập ngừng điệu Xòe Thái...


    Con đường dốc cao dẫn tôi đến đồi mâm xôi của La Pán Tẩn với những cảnh sắc rực rỡ, mê hoặc lòng người. Đó là những thảm lúa vàng óng ả nơi đèo cao, thung sâu, nơi những ruộng bậc thang nép mình bên những sườn núi cao lưng chừng trời, uốn lượn trong nắng, trong gió dịu dàng của mùa thu. Để những dãy núi biến thành những bức tranh màu hoàng lam tươi thắm và lộng lẫy như ngày hôm nay hay sóng sánh, lấp lóa mùa nước đổ là cả một vốn tri thức dân gian của người dân miền núi bao đời truyền dạy theo thế hệ, là sản phẩm trí tuệ, sức chinh phục thiên nhiên và thái độ sống thuận theo tự nhiên của người miền núi. Ruộng bậc thang nơi đây đã góp phần gìn giữ văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa hình vùng núi đồng thời tạo ra khu du lịch có sức hấp dẫn đặc biệt. Tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hút hồn của danh thắng được xếp vào di sản Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, nơi đã thăng hoa những cung bậc cảm xúc cho bao nghệ sỹ nhiếp ảnh, họa sỹ và du khách mỗi mùa thu về. Tôi lạc giữa màu vàng rực rỡ, ấm no và bình yên của đồi mâm xôi, rồi ngẩn ngơ trước những dải sương rơi đậu trên vai áo em hồn nhiên, trắng dịu dàng hoa tam giác mạch. Muốn ở lại mãi đây khi chiều chưa tắt nắng, khi hoàng hôn chuyển dần sang màu tím mộng mơ phía Dế Xu Phình và Chế Cu Nha để lưu lại khoảnh khắc khó phai với mùa thu, với vùng đất đẹp tươi của non sông gấm vóc thơ mộng này.


    Nắng dát vàng cả đèo Khau Phạ. Du khách đứng trên đèo cao hiểm trở thích thú ngắm những chiếc dù lượn đủ sắc màu tươi thắm bay lên, kéo theo phi công như mặt trăng kéo theo vì sao giữa ngày thu đầy gió. Trời xanh, cao thăm thẳm ở trên đầu, màu xanh vô tận của ruộng bậc thang, của cây rừng và núi dưới thung lũng Tú Lệ. Ngắm những cánh dù lượn, ta như muốn bay lên khám phá vùng trời cao xanh kia để trải nghiệm, để thử thách bản thân với môn thể thao mạo hiểm này.


    Dưới thung lũng Tú Lệ, ruộng bậc thang của người Thái, người Mông trông như những dải lụa mềm mại. Nghe thoang thoảng đâu đây trong gió, có tiếng chày khua nhịp nhàng và dịu thơm hương cốm. Cô gái Thái, mặt ửng hồng bên bếp lửa, đôi tay mềm mại như múa sảy những hạt ngọc của đất trời để du khách không uống rượu mà say, mà òa lên sung sướng khi nếm thử thứ cốm mới ra lò xanh ngắt, thơm lừng. Nhấm hạt cốm trong miệng, ban đầu có vị hơi đắng, sau chuyển sang vị thanh, ngọt, dẻo, dai, tim ta như tan chảy theo mùi, vị của cốm. Cốm được dâng lên tổ tiên để tri ân công lao khai phá mảnh đất này, cốm như sứ giả theo chân du khách tới những vùng đất xa xôi. Cốm không chỉ là đặc sản, còn là hiện thân văn hóa, đó là giá trị truyền thống thiêng liêng của người già, là niềm tự hào của lớp trẻ Tú Lệ.


    Ngược con dốc vắt vẻo như sợi chỉ mỏng quanh sườn núi rồi vắt thẳng lên trời, chúng tôi đến với bản Lìm Mông. Bản luôn ẩn mình trong mây với những gốc mai, gốc đào già cỗi, với những nương lúa đẹp nhất Mù Cang Chải, nơi giao thoa giữa đất và trời. Lìm Mông như một bức tranh tuyệt mỹ của cuộc sống thanh bình, no ấm vào mùa gặt với những cô gái Mông má ửng hồng, nụ cười hồn nhiên, tình tứ, với những đám mây hồng nhạt lửng lơ cuối trời và những cánh chim bay liệng trên cánh đồng yên ả.


    Rừng chè cổ thụ Suối Giàng vài trăm tuổi ngờm ngợp màu xanh. Xanh nõn nà của những búp chè trên những thân cây cổ thụ già mốc thếch. Nâng chén chè trên tay, hương thơm bay lên dâng đầy không gian như gọi mời. Nhấp từng ngụm nhỏ, ban đầu thấy vị đắng nơi đầu lưỡi rồi chỉ còn vị ngọt lan dần và đọng lại ...


    Xa Yên Bái rồi, lòng tôi còn lưu luyến với mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa này. Tôi chẳng thể quên nụ cười mến khách, thân thiện của chủ nhà, mùi xôi nếp cẩm, bậc cầu thang đã nhẵn thín trong ngôi nhà sàn, nơi tôi ngồi nghe tiếng hát dân ca của chàng trai Mông : “Đêm đã qua sao lượn vòng đổi chỗ.../ Ta lê bước về nhà.../ Mà hồn như còn bên tà áo em...”.


    Sưu tầm

    Sóng sánh mùa thu Yên Bái
    Sóng sánh mùa thu Yên Bái
    Sóng sánh mùa thu Yên Bái
    Sóng sánh mùa thu Yên Bái



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy