Top 10 Tản văn viết về ngày xưa hay nhất

Phương Kem 536 0 Báo lỗi

Những bài tản văn viết về ngày xưa gợi cho chúng ta biết bao kỉ niệm ngọt ngào nhưng không kém phần nuối tiếc một thời đã qua. Với những câu văn nhẹ nhàng, sâu ... xem thêm...

  1. Top 1

    Hương vị quê xưa

    Tôi luôn muốn mình được tìm về với vị quê xưa, ấy là những lúc mệt mỏi hay buồn phiền...cũng có đôi khi ngay cả những lúc tôi đang vui vẻ hay hạnh phúc cũng vậy. Vị quê xưa luôn khiến tôi thấy được sự dễ chịu...thư thái trong tâm hồn, như được tựa lòng mình vào đó để mà cảm nhận lại được sự ấm áp, sự gần gũi, cảm nhận được cả yêu thương ấy của một thời đã xa...


    Ngày đó, những ngày tuổi thơ của tôi chạy dài, ngày vui bước sải với bạn bè cùng trang cùng lứa trên con đường làng quê thân thương quen thuộc, hay trên triền đê nơi có con sông Luộc chảy qua...giấc mơ tôi cũng thật giản dị như bao đứa trẻ của làng quê ngày ấy, nơi mà tôi đã từng lớn lên...


    Nơi giấc mơ tôi thơm mùi rơm rạ, thơm mùi lúa mới, thơm cả những giọt nắng vàng. Mênh mang...lang thang như mây, bồng bềnh phiêu du, dềnh gió ngây trời...Nơi giấc mơ được cõng trên cánh diều tuổi thơ vi vu, ngân nga... ngân nga hồn quê êm dịu...


    Hương của đêm, hương của cỏ triền đê, mùi của phù sa, mùi của hương cỏ mật. Rất đỗi ngọt ngào, khẽ quyện lại rồi hoà vào với ánh trăng thanh thấm đẫm cả không gian, gieo vào tâm hồn tôi một thứ vị rất riêng, VỊ QUÊ...


    Tôi không biết đối với người khác thì thế nào?


    Nhưng tôi tin bất kỳ ai đã từng sinh ra hay lớn lên ở những miền quê thì không thể nào quên được những mùi hương, hay vị quê của một thời đã nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng cả tuổi thơ của mình.


    Cho dù là ai, cho dù làm gì, cho dù ở đâu thì trái tim vẫn luôn hướng về quê hương, về nguồn cội. Nơi dòng sữa mẹ nuôi ta khôn lớn, nơi dòng máu nóng luôn chảy về tim...


    Tôi thèm được trở về là một cậu bé con ngày nào. Khi bình minh, tôi thức giấc với tiếng chim kêu ở vườn sau nhà, trước nhà, tiếng những chú gà con chiếp chiếp gọi mẹ chạy theo kiếm ăn...


    Quên làm sao được những buổi sớm mai thức dậy, hương hoa cau ngát hương thơm dìu dịu, rồi cả những mùi hương bưởi nồng nàn dìu dặt đưa hương cùng với ánh ban mai tràn ngập ngoài ngõ, ngoài sân. Nơi cả khu vườn rộng xanh ngát với những cây ăn quả cứ âm thầm toả hương theo từng mùa, từng tháng...


    Để tôi được hít hà thật sâu cái thứ hương quê ấy, dịu dàng thôi mà rất đỗi thân thương. Đi đâu bây giờ mới thấy được cái thứ hương quê đấy, khi ta sống ở một nơi như thành phố với những bộn bề lo toan, với những thứ xuôi ngược, ngược xuôi, bon chen, xô bồ ầm ĩ...


    Tôi thèm được hít một hơi thật sâu...Muốn nghe được thấy cả tiếng đung đưa của những tàu lá cau, lá dừa cọ vào thân cây loà xoà mơ màng trong nắng, tới những cơn gió nhẹ nhàng thổi tới...


    Tôi thèm được thấy mùa đông về, thèm được thấy bà tôi gầy guộc khom người ngồi co ro bên bếp lửa, chẳng thể rời xa căn bếp ấm mùa đông. Nơi tro tàn trấu ủ, phảng phất làn khói cay nồng đượm, hương vị quê tuổi thơ tôi. Tôi thèm được ăn lại những củ khoai tây nướng của bà vào mỗi sáng mùa đông lúc tôi chuẩn bị đến trường, mùi khoai cứ hoài thơm phức.


    Tôi thèm nghe thấy tiếng gió bấc ngoài hiên ào ào thổi, lách mình qua khe liếp hẹp, cùng với đêm khẽ trườn nhẹ vào phòng. Để cảm nhận sự ấm áp yêu thương vỗ về của bà, của mẹ trong những ngày đông lạnh xưa qua...


    Tôi thèm được thấy bà tôi nhiều lần nữa, nơi mỏi chiều về hoang hoải triền đê, nơi mải mê đồng xa rã rời thân cò cõng nắng. Nơi dáng bà tôi hoà mình bên từng gốc rạ, vấn vít nắng thơm, ngái nồng của rơm khi mưa về ngập nước.


    Tôi lại thấy mình như đi lạc giữa thực, giữa hư, giữa chiêm bao để chạy ào vào cơn mơ...mong muốn mình bé nhỏ để hong khô một tâm hồn. Cần lắm những trưa hè êm ả nơi miền quê xưa. Để nghe được lời thì thào của từng cơn gió như mách bảo, những đoá sen hồng nhạt nơi giữa hồ kia cũng đang lặng lẽ tỏa hương...


    Tôi lại nhớ mùi sắn của bà, tôi nhớ mùi của khoai, tôi nhớ cả hương lúa sữa còn vương nơi áo bà, áo mẹ...


    Ơi dòng sông quê tôi luôn chở nặng vị phù sa, nơi mùi khói đồng đốt rơm làm cay cả mắt đàn cò cõng nắng. Nơi quê tôi mặn mà tới cả từng hạt gạo bát cơm, nơi nhỏ những giọt mồ hôi trên đồng của bà, của mẹ.


    Quê hương ơi...Tôi còn nợ những buổi chiều đi mót khoai đồng xa, luôn thấy được mùi nồng ngai ngái dâng lên của đất. Còn nợ những ngày theo ông ra đồng đi cày, vương bùn bám gót vẫn còn tanh. Còn nợ cả vầng trăng non đang lên bên ngoài ô cửa nhỏ...Nợ nhiều lắm quê hương ơi..!


    Quê hương ơi...Tôi còn nợ thêm cả những ngày bắt cào cào châu chấu, nợ những ngày nghễu nghện lưng trâu chơi trò chơi trận giả...Nợ cả những ngày rét về run run trong mắt...bởi giờ đây đã vắng mãi đi tiếng thân thương của bà...


    HƯƠNG VỊ QUÊ XƯA ấy đã in đậm trong ký ức, trong tâm hồn của tôi. Những lúc mệt mỏi hay buồn phiền chính là lúc tôi muốn được tìm về...Như thể xoa dịu đi... như thể hong khô được một tâm hồn giống như cậu bé con ngày nào rất cần những trưa hè êm ả. Cần tâm hồn bay bổng như cánh diều...để đôi khi ngay cả trong mơ, cánh chuồn chuồn ấy vẫn bay lượn quanh mặt ao quê thuở nào...


    Để tôi được thấy mùi khói bếp của bà ngày nào, còn vương vương nắng thơm nồng mùi rạ. Tôi muốn mình được hít hà thứ rơm thơm cùng nắng đấy, hít hà những món ăn dân dã ngon mãi của bà tôi.


    Vâng, chỉ có quê hương là cho tôi được yên bình, bởi chỉ có quê hương mới cho tôi được giản dị, mộc mạc, rất đỗi thân quen. Bởi chỉ có quê hương mới cho tôi nhìn thấy được vầng trăng sáng nhất, nơi đêm khuya nghe được cả tiếng côn trùng rỉ rả ca khúc hát quen thuộc từ ngàn năm...


    Lê Minh

    Hương vị quê xưa
    Hương vị quê xưa
    Hương vị quê xưa
    Hương vị quê xưa

  2. Top 2

    Ngôi nhà xưa

    Ký ức xưa êm đềm bỗng bất chợt ùa về khi tiếng những chú chim trên cành ríu rít cùng với tiếng gió rì rào xôn xao...thứ âm thanh như một bản nhạc không lời dịu êm ấy lùa về bao nỗi nhớ...Ta nhớ ngôi nhà xưa của mình.


    Nhớ những đêm trăng sáng chiếu rọi xuyên qua kẽ lá mơ màng. Một cậu bé dõi mắt nhìn ra xa trong màn đêm đang thả hồn lang thang dểnh dang...mơ màng thứ ánh sáng vàng vàng thấm đẫm vòm cây xanh bên ngoài ô cửa nhỏ.


    Cậu bé đang xây cho mình những điều tốt đẹp như trong chuyện cổ tích. Những màu sắc đẹp nhất cứ lần lượt hiện ra... kia là màu xanh, màu đỏ, màu vàng ấm áp và còn nữa, kia là màu hồng, thứ màu sắc mà tất cả trẻ em trên thế giới này đều yêu thích.


    Màu vàng của cha, màu xanh của mẹ, những thứ màu khác còn lại là của chúng con. Những màu sắc ấy cậu vừa chợt nghĩ ra...xanh, đỏ, tím, vàng, cứ thế bao quanh ngôi nhà nhỏ. Kia là vòm cây xanh, tán lá xanh rì suốt ngày vang rộn tiếng chim ca...gửi trên từng cánh lá, gửi trên những bông hoa cho dù có lúc chúng sẽ bay đi... Nhưng âm thanh trong trẻo đẹp đẽ nhất chúng sẽ để lại nơi đây.


    Xôn xao tuổi thơ, ngây ngô những ánh nhìn, thăm thẳm trời cao mà sao bao la đầy diệu vợi.


    Khi bắt đầu chập chững bước những bước đi đầu tiên của cuộc đời, ai cũng có một ngôi nhà bên cha bên mẹ của mình. Ngôi nhà ấy có thể to, nhỏ, hay chật hẹp. Nhưng điều quan trọng lại chính là chứa đựng tuổi thơ của ta, hạnh phúc của ta khi được sống vui vẻ và lớn lên trong ngôi nhà đó. Ngôi nhà ấy sẽ là nơi cất giữ dấu chân đầu tiên của ta. Ta cứ thế lớn dần lên theo năm tháng. Ngôi nhà là nơi cất giữ tiếng khóc khi ta chào đời và là nơi cất giữ cả lời ru ngọt ngào của mẹ...


    Tiếp theo, thêm cả tiếng những đứa em ta bi bô rồi chập chững...tiếng chúng chúm chím cười mà ánh nhìn cha mẹ ta ngời sáng...


    Ngôi nhà xưa ấy cất giữ những mùi hương thời thơ ấu, âm thanh trong trẻo tiếng mưa rơi, tiếng mẹ cha thân thương trìu mến. Và của cả những buổi chiều cùng ngồi quây quần bên mâm cơm ấm áp không khí tình thân.


    Ta nhớ ngôi nhà cứ bền bỉ che nắng, che mưa, ngôi nhà tuy nhỏ thôi nhưng luôn tràn ngập tiếng cười của những ngày mưa và của cả những ngày nắng. Ta nghe êm dịu rặng cúc tần xanh mát ngày hè, nơi có giàn mướp hoa vàng hấp dẫn rập rìu cánh bướm từng đôi, đậu rồi lại bay như đang đan hoa nắng trong từng nhịp vỗ cánh...


    Ngày ấy gia tài của ta chẳng có gì ngoài có cha mẹ và các em thơ. Nơi ô cửa sổ nhỏ ấy để ta nhìn ra ngoài trời. Thăm thẳm xa xa đấy nhưng lại bình yên quá đỗi. Ta chẳng phải màng những nghĩ suy, chuyện ngoài kia cứ mặc gió rung cây, lá sẽ rụng rồi cây im lìm nhìn lá rơi lặng lẽ...


    Cuộc đời ta cứ ấm áp reo quanh nơi ngọn lửa bên bếp của mẹ mỗi ngày, mỗi bữa.


    Giờ đây khoảng trống trong lòng ta chính là ngôi nhà kỷ niệm. Vuông sân ấy héo hắt buồn khi vắng những dấu chân. Rêu phong thoả sức xanh rì in mình lên khắp lối. Ta cứ nhớ, cứ thương dai dẳng mãi không thôi. Đâu là dấu chân của mẹ, của cha? Liệu thêm cả những gì khi làm đau dấu chân mẹ cha ngày xưa ấy.


    Lòng ta lại muốn mình làm ngọn lửa nhỏ mỗi chiều bên mẹ, muốn được nấu bữa cơm giúp mẹ mà không cần giấu khói khi bay. Khoảng trống trong ta cứ nghẹn ngào theo ngày tháng...


    Thời gian cứ trôi còn dòng sông cứ chảy. Đâu là nóng bức của mùa hè, đâu là giá lạnh những mùa mưa? Ngôi nhà của ta ngày ấy cứ sớm tối buồn vui mà giờ đây chỉ còn là hoài vọng. Cứ chan chứa trong lòng ta mà sao chẳng nói được nên lời. Để rồi ta cứ rong ruổi giữa muôn trùng, giữa bao la thác lũ. Giữa thực, giữa mơ, giữa khát khao, giữa những điều xưa cũ, nhưng ngôi nhà xưa vẫn chỉ còn là trong mơ...


    Tia nắng gẫy đôi trên từng tán lá, tiếng chim rụng khi đánh rơi hạt mầm trước cửa ngôi nhà năm xưa, ngày cũ. Liệu có còn thức giấc hạt mầm ngày đó, khi mùa về cứ bỡn cợt trên mái tóc của ta?


    Ta muốn gửi nỗi nhớ về ngôi nhà xưa theo gió mây trôi, trong chiều ráng đỏ hoàng hôn một thời nguyên vẹn trong trái tim xanh non của ta. Gió hãy đưa mây cứ trôi và trời cứ xanh mãi đi nhé!


    Trở về thăm mẹ, thăm ngôi nhà xưa, ta thấy mắt của mình nhoà đi... bước chân của mẹ đã rất chậm, mắt đã mờ dần, dấu chân mẹ đã không còn in khắp lượt của ngôi nhà nhỏ với vuông sân. Ta nhớ tiếng cười của cha khi mỗi lần mở cửa đón ta trở về...


    Ta nhớ những món ăn mẹ làm trong nghèo khó, nhưng cứ ngon mãi trong lòng ta, ấm áp trong lòng ta.
    Rau muống luộc với quả cà muối mặn trong nóng bỏng ngày hè cùng với nước canh chua chua thanh mát của lá me gai. Vâng, tất cả đâu rồi? Ngôi nhà vẫn còn đó nhưng đã vắng mãi đi tiếng cười của cha...
    Ngôi nhà xưa ấm áp, tràn ngập tiếng cười trong những ngày mưa và cả những ngày nắng, mà bây giờ chỉ còn là cổ tích trong lòng ta.


    Lê Minh

    Ngôi nhà xưa
    Ngôi nhà xưa
    Ngôi nhà xưa
    Ngôi nhà xưa
  3. Top 3

    Ấy là tôi nói ngày xưa...

    “… Bờ ao đom đóm chập chờn
    Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi …”
    Nguyễn Duy


    Ấy là tôi nói ngày xưa, đường làng xanh mướt mát mặt trời khó mà chiếu lọt qua tán lán dày đặc của tre, mít bưởi…Những dây tơ hồng vương rủ mềm mại như tấm rèm vàng nhạt trên những hàng ô rô được trồng làm hàng rào. Trẻ con chúng tôi hay lấy kết làm vòng đeo cổ, vòng tay và kính đeo mắt, những cái gọn tròn tròn ngộ nghĩnh cài vụng về bên tai thật đáng yêu. Cây ô rô gắn liền với tuổi thơ bởi vô vàn trò chơi mà lúc nào cũng mới như lần đầu. Trẻ con ngày nay thổi bong bóng bằng xà phòng, vừa độc vừa mất vệ sinh còn ngày xưa, chỉ cất bứt vài lá ô rô, một đoạn cành tre khô nhỏ bằng đầu đũa, dài chừng 10 cm ( có lỗ ở giữa) chấm nhựa ô rô vào đó rồi tha hồ thổi, bóng xanh, đỏ bảy sắc cầu vồng đủ cả, đứa nào thổi to nhất, lâu nổ nhất sẽ thắng cuộc. Quả ô rô cũng ăn, ăn sống hoặc rang hạt, có lẽ chẳng mấy người biết đến mùi vị của loại hạt chỉ dành cho nhà quê này, thơm, bùi béo và ngon nữa, một thứ hạt rất đặc biệt mà hầu hết những ai ăn rồi đều khó có thể quên. Đến cả cái gai của cây ô rô cũng được dùng để chơi trò: “ Kim kỉm kìm kim – nhà ai mất chó sang tôi mà tìm !” Một ô đất được vạch bằng que vuông hay méo không quan trọng, hai hoặc ba đứa chụm vào chơi đầy căng thẳng. Chả có gì, chỉ là ba cái đầu của gai ô rô được bẻ ngắn còn chừng 1 cm sau đó dấu trong khoảng đất đã được vạch sẵn, đứa nào tìm được thì thắng. Nhiều khi tìm cả buổi sáng mà không thấy đâu, ngay cả đứa giấu cũng chịu chẳng biết đâu mà lần !


    Ấy là tôi nói ngày xưa, nhiều bươm bướm lắm, trắng vàng rợp trời. Lũ trẻ con chúng tôi mỗi đứa một túm lá tre, hay cành xanh táo ( loại cây có hoa màu tím nhạt, bé bằng đầu đũa có mật ngọt mà trẻ con thường mút lấy mút để, ở quê nhà nào cũng trồng cây này làm hàng rào ngăn gà vào vườn rau hoặc trồng làm cảnh hai bên cổng ) dùng để đuổi bướm, những đôi cánh mong manh yếu đuối đó không chống trọi nổi với một lũ đầu trâu nên rất nhiều con đã đầu hàng. Chúng tôi nhốt lũ bướm tội nghiệp đó vào trong cái chai hoặc lọ mà chả để ý gì đến sự sống chết của nó cả. Cả quãng thời gian đó thực sự tươi đẹp vô ngần, không bài vở, không học hành chỉ có hái hoa và đuổi bướm mà thôi.


    Đấy là ban ngày, còn đêm đến lại hò reo rủ nhau bắt đom đóm cho vào cái cuống bí già (vì cuống bí già thì rỗng và rất to nên nhốt đom đóm lâu không bị chết ) hoặc nhốt chúng vỏ trong trứng gà, trứng vịt rồi cứ thế lập lòe mà sách đi từ đầu ngõ đến cuối ngõ …Tuổi thơ với những ngày mưa nằng cứ dần trôi đi chỉ có thiên đường mà không bao giờ biết đến phiền muộn, niềm vui nối tiếp nhau đến bất tận.


    Quê giờ chẳng còn giống như ngày xưa, đường đất được thay bằng bê tông, những hàng rào ô rô mướt xanh thơ mộng cũng biến mất, thay vào đó là những bức tường cao ngất ngăn chia và xa cách. Quê giờ cũng không còn nghèo đói như xưa, không ai đoái hoài hay vui mừng gì trước bát cơm nóng nghi ngút khói nữa. Những món ăn đạm bạc, dân dã như canh hoa bí nấu tay khoai nước, cá tép kho lá nghệ, muối vừng, cà bát muối xổi … chẳng buồn ăn, cái gì cũng thừa mứa cho đến những mâm cỗ đầy ngập toàn thịt. Ai cũng nói giờ chẳng thiếu đói nhưng sao đi đến đâu cũng chỉ thấy ăn, mâm cao cỗ đầy, thừa mứa đến mức phí phạm. Trẻ con giờ điện thoại di động nhoay nhoáy chỉ chát với game. Chả biết nên vui hay buồn, chỉ thấy thương nhớ những ngày nghèo khó nên củ khoai, củ sắn cũng có vị trí nhất định trong lòng mỗi người. Bây giờ, đủ đầy quá khiến người ta đánh mất đi nhiều thứ, những điều dung dị, bình thường nhưng đã nuôi tấm thân ta khôn lớn, đồng thời cũng khiến ta từ tâm hơn mà bớt đi sân hận.


    Mọi sự đều do nhân duyên, có sinh nên ắt có diệt, nhưng may mắn vẫn còn đó bờ ao chập chờn đóm đóm mỗi đêm hè, vẫn còn những bông hoa tím mỏng manh hồn nhiên nở rộ bên lối đi mặc cho thời gian có bào mòn và thế gian hư huyễn này có trải qua biến động thế nào đi chăng nữa. Và vì nơi đây vẫn còn có mẹ nên mãi mãi là chốn đi về nương náu bình an nhất.


    Vy Doãn Thị

    Ấy là tôi nói ngày xưa...
    Ấy là tôi nói ngày xưa...
    Ấy là tôi nói ngày xưa...
    Ấy là tôi nói ngày xưa...
  4. Top 4

    Giếng làng

    Ngày trở lại, ghé thăm giếng làng, kí ức tuổi thơ ùa về. Sinh ra từ làng, gắn với giếng nước, gốc đa quen thuộc để rồi thấm hồn quê và tình quê muôn thủa...


    Ngày ấy, nơi giếng làng, lũ trẻ chúng tôi chiều chiều tụ họp. Vui nhất là vào những ngày hè. Nào tắm gội, gánh nước, tưới tắm những luống rau muống xanh um đang khát thèm từng dòng nước mát. Công việc một ngày, chuyện xóm làng một ngày...muốn biết, cứ ra giếng làng sẽ rõ. Đây là nơi sớm sớm bà con thức dậy gánh đôi ba gánh nước trước khi đi làm đồng rồi chiều chiều lại ra đây giặt giũ, chuyện trò...Rộn ràng tiếng cười nói tan hòa giữa dòng nước mát. Ngày tháng dần trôi, nghèo khó mà ấm áp, bình yên hơn bao giờ hết.


    Thủa nhỏ, nghe người già kể lại rằng trước đây có hai giếng cổ nhưng chiến tranh đã tàn phá, giếng làng mất. Làng quê theo đó điêu tàn...Hòa bình lập lại, bà con chung sức dựng xây lại hai giếng làng trên nền gạch cũ. Một cái hình vuông và một cái hình tròn (chắc tượng trương cho đất, trời đây mà). Hai cái giếng trên một trục đường, cách nhau chừng hai chục mét. Miệng giếng rộng khoảng hơn 2 mét nhưng đối với lũ trẻ ngày ấy là cả một khoảng trời bao la. Cúi xuống giếng, cùng nhau hét thật to là âm thanh vang vọng đến vô cùng. Vậy rồi lũ trẻ tưởng mình "vĩ đại" hơn! Giếng làng trở nên thân thiết với tất cả mọi người, nhất là lũ trẻ chúng tôi bởi gắn vô vàn nỗi niềm đáng nhớ.


    Ngày ấy, hầu hết sinh hoạt của bà con đều gắn với giếng làng. Tuy nước không thật trong trẻo nhưng nguồn nước dồi dào và cực kì mát lịm. Ngày hè khô hạn, giếng vẫn vặn mình đẻ nước không kể ngày đêm, cốt sao vừa lòng hết thảy bà con lam lũ ruộng vườn.


    Từ khoảng bốn, năm giờ sáng hay năm, sáu giờ chiều, người lớn đã đi gánh nước. Còn tầm bảy, tám giờ sáng là lũ loai choai tham gia gánh gồng liên tục không ngớt. Cứ quai gàu này đưa lên là ba bốn quai gàu khác buông xuống. Đôi lúc nước nặng quá, trẻ con không kéo lên được, chiếc gàu rơi tuột xuống lòng giếng chìm nghỉm. Quen rồi nên chẳng sợ. Cái khó ló cái khôn. Đứa kiếm cây tre, đứa mượn cây sào, cái khoèo để vục tìm chiếc gàu. Inh ỏi một lúc làm nước đục ngầu lên. Inh ỏi cả khi kéo quai gàu lên được. Hả hê cười, nhe cả hàm răng sún… đẳng cấp! Dẫu biết thể nào người lớn cũng rầy cho một trận vì cái tội nghịch ngợm. Rồi đâu lại vào đó...Đêm trăng sáng lung linh, chơi trốn tìm quanh giếng làng, thấm đẫm mồ hôi, vục mặt vào gàu nước mát, có đứa dội ào cả lên người, sảng khoái không gì bằng!


    Ngày ấy, mẹ làm cho tôi hai cái thùng gánh nước nho nhỏ. Chiều chiều cùng các bạn đi gánh nước làng. Bỏ miếng lá chuối vào thùng kẻo nước ngả nghiêng chan mặt đường làng. Hớn hở vui khi được mẹ khen "ui cha, con mẹ giỏi thiệt". Gánh nước thì chẳng bao nhiêu mà được vui chơi thì nhiều. Từ giếng làng về nhà chừng ba chục mét mà đôi thùng nước nghỉ chân cũng trên dưới chục lần. Phần là vì nặng, phần vì bên lũy tre làng mát rượi còn biết bao thứ hấp dẫn thu hút. Dừng lại nghỉ chân là vì phát hiện có một con chuồn chuồn đang ngủ, ghẹo nó giật mình thảng thốt bay cao, là vì hình như có cái quả gì mới vừa chín mọng, là vì hương hoa dẻ thơm ngát mê hồn nên dừng lại hít hà xíu coi….


    Con đường đất đỏ lô nhô cứ rộn ràng lên khi nước té ra ngoài. May mà có hàng tre phủ suốt chặng đường nên chẳng thấy xa xôi. Chừng nào cái ảng nước của mẹ đầy lên thì đôi gánh sẽ dừng. Háo hức chờ mẹ thưởng những món quà nơi chợ quê nghèo khó. Mà niềm vui của lũ trẻ thôn quê ngày ấy cũng thật đơn giản. Đói thì sẵn có củ khoai, củ sắn, mệt thì có cây mía sau hè, quả ổi trên cây...Lâu lâu có mấy miếng dừa non, mấy cục kẹo ú, sang chảnh hơn là có viên kẹo bi xanh đỏ hay que kem cây (mà thực ra đa phần là đá lạnh)... Vậy rồi lũ trẻ cũng lớn lên như cái câu “trời sinh voi sinh cỏ”. Đứa nào đứa nấy mang một màu da đen nhẻm, một mái tóc cháy sém và một trái tim cực kì khỏe mạnh, thấm đẫm hồn quê thanh bình, yên ả...


    Lớn lên từ làng, tắm mát nguồn nước từ giếng làng, những đứa trẻ hôm qua giờ vươn xa muôn nẻo. Đơn giản là để có cuộc sống khác đi, không vất vả tảo tần như cha mẹ của mình. Tiếc là chưa bao giờ chúng tôi có thể hẹn cùng nhau trở lại giếng làng, bởi mỗi đứa mỗi nơi, mỗi việc…


    Thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi “có ai về quê và trở lại giếng làng để tìm kí ức xưa”? Trên bước đường mưu sinh, có ai từng thổn thức thèm trở về, ấp mặt bên bờ giếng làng để lòng được bình yên? Còn tôi, thấm đẫm cả trong giấc mơ vẫn là hơi mát mơn man từ giếng làng vọng lại. Kí ức lại ùa về, trong suốt pha lê. Dường như những ngày tháng tuổi thơ không nguôi thổn thức.


    Trở lại hôm nay, ghé thăm giếng làng, lặng nhìn dòng nước, soi vào kí ức, nhớ hết những gương mặt thân quen, người còn, người mất...Dòng nước im lìm, giếng làng giờ đây rêu phủ. Dường như nó đang đi vào giấc ngủ ngàn năm bởi giờ chẳng mấy ai làm chênh vênh mặt nước...


    Ờ, sao xa quê, lòng vẫn cứ cháy thèm cái mùi rơm mới – âm ẩm, khay nồng mà ấm áp, dễ thương. Xa quê, lòng cứ thèm hơi mát giếng làng từ xa xưa vọng lại. Hồn cốt quê hương lắng sâu trong tiềm thức. Ngoảnh lại mà nhìn ...Nhịp sống hôm nay không còn như xưa nữa... Giếng làng ơi giếng làng!


    Hoàng Thủy

    Giếng làng
    Giếng làng
    Giếng làng
    Giếng làng
  5. Top 5

    Mẹ ơi! Con muốn trở về ngày xưa

    Mẹ kính yêu!


    Con biết, bây giờ mẹ đang rất giận con, rất buồn lòng vì con. Con cũng biết chỉ nói một lời xin lỗi chẳng có ích gì nhưng con vẫn muốn nói với mẹ ba từ này.


    Mẹ ơi! Mẹ có thể đừng giận con nữa có được không, bởi vì con rất đau lòng, tim con đang rất đau. Và con biết mẹ cũng đang như vậy. Ngày con quyết định từ bỏ tất cả để bắt đầu cho một khởi đầu mới con đã biết mình là một đứa con gái rất ích kỉ. Nhưng khi ấy, mẹ có biết con đã tự ngụy biện cho bản thân thế nào không? Con đã tự nhủ với lòng mình rằng, bố mẹ nào cũng thương con, nếu con rời đi để bắt đầu cho những thứ mà con thích và thực sự cần, con được vui vẻ và hạnh phúc thì đó không phải là điều bố mẹ mong muốn sao? Nhưng con lại không nghĩ đến nỗi nhớ quay quắt của mẹ mỗi khi bước vào căn phòng trống mà con không có ở đó. Con không biết, mẹ đã trống trải và hụt hẫng thế nào khi mỗi ngày không còn được nghe con ríu rít bao điều như một con chim nhỏ chạy quanh mẹ nữa. Mẹ nói với con, chuyện con rời xa mẹ đi tìm một vùng đất mới tựa như một giấc mơ. Rằng mẹ luôn mong sau một giấc ngủ, buổi sáng thức dậy sẽ vẫn thấy con đang say giấc ngủ bên cạnh như một đứa trẻ năm nào. Mẹ ơi! Thời gian trôi đi mau quá, đứa trẻ năm nào được mẹ cõng trên lưng đi khắp các nẻo đường giờ đã trưởng thành rồi ư?


    Những ngày này, thời tiết rất lạnh con lo cho mẹ nhiều. Con không biết cái chân đau của mẹ thế nào rồi? Trời lạnh thế này có phải mẹ thấy khó chịu lắm đúng không? Có những buổi chiều, đứng từ ban công nhìn ra khu đất trống trước nhà con thấy nhớ mẹ, nhớ nhà da diết. Những lúc ấy con chỉ ước mình có một đôi cánh và được sải cánh bay về nhà. Nhưng mẹ biết không, con nhất định phải vượt qua giai đoạn khó khăn này. Con thực lòng cũng không muốn xa mẹ nhưng con có rất nhiều việc muốn làm mẹ ạ. Con không muốn lãng phí thanh xuân của mình trong sự nhàm chán và sợ hãi. Con có ước mơ, có hoài bão, có lí tưởng và con muốn đi để trải nghiệm, để tìm ra đáp án cho những câu hỏi của cuộc đời mình. Con nghĩ, mẹ sẽ là người hiểu con gái của mẹ hơn ai hết chỉ là mẹ không muốn xa đứa con gái bé nhỏ ngốc nghếch của mẹ thôi, có phải không mẹ yêu của con?


    Chắc mẹ vẫn còn nhớ, nhớ ngày khi con còn nhỏ, vào những ngày trời mưa mẹ đến trường đón con. Con sẽ được mẹ cõng trên lưng và trùm trong một chiếc áo mưa lớn. Con tựa đầu vào tấm lưng ấm áp của mẹ và nghe tiếng mưa rơi một cách thích thú. Thi thoảng con sẽ hỏi rằng chúng ta đã đi đến đâu rồi. Mẹ ơi, con muốn quay trở về ngày đó quá, cái ngày xưa tươi đẹp ấy. Khi đó, con chỉ là một đứa trẻ ngây thơ vô lo vô nghĩ. Có những lúc con thầm ước một điều rất hoang đường, rằng giá như con đừng lớn lên, giá như con cứ mãi là một đứa trẻ của năm đó thì tốt biết bao. Con đúng là đứa con gái rất ngốc nghếch phải không mẹ? Có thể chính vì con cứ ngây ngô như vậy nên mẹ rất lo lắng khi con xa mẹ. Nhưng mẹ phải tin tưởng rằng, con gái mẹ bây giờ đã tiến bộ rất nhiều, trở nên mạnh mẽ rất nhiều. Mẹ có nghĩ rằng, hãy cứ để con đi và trải nghiệm, để con có thể thay đổi và hoàn thiện bản thân. Vậy nên, mẹ hãy để cuộc sống dạy cho con những điều mà ở trường học con chưa được biết tới.


    Không hiểu sao những ngày này trong những giấc mơ của con vẫn luôn xuất hiện hình ảnh con và mẹ ngoài cánh đồng ấy. Cánh đồng lúa nhà mình, mẹ đi trước con lẽo đẽo theo sau. Buổi chiều hoàng hôn buông xuống, bóng con và bóng mẹ hòa vào làm một.


    Mẹ! Con nhớ mẹ!


    Tác giả: Trúc Xanh

    Mẹ ơi! Con muốn trở về ngày xưa
    Mẹ ơi! Con muốn trở về ngày xưa
    Mẹ ơi! Con muốn trở về ngày xưa
    Mẹ ơi! Con muốn trở về ngày xưa
  6. Top 6

    Chong chóng ngày xưa

    Với trẻ nhỏ của xóm tôi ngày xưa, chẳng có gì vui thích, thú vị và hấp dẫn bằng chơi cùng chong chóng. Chỉ cần một nan tre khô vót thật mỏng, dán cánh giấy ở hai đầu hoặc đơn giản chỉ cần hai cọng lá dừa đan lại, chính giữa đục lỗ để gắn trục quay vào, là đã thành chiếc chong chóng. Và chỉ cần lòng mình háo hức, mắt mình nhìn mê say thì chong chóng sẽ quay và niềm vui sẽ đến. Chúng tôi nằm trên cỏ cùng nhau, miệng ríu rít cười đùa, mặt ngước nhìn bầu trời xanh và trên tay ai cũng lăm lăm cầm chiếc chong chóng nhỏ…


    Đang sinh sống và làm việc ở thành phố xa xôi, nhưng tôi vẫn thường nhớ về tuổi thơ nơi quê nhà thuở nhỏ, nhất là những khi nhìn thấy cháu chắt hay con cái của bạn bè xung quanh. Nghĩ lại thời thơ ấu ngây ngô ấy với bao trò chơi đơn giản, những thú vui mộc mạc nơi làng quê, rồi tôi lại tự mỉm cười một mình, nhớ đến quay quắt và nao lòng một thời đã xa. Đó là những tháng ngày thật sự rất yên bình, thoải mái và ngập tràn hạnh phúc với bao nhiêu niềm vui từ đồng cạn, ruộng đồng, đường quê, góc sân, ngõ nhỏ… Ở nơi ấy, sáng sáng có chim hót véo von trên những cành cây cao cao, rồi chiều chiều lại có đàn trâu ung dung gặm cỏ cùng lũ nhỏ đầu trần chân đất say sưa với từng chiếc chong chóng quay đều… Tất cả là những kí ức về một quãng thời gian tuyệt đẹp với một thời thơ ấu không thể nào quên của tôi và bạn bè ngày ấy.


    Tuổi thơ chúng tôi có bao nhiêu thú vui mà trong cuộc sống hiện đại bây giờ, khó có khi nào tôi tìm lại được, thậm chí chẳng có khi nào có dịp lại nhìn thấy. Ngày xưa ấy chẳng bao giờ có những chiếc xe điện điều khiển từ xa hay những siêu nhân tự động đi đứng, những chiếc điện thoại cầm tay hiện đại với các trò chơi điện tử cuốn hút, ngay cả những cuốn truyện tranh đen trắng lúc ấy đôi khi cũng trở là một điều khá xa xỉ. Ngày đó, cuộc sống nghèo khổ, đời sống chưa hiện đại, trẻ con chúng tôi chỉ có những thứ đồ chơi tự làm từ những vật dụng xung quanh, có lúc phải tận dụng lại những thứ đã cũ hay được bỏ đi. Chiếc chong chóng chính là một món đồ chơi quen thuộc lúc ấy và được chơi nhiều nhất, phổ biến nhất, không chỉ quê tôi mà trẻ con ở vùng miền nào cũng có. Chong chóng đơn sơ ngày nhỏ, cũng là do chính tự tay chúng tôi làm lấy từ cỏ cây, vật liệu xung quanh.


    Tôi vẫn nhớ những ngày nơi đồng cạn, chỗ tập trung đông đủ nhất của trẻ nhỏ trong xóm. Chiều chiều, ngày nào cũng vậy, khi nắng đã bắt đầu dịu lại, gió ngoài sông hiu hiu thổi vào, lũ trâu thì đã no cỏ và bắt đầu nhởn nhơ đi tìm bạn, chúng tôi lại í ới gọi nhau, hò reo rộn ràng. Và thế là chẳng mấy chốc con diều giấy lại bay cao tít, trái bóng tròn lại lăn trên cỏ xanh, và chiếc chong chóng lại quay tít trước chiều gió thổi…Ngày đó, bỏ mặc lũ trâu ậm ò lang thang khắp đồng, bỏ quên những vạt nắng chiều đang rớt vội, bỏ qua cả bóng chiều đang dần dần phủ sập xuống, bao chiếc chong chóng bé con cứ quay quay, quay tròn, quay đều, quay tít … trong ánh mắt hồn nhiên, trong tiếng cười giòn tan, và cả trong những ước mơ khờ khạo của bọn nhóc chúng tôi nữa…


    Với trẻ nhỏ của xóm tôi ngày xưa, chẳng có gì vui thích, thú vị và hấp dẫn bằng chơi cùng chong chóng. Chỉ cần một nan tre khô vót thật mỏng, dán cánh giấy ở hai đầu hoặc đơn giản chỉ cần hai cọng lá dừa đan lại, chính giữa đục lỗ để gắn trục quay vào, là đã thành chiếc chong chóng. Và chỉ cần lòng mình háo hức, mắt mình nhìn mê say thì chong chóng sẽ quay và niềm vui sẽ đến. Chúng tôi nằm trên cỏ cùng nhau, miệng ríu rít cười đùa, mặt ngước nhìn bầu trời xanh và trên tay ai cũng lăm lăm cầm chiếc chong chóng nhỏ. Chỉ cần vậy thôi, việc làm cho những chiếc chong chong ấy quay đã có gió ngoài sông vi vút thổi vào và cuộc chơi hoài tiếp diễn. Nhớ những buổi chiều yên bình như thế, gió thổi mát rượi cả tâm hồn ngây thơ, bầu trời xanh thẳm trong những đôi mắt con nít tròn xoe. Và chiếc chong chóng nhỏ bé yêu thương cứ quay quay, quay tròn … quay đều… quay tít…. mang theo những niềm vui đơn sơ, mang theo bao ước mơ một thời con trẻ.


    Chỉ là tôi chạnh lòng thấy buồn và thương cho các em nhỏ ấy vì chúng không có một tuổi thơ vô tư, hồn nhiên đúng nghĩa…Thoáng chốc, tâm trí cứ mải vẩn vơ chuyện ngày xưa, ngày nay, tìm gì thì dễ dàng chứ tìm chong chóng đơn sơ như ngày cũ thì khó quá. Có chăng, chỉ là những chiếc chong chóng quay bằng nhựa đủ màu được quay bởi động cơ nhỏ chạy pin, không cần đến sức gió. Vả lại, tụi nhỏ, đám cháu chắt của tôi hiện giờ phải học nhiều quá, chúng đi học từ sáng sớm đến tận tối mịt mới về nhà. Lúc nào chúng cũng nói không có thời gian, không đủ thời gian để học, để ngủ chứ đừng nói là chơi đùa. Chúng không biết đồng cạn, gió sông, bờ tre, ruộng lúa, chúng chỉ biết học ở trường, học chính khóa, học nâng cao, học thêm, học ngoại ngữ, học vi tính….


    Chiếc chong chóng được cha mẹ mua về đẹp là thế, đầy màu sắc đến vậy, chúng cũng chẳng thèm để mắt tới chứ đừng nói là cầm lên chơi. Những trò như chơi đánh bi, chơi chuyền, đánh trận giả, làm nhà chòi… chúng cũng không hình dung được. Chúng chỉ thích ôm điện thoại, cầm ipad và ngồi máy tính những khi được rảnh rỗi. Dĩ nhiên, tôi không có quyền và không thể bắt chúng phải có những sở thích giống mình vì mỗi thời mỗi khác, cuộc sống ngày nay đã no ấm và hiện đại hơn ngày xưa rất nhiều. Chỉ là tôi chạnh lòng thấy buồn và thương cho các em nhỏ ấy vì chúng không có một tuổi thơ vô tư, hồn nhiên đúng nghĩa.


    Có lẽ những thứ đồ chơi cũ kỹ thời ngày xưa trẻ con bây giờ không còn thích nữa, thậm chí cũng không biết đến. Và tôi cũng rất lo sợ một mai này lớn lên, ký ức tuổi thơ của trẻ em thời hiện đại ngày nay chỉ còn là những trận game trên chiếc điện thoại vô hồn…


    Tác giả: Nguyễn Hồng Minh

    Chong chóng ngày xưa
    Chong chóng ngày xưa
    Chong chóng ngày xưa
    Chong chóng ngày xưa
  7. Top 7

    Giấc mơ xưa

    “Lúa chiêm còn ở trên non
    Nghe tiếng sấm mẹ bồng con mà về”


    Trời đang sáng bỗng dưng tối sấm lại. Gió thổi bụi bay mù mịt. Hoa bèo tím trên mặt ao rung rinh mặt nước. Gió mạnh quá bèo cũng dạt về một góc. Mèo con và chó con giật mình vì tiếng sấm tóe lửa trên bầu trời vội vàng lúc cúc chui vào bụng mẹ. Bầu trời sầm sập như cái chảo nước sắp trút xuống thế gian. Chớp rạch ngang trời rồi nước ù ù như xay lúa đổ xuống mặt sân. Sân gạch đỏ au đón những giọt mưa đang khanh khách cười. Bây giờ thì mưa thật rồi. Mưa ùn ùn kéo về. Cây lá ngả nghiêng oằn mình đón cơn mưa xối xả. Mưa ào ào xuống đầm sen, lá sen cong mình đón giọt nước mát lành của bầu trời. Mưa tóe đòng trên đồng xanh lúa thì con gái. Lúa hát cùng gió mưa. Mầm non nằm trong lòng đất mẹ bừng tỉnh vươn vai đứng dậy ngơ ngác tắm mưa. Mắt lá lười biếng thiếp ngủ bao ngày chợt co mình vì gió lạnh rồi bừng dậy xòe nõn biếc. Nhìn những bong bóng nước sủn đầy sân mẹ tôi lại bảo: Mưa đầu mùa này sẽ to và lâu lắm đây. Bong bóng nước trắng cả sân rồi. Em bé tôi thích thú khoe chiếc răng sún cười giòn giã rồi vội vàng đi tìm tờ giấy trong quyển vở cũ gấp vội những chiếc thuyền giấy thả xuống mặt nước trước hiên nhà. Bàn tay nhỏ xinh mũm mĩm đẩy những chiếc thuyền trôi trên mặt nước. Cái cảm giác thích thú như đứng trước đại dương mênh mông bừng lên trên đôi mắt sáng rỡ. Bố tôi đã buông bút vẽ từ khi trời tối sầm lại. Ông với chiếc điếu cày châm mồi lửa khói thuốc trắng mờ mịt trong tiếng sấm tháng ba. Mưa mỗi lúc một hối hả, sân gạch ngập nước, ao nhà tràn nước ra vườn. Các cống rãnh và đường đi cũng mịt mù hơi nước trắng xóa. Bố mỉm cười: mưa thế này thì họ nhà tôm xót mắt lắm, nhưng loài cá thì thích chí đây. Chúng chả nhảy dựng lên tung tẩy đón cơn mưa. Cá chép muốn vượt Vũ môn để hóa rồng, cá rô ngứa vảy cũng muốn hóa Vũ môn lên cũng nhảy nhai lên đường lên ngõ. Nhảy lắm thì lại vào chảo mỡ nóng mất thôi. Nghe bố nói thế em bé tôi thích chí cười giòn khanh khách...


    Ngày xưa mỗi khi trời mưa cá tôm tung tăng bơi lội thỏa thích trong tiếng sấm tháng ba thì những con cá rô cù to vật nghịch ngợm rẽ nước nhảy tung tăng lên vườn lên sân lên đường làng ngõ xóm. Những đứa trẻ con háo hức đội cái mê nón của bà của mẹ hăm hở cầm những cành tre nhỏ đi xét cá rô. Cá rô nhảy lên đường, lên bờ là bị vồ ngay xâu vào cành tre. Những bàn chân bé con cứ tung tăng lội và cái sâu cá nặng dần hớn hở xách về nhà. Mái rạ khói um bếp lửa bùng lên. Tiếng mỡ trên chảo tí tách và xâu cá rô được làm sạch thả vào chảo mỡ. Con cá rô cong mình trong mỡ nóng chín vàng giòn tan thơm phức được gắp ra đĩa chấm với nước mắm chanh ới kẹp lá thơm cho bữa trưa ngày mưa. Mùi thơm ngọt ấy còn đọng lại đèn tận bây giờ...ui chao là nhớ...


    Có những đứa trẻ nhà nghèo không có mỡ lợn để rán cá giòn tan thì chúng cũng biết tuốt cá rô rửa sạch, moi ruột để lại bồng trứng cá vàng cuốn lá chanh xâu vào que tre đốt lửa. Cá nướng thơm ngậy, quyện lá chanh trong cái se lạnh của gió mưa làm cho ánh mắt con nhà nghèo rực sáng. Cơm cười trong tro ấm, cá nướng tỏa khói nghi ngút được đặt ra mâm, kèm theo bát canh măng nấu ếch điểm những lát ớt đỏ tươi chưa ăn đã ấm sực trong lòng. Bố khề khà nhìn lũ con trứng gà trứng vịt đang háo hức trong bữa tiệc ngày mưa.


    Quên sao được những ngày mưa khi bố vét những đồng tiền cuối cùng để mẹ xách chậu ra mua cua rạm của ông cất vó nơi cuối xóm. Mưa xuống cua rạm cực mẩy, những chiếc vó được buông trong dòng nước đục ngầu phù sa được nhấc lên. Cánh tay gân guốc đen bóng của người đàn ông nhấc cao vó. Từng con cua rạm xô lại thành búi bện chặt vào nhau được bốc vào giỏ. Cua rạm mẩy mai đen nhánh. Cua đực mẩy thịt trắc nịch, cua cái phơi cái yếm trắng phau. Chị tôi khéo léo dùng kéo sắc cắt hết càng cua và chân cua rửa nhanh vảy ráo cho vào cỗi gãi nhuyễn. Chị vẫn không quên cho thêm mấy hạt muối để thịt cua thêm đậm mà riêu cua không rã. Mai cua được lột ra, bóc sạch sơ chế, gạch cua được lấy ra thật khéo léo từ que tăm trên bàn tay chị. Còn gì thú vị hơn khi hành mỡ được phi thơm ngào ngạt , bát gạch cua đỏ au được trút vào. Hương vị quyện hòa , như khói ráng mặt trời rực rỡ vàng tươi au đỏ trên chảo gạch cua. Cua rạm được trút vào chảo rán giòn trong mỡ, gạch cua chưng được trút vào. Con cua được tắm vàng trong màu gạch đỏ au, gia vị nêm nếm ngọt bùi làm cho chảo cua thêm hấp dẫn. Miếng cua mẩy ngậy được ăn kèm những ngọn kinh giới xanh ngái. Vị ngọt ngào của hương đồng cỏ nội quyện trong vị đậm ngậy thơm ngào ngạt của món cua rạm đã đi vào nỗi nhớ của những ngày mưa năm nảo năm nào.


    Dù ở nơi xa nhưng hồn bâng khuâng nhớ về quê cũ. Nhớ tiếng ếch kêu, nhớ tiếng vợ chồng chão chuộc gọi nhau lúc tối trời. Có chút gì vời vợi xa thương ùa về. Tiếng đồng quê, bữa cơm gạo mới buổi đầu mùa. Và hương vị của nồi chạch chấu béo ngậy kho tiêu vùi trong than củi. Thương bóng mẹ về trên cầu tre gầy nghiêng cả không gian làm ta rơm rớm nước mắt.


    Mưa ơi ! Ngày xưa ơi...bao giờ trở lại những dấu yêu.


    Lê Hà Ngân

    Giấc mơ xưa
    Giấc mơ xưa
    Giấc mơ xưa
    Giấc mơ xưa
  8. Top 8

    Những thanh âm ngày xưa

    Tôi dừng bước trên con đường quen thuộc về nhà, bóng trăng vàng đổ xuống ngập tràn trên mặt sông đêm, làm các con sóng cứ lấp loáng phản chiếu thứ ánh sáng vàng mát dịu. Đèn đường đã tắt, không gian thật yên tĩnh và nhẹ nhàng, gió từ sông thổi tới mát rười rượi mân mê trên tóc trên má len vào khắp cả người. Chợt vẳng lại từ xa xa lời bài hát thân thuộc của ngày xưa, từ một ngôi nhà rợp bóng cây sát bờ sông, níu bước chân tôi dừng lại chăm chú lắng nghe. Ôi những giai điệu thân thương của một thời trai trẻ, của một thời vô tư trong sáng, hồn nhiên và đẹp đẽ chợt vang lại trong tôi, mở bừng ra trong tôi cả vòm trời đầy kỉ niệm. Giá như cuộc đời cho tôi được quay trở lại, tôi sẽ lựa chọn được quay lại quãng thời gian mà tôi yêu thích nhất ấy, là thời mà chúng tôi được cùng nhau tập trung luyện tập để đi tham dự hội diễn văn nghệ quần chúng học sinh- sinh viên. Tháng ngày vui vẻ nhất trong quãng đời đi học của tôi.


    Tuổi trẻ đi qua mới thấy tuổi trẻ thật đẹp, dù rằng tôi không có gì phải ân hận hay boăn khoăn tiếc nuối khi tôi cháy hết mình, sống hết mình với thanh xuân thì tuổi trẻ vẫn luôn là niềm nhớ miền thương trong tôi. Với bao hình ảnh kí ức ngọt ngào cứ nằm mãi trong một góc con tim. Để có những khi bất chợt gặp một điều gì đó làm khơi gợi lại, tôi lục tìm trong chính tôi, lật lên trong chính hồn tôi bao trang kỉ niệm ngọt ngào. Ký ức hay kỉ niệm thường rồi sẽ phai nhòa dần theo năm tháng. Dấu bụi thời gian rồi cũng sẽ phủ mờ lên mọi thứ, vậy mà sao có những ký ức cứ mãi luôn tươi mới, luôn sống động như vừa mới đi qua. Để trong lòng tôi luôn có sự khắc khoải nhớ mong,luôn ao ước có khi nào được một lần sống lại, được trở về gặp lại dù chỉ là trong một giấc mơ ngắn ngủi cũng thật thỏa lòng.


    Thời điểm chúng tôi tập trung luyện tập cho hội diễn là vào hồi cuối thu trời bắt đầu trở gió se se lạnh. Các lớp các khóa cử ra các sinh viên hát hay yêu thích văn nghệ, tập trung dàn dựng các tiết mục văn nghệ để tham dự đại hội thể thao văn nghệ các thành viên được mọi người trêu là đội hình đa năng, đa tài và cả đa tình…


    Cơ bản các bạn đều đã là người hát hay, yêu thích âm nhạc, nhạc cảm tốt, được tập trung lại có thầy cô giáo hướng dẫn luyện tập các tiết mục để dự thi nên chúng tôi học nhanh và vui lắm. Tôi nhớ lắm những buổi chiều trời se se lạnh, trời đất có màu xam xám bàng bạc, từ trên tầng ba cả một dàn nam nữ đồng thanh cất tiếng hát.


    - Một chiều đi trên con đường này, hoa điệp vàng trải dưới chân tôi. Ngập ngừng trong tôi như thầm hỏi. Đường về trường ôi sao lạ quá?


    Lời ca lãng mạn bay bổng thật phù hợp với những cô cậu sinh viên hãy còn vô lo vô nghĩ luôn coi như thế giới là của riêng là dành riêng cho mình. Những cái đầu sẽ lắc lư phiêu du theo lời hát, bao gương mặt sáng láng hồn nhiên tràn đầy sức sống, năng lượng sống như trào ra theo lời hát. Thanh âm trong sáng của lời hát ấy góp phần nuôi dưỡng tinh thần của một thời trai trẻ, một thời ‘ bướm hoa và chim cùng mưa nắng’ của chúng tôi. Lời ca bay lan từ tầng gác như một làn sóng âm lan tỏa ra khu vườn cây xanh mát, lan ra khắp khu vườn hoa nơi có những bông cúc vàng tươi bên bờ hồ thoai thoải gió. Cảm giác dễ chịu ấy cứ miên man ru mãi trong lòng tôi đến tận bây giờ.


    - Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa, cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh. Hoa sữa thôi rơi em bên tôi một chiều tan lớp…..


    Khi hát tập chúng tôi thường hát mộc trước rồi mới khớp nhạc.Lời ca gợi ảnh, gợi hình, giai điệu lại ngọt ngào sâu lắng, được cất lên bởi một dàn đồng ca được lựa chọn từ các lớp, bao giương mặt thân quen vốn sẵn mến mộ nhau, lại càng thêm lắng đọng. Hát mà thấy niềm vui trong mắt nhau, hát mà thấy niềm vui trong ánh mắt thầy cô. Hát mà thấy mình sống trong lời hát như hòa mình vào nốt nhạc thành bản hòa âm mình sống giữa mọi người. Nhất là những đôi nào có tình cảm với nhau, họ hát mà mắt long lanh hạnh phúc, mắt long lanh tìm nhau trong câu hát. Khoảng khắc được sống trong bài hát, sống trong tình cảm bạn bè thầy cô thật sự tuyệt đẹp, thực sự đáng yêu và đáng nhớ đến vô cùng.


    Cô bạn gái xinh xắn như con họa mi hay hát bè cao có những đoạn ngân rất cao rất trong và rất sáng. Hồn nhiên và đáng yêu như chính con người bạn ấy. Đôi mắt to tròn, thơ ngây, làn da trắng mịn đôi môi hồng tươi tắn. Hát lại thật hay tôi ấn tượng nhất là lúc bạn ấy hát chuyển từ giọng trưởng sang giọng thứ trong bài hát; Tuổi đời mênh mông’ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghe thật dễ thương và khiến người ta phải mềm lòng.


    - Thời thơ ấu bướm hoa và chim cùng mưa nắng. Em đứng bên trời tự do yêu đời thiết tha…..


    Lời em hát lảnh lót là giọng cao, êm trầm là giọng thấp, niềm yêu đời truyền qua câu hát, thổi vào lòng những cơn gió mát ru êm. Thổi mát mãi cho đến tận bây giờ vẫn còn nguyên mãi vị ngọt ngào.


    Thanh âm lời hát ấy nuôi dưỡng tâm hồn của thanh xuân chúng tôi thành một thời để nhớ, thành một thanh xuân được ấp ủ tưới đẫm bằng giai điệu với lời ca. Để hôm nay nghe lại lòng bất chợt bồi hồi lại như cô bạn xinh xắn đang tươi miệng cười vừa hát ngay trước mặt mình.


    - Đi trên sông Vàm một đêm trăng rằm, mái chèo khua nhẹ tựa sóng vỗ lòng anh….


    Bạn bè ơi nhớ lắm, một thời xa…


    Tuan Pham

    Những thanh âm ngày xưa
    Những thanh âm ngày xưa
    Những thanh âm ngày xưa
    Những thanh âm ngày xưa
  9. Top 9

    Con đường đất ngày xưa

    Có những nẻo đường dẫn ta về với những ngày xưa yêu dấu. Ta mong một lần được về lại đường xưa. Đâu đường đất ra ruộng lúa, nương khoai, hai bên bờ mương mươn mướt cỏ biếc xanh. Đâu con đường ta qua mỗi sáng, mỗi chiều? Con đường đất thuở xưa giờ chỉ còn trong hoài niệm.


    Nhớ một thuở yêu thương. Nhớ biết bao kỉ niệm. Một thời tuổi thơ trong gian khó nhưng vẫn lung linh rực rỡ sắc màu.


    Có những buổi hoàng hôn chị em tôi men theo con đường mòn mà ngóng trông bóng mẹ. Trời đã nhá nhem khó thấy rõ mặt người. Ai như mẹ tôi kia. Trên vai đôi quang gánh lắc lư theo bàn chân bước. Mẹ gánh đất trồng sắn, trồng khoai để các con thêm no bữa. Còn cha lại trồng hoa cho con ngắm mỗi bình minh.


    Nhớ làm sao con đường mòn hai đứa em tôi, một gái, một trai tất tả chạy về khi nghe tin chị gái học xa về thăm nhà trong chiều đông giá rét. Nỗi nhớ những ngày xa khiến em khát khao gặp chị. Gánh cỏ tuột mấy lần, rơi nón có hề chi! Con đường như xa thêm còn ngày găp mặt lại rất gần. Là niềm vui của tình thân trong ngày đoàn tụ. Đó là con đường của hạnh phúc, thương yêu.


    Có một con đường đất chỉ một lối mòn nhỏ bé dẫn chị em tôi đến luống khoai ở cồn Cu Thị. Sau buổi học ba chị em đi đào khoai về kịp hấp bữa cơm chiều. Có lúc gạo hết rồi, mẹ luộc những củ khoai nhỏ và non. Khoai màu trắng tinh khi tôi rửa sạch. Khoai này ăn chẳng cần bóc vỏ( Bởi cũng chẳng thể nào bóc nổi vỏ đâu).


    Còn mãi trong tôi con đường mòn ngoằn ngoèo qua nhà ông Hiệp. Bước qua bờ rào lông chông mấy cành tre nhỏ, có con đường ven theo lũy tre. Con đường dẫn chúng tôi đến lũy tre vang, tre hỏa...um tùm ở Nương Đình. Nơi ấy là cả một trời kỉ niệm của tôi và những người bạn thân yêu. Trưa hè, chúng tôi í ới gọi nhau đi quét lá tre về đun nấu. Đứa mang bì, đứa xách chổi, đứa mang sọt, mang bu...Đi quét lá tre mà vui như đi hội. Mặc trưa hè nồm nam cơn gió thổi. Xào xạc bờ tre, tre đang hát ru người...Bì, sọt đã đầy, ai cũng nở nụ cười tươi. Lá tre theo lối mòn cùng chúng tôi về bếp. Nấu nước, nấu cơm bằng lá tre kiếm được. Cũng có khi nấu giúp mẹ nồi cám lợn to đùng từ những lá tre. Ta gọi đó là con đường của tấm lòng thơm thảo, biết chia sẻ nhọc nhằn với mẹ cha của những đứa con yêu.


    Nhớ con đường đất lầy lội, trơn trượt trong những ngày mưa. Trẻ con làng tôi đi học trên con đường đất . Chân bám đất mà đi. Lũ chúng tôi bám trường để mong một ngày mai vươn khỏi những lũy tre làng, mơ đến trường chuyên và giảng đường đại học. Con đường đất đã chắp cánh ước mơ cho những đứa trẻ nghèo ở một làng thuần nông, quanh năm quen với bờ tre, ruộng lúa...Và trong giấc mơ tôi thấy mình dạo bước trên con đường rộn rã tiếng còi xe.


    Đã xa rồi một thuở ấu thơ bên gia đình, bên bạn bè dấu yêu, bên cô thầy kính mến. Có cách nào không để ta được trở về với những ngày xa ấy. Con đường nào dẫn bước ta về lại ngày xưa? ...Nơi ấy có con đường chở đầy tình yêu thương vẹn nguyên của mẹ cha, đưa ta đi qua những tháng năm nhọc nhằn và gian khó. Con đường ấm áp tình gia đình, bè bạn với thầy cô.


    Con đường thuở ấu thơ tôi vẫn mãi kiếm tìm. Đâu con đường đất in bàn chân trần ta bước ? Dẫu hôm nay những con đường bê tông thênh thang dẫn bước ta vẫn mong một lần được về với con đường của những tháng ngày xa!


    Xoan Vương

    Con đường đất ngày xưa
    Con đường đất ngày xưa
    Con đường đất ngày xưa
    Con đường đất ngày xưa
  10. Top 10

    Cô gái nhỏ ngày xưa ấy

    Ấy thế đã giờ đã là cô sinh viên năm hai của Đại học Sư Phạm rồi. Những ngày tết qua, về quê, vô tình gặp lại bạn bè và thầy cô giáo cũ. Ngồi bên nhau, nhắc lại những câu chuyện ngày xưa. Bao cảm giác bồi hồi, xao xuyến; bao hồi ức trĩu vai lặng lẽ tìm về.


    Tự nhiên nhớ quá đổi ngày còn là cô học trò nhỏ áo trắng, tóc đen - dài hay bẽn lẽn dưới mái trường Thpt Long Xuyên vào hai năm trước. Cô gái nhỏ yêu nét dịu dàng của tà áo dài, yêu màu trắng của bụi phấn và yêu cả nụ cười ngây thơ hồn nhiên của những đứa trẻ để rồi quyết tâm thi vào ngành sư phạm; mang hoài bão mai sau thành người lái đò, góp phần sức nhỏ trong sự nghiệp trồng người của đất nước.


    Cô gái nhỏ của ngày xưa ấy.


    Chưa kịp trải qua một tình yêu vườn trường đúng nghĩa. Nên cũng không biết buồn đau những ngày trở nắng, trở gió. Cũng không có kỷ niệm giận hờn vu vơ khi thiếu Socola trong ngày valentine, thiếu hoa tươi trong ngày 8/3, hay nhung nhớ ai đó vì tạm xa nhau trong mùa hoa Phượng nở. Trái tim của cô gái nhỏ không loạn nhịp vì ai trong suốt năm tháng học trò. Giờ nhìn lại không vui cũng không buồn vì điều ấy, chỉ luyến tiếc vì chưa kịp trải qua cảm giác rộn ràng tinh khôi mà thôi.

    Cô gái nhỏ của ngày xưa ấy.


    Mỗi khi mùa Đông đến, dù ngoài trời có lạnh đến thế nào đi chăng nữa. Vẫn luôn cảm thấy ấm áp khi ngồi bên bếp củi bên gánh bún rêu - bún cua thơm lừng của mẹ.


    Hai mẹ con, bốn giờ sáng đã phải dậy thổi lửa, dọn hàng sớm, nhưng không hề cảm thấy mệt mỏi, cứ vui vẻ cười nói, huyên thuyên đủ chuyện. Đôi khi, cô gái nhỏ còn ngẫu hứng hát cho mẹ nghe một vài câu hát nào đó, giọng ca không hay, sai nhịp, chứa đầy sự vô tư hồn nhiên. Khiến cái lạnh sớm mai tan biến. Cũng có những sớm mưa dầm, hoàn toàn không khiến hai mẹ con trùng bước, vẫn cùng nhau dậy dọn hàng, rồi cô gái thay đồ cắp sách đến trường như không hề tồn tại cơn mưa. Những vòng xe đạp bon bon trên con đường vừa trơn, vừa ướt. Nhưng cô gái ngày xưa hồn nhiên ngắm giọt mưa đọng trên phím lá, hân hoan nhìn những chiếc thuyền giấy thả dưới hiên nhà ai và luôn tìm kiếm hình ảnh cầu vồng sau cơn mưa.

    Cô gái nhỏ của ngày xưa ấy.


    Không hề sợ hay bẽn lẽn khi tiếp xúc với người lạ. Thường chơi hết mình với bạn bè, không lo lắng người khác dối trá hay trở mặt với mình. Ngày xưa ấy, tâm hồn của cô gái như bông hoa mai trắng thuần khiết trong nắng mùa xuân, luôn đợi chờ những người thật lòng tới và nâng niu, quý trọng cuộc đời đoá hoa nhỏ.


    Rồi, theo vòng xoáy bốn mùa đi qua, nhịp sống đưa đẩy. Cô gái nhỏ ngày nào đã không còn là bông mai bé nhỏ nữa. Bây giờ cô đã trở thành một thiếu nữ tuổi hai mươi nhiều trưởng thành, biết than thở và rơi nước mắt. Biết đau lòng, biết mất mát và trái tim đã một lần tổn thương để rồi có những xót xa về đời mình, về phận người.

    Cô gái nhỏ của ngày xưa ấy.


    Trong dịp tết này, chạnh lòng nhớ về ba, nhớ ngôi nhà xưa. Nhớ những ngày gia đình ấm êm bên mâm cơm rước ông bà. Nhớ những đêm thức canh nồi bánh tét cùng nội. Nhẹ bâng một cái, giờ chỉ lặng lẽ đón giao thừa với mẹ. Nhưng cô gái đã trưởng thành để biết đâu mới là con đường không mang nuối tiếc và nước mắt cho mẹ. Hạnh phúc không phải là níu kéo, nhẫn nhịn vì "cho con có một gia đình đủ cha và mẹ".

    Cô gái nhỏ của ngày xưa ấy.


    Nở nụ cười tươi như vầng trăng tròn tuổi mười sáu. Có những nỗi niềm không gọi thành tên. Chỉ là cảm xúc vu vơ trên những phiếm lá màu xanh. Bước trong chiều trầm tư, nhìn dòng sông trôi, cánh đồng lùi về ẩn mình sau phố thị. Nhớ về người nào đó làm trái tim hoang tưởng thoát ly hiện tại, rồi rướm máu và buông tay... vì biết con đường đúng sai.


    Cô gái nhỏ của ngày xưa ấy.


    Từng vẽ tương lai bằng tông màu hồng rực rỡ; nghĩ về tình yêu và mơ mộng về hoàng tử sẽ đến đốt lửa trong trái tim; nhìn ngày mai là con đường màu xanh rợp lá xôn xao.


    Gương mặt cô gái nhỏ vẫn bừng sáng trong nắng. Tuy đôi mắt to, tròn không còn trong veo như trước. Nhưng tâm tư cô không tàn úa, héo rũ. Cô ngắt từng cánh hoa hồng, đếm từng gương mặt người đi qua phố. Nhưng không nở nụ cười tươi mà chỉ lặng lẽ cười duyên.


    Cô gái nhỏ của ngày xưa ấy...
    .... Tiếp tục bước với những ước mơ trong mùa mới.


    Jenny Pham

    Cô gái nhỏ ngày xưa ấy
    Cô gái nhỏ ngày xưa ấy
    Cô gái nhỏ ngày xưa ấy
    Cô gái nhỏ ngày xưa ấy



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy