Top 8 Tản văn viết về ngày thương binh liệt sĩ 27/7 hay nhất

Phương Kem 157 0 Báo lỗi

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 là ngày tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã dũng cảm chiến đấu, hy ... xem thêm...

  1. Top 1

    Dâng lên triệu đoá hoa hồng

    Những ngày cuối tháng Bảy lại mang đến cho những người dân đất Việt biết bao cung bậc cảm xúc trào dâng. Nỗi nhớ, niềm thương, lòng tri ân, tự hào và niềm tin sâu sắc hoà lẫn vào nhau khi nghĩ về những tấm gương liệt sĩ, thương binh trên khắp một dải non sông. Ai cũng hiểu rằng, để đất nước được độc lập, tự do như ngày hôm nay thì đã có bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt đổ xuống trên mảnh đất quê hương. Biết bao người con ưu tú đã ngã xuống nơi rừng sâu núi thẳm, nơi biển, đảo xa xôi, bao người trở về trong hình hài không còn lành lặn, một phần cơ thể phải gửi lại chiến trường…


    Ngày 27-7 như một khúc ca bi tráng được cất lên suốt 74 năm qua. Với chúng ta, đó là một ngày không thể quên và không được phép quên!


    Ngày 27-7, biết bao gia đình đã lấy làm ngày giỗ cho những liệt sĩ bởi không biết được chính xác ngày người thân của mình hi sinh. Gia đình tôi cũng nằm trong số đó. Cũng có nhiều gia đình, dù đã biết ngày hi sinh của liệt sĩ, nhưng trong ngày này vẫn khói hương, cúng giỗ, coi đó là ngày giỗ chung, ngày cả nước hướng về các Anh, những người đã hy sinh vì dân, vì nước, cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của dân tộc.


    Tôi vẫn ám ảnh bởi một thông tin có được mấy năm nay, cứ vào ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm, cả làng Thạch Tân, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam lại cùng nhau tổ chức cúng, giỗ để tưởng nhớ cha, mẹ, anh chị em, những người đã hi sinh để bảo vệ Tổ quốc. Toàn làng Thạch Tân thời điểm đó có khoảng 262 hộ dân thì có đến 203 liệt sĩ, 59 mẹ Việt Nam Anh hùng, 18 đối tượng chính sách, mẹ, vợ liệt sĩ, 8 thương binh,12 người nhiễm chất độc da cam. Trong số những liệt sĩ của làng, có liệt sĩ hi sinh không biết ngày tháng, có người không biết hài cốt ở đâu, chưa đem về được nên đa phần chọn ngày 27-7 để cúng giỗ tưởng nhớ. Đây là dịp để những người còn sống nhớ về cội nguồn, nhớ những người đã ngã xuống và cũng là dịp để nhắc nhở con cháu về truyền thống hào hùng, quý báu của ông cha để lại.


    Trong dịp này, hình ảnh chúng ta dễ gặp nhất là các nghĩa trang liệt sĩ có rất đông màu áo của các bạn đoàn viên, thanh niên, các cơ quan đoàn thể đến quét dọn, tu sửa, thắp hương, dâng hoa lên các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây. Những nén hương thơm, những đoá sen hồng, những ngọn nến lung linh trong đêm thay lời tri ân sâu sắc nhất gửi tới những người con bất tử đã quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân. Trong một góc nghĩa trang ở nơi nào đó trên đất nước mình, vẫn còn lắng đọng hình ảnh người mẹ gầy gò, khoé mắt nhăn nheo đang lần tay trên ngôi mộ của con. Thanh âm của câu hát “Ba lần tiễn con đi/Hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về/ Mình mẹ lặng im...” (Đất nước - Phạm Minh Tuấn) lại văng vẳng bên tai làm sao ta có thể cầm lòng cho được khi chứng kiến hình ảnh này.


    Chiến tranh đã đi qua nhiều năm, nhưng những hậu quả mà nó để lại vẫn còn hiện hữu quanh ta. Biết bao người lính ra đi vì nghĩa lớn nhưng giờ đây vẫn chưa thể trở về cùng quê hương, gia đình thân thuộc của mình. “Đò lên Thạch Hãn…ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...” (Lời người bên sông - Lê Bá Dương)- câu thơ như một nỗi khắc khoải, đau đáu của những người còn sống ngày đêm ngóng trông, mong tìm thấy đồng đội của mình. Không chỉ những người đồng đội của những người đã ngã xuống mà hiện nay, trên đất nước ta có hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ, người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Biết chiến tranh là khốc liệt, là đổ máu, là mất mát đau thương, là sinh li tử biệt nhưng nếu không có những cái chết đã hoá thành bất tử kia thì làm sao cho Tổ quốc hồi sinh?


    Những năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm thực hiện. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp xã hội, trở thành nét đẹp của văn hóa con người Việt Nam.


    Trong những ngày tháng Bảy linh thiêng này, chúng ta xin thành kính gửi những tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với nước! Xin được tri ân tới các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc- Họ chính là những đoá sen hồng ngan ngát hương thơm..!


    Mạnh Thường

    Dâng lên triệu đoá hoa hồng
    Dâng lên triệu đoá hoa hồng
    Dâng lên triệu đoá hoa hồng
    Dâng lên triệu đoá hoa hồng

  2. Top 2

    27/7 - Ngày không thể quên, không được quên!

    Để đất nước được độc lập, tự do, bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt đã đổ xuống trên mảnh đất quê hương. Biết bao người con ưu tú đã ngã xuống, bao người trở về không còn lành lặn...


    Chiến tranh đã đi qua nhiều năm, nhưng những hậu quả mà chiến tranh để lại vẫn còn hiện hữu. Để đất nước độc lập, tự do, bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt đã đổ xuống trên mảnh đất quê hương. Biết bao người con ưu tú đã ngã xuống, bao người trở về không còn lành lặn, mãi mãi mang thương tật trong mình... Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ, người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình.

    Những câu hát đầy xúc động: “Ba lần tiễn con đi/Hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về/ Mình mẹ lặng im..., những câu thơ đầy tình nghĩa tặng những người con đã "nằm xuống": “Đò lên Thạch Hãn xin… chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...” luôn làm nao nao những trái tim khi nghĩ về một thời khói lửa.

    Khắc ghi công lao to lớn ấy, 68 năm qua, dù khó khăn đến đâu, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách ưu đãi về cả vật chất lẫn tinh thần đối với người có công, cũng như gia đình và con em họ. Ngoài chế độ trợ cấp, Nhà nước đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chế độ ưu đãi như: Chế độ hỗ trợ người có công về nhà ở; đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với người có công và con của họ; chế độ chăm sóc sức khỏe; đẩy mạnh công tác vận động xã hội, tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm thực hiện. Điều đáng mừng, phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp xã hội, trở thành nét đẹp của văn hóa con người Việt Nam.

    Cần phải khẳng định, chúng ta đã làm được nhiều việc có ý nghĩa, nhưng vẫn chưa thể bù đắp hết những công lao hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đã hy sinh cả cuộc đời mình, tính mạng mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tháng 7 về! Trong những ngày này, các nghĩa trang liệt sỹ dù lớn hay nhỏ trên cả nước luôn tấp nập những đoàn người đến thăm, thắp một nén nhang tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với những liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và vô vàn các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, khi đứng trước hàng ngàn ngôi mộ, lần theo từng dòng tên tuổi, quê quán, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh…, từ tâm khảm mỗi người đều dâng trào lên niềm xúc động, nén lòng để đừng bật khóc... nhưng sống mũi vẫn cay, vẫn có những tiếng nấc nghẹn ngào, những giọt nước mắt rơi...

    Những ngày tháng 7 thiêng liêng này, hãy đến với các nghĩa trang liệt sỹ, tin rằng, mỗi người dân Việt Nam, nhất là các bạn trẻ sẽ nhận ra rằng, những gì mà mình biết về cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc còn quá ít ỏi so với những khốc liệt mà cha anh đã thực sự nếm trải, càng tự hào trước sự hy sinh lớn lao của những liệt sĩ đã ngã xuống cho nền hòa bình, tự do của Tổ quốc. Hãy đến để thấy tình yêu đất nước được nhân lên, thấy như mình được tiếp thêm năng lượng và tự nhủ bản thân, cần sống tốt hơn để xứng đáng với những hi sinh, mất mát của cha anh...

    Ngày 27/7, biết bao gia đình đã lấy làm ngày giỗ cho những liệt sỹ vô danh. Cũng có nhiều gia đình, dù đã biết ngày hy sinh của liệt sĩ, nhưng trong những ngày này vẫn khói hương, cúng giỗ, coi đó là ngày giỗ chung, ngày cả nước hướng về các Anh, những người đã hy sinh vì dân, vì nước, cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của dân tộc.

    Ngày 27/7 là một ngày không thể quên, không được quên!

    Xin thành kính gửi những tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, các thân nhân liệt sĩ, các gia đình có công với nước! Xin được thắp nén hương tri ân tới các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc!

    Kim Thanh

    27/7 - Ngày không thể quên, không được quên!
    27/7 - Ngày không thể quên, không được quên!
    27/7 - Ngày không thể quên, không được quên!
    27/7 - Ngày không thể quên, không được quên!
  3. Top 3

    Mỗi Ngôi Mộ, Một Câu Chuyện Kể

    Ngày 27/7 Thương binh liệt sĩ năm nào tôi cũng cùng gia đình chồng thắp hương cho ông nội ở nghĩa trang. Một bia mộ nhỏ bé chỉ vỏn vẹn dòng tên tuổi và năm hi sinh. Những năm của rất lâu rồi, ngày tôi chưa sinh ra và chiến tranh tôi chỉ biết qua lời người lớn kể lại.


    Những bia mộ được quét vôi màu trắng, nằm ngay ngắn thành từng hàng, họ đều là những người con quê hương tôi hi sinh ở khắp các mặt trận phía Nam được gia đình đưa nắm xương cốt còn lại về đây, tụ họp nơi nghĩa trang này. Nhìn dòng chữ khắc năm sinh năm mất, tôi chợt nhận ra những tuổi xuân đọng lại trên mỗi ngôi mộ. Họ là những người lính mới độ tuổi mười tám đôi mươi, họ nằm lại khi tuổi thanh xuân con rất trẻ. Mỗi ngôi mộ một cuộc đời, một câu chuyện tình chưa kể hay đã được kể, điều đó người làng tôi đều biết.


    Ngôi mộ khắc tên Nguyễn Văn Duật nằm cạnh mộ ông tôi. Hồi ấy, chú mới cưới vợ được bảy ngày, chiến tranh vội vã không để cho người lính có thời gian thu xếp chuyện tình cảm. Chú có bảy ngày hạnh phúc bên người vợ mới cưới rồi khoác ba-lô lên đường nhập ngũ, đất nước cần những người lính như chú lúc này. Trên đường khói bụi bay, chú nhớ vợ nên chỉ biết nắm chặt chiếc khăn tay và tấm ảnh để bên ngực áo. Chú sợ những con đường hành quân trơn trượt xô ngã, chú cài chiếc kim băng vào túi, mục đích để chiếc khăn tay và chiếc ảnh không bị văng ra. Nhưng chiến tranh tàn khốc qua những làn đạn tung trời, chiến tranh chẳng thương nổi một ai. Chú Duật đã nằm lại nơi chiến trường, bỏ lại lời hứa trở về với người vợ tảo tần ngày đêm mong ngóng. Chú không biết vợ chú đã sinh cho chú một người con trai. Lá thư cuối cùng cô viết báo tin, chú chưa kịp nhận được thì đã hi sinh mất rồi. Người con trai lớn lên không biết mặt cha, anh chỉ nhìn cha qua bức ảnh đen trắng mờ nhạt, đầy vết ố. Những dòng thư và một tờ giấy báo tử, đó là tất cả những gì anh biết về cha anh.


    Hành trình tìm lại nắm xương cốt của chú khó khăn và xa xôi lắm. Vợ con chú đi khắp các đơn vị xưa nơi đơn vị chú tham gia chiến đấu năm 1972 ở Quảng Nam. Chỉ có những hàng cây vi vu đón gió, những dòng sông lững lờ chảy trôi. Cơ thể chú hòa cùng đất cát lâu rồi, biết ở đâu mà tìm, mà bới. Nhưng đã sống một lần trên đời, vợ con chú tìm mọi cách để mang lại hi vọng được tìm ra chú, mang chú trở lại quê hương. May mắn cuối cùng cũng đến, họ tìm được nhân chứng là chú Tha, đồng đội cùng chiến đấu với chú ngày hôm ấy, chú Tha tả lại nơi giao thông hào chú Duật đã hi sinh ra sao. Bao ngày trời đào xới tìm lại vị trí trận địa cũ, một nắm xương còn lại được tìm thấy. Kỳ lạ thay, phía bên ngực trái vẫn còn chiếc khăn tay và tấm ảnh của vợ chú bọc trong túi nylon rơi cùng chiếc kim băng đã han gỉ. Người vợ bật khóc nức nở, ngày ra đi bịn rịn mà ngày gặp lại thật chát chao. Vợ chú ôm nắm xương đã hóa đất còn sót lại, chắc cô muốn tìm lại cái nắm tay xưa chú từng hẹn thề. Hàng cây bạch đàn bên đường xào xạc lá như đang khóc cho cuộc đoàn tụ của người còn sống với người đã mất sau chiến tranh.


    Chú Duật được người dân tiễn đưa một lần nữa tới nghĩa trang thôn nhà. Chú gặp lại những đồng đội quê hương trên những bia mộ cũng từng ra đi chiến đấu và hi sinh. Mọi người đặt lên mộ những điếu thuốc lá được đốt cháy. Nỗi niềm rưng rưng khi âm dương chẳng còn khoảng cách, những điếu thuốc trên mộ rực đỏ chiếc tàn nhả khói bảng lảng như sương. Chắc đồng đội về đây đoàn tụ, các liệt sĩ được một ngày hội ngộ rưng rưng.


    Mỗi bia mộ là một câu chuyển kể, họ cũng từng sống và từng yêu, họ cũng từng cười và từng khóc. Ngôi mộ chú Toan ở đằng xa phía bên tay phải, chú người làng tôi, chú yêu cô Mận, ngày ra đi chú nắm tay cô hẹn khi nào hòa bình chú trở về. Người lính vốn sẵn tính lãng mạn, chú bảo sẽ gặp lại cô trong bài hát quan họ “Mời Trầu” quê mình. Vậy mà chú hi sinh tại thành cổ Quảng Trị, chú không về nữa. Ngày trở về cũng là ngày sau chiến tranh khi người ta mang chú về từ nghĩa trang xa xôi Thành Cổ đặt lại vào bia mộ nghĩa trang quê nhà. Cô Mận chẳng đi lấy chồng, cô ở với một người con nuôi và chung thủy với mối tình sắc son cho tới tận bây giờ. Trên đầu cô tóc đã bạc trắng, trên mộ chú vẫn còn tuổi xanh. Nếu trừ năm mất cho năm sinh chú tròn 22 tuổi. Cô Mận thắp nén nhang thơm lên mộ chú Toan: “Em đã già còn anh vẫn trẻ”. Lời cô nói run run trong buổi chiều tưởng niệm vỡ vụn không gian. Chiến tranh đã lùi xa nhưng chẳng thể làm những mảnh đời méo mó bởi họ vẫn sống vẹn tròn hai chữ thủy chung.


    Quê hương tôi và những quê hương khác trên dải đất hình chữ S, xã phường nào cũng có một nghĩa trang. Còn cả những người lính vô danh, họ đã hòa tan xương máu vào đất, vào nước, họ không có mặt ở nghĩa trang. Nhưng người thân nhớ họ, những thế hệ con cháu chúng tôi sinh ra và lớn lên nhớ họ. Chiến tranh vẫn lẩn quất đâu đây qua câu chuyện kể của ông, của bà, qua những gương mặt hồn hậu quê tôi. Tôi thắp nén nhang thơm tưởng nhớ về những người lính, lòng tôi rưng rưng một niềm thương. Chiều tháng Bảy nghĩa trang bảng lảng khói sương.


    Nguyễn Thanh Nga

    Mỗi Ngôi Mộ, Một Câu Chuyện Kể
    Mỗi Ngôi Mộ, Một Câu Chuyện Kể
    Mỗi Ngôi Mộ, Một Câu Chuyện Kể
    Mỗi Ngôi Mộ, Một Câu Chuyện Kể
  4. Top 4

    BỒI HỒI "MÀU HOA ĐỎ"

    Như thành lệ, cứ mỗi khi tháng Bảy về, Đoàn trường tôi lại tổ chức buổi lễ "Thắp nến tri ân" tại nghĩa trang liệt sĩ của xã nhà vào tối ngày 27/7. Đây là một hoạt động tri ân giàu ý nghĩa của tuổi trẻ dành cho các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng là dịp để tuổi trẻ Việt Nam ôn lại truyền thống hào hùng của cha ông, từ đó tự hào, tiếp bước cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nước nhà.


    Cũng trong những ngày tháng Bảy này, tôi thường nghe, thích nghe và thích trầm ngâm hát bài "Màu hoa đỏ" của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhạc sĩ Thuận Yến.


    “Có người lính
    Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
    Có người lính
    Mùa xuân ấy ra đi từ đó không về
    Dòng tên anh khắc vào đá núi
    Mây ngàn hóa bóng cây tre
    Chiều biên cương trắng trời sương núi
    Mẹ già mỏi mắt nhìn theo...

    Việt Nam ơi ! Việt Nam !
    Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con
    Việt Nam ơi ! Việt Nam !
    Ngọn núi nơi anh ngã xuống
    Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa
    Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hoàng hôn”


    Tôi hát không hay nhưng không hiểu sao khi hát bài hát này của nhạc sĩ Thuận Yến, tôi lại nhập tâm và biểu cảm đến thế. Có lẽ là do tôi đang hòa mình vào dòng cảm xúc của nhà thơ, của nhạc sĩ; đang thật sự sống với linh hồn của bài hát; đang hoá thân vào hình ảnh của những nhân vật trong bài ca: "Có người lính, mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo; có người lính, mùa xuân ấy ra đi từ đó không về".


    Chao ôi! Nghe thật xót xa. Thật trầm hùng. Nhưng không bi luỵ. Có đau thương nhưng xiết bao tự hào. Các anh ra đi đáp lời sông núi, khi tuổi đời còn mười tám, đôi mươi, trẻ mơ trẻ măng. Những đứa con sinh ra từ núm ruột của mẹ. Tiễn con đi đánh giặc, mẹ đã gửi trao núm ruột của mình cho người mẹ chung, vĩ đại, cao cả hơn: Mẹ Tổ quốc. Các anh ngã xuống, máu thắm đỏ quốc kì phần phật bay trong gió, ngạo nghễ, kiêu hùng. Các anh không về, lòng mẹ lặng đi, đau thương, nghẹn ngào! Vì đất nước quên mình, vì nhân dân hi sinh, tên tuổi của các anh đã chạm khắc vào đá núi, hồn cốt của các anh đã hoá vào cỏ cây; mãi mãi, muôn đời trường tồn cùng non sông, đất nước. Chiều biên ải xa xôi, sương giăng trắng núi đồi, ở quê nhà, mẹ đang mỏi mòn, ngóng trông, dõi nhìn về nơi ấy, lòng mẹ hoá đá đợi con về.


    Sau âm điệu trầm hùng, bi tráng ấy là điệp khúc nức nở, đau thương, vút cao, vang vọng: “Việt Nam ơi Việt Nam, núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con”. Các con của mẹ ngã xuống, hi sinh vì nước, vì dân. Mẹ, đã hoá thân vào non sông. Mẹ, đã hoá thân vào đất nước. Mẹ, đã đồng điệu cùng Tổ quốc, quê hương. Mẹ, vẫn là người mẹ bằng da bằng thịt ấy nhưng vì đức hi sinh, dâng hiến này, mẹ đã là núi, là sông, là đồng, là bể, là Tổ quốc, là đất nước rồi, mẹ ơi! Lời ca nức nở gọi tên Tổ quốc, ngợi ca tình mẹ, gợi tả sâu sắc nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh, cảm nhận sự bất tử của người lính trong sắc đỏ của "màu hoa đỏ phía rừng xa, màu hoa đỏ trước hoàng hôn". Nghe sao cứ thấy cuộn lên trong lòng bao nhiêu cảm xúc nghẹn ngào, da diết, bi hùng đến thế!


    Sau những ca từ đầy xúc động đó, người hát, người nghe hiểu thêm về sự hi sinh cao đẹp của người lính; hiểu thêm về đức hi sinh cao cả của những bà mẹ Việt Nam anh hùng; hiểu nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh; hiểu ý nghĩa của cuộc sống tươi đẹp hôm nay và giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc; tự hào, sẵn sàng tiếp bước cha anh khi Tổ quốc cần.


    Giữa bề bộn cuộc sống đời thường, ngày 27/7, có vài phút lòng xin lắng lại để cảm nhận và tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong chiến tranh vệ quốc. Khó diễn tả thành lời. Chỉ biết thực sự lòng thấy rưng rưng, nhất là khi điện tắt, điệu nhạc trầm hùng tưởng nhớ cất lên giữa muôn ngàn ngọn nến lung linh trong đêm, quyện mùi hương trầm thơm ngát và chất giọng truyền cảm của người dẫn chương trình. Các em học sinh ngồi cạnh để thắp nến, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Không biết trong lòng các em nghĩ gì, thấy gì nhưng thấy các em có ý thức ăn mặc chỉn chu, ngồi trầm lặng bên các nấm mồ liệt sĩ, lòng tôi tự nhiên thấy ấm áp, vui vui. Hình như đã có sự kết nối tâm linh. Lòng nguyện cầu cho quốc thái, dân an, hòa bình hạnh phúc khắp năm châu bốn biển.


    Hiền Hòa

    BỒI HỒI
    BỒI HỒI "MÀU HOA ĐỎ"
    BỒI HỒI
    BỒI HỒI "MÀU HOA ĐỎ"
  5. Top 5

    Ký ức tháng 7

    Tháng Bảy với mỗi người đều gắn với những kỷ niệm riêng. Với tôi, tháng Bảy mang đến những cung bậc cảm xúc thăng trầm đan xen giữa ký ức ngày tháng cũ với phút giây hiện tại.


    Tháng Bảy, cả dân tộc cùng hướng về những anh hùng liệt sĩ, thương binh đã hy sinh thanh xuân cho Tổ quốc thân yêu. Đã có rất nhiều những hoạt động tri ân người có công với đất nước được diễn ra trên mọi miền Tổ quốc. Thành cổ Quảng Trị là địa danh nhiều người tìm về để tưởng nhớ hàng vạn Anh hùng, liệt sĩ. Đặt chân đến bến thả hoa tại Quảng Trị, biết bao người cùng rưng rưng xúc động khi đọc bài thơ của nhà báo Lê Bá Dương được khắc trên bia đá:


    “Đò lên Thạch Hãn, ơi... chèo nhẹ
    Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
    Có tuổi hai mươi thành sóng nước
    Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.


    Nhà báo Lê Bá Dương là phóng viên thường trú báo Văn hóa khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Anh nguyên là chiến sĩ quân đội trực tiếp chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị trong trận chiến khốc liệt mùa hè năm 1972. Bài thơ như một nén tâm nhang của tác giả dâng tặng các đồng đội đã anh dũng hy sinh tại thành cổ Quảng Trị.


    Năm nào cũng vậy, ngày 27-7, mẹ của tôi lại làm một mâm cơm trang trọng dâng lên chú ruột của tôi. Chú tôi hy sinh trong chiến dịch mùa xuân năm 1968 tại chiến khu D. Đến giờ này, gia đình cũng không biết đích xác ngày hy sinh và vị trí mộ của chú ở đâu. Vậy nên, gia đình lấy ngày Kỷ niệm thương binh – liệt sĩ là ngày giỗ của chú. Những cánh thư phủ màu thời gian vẫn còn đây, lời hẹn ước ngày gặp lại vẫn còn đây... Nhưng chú đã đi xa mãi mãi. Đã vài lần, gia đình tìm mộ chú, nhưng chưa có kết quả. Trong một lần giỗ chú, bố của tôi run run dâng nén tâm nhang, rồi quay ra nhìn tôi, mắt ầng ậng nước mà rằng: “Có lẽ, chú muốn ở lại đó cùng đồng đội con ạ”. Câu nói của ông khiến tôi chợt nhẹ nhõm trong tâm. Phải rồi, dù chú nằm ở đâu cũng là trong lòng đất mẹ Việt Nam và chắc hẳn hương linh chú không muốn rời xa đồng đội.


    Tháng Bảy là quãng thời gian thấp thỏm đợi chờ kết quả thi của tuổi học trò. Những ngày này, trên mạng xã hội, tôi nhận được tin vui từ bạn bè báo điểm thi của các con đỗ vào các trường đại học. Đặc biệt, tôi rộn vui khi đọc những dòng tin nhắn cảm ơn của các học trò dành cho một người bạn là cô giáo dạy văn. Tình thầy trò thật ấm áp, trân quý làm sao. Đến bây giờ, tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc vỡ òa vui sướng khi được con trai báo tin đã đỗ đại học. Bao khó nhọc của những ngày nắng mưa đồng hành cùng con ôn thi dường như tan biến. Kỳ thi đại học cho các bạn trẻ hiểu rằng, có những thử thách phải tự mình mình đối mặt. Dù thành công hay kết quả chưa được như ý cũng khiến ta trưởng thành sau dấu mốc quan trọng.


    Tháng Bảy đến với những ngày thoắt nắng thoắt mưa. Buổi sáng đi làm, trời cao xanh vời vợi, nắng nóng lên đến đỉnh điểm. Vậy mà chỉ qua vài quãng phố, mưa bỗng đổ xuống ào ạt như trút nước. Ghé trú mưa trong một quán vắng, thốt nhiên, tôi ngước nhìn bầu trời vừa nắng vừa mưa tạo ra cầu vồng lung linh ảo diệu. Nhớ năm nào, sau kỳ thi đại học, cả nhóm bạn chúng tôi cùng ngồi bên nhau trên mạn hồ Tây ngắm mưa. Thế rồi, cầu vồng xuất hiện, một người bạn liền nói: “Này, thấy bà tôi bảo, nếu nhìn cầu vồng và nguyện cầu điều ước thì sẽ thành sự thật đấy”. Vậy là, cả nhóm bạn bỗng rộn ràng, cùng nhìn lên cầu vồng và thầm ước vọng. Sau này, mỗi khi ngắm cầu vồng, tôi lại thầm hỏi: “Bây giờ, có ai còn nhớ lời ước tháng Bảy năm nào?”.


    Hà Nội lưu dấu tim yêu bởi mỗi mùa một loài hoa gợi nhớ gợi thương. Tháng Bảy, những đóa hướng dương khoe sắc vàng tươi trên phố. Sắc vàng của hoa mang đến sinh khí tốt lành, tượng trưng cho viên mãn thành tựu. Có lẽ vì vậy mà những người có ngày sinh trong tháng Bảy thường được bạn bè, người thân tặng loài hoa hướng dương. Tháng Bảy, có ngày sinh của những người tôi yêu. Người ta cứ nghĩ, ai sinh ra vào mùa hạ sẽ có tính cách sôi nổi, cá tính. Nhưng không, theo dân gian, những người sinh vào tháng Bảy có đời sống nội tâm sâu sắc, cư xử hòa ái, luôn biết quan tâm đến cảm xúc của người khác và rất chung tình. Vậy nên, trong đời, gặp được người sinh vào tháng Bảy là một hạnh duyên tốt lành và ta nên biết trân trọng.


    Tháng Bảy, Hà Nội không chỉ có hoa hướng dương mà còn có một loài hoa lặng lẽ xuất hiện vào mùa hạ nhưng ít người biết đến, đó là hoa xà cừ. Cây xà cừ được trồng ở khá nhiều tuyến phố Hà Nội. Cây thay lá vào quãng thời gian cuối xuân sang hạ. Sau khi thay màu áo mới, những bông hoa nhỏ xinh màu vàng pha trắng e ấp trổ ra trên vòm lá xanh mướt. Một sớm mai, khi đi chạy trên con phố quen, tôi giật mình nhận ra những đóa hoa bình dị nhỏ xíu buông theo gió, vương trên vai áo, trên tóc người đi đường. Hoa xà cừ cho tôi nhớ về tuổi học trò vô ưu, chỉ vì tranh nhau túi nhót chín mà cả lũ bạn đuổi nhau vòng quanh những cây xà cừ cổ thụ trên sân trường. Ngày cuối năm học, chúng tôi còn lén khắc tên mình trên lớp vỏ cây xà cừ gần cổng trường. Không biết bây giờ, có ai còn thương về kỷ niệm tuổi học trò?


    Tháng Bảy, mưa rấm rứt trong đêm khiến lòng tôi chợt nhớ về miền ký ức xa xôi. Có ký ức hào hùng của dân tộc khiến ta mãi tự hào, không thể lãng quên. Có những vui buồn, mưa nắng đời người xếp dầy lên theo năm tháng. Và, cũng có những ân tình trân quý mãi bền chặt cùng thời gian.


    Vy Anh

    Ký ức tháng 7
    Ký ức tháng 7
    Ký ức tháng 7
    Ký ức tháng 7
  6. Top 6

    THÁNG 7 CÓ NGÀY 27 QUẢNG TRỊ - VẪN MÃI MỘT THỜI HÀO HÙNG.

    Quảng Trị là vùng đất cổ được mệnh danh là “Thánh địa” của miền Trung, thế tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, ngoảnh mặt ra biển Đông mênh mông. Quảng Trị có hai con sông gắn với lịch sử và huyền sử Việt Nam.


    Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương (con sông Gianh thấm đẫm nước mắt của sự chia cắt và đau thương trong những cuộc giao tranh Trịnh – Nguyễn 4,5 thế kỷ trước), con sông giới tuyến 20 năm trời người đôi bờ mới được gặp nhau.


    Và con sông đầy huyền thoại, do gió nắng làm đá chảy mồ hôi tạo thành dòng- sông Thạch Hãn, con sông của gian khó nhọc nhằn vùng đất Quảng Trị, có bến Nhan Biều lịch sử nơi trao trả tù binh Việt - Mỹ, chứnh nhân cho nhiều chiến tích oanh liệt của Đặc công thủy những năm kháng chiến chống Mỹ.


    Năm 1954, sau Hiệp định Jenève, vĩ tuyến 17, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trở thành giới tuyến chia cắt hai miền Nam- Bắc. Quảng Trị thành vùng giới tuyến, vùng chiến sự ác liệt, tàn khốc, nóng bỏng không chỉ do gío cát mà còn do bom đạn Mỹ đổ xuống nơi đây. Cũng vì thế Quảng Trị gắn với những địa danh nổi tiếng cả thế giới, in đậm kỳ tích chiến thắng của Việt Nam trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


    Đó là cung đường Hồ Chí Minh huyền thọai bên dòng Đakrông, là Thành cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm giữ thành đẫm máu, là chiến thắng Khe Sanh, là Cồn Tiên, Dốc Miếu, là cuộc phá sản chiến lược, chiến thuật của Mỹ bằng việc không chế, tiêu hủy hàng rào Mc Namara vắt từ sông Cửa Việt đến sông Sêpôn(Lào), là nơi yên nghỉ của hàng vạn liệt sĩ Trường Sơn…


    Nhưng hôm nay, Quảng Trị lại trở thành điểm đến của các tour du lịch nổi tiếng trong ngòai nước. Tour DMZ- du lịch vùng phi quân sự của các cựu chiến binh Mỹ và con cháu của họ như một sự sám hối, mong được tha thứ bởi tội ác ngày xưa trên vùng đất này. Tour tìm về di tích lịch sử của tất cả những người Việt, tìm về quá khứ hào hùng để sống cho có ý nghĩa trong cuộc sống hòa bình hôm nay, hướng tới tương lai hạnh phúc của Tổ quốc Việt Nam.


    Khe Sanh, là một thung lũng mỗi chiều chưa tới 10km, bốn bề núi rừng trùng điệp, có khe nước trong vắt từ lòng núi chảy ra. Giờ đây là một trong những điểm đến du lịch tham quan của nhiều đòan khách. It người biết được nơi đây hơn 40 năm trước là một căn cứ địa bất khả chiếm của Mỹ với nhiều cứ điểm như sân bay Tà Cơn, Làng Vây, Hướng Hóa…


    Nhưng chính chiến thắng Khe Sanh của quân và dân ta đã góp phần đập tan chiến lược “chiến tranh cục bộ”, chiến thuật “tìm diệt”, “bình định” của Mỹ.


    Cái sót lại của chiến tranh ở nơi đây là Bảo tàng Tà Cơn và những dòng lưu bút của các cựu chiến binh cả bên này và bên kia.. Nhưng xúc độn hơn cả cho những ai đến nơi này chính là lời của Trung tướng Nguyễn Hồng Phong, nguyên Chính ủy Sư 308 nói về những đồng đội đã hy sinh ở Khe Sanh:”Không bao giờ chúng tôi có thể quên được họ. Họ vẫn luôn sống cùng sư đòan.Vâng! Tên của họ vẫn nằm trong danh sách sư đòan một cách trang trọng và sống mãi trong tim mỗi người lính sư đòan 308 anh hùng”.


    Theo vệt đường 9- Khe Sanh, đi qua các làng bản người dân tộc Pa Kô, Vân Kiều, Tà Ôi…, vượt dòng Đakrông huyền bí với bao câu chuyện thần tiên, sử thi ở km 65, dừng lại bản Bông Tho, xã Tà Long, Đakrông, một cung đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh gần như nguyên vẹn từ bao nhiêu năm trước, ẩn mình trong thâm u rừng đại ngàn…


    Gạt lớp lá khô mục phủ kín dày một lớp, như cả một ngày xưa thời chiến tranh hiện ra với vết bánh xe tải, bánh xích xe tăng hằn chéo qua chéo lại chồng lên nhau, và quanh quất còn đâu đó vài cái bếp Hòang Cầm không khói, dấu tích một binh trạm...


    Cũng nên nhắc lại vài con số về đường mòn Hồ Chí Minh. Đây là con đường huyết mạch cho chiến trường Miền Nam tầm cỡ chiến lược đặc biệt quan trọng. Bắt đầu từ ngã 3 Đồng Lộc- Hà Tĩnh và kết thúc ở Tà Thiết- Bình Phước. Đường được khai mở vào ngày 19.5.1959 do Đòan 559 Trường Sơn phụ trách.


    Con đường có tổng chiều dài 16.000km gồm 5 hệ thống trục dọc, 21 đường trục ngang và 3100km đường ngụy trang đặc biệt để xe đi ban ngày, Tổng số đất đá đào đắp là 29triệu m3, san lấp 80.000 hố bom, phá 20.600 quả om nổ chậm, từ trường, bắn rơi và bị thương 2450 máy bay.


    Số bom rải xuống tính trong chiến lược “VN hóa chiến tranh” là 3 triệu tấn bom các lọai, không kể hàng ngàn lít chất khai quang da cam. Con đường đã “cõng” trên 2 triệu lượt người, hàng chục ngàn đòan xe, hàng triệu tấn lương thực, súng đạn chi viện cho chiến trường Miền Nam.


    Và sự mất mát cũng thật lớn: 19.000người hy sinh, 32.000người bị thương cùng bao di chứng sau chiến tranh.


    Cảm xúc đầy hơn khi hôm nay đến đây, ngay bên cạnh cung đường “di tích” huyền thọai thời chiến tranh là giao lộ của Đại lộ Hồ Chí Minh thế kỷ 21 và con đường xuyên Á. Một cung đường nối quá khứ huyền thọai với tương lai rực rỡ.


    Thành cổ Quảng Trị được nhà Nguyễn Gia Long cho xây dựng từ 1801-1809 bằng đất cát, tới năm 1827 vua Minh Mạng xây lại kiên cố bằng gạch theo kiểu Vauban- 4 cổng thàng ở 4 phía với 4 pháo đài, 4 góc thành, cùng hệ thống hào thành chu vi 2160m.


    Vào mùa hè 1972 từ 28-6 đến 16-9, tại nơi đây đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt 81 ngày đêm của quân dân Quảng Trị bảo vệ Thành Cổ, chống lại chiến dịch phản kích tái chiếm Quảng Trị của chính quyền Sài Gòn.


    Trong một chu vi 2km, các chiến sĩ Quân Giải phóng đã phải chịu một lượng bom đạn tương đương 8 quả bom nguyên tử Hiroshima 1945. Đổi lại ta đã tiêu diệt 24.000 tên địch gồm 2 lữ đòan, 11 tiểu đòan, 39 đại đội, 90 xe tăng xe bọc thép, 200 đại bác…


    Chúng tôi đến Thành Cổ chính vào những ngày hè mà xưa kia nơi đây là bình địa tả tơi vụn nát đầy máu, mảnh bom đạn và ầm ầm tiếng đạn nổ bom rơi mịt mù khói súng, cùng tiếng gầm rú của hàng ngàn xe pháo trên bầu trời mặt đất. Nơi đây hình như vẫn thỏang mùi thuốc súng dù cỏ xanh mượt khắp nơi. Đi giữa cái nắng đỏ như lửa đổ xuống, giữa không gian im ắng trang nghiêm, bỗng nhiên không dám bước mạnh chân. Bốc một nắm đất, thấy lấp lánh mảnh kim lọai nhỏ, lại cảm như đất còn vương một phần máu của các liệt sĩ.


    Và rồi cứ lặng người trươc đài tưởng niệm với biểu tượng một bát nhang, nén hương thơm vươn cao tạc vào trời xanh thẫm, cùng một đường ngang- nối liền âm dương vĩnh cửu, không điều gì có thể chia cắt giữa người sống hôm nay với những anh hùng liệt sĩ Thành Cổ.


    Bảo tàng Thành Cổ, những dấu tích sót lại, những di vật liệt sĩ… và những câu chuyện kể của đồng đội xưa… Cả những bông cỏ lau trắng xóa hình như có hồn người, cứ lao xao trong nắng đỏ. Mắt ai cũng đỏ hoe.


    Được biết nguời chiến sĩ Thành Cổ tên Lê Bá Dương, suốt bao năm từ ngày giải phóng 1975 anh cứ tới tháng 7 là trở lại đây mua cả thuyền hoa thả xuôi dòng Thạch Hãn. Rồi gần 10 năm trở lại đây không chỉ mình anh mà rất nhiều đồng đội xưa, những người dân, sinh viên, học sinh theo anh thả hoa tưởng nhớ linh hồn các liệt sĩ.


    Qua tư liệu của Bảo tàng Thành Cổ nước mắt cứ chực trào ra với những con số: hơn 10.000 chiến sĩ đã hy sinh. Đăm đắm nhìn những vạt cỏ xanh, chợt nghe tiếng chim ríu rít.


    Bên bức tường đá hoa cương xám mờ từng hàng người lặng im: ”Tại đây, Thành Cổ Quảng Trị kiên cường, bao chiến sĩ , sinh viên Việt Nam đã anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, nhiều người trong đó đã hy sinh oanh liệt. Các anh sống mãi trong lòng đất nước, nhân dân và đồng đội thân yêu”.


    Bao tượng đài cũng không đủ thể hiện những mất mát hy sinh. Nhưng Thành cổ Quảng Trị đã là một tượng đài bất tử.


    Vào những ngày tháng 7 này, cái nắng cái gió đến “đá cũng đổ mồ hôi” của Quảng Trị không ngăn được những dòng người đổ về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi yên nghỉ của 10.327 liệt sĩ đã dũng cảm hy sinh vì sự nghiệp độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.


    Trên một ngọn đồi đẹp, xanh hoa lá, giữa 8 ngọn đồi khác bao quanh như 8 cánh hoa, như vòng tay ấm áp của lòng đất Mẹ bao bọc. Họ nằm yên nghỉ lặng lẽ, thanh thản, chỉ một niềm tiếc thương ở người sống hôm nay.


    Đi dọc theo các hàng mộ, đọc tên, quê quán… khắp mọi miền quê và họ phần lớn tuổi 20.. Thóang nghe trong hơi gió , hình như có giai điệu của rất nhiều ca khúc về Trường Sơn, những bài ca kháng chiến chống Mỹ, cảm giác như linh hồn của những chàng trai cô gái không chịu về đât mà bay lên , quyện vào nhau thành những bài hát hào hùng của một thời trường Sơn huyền thọai, họ đã thành bất tử với nước non…


    Trên những nấm mộ có tên và không tên, khói hương bãng lãng không chịu tan. Chớp bể mưa nguồn. Họ còn trẻ lắm, mãi mãi tuổi 20, ước mơ, hy vọng, khát khao…


    Quá khứ đã qua đi, nhưng lịch sử là mãi mãi.


    Quảng Trị cũng như các làng quê Việt Nam là những bản anh hùng ca bất tử mãi mãi rực sáng một thời hào hùng của một dân tộc Việt Nam bất khuất.


    Hoài Hương

    THÁNG 7 CÓ NGÀY 27 QUẢNG TRỊ - VẪN MÃI MỘT THỜI HÀO HÙNG.
    THÁNG 7 CÓ NGÀY 27 QUẢNG TRỊ - VẪN MÃI MỘT THỜI HÀO HÙNG.
    THÁNG 7 CÓ NGÀY 27 QUẢNG TRỊ - VẪN MÃI MỘT THỜI HÀO HÙNG.
    THÁNG 7 CÓ NGÀY 27 QUẢNG TRỊ - VẪN MÃI MỘT THỜI HÀO HÙNG.
  7. Top 7

    Mê man thành cổ

    Kính dâng linh hồn liệt sỹ Bùi Văn Bình và đồng đội!


    Mê man Thành Cổ, không hẳn Quảng Trị đẹp, không hẳn Quảng Trị đau thương và cũng chẳng riêng gì Quảng Trị khói lửa. Mê man là cách những người trẻ khi lấy quá khứ rọi vào tương lai.


    Tôi biết đến thành cổ Quảng Trị lần đầu khi đọc bức thư cuối cùng của bác tôi gửi về gia đình mà mẹ tôi luôn xếp chúng ngay ngắn trong chiếc va ly của mình. Có lẽ bác tôi đã yên nghỉ ở nơi ấy và mãi mãi không trở về. Liệt sỹ Bùi Văn Bình khi mới tuổi đôi mươi.


    Với tôi, không cần biết chiến tranh có phi lý, chiến tranh có vô nhân đạo. Mà chiến tranh đơn giản chỉ là không cho những người ra đi có thể quay trở về. Vâng, chiến tranh là tàn nhẫn.


    Một chiều Quảng Trị, một chiều mê man, một chiều khói nhang về trong những hình hài đỏ lửa. Tôi run bần bật, trăng vàng lên mật, đẩy ánh hoàng hôn vào những vết đạn pháo ám ảnh linh hồn, còn găm trên tường gạch khôn khuây quanh đây.


    Không đến Quảng Trị, khó có thể hình dung được mức độ ác liệt mà bom đạn rải xuống bủa vây. Một bức tường, thậm chí một viên gạch cũng không còn lành lặn. Chỉ có đoạn tường thành bao quanh Thành Cổ là còn trụ vững nhưng cũng mang trên mình bao dấu vết hủy diệt đạn bom.


    Tôi hiểu, chính nhờ những hy sinh mà trong đó có một phần máu thịt của bác tôi, nhờ máu của những chiến sĩ chảy trong Thành Cổ và trên khắp chiến trường Miền Nam đã làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Qua hơn 40 năm và mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương vẫn chưa lành trong lòng những người con đất Việt.


    “Thưa ông bà: Kể từ ngày cháu bước chân trên con đường “Vạn lý trường chinh” tới nay đã hơn một tháng trời, cháu đã viết về nhà ba lá thư, cả thư này là lá thư thứ tư và có lẽ từ nay cháu không còn điều kiện để viết thư và bỏ thư về nhà nữa đâu. Nhưng cháu vẫn luôn nghĩ đến quê hương, ông bà, thầy mẹ và các em. Vì sự nghiệp chung của toàn dân nên cháu lên đường đi chiến đấu…Thầy mẹ yên tâm, mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe, để một ngày không xa nữa con sẽ trở về sống bên tình thương của thầy mẹ…”


    Vừa đi dạo quanh những tường hào Thành Cổ tôi lại chắp vá những lời yêu thương của bác tôi trong bức thư gửi về ông bà thầy mẹ. Những con chữ, những nét mực đã ố màu thời gian, Những cảm xúc trẻ trai mà chẳng mảy may hoang hoang giữa cuộc biến binh loạn lạc. Tôi ngước nhìn những vòm rêu xanh còn như ngơ ngác, Thành Cổ đau thương.


    Thành Cổ đã khô miệng những vết thương, nhưng những ngày trở gió lại nhói đau màu cỏ, úa lên thời gian hơi đạn dấu thù. Tám mươi mốt ngày đêm máu lửa, tám mươi mốt ngày đêm lòng dạ những bà mẹ như dao cứa, tám mươi mốt ngày đêm quê hương thắp lửa, soi bóng những đứa con trở về.


    Thành Cổ Quảng Trị khi tôi đến đã bình yên màu xanh, một tòa thành nằm bên dòng sông Thạch Hãn, một dòng sông mà chân sóng còn ghìm sâu những giọng hò ngắt quãng, bởi tiếng bom sôi.


    “Thầy mẹ kính mến! Chúng con hiện phải hành quân gấp rút để đến chiến trường, nhanh ngày nào hay ngày ấy để làm nhiệm vụ vì cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước đã đến giai đoạn gay go, ác liệt nhất có tính chất mở đầu cho sự quyết định toàn thắng…”


    Nhìn nét chữ nghiêng nghiêng của bác tôi, những nét viết không giấu nổi bồi hồi, cảm xúc vẫn còn như nóng hổi, thời gian, Thành Cổ, máu và quê hương. Xin cho những yêu thương dẫn đường, xin cho những bình minh Thành Cổ lung linh, xin cho dòng Thạch Hãn mỗi đêm hoa đăng dìu dặt linh hồn, những người đã khuất, những thịt xương đã tan vào đất, những anh linh sáng mở nụ cười.


    Tôi đi trong dòng người hàng ngày chảy về đây tưởng nhớ, những lời khấn nguyện lầm rầm, lại là khói hương cay mắt, lại là những vết đạn quay quắt, nhưng tôi chắc hẳn tâm trạng của mỗi người vẫn dằng dặc dòng sông. Bất giác tôi nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương:


    Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
    Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
    Có tuổi hai mươi thành sóng nước
    Giữ yên bờ bãi mãi ngàn năm…


    Sông Thạch Hãn là con sông dài và đẹp nhất tỉnh Quảng Trị. Sông bắt nguồn từ phía Đông dãy Trường Sơn. Dòng sông chảy từ hướng Đông và Đông Bắc, gặp sông Rào Quán lại chảy về hướng Đông rồi ngược lên phía Bắc, nhập với sông Cam Lộ tại ngã ba Dã Độ rồi lại quay về hướng Đông, đổ ra cửa Việt Yên.


    Không chỉ từ xưa mà cho đến cả bây giờ, sông Thạch Hãn vẫn là mạch máu giao thông đường thủy rất quan trọng của tỉnh Quảng Trị. Sông Thạch Hãn còn là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, dòng sông mang sứ mệnh lịch sử ấy chứa biết bao nhiêu máu xương của chiến sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập tự do của tổ quốc. Ôi Việt Nam!


    Để tưởng nhớ đến hàng nghìn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn, vào các dịp lễ, tết tại nhà hành lễ – bến thả hoa hai bờ Nam – Bắc sông Thạch Hãn, nhân dân thường thả hoa đăng để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Lễ hội “Đêm hoa đăng” được tổ chức vào ngày 14 âm lịch hàng tháng đã thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa nhằm tôn vinh và ghi nhớ công ơn của biết bao thế hệ cha, anh đi trước đã anh dũng hy sinh.


    Một đêm Quảng Trị, một đêm Thành Cổ, một đêm Thạch Hãn tôi lần giở bức thư của bác tôi đã chụp lại trong điện thoại mà mơ hồ cứ ngỡ người đang ở đâu đây. Màu mây bàng bạc, dòng sông lấp loáng, tường thành chạng vạng, hoa đăng mỉm cười. Tôi thấy đoàn người thu quân gọi trống, trăng lồng vòm cổng, tường gạch rêu phong, ngước nhìn Thành Cổ, mê man, mê man…


    Hồ Huy

    Mê man thành cổ
    Mê man thành cổ
    Mê man thành cổ
    Mê man thành cổ
  8. Top 8

    Các anh nằm xuống cho Tổ quốc hồi sinh

    Lịch sử chống ngoại xâm anh dũng của dân tộc Việt Nam trong đó có ý chí quyết chiến, quyết thắng với lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh thân mình, bảo vệ Tổ quốc của các Anh hùng liệt sỹ, không chỉ là niềm tự hào của dân tộc mà còn là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, học tập, noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.


    Kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sỹ (27- 7- 1946 – 27- 7- 2019), với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đoàn chúng tôi là những CCB đến thăm Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang đường 9…đó là những nơi có hàng ngàn, hàng vạn anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc, giành lại cuộc sống tự do độc lập, thống nhất đất nước cho dân tộc hôm nay. Thế hệ chúng tôi là thế hệ sinh ra trong chiến tranh được sống trong một thời “Hoa lửa”, tận mắt chứng kiến những đồng đội của mình ngã xuống, vì sự tồn vong của dân tộc. Đó là sự mất mát lớn lao của cả dân tộc Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước. Cái thời mà “Những người con gái, con trai. Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép. Xa nhau không hề rơi nước mắt....”. Khi đoàn cúng tôi đến thành cổ Quảng Trị, nhìn dòng sông Thạch Hãn vẫn lững lờ trôi như ngày nào trong lòng những người CCB chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Vậy mà đã hơn 40 năm, đất nước sạch bóng quân xâm lược nhưng máu xương của hàng vạn chiến sỹ, họ là những người con ư tú, là những đồng đội của chúng tôi đã nằm lại nơi này. Trong số họ, phần lớn là những thanh niên rất trẻ, rời giảng đường đại học vào Thành Cổ Quảng Trị, họ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh, máu thịt của họ hòa vào mỗi tấc đất, cành cây, ngọn cỏ nơi thành cổ Quảng Trị và giữa lòng sông Thạch Hãn. Cựu chiến binh Lê Bá Dương khi về thăm lại chiến trường xưa đứng lặng mình bên dòng sông Thạch Hãn, thấy những con đò xuôi ngược trên sông anh đã thầm gọi với theo: “Đò xuôi Thạch Hãn... ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”. Anh Nguyễn Anh Trí, khi trở lại thành cổ Quảng Trị đã bùi ngùi xúc động: “Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hi sinh”…Thật cảm kích và tự hào vô cùng, khi nghĩ về một thế hệ “Quyết tử để, Tổ quốc quyết sinh”. Rời thành cổ Quảng Trị chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, khi vừa đặt chân đến nơi đây thì mọi cám dỗ về vật chất, sự ích kỷ, nhỏ nhen, bon chen, danh lợi… trong cuộc sống đời thường trong tôi bỗng vụt tan biến trước những sự mất mát, hi sinh vô cùng lớn lao của các anh hùng liệt sỹ ở nơi này. Muốn lắm, tôi muốn chính tay tôi được thắp nhang hết cho tất cả những đồng đội ở đây để tưởng nhớ hương hồn các anh, các chị đã ngã xuống vì độc lập, tự do, vì thống nhất Tổ quốc, vì cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc của dân tộc. Trong hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã hy sinh có những ngôi mộ có tên tuổi, quê quán, được, người thân thường xuyên chăm nom thăm viếng, khói hương… Bên cạnh đó còn có hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ vô danh, không họ tên, quê quán, đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ này hoặc còn nằm giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ hay giữa đại dương bao la. Tất cả họ cũng đều là những liệt sĩ vô danh chưa rõ tên tuổi, quê hương đã gợi lên trong lòng tôi niềm đau xót, tiếc thương vô hạn. Song tên tuổi và chiến công của các anh, các chị đã gắn liền với tên tuổi và chiến công oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nhưng làm sao mà tôi có thể đi thắp nhanh cho các anh, các chị hết được? Bởi “Doanh trại đóng quân” của các anh, các chị rộng lớn quá, bao la quá, mà thời gian thì không cho phép. Thôi thì, tôi xin được thắp nén tâm nhang để gửi đến tất cả các anh, các chị những đồng đội của tôi, mong các anh, các chị yên nghỉ và linh hồn được siêu thoát. Sự hi sinh cao quý đó của các anh, các chị sẽ được cả dân tộc Việt Nam đời đời ghi nhớ. Lòng yêu nước thiết tha, tinh thần chiến đấu dũng cảm và đức hi sinh cao cả của các anh, các chị là bài học về lý tưởng cách mạng vô cùng quý báu cho các thế hệ trẻ nối tiếp làm gương và học tập.


    Đến với thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và đường 9 đứng trước bạt ngàn mộ liệt sĩ có danh và vô danh xếp thành hàng, thành lối, trùng trùng điệp điệp, trong lòng những người CCB chúng tôi trào lên một cảm xúc thiêng liêng. Tôi thấy tâm hồn mình được thanh lọc hết những toan tính ích kỉ về vật chất, danh vọng, tiền bạc, rũ sạch nhưng vướng bận bụi đời để hướng tới những điều cao quý nhất trong cuộc sống đó là “Chân, Thiện, Mỹ”. Tôi xin mượn câu nói của nhà văn Nga N.OSTROVSKI để làm phần kết cho bài viết: "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...".


    11/07/2019

    Võ Hoàng Nam.

    Các anh nằm xuống cho Tổ quốc hồi sinh
    Các anh nằm xuống cho Tổ quốc hồi sinh
    Các anh nằm xuống cho Tổ quốc hồi sinh
    Các anh nằm xuống cho Tổ quốc hồi sinh



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy