Top 8 Tản văn viết về đom đóm hay nhất

Phương Kem 542 0 Báo lỗi

Hình ảnh những chú đom đóm gợi người ta nhớ về tuổi thơ êm đềm giữa thiên nhiên. Hình ảnh những chú đom đóm xuất hiện rất nhiều trong thơ văn, và đã có rất ... xem thêm...

  1. Top 1

    Đom đóm bay về đâu

    Đột nhiên mất điện. Ai nấy đều than thở mệt mỏi, cái nóng của mùa hè cứ hầm hập đến là khó chịu. Thế nhưng, dường như chính sự đột ngột ấy lại giúp cho thiên nhiên được trở về với vẻ bình yên vốn có. Vạn vật chìm trong đêm tối tịch mịch. Ánh trăng mờ tan tan chảy vào không trung. Cảnh vật bỗng trở nên huyền ảo hơn dưới trăng. Và ánh sáng của một chú đom đóm đang bay ra từ bụi cây ven đường sáng bừng lên trước mắt tôi.


    Ánh sáng ấy đưa hồn tôi trở về với những đêm hè xa xôi. Những đêm mà bọn trẻ con rất mong đợi. Nghỉ hè mà, không còn phải lo lắng sẽ bị mẹ mắng mỗi khi học bài, tha hồ nô đùa với đám bạn trong xóm. Hôm nào cũng thế, xong bữa tối là cả đội tập kết ra cánh đồng rộng trước làng. Cánh đồng vừa gặt xong, lộ trơ những gốc dạ nằm trên mặt đất khô nẻ. Ven bờ ruộng người ta phơi những tay* rơm nếp dài thườn thượt thành hàng, phơi cho khô để tết chổi quét nhà. Dưới trăng mờ, trông chúng chẳng khác nào những đứa trẻ đang chơi đùa. Có đứa tặc lưỡi “nhìn xa trông hơi giống ma”. Thế là có tên láu cá trong đội nghĩ ngay ra cách doạ dẫm bọn con gái yếu bóng vía. Chúng lấy rơm khô bó thành hình nhân, rồi bắt đom đóm lấy băng keo gắn vào đó. Xong xuôi cả bọn mang để ở cổng nhà đứa con gái kia. Con bé ra đến cổng tưởng là ma sợ hú hồn, hét toáng lên, mặt tái nhợt đi, rồi tức đến phát khóc khi biết mình bị đám bạn trêu chọc.


    Lại nói đến đom đóm. Ngày ấy, sao mà nhiều đom đóm thế. Đom đóm là loài sinh vật nhỏ bé, cánh cứng, cứ đêm đến bụng chúng lại phát ra đốm sáng xanh dịu nhẹ, đó là ánh sáng lạnh nên sờ vào thì không thấy nóng chút nào. Đom đóm từ đâu đến?. Chẳng phải trong câu chuyện mẹ kể: "Đom đóm có từ những ngày xửa, ngày xưa. Chuyện kể rằng ở một làng nọ, có hai mẹ con nghèo khổ sống cùng nhau. Người mẹ rất yêu thương con nhưng cậu bé lại có phần bướng bỉnh. Sau một lần bị mẹ mắng cậu bé hờn dỗi bỏ nhà ra đi. Người mẹ hối hận, vội vã đi tìm con nhưng mãi không thấy bà trở về. Sau nhiều ngày cậu bé về nhà thì không thấy mẹ nữa. Cậu oà khóc nức nở, khi chết cậu biến thành con đóm đóm mỗi đêm lại đốt đèn đi tìm mẹ”. Trong suy nghĩ ngây ngô của trẻ con, tôi tự hỏi chẳng lẽ có nhiều cậu bé không nghe lời mẹ nên biến thành đom đóm đến thế à. Nhưng bà nội lại bảo đom đóm là linh hồn của những người đã chết, đêm đêm sẽ tìm về vì nhớ người thân của mình. Có lẽ vì thế mà đêm nào cũng vậy, giữa đêm tối mịt mùng, từng dải đom đóm sáng lập loè như sao rơi.


    Chúng tôi nô đùa. Đom đóm cũng nô đùa cùng chúng tôi. Cả bọn đuổi bắt đom đóm, nhốt chúng vào chai. Vậy mà chúng vẫn chẳng có vẻ gì là sợ hãi. Đêm nào cũng bay chập chờn, quẩn quanh chúng tôi. Lũ chúng tôi cười đùa vang động cả khoảng không gian rộng lớn. Mặc tiếng người lớn nhiều khi quát mắng. Những trò nghịch ngợm xen lẫn tiếng cười làm chúng tôi quên đi bao nóng nực, mệt mỏi của mùa hè. Đứa nào đứa nấy mồ hôi rơi đầm đìa trên mặt. Kệ đôi chân trần trầy xước, kệ những gì khắc nghiệt nhất, thứ duy nhất vang lên trong không trung là tiếng cười giòn giã của trẻ thơ và thứ đọng lại trên đôi mắt mỗi đứa chính là ánh sáng của đom đóm.


    Con đom đóm không bay nữa. Nó dừng lại trên một nhành cây, đốm sáng phía bụng mờ dần. Phải chăng nó không còn đủ sức để bay tiếp. Tôi đưa tay định bắt, nhưng có một điều gì đó đã mách bảo tôi đừng làm thế. Sao đom đóm lại chỉ có một mình, các bạn của nó đâu?. Phải chăng, bạn của nó cũng đã lớn hết rồi, chúng đã đi đến một vùng đất khác, mỗi người một nơi giống như chúng tôi chẳng hạn. Ngay cả khi đã cố dối lòng mình, tôi cũng không thể phủ nhận rằng đã lâu lắm rồi tôi không được chiêm ngưỡng những dải sáng lập loè của đóm đóm. Chỉ thỉnh thoảng, tôi vô tình bắt gặp vài con đom đóm yếu ớt, cô đơn bay trong đêm. Những con đom đóm chăm chỉ, tinh nghịch ngày xưa đi đâu hết rồi?


    Có phải tất cả bọn chúng đã tìm thấy mẹ rồi không? Hay là do những linh hồn người chết đã siêu thoát hết, nên đom đóm ngày một ít đi. Tôi đâu còn là một đứa trẻ để có thể suy nghĩ ngây ngô như thế nữa. Nếu có thể, vào một đêm nào đó, chúng ta hãy nhắm mắt vào, lắng tai nghe những giai điệu của thiên nhiên. Ta sẽ vô cùng bất ngờ, bởi tiếng của động cơ, tiếng của những thứ âm thanh nhân tạo đã át đi tiếng hát của côn trùng. Sau đó, mở mắt ra để chiêm ngưỡng màn đêm ta sẽ vô cùng ngạc nhiên bởi ánh sáng của đèn cao áp, đèn trang trí lấp lánh đủ màu sắc đã át đi ánh sáng của trăng, của sao và đom đóm.


    Môi trường sống của chúng ta đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Lượng lớn các chất thải độc hải, cùng với dung lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ được tưới lên các cánh đồng không chỉ khiến cho đom đóm mà nhiều loài sinh vật khác cũng đang chết dần đi. Sự ô nhiễm môi trường, ô nhiễm ánh sáng tác động xấu đến quá trình sinh sản của đom đóm, khiến chúng mất dần đi những tính năng vốn có từ đó đom đóm đực và đom đóm cái không thể phát ra những tín hiệu để tìm thấy nhau. Rồi một ngày nào đó, khi nhắc đến đom đóm đứa trẻ sẽ hỏi mẹ: “Mẹ ơi, đom đóm trông như thế nào hả mẹ, sao con chưa nhìn thấy bao giờ?”. Có lẽ người mẹ sẽ cười buồn rồi nói: “Đom đóm chính là đốm sáng nhỏ trong ký ức tuổi thơ của mẹ, nó là người bạn của trẻ nhỏ con à”.


    Con đom đóm đang đậu trên nhành cây bỗng bay vút lên, bụng nó đã phát sáng và đôi cánh trông không còn mệt mỏi nữa. Tôi dõi mắt theo đốm sáng nhỏ ấy rồi tự nhủ: “Đom đóm bay về đâu?”. Kìa nó đang dừng lại ở chỗ một con đom đóm khác, hình như một con đom đóm cái đang chờ nó. Đom đóm ơi, mày hãy bay đi nhé, bay đến nơi bình yên, bay đến nơi có tình yêu, để tìm lại sự sống!


    PT, 24/06/2023

    Trần Tú

    Đom đóm bay về đâu
    Đom đóm bay về đâu
    Đom đóm bay về đâu
    Đom đóm bay về đâu

  2. Top 2

    Khóc một loài sâu

    Khi những cơn mưa đầu mùa lẳng lơ buông thõng trước mái hiên nhà, mùa hè trở dạ trên những vạt cỏ xanh non, ấy là khi từng đêm từng đêm tôi thao thức những ánh đèn đom đóm. Đom đóm, loài bọ cánh cứng thân mềm có vòng đời một loài sâu như bao loài sâu khác nhưng chúng đã để lại dấu ấn trong cuộc đời tôi bằng những vệt ánh sáng xanh miên man chớp, miên man hoài niệm.


    Mưa rào đầu mùa quá khích. Bầy trẻ cởi truồng tắm mưa. Mùa hè thảng thốt những đốm sáng lập lòe thiên sứ. Thời ấy đèn điện thắp sáng đêm đêm ở quê tôi là một điều xa xỉ, chúng chỉ kịp lóe lên vào ba ngày tết vỏn vẹn. Quanh năm chúng tôi sống, học tập và lớn lên bằng ánh đèn dầu leo lét khét lẹt của mẹ, bằng bóng đèn 6v hàng ngày của cha mà ông phải đi nạp bình ắc quy cách nhà 3-4 km.


    Giữa một buổi tối khí mát tràn vào căn phòng, tôi mừng quýnh như con chó trung thành mừng người chủ biệt biệt xó bếp mà trở về. Còn gì hơn là sự trở lại của mùa hè. Những đốm lửa lập lòe trên dậu, ngoài ngõ và bay đi với cơ man vệt sáng xanh thiên thần. Ngày ấy tôi đã gọi chúng là điện của trời. Đom đóm cứ rướn mãi lên trời đêm nhưng chẳng khi nào trở thành những vì sao trên cao. Tôi ước ao những làn gió như những kẻ nô bộc thân tín nhất sẽ đưa chúng chạm đến thứ ánh sáng vĩnh hằng…


    Tôi là một đứa trẻ hiếu động. Mẹ bảo tôi nghịch ngầm từ trong trứng nghịch ra. Tôi từng nuôi cả đàn kiến trong một hộp diêm... Nhà tôi ngày đó bán thuốc tây nên sẵn lọ thủy tinh để tôi nuôi nhốt của mình. Mẹ đã hốt hoảng khi thấy bên gối của tôi một hộp diêm đầy kiến chúa và một lọ thủy tinh chen chúc đom đóm: Huy ơi những thứ gì thế này?


    Tất cả đom đóm trong chiếc lọ thủy tinh của mẹ như sáng ngời lên ngay lập tức. Dòng sáng đỏ mê man thêm thứ màu xanh kỳ lạ chảy ra rồi đáp hờ lên tay tôi. Hôm sau đi học về tôi tìm ngay lọ thủy tinh chứa đom đóm được vùi dưới gối tôi nằm. Chừng như đàn đom đóm không thể nào chiếu sáng rực rỡ như thế, hay có lẽ, dòng ánh sáng chảy ra khỏi lọ thủy tinh kia chỉ là sự tưởng tượng của một đứa trẻ. Hoặc dòng ánh sáng ấy chính là tình cảm mà tôi dành cho mùa hè bất tận. Lũ đom đóm, những thiên thần kỳ ảo của tôi đã chết. Tôi ngồi nép vào xó nhà, cứ thế khóc, khóc và... khóc...


    Sau này tôi biết Enzym Luciferase của đom đóm được dùng trong nhiều thí nghiệm y khoa. Với nhiều thí nghiệm về Luciferase trong phòng nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát triển nhiều ứng dụng vào việc sử dụng enzym này.


    Nhưng có lẽ những thiên thần bé nhỏ của tôi đang trên đường tuyệt diệt. Năm ngoái một người bạn rủ tôi về miền Tây hay lên Đà Lạt để ngắm nhìn đom đóm, còn dặn với tôi: mau mau đi, đom đóm sắp tuyệt chủng rồi...


    Quê hương chua chát, mùa hè thoi thóp đổ lửa khiến tôi lại nhớ đến những ánh sáng xanh xanh kỳ ảo mát lạnh đêm hè. Tôi lại chắp vá hình dung câu chuyện về một người học trò nghèo đã gom đom đóm để lấy ánh sáng học bài. Mãi đến sau này tôi mới biết cậu học trò nghèo, người đã mang đom đóm bỏ vào vỏ trứng để lấy nguồn sáng ít ỏi đó không ai xa lạ, chính là chủ tịch nước Trần Đại Quang, người có tuổi thơ đầy cơ cực. Đôi khi chỉ có một mình nghĩ lại câu chuyện của riêng tôi, tôi mỉm cười thấy nguồn yêu thương chảy ra từ khóe mắt.


    Mùa hè bây giờ khác rồi, đèn điện chiếu sáng nơi nơi, ruộng đồng thu hẹp, bờ bụi phát quang, loài đom đóm của tôi thành ẩn ức. Nhiều đêm giấc lạ, kỳ thay tôi thấy bên gối tôi nằm chiếc lọ thủy tinh của mẹ bừng sáng, lẫn trong ánh đỏ rực là dòng sáng xanh chảy ra bò lên tay tôi rồi thoan thỏa bộn bề vùng đêm. Gió là kẻ nô bộc thân tín nhất sẽ đưa chúng chạm đến thứ ánh sáng vĩnh hằng. Yêu thương. Khóc một loài sâu...


    Hồ Huy

    Khóc một loài sâu
    Khóc một loài sâu
    Khóc một loài sâu
    Khóc một loài sâu
  3. Top 3

    Đom đóm vào nhà

    Trời đã lập Thu mà nắng vẫn còn gay gắt. Những đợt gió Tây Nam thổi rạc mặt người. Mùa Hạ ngỡ đã lặn vào trong hoa trái để hiến dâng vị ngọt mùa màng. Nỗi lo âu về dịch bệnh vẫn chẳng hề vợi bớt mà ngày càng thêm nhiều phức tạp. Nỗi lo về việc làm, nỗi đau về những phận người mong manh khiến lòng không thôi trăn trở. Đêm chớm Thu, bất chợt mất điện. Trong cái mờ ảo của mảnh trăng non mờ ảo, của màn hình smartphone lúc yếu pin, bỗng chập chờn một ánh đom đóm bay quanh quẩn vào nhà. Đứa con 5 tuổi chợt cười thích thú mà quên đi nỗi sợ bóng tối khi lần đầu được trông thấy. Và lòng ta cũng thích thú, ngạc nhiên xen lẫn bùi ngùi. Một ánh sáng yếu ớt, lạc lõng thôi mà\ đầy sức gợi nhớ, cho ta tìm về với dĩ vãng mờ xa.

    Đom đóm hay ruồi phát sáng là những loài côn trùng cánh cứ nhỏ được gọi chung là họ Đom đóm (Lampyridae) có khả năng phát quang. Đom đóm là động vật tiêu biểu cho vùng ôn đới mặc dù phần lớn các loài sống ở vùng nhiệt và cận nhiệt đới (khoảng 2000 loài). Chúng là loài động vật ăn thịt nên ăn sâu bọ hoặc các loại ốc. Chúng là những sinh vật có tập tính hoạt động về đêm, con đực thường có cánh và bay vào những đêm đầu mùa hạ. Nhiều loài, con cái không có cánh. Con đực, con cái và ấu trùng phát ra ánh sáng lạnh và thường có màu đỏ cam hay vàng xanh (bước sóng 510 670 nm); một số loài thậm chí trứng cũng phát quang… (theo Wikipedia).


    Đom đóm vào nhà, ta chợt nhớ ký ức mẹ ta một thuở nhà nghèo. Không biết ngày xưa, để trấn an con hay trấn an lòng mình mà mỗi khi đom đóm vào nhà mẹ lại bảo: “Thứ nhất đom đóm vào nhà/ Thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn”. Câu ca dao mẹ nhắc để chỉ quan niệm về niềm vui, điềm may mắn của người xưa. Ngày ấy, có bữa chợ phiên nào mà mỗi sáng mai mẹ không trĩu vai gánh hàng đi chợ đâu. Khi thì gánh lúa, gánh khoai; lúc nông nhàn là những gánh củi, bó trúc mà cha đi rừng từ hôm trước trên Nhà Đũa, động Mồng Gà hay nơi nào xa lắm. Nhà mình và bao gia đình khác ở làng đều thế cả: đông con, ít ruộng, nghề phụ không có, và chỉ quanh quẩn sau lũy tre làng nên sợ lắm cái đói tháng ba ngày tám.


    Đom đóm vào nhà, lại nhớ dáng cha hiền từ mà nghiêm nghị, luôn nhắc nhớ các con chuyện học hành và đạo lý làm người dù cha chỉ mới đọc thông viết thạo từ những lớp học vụ bình dân. Cha sợ các con cảnh thất học nên lúc nào cũng kể chúng con nghe những câu chuyện về tấm gương hiếu học mà không biết cha nghe từ ai hay đọc ở đâu. Chuyện ông Mạc Đĩnh Chi nhà nghèo, vào rừng kiếm củi giúp đỡ cha mẹ. Mỗi lần gánh củi qua trường đều ngấp nghé học lỏm. Đêm không có đèn dầu thắp, ông đã nghĩ ra cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ quả trứng để làm ánh sáng mà học. Miệt mài với ngọn đèn đom đóm ấy mà đã vượt qua hàng nghìn sĩ tử, ông đã đỗ Trạng nguyên, thậm chí còn là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Cha đã không còn trên cõi đời này nữa để bày dạy cho cháu con nhưng con vẫn nhớ mãi lời cha nhắc nhở: Có công mài sắt có ngày nên kim.


    Đom đóm vào nhà, ta lại nhớ miên man một miền xưa cổ tích; có ánh đom đóm bay từ hoài niệm vụt qua trí nhớ để hồn ta bâng khuâng, thơ thẩn đi tìm. Tuổi thơ ngây ngô, ngụp lặn giữa lòng quê mà đầy nhung nhớ. Tuổi thơ trong veo thuở bốn không (không mũ nón, không giày dép, không học thêm, không điện thoại, tivi) chứ không phải tuổi thơ 4.0 như bây giờ; đã chẳng bao giờ tìm thấy, chẳng bao giờ quay lại. Ta nhớ đã bao đêm cùng lũ bạn suốt mùa hè đi tìm bắt đom đóm khắp các lũy tre, vườn cây rồi bỏ vào lọ thủy tinh bêlêxilin xin từ ông y tá của thôn. Rồi dùng đèn đom đóm đi bắt bọ vừng, ve sầu trong tiếng đêm rả rích. Có đêm nào ta đi lạc, nhìn thấy những vệt lân tinh ở phía bờ khe mà người lớn thường bảo ma trơi, hù dọa cho chạy bán sống bán chết về nhà.


    Đom đóm vào nhà, ta bỗng thương những phận người đom đóm như mẹ cha ta, như thầy cô ta ngày xưa; một đời chỉ biết soi sáng nẻo đường cho người khác dẫu mình có phải chịu cảnh tối tăm. Con muỗi thì vo ve, thạch sùng thì tặc lưỡi, đom đóm thì chiếu sáng. Âm thanh của làng quê thành âm thanh của miền hoài vọng ngân lên bài ca xưa cũ mà ta và đám bạn xa quê tiêng tiếc khi nhắc về. Đom đóm vào nhà của thời nông thôn mới bỗng trở nên hiếm hoi dẫu làng quê mình vẫn ngoan hiền những nét xưa cổ tích.


    Phải chăng, cái ngột ngạt của bức xạ bê tông, cái kín mít của những ngôi nhà kiên cố, cái chật hẹp của bờ rào xây, của những con đường đã không còn chỗ định cư của mảnh đời đom đóm. Phải chăng, lòng người đã mê đắm với cám dỗ của những tiện nghi vật chất, của những thứ nhân tạo để vô tình đến vô tâm quên đi vẻ đẹp vĩnh hằng của thiên tạo, thiên nhiên. Đồng làng sặc thuốc trừ sâu, ao làng đã lấp, lũy tre đã chặt, vườn xưa đã san sát những nhà, và đom đóm tuổi thơ đã bay về đâu? Có như những chàng trai, cô gái quê mình bay đi bốn phương tám hướng mưu sinh rồi định cư nơi ấy; bất chợt đôi lần vồi vội về quê như đom đóm bay lạc vào nhà ?!


    Đinh Hạ

    Đom đóm vào nhà
    Đom đóm vào nhà
    Đom đóm vào nhà
    Đom đóm vào nhà
  4. Top 4

    Ấy là tôi nói ngày xưa…

    “… Bờ ao đom đóm chập chờn
    Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi …”
    Nguyễn Duy


    Ấy là tôi nói ngày xưa, đường làng xanh mướt mát mặt trời khó mà chiếu lọt qua tán lán dày đặc của tre, mít bưởi…Những dây tơ hồng vương rủ mềm mại như tấm rèm vàng nhạt trên những hàng ô rô được trồng làm hàng rào. Trẻ con chúng tôi hay lấy kết làm vòng đeo cổ, vòng tay và kính đeo mắt, những cái gọn tròn tròn ngộ nghĩnh cài vụng về bên tai thật đáng yêu. Cây ô rô gắn liền với tuổi thơ bởi vô vàn trò chơi mà lúc nào cũng mới như lần đầu. Trẻ con ngày nay thổi bong bóng bằng xà phòng, vừa độc vừa mất vệ sinh còn ngày xưa, chỉ cất bứt vài lá ô rô, một đoạn cành tre khô nhỏ bằng đầu đũa, dài chừng 10 cm (có lỗ ở giữa) chấm nhựa ô rô vào đó rồi tha hồ thổi, bóng xanh, đỏ bảy sắc cầu vồng đủ cả, đứa nào thổi to nhất, lâu nổ nhất sẽ thắng cuộc. Quả ô rô cũng ăn, ăn sống hoặc rang hạt, có lẽ chẳng mấy người biết đến mùi vị của loại hạt chỉ dành cho nhà quê này, thơm, bùi béo và ngon nữa, một thứ hạt rất đặc biệt mà hầu hết những ai ăn rồi đều khó có thể quên. Đến cả cái gai của cây ô rô cũng được dùng để chơi trò: “ Kim kỉm kìm kim – nhà ai mất chó sang tôi mà tìm!” Một ô đất được vạch bằng que vuông hay méo không quan trọng, hai hoặc ba đứa chụm vào chơi đầy căng thẳng. Chả có gì, chỉ là ba cái đầu của gai ô rô được bẻ ngắn còn chừng 1 cm sau đó dấu trong khoảng đất đã được vạch sẵn, đứa nào tìm được thì thắng. Nhiều khi tìm cả buổi sáng mà không thấy đâu, ngay cả đứa giấu cũng chịu chẳng biết đâu mà lần !


    Ấy là tôi nói ngày xưa, nhiều bươm bướm lắm, trắng vàng rợp trời. Lũ trẻ con chúng tôi mỗi đứa một túm lá tre, hay cành xanh táo (loại cây có hoa màu tím nhạt, bé bằng đầu đũa có mật ngọt mà trẻ con thường mút lấy mút để, ở quê nhà nào cũng trồng cây này làm hàng rào ngăn gà vào vườn rau hoặc trồng làm cảnh hai bên cổng) dùng để đuổi bướm, những đôi cánh mong manh yếu đuối đó không chống trọi nổi với một lũ đầu trâu nên rất nhiều con đã đầu hàng. Chúng tôi nhốt lũ bướm tội nghiệp đó vào trong cái chai hoặc lọ mà chả để ý gì đến sự sống chết của nó cả. Cả quãng thời gian đó thực sự tươi đẹp vô ngần, không bài vở, không học hành chỉ có hái hoa và đuổi bướm mà thôi.


    Đấy là ban ngày, còn đêm đến lại hò reo rủ nhau bắt đom đóm cho vào cái cuống bí già (vì cuống bí già thì rỗng và rất to nên nhốt đom đóm lâu không bị chết) hoặc nhốt chúng vỏ trong trứng gà, trứng vịt rồi cứ thế lập lòe mà sách đi từ đầu ngõ đến cuối ngõ…Tuổi thơ với những ngày mưa nằng cứ dần trôi đi chỉ có thiên đường mà không bao giờ biết đến phiền muộn, niềm vui nối tiếp nhau đến bất tận.


    Quê giờ chẳng còn giống như ngày xưa, đường đất được thay bằng bê tông, những hàng rào ô rô mướt xanh thơ mộng cũng biến mất, thay vào đó là những bức tường cao ngất ngăn chia và xa cách. Quê giờ cũng không còn nghèo đói như xưa, không ai đoái hoài hay vui mừng gì trước bát cơm nóng nghi ngút khói nữa. Những món ăn đạm bạc, dân dã như canh hoa bí nấu tay khoai nước, cá tép kho lá nghệ, muối vừng, cà bát muối xổi … chẳng buồn ăn, cái gì cũng thừa mứa cho đến những mâm cỗ đầy ngập toàn thịt. Ai cũng nói giờ chẳng thiếu đói nhưng sao đi đến đâu cũng chỉ thấy ăn, mâm cao cỗ đầy, thừa mứa đến mức phí phạm. Trẻ con giờ điện thoại di động nhoay nhoáy chỉ chát với game. Chả biết nên vui hay buồn, chỉ thấy thương nhớ những ngày nghèo khó nên củ khoai, củ sắn cũng có vị trí nhất định trong lòng mỗi người. Bây giờ, đủ đầy quá khiến người ta đánh mất đi nhiều thứ, những điều dung dị, bình thường nhưng đã nuôi tấm thân ta khôn lớn, đồng thời cũng khiến ta từ tâm hơn mà bớt đi sân hận.


    Mọi sự đều do nhân duyên, có sinh nên ắt có diệt, nhưng may mắn vẫn còn đó bờ ao chập chờn đóm đóm mỗi đêm hè, vẫn còn những bông hoa tím mỏng manh hồn nhiên nở rộ bên lối đi mặc cho thời gian có bào mòn và thế gian hư huyễn này có trải qua biến động thế nào đi chăng nữa. Và vì nơi đây vẫn còn có mẹ nên mãi mãi là chốn đi về nương náu bình an nhất.

    Vy Doãn Thị

    Ấy là tôi nói ngày xưa…
    Ấy là tôi nói ngày xưa…
    Ấy là tôi nói ngày xưa…
    Ấy là tôi nói ngày xưa…
  5. Top 5

    Một thoáng đêm quê

    Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp thả bộ trên con đường làng quê hương trong một tối cuối xuân. Màn đêm tim tím thoang thoảng hương cau. Trăng muộn. Chỉ có những vì sao nhấp nháy như những bông hoa Xuyến chi nở chi chít trên nền trời thăm thẳm sương đêm. Những giọt sương xuân nhè nhẹ chạm lên mái tóc, bờ mi mơn chớn trên làn da mát dịu se se. Chợt nghe tiếng “choặc, choặc” thong thả đều đều của những con chão chuộc dưới làn ao gọi bạn tình, tôi chợt nhớ mùa xuân sắp chia tay rồi. Thảo nào cây gạo đầu làng đã trút những bông hoa đỏ au cuối cùng để rồi bung ra những lá non mơn mởn. Cây đào trong vườn chỉ còn loáng thoáng những bông hoa nở muộn.


    Với kinh nghiệm của người xưa “nắng tránh đen, mưa tránh trắng” tôi dõi theo vệt sáng lờ mờ của con ngõ nhỏ vòng vèo trở về nhà. Dừng chân bên cầu ao dưới tán cây nhãn cổ thụ xum xuê, mở căng lồng ngực hít hà hương đêm trong lành ngan ngát hương cau, ngắm những bóng sao chìm trong đáy nước long lanh như hạt ngọc, tôi lại nhớ bài thơ tình “Hoa cau” của thi sỹ Xuân Diệu:


    Hoa cau nứt mở tủa hoa ngà

    Ánh sáng cùng hương lấp lánh hoa

    Anh muốn tặng em hương thoảng ấy

    Vô cùng dịu mát với sâu xa.


    Chứng kiến biết bao nhiêu cuộc tình đã gắn với hương cau mà nhà thơ tình tài hoa một thời gieo vần đắm say đến thế. Biết bao cặp đôi đã cùng nhau sánh bước trên con đường làng quê, đêm trước lúc chia tay lên đường ra trận không thể nào quên được hương thơm thoang thoảng ấy. Biết bao người con gái đợi chờ khi chải đầu thấy hoa cau còn vương ở tóc mình đều không quên cái đêm diệu huyền cùng bạn tình đi dạo trên đường quê năm ấy.


    Tôi miên man lần về những kí ức trong thinh không tĩnh mịch thì chợt bắt gặp những đốm sáng lập lòe bên kia cấu ao. Đom đóm. Đúng rồi, những con đom đóm. Những đốm sáng xanh chợt lóe lên như những chiếc đèn Pin nhỏ xíu nhấp nháy lúc sà xuống sát mặt ao nhơ đùa giỡn, lúc vọt lên cao như vờn đuổi. Một góc ao lung linh huyền ảo chập chờn. Hồi còn bé, chúng tôi đã từng bắt những con đom đóm này cho vào lọ thủy tinh Pelexilin thay đèn để học mỗi khi đèn nhà hết dầu. Những ánh sáng tự nhiên nhấp nháy xanh dịu cũng đủ để soi tỏ những con chữ để chúng tôi học bài thuộc lòng. Khi đã thuộc bài, tôi tò mò bắt những con đom đóm xem chất lân tinh phát sáng từ đuôi chúng để tìm hiểu khám phá. Thật thú vị không thể nào quên được trong ký ức tuổi thơ.


    Tôi đang chìm đắm trong đêm quê thì tiếng chuông đồng hồ côn thánh thót vang lên báo hiệu đêm đã khuya cắt ngang dòng kí ức đang ùa về trong tôi. Trở vào nhà, tôi vẫn còn bồi hồi xúc động. Ôi, đêm quê sao mà đẹp vậy.


    TÁC GIẢ KIEM PHAM
    Một thoáng đêm quê
    Một thoáng đêm quê
    Một thoáng đêm quê
    Một thoáng đêm quê
  6. Top 6

    Cánh đồng đom đóm

    Ngày nhỏ không có đèn điện sáng chói như bây giờ. Con người kiếm tìm ánh sáng từ những đêm trăng rằm, từ chiếc đèn hột vịt, từ bếp lửa bập bùng và từ những chú đom đóm bay trong đêm.


    Dường như đứa trẻ nào cũng bị cuốn hút bởi những chú đom đóm dù chẳng ai biết những chú đom đóm mang ánh sáng lấp lánh kia đến từ đâu, chỉ biết rằng, khi bọn trẻ chúng tôi đang vui chơi ở cánh đồng trong một đêm trằng sáng, một đoàn đom đóm cũng tìm tới phát sáng quanh bụi cây nơi chúng tôi ngồi. Vào một đêm tối trời, những ngôi nhà chìm nghỉm trong bóng tối, đom đóm từ đâu bay về phát sáng lập lòe cả một vùng quê.


    Đom đóm xuất hiện vào mùa hè bắt đầu từ cánh đồng trước mặt. Như một phần thưởng mà ai đó đã mang cho đám trẻ quê để mùa hè trở thành mùa mong đợi. Mỗi khi mùa đom đóm về, đứa trẻ nào cũng ngân nga câu hát:

    “Đom đóm ơi!

    Đom đóm, đom đóm

    Rủ đàn, rủ đúm

    Trời đã tối rồi

    Mau mau sáng soi.”

    (trích Đồng dao Đom đóm)


    Đom đóm mê hoặc đám trẻ quê. Đứa nào cũng thích vợt đom đóm, cho vào một chiếc lọ rồi say sưa ngắm nhìn. Những quầng sáng xanh nhấp nháy phát ra từ đom đóm cuốn hút chúng tôi vào thế giới thần tiên huyễn hoặc, chúng tôi dần tin vào những điều kì diệu từ tự nhiên.


    Những đêm mùa hè ở quê thật mát mẻ. Theo từng cơn gió mát thi thoảng từng đàn đom đóm vương theo gió mà bay lên trông như luồng sáng lân tinh kỳ ảo khiến đứa nào cũng trầm trồ. Có đêm, lũ trẻ chúng tôi kéo nhau tụ tập ra bờ ao, kênh rạch đầu nhà nằm canh đom đóm. Để sự chờ đợi bớt nhàm chán, chúng tôi say sưa hát ca, tin rằng đom đóm sẽ nghe thấy và bay đến. Nhưng có đêm đợi mãi không thấy, chúng tôi lầm lụi trở về. Đêm đó, trong giấc ngủ, những chú đom đóm với vầng sáng dịêu kì trở về trong giấc mơ thần tiên.


    Trong tâm hồn ngây ngô của những đứa trẻ vốn sinh ra ở một vùng quê nghèo với cánh đồng, bờ ao, kênh rạch, chúng tôi tin rằng đom đóm phải đến từ một thế giới dịêu kì nào đó. Dường như trẻ con khác với người lớn bởi chúng hay tin vào những câu chuyện cổ tích, vào thế giới dịêu kì. Chúng tôi đã có những tháng ngày ấu thơ thật đẹp nhưng cũng chất chứa nhiều điều bâng khuâng dành riêng cho những chú đom đóm.


    Mỗi khi nhớ về những chú đom đóm bay trong đêm, tôi thường nghĩ về tuổi thơ của mình. Khi người ta lớn lên, tuổi thơ trở thành một thế giới thần tiên ai ai cũng khao khát tìm về. Tôi tin rằng, nếu thật sự có một chiếc vé trở về tuổi thơ như trong câu chuyện của Doremon, chắc hẳn sẽ có rất nhiều người tìm mua để một lần được trở lại khoảng khắc đáng nhớ đó. Có những điều tưởng chừng như nghịch lí nhưng lại rất đúng, đó là đứa trẻ nào cũng mong trở thành người lớn nhưng khi đã trở thành người lớn, chúng ta bao giờ cũng ao ước được quay về thế giới tuổi thơ.


    Mới đây, một bộ phim mang tên Mộ đom đóm được trình chiếu với doanh thu rất lớn. Tôi tin, dù chưa biết bộ phim kể gì, chỉ cần nghe thấy tựa phim, mỗi người đều tin vào những phác thảo đầy hoài niệm đang diễn ra trong đầu mình. Có thể với nhiều người bộ phim gây xúc động bởi câu chuyện rất nhân văn. Riêng tôi, nó gợi nhắc tôi về tuổi thơ của mình ở một thời nghèo khó nhưng tràn ngập niềm vui, về một thế giới lấp lánh những ước mơ diệu kì mà tôi đã bỏ lại phía sau để trưởng thành.


    Trong đoạn chat giữa những người bạn thơ ấu, bao giờ cũng bắt đầu bằng những câu tưởng như không đầu không cuối, chẳng phải để hỏi han nhau mà chỉ như gợi nhắc: “Quê mình bước vào mùa đom đóm rồi…” để rồi dù đang bận rộn, mỗi người đều gác lại công việc để cùng ngồi lại nói về chút kỉ niệm tuổi thơ. Riêng tôi, mỗi khi chạy xe ngang qua cánh đồng làng, mắt tôi luôn hướng về phía xa xa, như để ngoái nhìn một khoảng trời nhỏ bé lấp lánh ánh sáng đom đóm bao mùa vẫn an yên nằm đó. Tôi nhận ra cuộc sống có biết bao điều diệu kì và thế giới tự nhiên luôn là nơi để tâm hồn trẻ thơ tìm tòi và học hỏi. Trẻ con cần được sống và hòa mình thế giới tự nhiên, tránh xa chiếc máy tính, ti vi, trò chơi điện tử... để thấy rằng cuộc sống này thật diệu kì, có biết bao điều tươi đẹp cần khám phá.


    TRẦN NGUYÊN HẠNH

    Cánh đồng đom đóm
    Cánh đồng đom đóm
    Cánh đồng đom đóm
    Cánh đồng đom đóm
  7. Top 7

    Như những vì sao

    Mùa hè chớm sang khi cái se lạnh ẩm ướt của đất trời cuối xuân nhường chỗ cho nắng vàng rực rỡ. Thoảng trong không khí mùi thơm dìu dịu của lúa mẩy bông, mùi cỏ mềm ngai ngái trên triền đê lộng gió và tiếng lá khô bắt đầu trở mình hồi hộp chờ chú ve đầu tiên thức dậy sau mấy tháng im lìm trong lòng đất. Nhẹ nhàng thả bước vào đêm hè oi ả, ta bỗng bắt gặp muôn vàn giọt sáng lập lòe nơi khu vườn sâu thẳm, những chớp sáng ảo huyền lóe lên rồi tắt giữa bí ẩn vĩnh cửu của đêm nhắc ta nhận ra mùa đom đóm đã về.


    Sự xuất hiện bất ngờ của đom đóm bao giờ cũng đem lại những xao xuyến ngỡ ngàng. Chúng giống như lời hẹn ước với thời gian, với nhịp điệu vần xoay của mùa nối mùa và những kỷ niệm mãi vẹn nguyên trong ký ức. Tuổi lên chín lên mười nơi làng quê yên ả, đứa trẻ nào chẳng từng có lần háo hức đuổi theo đốm sáng lấp lánh trong đêm. Có những khi vui sướng chụp gọn trong lòng bàn tay, he hé mở ra để nhìn chú đom đóm bé xíu mầu nâu có ngọn đèn phía sau đuôi lúc sáng rồi lúc tắt. Cũng có khi đuổi hụt, chú đom đóm vụt lên cao lẫn vào những vòm cây tối sẫm, cảm giác lúc đó ngẩn ngơ nuối tiếc như bỏ lỡ một điều gì. Niềm vui, nỗi buồn trẻ thơ nhanh đến cũng nhanh đi, hôm sau bạn bè quanh xóm lại í ới rủ nhau kiếm chai thủy tinh hay vỏ trứng rỗng để tối về săn đom đóm nhốt vào trong đó. Trong quầng sáng mờ ảo của muôn vàn ngọn đèn nho nhỏ, mẹ kể cho ta nghe câu chuyện về trạng nguyên Mạc Ðĩnh Chi dùi mài kinh sử thuở xa xưa.


    Có lẽ còn ít ai biết rằng để có một khoảnh khắc rực rỡ tựa sao sa, bầy đom đóm phải trải qua một chặng đường dài nhọc nhằn lặng lẽ. Không giống như những loài hẹn hò bằng mùi hương hay quyến rũ bằng mầu sắc, đom đóm lại chọn cho mình tín hiệu lấp lánh để ghép đôi. Dọc theo những cánh rừng, trên bãi sông hay trong khu vườn mịt mùng cây cối, đom đóm gọi nhau quần tụ theo vũ điệu ánh sáng bắt đầu cho say đắm mùa yêu. Sau giờ phút lung linh tìm đến với nhau, đom đóm đẻ trứng trong đất, trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng đợi một thời gian rất lâu để hóa nhộng rồi nhộng vật vã thoát khỏi kén mới trở lại hình hài đom đóm. Quãng đời dằng dặc đó phải mất gần một năm ròng rã, thậm chí có loài đom đóm ấu trùng ngủ đến vài năm, thế nhưng cuộc đời của một con đom đóm trưởng thành chỉ kéo dài trong mươi ngày hay nửa tháng. Dẫu biết chỉ bừng lên trong một thời gian ngắn ngủi, bầy đom đóm vẫn tận hiến đời mình như đốm lửa thắp sáng màn đêm.


    Dường như càng lớn lên, ta càng bị cám dỗ bởi quầng sáng rực rỡ phồn hoa của những ánh đèn mầu, mùa đom đóm năm xưa chìm dần vào quên lãng. Rừng ngày một ít dần đi, những mảnh vườn bé lại, đom đóm tìm chốn trú thân ở nơi nào khi mặt đất nơi nơi đều phủ kín bê-tông. Thiếu đi những vạt rêu ẩm mềm, những bờ cỏ mát, những tàn cây im lìm bí mật, đêm phơi mình ra suồng sã dưới ánh điện chói lòa. Ðàn đom đóm lưu lạc về một nơi rất xa, chở theo những giấc mơ không bao giờ trở lại. Ai đó từng nói rằng mỗi con đom đóm là một vì tinh tú lạc xuống trần gian, chiếu rọi những khao khát ẩn sâu trong tâm hồn con người giữa bóng đêm mù mịt. Nếu thiếu đi ngọn đèn đom đóm, đêm trở nên bất trắc, tối tăm, đầy ẩn họa như cõi vô minh đè nặng những kiếp người. Phải đi rất lâu trên chặng đường đời, nếm trải đủ bão giông ngọt bùi cay đắng, ta mới nhận ra minh triết giản dị ẩn sau những chiêm nghiệm đó.


    Vẻ đẹp diệu kỳ của đom đóm trong đêm không những đi vào nhạc, vào thơ mà còn xuất hiện trong những bộ phim lấy đi của người xem rất nhiều nước mắt. Hẳn ai trong chúng ta cũng day dứt khôn nguôi khi Mộ đom đóm của Nhật Bản chiếu đến cảnh cuối cùng, nghẹn ngào trước hình ảnh của bầy đom đóm bay quanh hai đứa bé phiêu bạt giữa chiến tranh, đem ánh sáng mỏng manh an ủi những linh hồn trẻ thơ khổ đau mất mát. Hằng năm, trên đất nước mặt trời mọc, lễ hội đom đóm Hotaru Matsuri tại thị trấn Hokubo vẫn luôn thu hút rất nhiều khách thập phương đến để đắm mình trong không gian tĩnh lặng với muôn vàn cánh đom đóm thong thả lướt qua rừng cây, lạch nước. Dẫu cho ở phương trời nào thì con người vẫn luôn gặp nhau trong những khoảnh khắc đồng điệu với thiên nhiên.


    Tìm về những mùa đom đóm để lắng tâm hồn mình vào cõi bình yên, nghe nhịp thở của vũ trụ chuyển mình trong đêm dài sâu thẳm, ta biết trân quý hơn mỗi khoảnh khắc lấp lánh trong đời.


    Trọng Bách

    Đom đóm trên sông
    Đom đóm trên sông
    Đom đóm trên sông
    Đom đóm trên sông
  8. Top 8

    Đom đóm ngày xưa

    Bây giờ, vào những đêm đầu hè, tôi lại mơ thấy mình xắn quần, lội trên con đường ngập nước trong vắt để đi theo một đàn đom đóm. Đó chính là trải nghiệm của chính tôi hồi còn bé, bị cuốn hút bởi ánh sáng xanh mờ ảo, mê dụ, có phần ma quái của loài vật kỳ lạ. Những vệt cỏ xanh mềm như tơ nổi lên mặt nước thành hai hàng dài nhắc tôi biết đâu là đường, đâu là ao.


    Đom đóm bay theo từng đám như sao sa, chi chít, lúc thấp lúc cao dẫn tôi đến một rặng hoa bươm bướm trắng hoặc cây hoa men ngay đầu dốc gần nhà bà nội. Mùi hoa men sực nức bay trong cái không gian liêu trai mờ ảo, tôi có lúc đã nghĩ, cảnh này chỉ có ở trong phim hoạt hình thôi nhưng không, nó ở ngay trước mắt, đom đóm bay vài vòng, rồi dạt cả vào một bụi cây.


    Bóng chúng làm mặt nước bỗng sáng lên. Tôi nhao theo những quầng sáng, vượt qua con đường để đến bờ ao cao hơn. Cái ao bèo rộng thế mà vèo một cái, đám đom đóm liệng qua liệng lại. Tôi đứng ngẩn ngơ, vừa thích thú, vừa sợ dưới hai hàng tre cao vút, rậm rạp. Có tiếng đập cánh và tiếng kêu thảng thốt của lũ vạc bay đêm. Mọi con đường trong làng đều tối nhờ nhờ dưới trăng suông.

    Hồi đó chưa có điện. Có lẽ vì thế mà qua ánh sáng của đom đóm, bọn tôi thấy cảnh vật đẹp hơn… Những bông gạo rụng từ tuần trước nằm lăn lóc bên bến sông. Bà tôi vẫn hay nói: “Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì ta gieo vừng”. Nhưng có lẽ, mùa màng là của người lớn, còn chúng tôi, chỉ quan tâm đến những trò chơi của mình, quan tâm đến mọi ngóc ngách quanh làng. Cái làng nhỏ của tôi hồi ấy là cả một thế giới thần tiên.

    Chỗ nào có cây gì, hoa gì, con vật gì, bọn tôi biết hết. Vạt đồi nào có sim mua chín, bờ đầm nào có cây vú bò quả đang ương, quả mâm xôi đang mọng dần bọn tôi đều bí mật đánh dấu. Chỉ loáng cái buổi trưa, cả lũ đã trốn nhà đi hái đủ loại quả dại mang về chia nhau ăn. Buổi tối, bọn tôi chạy rầm rầm trên con đường dẫn từ nhà qua cánh đồng lúa ra bờ đê, hăm hở đuổi bắt đom đóm cho vào mấy cái lọ thuốc bé xíu.

    Mỗi khi bố tôi kể chuyện hồi đánh Mỹ, ông hành quân xuyên đêm qua rừng Trường Sơn, cũng tháng Tư này, nhiều lúc đã đi theo một đàn đom đóm dẫn đường, tôi lại ước cái rừng tạp ngay gần nhà tôi sẽ có thật nhiều đom đóm. Bà tôi thì bảo đó là ánh sáng ma trơi, đừng có đến gần. Mẹ tôi thì sợ đom đóm vô cùng. Hôm nào trời trở gió, con đom đóm khổng lồ to bằng quả trứng chim bay lạc vào nhà, đậu lên tường hoặc bàn thờ thì mẹ tôi vội vàng khấn cho nó bay ra, rồi mẹ bảo đấy là “các cụ về”.

    Mắt mẹ lạc đi mỗi khi nhìn thấy đom đóm bay vào sân. Tôi lúc đầu cũng hơi sợ, nhưng sau thì thích lũ đom đóm. Tôi luôn nhớ đến tất cả những cánh đồng, rặng cây có nhiều đom đóm, ở làng tôi và trên làng bà ngoại. Sau này, khi đã thành mẹ của hai đứa con, tôi mới được xem bộ phim “Căn hầm đom đóm” của Nhật Bản. Tôi đã suýt khóc và reo lên, cảnh tượng đom đóm bay trong căn hầm dài trong phim đúng là cảnh đom đóm dẫn tôi đi dọc đường làng hun hút năm nào. Hóa ra vẻ đẹp của thế giới tuổi thơ ở bất kỳ quốc gia nào đều có nét giống nhau. Đom đóm – loài côn trùng thân mềm màu nâu, cánh cứng có khả năng phát sáng trong đêm tối đã trở thành một phần ký ức tôi, đầy da diết.

    Theo những gì tôi đọc được thì đom đóm đực mới có cánh, còn con cái không có cánh mà có cặp mắt kép, nhấp nháy sáng tại chỗ. Chúng ngủ suốt mùa đông dưới lớp vỏ cây hay dưới hốc đất để mùa hè phát sáng tìm bạn tình, duy trì mùa giao hoan. Cuộc đời đom đóm ngắn ngủi chỉ chừng hơn một tháng. Nơi nào có đom đóm là nơi ấy môi trường thiên nhiên trong lành, sinh thái cân bằng. Làng quê Việt đẹp hơn khi có đom đóm bay.

    Ánh sáng nhấp nháy của đom đóm chính là nghệ thuật sắp đặt hoàn hảo của tạo hóa, chính vì thế mà ngày nay, trên thế giới, nhiều nơi đã dùng hàng triệu con đom đóm để tạo nên sự kỳ ảo thu hút khách du lịch. Ở Vũ Hán -Trung Quốc có cả công viên đom đóm, ở New Zealand có hang động đom đóm. Người Thái Lan có cả một tua du lịch trải nghiệm đi thuyền xem đom đóm, có cả một dòng sông đom đóm xen giữa rừng tạo trải nghiệm kỳ thú khó quên. Ở Việt Nam, đom đóm cũng đã manh nha được dùng vào du lịch tại Tiền Giang, Cần Thơ nhưng đã sớm phá sản. Mấy năm nay, chớm hè, bắt đầu mưa rào tôi đều về thăm quê, ngủ lại căn nhà thơ ấu để tìm gặp đom đóm ngày xưa, nhưng thật buồn, tôi chưa gặp được đám đom đóm nào như hồi bé. Họa hoằn có vài con cô đơn bay phía cuối vườn. Chứng tỏ làng quê chúng ta cũng đã bị ô nhiễm, bị mất cân bằng trầm trọng. Giữ lại và bảo vệ những con đom đóm còn là chuyện bảo đảm một môi trường sống trong lành cho con người. Đêm hè ở quê vắng đom đóm bỗng trở nên hao khuyết và khô cằn. Lũ trẻ bây giờ sẽ ít thấy được cái đẹp kỳ ảo của thiên nhiên. Mỗi lúc chợt bắt gặp mùi thơm của lúa khi đi qua một cánh đồng nào đó lúc trăng non, tôi lại xôn xao nhớ về đom đóm ngày xưa…


    Sưu tầm

    Đom đóm ngày xưa
    Đom đóm ngày xưa
    Đom đóm ngày xưa
    Đom đóm ngày xưa



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy