Top 10 Tản văn viết về biển hay nhất
Cảnh đẹp của biển với hình ảnh những con sóng xô đuổi nhau, những cánh buồm trắng no gió, đàn hải âu bay lượn phía chân trời,... luôn là một đề tài hấp dẫn ... xem thêm...trong thơ văn, nhạc, hoạ. Trong bài viết hôm nay Toplist xin giới thiệu đến bạn một số bài tản văn hay nhất viết về biển qua bài viết dưới đây.
-
Ai đó đã từng kể rất nhiều về mùa thu với xúc cảm lâng lâng vô tận đến từ những con đường rợp lá vàng bay một chiều nhạt nắng… Ai đó đã từng không giấu nổi thổn thức, đam mê khi hít hà những chùm hương hoa sữa nồng nàn hay mơ màng dõi tầm mắt xa xa mặt hồ, thả hồn mình bâng khuâng cùng từng hàng liễu rũ…
Mùa thu lại về trong sắc nắng, hương gió, đẹp đến ngỡ ngàng bao con đường, góc phố thân quen. Ta chợt nghe lòng chộn rộn khôn nguôi khi một ngày đi lạc về phía biển, bất chợt nhận ra, thu đã về tự bao giờ. Nơi đây, dư cảm của mùa thu vẫn vẹn nguyên, trong trẻo, lãng mạn dù bức tranh không được dệt nên bởi lá vàng, bởi hương thơm của loài hoa mùa thu mà muôn người nâng niu như một phần không thể thiếu. Ta sẽ kể em nghe về biển, về một mùa thu rất đỗi dịu dàng của thành phố nghiêng nghiêng bên bờ sóng.
Sẽ bắt đầu từ một buổi sáng tinh khôi, khi mặt trời vừa ló dạng chập chùng nơi chân biển. Ta thản nhiên hòa cùng dòng người đi bộ, thản nhiên tận hưởng những mới mẻ, trong veo của không khí rộn ràng. Từng cơn gió mát lành từ lòng biển phả tinh khiết lên da, lên tóc, lả lướt, mơn man… Bỗng thấy tâm hồn mình thật nhẹ nhàng và thanh tao đến lạ. Một bức tranh ngày bắt đầu những nét cọ đầu tiên, với nền trời trong vắt, nước biển phẳng lặng, một chút nắng, một chút gió nhẹ… cứ thế phả khắp thênh thang cái vị mặn mòi.
Đã có lần em hỏi, sao lâu rồi anh không còn làm thơ cho biển? Bởi, hơn bất cứ không gian nào, biển là để dành cho thơ, chất liệu dệt thành thơ?
Em biết không, không phải vì biển của anh đã hết những vỗ về đam mê, đã trôi vào mùa cũ những dư âm trong trẻo, ngọt ngào. Không phải biển của anh không còn quyến rũ. Ấy là bởi những con chữ chật chội, khiêm nhường kia của anh một ngày chợt thấy mình nhỏ bé trước những phức cảm mông mênh, dịu dàng khi mùa thu thì thầm cùng biển. Những mỹ từ của thơ vì thế chùng xuống, trở nên yếu ớt, e ngại giấu mình trước biển đầy khoáng đạt, bao dung.
Biển mùa thu duyên dáng, nhu mì, đẹp như một lời tình tự. Vậy nên, anh sẽ gửi vào từng trang viết, họa chăng sẽ đầy đặn hơn, mặn mà hơn giữa những ngày nắng đẹp, giữa những rung rinh dịu nhẹ đến nao lòng của từng đợt sóng lăn tăn mải miết, khẽ chạm bờ lại lơ đễnh tan ra. Và như thế, tự bao giờ, biển hóa thân thành một người tình mùa thu lãng mạn, ăm ắp đợi chờ, dìu dặt yêu thương, pha chút giận hờn, nhung nhớ. Biển đã là một bài thơ tình hoàn hảo đến từng cung bậc cảm xúc, nói thay muôn người cái thông điệp chưa bao giờ cũ mòn, sáo rỗng của tình yêu. Những chùm hoa tím bâng khuâng bước ra từ câu chuyện thuở hồng hoang, khe khẽ đung đưa, đang kể tiếp câu chuyện của ngày hôm nay, về tình yêu thủy chung son sắt, kết đọng yêu thương sau dặm dài ước hẹn.
Biển đêm. Từng chùm sao như sà xuống thấp hơn để soi rõ mặt người. Khúc tình ca diệu vợi giữa mênh mang, lồng lồng biển trời lại tấu lên da diết. Trong những thanh âm rất khẽ khàng hòa lẫn tiếng từng đợt sóng là tiếng lích tích, chậm rãi của những con còng gió đang miệt mài, cần mẫn với công việc ngàn năm.
Phố lên đèn. Biển vay phố chút ánh sáng hiếm hoi để điểm tô cho mình một hình hài kỳ ảo, loang loáng những sắc màu cổ tích. Gió vẫn lả lướt, phóng đãng mang chút hương mùa dịu nhẹ ngang qua.
Biển mùa thu, em ơi, đẹp vô ngần!
Ngô Thế Lâm
-
Nhà tôi cách biển chừng 10 cây số về phía đông. Như một thói quen, cứ mỗi khi thấy lòng nặng trĩu tôi lại về với biển. Bạn đồng hành của tôi là chồng, là con, là bạn, và đôi khi tôi lãng du một mình.
Biển quê tôi không phải là một điểm đến nổi tiếng. Nó dân dã, hoang sơ như chính tâm hồn người dân quê tôi.
Cũng như bao miền biển khác, biển quê tôi rộn rã vào mùa hè và tĩnh lặng và mùa đông. Nhưng dù thế nào chăng nữa tôi cũng yêu nó, thương nó đến cháy lòng….Vào những đêm tháng 6 oi nồng, tôi thích cùng ai đó chạy xe băng qua những vạt cây xanh thẫm để đến với biển.
Ở thời điểm đó, bờ biển thực sự là ngày hội. Hàng quán rộn ràng, những bữa tiệc nho nhỏ của các nhóm bạn, lửa trại được đốt lên bập bùng với tiếng nhạc , tiếng reo hò như một Festival thu nhỏ… Nhưng tôi thường không bị cuốn hút bởi không khí sôi động ấy. Tôi thích tìm một quãng đê vắng, chỉ có tiếng sóng, tiếng gió và tiếng hàng phi lao rì rào…Tôi ngồi bệt xuống bờ biển, nhìn ra phía đại dương bao la, kiếm tìm trong sâu thẳm hun hút một điều gì đó chưa thể đặt tên. Trong đêm sâu và dưới ánh trăng huyền ảo, mặt biển loang dần những vùng sáng bạc được sóng đánh xô mãi vào bãi cát. Tôi nghĩ về những ước mơ thơ bé của mình và nhận ra rằng điều đẹp đẽ ấy mãi đọng lại ở một ngách sâu nào đó trong tâm hồn tôi. Và giờ đây, khi tôi đối diện với thẳm sâu bao la, nó lại trở về khắc khoải và day dứt.
Có lúc tôi ngồi dựa đầu vào người đàn ông của cuộc đời mình, cả hai không nói câu gì, chỉ im lặng nhìn biển. Khoảnh khắc âý, tôi biết mỗi người đang theo đuổi một ý nghĩ riêng. Tôi lan man trong hoài niệm. Còn anh, biết đâu đấy, Anh cũng đang nghĩ về những bóng hồng đã qua trong cuộc đời mình. Vì trước biển người ta thường mềm yếu…
Nhưng tôi còn có một nỗi sợ khác. Nỗi sợ về những điều không-vĩnh- viễn. Đôi khi, tôi muốn làm một điều gì đó để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp đẽ và ngọt ngào trong hiện tại. Nhưng rồi, tôi nhận ra, nó lạnh lùng rời bỏ tôi nhiều khi không vì một lý do gì. Những lúc ấy tôi lại về với biển, biển xoa dịu tôi, thấu hiểu tôi và cả đau đớn cùng tôi. Biển đáp lại tôi bằng tiếng sóng rì rào, bằng những cơn gió mát rượi xua tan cái oi ả bức bối của những đêm hè. Lúc ấy, chỉ cần im lặng để lòng mình được dịu êm…Diện mạo của biển và những buổi chiều hè thay đổi như người con gái thay áo mới. Hàng quán rộn ràng sôi động hơn, người ta hát hò say sưa, người ta cắm trại cùng nhau dọc những hàng phi lao ven biển, người ta vẫy vùng với làn nước mát… Biển như trẻ lại cùng với cái náo nhiệt của ngày hội. Lúc ấy, dẫu muốn tìm một khoảng lặng cho riêng mình e cũng khó lắm thay…
Nghĩ đến biển, người ta mặc định nó thuộc về mùa hè. Nhưng với tôi, biển mùa đông cũng thật tuyệt vời. Không khí tĩnh lặng và êm dịu cùng với cái lạnh đến tê người, đôi khi thật cần thiết để ta sống tận cùng với nỗi cô đơn, để ta nhận ra đâu chỉ mình mới lẻ loi đến vậy…
Sau những gầm gừ dữ dội, biển dường như cô độc hơn bao giờ hết, chỉ mình nó lắng nghe cái im lặng vô cùng của vũ trụ mùa đông khi loài người dường như đã bỏ đi đâu hết, chỉ còn lại màu xám lạnh lùng của trời, của nước, của tiếng thông reo vi vu muôn thuở… Biển hết mình sẻ chia, đồng cảm với nỗi niềm của con người, và để rồi khi đông về, chỉ mình nó ôm trọn nỗi thê lương…Tôi sinh ra ở vùng quê gần biển, lớn lên ở mảnh đất mặn mòi nắng gió, tôi thấm thía vô cùng cái đắng chát của những kiếp mưu sinh. Tôi hiểu vì sao những người đàn bà, đàn ông ở mảnh đất này lại dẻo dai, can trường đến vậy. Họ ăn sóng ,nói gió, làm việc cật lực và sẵn sàng đối mặt với những tai ương của số phận. Những đứa trẻ làn da đen nhẻm, lăn lộn ngoài bờ bãi còn nhiều hơn cả ở nhà, chúng tôi thế lớn lên, cứ thế trưởng thành, hồn nhiên với nắng, với gió, với mặn mòi vị muối biển khơi…
Sau tất cả, biển nuôi sống họ, xoa dịu họ, yêu thương họ, chở che và vỗ về họ… Còn tôi, vẫn giữ thói quen về với biển. Mỗi khi lòng nặng trĩu. Mỗi khi cần chở che.
Đặng Mai Phương
-
Tôi say biển đến cuồng nhiệt.
Quá nửa đời người mà cái cảm giác được về với biển cứ chộn rộn trong lòng không sao bình yên được. Thèm cái cảm giác được đứng trước biển mỗi sáng bình minh, thấy lòng mình như được gột rửa, mọi phiền lo, toan tính bỗng nhiên nhẹ bẫng. Hồn người trở nên thanh sạch như bầu trời rộng mênh mông trước mắt. Sóng vỗ rì rào vừa đủ cho những rung động thật nhẹ, thật êm. Không gian nồng đậm vị mặn mòi của làn hơi mỏng tang phả từ biển vào, mơn man khắp da thịt.
Con người không thể cưỡng lại, không thể cứ khoanh tay điềm nhiên trước biển mà bất chợt muốn dang thật rộng đôi cánh tay bé nhỏ của mình mà ôm hết vào lòng muôn vàn ngưỡng mộ. Lồng ngực căng tràn sức sống, chỉ muốn hít hà sâu hơn nữa và hét thật to cho váng động cả bầu xanh. Xanh trời, xanh nước hòa vào nhau lan tỏa tới tận cùng cảm giác. Cát ôm lấy chân trần mát rượi sương đêm. Sóng cứ thế mà thẹn thùng giỡn với dấu chân. Những chú dã tràng ngơ ngác nhìn những viên cát tan xèo trong thanh lặng.
Thủa nhỏ, ta háo hức biết bao, ngỡ ngàng biết bao trước sự mênh mông kì vĩ của biển. Dù trưa hè cát bỏng, cũng không thể ngăn đôi bàn chân nhỏ xíu hối hả ùa ra với sóng. Như đã thân quen, sóng ùa vào ôm lấy cẳng chân đứa nhỏ, nó nhún người lấy hết sức mình nhảy lên đùa nghịch, sóng cũng chồm lên…cười như nắc nẻ. Rồi cả hai mệt nhoài rủ nhau lên cát, sõng soài, lim dim…
Quá nửa đời người, bước chân chậm dần, thong thả. Sóng vẫn đó, hồn nhiên táp chân người, lôi kéo vào trò chơi con trẻ. Ngón chân bấm cát bước lần dò lòng sâu, e dè hụt hẫng… Sóng biết mình vô duyên bỗng trở nên dịu hiền, dập dềnh vỗ về, mơn man da thịt. Cứ thế mà đưa nhau xa bờ.
Trời vẫn xanh, nước vẫn xanh nhưng hình như biển mặn hơn nhiều! Ngàn năm nay, sóng vẫn thủ thỉ chuyện tình của biển. Rằng xưa lắm rồi, có người trai đi biển, giã từ người con gái anh yêu không ngày gặp lại. Nàng nhớ thương khắc khoải, mỗi bình minh ra bãi biển ngóng tin chàng, đến hao gầy vóc dáng. Chàng trai không thể trở về, gửi giọt nước mắt yêu thương theo con sóng vào bờ an ủi vỗ về người con gái thủy chung. Sóng cồn lên từng trận, cuộn xoáy những buồn đau thả bão giông vào yên lặng. Nàng đắm mình giữa biển mặn tình yêu…vĩnh viễn cùng chàng. Sóng vẫn hát ngàn năm tình ca của biển…Tình ca của người.
Đêm. Nghe biển thật gần. Ngay trong tim. Cồn cào, da diết. Gió trải từng lọn tóc màu bạc ra mênh mang. Khúc bè trầm âm vang trong màn đêm xao xác lạnh. Sóng vẫn đem yêu thương vào bờ trong hành trình vô tận. Còn con người lại muốn ra khơi! Để tìm lại chàng trai nhiều nước mắt yêu thương. Để tìm lại khát khao một thời bỏ lỡ. Để được thấy “tận cùng xanh”… bằng những hành trình vội vã.
Đôi chân dẫu già nua run rẩy, chạm xuống cát, sóng vẫn hồn nhiên đùa nghịch như bạn thủa ấu thơ. Làn da dẫu không còn căng mịn mà biển vẫn vỗ về ân ái. Đôi mắt dẫu mờ nhòe nhưng biển ở ngay trước mặt, biển thấm trong tim.
Con người dẫu khát khao khám phá, cũng chỉ thấy biển kết thúc cuối chân trời.
Nước mắt tràn xuống miệng, bỗng thấy không mặn bằng nước của biển khơi!
V.N.K.P
-
Tôi không lớn lên ở miền biển. Tuổi thơ của tôi là khát khao của má được một lần dẫn tôi về vùng biển quê hương để tôi có thể ăn những con cá, con mực, con tôm ngon lành nhất vừa vớt lên khỏi biển. Cái mong muốn ấy của má theo suốt thời thơ ấu của tôi, nhưng vì khoảng cách xa xôi, điều kiện đi lại không dễ dàng, cái ước mơ ấy vẫn cứ mãi là mơ ước của tuổi thơ.
Trước khi đến với biển, tôi chỉ biết đến biển qua những hình minh họa trong sách giáo khoa, những tấm bưu thiếp in hình biển Nha Trang, vịnh Hạ Long…và những bài văn viết về biển. Tôi nhớ mãi một đoạn trong bài Biển đẹp mà tôi từng được học trong sách tập đọc: “Trời xanh thẳm, biển cũng thẳm xanh như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt nặng nề. Trời ầm ầm giông gió, biển đục ngầu giận dữ như một con người biết buồn vui…” Tôi luôn có một nỗi khát khao được một lần đến với biển để được tận hưởng vẻ đẹp muôn màu sắc ấy.
Rồi tôi đã có thể chạm vào biển thực sự. Lần đầu dừng chân ở biển Nha Trang, tôi cứ mải miết đi dọc bờ biển, ngắm những tia nắng cuối ngày hắt bóng lên mặt biển mênh mông, ngắm những đợt sóng xô vào bờ cát rồi rút ra xa xa. Vẻ đẹp của biển như tôi được nhìn thấy trong buổi chiều hôm ấy còn hơn trong bất kỳ bài viết nào về biển mà tôi đã biết. Với riêng tôi, ngôn ngữ là không đủ để diễn tả. Tôi có thể cảm nhận được sóng biển xô vào chân, nghe vị mặn của biển trong hơi gió, thấy biển thật mênh mông mà cũng thật gần.
Sau lần đó, tôi được biết đến biển nhiều hơn. Những ngày học ở Đà Nẵng, tôi thường cùng bạn bè ra biển tắm dù không biết bơi. Những đứa sinh viên chúng tôi cứ rượt đuổi nhau trên bãi biển, rồi ngụp lặn để những con sóng trùm lên đạp vào người. Biển đem đến cho chúng tôi một cảm giác thư giãn tuyệt vời để rồi chúng tôi thật sảng khoái khi trở về để bắt đầu một ngày mới trên giảng đường, thư viện.
Sau này, tôi được đi nhiều hơn. Tôi có thể đứng trước biển hàng giờ ngắm mặt biển mênh mông, những con sóng lăn tăn vỗ bờ, nhìn mặt trời buổi sớm ló dạng trên mặt biển, tỏa ánh hồng rực rỡ, hay đứng đó trong buổi hoàng hôn nhìn ra biển trời mênh mông bát ngát, xa xa những cánh buồm của những con tàu đánh cá đang vượt biển ra khơi. Vẻ đẹp của biển, những hình ảnh về biển mời gọi nhiều người, và một bãi biển mùa hè đông nghẹt người là điều thường thấy.
Tôi cũng từng trải qua những ngày hè trên quê biển để chứng kiến làng biển êm đềm mỗi sớm mai khi những con thuyền sau một đêm ra khơi về cập bến với đầy ắp cá tôm. Những người mẹ, người vợ miền biển thường chờ những con tàu về mỗi sáng để được kẽo kẹt những gánh cá tươi ngon đem ra chợ bán. Hình ảnh những bến cảng thường gợi lên một sự no ấm và thanh bình.
Cũng có một lần vào mùa mưa bão, tôi đạp xe ra biển để rồi nhìn thấy biển một màu đen ngòm, ầm ầm sóng vỗ. Đó là lúc tôi bắt đầu thấy sự đáng sợ của biển. Biển của những ngày đẹp trời chứa đựng bao nhiêu điều thú vị thì biển của những ngày bão tố sẽ đáng sợ biết bấy nhiêu. Ở làng biển này, tôi đã từng chứng kiến những người mẹ, người vợ, người chị, người em, những người con gái làng biển mỏi mòn mong tin người thân khi những tin bão xa, bão gần được dự báo, khi những người thân không thể liên lạc. Những con cá, con mực tươi ngon nhiều khi thấm đẫm nước mắt và cả sinh mệnh của những người trai làng biển.
Cái nhìn của tôi về biển trở nên suy tư hơn. Tôi thường phóng tầm mắt ra xa thật xa theo cái mênh mông của biển cả và thấy nó chứa đựng rất nhiều bí ẩn. Ngoài cái vẻ đẹp không ai chối cãi được trong những ngày nắng đẹp, dưới lòng biển kia là bao sản vật quý giá góp phần nuôi sống con người. Nhưng con người trước biển cũng thật nhỏ bé, mong manh. Bao nhiêu chiếc thuyền đánh cá đã nằm lại dưới lòng biển này, bao nhiêu ngư dân đã vĩnh viễn không thể trở về nơi gia đình và người thân đang mong ngóng.
Rồi tôi lại nhớ đến những con tàu không số đã vượt biển trong chiến tranh giữa bao hiểm nguy, sự sống và cái chết chỉ là trong gang tấc. Những người anh hùng mà tên tuổi vẫn còn rạng danh trang sử Việt đã từng chiến đấu, hy sinh trên vùng biển ngoài kia. Biển đẹp, biển đem lại nguồn lợi lớn, và biển còn ghi dấu bao chứng tích anh hùng. Biển còn là bờ cõi của quốc gia, nơi giữa Trường Sa không xa kia, những người lính vẫn đang ngày đêm bám biển giữa muôn trùng gian khó.
Giờ đây, điều kiện đi lại dễ dàng hơn. Và hơn nữa, tôi đã có thêm một miền quê biển để đi về. Chồng tôi đã có một tuổi thơ nhọc nhằn và đầy ắp kỷ niệm với biển. Trong những câu chuyện của anh, tôi như cảm nhận được những giọt mồ hôi trong những trưa hè nắng rát, cái lạnh buốt đến xương của những đêm đông kéo mực, vớt tôm. Tôi đã có thể ăn những con cá con tôm từ biển đem lên, nhìn khuôn mặt nhuộm màu gió biển của ngư dân làng biển và nghe họ kể về những câu chuyện của những ngày rong ruổi ngoài khơi xa.
Một mùa mưa bão nữa lại về. Mong biển cả được bình yên để những con tàu có thể đạp sóng ra khơi, đem hải sản về nuôi sống con người, làm giàu cho đất nước. Biển cả quê hương, luôn là một vẻ đẹp muôn màu!
Nguyễn Thị Thúy Ái
-
Tôi không phải là người con của mảnh đất miền Trung. Nhưng không phải vì thế mà tôi không đau nỗi đau của người mẹ miền Trung thương nhớ ấy…
Tôi đến miền Trung một ngày rát bỏng, khi con tim vẫn tím bầm: chẳng thể nào níu mẹ tôi ở lại với thế gian. Trốn chạy, tôi tìm về với biển. Tôi muốn vẫy vùng, ngụp lặn, để biển cuốn phăng đi những ưu sầu. Và nữa, không hiểu sao đứng trước biển bao dung, bát ngát đến tận cùng, tôi có ngay cái ý nghĩ mẹ đang ở đây - nhìn tôi, ôm tôi ru vỗ…
Tôi không còn trẻ, nhưng nỗi đau mất mẹ bấy lâu khiến tôi như rơi vào một thế giới nào. Bơ vơ. Hụt hẫng. Tim tôi ứa máu bao nhiêu tháng ngày. Tôi gọi mẹ trong giấc chiêm bao… Nhưng chỉ thấy những cơn mơ đầm ướt. Đêm ấy, tôi chờn vờn giữa đôi bờ mơ - thực…
Tôi bật dậy khi trời còn tối đất, cuống cuồng ào ra biển. Kia rồi biển mẹ bao dung, vĩ đại, hiền từ. Tim tôi loạn nhịp. Tôi ngỡ như tích tắc nữa thôi được nằm trong lòng mẹ, được nắm lấy bàn tay đã buông tuột tay mình suốt cả năm qua. Nhanh lên! Nhanh lên chứ! Tôi hối thúc đôi bàn chân vụng về ngốc nghếch khi nó vấp, ngã quỵ nơi bờ cát. Tôi lại bật dậy, ào đi. Chưa bao giờ, phải rồi, chưa bao giờ tôi mong được gặp mẹ mình đến thế. Tôi chạy ào ra, rối rít, cuống cuồng như đứa con muốn ngụp tan vào lòng mẹ. Sóng trắng xóa từ xa nhào tới như vẫy gọi tôi hãy chạy thật nhanh lên! Nhanh lên cô gái!
Mẹ! Tôi đã nhìn thấy mẹ. Đúng rồi! Là mẹ! Đúng là người mẹ hiền yêu kính của tôi. Mẹ đang ngồi đó. Trên bờ cát. Nơi đầu sóng. Lặng yên. Đợi chờ. Mẹ ngồi đó. Lặng thinh. Cái dáng ngồi đợi chờ khắc khoải như tạc vào mây trời. Cái dáng ngồi lặng câm như tạc vào vô cùng thời gian, vô tận không gian. Cái dáng ngồi trầm mặc như tạc vào lòng vũ trụ một nỗi gì. Biển không dám thở. Sóng không cựa mình. Gió ngừng thổi. Mây ngừng trôi. Bầu trời như sụp lại.
Chỉ có dáng mẹ và những hào quang thức dậy phía chân trời.
Những hào quang lấp lánh càng lúc càng sáng lên ảo diệu. Chỉ có nhịp đập trái tim của mẹ. Và nhịp tim tôi. Mẹ! Mẹ ơi! Tôi toan giơ tay ra trước để với lấy mẹ. Nhưng có cái gì đó khiến tim tôi khựng lại.
Không! Đó không phải là người mẹ của tôi.
Người đàn bà quay lại: Ta đợi con trai trở về! Nó đi biển đã năm mươi năm nay mà chưa trở lại.
Tôi không nói được gì. Thấy lòng mình hóa đá. Trơ ra. Câm lặng. Đứa con mồ côi trong tôi bất ngờ bối rối. Ôi người mẹ biển! Có thể nào! Năm mươi năm ngồi ngóng đợi con lúc bình minh. Đó là lí do mà bà tìm đến biển. Bà còn đến sớm hơn tôi. Không biết tự lúc nào.
Chỉ biết đó là lúc biển trời câm nín, lặng nghe tim người mẹ ấy rung lên…
Năm mươi năm. Tóc người đàn bà ấy đã hóa mây trời. Năm mươi năm. Nước mắt đã tàn tro. Dáng ngồi ấy đã mòn vẹt cả một khoảng không yên tĩnh. Nhưng, mắt người đàn bà ấy vẫn xa xăm. Ngóng đợi. Kiếm tìm. Năm mươi năm. Trái tim của người mẹ ấy vẫn cuộn sôi như sóng. Chẳng bao giờ mệt mỏi, chẳng bao giờ nguội trơ. Tôi tự hỏi có biết bao người mẹ trên thế gian này như thế? Có biết bao người mẹ ngóng con đi chưa trở về? Tôi thấy cả một vầng hào quang rực lên quanh người mẹ miền Trung ấy.
Bất giác, tôi thấy mẹ. Đúng là mẹ rồi. Mẹ! Mẹ tôi!
Tôi nắm lấy bàn tay guộc gầy của mẹ. Tôi ôm mẹ. Biển, trời vẫn lặng im…Sụt sịt. Hình như biển khóc. Hình như biển nghe được những tiếng nức nở, òa vỡ của trái tim tôi. Sóng rì rào, rì rào, nhè nhẹ vỗ ru như muốn hát tình ca sau khoảnh khắc lặng yên đến nghẹt lòng.
Dịu dàng sóng hát. Bài ca bình minh. Bài ca ngày mới.
Biển rực hồng. Muôn ngàn hào quang nhảy nhót lung linh trên sóng. Mẹ nhìn về phía biển, ánh mắt chợt xôn xao. Tôi cũng đưa mắt nhìn về phía mặt trời đang từ từ đội biển nhô lên! Có cái gì vừa thức dậy trong tôi khi đó.
Và chuyến đi đã ở lại sau lưng. Nhưng phía trước tôi, trong tim tôi vẫn vẹn nguyên bức phù điêu người mẹ lặng yên bên bờ cát.
Mẹ ơi! Mẹ thầm thì với biển điều gì mà biển khóc, để muôn đời biển mặn môi con?
Và Mặt Trời ơi! Có phải, vì mẹ ngồi đó mà Mặt Trời thức giấc? Có phải, vì mẹ ngồi đó mà Mặt Trời bừng lên rạng rỡ thế kia?
Ôi! Người mẹ miền Trung! Người mẹ biển, người mẹ - người mẹ của tôi!
Dương Châu Giang
-
Xa xa khơi, xôn xao đời cát đời nắng. Gió còn ngồi trên lưng chiều mà đủng đỉnh heo may. Cây đèn biển chòng chành màu mắt em say, khóe mắt ai cay. Chẳng biết tự khi nào tôi gọi đó là mắt biển.
Năm bảy tuổi, một lần đứng trước cửa biển Diêm Điền quê hương vào lúc hoàng hôn đang lên, chập choạng bầy chim gọi bạn. Tôi dõi mắt về phía Hòn Dấu, Đồ Sơn, Hải Phòng, nơi ấy đang lốm đốm những chấm sáng từ ngọn hải đăng Hòn Dấu.Bảy tuổi với những ước mơ chẳng hề viển vông, tôi đã thầm nguyện khi lớn lên sẽ tự mình đi về phía ngọn hải đăng đó. Ngày ấy theo lời người lớn, tôi hiểu hải đăng là để dẫn dắt tàu thuyền đi tới những miền xa xôi, thỏa chí tang bồng, thỏa những ước mơ và khát khao bến bờ gặp gỡ. Nhưng càng lớn, với những trải nghiệm của đời mình thì tôi dần hiểu, hải đăng là để dẫn dắt con người ta trở về.
Trở thành một sỹ quan hàng hải, chu du đó đây trên những con tàu, đôi khi tôi chợt nhận ra rằng: thế giới này thật bé nhỏ, chỉ có những ngọn hải đăng, chỉ có những con mắt của biển là luôn mở to, thật to để dẫn dụ những con tàu về bến, để yêu thương những người đàn ông trở về với những người đàn bà của mình.
Lầm đường lạc lối giống như trong tay cầm chiếc la bàn nhưng lại đang đứng ở tâm cực bắc của địa cầu. Khi ấy thì chỉ có tiếng gọi từ trái tim, mới giúp bạn có thể hình dung ra con đường bạn cần phải đi... Và trên con đường ấy thứ ánh sáng soi đường cho bạn chính là những người đang nắm giữ tâm hồn bạn ở quê hương... Đó là cây đèn biển lớn nhất của cuộc đời bạn vậy.Đi dọc từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, từ miền duyên hải Việt Nam đến nhiều eo biển, cảng biển ở nhiều quốc gia khác, đâu đâu tôi cũng thấy những mắt biển thao thức canh dài. Mắt biển đẹp, có lúc lộng lẫy kiêu sa, có lúc lẻ loi cô đơn, có lúc giận hờn vô cớ. Nhưng ở đâu cũng vậy tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp lạ kỳ của mỗi một cây đèn.
Những cây đèn, những mắt biển ban ngày như một vật vô tri, ấy vậy mà kể từ dạo hoàng hôn thở dài trên mỗi phiến lá, trên mỗi phiến sóng, trên mỗi âm ba điệp điệp của thời gian thì cây đèn bỗng trở nên gần gụi như có một linh hồn.
Vậy nhưng càng gần bờ, càng gần mỗi thương cảng, phồn hoa, người thủy thủ lại dễ nhầm lẫn ánh sáng của cây đèn biển với hàng trăm hàng vạn thứ ánh sáng lung linh khác. Tôi vẫn thường gọi đó là thứ ánh sáng ký sinh.
Phải đó, chúng là thứ ánh sáng ký sinh, chúng có thể dễ dàng mờ mị mắt người, mà những người đàn ông đi biển chỉ cương nghị giữa phong ba nhưng lại có thể dễ dàng sụp đổ khi họ tiến vào bờ bãi. Phong ba ở ngoài khơi xa kia khác hoàn toàn với những cạm bẫy lọc lừa nơi bờ bến. Những khi ấy chỉ có ánh sáng của cây đèn biển, chỉ có mắt biển mới cứu rỗi linh hồn.
Không hiểu sao mỗi khi nhìn ánh chớp từ cây đèn biển lóe sáng lên, khi hi vọng bắt đầu chảy vào tim tôi thì cũng là lúc tôi nhận ra thứ ánh sáng ấy có lúc quặn thắt như trái tim một người đàn bà ngừng đập trong giây lát vì tưởng chừng tiếng chân ngoài kia là của người chồng ở một nơi xa trở về. Và cũng bởi thế, bao năm rồi mỗi khi nhìn thấy một cây đèn biển ở bất kỳ đâu tôi đều có cảm giác ấy như một người đàn bà chờ chồng.
Trên thế gian này sẽ không có sự chờ đợi nào vĩ đại bằng sự chờ đợi của một người vợ dành cho một người chồng. Một cô gái chờ đợi người yêu, sự chờ đợi ấy rồi cũng tan vào sóng. Một người bạn chờ đợi một người bạn, sự chờ đợi ấy cũng sẽ tan vào gió. Chỉ có sự chờ đợi của một người đàn bà chờ chồng là sẽ tan vào ánh sáng. Một thứ ánh sáng bất tử. Ấy là mắt biển... Khi tôi thấy loe lóe chớp, khi tôi thấy loe lóe sáng cũng là lúc tôi cảm nhận được ánh mắt của người vợ yêu thương.
Bôn ba mãi rồi cũng có lúc dừng chân. Tôi chọn Vũng Tàu là nơi trú ngụ, cho những ngày dài còn mưa thương nắng, cho những đêm sâu rối bời tìm đâu, cho yêu thương cúi đầu, cho ánh mắt ngẩng đầu, cho những bước chân đừng khi nào lầm lạc. Thu như đang lên con dốc em quên, tay như như đang lay bờ vai ai thiền, ngoài hiên trầm ngâm phố, ngoài mây trầm ngâm sương và con đường chạy lên ngọn hải đăng Vũng Tàu quanh co vấn vương.
Hải đăng Vũng Tàu tọa lạc trên đỉnh núi Nhỏ hay còn gọi là núi Tao Phùng được người Pháp xây dựng vào năm 1862 nhằm mục đích chỉ đường, báo hiệu cho các tàu thuyền qua lại, nằm ở độ cao là 149m so với mực nước biển. Đến năm 1913, người Pháp xây lại ngọn hải đăng này, thay đổi độ cao ngọn hải đăng từ 149m lên đến độ cao 170m. Hải đăng Vũng Tàu là một trong những hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Nếu có dịp đến thăm thành phố bé nhỏ của chúng tôi mà vì một lý do nào đó bạn bỏ quên cây đèn biển thì đó sẽ là tiếc nuối của bạn cho muôn ngày sau.
Trời vào chiều, những con dốc đổ thoai thoải đường lên hải đăng. Nhìn ra bốn bề thành phố, nhìn xuống thăm thẳm biển khơi, Vũng Tàu như một cô gái thừa những đường cong trác tuyệt mà khiêm tốn nằm nghiêng mình bên bờ biển.
Biển lên đèn, thành phố lên đèn, mắt những cô gái lên đèn, mắt những người vợ lên đèn, mắt tôi lên đèn. Giữa cuộc sống bộn bề bon chen, bộn bề nhỏ nhen, bộn bề thương nhớ thành quen có khi nào bạn hướng về mắt biển?
Không đâu, khi bạn đang tưởng mình hướng về mắt biển thì từ ngàn xưa, từ ngàn sau từ ngàn những câu người ta thương yêu nhau, mắt biển đã hướng về phía bạn. Khi tôi đứng từ boong tàu để nhìn về phía những ngọn hải đăng thì trong lòng, trong sự hình dung đôi khi viển vông của một người đi biển, tôi chỉ thấy nơi ấy, chốn ấy nhỏ nhoi vô cùng.
Nhưng hôm nay, ngày mai, ngày kia, những ngày sau về sau đứng từ ngọn núi Nhỏ này, đứng từ cây đèn biển cổ xưa này để dõi theo những vệt tàu đi, những vệt sóng loang, những người thủy thủ đang ngày đêm hồn treo cột buồm, tôi mới thấy nơi tôi đang đứng là vĩ đại. Phải rồi, sự chờ đợi luôn vĩ đại.
Đừng quên khi bạn ra đi thì luôn có ánh sáng từ căn nhà bạn gọi bạn trở về. Và không ai khác người vợ của bạn, người mà mỗi chiều thắp lên khói bếp vấn vương, thắp lên cả những ánh sáng ngàn năm tơ vương, ấy chính là một cây đèn biển khổng lồ…
Hồ Huy
-
Bạn có yêu thích biển không? Lý do bạn yêu biển là gì? Còn tình yêu của tôi đến với biển có lẽ là qua bộ phim “Cô gái đại dương” – nơi qua màn hình tivi tôi đã biết được vẻ đẹp của biển là như thế nào. Để từ đó biển đã đi vào trong tâm hồn tôi một cách nhẹ nhàng và thân thuộc như thế. Đó cũng là một trong những bộ phim mà tôi đã từng xem và gắn bó trong suốt tuổi thơ của mình.
Tôi, đứa con gái sinh ra ở một vùng nông thôn nghèo ngoại ô của thành phố, chưa bao giờ biết đến biển là gì. Tuổi thơ của tôi nhìn thấy biển qua cái tivi đen trắng, rồi đến tivi màu. Tôi thấy biển thật đẹp, màu xanh của nó làm tôi thích thú. Và cho đến bây giờ khi đã lớn lên đi làm, được đi nhiều nơi, ngắm nhiều thứ thì đối với tôi màu sắc mà tôi yêu thích nhất vẫn là màu xanh nước biển. Nhìn làn nước trong xanh của biển hay hình ảnh nước biển xanh thẫm với bờ cát trắng trải dài dưới ánh nắng; một phong cảnh tuyệt đẹp mà với tôi không có từ ngữ nào để miêu tả. Tôi, rất rất rất thích biển.
Khi đến với biển thì bạn thích làm gì? Tắm biển, ngắm bình minh và hoàng hôn trên biển, lướt sóng, đi thuyền.... Có lẽ trong suy nghĩ với nhiều người đi đến biển là nhất định phải tắm biển. Còn riêng tôi thì không. Với tôi đi biển là để ngắm biển. Tôi thích cảm giác dậy sớm để đi bộ trên bờ biển, ngắm mặt trời mọc lúc bình minh; hay ngắm hoàng hôn trên biển khi ánh chiều dần buông xuống; nhìn ngắm những con sóng xô vào bờ từng đợt tung bọt trắng xóa. Hay đôi khi chỉ đơn giản là ngồi ở bờ biển tận hưởng mọi hương vị của biển. Tôi thích mùi của biển, thích những ngọn gió từ biển thổi vào. Nó mang theo hơi ẩm, mang theo mùi đặc trưng riêng của biển. Xa xa bóng con thuyền chập chờn giữa biển khơi sóng nước mênh mông.
Buổi tối tôi thích đi dạo trên bờ biển, một cảm giác thật dễ chịu. Tôi, một đứa thích trò trẻ con là đi nhảy sóng. Nhìn những con sóng lao vào bờ tung bọt trắng xóa khiến tôi quên đi mệt nhọc thường ngày mà chơi đùa với nó. Nhìn màn đêm trên biển xa xăm, tăm tối và vô định như chính cuộc đời của mỗi người trong chúng ta vậy. Chẳng biết con đường nào dành riêng cho mình. Chúng ta vẫn luôn cứ đi và đi, đến đâu thì đến, chỉ kiên định với lý tưởng và hoài bão của mình. Nằm trước biển, nhìn bóng tối bao trùm lên mặt biển tôi thấy lòng mình nặng trĩu. Nó trái ngược hoàn toàn với màu sắc đẹp đẽ lúc ban ngày như chính trong sâu thẳm tâm hồn tôi. Thả mình trên bờ cát nhìn lên bầu trời, mặt trăng cùng với những vì sao trở nên nhỏ bé và xa vời vợi. Tôi bỗng thấy mình chỉ là một sinh vật nhỏ bé tồn tại giữa nhân gian này. Tôi sẽ làm gì trong thế giới này, có quá nhiều thứ mà tôi không biết, có nhiều nơi mà tôi muốn đi và cả nhiều việc mà tôi muốn làm. Chẳng biết nơi nào mà tôi sẽ dành lại cho cuộc đời mình. Đứng trước màn đêm của biển tôi thấy tối tăm quá, chỉ mong tìm thấy một tia sáng dù chỉ là nhỏ bé cho riêng mình để hy vọng vào ngày mai. Tôi cứ suy nghĩ miên man, không đầu không cuối như thế trước màn đêm tĩnh lặng của biển cả mênh mông. Thi thoảng có ánh đèn leo lét thấp thoáng phía xa, trông thật cô đơn và lẻ loi giữa bóng đêm.
Đối với riêng tôi kỷ niệm về biển làm tôi nhớ nhất là khi tôi đi biển cùng những người đồng nghiệp ở cơ quan. Ban ngày tôi đi dạo bờ biển, đi ngắm biển. Buổi tối, tôi đi nhảy sóng, đi bộ trên biển cùng với những người bạn. Sau đó chúng tôi cùng nhau nằm dài trên bờ biển, hát karaoke, và ngắm vầng trăng cao vời vợi. Một cảm giác thật tuyệt vời và để lại trong tôi những cảm xúc khó tả. Lúc ấy chúng tôi cứ vô tư tận hưởng những khoảnh khắc ấy mà chẳng có suy nghĩ gì về ngày mai. Có lẽ đối với chúng tôi bây giờ sẽ không còn thêm một lần nào được sống lại vào thời khắc ấy nữa. Nhưng tôi lại mong ước có ngày đó, ngày chúng tôi cùng nhau nằm trên bờ biển và nói về những kỷ niệm xưa cũ. Nhất là, giờ đây khi chúng tôi đã không còn gặp nhau vì hoàn cảnh, vì cuộc sống sinh tồn, thì mong ước ấy trong tôi lại càng mãnh liệt hơn.
Hôm nay ngồi trước màn hình máy tính, những kỷ niệm thi nhau ùa về chiếm lấy tâm trí tôi. Tôi bỗng thèm được hít hà mùi biển, thèm cơn gió của biển và thèm cả vị mằn mặn của biển. Tất cả hiện lên trong ký ức của tôi vẫn là một bức tranh tuyệt đẹp và không thể xóa mờ. Biển, trong trái tim tôi vẫn luôn đẹp như thế và có một vị trí quan trọng. Tình yêu với biển trong tôi chưa bao giờ thay đổi và luôn đong đầy theo năm tháng.
-TTKD-
-
Ai đã từng về xứ biển mùa Thu mà khi đi xa không nhớ đến cái tinh khôi, man mác của đất trời với những áng mây nhẹ nhàng trôi sau cơn mưa, với làn hương dìu dịu của hoa sứ ven đồi và gió lộng mênh mang con đường bãi Dứa…
Tôi tương tư mảnh đất này từ những ngày mới rời ghế giảng đường, bỡ ngỡ bước chân vào một miền xa lạ có biển xanh, cát trắng, có những lối mòn đầy hoa và cỏ dại. Ngày ấy, Vũng Tàu còn hoang sơ, chân tôi mê mải bước trên những con đường vắng vẻ. Chưa có phố xá rộng dài tấp nập, chưa có nhiều nhà cao tầng, công viên, khu vui chơi giải trí… Phố biển thật bình dị, an lành như cô gái nhà nghèo chưa quen với lụa là, trang sức. Chiều chiều, chúng tôi đạp xe đi hóng gió, ngồi trên bờ đá ngắm từng con sóng đuổi nhau, nghe tiếng xạc xào của những tàu lá dừa trên bãi Trước mà mơ về một cuộc sống thật bình yên, thư thái nơi đây.
Tôi nhớ mùa mưa đầu tiên khi tôi là cư dân của mảnh đất phương Nam này. Trời đang chang chang nắng bỗng tối sầm, mây đen kéo đến và gió mịt mù rồi mưa sầm sập. Khu nhà làm việc của cơ quan là trường Thiếu sinh quân của chế độ cũ nằm ngay cạnh núi Lớn nên hình như chịu một lượng mưa nhiều hơn, một ngày có khi ào ào đến mấy trận. Thế nhưng dứt cơn mưa là nắng hửng lên ngay, những cây điệp trong khuôn viên cơ quan dường như còn trĩu nước trên cành lá mà mặt trời đã lại chói chang hắt những tia nắng vàng xiên xuống lối đi. Biển chiều vẫn xanh, bãi tắm vẫn râm ran tiếng cười và bầu trời thì cao lồng lộng chẳng khác gì bầu trời Thu phương Bắc.
Mấy chục năm rồi, thành phố của chúng tôi đã nhiều đổi khác. Những đại lộ thắng tắp vươn xa, những khu nhà đồ sộ, hiện đại, con đường ven biển vòng quanh núi Nhỏ, núi Lớn được làm rộng rãi mấy làn xe chạy… Ai đã từng ghé thăm thành phố biển từ những năm tám mươi giờ trở lại đều ngạc nhiên với “nàng thôn nữ” đã thay da đổi thịt đến ngỡ ngàng. Người xa đến thì thấy vậy, còn dân bản xứ chúng tôi lại luôn tìm được cho mình những không gian thoáng đãng, những khoảnh khắc yên bình với núi non, biển cả. Thiên nhiên ưu đãi cho Vũng Tàu có cả núi và biển. Mùa Thu phương Nam cũng là mùa mưa nên núi phủ đầy màu xanh ngút ngát. Đường lên núi Lớn, núi Nhỏ quanh co, những hàng lau trắng phất phơ trong gió, đó đây còn sót lại những đốm đỏ lập lòe của hoa phượng như một chút tiếc nuối mùa Hạ qua. Tôi đã đi trên những con đường lên núi hàng ngàn lần, vậy mà lần nào cũng thấy lòng mình náo nức với những khám phá mới lạ. Một nhành hoa dại, một tiếng chim khắc khoải gọi bạn, tiếng chí chóe của lũ khỉ trên cây hòa với tiếng gió ngàn, tiếng thông reo trong buổi hoàng hôn tím sẫm bên sườn núi sao làm mình bồi hồi đến vậy. Vẫn còn đây một Vũng Tàu với nhịp sống chậm rãi, không gian tĩnh lặng êm đềm mà có lúc tưởng chừng như đã mất đi khi thành phố ngày càng đổi thay theo hướng hiện đại.
Có những sáng Thu biển thật hiền hòa, từng con sóng lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ đá. Người Vũng Tàu thích tắm biển từ rất sớm. Mặt trời chưa lên, không gian vẫn bàng bạc màu sương, biển tinh khôi chưa in dấu chân người, bãi cát vàng như vẫn còn ngái ngủ, mịn màng, nhẫn nại chờ những con ốc, con còng trôi dạt vào đánh thức. Từ biển lên, tranh thủ nhặt ít rác, cành cây mà sóng đánh tấp vào bãi cát gom lại một chỗ để tiện cho nhân viên vệ sinh thu dọn là hình ảnh rất quen thuộc của cư dân tắm biển Vũng Tàu. Tôi rất yêu cái không khí buổi sáng sớm trên bãi biển với những làn gió nhẹ đủ để làm những hạt nước li ti bám vào da mình, vùi chân trong cát ẩm và chờ mặt trời lên. Rồi ánh nắng chan hòa, tiếng ríu ran chuyện trò, tiếng cười lanh lảnh của du khách – những người ra biển muộn hơn dân bản xứ nhưng mang đến cho biển một màu sắc mới rực rỡ, tươi vui hơn. Nhiều hôm mặt trời lên cao tôi vẫn còn nán lại chỉ để vu vơ ngắm trời mây sóng nước, để thấy lòng mình cũng mênh mang, dạt dào như trời biển, để thấy mình thật may mắn và hạnh phúc biết bao khi được sống trong cái không gian khoáng đạt tuyệt vời này.
Tôi yêu Vũng Tàu, yêu biển xanh hiền hòa những ngày êm ả, yêu cả cái dữ dằn, cuộn sóng ngằn ngặt của ngày biển động. Bầu trời như thấp hơn, mây xám mịt mùng, biển oằn mình như chịu những cơn đau…nhưng tôi biết sau đó là ánh nắng chan hòa, biển xanh trong và mây trắng lại lững lờ bồng bềnh như những nốt nhạc trong bản tình ca du dương của đất trời ấm áp phương Nam. Tôi yêu núi, những ngọn núi trầm mặc, lặng lẽ ngàn đời bên biển. Những ngọn núi mà mùa khô xác xơ cây lá, để mưa về phủ một màu xanh mát mắt. Núi có những lối mòn nhỏ bạt ngàn hoa dại, mùa Mai Anh Đào rực rỡ hồng thắm những đóa hoa báo hiệu Xuân về.
Hơn bốn mươi năm làm cư dân thành phố biển, tuổi chúng tôi giờ cũng độ cuối mùa Thu…Vẫn như ngày nào, tôi yêu thích những giờ phút đạp xe trên con đường ven biển, nghe gió lộng những hàng dừa, nghe sóng ầm ào, không gian thoảng hương hoa sứ - loài hoa mà tôi thấy không đâu nhiều bằng nơi đây. Không còn tuổi trẻ, không còn những mộng mơ ngày nào nhưng thành phố biển mãi là tình yêu của tôi, mãi là những cảm xúc ngọt ngào đi cùng tôi theo chiều dài năm tháng. Mùa Thu phố biển, mùa Thu cuộc đời…mênh mang tình người Thu ơi!
Nguyen Minh Nguyet
-
Miền tuổi thơ ở biển trong tôi luôn da diết, nhìn đâu cũng thấy bạn bè, từ cánh buồm vô tri hay một đám mây lửng lơ, tiếng sóng rì rầm tỉ tê, cả cánh chim hải âu phân vân chao liệng hay con mắt dã tràng nhìn tôi nghiêng ngó.
Ở biển có ngày sinh con nước theo chu kỳ tuần trăng. Nước lên “thơm”, đó là tôi nghe các ngư phủ già có kinh nghiệm đánh bắt cá nói thế. “Chim chết vì nhạ, cá chết vì nước” là thế đó. Nước “thơm” nên cá tụ bầy nhởn nhơ dễ đánh bắt. Nước sinh là để sinh ra món quà quý tặng dân chài. Họ tính toán rất kỹ ngày sinh con nước để thả lưới theo luồng nước chảy êm đềm thuận chiều. Biển thì sinh con nước nhưng con nước này không có tuổi thơ mà sinh ra đã già dặn, đã ngấm vào mình bao chiêm nghiệm sống.
Tôi lớn lên trên cánh võng của cha tôi như trong những câu thơ mở đầu cho một trường ca biển viết sau này: “Cánh võng đầu tiên ru tôi là mảnh lưới cha tôi cắt ra từ tấm lưới còn dính đầy vẩy cá/ Trong giấc mơ tôi không có tiếng côn trùng/ Tiếng cá quẫy khuấy vào tôi tăm sóng...”. Những tăm sóng li ti lẫn vào những chân lông, mao mạch máu để khi hồi tưởng lại nó đã trở thành những vòng sóng lan xa, tỏa rộng. Những đứa bé miền biển thích ngủ võng, ngủ lưới. Những đêm hè nóng bức đến nỗi da trời cũng mọc sởi, chúng tôi rủ nhau xuống bến thuyền, lên những con thuyền có mai rộng như chiếc mai rùa vòm cong và xếp hàng ngủ hai bên. Đầu chụm vào nhau còn chân thì đạp lên be thuyền khỏi trượt, mắt nhìn lên khoảng trời cao rộng và hứng luồng gió mát biển khơi thổi về. Và chúng tôi kể cho nhau nghe những câu chuyện cổ tích, những nàng tiên cá, những con thuồng luồng. Con thuyền như một vành nôi khổng lồ nâng bổng chúng tôi lên...
Lớp học vỡ lòng của chúng tôi thường có cửa sổ mở ra nhiều hướng đón gió biển. Vừa học đánh vần chữ cái, có chữ A (viết in) như một chóp núi hay cánh buồm nhô lên vừa được nghe rì rào tiếng gió của những hàng dương. Những hàng dương xanh cắm rễ sâu vào đất để giữ làng. Lá dương khô trở thành những cái nệm tròn quây lại êm như rơm vàng để lũ trẻ đánh giấc thiu thiu như gà mẹ ấp con. Quà của trẻ thơ miền biển thường là cá nướng. Cho đến bây giờ tôi đi bao miền quê, ăn bao đồ nướng đặc sản cũng không thể nào quên được những con cá nướng mà ngày đó chúng tôi chia cho nhau khi đến lớp. Cá nướng là một đặc sản của biển.
Ngay từ bé chúng tôi đã học được tính cộng đồng khi nghe người lớn “hò dô” đẩy thuyền, kéo lưới. Họ đã truyền cảm cho chúng tôi những khúc hát đồng dao, những trò chơi đuổi bắt, những rồng rắn ra biển đến cái “mắt cá” cũng thành: “Mắt cá mọc ở chân/ Nhắc em đi khỏi lạc”. Rồi từ tên các loại cá mà xếp vần lại thành một dây neo chữ: “Chọn bạn chơi thân thiết/ Sao lại gọi cá lầm”.
Miền sóng ký ức như một khúc ca không hề có tuổi neo giữa chúng tôi. Trong mỗi người đàn ông dân chài đều có một chú bé khi họ rướn mình thổi con ốc biển báo tin biển đã sinh con nước. Tôi cảm nhận được dù đã lớn lên, đi xa và trở về trong tôi, trong họ vẫn: “Có một đứa trẻ con hoang dã/ Cứ loăng quăng chạy theo họ suốt đời/ Biển ơi! Biển ơi!"
NGUYỄN NGỌC PHÚ
-
Mặt trời đã ngả phía tây, buông ráng chiều đỏ rực rỡ cuối ngày, lộng lẫy một lần nữa trước khi nhường lại cho màn đêm thăm thẳm. Gió chiều thổi qua vai gầy của mẹ mang theo dư vị của biển, mằn mặn. Thủy triều xuống. Sóng vỗ nhịp dịu dàng vào chân đê, để lộ bờ cát mịn màng, đọng phù sa. Con đường đê bỗng trở nên chênh vênh, nhỏ bé. Gió thổi bay mái tóc rối tung lên, lòa xòa. Tôi áp má vào lưng mẹ để tránh gió, tránh nắng. Lưng mẹ đã ướt đẫm mồ hôi từ lúc nào. Mùi mồ hôi của mẹ trộn lẫn vị tanh của biển, thứ mùi đặc trưng, chẳng hiểu sao tôi lại thấy nó “ngọt ngào” và “nghiện” đến thế. Từ nhỏ nằm trong lòng mẹ, tôi đều hít hà cái mùi vị ấy. Sau này tôi mới hiểu, đó là thứ đã nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành, cứng cáp qua những bão giông cuộc đời.
Gió biển thổi mạnh, mắt cay xè. Tôi cố nhìn theo cánh chim hải âu vừa bay qua trên đầu rồi vun vút ra phía biển. Xa xa, con thuyền nhấp nhô, nhỏ bé giữa những đợt sóng, tưởng chừng có thể bị nuốt chửng bất cứ khi nào. Sắp cuối ngày, tàu thuyền bắt đầu cập bến. Đi theo đường đê, mẹ và tôi đến bến thuyền. Nơi đó, những con thuyền mang theo “tinh hoa” của biển cả, sẵn sàng dâng tặng cho đất liền. Dừng xe. Gió cuối chiều mỗi lúc một mạnh. Mùi tanh nồng sộc thẳng vào mũi, ngai ngái. Với người từ vùng khác đến đây, lần đầu có thể sẽ thấy khó chịu. Nhưng với tôi, hương vị đó đã ngấm vào da thịt, trở thành thứ gia vị không thể thiếu trong những năm tháng tuổi thơ và quấn quýt trong tâm trí tôi sau này dù tới bất cứ đâu. Bến thuyền lao xao, nhộn nhịp. Vậy mà tôi lại thấy lòng bình yên, êm ái lạ thường. Những giỏ cá tươi ngon đã cập bến, lấp lánh ánh bạc, ánh vàng dưới nắng chiều ráng đỏ. Các bà, các cô, các mẹ xúm lại, tranh nhau để mua được giỏ cá ngon nhất, tươi nhất, rẻ nhất. Có tiếng người hỏi cá chim giá bao nhiêu, người khen mực trứng tươi ngon, người phàn nàn tôm sú hôm nay hơi nhỏ… Mấy cô chưa chọn được đồ ưng ý, xách giỏ ra tận mép nước đợi thuyền về. Người ngồi phe phẩy chiếc quạt hỏi thăm nhau việc buôn bán dạo này thế nào. Tiếng hỏi giá, ra giá, mặc cả, chào hỏi nhau rôm rả, rộn ràng cả bến thuyền. Mẹ và tôi nhanh chân chen vào giữa đám đông, chọn một giỏ mực và cá tươi ngon nhất. Người thách giá, người trả giá diễn ra trong tích tắc vì nếu không nhanh sẽ có người khác lấy, ra giá cao hơn. Mẹ vội vàng rửa cá, cho vào thùng rồi dẫn tôi đi cho kịp chợ chiều. Chiếc xe máy cà tàng chở những con cá tươi ngon đến chợ, chở cả những ước mơ, hoài bão và tương lai của tôi.
Lúc mẹ và tôi ra chợ, ráng chiều đã nhuộm đỏ cả một vùng nước mênh mông. Bên kia chân đê, không còn thấy màu xanh tươi của bãi cỏ như lúc sớm nữa mà mờ dần rồi tối thẫm lại. Mấy con trâu vẫn thủng thẳng nhai cỏ. Lũ trẻ ngồi quây thành vòng tròn, chơi đấu cỏ ngựa. Nhìn từ trên đê xuống, những ngôi nhà trong xóm nhỏ như những ngôi nhà tí hon, nằm nép mình sau hàng phi lao cao vút. Nhà ai thổi bếp sớm, mùi rơm mới cháy thơm nồng nàn, những làn khói lam chiều vấn vít trên mái bếp, mờ mờ ảo ảo. Làng quê ven biển thanh bình, yên ả khiến tôi muốn được sống chậm lại, tận hưởng từng khoảnh khắc. Hai mẹ con tới chợ, trời vẫn còn sót lại những tia nắng cuối cùng. Cá mẹ lấy vẫn còn tươi nên chỉ một loáng đã bán hết. Tôi thấy trên gương mặt mẹ ánh lên nét cười hạnh phúc. Làn da cháy nắng, sạm đi vì gió biển nhưng ánh mắt thì ấm áp, sáng như những vì sao đêm. Tôi hiểu, mẹ vui không phải cho chính mình mà tất cả đều dành cho tôi.
Bóng tối bắt đầu tràn xuống chân đê. Vòm trời tím sẫm. Mấy ngôi sao sớm lấp lánh trên nền trời nhung huyền. Mặt biển cũng nhuốm màu trời, tối sầm. Khó lắm mới thấy tít ngoài khơi xa, những chiếc thuyền đánh cá vừa lên đèn, lập lòe như những vì sao trên bầu trời đêm. Có thuyền cập bến. Có thuyền lại ra khơi để ngày mai lại mang về đất liền những khoang thuyền đầy cá. Ở đó, có chiếc thuyền mà mẹ tôi vẫn chờ. Ngày mai và nhiều ngày sau nữa. Sóng vẫn vỗ nhịp dịu dàng. Những cánh buồm no gió vẫn ra khơi. Mặt trời vẫn thắp lửa trên biển rồi lặng lẽ đi ngủ vào cuối ngày. Bình minh vẫn rực rỡ. Hoàng hôn vẫn quyến rũ, say lòng. Nhưng tôi biết, có những con sóng, những buổi chiều sẽ chẳng quay lại trong đời...
Nguyễn Minh