Top 5 Bài văn nghị luận về biển Đông hay nhất

Hà Ngô 164 0 Báo lỗi

“Rừng vàng biển bạc” có lẽ là từ thích hợp nhất khi viết về tài nguyên của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Biển đông đối với đất nước ta có tầm quan ... xem thêm...

  1. Tình hình biển đảo Việt Nam hiện nay đang có những diễn biến phức tạp đe dọa trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Trước tình hình căng thẳng của biển Đông, “Thanh niên cần làm gì để bảo vệ Tố quốc?”, là câu hỏi nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ khi đề cập đến thời sự biển Đông.


    Biển đảo Việt Nam trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của người Việt Nam. Điều này đã được chứng minh bằng lịch sử và các tài liệu khoa học. Các tư liệu khoa học và pháp lý được công bố hiện nay, đều thể hiện quá trình khai phá, chiếm hữu và thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều hành động xâm hại đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam: bắt ngư dân Việt làm ăn, tấn công các tàu Việt trên vùng biển của chính Việt Nam, ngang ngược xây dựng thành phố Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa…


    Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.


    Hành động của thanh niên hiện nay: Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, thanh niên, học sinh cần nghiên cứu và nhận thức sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng chủ quyền biển đảo và giá trị to lớn chủ quyền mà ông cha ta đã đổ xương máu để xây dựng; về lịch sử Việt Nam đặc biệt là lịch sử địa lý liên quan đến chủ quyền biển đảo, về lịch sử hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… tìm hiểu rõ chính sách ngoại giao nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề biển Đông cũng như nội dung của luật pháp, chế độ pháp lý của các vùng biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

    Thanh niên cần hưởng ứng tích cực các diễn đàn hợp pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên các diễn đàn, đồng thời kịch liệt lên án và đấu tranh tham gia ngăn chặn các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.

    Thanh niên phải là hậu thuẫn, là chỗ dựa tình cảm vững chắc của những người lính biển đảo, bằng những việc làm thiết thực như gửi thư đến các lính Hải đảo để chia sẻ động viên và tiếp sức cho các anh thêm nghị lực để trông giữ biển đảo.

    Điều quan trọng nữa là không ngừng tu dưỡng phẩm chất người Việt Nam mới, tích cực tham gia xây dựng đất nước giàu mạnh, có định hướng lý tưởng yêu nước và đoàn kết thì chúng ta sẽ kết nối khối sức mạnh lớn đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó sẵn sàng chuẩn bị tinh thần tham gia trực tiếp vào công cuộc giữ gìn biển đảo quê hương bằng tất cả những gì mình có thể.

    Biển đảo Việt Nam là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc được cha ông truyền lại. Trách nhiệm của tuổi trẻ nói riêng là ra sức gìn giữ toàn vẹn phần lãnh thổ này như lời Bác Hồ năm xưa đã dặn “các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

    Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

    Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

    Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

    Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

    Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

    Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

    Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn”


    Mỗi lần đọc bài thơ này của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, tôi lại thao thức về biển về Hoàng Sa – Trường Sa. Trong tôi lại hiện lên thật kiêu hãnh dáng đứng của những người lính đảo xa giữa mênh mông đại dương đang canh giữ cho quê hương yên bình giấc ngủ.


    Khi sinh ra tôi đã sống trong thời bình, bom đạn chiến tranh, những ngày đói khổ dường như tôi chưa từng biết đến và trải qua. Tôi chỉ biết lịch sử, quá khứ đáng tự hào của dân tộc qua những trang sách sử, qua báo đài. Từ những trang sách ấy tôi đã lớn lên chan chứa một tinh thần biết ơn với tiền nhân, với quá khứ. Bởi nếu không có thế hệ cha anh đã ngã xuống trong biết bao nhiêu cuộc chiến vệ quốc vĩ đại thì chắc chắn tôi không có mặt trên đời. Ngày nay, dù chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hòa bình và phát triển, nhưng biển xa vẫn canh cánh mối lo hiểm họa xâm lăng của các thế lực thù địch. Nên nhiệm vụ của tuổi trẻ, nhiệm vụ của mỗi công dân lại được đặt lên trên hết. Và ở đó, nơi cách chúng ta hàng trăm hải lý, những chàng trai lính đảo, những con người đầy nhiệt huyết có trái tim yêu nước nhiệt thành luôn biết hi sinh và cống hiến đang ngày đêm đương đầu với sóng dữ. Họ chính là biểu tượng cao đẹp của Tổ Quốc hôm nay:


    Yêu biết mấy những con người đi tới

    Hai cánh tay như hai cánh bay lên

    Ngực dám đón những phong ba dữ dội

    Chân đạp bùn không sợ những loài sên!


    Đường bờ biển nước ta dài trên 3260 km kéo dài từ Móng Cái đến mũi Cà Mau. Bươn trải ra hướng đông, ta có trên 3000 hòn đảo lớn nhỏ. Từ thuở đội hùng binh Lý Sơn mang gươm vẽ biển ta có Hoàng Sa, Trường Sa với bao đảo nổi đảo chìm. Biển như lòng mẹ bao la mang đến cho ta bao nguồn lợi thủy hải sản, nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Biển chứa chan tình yêu thương vẫn ngày đêm vỗ sóng vào bờ. Khi nhắc đến đây tôi lại thoáng nhớ về kí ức cùng với ông, ông tôi cũng đã run run giọng khàn mà kể với tôi những kí ức còn sót lại mà ông biết về trận chiến ở Đảo Gạc Ma năm 1988. Đó là trận hải chiến mà ông cha ta đã dốc hết sức lực, dùng tất cả sức mạnh để đấu tranh chống kẻ thù Trung Quốc hiểm độc. Ở nơi đó các anh đã dâng hiến tuổi xuân xanh của mình vì độc lập chủ quyền của dân tộc. Các anh hi sinh nhưng trên tay vẫn ôm trọn lá cờ tổ quốc, quyết chiến một lòng một dạ. Hằng năm, những chuyến tàu vẫn đều đặn chở đoàn công tác từ đất liền ra Trường Sa. Mỗi lần đi qua Gạc Ma, những người con đất Việt không quên thả vòng hoa tưởng niệm. Các anh đã dâng hiến tuổi 20 cho Tổ quốc, nhân dân cả nước sẽ đời đời ghi nhớ công ơn của các anh. Ông tôi nhắm đôi mắt lại khẽ lâu rồi mở ra lặng buồn nhìn về phía xa xăm, và hình như tôi thấy trong ánh nhìn xa xăm ấy của ông tôi là cả một tình yêu không nói nổi nên lời: tình yêu Biển Đảo quê hương.


    Nay trong thời bình, hàng trăm ngàn những người lính đã gác lại đời tư, tạm biệt những vùng quê, tạm biệt những thành phố phồn hoa đô hội để đến với biển đảo canh giấc ngủ bình yên cho nhân dân. Giữa bao nhiêu thiếu thốn và cô đơn, những người lính ấy vẫn quyết bám đảo, bám biển để bảo vệ vùng trời biển thiêng liêng mà bao liệt sĩ đã ngã xuống khi cuộc đời còn rất trẻ. Mặc dù chiến tranh tàn khốc đã thôi không trở lại, nhưng những âm mưu độc chiếm, âm mưu muốn tranh giành lãnh thổ của các nước ‘’láng giềng’’ vẫn còn sôi sục đó đây. Biển vẫn ngày đêm sóng dữ chưa nguôi.

    Các anh, những người lính trẻ không màng khó khăn, ngày đêm và ngày đêm chiến đấu. Các anh mang trong mình tư thế sẵn sàng, tay cầm súng, đầu mang chí lớn đối mặt với hiểm nguy nhưng can trường và vững chãi, hiên ngang giữa mênh mông biển cả. Tôi cũng chợt nhớ đến nhà văn Nguyễn Thành Long, người đã đưa bạn đọc đến với hình tượng anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh núi Yên Sơn. Mặc dù chịu nhiều gian khổ nhưng anh vẫn tích cực làm việc góp phần vào công việc lao động sản xuất và chiến đấu. Điều đó cho thấy dù có bao nhiêu chông gai, bao nhiêu khó khăn thử thách trước mắt, anh thanh niên nói chung cũng như toàn bộ thế hệ trẻ ngày nay – những người lính biển đảo cao cả đó vẫn ngày đêm rèn luyện, vẫn nung nấu ý chí, dũng khí để bảo vệ quê nhà. Đó là vẻ đẹp muôn đời của dân tộc Việt Nam, một dân tộc:

    Đứng vững chãi bốn ngàn năm sừng sững
    Lưng đeo gươm hay mềm mại bút hoa.
    Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng
    Sống hiên ngang và nhân ái chan hoà.
    (Huy Cận)

    Tôi, dù mang trong mình lòng ngưỡng mộ biết ơn nhưng như thế vẫn là chưa đủ, tôi vẫn khao khát được một lần mang trên vai bộ quân phục của những người lính hải đảo, sẽ hành quân trên vùng biển đảo xa xôi đó. Vâng! Khi tổ quốc cần, ta phải biết hy sinh.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. “Rừng vàng biển bạc” có lẽ là từ thích hợp nhất khi viết về tài nguyên của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Nằm trong vị trí chiến lược quân sự trong vùng Đông Nam Á với diện tích rộng khoảng 331,686 km2, chủ quyền thiêng liêng được hợp thành từ vùng trời , vùng đất và vùng biển. Có thể nói rằng việc giữ gìn chủ quyền dân tộc mà đặc biệt là vùng biển Đông luôn là nhiệm vụ thiết yếu của thế hệ trẻ nước ta trong bối cảnh hiện nay.


    Với vùng biển rộng lớn dài 3260km trải dài từ Bắc chí Nam, bao quanh biển là hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau trong đó có 2 quần đảo chính là Hoàng Sa và Trường sa diện tích khoảng 1 triệu km. Biển Đông mang lại nguồn hải sản phong phú 4 mùa, tập trung các loại hải sản bổ dưỡng giàu giá trị kinh tế cao như mực,tôm, hải sâm, bào ngư… Không chỉ có thế xung quanh bờ biển và sâu thẳm trong lòng thềm lục địa là các loại khoáng sản vô cùng quý hiếm như titan, cát trắng, dầu khí mang lại tiềm lực kinh tế cao cho nước ta về mặt khoáng sản.


    Du lịch biển cũng là một trong những thế mạnh của nước ta với những bãi tắm đẹp thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi năm. Dọc bờ biển là sự bồi đắp của các cửa sông, có thể xây dựng các cảng biển lớn phát triển giao thông vận tải biển.


    Biển Đông đóng vai trò quan trọng việc phát triển các ngành của nước ta hiện nay như về kinh tế , xã hội và an ninh quốc phòng. Đem lại việc làm và thu nhập cho hàng nghìn ngư dân. Biển đảo nước ta là tiền đề tiền tiêu bảo vệ đất liền, hệ thống để nước ta tiến sâu vào biển và đại dương, khai thác tốt các nguồn lợi về thủy hải sản. Biển Đông cơ sở để khẳng định chủ quyền về biển và thềm lục địa của nước ta.


    Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phát triển kinh tế xã hội tương lai đất nước, biển Đông còn là nhân chứng của 1 quá trình lịch sử lâu đời của cha ông đã kiên cường bảo vệ hết mình trong các cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, là nền văn hóa xứ sở. Tạo lập không gian sinh tồn, hình thành nền văn hóa biển, gắn kết mối quan hệ ngoại giao với các nước thông qua con đường giao thương trên biển. Biển Đông với hệ sinh thái vô cùng phong phú, là niềm tự hào kì thú đối với bạn bè năm châu quốc tế.


    Thế nhưng hiện nay tình hình biển Đông đang dần có xu hướng trở nên phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho nước ta vì biển Đông rộng lại chung với nhiều nước đặc biệt các nước lớn giáp danh nên rất khó để chúng ta khai thác biển Đông 1 cách hiệu quả nhất. Khai thác phải đi đôi với bảo vệ, hòa hảo với tình hữu nghị giữa các nước quả thực là 1 vấn đề khó trong việc phát triển kinh tế biển.


    Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng về vấn đề về ô nhiễm môi trường. Theo số liệu thống kê hiện nay có hàng năm có tới 70% các chất thải đổ ra môi trường biển, hầu hết có nguồn gốc từ các nhà máy xí nghiệp nơi đất liền. Các chất thải dường như chưa được qua xử lí, được xả trực tiếp ở các kênh rạch sông ngòi rồi ngầm đổ trực tiếp ra biển. Vụ việc các công ty công nghiệp không xử lí nước thải đã thải trực tiếp ra biển gây nên sự tổn hại nghiêm trọng đến vùng biển của Việt Nam với hàng nghìn tấn cá biển chết hàng năm, ô nhiễm nặng nề tầng đáy biển. Hàng trăm nghìn hộ dân sống bằng nghề bám biển rơi vào tình trạng lao đao, thiệt hại kinh tế hàng trăm tỉ đồng, liên tiếp các tỉnh miền trung giáp biển chịu thiệt hại vì sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường biển của các công ty này.


    Ngoài ra còn có một bộ phận ý thức kém của một số khách du lịch biển xả rác bừa bãi, tiện tay vứt những túi nilong, chai nhựa khi đi tắm biển, tham quan, họ vô tư không coi trọng hệ sinh thái biển. Làm mất mĩ quan của khu vực rất nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến người khác và môi trường biển của các tỉnh.


    Là thế hệ trẻ tương lai của đất nước, còn đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta phải không ngừng học tập nghiên cứu về chủ quyền biển đảo, giá trị lịch sử của biển Đông mà ông cha ta đã phải đổ máu hi sinh để bảo vệ. Học tập thật tốt, chủ động tìm hiểu về các vấn đề về lịch sử, địa lý liên quan trực tiếp đến vấn đề biển đảo, đặc biệt về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nhà trường nên tổ chức cho các học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi tìm hiểu về biển đảo để từ đó giáo dục thêm về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc.


    Nắm rõ các chính sách nhất quán của Đảng và nhà nước về ngoại giao , pháp luật ở biển Đông, khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Lên án và đấu tranh phù hợp với các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo, liên tục cập nhật tình hình khu vực trong và ngoài nước về xu hướng phát triển kinh tế biển.


    Rèn luyện tu dưỡng đạo đức, có lý tưởng yêu nước rõ ràng, phát triển sự đoàn kết tạo thành sức mạnh lớn bảo vệ biển Đông, tham gia tích cực các phong trào Đoàn và các cuộc thi liên quan về biển đảo Việt Nam. Sẵn sàng tinh thần nhận và hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ chủ quyền ở biển Đông. Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đất nước giàu mạnh và bảo vệ tổ quốc.

    Có ý thức giữ gìn môi trường đặc biệt là môi trường biển không xả rác bừa bãi ở những nơi công cộng nhất là ở các khu du lịch, bãi tắm.


    Có thái độ thận trọng, cảnh giác với những lời lẽ xuyên tạc về chủ quyền biển đảo, không tham gia các cuộc biểu tình chống phá Đảng và nhà nước, có lời lẽ thận trọng khi tham gia các diễn đàn và bình luận trên internet về các vấn đề về an ninh biển đảo khu vực.


    Biển Đông là một phần máu thịt không thể tách rời của chủ quyền đất nước Việt Nam thân yêu, chính vì thế mà mỗi cá nhân hay tập thể dù có đi đâu hay làm gì đi chăng nữa hãy luôn nhớ và không ngừng chung tay góp sức để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Chủ quyền ấy đã được gây dựng từ ngàn năm, là thế hệ trẻ chúng ta phải biết tiếp nối và phát triển hơn nữa truyền thống anh hùng bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc. Giống như bài thơ : “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã khẳng định.


    “ Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

    Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

    Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

    Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Việt Nam là một đất nước giàu đẹp không chỉ về truyền thống văn hóa lịch sử, nếp sống của con người mà còn nổi tiếng về tài nguyên thiên nhiên. May mắn có được sự ưu ái của thiên nhiên giúp cho đất nước có hệ thống sinh học phong phú, đa dạng, hệ sinh thái rừng và không kém phần quan trọng đó là có nhiều đảo, quần đảo và nằm trong khu vực có Biển Đông đi qua. Điều này giúp cho chúng ta có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế nhưng cũng mang lại nhiều bất lợi mà chúng ta không ngờ đến.


    Biển Đông là một vùng biển rộng lớn, là một biển rìa lục địa và cũng là một phần của Thái Bình Dương. Biển Đông có tên tiếng anh là South China Sea, đứng thứ tư thế giới về diện tích với diện tích khoảng 3.447.000 km2. Biển Đông có nhiều đảo và quần đảo trực thuộc, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong nhiều thế kỉ qua, mang giá trị kinh tế lớn cho các quốc gia trong khu vực, và là tuyến đường giao thông quan trọng giữa các nước. Vịnh Bắc Bộ cũng trực thuộc Biển Đông, bao chứa hàng nghìn đảo lớn nhỏ, trong đó có Vịnh Hạ Long nổi tiếng về sự kì vĩ và vẻ đẹp nên đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.


    Biển Đông có hệ sinh thái phong phú với nhiều hải sản mang giá trị kinh tế cao, là nguồn thu nhập chính của ngư dân các vùng ven biển. Ngoài ra, đây còn là tuyến đường giao thông, có giá trị thương mại, du lịch, quốc phòng quan trọng của dân tộc. Biển Đông mang lại lợi ích to lớn như thế nhưng hiện nay con người lại đang rút mòn sự sống của nó bởi chất thải, những nguồn chất thải độc hại được xả thẳng xuống biển khiến cho nước biển ngày càng bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh cảnh và hệ sinh thái biển.


    Rồi chưa dừng lại ở đó, vì lòng tham vô đáy của con người mà dẫn đến nhiều xung đột để thu lợi ích về tay mình. Cụ thể là dạo gần đây nước láng giềng Trung Quốc đã không từ bỏ thủ đoạn để công kích, quấy phá hoạt động của chúng ta ở Biển Đông nhằm đạt được mục đích xấu xa của chúng. Đúng vậy, lòng tham của con người là không đáy, khi đã có được thứ này con người ta lại càng muốn nhiều hơn nữa và điều này hoàn toàn đúng với Trung Quốc. Là một nước phát triển và được mệnh danh là nước đông dân nhất thế giới thế nhưng Trung Quốc lại ỷ người đông thế mạnh đem vũ lực và sự hùng mạnh về kinh tế, chính trị để gây phá nước láng giềng. Chúng đã thành công trong việc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của chúng ta nhưng vẫn chưa đủ, vì vậy, những con người tham lam ấy lại tiếp tục giở thủ đoạn nhằm chiếm đoạt nốt quần đảo Trường Sa. Vấn đề vẫn chưa dừng lại ở đó mà còn trở nên gay cấn hơn bao giờ hết khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan rồi có hàng loạt các hành động gây hấn ở vùng biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam để đẩy nước ta vào cuộc chiến tranh tàn khốc. Chính phủ Trung Quốc đưa nhiều tàu quân sự, tàu chiến vào vùng biển Việt Nam để kích động gây chiến tranh, gây áp lực bằng quân sự chưa đủ chúng còn chống phá ngư dân Việt Nam không cho họ khai thác thủy, hải sản. Quân địch gây sự trên ngay chính vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta. Chúng giở thủ đoạn kích động người dân Việt Nam, yêu cầu chính quyền ta có biện pháp chống trả thế nhưng với tài quân sự và bộ óc chiến lược của mình chúng ta đã xử lý đúng đắn khiến cho Trung Quốc thất vọng vì không đạt được mục đích của mình. Lòng tham của Trung Quốc không bao giờ ngừng lại và chúng vẫn giữ suy nghĩ xâm chiếm Biển Đông bằng mọi cách.


    Các vấn đề liên quan đến chủ quyền Biển Đông vẫn tiếp diễn và dường như chưa có hồi kết, nhưng chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác và tỉnh táo tránh để kẻ thù đạt được mục đích. Như đã biết từ xưa đến giờ Trung Quốc luôn có ý định lăm le xâm lược nước ta, chún có âm mưu chiếm đoạt, đồng hóa nhân dân ta nhưng không thành. Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, người dân Việt Nam luôn phải đấu tranh để giành lại độc lập tự do vốn có của mình và những nỗ lực ấy đã được đáp lại bằng hòa bình dân tộc. Nhưng khi đã giành được độc lập tự do, chúng ta vẫn phải tỉnh táo và đề cao cảnh giác với "Người hàng xóm tham lam". Trung Quốc có nhiều âm mưu, thủ đoạn nhằm chống phá kinh tế của nước ta, chúng khiến những người dân hạn hẹp về kiến thức bị mất trắng, thua lỗ trong chăn nuôi hay trồng trọt bằng cách đẩy mạnh giá sản phẩm lên rồi khi người dân đổ xô vào mặt hàng đấy thì lập tức không thu mua khiến người dân mất trắng. Bởi vậy việc giáo dục kiến thức cho người dân là rất quan trọng, giúp họ tránh được những "cú lừa" của kẻ thù. Biển Đông mang lại giá trị quan trọng cho quốc gia vậy nên mỗi người cần có ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, tích cực, hăng say học tập và rèn luyện để có đủ hiểu biết trước những âm mưu kẻ thù. Chăm chỉ rèn luyện sức khỏe để sẵn sàng bảo vệ tổ quốc khi vấn đề tranh chấp biển đảo nổ ra. Tích cực sống lành mạnh, bảo vệ môi trường biển đảo, phát triển hệ sinh thái biển cũng là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta.


    Thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta những giá trị to lớn, rừng vàng, biển bạc là những giá trị to lớn mà chúng ta cần phải gìn giữ và phát triển. Ngoài bảo vệ biển, chúng ta cũng cần bảo vệ nguồn tài nguyên rừng quý giá, đó là lá phổi xanh của trái đất giúp chúng ta có bầu không khí trong lành và khỏe mạnh. Trong thời đại mới, trách nhiệm của mỗi người là rất quan trọng vì vậy hãy học tập để trở thành người hiểu biết, có tri thức góp phần xây dựng nước nhà. Là một học sinh, em tự nhận thấy trách nhiệm của mình là phải không ngừng học tập để nâng cao hiểu biết, có cơ hội hòa nhập để quảng bá vẻ đẹp của đất nước, giao lưu kết bạn với bạn bè năm châu để mở rộng kiến thức phục vụ nước nhà.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260 km từ Bắc xuống Nam, theo tỷ lệ khoảng 100 km2 đất liền/l km bờ biển (mức trung bình trên thế giới là 600 km2 đất liền/1 km bờ biển) và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ; trong đó, có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong 63 tỉnh, thành phố của nước ta, có 28 tỉnh, thành phố giáp biển. Biển Đông không những cung cấp nguồn thức ăn cho cư dân ven bờ từ hàng nghìn năm, mà còn là cửa ngõ để Việt Nam phát triển các ngành kinh tế có quan hệ trực tiếp với các miền của đất nước, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hóa.


    Xét về khía cạnh kinh tế, Biển Đông đã tạo điều kiện để Việt Nam phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch ... Điều kiện tự nhiên của bờ biển Việt Nam đã tạo ra tiềm năng vô cùng to lớn cho ngành giao thông hàng hải Việt Nam. Dọc bờ biển Việt Nam có mười điểm có thể xây dựng cảng biển nước sâu và nhiều điểm cảng trung bình với tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển có thể đạt 50 triệu tấn/năm.


    Biển Đông cung cấp nguồn lợi hải sản rất quan trọng, theo các điều tra về nguồn lợi hải sản, tính đa dạng sinh học trong vùng biển nước ta đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú; trong đó, có 6.000 loài động vật đáy, 2.400 loài cá (trong đó có 130 loài cá kinh tế), 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 225 loài tôm biển ... Trữ lượng cá biển ước tính khoảng 3,1 - 4,1 triệu tấn, khả năng khai thác là 1,4 - 1,6 triệu tấn. Nguồn lợi hải sản phong phú đã góp phần đưa ngành thủy sản thành một trong những ngành kinh tế chủ đạo với giá trị xuất khẩu đứng thứ ba cả nước.


    Dầu khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa nước ta có tầm chiến lược quan trọng. Đến nay, chúng ta đã xác định được nhiều bể trầm tích như các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn ... được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất và khai thác thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất của toàn thềm lục địa Việt Nam xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác 4 - 5 tỷ tấn. Trữ lượng khí dự báo khoảng 1.000 tỷ m3.


    Đặc biệt, dải ven biển còn là “bàn đạp” tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động ở những vùng biển xa bờ, thông qua các trung tâm kinh tế trên các hải đảo. Chính nơi này là chỗ trú ngụ tự nhiên, nơi sinh sản và ươm nuôi ấu trùng của nhiêu loài thủy sinh vật không chỉ ở ngay trong vùng, mà còn từ ngoài khơi vào theo mùa. Các hệ sinh thái như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn...đều tập trung tại đây, cung cấp tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học biển và nguồn giống hải sản tự nhiên cho nghề khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản. Chúng có tính liên kết sinh thái tự nhiên mật thiết với nhau, tạo ra những "dây xích sinh thái" quan trọng đối với toàn vùng biển tạo thành vùng có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 1.130.000 ha, trong những năm qua đã đóng góp gần 60% tổng sản lượng thủy sản toàn quốc, góp phần đáp ứng gần 40% protein cho người dân.


    Ngoài ra, Việt Nam sở hữu chiều dài đường bờ biển hơn 3.260 km, có nhiều bãi biển cát trắng, hang động, vũng vịnh nổi tiếng và 2.773 hòn đảo ven bờ cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với sự phân dị về khí hậu và cấu trúc địa mạo đường bờ, sự đa dạng và phong phú của các các làng nghề..., Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển trong khu vực và trên thế giới. Đây là một trong những lợi thế chủ yếu của du lịch Việt Nam trong phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói - đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế hiện nay.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy