Bài văn nghị luận về biển Đông số 3
“Rừng vàng biển bạc” có lẽ là từ thích hợp nhất khi viết về tài nguyên của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Nằm trong vị trí chiến lược quân sự trong vùng Đông Nam Á với diện tích rộng khoảng 331,686 km2, chủ quyền thiêng liêng được hợp thành từ vùng trời , vùng đất và vùng biển. Có thể nói rằng việc giữ gìn chủ quyền dân tộc mà đặc biệt là vùng biển Đông luôn là nhiệm vụ thiết yếu của thế hệ trẻ nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Với vùng biển rộng lớn dài 3260km trải dài từ Bắc chí Nam, bao quanh biển là hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau trong đó có 2 quần đảo chính là Hoàng Sa và Trường sa diện tích khoảng 1 triệu km. Biển Đông mang lại nguồn hải sản phong phú 4 mùa, tập trung các loại hải sản bổ dưỡng giàu giá trị kinh tế cao như mực,tôm, hải sâm, bào ngư… Không chỉ có thế xung quanh bờ biển và sâu thẳm trong lòng thềm lục địa là các loại khoáng sản vô cùng quý hiếm như titan, cát trắng, dầu khí mang lại tiềm lực kinh tế cao cho nước ta về mặt khoáng sản.
Du lịch biển cũng là một trong những thế mạnh của nước ta với những bãi tắm đẹp thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi năm. Dọc bờ biển là sự bồi đắp của các cửa sông, có thể xây dựng các cảng biển lớn phát triển giao thông vận tải biển.
Biển Đông đóng vai trò quan trọng việc phát triển các ngành của nước ta hiện nay như về kinh tế , xã hội và an ninh quốc phòng. Đem lại việc làm và thu nhập cho hàng nghìn ngư dân. Biển đảo nước ta là tiền đề tiền tiêu bảo vệ đất liền, hệ thống để nước ta tiến sâu vào biển và đại dương, khai thác tốt các nguồn lợi về thủy hải sản. Biển Đông cơ sở để khẳng định chủ quyền về biển và thềm lục địa của nước ta.
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phát triển kinh tế xã hội tương lai đất nước, biển Đông còn là nhân chứng của 1 quá trình lịch sử lâu đời của cha ông đã kiên cường bảo vệ hết mình trong các cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, là nền văn hóa xứ sở. Tạo lập không gian sinh tồn, hình thành nền văn hóa biển, gắn kết mối quan hệ ngoại giao với các nước thông qua con đường giao thương trên biển. Biển Đông với hệ sinh thái vô cùng phong phú, là niềm tự hào kì thú đối với bạn bè năm châu quốc tế.
Thế nhưng hiện nay tình hình biển Đông đang dần có xu hướng trở nên phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho nước ta vì biển Đông rộng lại chung với nhiều nước đặc biệt các nước lớn giáp danh nên rất khó để chúng ta khai thác biển Đông 1 cách hiệu quả nhất. Khai thác phải đi đôi với bảo vệ, hòa hảo với tình hữu nghị giữa các nước quả thực là 1 vấn đề khó trong việc phát triển kinh tế biển.
Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng về vấn đề về ô nhiễm môi trường. Theo số liệu thống kê hiện nay có hàng năm có tới 70% các chất thải đổ ra môi trường biển, hầu hết có nguồn gốc từ các nhà máy xí nghiệp nơi đất liền. Các chất thải dường như chưa được qua xử lí, được xả trực tiếp ở các kênh rạch sông ngòi rồi ngầm đổ trực tiếp ra biển. Vụ việc các công ty công nghiệp không xử lí nước thải đã thải trực tiếp ra biển gây nên sự tổn hại nghiêm trọng đến vùng biển của Việt Nam với hàng nghìn tấn cá biển chết hàng năm, ô nhiễm nặng nề tầng đáy biển. Hàng trăm nghìn hộ dân sống bằng nghề bám biển rơi vào tình trạng lao đao, thiệt hại kinh tế hàng trăm tỉ đồng, liên tiếp các tỉnh miền trung giáp biển chịu thiệt hại vì sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường biển của các công ty này.
Ngoài ra còn có một bộ phận ý thức kém của một số khách du lịch biển xả rác bừa bãi, tiện tay vứt những túi nilong, chai nhựa khi đi tắm biển, tham quan, họ vô tư không coi trọng hệ sinh thái biển. Làm mất mĩ quan của khu vực rất nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến người khác và môi trường biển của các tỉnh.
Là thế hệ trẻ tương lai của đất nước, còn đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta phải không ngừng học tập nghiên cứu về chủ quyền biển đảo, giá trị lịch sử của biển Đông mà ông cha ta đã phải đổ máu hi sinh để bảo vệ. Học tập thật tốt, chủ động tìm hiểu về các vấn đề về lịch sử, địa lý liên quan trực tiếp đến vấn đề biển đảo, đặc biệt về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nhà trường nên tổ chức cho các học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi tìm hiểu về biển đảo để từ đó giáo dục thêm về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Nắm rõ các chính sách nhất quán của Đảng và nhà nước về ngoại giao , pháp luật ở biển Đông, khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Lên án và đấu tranh phù hợp với các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo, liên tục cập nhật tình hình khu vực trong và ngoài nước về xu hướng phát triển kinh tế biển.
Rèn luyện tu dưỡng đạo đức, có lý tưởng yêu nước rõ ràng, phát triển sự đoàn kết tạo thành sức mạnh lớn bảo vệ biển Đông, tham gia tích cực các phong trào Đoàn và các cuộc thi liên quan về biển đảo Việt Nam. Sẵn sàng tinh thần nhận và hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ chủ quyền ở biển Đông. Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đất nước giàu mạnh và bảo vệ tổ quốc.
Có ý thức giữ gìn môi trường đặc biệt là môi trường biển không xả rác bừa bãi ở những nơi công cộng nhất là ở các khu du lịch, bãi tắm.
Có thái độ thận trọng, cảnh giác với những lời lẽ xuyên tạc về chủ quyền biển đảo, không tham gia các cuộc biểu tình chống phá Đảng và nhà nước, có lời lẽ thận trọng khi tham gia các diễn đàn và bình luận trên internet về các vấn đề về an ninh biển đảo khu vực.
Biển Đông là một phần máu thịt không thể tách rời của chủ quyền đất nước Việt Nam thân yêu, chính vì thế mà mỗi cá nhân hay tập thể dù có đi đâu hay làm gì đi chăng nữa hãy luôn nhớ và không ngừng chung tay góp sức để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Chủ quyền ấy đã được gây dựng từ ngàn năm, là thế hệ trẻ chúng ta phải biết tiếp nối và phát triển hơn nữa truyền thống anh hùng bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc. Giống như bài thơ : “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã khẳng định.
“ Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.