Top 8 Tản văn viết về tháng 11 hay nhất

Phương Kem 1523 0 Báo lỗi

Tháng 11 ùa về, cái lạnh dạn dĩ khiến tâm trạng mỗi người không khỏi xao xuyến, bâng khuâng. Để chào đón tháng cuối thu với những hoài niệm, yêu thương chưa ... xem thêm...

  1. Chào tháng 11! Tháng 11, đủng đỉnh hiền hòa, nhưng đi đến đâu đều dễ dàng nhận ra đến đó! Cái đặc trưng của Tháng 11 không phải bởi hai chữ số giống hệt nhau được sắp đứng cạnh bên nhau, mà là từ sự chuyển động của không gian, vạn vật, chuyển động cả những tâm tư trong mỗi người.


    Tháng gọi Đông về, phủ hanh gầy trên phố, phủ sương đêm lay lắt trên lá cành mỗi sớm tinh mơ, phủ ướt tiếng rao những thức quà buổi sáng. Tháng này cái lạnh như dạn dĩ hơn, len lỏi vào tận ngõ ngách, vào từng ô cửa sổ, chồm mình quấn quýt mỗi khi ai đó tay đan tay trên phố. Chẳng thế mà những ngày Đông lạnh, người ta vẫn cần tìm tay níu tay, cho cái cảm giác ấm ngập trong tim, xua đi cái lạnh giá bên ngoài.


    Tháng 11! Tháng của những khoảnh khắc cuối thu đang dần trôi theo dòng người vội vã. Tháng của những hoài niệm dấu yêu còn đọng lại trên đôi mắt người thương.


    Tháng của những cơn gió rét đầu đông xuất hiện trong những buổi sớm mai đầy sương mù giăng tỏa. Tháng của những ký ức mỏng manh mùa lá vàng còn lưu giữ, thi thoảng ùa về làm cho những mảnh tình nửa vời bất chợt thấy bâng khuâng.


    Tháng của những buổi chiều tà trầm mặc trôi nhanh mang theo những cơn gió nhẹ êm như gót ngà người thiếu nữ. Ngày chưa kịp trôi qua mà đêm đã vội tìm về…


    Tháng 11! Thi thoảng thấy đâu đó, dưới gốc bàng vàng những lá, có tiếng cười đùa của lũ học sinh, làm gợi nhớ đến một thuở học trò, với những kỷ niệm bên bạn bè, thầy cô, bên ngôi trường xưa yêu dấu…20/11 là ngày tôn vinh truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy, cô – những người đã có công truyền đạt cho ta kiến thức, giúp chúng ta có được một nền tảng vững chắc, làm hành trang để chuẩn bị tiến bước vào đời.


    Tháng 11, vẫn âm thầm lặng lẽ, như gợi nhắc công ơn của những người lái đò bên sông tận tụy, hay như người ươm mầm xanh cho cuộc sống. Nhắc nhở em về ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam, cánh hồng em mang với những thành công nho nhỏ, dâng lên Thầy Cô với tất cả lòng thành…


    Còn lắm những điều mới lạ đang chờ ta phía trước! Yêu lắm tháng 11 ơi !


    Em về rồi! Tháng 11 chiều nay
    Theo gợn gió nắm bàn tay trở lạnh
    Những vàng thu cũng ngơ ngác trên cành
    Vài giọt nắng chẳng làm hanh mùa nữa


    Tháng 11… Hoa sữa rơi những nụ hoa cuối cùng, níu kéo cả một mùa sắp qua. Nhưng lập đông rồi, hoa sữa vẫn thơm kì lạ. Hương thơm khao khát, cháy bỏng của một mùa hoa xin cháy hết mình, để rồi sẽ lặng lẽ nhường chỗ cho gió đông. Và hoa sữa ấy, như những kẻ vẫn đang sống trọn từng ngày lãng du với cuộc sống này. Đi cho đến tận cùng con đường bằng sự sống thật…


    Tháng 11… Gió cứ gió… Gió vùi mình vào đêm sâu thẳm với một niềm lạnh lẽo ngập đầy nhưng lại bừng tỉnh trong những ban mai thật ngọt ngào. Và em, trong nỗi cô đơn quay quắt của lòng mình, chỉ muốn vùi mình vào cơn gió kia, để gió mang đi. Để gió không còn phải đơn côi đi hết cái ngõ vắng của mình…

    Tháng Mười Một mang màu gì anh ơi?
    Em không còn thấy mình chơi vơi nữa.
    Không thấy mình chênh vênh như hôm bữa
    Tự hỏi lòng: – Liệu có thể tin anh?


    Này những cô cậu học trò chỉ mong mình như bé lại, cuộn tròn người trong chăn, ngó ra ngoài, biếng nhác nhìn qua ô cửa sổ rồi muốn thời gian như ngừng lại để được ngủ nướng thêm một chút.


    Tháng 11 là tháng chuyển giao trước khi bắt đầu một kết thúc để bắt nhịp vòng quay mới. Vậy nên là một tháng đệm, gieo hy vọng, gặt hái thành công.


    Tháng 11 về mang theo hơi lạnh, để người với người sưởi ấm cho nhau. Ta đón đưa nhau, kiếm tìm nhau trong những buổi chiều ngược gió.


    Tháng 11 à, chào em, đã sẵn sàng rồi những ngày Đông rất ấm!


    Sưu tầm

    Tản mạn về tháng 11
    Tản mạn về tháng 11
    Tản mạn về tháng 11
    Tản mạn về tháng 11

  2. Tôi nhấp chuột đóng lại bài văn viết dở dang...cảm xúc nhạt nhòa khiến tôi không còn hưng phấn viết tiếp. Ngước mắt ngó ra ngoài khung cửa sổ, thoáng giật mình khi nhìn cây bàng nhà hàng xóm sát nơi cửa sổ, lá đã ngả vàng. Liếc nhanh xuống góc phải màn hình, tôi sửng sốt! Ôi tháng 11 đã về!


    Đây quả thật là những khoảnh khắc cuối của mùa thu với những chiếc lá bàng rơi đầy bên ô cửa sổ trước sân nhà. Sáng nghe đài báo đợt gió mùa đông bắc đầu tiên đã đổ bộ vào miền Bắc. Làn gió lạnh đầu tiên cuốn theo trận mưa rào lúc 3 giờ chiều, khiến bà con nông dân khi đó đang gặt lúa trên đồng được một phen cuống cuồng vội vã, tiếng người lớn giục nhau, hối hả chạy lúa về nhà. Nhịp sống nơi đồng quê bỗng sôi động, huyên náo hẳn lên. Tiếng người lớn gọi nhau í ới, tiếng máy gặt rền vang ồn ã. Đồng làng một phen náo loạn, mấy chàng thanh niên chạy lúa cuống cuồng, miệng thở hổn hển dùng ống tay áo quyệt ngang, lau làn nước mưa ướt sũng trên cằm, trên má, mặt đỏ gay vì mệt. Chỉ thoáng sau cánh đồng làng đã trở lại yên ắng. Đợt gió lạnh đầu mùa mang theo trận mưa rào chỉ kéo dài chừng nửa tiếng. Ấy vậy mà nó đã làm náo động cả làng quê... Ngồi bên cửa sổ nhìn trời mưa lòng tôi chợt bâng khuâng bao hoài niệm xưa cũ về những ngày đã xa.


    Tháng 11 đã lại về, tháng của những buổi sớm mai có những dải sương mù mỏng tang giăng ngang sườn núi, lãng đãng trên cao những áng mây trắng cuối mùa lười biếng buông mình mặc cho gió heo may thả sức đẩy trôi. Tháng 11 về mang theo trong tôi bao nỗi nhớ... nhớ những buổi chiều tà trầm lắng trôi qua với những cơn gió mùa se lạnh cuốn theo bước chân của các cô thôn nữ đang rảo bước trên đồng, gánh lúa nặng oằn vai, tiếng bước chân thậm thịch xen lẫn tiếng quang gánh kẽo kẹt lướt trên đường trở về nhà dưới ánh hoàng hôn vàng bảng lảng...


    Tháng 11, tháng của ngày chưa kịp trôi qua mà đêm đã vội tìm về, ngày ngắn, đêm dài... ánh đèn đường vàng vọt lấp lóa dưới những tán cây dọc con đường phố nhỏ quê tôi, dòng người xe hối hả ngược xuôi ai cũng mong nhanh chóng về nhà để cùng người thân quây quần bên mâm cơm ấm cúng, và kể cho nhau nghe những câu chuyện sau một ngày bề bộn, lo toan, vất vả mưu sinh...Tháng 11, tháng của thời khắc giao mùa, khiến ai đó với tâm hồn nhạy cảm dễ thấy thoáng chút bâng khuâng, xao xuyến, ngập ngừng giống như những người yêu nhau trước giờ từ biệt, nửa như nuối tiếc trù trừ muốn ở lại, nửa như ngại ngùng vội vã muốn bước đi. Tháng 11 là tháng của những nỗi buồn man mác và những nỗi nhớ vu vơ của bao chàng trai, cô gái tuổi đang yêu...


    Tháng 11, nhắc ta nhớ về màu đỏ của những chiếc lá vàng rụng rơi, lã chã trên khoảng sân trường, những chiếc lá vàng mang theo màu thời gian gợi nhớ những kỉ niệm của một thời bên thầy cô, bạn bè, nơi ngôi trường yêu dấu ngày xưa... nhớ những buổi sớm mai mẹ dặn nhớ đừng quên mặc thêm áo ấm đến trường và cả những buổi lũ học trò ồn ào kéo đến thăm các thầy cô trong ngày lễ lớn 20/11 với những món quà nho nhỏ mà thật đầm ấm, đầy ắp yêu thương, tình nghĩa thầy trò. Ôi! Đã bao mùa cây bàng nơi sân trường thay lá là bấy nhiêu mùa ta cùng bạn bè quấn quýt bên thầy cô. Tháng năm in hằn trên thân bàng, lồi lõm vết thời gian cho những lứa học trò từ đó lớn lên và dã từ ngôi trường làng nhỏ bé để tìm đến những bến bờ xa.


    Mặc dù vậy trong sâu thẳm tâm trí mỗi học trò ngày ấy vẫn vang lên những lời ca da diết để nhớ về sắc lá bàng xao xác cuối mùa thu. Một sớm mai khi ta giật mình tỉnh giấc, thoáng thấy làn hơi lạnh náu mình ngoài khung cửa sổ lặng lẽ lách mình ùa qua tấm rèm mỏng vào trong căn phòng, thoáng chút rùng mình. Bầu không khí se lạnh buổi sớm ấy làm cho ta cứ nấn ná chẳng muốn rời khỏi tấm chăn mỏng bước ra ngoài. Đắm chìm trong cái cảm giác bâng khuâng ấy, bao nỗi nhớ thương, tưởng đã nhạt nhòa bỗng ùa về, hiển hiện trong ta. Ôi bạn bè bao mùa qua trôi dạt khắp bốn phương trời, suốt Bắc vào Nam liệu có nhớ mùa này về hội lớp?


    Đào tạo con người đúng nghĩa là công trình bền bỉ, đời người đâu kể là bao?! Số phận đã đưa tôi đến với nghề dạy học. Cái nghề mà mọi người thường ví là "người chèo đò" đưa khách sang sông.. Suốt 37 năm miệt mài với nghề. Cảm xúc vui buồn lẫn lộn mỗi dịp tháng 11 về. Hôm nay, tôi – Người lái đò đã già vẫn còn đứng đây, mãi dõi theo bóng những người khách qua sông, mong họ vững bước trên hành trình đến những chân trời cao rộng. Sẽ có một ngày sức tàn lực kiệt, có thể do bệnh tận, hay sức khỏe không thể đảm đương nổi những nhịp chèo, thì người lái đò như tôi vẫn sẽ mãi vui khi biết rằng những khách sang sông của mình đã vững bước trên hành trình của đời mình.


    Và trong tôi vẫn nhớ dịp này để về lại chốn cũ trường xưa, mong mỏi tìm lại bạn bè thầy cô, học trò, tri ân với mái trường cũng chính là ta tri ân với cuộc đời tươi đẹp đã cho ta được sống, được yêu, được gặp gỡ thầy cô, bạn bè suốt những tháng ngày thơ bé đó. Một quãng đời đầy yêu thương vô tư, trong sáng. Ôi tháng 11 tháng của tình thầy, nghĩa bạn, tháng giao mùa để ta nhớ về nhau! Và khi trưởng thành, những mái trường tôi đã gắn bó, đã đi qua luôn để lại trong tôi những dấu ấn không phai mờ! Chúc những thầy cô luôn vững vàng trước những thách thức của cuộc sống làm tốt trọng trách của mình.


    Phố Đu, chiều cuối thu mưa rơi.


    Bùi Nhật Lai

    Tản mạn tháng nhớ thương
    Tản mạn tháng nhớ thương
    Tản mạn tháng nhớ thương
    Tản mạn tháng nhớ thương
  3. Khi những cơn heo may đã lắng dịu, thôi không còn lả lướt, phả cái hanh hao dằng dặc suốt mùa vàng, cũng là khi ta chào tiễn biệt những ngày gió nhẹ, nắng ấm của mùa thu xanh trong. Ngoài kia, mùa đông đang đến thật gần, ta cảm nhận thật rõ cái lạnh đang mơn trớn lên da, lên tóc ngày tháng mười một bồi hồi chạm ngõ.

    Từng con đường, góc phố dường như trầm tĩnh hơn so với cái rộn ràng từng thấy. Quán cóc bên đường không ai hẹn ai lại mọc lên dọc vỉa hè với cơ man là ngô nướng, khoai nướng. Mùi thơm của thứ quà quê dân dã của các bà, các cô cứ thế dìu dặt và cám dỗ những người lại qua trong tiết lạnh đầu mùa.


    Bầu trời như thấp hơn, những đám mây xanh trong nhường chỗ cho không gian ảm đạm, đượm chút buồn và những cơn mưa rả rích, lê thê kéo về mỗi chiều mỗi tối. Khoảnh khắc giao mùa mang đến nhiều dư vị lạ, để khi chạm khẽ mùa đông, ta không khỏi chạnh lòng, suy tư về thời gian, về phận người và lắng lòng chiêm nghiệm bao thanh âm cuộc sống.


    Tháng mười một hiện lên trên đuôi mắt mẹ những lo âu về một mùa đông phương Bắc rét đài rét đậm sắp tới. Nỗi lo về những vất vả quang gánh chợ xa những ngày ế khách, về tai ương mùa mưa bão sau những đợt áp thấp đổ dồn vào mảnh đất vốn chịu nhiều thiên tai, cơ cực. Ba cũng chộn rộn, thắc thỏm không nguôi và ngày ngày nhắc nhở những đứa con ở xa phải mặc áo ấm, choàng khăn ấm khi đi làm, đi học.


    Tháng mười một, những cặp tình nhân tình tứ hơn khi khoác tay nhau xuống phố, ai cũng thèm được nhận hơi ấm của người yêu. Bất chợt môt cái ôm nhẹ, một cái tựa đầu rất đỗi thân thương như muốn được chở che, nâng niu trìu mến. Khi cái lạnh đầu mùa gõ cửa, cũng là lúc những cuộn len nằm im trong góc tủ được các cô gái lựa chọn và ngồi suốt đêm để đan tặng người yêu cái khăn quàng và gửi vào đó xiết bao đượm nồng, ấp áp. Buổi sáng, hẹn hò nhau ở một góc quán yên tĩnh, cùng nhau nhâm nhi tách cà phê nóng, nghe nhạc Trịnh, để thấy gần nhau hơn và lắng dịu những ân cần, để thấy bao dung hơn trước những tị hiềm cuộc sống ngoài kia. Buổi tối, dắt nhau về qua hàng ngô nướng, vừa ăn vừa trò chuyện với các bà, các cô hàng xén. Dõi mắt ngắm phố xá thênh thang và thổn thức nghe tiếng lòng mình lắng lại, thấy thương cảm những mảnh đời vẫn ngược xuôi đêm muộn mưu sinh. Chị bán vé số chào mua hối hả, bác xe ôm tần ngần đợi khách, anh lao công cần mẫn với công việc cuối ngày… Bức họa mùa đông được phác thảo đầy đặn với bao cung bậc cảm xúc, cứ thế luân hồi không thôi giữa bập bùng ánh đèn vàng leo lét.


    Tháng mười một, kí ức đưa ta trở về với một thời cắp sách đến trường, nhắc nhớ ta về một ngày lễ lớn, ngày lễ của những người đưa đò thầm lặng đã giúp ta khôn lớn, trưởng thành. Ta rưng rưng xúc động ngước nhìn những băng rôn, biểu ngữ “Nhất tự vi sư - bán tự vi sư” ,“Nhiệt liệt chào mừng ngày Hiến chương các nhà giáo”… đồng loạt được treo lên trang trọng khắp các trường học, đường phố. Trước những xô bồ cuộc sống hôm nay, có đôi lúc ta vô tâm quên đi những việc làm đơn giản hàng ngày như gọi điện, viết thư hỏi thăm thầy cô giáo cũ.


    Và hôm nay đây, cảm ơn tháng 11 với bao dư cảm ấm áp, nồng nàn, để hơn bao giờ hết, ta trân quý và thành kính hướng về ngày lễ tri ân thầy cô với lòng biết ơn vô hạn. Xin cảm ơn bằng cả tấm chân tình tình cảm, nhiệt huyết và bài học làm người mà thầy cô đã miệt mài ban tặng cho bao thế hệ học trò hôm qua, hôm nay và ngày mai…


    NGÔ THẾ LÂM

    Chạm vào tháng mười một...
    Chạm vào tháng mười một...
    Chạm vào tháng mười một...
    Chạm vào tháng mười một...
  4. Năm tháng cứ thế vội qua đi, con người và cuộc sống cũng đổi khác đi nhiều, chỉ có kỷ niệm là vẫn còn vẹn nguyên như thế. Miên man từng dòng ký ức cứ đầy dần lên theo năm tháng, để rồi bất chợt những ngày đầu tháng 11 khẽ gọi ta về ào ạt cùng những nhớ thương một mùa xưa cũ. Đó là những hoài niệm nho nhỏ mà đầy lưu luyến, khát khao.


    Có rất nhiều người bảo rằng những ngày đầu của tháng 11 được ví như bản tình ca lãng mạn, ngọt ngào thiết tha và sâu lắng. Vì sao thế nhỉ? Phải chăng đó là lúc gió đông về, những buổi sớm mai sương giăng tỏa lối. Những cơn gió se se lạnh cũng đủ làm run rẩy những cành lá xanh non mơn mởn sau vườn, làm cho mấy chú mèo tam thể kia cuộn tròn nằm lười trong chiếc ổ của mình không muốn dậy. Gió lạnh nhẹ nhàng khẽ khàng đánh thức cả một miền ký ức tuổi thơ thuở nào về những mùa đông còn bên mẹ. Bất chợt gọi về “mẹ ơi con nhớ nhà”.


    Tháng 11 về, tôi và thành phố biển gắn bó đã ngót nghét 10 năm. Khi đặt chân đến thành phố này cũng là những ngày đầu của tháng 11. Nơi đây chất chứa thật nhiều điều dịu ngọt về tình người bao dung. Tôi thích thú biết bao những quán hàng lung linh, những tiếng rao gần xa và yêu cả nụ cười tươi duyên dáng của những cô bán hàng rong vỉa hè. Tôi đã từng đọc một cuốn sách nói rằng tháng 11 là tháng của nỗi nhớ, là mùa của những yêu thương. Ừ, đúng nhỉ! Cái lạnh len lỏi của tháng 11 như muốn làm cho con người ta khao khát được ở gần nhau hơn, muốn được sưởi ấm sẻ chia cho nhau.


    Nhớ thời áo trắng đến trường cùng những kỷ niệm ngọt ngào với bạn bè, thầy cô, trường lớp. Chính những tháng ngày của tháng 11 lòng sẽ mở toang cánh cửa ký ức để thêm trân quý công ơn của thầy cô đã dạy ta nên người. Để nhắc nhớ ta về một ngày lễ của những người đưa đò thầm lặng. Thuở ấy, đầu tháng 11 thầy giáo chủ nhiệm lớp tôi sẽ phổ biến nhiều nội dung liên quan chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Lớp cũng sôi nổi hẳn lên khi bạn nào được gọi tên vào đội văn nghệ. Hồi ấy mà được đi múa đi hát là vui lắm... Nghĩ lại mà lòng xốn xang. Nhớ thật. Thầy cô đã truyền cho ta những điều hay lẽ phải, về lòng vị tha, về những điều trân quý “lao động là vinh quang”. Vậy mà lắm lúc trách bản thân rằng do cuốn theo những bon chen xô bồ của cuộc sống đã làm ta vô tâm quên đi những việc làm đơn giản hàng ngày như gọi điện, nhắn vài dòng tin rằng “Thưa thầy, thầy có khỏe không ạ”. Có vậy thôi mà sao ta ít làm được thế!


    Lòng muốn nói lời cảm ơn tới tháng 11 thật nhiều. Để hơn bao giờ hết, sẽ luôn trân quý và biết ơn khi hướng về ngày lễ tri ân 20/11.


    HẠNH DUYÊN

    Hoài niệm tháng năm xưa
    Hoài niệm tháng năm xưa
    Hoài niệm tháng năm xưa
    Hoài niệm tháng năm xưa
  5. Cứ mỗi lần tháng 11 ùa về, đến cái ngày mà cả một năm mới có một lần để nhắc học trò nhớ về thầy cô của mình, nhắc đến ngày Nhà Giáo Việt Nam thì mọi ký ức của thời học sinh lại ùa về. Nhớ những lời căn dặn, những cái vỗ vai, hay cả những lời răn đe nghiêm khắc của thầy cô khi học trò mắc phải lỗi.


    Thầy cô là người luôn dành tất cả mọi yêu thương cho đứa học trò của mình, kể cả những đứa học trò mà luôn làm mình phát bực la lớn lên và mời đi ra khỏi lớp. Thậm chí có thể là đình chỉ học môn đó một tuần cũng có.

    Thầy cô là người luôn phải chịu đựng bởi bao trò tai quá mà những đứa học trò gây ra, hay thường là những vị cứu tinh của những học sinh bị bắt nạt. Có thể nói thầy cô như là những thần tượng của học trò, hay là người cha, người mẹ thứ hai vậy.

    Thầy cô là người đã dạy con nét chữ đầu tiên để rồi sau này, khi con lớn hơn một chút, con mới hiểu sự ân cần của cô, khi cầm tay con uốn từng nét chữ không chỉ đơn thuần là dạy con biết viết, mà nết người của con cũng bắt đầu từ những nét chữ A,B,C. Là người mà phải thức cả đêm để viết lại và cảm nhận bài văn thầy phê “cảm nhận còn hời hợt” bằng tất cả tình cảm, vốn sống của mình. Tất cả những gì thầy cô làm là chỉ mong học sinh của mình sẽ tốt hơn, trưởng thành hơn.

    Nhớ ngày 20/11 năm xưa chắc ai cũng trải qua cái thời mà đòi mẹ phải mua quà để đi tặng thầy cô cho bằng được nhưng nỗi khổ là không dám đi một mình, lần nào cũng phải mẹ kè kè đi ,lúc đó nhỏ có biết nói gì đâu thấy bạn đi mình cũng đi cho bằng được. Quà 20/11 lúc xưa cũng chỉ là dầu gội, bột ngọt, sữa hay cuốn sổ và cái bút, nhà có điều kiện hơn thì xấp vải cho thầy cô may đồ để đi dạy. Lớn lên chút thì đã biết đường đi mua quà cho thầy cô, nhưng đến lúc tặng thì run cầm cập, gặp thầy cô ở trường suốt không sao cả nhưng mà gặp riêng thầy cô thì không dám đến. Nhớ lúc đi tặng quà thì vừa vào phòng, thấy thầy cô là tặng cho thầy cô rồi nói một câu ngắn gọn: "Mừng Cô (Thầy) 20 tháng 11" rồi chạy cái vèo ra ngoài, để thầy cô phải chạy ra gọi học trò quay trở lại ngồi chơi, nhưng cũng chỉ ngồi được 5 phút rồi "Cô (Thầy) cho em xin phép". Đến hôm sau vẫn còn không dám gặp thầy cô.

    Lớn lên rồi học cấp 3, ngày 20/11 được xem như là một ngày học nhẹ nhõm của học sinh thì phải - theo tôi nghĩ như thế. Vì ngày 20/11 thường thì thầy cô khuyến mãi không dò bài, học sinh cũng không phải thấp thỏm vì cái giờ dò bài như thường ngày. Đôi khi thì còn được nói chuyện phiếm và nghỉ học luôn môn đó, thường thì lớp trường đại diện lớp tặng hoa cho thầy cô rồi thôi, xong cái ngày 20/11.

    Nhưng cái ngày 20/11 không phải thầy cô vui vì được nhận hoa và quà của học trò thôi, thầy cô vui vì thấy rằng những đứa học trò của mình đã lớn khôn hơn, thầy cô khi thấy những thành quả của mình tốn bao công sức tâm huyết đạt được thành quả, đó là điều mà làm cho thầy cô tự hào nhất trong đời làm nhà giáo của mình.

    Không biết ngày 20/11 của bạn như thế nào nhưng của tôi là một ngày đầy cảm xúc, tuy đi làm xa không thể tới thăm thầy cô được, nhưng không khi nào thầy cô không nhớ tới tôi. Lúc tôi gọi điện thoại chưa kịp nói tên mình thì thầy cô đã nhận ra tôi trước ,tôi vui mừng và đôi khi là bật khóc, cho dù lúc đi học tôi có phá, có quậy nhất lớp thì thầy cô vẫn nhớ và cười phì nói: "Thằng học trò phá nhất lớp của cô nay làm ở đâu rồi, có khỏe không? Năm nay cho gọi điện thoại nhưng năm sau phải về nhà thăm cô đấy nhé!!!". Trải qua biết bao lứa học trò, bao nhiêu năm nhà giáo mà thầy cô vẫn nhớ học trò của mình chứng minh một điều là thầy cô luôn dành mọi tâm huyết cho những đứa học trò nhỏ bé, dù có hay nghiêm khắc với mình đi chăng nữa thì cũng dễ hiểu là thầy cô chỉ muốn điều tốt nhất cho mình mà thôi. Chắc điều đó ai cũng cảm nhận được như tôi, vì nếu không có những điều như thế thì bạn có thể thành công hay sống tốt hơn như hiện nay để còn ngồi đọc những dòng tốt viết đây.

    Lúc ngồi viết những dòng này thì nhớ lại những trò tai quái của mình đã mang đến cho thầy cô... Sao có thể làm những trò ấy nhỉ, nhưng mà thôi "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" mà, nhưng dù gì thì cũng mong ngày 20/11 sắp đến, hãy bỏ một chút thời gian nếu như được hãy đến thăm thầy cô, thầy cô sẽ không quên bạn đâu, nhưng nếu không được thì hãy dành cho một cuộc điện thoại chỉ năm, mười phút thôi. Đừng chỉ gửi một cái hình lên mạng Xã hội cho thầy cô và kèm theo dòng ngắn ngủn: "Mừng 20/11, chúc Thầy (Cô) có ngày lễ vui vẻ" là thôi.

    Xin cảm ơn những thầy cô đã dìu dắt con từ những ngày đầu tiên học lễ, hậu học văn. Những yêu thương, trân trọng và thành kính nhất là tất cả những gì con muốn những người cô thầy đã dạy dỗ con nên người. Chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để mãi mãi vun đắp cho sự nghiệp trồng người.


    Sưu tầm

    Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11
    Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11
    Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11
    Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11
  6. Kỉ niệm ngày hai mươi tháng mười một trời nắng. Cuối thu nhưng trời vẫn nắng, không khí dịu dần chuẩn bị đón mùa đông giá rét. Vì vậy nhớ về ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam tôi nhớ ngay màu của nắng hanh vàng và từ đó bao kỉ niệm hiện về. Kí ức về mái trường thân yêu, kí ức ngày còn nhỏ cắp sách tới trường làng, kí ức về tình cảm với thầy cô giáo.


    Tôi là học sinh trường làng, tiểu học, trung học cơ sở tôi đều học tại hai ngôi trường đóng trên địa bàn xã. Ý thức về ngày hai mươi tháng mười một chỉ thực sự rõ rệt khi tôi nhận thức được ý nghĩa của ngày kỉ niệm này.


    Năm đấy, tôi cùng lũ bạn đạp xe đến nhà cô giáo chủ nhiệm lớp năm. Chúng tôi đã là học sinh trung học cơ sở. Đứa nào cũng tự đi xe đạp được. Trước đấy, chúng tôi còn quá bé nên ít khi tự lực rủ nhau đến thăm cô giáo vào các ngày lễ tết. Nhà cô gần một ngã tư, trong con phố khuất của thị xã, dốc lên nhà cô khá cao. Lũ con nít chúng tôi có nhốn nháo, lớ ngớ lúc sang đường để tìm tới nhà cô giáo cũ. Con dốc cao ngay ngã tư đường phố nhắc tôi hình ảnh đứa bé gái học tiểu học đạp xe cùng chúng bạn đến thăm cô. Sau này, tôi và các bạn không có dịp gặp lại cô giáo chủ nhiệm hồi lớp năm. Nhưng tình cảm thực ấy giữ lại trong tôi tình cảm không thể phai mờ về những ngày tháng chập chững đi học.


    Quà mừng ngày Nhà giáo Việt Nam mà chúng tôi tặng thầy cô dạo đó là sổ ghi chép, khung ảnh nhựa bọc kính, hoa nhựa… Chúng tôi thích và khá háo hức tự tay mình chọn các món quà bày la liệt cửa hàng tạp hóa ngoài thị xã. Chúng tôi tự ghi lời chúc mừng, phân công bạn nào cầm quà trao tặng thầy/cô. Món quà hai mươi tháng mười một thăm thầy cô của chúng tôi nhỏ bé và đôi khi rất trẻ con như thế. Rồi, chúng tôi được người lớn, chủ yếu là cô chủ nhiệp lớp hướng dẫn để chi tiêu, mua bán hợp lý hơn. Bộ ấm chén là quà sang và quý ngày đấy. Tôi còn nhớ, những năm cuối 90, rộ lên hàng vải Thái Tuấn. Thầy cô vào dịp hai mươi tháng mười một đều được học sinh tặng vải Thái Tuấn. Vì ai cũng nghĩ đơn giản, tấm vải đẹp và quý. Kì thực, món quà xét về vật chất thì là lớn và nhiều thầy cô không chỉ có một mà nhiều mảnh vải Thái Tuấn, bởi số mảnh vải được tặng tiếp tục tăng lên qua các năm.


    Ở một vùng quê còn nghèo nàn, lạc hậu, chúng tôi chưa có khái niệm tặng hoa các thầy cô giáo dịp hai mươi tháng mười một. Nếu đứa nào nảy ra ý định đấy thì các thầy cô quản lớp sẽ gạt đi. Nhưng không phải vậy mà tụi con nít trường quê không mua hoa tặng thầy cô. Vẫn thấp thoáng những bông hoa đơn sơ được gói buộc gọn gàng rung rinh trong tiết trời cuối thu. Bông hoa được lũ học sinh mộc mạc tặng thầy cô. Hai mươi tháng mười một là ngày rất vui. Chúng tôi rồng rắn cả tập thể lớp đạp xe trên con đường quê nhiều sỏi đá đến nhà các thầy cô giáo.


    Kỉ niệm về ngày Nhà giáo Việt Nam dưới mái trường làng là vậy. Tôi đã đi xa nhiều năm. Trường làng không còn là những căn nhà mái ngói lụp xụp trên nền của ngôi đình đã cũ. Trường làng giờ khang trang, tươi tắn bởi hệ thống nhà cao tầng, cây xanh. Hai mươi tháng mười một, tôi nhớ về tình cảm của cá nhân mình, tình cảm của bao thế hệ học trò dưới mái trường mến yêu.


    Tống Kim Thanh

    Ngày hai mươi tháng mười một
    Ngày hai mươi tháng mười một
    Ngày hai mươi tháng mười một
    Ngày hai mươi tháng mười một
  7. Tháng mười một đã về trong sắc trắng của cúc họa mi dịu dàng trên phố. Họa mi xinh xắn, nhỏ nhắn, tinh khiết, nhưng lại rất đỗi hữu tình trên những gánh hàng hoa xuôi ngược của các cô, các chị, các bà. Lòng tôi bỗng rưng rưng nhớ tới những ngày tháng, khi còn là cô học trò trong trẻo, vô ưu tràn ngập tiếng cười. Tôi nhớ mãi ân tình mà tôi may mắn được đón nhận từ các Thầy Cô giáo thuở nào…


    Người đầu tiên “vỡ chữ” cho tôi chính là mẹ. Bà kiên nhẫn dạy con gái nhỏ từng nét bút, dạy bảng chữ cái, chữ số trước khi vào năm học đầu tiên. Sáng mùa thu phảng phất heo may, mẹ dắt tay tôi đến trường vào ngày khai giảng. Tôi run run nắm vạt áo mẹ chẳng muốn rời. Cô giáo tên là Lương mỉm cười trìu mến đón tôi xếp hàng vào lớp. Thế rồi từ đó, tôi được gặp biết bao thầy cô giáo qua từng cấp học.


    Năm học cuối cùng của tuổi học trò, thầy giáo chủ nhiệm đã viết trong cuốn lưu bút của tôi: “Thầy biết, em có dự định khác cho kỳ thi đại học nhưng hãy nghĩ về lời khuyên của thầy trong việc chọn trường nhé. Em có định theo đuổi đam mê với con chữ không? Con đường văn chương vốn không dễ dàng, nhưng thầy tin, em sẽ trưởng thành trong nghiệp viết”. Tôi vẫn đi theo con đường mình đã chọn và cũng có chút thành công nhất định. Nhưng thật kỳ lạ, sau nhiều năm bươn chải, lăn trôi trong vòng xoáy mưu sinh, vào đúng thời điểm bất ngờ nhất, nghề báo đã chọn tôi. Phải chăng, những lời lưu bút của thầy giáo năm nào như một sự báo trước về công việc của tôi.


    Tôi bước vào nghề báo khi tuổi không còn trẻ nên có đôi chút bỡ ngỡ. Đến giờ, tôi mãi nhớ sự hướng dẫn chân tình từ những người đồng nghiệp trong ngày tháng đó. Họ chính là “thầy” của tôi trong nghề báo.


    Người thầy văn chương của tôi là cố nhà văn Tuấn Vinh. Ông sinh ra và lớn tên tại Hà Nội. Có lẽ bởi vậy, nên ở ông có sự bặt thiệp, tinh tế của người Tràng An. Với những bài viết về Hà Nội của tôi, ông cẩn trọng trong từng con chữ khi duyệt bài viết trước khi đưa đăng báo. Mỗi lần ngồi vào bàn viết, tôi luôn nhớ đến lời khuyên của ông: “Cháu phải gắng giữ chất văn riêng có của mình nhé”.


    Nghề viết của tôi còn có những người thầy đặc biệt, đó là bạn đọc. Tôi luôn trân trọng và mãi nhớ lời nhận xét của các bạn đọc theo dõi bài viết của tôi từ những ngày đầu tiên. Có những bạn đọc cách xa nửa vòng trái đất, lệch múi giờ nhưng vẫn đọc thật chậm, nhận xét, tương tác mỗi khi tôi có bài đăng. Vâng, chính văn chương đã cho tôi có thêm nhiều người bạn mới đồng điệu về tâm hồn và những lời nhận xét của bạn đọc là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày.


    Cuộc đời luôn có những xoay chuyển bất ngờ. Khi gia đình tôi gặp biến cố, đã có thời điểm, tôi phải rất chật vật xoay sở để kiếm đủ mức chi tiêu tối thiểu. Cô giáo chủ nhiệm của con trai đã gọi tôi đến và đề nghị miễn tất cả các khoản đóng góp ngoài học phí. Tôi quá đỗi xúc động vì tấm chân tình của cô dành cho học trò.


    Cô giáo chia sẻ: “Cậu bé của chị rất có tố chất, em tin rằng, sau này bạn ấy sẽ khiến chị vui và tự hào đấy”. Quả đúng như vậy, chàng trai của tôi đã không phụ lòng tin của cô giáo và mẹ. Sau này, mỗi chặng đường thành công của con, chúng tôi đều nhắc tới cô giáo cũ năm nào.


    Tháng mười một, tháng của mùa đông chạm ngõ nhưng tình thầy trò vẫn mãi sưởi ấm tâm hồn chúng ta. Tình thầy trò thắp lên ngọn lửa ân tình trong trái tim mỗi người.


    Vy Anh

    Còn mãi ân tình
    Còn mãi ân tình
    Còn mãi ân tình
    Còn mãi ân tình
  8. Chắc đã là không của riêng ai, tháng mười một ghé qua với những con gió héo hon rụng giữa lòng em và Huế. Tôi đã hẹn bao mùa quỳ rợp lối về, nay đâu đó trên những con ngõ nơi tôi không biết dã quỳ đã nở hay chưa? Không biết có vàng tươi và nhớ chăng một lời hứa cũ? Mỗi độ tôi về, mùa thường hỏi em gái tôi đâu, tôi chỉ cười và trả lời rằng: “Người ấy bận!” – Quỳ ngả đầu về phía hoàng hôn…


    Sớm nay se lạnh, định khoác chiếc áo lang thang vài con ngõ quen để làm tô bún Huế thật cay và ngắm hòn trời ló dạng sau vài bóng nón, vậy mà không biết thế nào quanh đi quẩn lại rồi lười biếng ngồi nhâm nhi cốc chè xanh với vài bản tình ca xưa lắc, đôi tiếng ho khan, cũng tới lúc nghĩ cho sức khỏe của mình. Mồi thêm điếu thuốc, bên ly cà phê với những cơn gió u buồn, những màn sương chừng đang run rẩy, chà… lúc tối tôi vừa chúc một cô gái ngủ ngon!


    Cũng lâu rồi trong mớ tâm tư còn đọng lại và cũng đã lâu tự buổi hẹn đầu, nay trong tôi lại nhớ về một người nào khác. Thực tình chẳng muốn vậy đâu, có trách thì phải trách tháng 11 sang làm con người ta lạnh lòng nhiều quá, trách những cơn gió tháng 11 kia sao cứ về đây cuốn hết kỷ niệm phai màu. Chỉ mới đôi ba con nắng mùa thu mà tất cả như đã tàn phai, tôi đâu muốn mình là một kẻ vô tình như thế?

    Đường vắng ai về, lối nhỏ cũng hóa thênh thang. Phố chẳng còn em, độ tan tầm cũng chỉ cô đơn một nỗi. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, chuyện của một thời giấc mơ còn rơi rớt trên những vỉa hè xôn xao mặt phố. Nay, phố đã khác; đông đã khác; em đã khác; và tôi có lẽ cũng bắt đầu đổi khác. Một cái thoáng nhìn nay chợt hóa thành điều ước xa xôi…

    Phố vẫn mơ màng giấc ngủ đầu đông. Em ơi, gió ngọt lịm và trời xanh trong, rất lạ! Gió hát trên những nhành cây không lá, để tôi kể em nghe về một thành phố ven sông khắc khoải giao mùa, nhưng yên ả, giọt nắng hồng ngập ngừng tìm về đôi mắt xanh xanh…

    Huế bây chừ mùa không vội vã, nghe cô bạn bảo rằng cao nguyên giờ này đã bắt đầu thoang thoảng hương quỳ ngào ngạt. Cái mùi ấy thì không thể lẫn đi đâu được, nó chẳng thơm tho hay hấp dẫn gì đâu. Thế nhưng, ai mà đi xa thì cứ độ gió về lòng lại bồi hồi sực nhớ. Có một người con gái mang đôi mắt ướt đã từng mơ về những khóm hoa ấy cơ mà.

    Lòng cố đô không có dã quỳ, chỉ có những gốc lộc vừng nở hoa, chỉ có sông Hương xanh biếc, chỉ có góc cà phê lặng lẽ với vài bản Trịnh say lòng. Tôi không yêu mùa đông với những cơn gió lạnh đến tái tê, tôi cũng nào yêu mùa đông với cái rét buốt hằng đêm làm người khó ngủ. Tôi yêu mùa đông vì khi ấy, một chút bâng khuâng cũng thấy ấm lòng quá đỗi!

    Một ngày nào đó, em có trở về đây để ngắm chiều về trong đáy mắt? Còn tôi, chắc chắn tôi sẽ khoác lên vai một chiếc balo để tìm đến một nơi đâu đó thật cao, rất cao… để ngắm chiều rơi. Bởi nếu ta được ngắm hoàng hôn từ trên cao, mặt trời sẽ lặn chậm hơn người khác, ngày sẽ dài hơn một chút để mà yêu thương! Để mà quên đi…

    Tôi ngồi đây, những cơn gió tháng 11 về ru hồn tôi say mèm với những ký ức chẳng còn rõ nét hay tôi đang say vì một người nào khác? Tôi không biết, chỉ biết rằng hôm nay lòng lại thấy nhớ một người, một người xa lạ. Dẫu một ngày không xa nào đó rồi tôi cũng phải quên em, nhưng có lẽ không phải hôm nay, không phải bây giờ. Hàng dã quỳ còn đợi ai về tô nắng vàng thu.

    Những cơn gió chớm đông nồng đậm hương quỳ năm xưa cố gắng len vào trong tôi một sớm tinh mơ, lạnh lẽo. Tôi bất chợt bật cười khi hình dung ra một nụ cười dễ mến, tôi điên chăng? Có lẽ! Phố độ này chậm thật, chậm như chính những tư tình còn bám víu trôi theo ngàn gió, chẳng chịu ngủ yên trong giấc nồng say một thuở xa xôi.

    …Nay, đâu đó trên những con ngõ nơi tôi không biết dã quỳ đã nở hay chưa? Không biết có vàng tươi và nhớ chăng một lời hứa cũ? Mai tôi về, mùa chắc lại hỏi em gái tôi đâu, tôi sẽ cười và trả lời rằng: “Người không về nữa!” – Quỳ ngả đầu về phía bình minh…

    Tôi đã quen vui những lúc rất buồn.

    Ngay lúc này đây, lòng tự dưng muốn hiểu một người xa lạ!

    Thật không!?

    Tháng mười một…

    Tôi vẫn một mình trên con phố rất quen

    Mùi khói thuốc vẫn cứ mải mê chơi đùa cùng phiến gió

    Tôi vẫn về khi hòn trời đã đỏ

    Cuốn vào đêm theo dấu chân hoang

    Tháng mười một, cô gái tôi ơi!

    Tôi làm sao có thể bỏ quên bao tháng năm dài mong đợiNgười đi qua mặt trời

    Tôi nằm mơ về cửa sổ

    Bầu trời thu xanh còn xanh mãi trên đầu

    Ký ức ngày xưa giờ biết phải tìm đâu?

    Hoài niệm hiện về, rủ nhau hoang đàng viễn phố

    Tôi bước mãi, mơ hồ, không suy nghĩ

    Kỷ niệm hiện về

    Bé nhỏ một ngày mưa…

    Tháng mười một, câu chuyện của ngày xưa

    Cô gái tôi ơi, hình như tôi còn nhớ

    Nhưng chắc là không kể lại đâu

    Tôi chẳng kể đâu

    Kể làm chi câu chuyện không có bắt đầu
    Đã chết dần theo năm tháng xa xôi!

    Vĩnh viễn…

    Sưu tầm

    Tháng 11, Ngạt ngào hương gió chớm Đông
    Tháng 11, Ngạt ngào hương gió chớm Đông
    Tháng 11, Ngạt ngào hương gió chớm Đông
    Tháng 11, Ngạt ngào hương gió chớm Đông



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy