Top 10 Tản văn viết về tháng tư hay nhất

Phương Kem 322 0 Báo lỗi

Miền Bắc có bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, mỗi mùa đều mang một vẻ đẹp riêng, một hương sắc riêng. Nhưng có lẽ đẹp nhất chính là thời khắc giao mùa, mà tháng ... xem thêm...

  1. Tháng tư về, gió hát mùa hè
    Có những chân trời xanh thế!


    Tôi say với giai điệu rộn ràng, sâu lắng, thiết tha... của ca khúc Tháng Tư Về! Ca khúc của nhạc sĩ Dương Thụ, và giọng hát truyền cảm của ca sĩ Hồng Nhung, say với cảm giác bâng khuâng của những ngày cuối xuân, những bông hoa của mùa xuân dường như nở vội, khoe sắc trong tiết trời se lạnh, bởi nắng hè đang đến. những bông thược dược đủ màu rực rỡ... như muốn nói lời tạm biệt, để lòng người lưu luyến mùa xuân. Những hạt mưa giăng giăng... hôn nhẹ trên hoa lá, những bông hoa điệu đà đung đưa theo gió.


    Tháng tư, mùa hoa loa kèn, một loài hoa rất dễ trồng, cứ khoảng cuối tháng ba, mỗi buổi sớm , tôi thích thú tìm trong gốc cây hồng xiêm, nơi tôi đặt những củ hoa loa kèn từ năm trước, những chú chim ríu rít trên cành cây, dường như chúng cũng thích thú với thời tiết giao mùa, thích thú với cái nắng chợt bừng lên để những hạt mưa trên lá long lanh, long lanh. Những mầm hoa rất mẫm, nhú lên khỏi mặt đất và lớn rất nhanh, tôi bắt đầu đánh lên và trồng vào chậu, mầm cây kiêu hãnh, mọc thẳng giữa những chiếc lá dài xanh thẫm, uốn cong xung quanh..trông khóm hoa rất đẹp và hấp dẫn. Bông hoa loa kèn như bàn tay xòe ra, đẹp kiêu sa nhưng thân thiện. hương hoa dịu dàng e lệ, thoảng thơm trong cái nắng nhẹ nhàng, chợt đến, chợt đi của tiết giao mùa! Hè gọi. Dù hoa màu trắng hay màu đỏ thì vẫn nổi bật trên những chiếc lá xanh, tôi thường bóc hết lớp vỏ ngoài, củ hoa trắng tinh và trồng vào chiếc chậu nhỏ xinh xinh, đặt ở phòng khách, hay phòng ngủ, như vậy hoa bền hơn và có vẻ đẹp rất đặc biệt. Đêm, trong ánh sáng mơ màng của đèn ngủ, tôi ngắm chậu hoa loa kèn, thưởng thức hương thơm nhè nhẹ, và có đêm, cơn mưa bất chợt, cũng tiếng sấm gọi hè rền vang trên không, tôi ngủ thiếp đi trong tiếng mưa tí tách ngoài hiên.


    Phải chăng trời đất bâng khuâng?
    Tháng Tư đến... chút lâng lâng lòng người.
    Vẫn còn hương sắc xuân ngời
    Đã nghe sấm gọi hè rồi... chiều nay!

    Tháng tư, cũng là những ngày tháng ba âm lịch, nên cái rét nàng Bân đến bất chợt, cái rét khiến ta lại được thu mình trong mền chăn mỏng, mà mới buổi trưa còn phải dùng quạt điện số nhỏ để xua đi cái nóng bức khi nắng bừng lên... chỉ vài ngày trong cái lạnh se se của heo may, khiến cái rét trở nên lãng mạn như chính câu chuyện của nàng Bân, những căn bếp lại hồng lên ánh đèn ấm áp và cả gia đình bên nhau thưởng thức những món ăn mang hương vị mùa đông, cái rét cũng mang đến biết bao cảm xúc.. những người yêu nhau có dịp để quan tâm chăm sóc nhau... dẫu chỉ là chiếc áo ấm trong cái rét vội thật dễ thương.


    Đêm về nghe gió heo may
    Nhớ hương hoa sữa đắm say, bồi hồi.
    Mùa đông bất chợt thế thôi
    Đủ trao chiếc áo thay lời Nàng Bân.


    Tháng tư, có những cơn mưa rào, sáng ra, nhìn cây cối như được khoác lên mình một màu xanh tươi mới, tôi đi chợ, rẽ qua phố bằng lăng, hàng cây bằng lăng xanh thắm hơn, xum xuê hơn, sẵn sàng đón cái nắng cái gió của mùa hè, sẵn sàng đơm nụ, hứa hẹn một mùa hoa bằng lăng tím đẹp dịu dàng. Con người cũng vậy! Dù bâng khuâng lưu luyến mùa xuân, nhưng cũng rộn ràng đón một mùa hè xao xuyến tiếng ve ran... và những sắc hoa rực rỡ, mang sắc thái đặc trưng của mùa hạ, như phượng vĩ và điệp vàng.

    Tháng tư, là tháng hội tụ thời tiết của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Thật thú vị khi ta được sống trong những khoảnh khắc của bốn mùa, có khi chỉ trong một ngày, hoặc vài ngày, cái lạnh không dài dằng dặc như cả mùa đông, cái nóng cũng chỉ bừng lên như muốn trang điểm cho những hạt mưa còn đọng long lanh trên lá, tiếng sấm gọi hè cũng không rền dữ, và những hạt mưa giăng giăng trong gió heo may lành lành cứ đan xen. Chính vì vậy, tháng tư tạo nên những cảm xúc bâng khuâng lưu luyến, bởi tình cảm của con người luôn gắn bó với thiên nhiên tươi đẹp của đất trời, của hoa lá quanh ta.


    Đất trời như cũng lâng lâng
    Tháng Tư hội tụ bâng khuâng bốn mùa…

    Đỗ Thu Yên

    Tháng tư
    Tháng tư
    Tháng tư
    Tháng tư

  2. Tháng Tư, cái se lạnh cuối cùng còn sót lại khiến cho lòng người vương vấn về một mùa đông đã đi qua. Chút gió, chút mưa phùn cuối xuân vẫn còn chưa dứt, ta như thấy hạ đã chớm “thập thò” trên những góc phố thân thuộc.


    Những hạt nắng đầu tiên đã lấp ló sau những vòm lá xanh. Những chú chim khép mình qua đợt mưa rét bỗng choàng tỉnh cất tiếng hót líu lo rộn rã. Mặt đất như được khoác thêm một màu áo mới xanh tươi của cỏ cây. Những mầm xuân đã sớm kết thúc giấc ngủ, khe khẽ trở mình thành những quả non e ấp đầu cành.


    Tháng tư, tháng của những tinh khôi trong sắc trắng của loài hoa loa kèn. Tháng của những dịu dàng thoang thoảng, đau đáu nỗi niềm trong hương hoa bay đầu ngõ. Tháng của những bâng khuâng, tưởng nhớ về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – người nhạc sĩ tài hoa một thời giờ đây đã đi theo gió mây.


    Tháng Tư có thể coi là dấu gạch nối giữa hai mùa xuân – hạ. Mùa xao xuyến của đất trời với những nỗi niềm gợi nhớ gợi thương, lặng ngắm những khoảnh khắc trôi qua mà cứ khe khẽ ngân nga những bài ca ngày cũ. Tháng Tư còn gọi về cả một bầu trời kỉ niệm cứ ngỡ đã vùi sâu bỗng cồn cào da diết vì một buổi sáng giao mùa đẹp nao lòng như những vần thơ trong trẻo. Những mùa hoa lại nối tiếp những mùa hoa. Tháng tư gieo vào đất trời những giọt hy vọng về hạnh phúc bình yên và giản dị.


    Tháng tư có một ngày nói dối nhưng lại gieo vào lòng người những cảm xúc chân thực. Phố dịu dàng hơn nhờ những gánh hàng hoa. Lòng người cũng bình lặng hơn trong khoảnh khắc giao mùa mong manh, ngắn ngủi. Tháng tư mềm mại như một dải lụa gài vào giữa thiên nhiên đất trời những rung động hồn nhiên rất đỗi thật thà.


    Khẽ chào cô gái tháng Tư… của tôi!


    Hoàng Hạnh

    Câu chuyện tháng tư
    Câu chuyện tháng tư
    Câu chuyện tháng tư
    Câu chuyện tháng tư
  3. Tháng Tư lại về với bầu trời trong xanh, biển hát lời ru ngọt ngào bên ghềnh đá, chiều chiều đạp xe trên con đường lộng gió, lòng mình chợt quay về những hồi ức xa xăm…


    Tháng Tư với thành phố bên dòng sông Lam có những năm gió Lào về sớm. Ngày hai buổi cha đạp xe trên con đường nắng nôi đầy gió bụi từ ngoại ô vào thành phố đi làm. Khuôn mặt cha vốn đã hao gầy khắc khổ dường như thêm đen đúa, sắt lại dưới cái nóng hừng hực của những ngày đầu hạ. Mẹ thở dài nhìn lưng áo đẫm mồ hôi của cha ngày càng bạc phếch, và mái đầu người cũng sương muối nhiều hơn qua tháng năm bươn chải vì gia đình.


    Tháng Tư, đôi quang gánh của mẹ nặng trĩu hơn vì rổ khoai lang đúng vụ được mua về dặm thêm vào những bữa cơm vơi. Nhớ dáng mẹ lầm lụi từ mờ sương đến tối mịt bòn mót từng đồng lẻ hết chợ quê sang chợ chiều phố thị. Mái tóc dài đến khoeo chân cứ mỏng dần tỷ lệ nghịch với nếp nhăn trên khuôn mặt một thời được gọi là gái đẹp thành Vinh. Sau này đi xa, mỗi lần nhớ mẹ là tôi nhớ cái dáng tất tưởi đạp xe trong buổi chạng vạng từ chợ xa về. Trên tay lái xe đạp treo đầy những làn, những túi… ấy là hàng họ mẹ mua về bán ở chợ quê. Lùa vội bát cơm tối, cha và mẹ ngồi gói hàng cho buổi chợ sáng hôm sau. Tháng Tư đã là mùa ôn thi nên cả mấy chị em tối đến là ngồi vào bàn học. Cha luôn nghiêm khắc với việc học hành của các con, dẫu kinh tế gia đình khó khăn nhưng không bao giờ bắt con bỏ học để phụ giúp kiếm tiền. Cả cuộc đời ông luôn khắc khoải với nỗi niềm chỉ vì nhà quá nghèo mà phải bỏ ước mơ được học lên cao để đi làm thuê từ năm mười lăm tuổi. Đêm tháng Tư, bờ tre xào xạc, thoảng cơn gió nồm từ biển về mang theo chút mát mẻ, khuôn mặt cha giãn ra với nụ cười hồn hậu nhìn đàn con chụm đầu ngồi học dưới ánh đèn dầu… Ký ức ấy là một mảng thẳm sâu trong trái tim tôi bao tháng ngày xa cách. Tháng Tư của quê nghèo xứ Nghệ thân thương!


    Tháng Tư những ngày cuối cấp 3 với bài vở chất chồng, lòng vẫn không nguôi nỗi nhớ các bạn đồng môn vừa nhập ngũ đầu xuân. Những chàng trai, cô gái tuổi mười tám tươi rói như những nụ hoa phượng hồng chúm chím buổi vào hè đã gác lại bút nghiên lên đường theo tiếng gọi non sông. Có những cuộc chia tay bịn rịn, nghẹn ngào. Có những cánh thư xa bay về trường mang theo niềm thương nhớ rưng rưng tuổi học trò… Trong cái nắng chói chang của mùa hè năm ấy chúng tôi lao vào học miệt mài, dường như ai cũng muốn học thêm cả phần của các bạn đã đi xa không có cơ hội dự kỳ thi cuối cấp.


    Tôi nhớ nhất ngày thi thử tốt nghiệp 30/4/1975, khi nghe tiếng loa thông báo đã giải phóng Sài Gòn cả phòng thi òa lên reo hò phấn khích. Chắc trong lòng mọi người lúc đó ai cũng nghĩ về ngày đoàn tụ không xa với các bạn đi bộ đội hồi đầu năm. Tuổi học trò vô tư trong sáng, thương nhau và chia sẻ với nhau bao buồn vui kỷ niệm dẫu từ ngày ấy đến nay đã gần năm mươi mùa thi nữa trôi qua… Mỗi tháng Tư về, cái ngày thi thử tốt nghiệp ấy vẫn như hiện rõ mồn một trong tôi, vẫn xao xuyến bồi hồi như trái tim tuổi mười bảy đập rộn ràng trong khuôn ngực trẻ. Tháng Tư nhắc tôi về xứ Nghệ. Tháng Tư neo giữ lòng tôi với mảnh đất nghèo vật chất mà đằm sâu tình nghĩa dẫu cuộc sống đầy khó khăn, khắc nghiệt.


    Tuổi của mình đã vào độ cuối thu, còn bao tháng Tư trong đời nữa đây để sống với những xúc cảm bâng khuâng của năm tháng không thể mờ phai trong ký ức? Chỉ biết rằng mỗi buổi mai thức dậy nghe tiếng chim ríu rít trên vòm lá, ngắm những bông hoa trước sân e ấp đón ánh mặt trời lòng tôi lại dấy lên niềm vui, sự biết ơn vô hạn với cuộc đời dẫu cuộc đời ấy không thiếu những thăng trầm chìm nổi. Tháng Tư ơi, lòng tĩnh lại rồi, chỉ những ký ức yêu thương còn mãi xôn xao cùng năm tháng…


    Nguyễn Minh Nguyệt

    Tháng tư miên man hồi ức
    Tháng tư miên man hồi ức
    Tháng tư miên man hồi ức
    Tháng tư miên man hồi ức
  4. Mấy hôm nay thời tiết đỏng đảnh như cô gái mới lớn, thoắt vui thoắt buồn, hây hẩy đẹp xinh, nhưng cũng cong vênh khó chịu... Mỗi ngày bốn mùa, rõ rệt như có thể mân mê được trong tay. Lưng chừng tháng tư, lòng chợt mang mang trở mùa, bao nỗi niềm ùa về trong cảm thức tháng tư ứ đầy.


    Tháng tư, tháng của Mùa xuân đại thắng, đất nước ca khúc khải hoàn, non sông nối liền một dải. Bao người nhắc lại chuyện hơn bốn mươi năm trước mà nước mắt còn rưng rưng, giọng kể còn nghẹn ngào. Cha mân mê bộ quân phục cũ đã bạc màu thời gian và những tấm huân, huy chương thắm đỏ trên ngực áo. Ấy là cha chuẩn bị cho cuộc gặp lại những đồng đội cũ một thời vào sinh ra tử. Những ngày tháng tư này trông cha lạ hẳn, đứng ngồi chẳng yên một chỗ, đi ra đi vào như có ý ngóng chờ ai. Người già, lại đã già đi bằng chiến tranh lửa đạn, chẳng đêm nào cha tròn giấc ngủ khi kí ức luôn chập chờn trong cái đầu của người già. Năm nào cha cũng chỉ đợi chờ đến ngày được khoác lên mình bộ quân phục cũ, nghiêm trang và cẩn trọng, cha vuốt từng nếp áo quần thật phẳng phiu, chỉnh sửa mãi vị trí những huân huy chương cho ngay ngắn, và hình như trông cha trẻ hẳn lại.


    Tháng tư, rong ruổi cùng mẹ ở một nghĩa trang xa xôi ngập tràn nắng gió, với hy vọng mong manh là tìm được cho mẹ người anh đã nằm lại một nơi nào đó ở bạt ngàn những nghĩa trang trên đất nước này. Hễ nghe phong thanh một thông tin gì đó, mẹ lại hối hả thúc giục tôi thu xếp công việc để cùng mẹ lên đường, dẫu chỉ có một tia hy vọng rất mong manh. Những nghĩa trang tháng tư cũng ấm lên trong nắng giao mùa, và ấm lên bởi tấm lòng thế hệ con cháu nói tiếng tri ân. Đồng đội cũ gặp mặt, người còn sống khóc thương người nằm xuống; người lành lặn xót người mất mát thương đau, thân thể nào cũng là máu thịt mẹ cha sinh ra. Những bàn tay đồi mồi nhăn nheo nắm chặt nhau, có bàn tay xoa mãi vào mẩu xương ngắn củn còn lại trên cánh tay đồng đội thuở nào. Người thương binh già ôm đàn hát cho đồng đội nằm dưới mộ bài ca một thuở, trong lời bài hát có tuổi hai mươi trai trẻ, có nụ hôn đầu đời run rẩy ngọt ngào, có ánh mắt thẳm ánh sao đêm hẹn ngày trở về của người bạn gái, có đại ngàn thâm sâu giữ trọn tuổi thanh xuân, cả những trận sốt rét rừng và những ngày hành quân đói lả mà đường ra trận vẫn rợp sắc tím hoa sim… Khốc liệt thế, thương đau thế, nhưng mỗi bước hành quân còn thơm ngát hương rừng. Để hôm nay, hoa vẫn nở thơm lành trên mọi nẻo quê hương.


    Tháng tư, còn là tháng của bao loài hoa gọi về xúc cảm và kỉ niệm. Loa kèn trắng tinh khôi, hương dìu dịu những góc phố thân thuộc và yên bình. Đào rừng phơn phớt những nẻo đường ngoại ô thân quen tươi tắn. Hoa điệp vàng đung đưa nhuộm nắng thêm giòn, gợi nhớ câu hát một thuở hoa niên. Bằng lăng cũng bắt đầu lác đác tím sau cơn mưa đầu mùa mát lịm, cái sắc tím nhạt nôn nao thuở học trò vụng dại len lén trao nhau lá thư tay... Vài bông quỳ sót lại cuối mùa, nở trong hoang hoải, cô đơn, nhọc nhằn, như cố níu lại khoảnh khắc rực rỡ tưng bừng. Hoa pơ lang vẫn lác đác đỏ bên trời, như tô thêm màu cho nắng, như gọi mời những đàn chim ríu rít về tụ hội. Những cánh phượng đầu tiên cũng bắt đầu hé mắt gọi mùa chia tay những khoảnh khắc dấu yêu... Già tháng nữa đám trò nhỏ sẽ chia tay trường lớp, có những đứa sẽ rời hẳn tuổi học trò với bao nhiêu kỉ niệm để bước vào một cuộc sống khác. Giờ không thấy học trò ghi lưu bút như xưa nữa, cũng phải, giờ là thời công nghệ số, thời facebook, zalo, mọi thứ cứ cuốn con người đi với một tốc độ chóng mặt. Không biết mình có phải kẻ lẩn thẩn không khi cứ mãi hoài niệm về những gì đã qua, dù biết ngày đã qua không bao giờ trở lại. Chợt lòng mưng mưng thương nhớ cánh bướm ép bằng đóa hoa phượng đã khô và ngả màu trong trang lưu bút cũ, thương lá thư tay nét chữ học trò vụng dại thuở nào, thương bức kí họa chì đen một dòng tóc vờn bay rối tung trong gió chiều và bờ môi hiền dịu ngây thơ, thương tháng tư lâu lắm đã trôi như một vệt mờ qua ngày tháng bận bịu áo cơm…


    Người ta có cần ký ức không? Có chứ! Để mà chậm lại một chút với tháng ngày, để lúc nếu chẳng may không còn trí nhớ, thì ký ức vẫn đấy, tràn đầy lòng biết ơn. Biết ơn vì xung quanh còn có những thương yêu dìu ta đi qua hỗn mang cuộc đời...


    Lưng chừng tháng tư, lòng bề bộn, phố vẫn điềm nhiên trôi trong thảng thốt nắng chiều. Nhớ đóa bằng lăng rơi trong cơn mưa đầu mùa bất chợt, nhớ dòng tóc rối, đóa môi ngoan, những ngón gầy đan vào đêm se lạnh đèn vàng... Những con đường muôn nẻo, dù đi đâu rồi cũng đổ về góc nhớ, cội nguồn của xúc cảm dấu yêu...


    Đào An Duyên

    Lưng chừng tháng tư…
    Lưng chừng tháng tư…
    Lưng chừng tháng tư…
    Lưng chừng tháng tư…
  5. Tháng tư lại về. Những cơn mưa vội vã làm cho những hàng cây như xanh thêm; những chồi non mơn mởn, mong manh đang vươn lên mạnh mẽ như bỏ lại phía sau những bộn bề của mùa cũ. Cùng với đó là tiếng ve râm ran gọi hè đã bắt đầu rộn rã trên những vòm cây phượng xòe tán xanh mướt trong sân trường. Tháng tư với nhịp sống như sôi động hơn khi những cô cậu học trò nô nức và trăn trở với bao dự định chọn cho mình con đường học tiếp hay vùng miền mình sẽ đặt chân đến; đồng thời chuẩn bị đối mặt với kết quả cuối năm học cam go, căng thẳng nhưng cũng mở ra nhiều ước mơ, nhiều niềm vui mới.


    Tháng tư lại về. Một nhịp cầu được bắt từ xuân sang hạ; với bầu trời trong veo; nắng bắt đầu gay gắt và những loài hoa đặc trưng của mùa hè cũng đã bắt đầu khoe sắc; lòng người cũng bắt đầu gởi ước mơ về những chốn thân thương. Rồi những cơn mưa mùa hạ đi qua ào ào như trút nước. Mưa đó rồi tạnh đó. Nó cuốn phăng tất cả những bụi bặm, oi bức, và cả những lớp phiền muộn tâm hồn trong mỗi người. Ta chợt nghĩ về những gì đã đi qua trong đời nhưng không phải để tiếc nuối; mà để ươm mầm, gieo hạt, nuôi dưỡng cho cuộc hành trình dài của cuộc đời, cho những hoài bão đang vươn xa. Cũng vì thế mà tháng tư gợi nhớ khiến lòng ta chùng xuống và bất giác quay về những điều xưa cũ…


    Tháng tư lại về. Từ thôn làng xa xôi đến phố thị đông đúc, đâu đâu cũng thấy rợp bóng cờ bay làm dậy lên trong lòng những người đi ngang qua thời chiến tranh nhiều kỷ niệm khó quên. Đồng thời, tiếp thêm sức lực cho cuộc hành trình dài cho lớp trẻ đang lớn lên cùng tháng tư. Kể từ tháng 4 năm 1975 đến nay thế mà đã gần 50 năm rồi, những cảm xúc về Tháng Tư lịch sử vẫn còn nguyên vẹn khi những nén nhang tỏa khói trên những hàng mộ nơi nghĩa trang, bởi ký ức thì chẳng thể nào quên. Có thể nào quên những người đã đi qua những năm tháng cống hiến, hy sinh để đất nước được thống nhất; để thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình; nối tiếp truyền thống cha anh chung tay xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế. Một không khí háo hức nhưng trang nghiêm đang diễn ra trong tháng tư rực rỡ cờ hoa này. Khắp đất trời như vang lên khúc tráng ca hào hùng, rung chuyển theo nhịp đất nước đi lên.


    Tháng tư lại về. Chợt ẩn, chợt hiện những cánh bướm dập dìu, tình tứ bên những cánh hoa đang khoe sắc. Có tiếng chim líu lo gọi bạn tình như trỗi lên giai điệu thần tiên. Bên đường, cây bàng đã bật lên những búp nom mũm mĩm như thắp lửa trên tán lá xanh; cây bằng lăng cũng đã khoe màu phơn phớt tím… và, chúng ta cũng bắt đầu trăn trở, vội vàng thực hiện những ước mơ chưa kịp hoàn thành. Tháng tư về trong veo như một tiếng cười giã biệt mùa xuân. Lòng ta phơi phới hướng về một mùa hè sống động, rực rỡ đang chờ đợi phía trước.


    Tháng Tư lại về. Quá khứ và hiện tại đan xen trên hành trình thời gian hướng về tương lai.


    Tản văn: Ngô Văn Cư

    Tản mạn tháng tư
    Tản mạn tháng tư
    Tản mạn tháng tư
    Tản mạn tháng tư
  6. “Tháng tư về gió hát mùa hè
    Có những chân trời xanh thế
    Mây xa vời, nắng xa vời, con sông xa lững lờ trôi...”
    (Dương Thụ)


    Nắng tháng tư bẽn lẽn sau khung cửa, đủ vàng để làm hoa phượng nhú cái nụ đỏ đỏ bé xíu, làm màu tím bằng lăng muốn bâng khuâng báo hiệu mùa thi đang cận kề. Tháng tư, “Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ” trong quyển mỹ thuật xưa vẫn nhẹ nhàng nép vào hoa tinh khôi, như cái tinh khôi nắng mới đầu hè. Bức tranh sơn dầu của họa sĩ Tô Ngọc Vân chắc có thể cũng lấy cảm hứng từ tháng tư, từ những bông hoa huệ tây hay gọi là hoa loa kèn, loài hoa nở vào mỗi dịp tháng tư ngắn ngủi. Những lúc như thế này mình hay tức cảnh sinh tình để mơ màng về thời quá khứ xa xôi, nghĩ về nó để nhớ về những người xưa, để an ủi cho những mệt mỏi toan tính của chính mình hiện tại.


    Mình nhớ cây ổi ông nội trồng, tháng tư về, nó bắt đầu ra những chiếc hoa màu trắng, mấy chiếc nhụy hoa cong cong như lông mi thiếu nữ đang độ xuân thì, ngây thơ và tinh khôi đến lạ! Cây ổi ông trồng ngọt lắm, bao mùa hè mấy đứa trẻ con bọn mình hái ổi ông ăn. Nhưng bây giờ ông đã đi xa đến nỗi trong miền ký ức nhớ lại chỉ còn thấy chút gì đó mờ mờ khó tả. Chắc ông đã bay cùng gió nắng của tháng tư lên thiên đàng, bởi ngày ông ra đi, cũng vào tháng tư năm ấy.


    Tháng tư mang về cho mình cả những nỗi buồn, nhớ mẹ mình hồi bố chia tay mẹ. Một cơn mưa rào tháng tư bỏng rát đã mang tâm tư và con tim của bố đi theo người con gái khác, để hai mẹ con bơ vơ. Mẹ ra ngóng bố đầu ngõ năm ấy, cứ mỗi khi thấy mỗi cái bóng áo mưa xanh xanh mẹ lại tưởng bố về. Nhưng không phải, đó là những người đàn ông khác cũng khoác chiếc áo mưa xanh giống bố, nhưng họ đang hối hả trên chiếc xe đạp thống nhất theo từng vòng quay đều đều trên đường xa ướt mưa về với gia đình thân yêu đang đợi họ. Hẳn là họ sẽ có một buổi tối bên gia đình hạnh phúc lắm. Còn mẹ, nhìn xuống chỉ thấy đứa con gái bé bỏng là mình, mẹ buồn nắm lấy tay mình lủi thủi dắt nhau về nhà không ngóng bố nữa. Mẹ viết nắn nót trong nhật ký:’’ Ngày buồn chiều tháng tư, bố không về, hai mẹ con nấu cơm nếp ăn với tôm rang, mong trời ngừng mưa lòng người bớt ngổn ngang, vết thương không còn ẩm ướt”. Sau này mình có đọc lại những dòng nhật ký của mẹ, mình đã khóc. Hẳn là lúc ấy mẹ buồn lắm.


    Sáng nay, mình đi qua hàng cây bằng lăng đi làm, hoa tím se sắt gợi nhớ đủ cung bậc trạng thái suy tư của mình. Mình của hiện tại vì công việc áp lực mà thấy buồn thế, thấy mọi thứ trở nên vô nghĩa khi con người với người đầy quan hệ thực dụng với nhau. Rõ ràng nó đối ngược hẳn với sắc hoa bằng lăng đang vô tư đáng yêu kia. Trong phút chốc lòng mình chùng xuống, rồi ước được là cánh hoa ấy, mỏng manh nhưng đẹp, chỉ cần vô tư đón gió vậy thôi rồi tàn ngay cũng được, cũng thấy ý nghĩa. Vậy nên làm con người buồn lắm, niềm vui thì ít mà nỗi buồn thì nhiều, nó cứ dài như dòng sông chảy xiết mãi không thấy bến bờ. Mình nép vào tháng tư an ủi. Nó có dịu dàng như sắc hoa dại đang đón gió nơi cửa sổ kia không? Xin cho lòng mình ghé tạm với! Khi nào vết thương được hong nắng mình lại trở về như thủa ban đầu, tỏa nắng những nụ cười từng héo úa.


    Tiếng thở dài kéo mình trở về thực tại. Nhưng mình biết ngày nào cũng sẽ qua, nỗi đau mấy rồi thời gian trôi đi sẽ lại lành. Cũng như tháng tư ngắn ngủi ra đi rồi lại về với chúng ta theo trình tự thời gian bốn mùa, 12 tháng. Vậy nên cứ sống thật tốt, trân trọng những phút giây hiện tại ta có. Đó mới là thông điệp tháng tư đến và gửi gắm cho chúng ta. Nếu bạn không tin cứ ngắm những sắc hoa ngoài kia sẽ thấy.


    Nguyễn Thanh Nga

    Tháng tư về
    Tháng tư về
    Tháng tư về
    Tháng tư về
  7. Mỗi tháng tư về, cha tôi lại mở tủ quần áo, mân mê bộ quân phục đã bạc màu thời gian và những tấm huân-huy chương thắm đỏ trên ngực áo. Ấy là cha chuẩn bị cho cuộc gặp mặt đồng đội cũ một thời vào sinh ra tử. Nhìn cha, nhiều khi tôi tưởng như, trong quãng thời gian 365 ngày của năm, mọi hành động và nghĩ suy, cha chỉ như dành riêng để chờ đợi ngày hội ngộ này. Những ngày tháng tư này trông cha lạ hẳn, đứng ngồi chẳng yên một chỗ, đi ra đi vào như có ý ngóng chờ ai.


    Người già, lại đi qua chiến tranh lửa đạn, chẳng đêm nào cha tròn giấc ngủ khi ký ức luôn chập chờn. Năm nào cha cũng đợi chờ đến ngày được khoác lên mình bộ quân phục cũ, nghiêm trang và cẩn trọng, cha vuốt từng nếp áo quần thật phẳng phiu, chỉnh sửa mãi vị trí những huân-huy chương cho ngay ngắn và hình như trông cha trẻ hẳn lại. Tôi thấy gương mặt cha, ánh mắt cha thật sự mừng vui khi được gặp lại đồng đội cũ. Tay bắt mặt mừng, những người lính già ôm chầm lấy nhau rưng rưng xúc động. Mỗi năm cuộc gặp ấy được tổ chức ở một nơi và mỗi năm, người dần thêm thưa vắng.

    Những câu chuyện được nối nhau râm ran, nhưng tuyệt nhiên không thấy họ, những người lính già ấy, nói với nhau về bệnh tật. Dù thân thể họ, hầu như không ai là không có bệnh, người may mắn không bị những di họa của chiến tranh thì cũng là bệnh tuổi già. Họ chỉ nói về kỷ niệm, bởi những kỷ niệm ấy chất chứa những ngày tháng tươi đẹp nhất cuộc đời, tràn trề ý chí, tin yêu và nhiệt huyết tuổi thanh xuân. Tôi đã nghe đến thuộc lòng những câu chuyện của cha tôi, ông không chỉ kể về mình, ông kể rất nhiều về đồng đội.


    Những câu chuyện của ông khiến một đứa trẻ không có một chút khái niệm về chiến tranh như tôi nhập tâm và hoàn toàn có thể hình dung từng nhân vật. Ngày còn nhỏ, tôi nghĩ họ phải là những người dáng vóc to lớn, khác thường, có khả năng đi mây về gió hoặc làm những việc phi thường tương tự thế. Cho đến khi được cha dẫn theo, gặp họ, người cụt chân, người thiếu tay, người hỏng mắt,… tất cả trông nhỏ thó và khắc khổ hệt cha tôi, tôi bật khóc. Khóc, không phải vì hình ảnh thần tượng sụp đổ, mà thương họ quá, như tình thương cha tôi khi sống cùng những vết thương cả thể xác và tinh thần của ông từ khi tôi có mặt trên đời.


    Tháng tư về, tôi rong ruổi cùng mẹ ở một nghĩa trang ngập tràn nắng gió tận biên giới xa xôi, với hy vọng mong manh là tìm được cho mẹ người anh đã nằm lại một nơi nào đó ở bạt ngàn những nghĩa trang trên đất nước này. Hễ nghe phong thanh một thông tin gì đó, mẹ lại hối hả thúc giục tôi thu xếp công việc để đưa mẹ lên đường, dẫu chỉ có một tia hy vọng rất mong manh. Chao ôi! Có nơi nào trên trái đất này nhiều nghĩa trang liệt sĩ như quê hương tôi không? Lớp lớp những ngôi mộ nằm xếp hàng thẳng tắp, rất nhiều trong số ấy, trên tấm bia chỉ khắc đôi dòng chữ nhỏ nhưng luôn khiến tất cả những ai một lần đến đều thấy lòng nặng nỗi suy tư: “Liệt sĩ chưa xác định được danh tính”.


    Ai sinh ra trên đời cũng có tên chứ, cái tên được cha mẹ đặt cho với bao nhiêu yêu thương và kỳ vọng: Hùng, Cường, Mạnh, Đạt… Vậy mà khi nằm xuống, tên tuổi các bác, các chú đã hòa vào với đất mẹ. Nắng tháng tư bắt đầu gay gắt, cây pơ lang phía cổng nghĩa trang còn vài bông lác đác đỏ như cố níu mình lại mà thắp lên cùng nắng, sưởi ấm những anh linh.


    Tháng tư này, tôi vừa đọc xong một quyển sách viết về chiến tranh. Chân dung chiến tranh hiện lên chân thực và sinh động qua lời kể của chính những người trong cuộc. Đọc sách, tôi mới biết cha tôi, trong những câu chuyện kể với tôi, đã nói giảm nói tránh đi rất nhiều phần, vì ông biết tôi đa sầu đa cảm. Gấp lại những trang sách đã rất nhiều ngày rồi nhưng những câu chuyện không thể dứt ra khỏi đầu tôi. Cơm tôi ăn, áo tôi mặc, con đường nở đầy hoa dại hàng ngày tôi đi qua đã được đánh đổi bằng xương máu của bao nhiêu thế hệ đi trước. Ngay trên mảnh đất tôi đang sinh sống đây thôi, một thời đạn bom cũng ác liệt biết chừng nào. Bom đạn đến độ một người lính ngâm mình trong nước suối trong vắt ban mai mà lăn trào nước mắt, bởi không tin nổi lại có những phút giây bình yên đến thế!


    Tôi biết ơn mỗi tháng tư về, biết ơn bộ quân phục ngả màu của cha, biết ơn những nẻo đường rong ruổi trong những dịp hiếm hoi cùng mẹ, biết ơn đóa pơ lang đỏ thắm lẻ loi bên cổng nghĩa trang, biết ơn trang sách thơm mùi giấy mới vừa đọc, biết ơn mỗi phút giây yên bình tôi được sống. Tất cả giúp tôi hiểu và biết trân quý mỗi ngày trôi qua trong cuộc đời này…


    Đào An Duyên

    Mỗi tháng tư về
    Mỗi tháng tư về
    Mỗi tháng tư về
    Mỗi tháng tư về
  8. Tháng Tư lại đã về xôn xao trong tôi nhiều kỷ niệm - dẫu đã hơn nửa đời người đâu dễ mờ phai...


    Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo khó. Cái dải đất nắng “cháy da cháy thịt” và mưa “thối đất thối đai” ấy theo tôi suốt những năm tháng cuộc đời. Làm sao tôi quên được tuổi thơ với những nhọc nhằn cực khổ của đứa trẻ con nhà nghèo, đến một bát cơm không độn ăn với muối vừng cũng là niềm mơ ước. Chiến tranh khốc liệt, nhà được dỡ ra làm hầm, rồi hoà bình lập lại những căn nhà mới được dựng lên cũng chỉ bằng tranh tre nứa mét luôn oằn mình chịu những cơn giông bão kinh hoàng của miền Trung. Ngày tôi vào cấp 3, chiến tranh đã ngừng trên toàn miền Bắc nhưng còn đó những gian truân, vất vả mà những người may mắn còn sống sau cuộc chiến phải nai lưng gánh chịu. Từ nơi sơ tán trở về, chúng tôi được bố trí học trong một khu nhà tầng đã bị bom Mỹ đánh sập hơn một nửa với những bức tường đổ, cháy nham nhở. Những buổi lao động dọn trường, trồng cây... mệt mà vui như ngày hội. Con đường đất trước cổng trường mùa nắng mịt mù bụi đỏ, mùa mưa lầy lội sồi sụt ổ trâu mà luôn vang lên tiếng cười đùa lanh lảnh, tiếng chuông xe đạp kính coong của lớp học trò ngày ấy.


    Tháng Tư năm 1975 là những ngày vùi đầu vào học để thi tốt nghiệp cấp 3. Những khuôn mặt học trò mệt mỏi, hốc hác vì học nhiều và nắng nóng vẫn lấp lánh niềm vui khi nghe người lớn nói chuyện với nhau về tình hình chiến sự miền Nam. Với chúng tôi những năm tháng ấy, miền Nam là một điều gì đó rất thiêng liêng và đầy bí ẩn. Miền Nam chỉ được biết qua sách vở và những câu hát như “Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều, miền Nam em xoài thơm, miền Nam em khoai bùi...”. Và chúng tôi biết rằng nơi đó có thể rất nhiều những bạn đồng niên thân thiết của mình đang chiến đấu. Họ đã lên đường theo tiếng goi của Tổ quốc mặc dù đang học dở dang chương trình cuối cấp. Tháng 1 – 1975, lứa tuổi 18 của chúng tôi đi bộ đội nhiều đến nỗi có những lớp chỉ còn lại 1/3 số học sinh và phải dồn nhiều lớp thành một lớp. Những người không trúng tuyển bộ đội mang một chút mặc cảm vì mình không được lên đường ngay trong những ngày Tổ quốc cần nhất chỉ còn biết lao đầu vào học và để thực hiện lời dặn dò của một số bạn trước lúc ra đi ”Học dùm chúng tớ luôn nha!”.


    Mùa hè năm ấy đến sớm, mới tháng Tư mà nắng chang chang, gió Lào thổi rát mặt. Những cây phượng vĩ chúng tôi trồng trên con đường trước cổng trường đã lác đác nở hoa đỏ thắm. Ngày 30 tháng Tư, học sinh lớp 10 đang trong phòng thi thử tốt nghiệp. Không gian lặng phắc bỗng bị khuấy động bởi tiếng loa phát ra từ một chiếc xe ô-tô chạy chầm chậm qua trước cổng trường. Thoạt đầu, ai cũng cố gắng im lặng và ra vẻ chăm chú làm bài nhưng rồi một người nào đó bỗng thốt lên:”Giải phóng Sài gòn rồi, thích quá!” thế là cả lớp ồ lên và thi nhau chạy ra sân nhìn theo chiếc xe có loa đang phát tin chiến thắng. Tiếng cười nói, tiếng reo hò phấn khích vang lên không gì kìm hãm nổi. Phải một lúc lâu sau cô giáo coi thi mới gọi được tất cả trở vào lớp để làm bài tiếp. Từ sau buổi thi thử ấy và những ngày tiếp theo, đâu đâu cũng chỉ nghe nói chuyện miền Nam đã được giải phóng. Mang theo niềm vui to lớn ấy, chúng tôi bước vào mùa thi, thấy như những căng thẳng mệt mỏi cũng vơi đi phần nào.


    Đêm liên hoan văn nghệ chia tay trường thật cảm động. Tiếng đàn, giọng hát vút cao mà mang một chút trầm buồn như lòng mình dành cho các bạn đã ra đi làm nghĩa vụ với Tổ quốc, có người không bao giờ còn dịp trở về trường cũ. Cô bạn “cây văn nghệ” của lớp 10 vừa ngâm thơ vừa khóc. Những câu thơ mộc mạc nói về quê hương cứ đau đáu mãi trong lòng tôi dù đã mấy chục năm rồi...


    “Ai ơi cà xứ Nghệ

    Càng mặn lại càng giòn

    Nước chè xanh xứ Nghệ

    Càng chát lại càng ngon.

    Ông đồ xưa xứ Nghệ

    Càng dạy chữ càng nhiều

    Tính tình người xứ Nghê

    Càng biết lại càng yêu...”

    Nguyễn Minh Nguyệt

    Ký ức tháng tư
    Ký ức tháng tư
    Ký ức tháng tư
    Ký ức tháng tư
  9. Đã hai mươi năm. Tháng tư với những bông loa kèn trắng muốt tinh khôi, những mơ màng trong trẻo, những con đường thơ mộng, ngơ ngác trong sắc nắng ban mai, như một sự e ấp dịu dàng của người thiếu nữ đang độ xuân thì. Một chút mong manh, một chút thanh tao và có một chút bâng khuâng nhung nhớ không nói nên lời mà cứ thấm, cứ thấm vào ký ức, vào miền kỷ niệm. Giờ đây chỉ còn là những thước phim nhạt nhoà trong tôi.

    Thay vào đó là cái nắng gay gắt chói chang của đất phương Nam. Với những tiếng sấm ì ầm báo hiệu cơn mưa mùa hạ sắp bắt đầu. Sự oi nồng làm cho ta có cảm giác ngột ngạt, bức bối như muốn bứt tung cái gì đó vô hình, đang kìm kẹp, đang đè nén, thử thách sự chịu đựng giới hạn trong lòng người.

    Đầu hạ như một người tình đỏng đảnh, nóng lạnh thất thường, có đủ cả cung bậc cảm xúc hỉ - nộ, làm cho kẻ si như quay cuồng trong mớ bong bóng mù khơi, chằng chịt tơ giăng mờ mịt lối đi.

    Khi cơn mưa trút xuống vạn vật như hồi sinh, sau những ngày héo úa tàn tạ khô cằn. Giàn sử quân tử vốn sức sống mãnh liệt và mạnh mẽ đến vậy cũng vàng úa, rũ lá rũ bông đợi chờ mưa móc. Bóng cây ngọc lan trước sân cũng chẳng còn vươn rộng xanh tươi, khó nhọc trở mình, uể oải quang hợp. Tất cả sự sống trước cơn mưa đầu tiên như ngưng tụ, đặc quánh và khó tính như người phụ nữ trong cơn chuyển dạ.


    Tất cả hồi hộp nghẹt thở chờ đợi tiếng lộp độp của cơn mưa, như người đàn bà chờ đợi lời tỏ tình, với bao khát khao hy vọng, như thế gian được ban phát sự nhiệm màu, món quà lớn lao của mẹ thiên nhiên ban tặng. Như kẻ đang chết khát giữa sa mạc tìm được suối nguồn.


    Tất cả như để ta cảm nhận giá trị lớn lao khi được hồi sinh, được tươi trẻ, nó khoan khoái đến tột cùng. Tất cả những héo úa, cùng bùng lên sức sống, vạn vật hoan ca. Cảm xúc vỡ oà trong tiếng mưa rơi, nhân gian lại dịu dàng, duyên dáng như người con gái mười tám đôi mươi. Một bản nhạc giao mùa với những cung bậc cảm xúc thăng trầm. Ôi tháng tư với tất cả đổi thay. Tâm hồn ta như được vuốt ve được vỗ về trong cơn mưa đầu hạ. Mọi thứ nhẹ nhàng hơn và lại cho ta mơ về một chút yêu thương một chút xuân nồng.


    Nguyễn Thị Mai Diệp

    Đỏng đảnh tháng tư
    Đỏng đảnh tháng tư
    Đỏng đảnh tháng tư
    Đỏng đảnh tháng tư
  10. Xuân ngẩn ngơ cánh đào phai
    Mộc miên rụng xuống giêng hai cũng tàn
    Nàng Bân níu kéo trần gian
    Mưa phùn chẳng kịp ngồi đan áo chồng

    Đầu nhà tím cả sầu đông
    Sáng nay nắng ửng má hồng tháng tư...


    Khi những cánh én bần thần chao liệng cuối ngày rồi đột nhiên vội vã chở xuân đi, mang theo cả những cánh đào phai đã rữa nhụy dưới làn mưa phùn lây rây trong cái se se của bầu trời thiếu nắng, thì cũng là lúc những cây sầu đông nở rộ. Những cánh hoa li ti, xinh xắn vương đầy mặt đất ẩm ướt, mặt cỏ long lanh ngân ngấn những giọt mưa đọng lại chiều qua như còn muốn níu giữ hồn xuân, thì sáng nay tất cả như bừng tỉnh, khi đâu đây trên vòm lá xanh non ríu ran tiếng chim gọi bầy. Những tia nắng mỏng manh rơi qua kẽ lá âm thầm rơi xuống đất. Bóc tờ lịch cuối cùng của tháng Ba giấu vội như bà lão xé vỏ thị của cô Tấm vì chỉ sợ nồm ẩm thương nhớ quay về.


    Tháng tư, những chồi non đã cựa mình trong lòng đất tự bao giờ, nay như hớn hở reo cười trong nắng mới. Ban mai trong lành của hoa lá, của tiếng chim, của những cánh bướm đủ màu sắc, giũ nhẹ hơi nước đang dập dờn phụ họa cho bản giao hưởng chào đón bình minh mới. Tất cả đều hân hoan, rạng rỡ.

    Tháng tư, ta chợt mênh mang về một vùng hoài niệm. Đó là tuổi thơ lũn cũn cùng mùi thơm của bát cám rang trộn nước cho sền sệt làm thính rồi xách đèn chai theo cha đi cất vó đêm trong tiếng ếch nhái kêu vang, tiếng lũy tre lúc rì rào như kể chuyện, khi kẽo kẹt như dọa nạt. Chiếc rá đậy dăm ba cành tre lách tách tiếng búng càng của lũ tôm háu ăn đêm. Để rồi sau vài vòng cất vó của cha, đôi mắt lờ đờ cùng cơn buồn ngủ, ngon lành nhè nhẹ thở trong lời ru của gió, của vầng trăng cổ tích mà mỉm cười.


    Tháng tư, trong chiếc thúng của mẹ mang về từ chợ quê, những con thú bằng bột rán vàng, chơi chán rồi ăn được. Tò mò lật mở cái bị cói đậy ra, thế nào trong thúng cũng chục hoa loa kèn mà mẹ bảo, mua về để cúng hè. Những cánh hoa vẫn còn chúm chím trong chiếc nụ màu xanh thiên lý nhạt, ngày mai thôi sẽ bung ra trắng muốt cùng những tơ nhị vàng đầy phấn.

    Tháng tư về, đất trời như vẫn còn ngái ngủ trong nắng sớm, lòng người như rộng rãi hơn, chứ không còn chật chội mùa mưa phùn, nhẹ nhàng trong lớp áo mỏng cùng những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ.

    Tháng tư, ta nhớ em.


    Cậu Tú

    Chào em - tháng tư
    Chào em - tháng tư
    Chào em - tháng tư
    Chào em - tháng tư



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy