Top 8 Tản văn viết về ngày nhà giáo Việt Nam 20 - 11 hay nhất

Phương Kem 2043 0 Báo lỗi

Ngày Nhà giáo Việt Nam (hay Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam) là một ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20 tháng 11 tại Việt Nam. Đây chính là lễ ... xem thêm...

  1. Top 1

    Tản văn về ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

    Cứ mỗi lần tháng 11 ùa về, đến cái ngày mà cả một năm mới có một lần để nhắc học trò nhớ về thầy cô của mình, nhắc đến ngày Nhà Giáo Việt Nam thì mọi ký ức của thời học sinh lại ùa về. Nhớ những lời căn dặn, những cái vỗ vai, hay cả những lời răn đe nghiêm khắc của thầy cô khi học trò mắc phải lỗi.


    Thầy cô là người luôn dành tất cả mọi yêu thương cho đứa học trò của mình, kể cả những đứa học trò mà luôn làm mình phát bực la lớn lên và mời đi ra khỏi lớp. Thậm chí có thể là đình chỉ học môn đó một tuần cũng có.


    Thầy cô là người luôn phải chịu đựng bởi bao trò tai quá mà những đứa học trò gây ra, hay thường là những vị cứu tinh của những học sinh bị bắt nạt. Có thể nói thầy cô như là những thần tượng của học trò, hay là người cha, người mẹ thứ hai vậy.


    Thầy cô là người đã dạy con nét chữ đầu tiên để rồi sau này, khi con lớn hơn một chút, con mới hiểu sự ân cần của cô, khi cầm tay con uốn từng nét chữ không chỉ đơn thuần là dạy con biết viết, mà nết người của con cũng bắt đầu từ những nét chữ A,B,C. Là người mà phải thức cả đêm để viết lại và cảm nhận bài văn thầy phê “cảm nhận còn hời hợt” bằng tất cả tình cảm, vốn sống của mình. Tất cả những gì thầy cô làm là chỉ mong học sinh của mình sẽ tốt hơn, trưởng thành hơn.


    Nhớ ngày 20/11 năm xưa chắc ai cũng trải qua cái thời mà đòi mẹ phải mua quà để đi tặng thầy cô cho bằng được nhưng nỗi khổ là không dám đi một mình, lần nào cũng phải mẹ kè kè đi, lúc đó nhỏ có biết nói gì đâu thấy bạn đi mình cũng đi cho bằng được. Quà 20/11 lúc xưa cũng chỉ là dầu gội, bột ngọt, sữa hay cuốn sổ và cái bút, nhà có điều kiện hơn thì xấp vải cho thầy cô may đồ để đi dạy. Lớn lên chút thì đã biết đường đi mua quà cho thầy cô, nhưng đến lúc tặng thì run cầm cập, gặp thầy cô ở trường suốt không sao cả nhưng mà gặp riêng thầy cô thì không dám đến. Nhớ lúc đi tặng quà thì vừa vào phòng, thấy thầy cô là tặng cho thầy cô rồi nói một câu ngắn gọn: "Mừng Cô (Thầy) 20 tháng 11" rồi chạy cái vèo ra ngoài, để thầy cô phải chạy ra gọi học trò quay trở lại ngồi chơi, nhưng cũng chỉ ngồi được 5 phút rồi "Cô (Thầy) cho em xin phép". Đến hôm sau vẫn còn không dám gặp thầy cô.


    Lớn lên rồi học cấp 3, ngày 20/11 được xem như là một ngày học nhẹ nhõm của học sinh thì phải - theo tôi nghĩ như thế. Vì ngày 20/11 thường thì thầy cô khuyến mãi không dò bài, học sinh cũng không phải thấp thỏm vì cái giờ dò bài như thường ngày. Đôi khi thì còn được nói chuyện phiếm và nghỉ học luôn môn đó, thường thì lớp trường đại diện lớp tặng hoa cho thầy cô rồi thôi, xong cái ngày 20/11. Nhưng cái ngày 20/11 không phải thầy cô vui vì được nhận hoa và quà của học trò thôi, thầy cô vui vì thấy rằng những đứa học trò của mình đã lớn khôn hơn, thầy cô khi thấy những thành quả của mình tốn bao công sức tâm huyết đạt được thành quả, đó là điều mà làm cho thầy cô tự hào nhất trong đời làm nhà giáo của mình.


    Không biết ngày 20/11 của bạn như thế nào nhưng của tôi là một ngày đầy cảm xúc, tuy đi làm xa không thể tới thăm thầy cô được, nhưng không khi nào thầy cô không nhớ tới tôi. Lúc tôi gọi điện thoại chưa kịp nói tên mình thì thầy cô đã nhận ra tôi trước, tôi vui mừng và đôi khi là bật khóc, cho dù lúc đi học tôi có phá, có quậy nhất lớp thì thầy cô vẫn nhớ và cười phì nói: "Thằng học trò phá nhất lớp của cô nay làm ở đâu rồi, có khỏe không? Năm nay cho gọi điện thoại nhưng năm sau phải về nhà thăm cô đấy nhé!!!". Trải qua biết bao lứa học trò, bao nhiêu năm nhà giáo mà thầy cô vẫn nhớ học trò của mình chứng minh một điều là thầy cô luôn dành mọi tâm huyết cho những đứa học trò nhỏ bé, dù có hay nghiêm khắc với mình đi chăng nữa thì cũng dễ hiểu là thầy cô chỉ muốn điều tốt nhất cho mình mà thôi. Chắc điều đó ai cũng cảm nhận được như tôi, vì nếu không có những điều như thế thì bạn có thể thành công hay sống tốt hơn như hiện nay để còn ngồi đọc những dòng tốt viết đây.


    Lúc ngồi viết những dòng này thì nhớ lại những trò tai quái của mình đã mang đến cho thầy cô... Sao có thể làm những trò ấy nhỉ, nhưng mà thôi "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" mà, nhưng dù gì thì cũng mong ngày 20/11 sắp đến, hãy bỏ một chút thời gian nếu như được hãy đến thăm thầy cô, thầy cô sẽ không quên bạn đâu, nhưng nếu không được thì hãy dành cho một cuộc điện thoại chỉ năm, mười phút thôi. Đừng chỉ gửi một cái hình lên mạng Xã hội cho thầy cô và kèm theo dòng ngắn ngủn: "Mừng 20/11, chúc Thầy (Cô) có ngày lễ vui vẻ" là thôi.


    Xin cảm ơn những thầy cô đã dìu dắt con từ những ngày đầu tiên học lễ, hậu học văn. Những yêu thương, trân trọng và thành kính nhất là tất cả những gì con muốn những người cô thầy đã dạy dỗ con nên người. Chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để mãi mãi vun đắp cho sự nghiệp trồng người.


    Vũ Nguyễn

    Tản văn về ngày nhà giáo Việt Nam 20-11
    Tản văn về ngày nhà giáo Việt Nam 20-11
    Tản văn về ngày nhà giáo Việt Nam 20-11
    Tản văn về ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

  2. Top 2

    Kỷ niệm ngọt ngào

    Tôi yêu những ngày 20- 11, yêu những năm tháng sinh viên ngắn ngủi nhưng giàu ước mơ, nhiều khát vọng. Đó là những năm tháng tôi được sống hết mình, được làm việc, được hoạt động bằng cả sức mạnh và lòng nhiệt tình của tuổi trẻ. Đó cũng là những năm tháng với bao buồn vui trong vòng tay bè bạn mà mỗi khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11, ký ức lại ùa về trong tôi bao kỷ niệm ngọt ngào.


    Năm vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi còn khù khờ và khép mình lại với tất cả mọi chuyện xung quanh. Chẳng quen ai, chẳng chơi bời gì, cứ lầm lũi đến giảng đường như một con rùa bò quanh xó cửa. Ngày 20-11, đứa bạn trong Đại học Sư phạm Huế gửi ra cho tôi một tấm thiệp và ba phong kẹo cao su để giúp tôi "gặm nhấm" nỗi buồn khi nằm dài ở nhà. Cũng thật lạ, cái không khí náo nức, nhộn nhịp ở trường trong cả tháng trời cũng không đủ sức cuốn hút đối với tôi.


    Năm đầu tiên


    Buổi tối 20 - 11, mấy phòng nữ bên cạnh, bạn bè tấp nập đến chúc mừng, chuyện trò rôm rả làm tôi không thể học bài hay nằm ngủ được, đành lôi thằng bạn cùng phòng đi lang thang. Hai thằng vừa sà xuống hàng chè thì có tiếng gọi. Cô em kết nghĩa học cùng trường và sáu đứa bạn gái của nó hình như cũng đồng cảnh ngộ với chúng tôi. Chín cốc chè được mang ra và vơi đi nhanh chóng. Hai thằng chợt giật mình, tái mặt nhìn nhau vì chẳng thằng nào mang tiền theo. Tôi phải gọi thêm cho mỗi người một cốc chè nữa để thằng bạn cùng phòng chạy nhanh về lấy tiền. Cũng may, đây là cốc chè thứ hai nên hầu hết đều đã ngán, ăn rất chậm. Tôi nhấp nhổm không yên trong khi thằng bạn đã về hơn nửa tiếng, mà đêm đã khuya, hơn 10 giờ rồi nên bà hàng chè cũng lục tục xếp lại những chiếc ghế thừa xung quanh và đợi bọn tôi thanh toán để dọn hàng. Lũ con gái bỏ dở cốc chè, đòi về nhưng tôi không nghe. Tôi cố nghĩ ra liên tiếp những câu chuyện để cuốn hút mọi người. Không hiểu sao lúc ấy tôi có thể bịa chuyện tài đến thế. Nhưng chỉ được hai mươi phút sau, bọn chúng quyết định đứng dậy về. Mặt tôi lúc ấy nhăn nhó, méo xệch đi một cách tội nghiệp. Không biết bọn nó có đoán ra ý đồ của tôi không mà có đứa tranh trả tiền chè. Tôi chỉ biết đứng thộn mặt ra nhìn. May sao đúng lúc ấy ông bạn vàng của tôi xuất hiện. Cả bọn cùng nhau cười phá lên khi biết chuyện làm cho bà hàng chè cũng bụm miệng cười, khuyến mãi cho một nghìn mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn giữ tờ một nghìn ấy để làm "kỷ vật".


    Năm thứ hai


    Tôi còn nhớ năm ấy, ngày 20 - 11 trời lạnh lắm. Nhưng cái lạnh ấy không khốn khổ bằng việc tôi đang "móm" nặng, đã phải ăn cơm nếp trừ bữa gần một tuần do không còn tiền mua gạo tẻ và thức ăn nữa. Cũng may là khi ở quê lên tôi mang được một ít gạo nếp nên mới có mà ăn. Đã vậy, tôi lại có quá nhiều bạn bè học sư phạm. Nếu chỉ tính lũ bạn gái thân thân cũng đến gần chục đứa. Lại thêm hai dãy nữ bên hàng xóm mời tối nay sang dự liên hoan. Cực chẳng đã, tôi quyết định cầm đồ con ngựa sắt quý giá của mình, vì nó là tài sản lớn nhất của tôi lúc bấy giờ. Lần đầu tiên đi cầm đồ, tôi rất ngại nên không dám vào những hiệu cầm đồ mọc nhan nhản ở đường Cầu Giấy vì sợ bạn bè nhìn thấy. Tôi đạp xe ra tận Khâm Thiên. Đang trình bày với chủ hiệu thì tôi giật mình bởi một tiếng gọi khá quen. Tôi sững người lại khi nhận ra P., cô bạn gái khá thân thiết đang học khoa Du lịch - Viện Đại học Mở. Lúc ấy, tôi tự trách mình nhiều lắm vì mấy lần P. mời đến nhà nhưng tôi đều từ chối nên bây giờ mới ra nông nỗi này. P. bắt tôi mang xe về và cho tôi mượn một ít tiền mà mãi tôi mới dám cầm. Rồi cứ đạp xe lang thang khắp nơi, suy nghĩ lung tung cho tới 10 giờ đêm tôi mới trở về nhà trọ. Tôi cũng không ngờ là lúc ấy hoa cực kỳ rẻ, rẻ hơn nhiều so với hoa ngày thường, gần như là cho không vậy. Chả bù cho hôm qua, hôm kia, hoa đắt gấp năm, sáu, thậm chí là mười lần so với ngày thường. Tôi mua cả một ôm và gần như là đi phát chứ không phải là tặng nữa. Khi những người bạn của tôi thò cổ ra cửa, tôi vội vã giúi hoa vào tay với lời chúc: "Chúc 20 - 11 hạnh phúc" rồi chạy đi. Không ngờ lại gây ấn tượng đến nỗi sáng hôm sau, nhiều bạn cho rằng tôi có cách tặng hoa độc đáo nhất.


    Năm thứ ba


    Ngày 20 - 11 năm thứ ba, những đứa bạn thân của tôi đều đã có người yêu cả nên chúng nó đi chơi từ sớm. Tôi biết vậy nên cũng chẳng đến thăm đứa nào và cũng không muốn để chúng nó đến thăm mình nên quyết định đạp xe lang thang khắp nơi.


    Một lúc, tôi quay về bờ hồ Thủ Lệ, phía đường Ngọc Khánh ngồi một mình. Bất ngờ một đống giấy vụn trùm lên người tôi và những tiếng cười của lũ con gái: "Chúc mừng "sếp" nhân ngày 20 - 11". Bốn thành viên của Câu lạc bộ Tình Nguyện Trẻ quận Cầu Giấy do tôi quản lý xuất hiện tặng hoa và bày bánh kẹo ra, tổ chức liên hoan tại chỗ. Buổi liên hoan rất vui vẻ, kéo dài tới 11 giờ đêm. Tôi phải đưa từng đứa một về nhà để giải thích với các bậc phụ huynh. Cũng may, nhà bốn "nữ yêu" khá gần và các phụ huynh cũng hết sức thông cảm nên không gặp trở ngại gì. Khi tôi đưa "thần dân" cuối cùng về tới nhà thì đã 12 giờ đêm. Cha mẹ nàng đang đứng cổng chờ. Thấy chúng tôi xuất hiện, mẹ nàng mắng té tát vào mặt tôi, còn ông bố cứ nhìn tôi chằm chặp như nhìn một tên tội phạm. Tôi lúng túng giải thích mãi, ông mới bảo bà yên lặng nghe tôi nói. Khi biết tôi là sinh viên Sư phạm, ông vỗ vai thân mật: "ồ, đồng nghiệp". Mọi người vui vẻ trở lại. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ông bà tiễn tôi một đoạn, còn mời qua lại chơi. Thật là một phen hú vía.


    Thấm thoát thế mà những năm tháng sinh viên đã tuột khỏi tầm tay. Những ngày 20- 11 trong quãng đời sinh viên của mình, tôi đều phải lang thang trên những con phố thân quen để rồi nhận được những tình cảm nồng hậu, thân thương của bạn bè, để rồi giữ lại cho mình những kỷ niệm đẹp đẽ và ngọt ngào. Bây giờ, tôi đã là một thầy giáo, những kỷ niệm đó sẽ giúp tôi vượt lên chính bản thân mình để yêu nghề hơn, để làm một người thầy tốt.


    Hoàng Trọng Muôn

    Kỷ niệm ngọt ngào
    Kỷ niệm ngọt ngào
    Kỷ niệm ngọt ngào
    Kỷ niệm ngọt ngào
  3. Top 3

    Miên man bụi phấn

    Tháng Mười Một đã đi được quá nửa chặng đường. Cơn gió heo may đã dần nhạt để nhường chỗ cái rét đầu Đông bắt đầu len lỏi khắp nơi. Ánh nắng không còn trải vàng như mật nữa mà thay vào đó là khung cảnh đặc trưng của mùa Đông: bầu trời như sà xuống thấp hơn, ánh nắng mặt trời không phóng khoáng như mùa Hạ, mùa Thu, con người như xích lại gần nhau hơn để sẻ chia hơi ấm của cuộc đời…


    Và trong cái không gian âm trầm, sâu lắng đó, bên tai ta lại vẳng lên những giai điệu nhẹ nhàng, da diết và trĩu nặng yêu thương trong ca khúc “Bụi phấn” - một bài hát quen thuộc nhất về người thầy mà bất kỳ ai khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng đều thuộc lòng:


    “Khi thầy viết bảng/Bụi phấn rơi rơi/Có hạt bụi nào/Rơi trên bục giảng/
    Có hạt bụi nào/Vương trên tóc thầy…”.


    Ta cùng ngược dòng thời gian để trở về với những ký ức xưa cũ của những năm tháng tuổi thơ. Khi còn là những cô, cậu học trò hồn nhiên, vô tư, trong trắng, cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bài hát “Bụi phấn” lại vang lên trong chương trình văn nghệ của nhà trường. Càng nghe, ta như càng đắm chìm trong không gian mênh mang tình yêu thương, chở che của thầy cô. Hình ảnh người thầy tóc bạc vẫn cần mẫn truyền đạt kiến thức, chắp cánh ước mơ để ta bay cao hơn, xa hơn trong cuộc đời vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí chúng ta, dù ta có đi khắp chân trời, góc biển nào.


    Có thể nói, trong cuộc đời mỗi con người, nếu như cha mẹ là hai đấng sinh thành, có công lao nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành thì thầy cô giáo lại là những người dạy cho chúng ta biết mặt con chữ, biết thế nào là lời hay lẽ phải, biết đối nhân xử thế, là người truyền thụ kiến thức và dìu dắt chúng ta nên người. Thầy cô giáo thường được ví với hình ảnh của những người lái đò không biết mệt mỏi, suốt cuộc đời làm nghề đã đưa biết bao thế hệ học sinh chúng ta sang sông - dòng sông tri thức. Đó là những “Người đưa khách sang sông, đưa khát vọng vào bờ”.


    Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi cũng đã trải qua vài lần được ngồi trên ghế nhà trường quân đội. Với tôi, người thầy trong các học viện, nhà trường quân đội có sự khác biệt với bên ngoài bởi họ mang trong mình hai niềm vinh dự và trọng trách lớn, đó là “Người thầy - Người lính” - một hình ảnh đẹp và rất đỗi thân thương với biết bao thế hệ học viên.


    Những người thầy, người cô khoác trên mình bộ quân phục đĩnh đạc, áo vương màu bụi phấn ấy vẫn thủy chung, gắn bó, cống hiến cho cuộc đời binh nghiệp và sự nghiệp giáo dục thật đáng trân quý biết nhường nào.


    Ngày qua ngày, các thầy cô đứng trên bục giảng say sưa truyền thụ những kiến thức, kinh nghiệm cho các thế hệ sau của mình. Thầy và trò đều là quân nhân, tính kỷ luật trong Quân đội, sự chính quy, nền nếp càng làm cho bài giảng chỉn chu hơn, sâu sắc hơn và cô đọng hơn. Mỗi tiết học trên giảng đường là cả một khoảng trời kiến thức. Giọng nói trầm ấm, chứa chan tình đồng đội của thầy cô đã chắp cánh cho những ước mơ của các cô cậu học viên bay cao hơn, bay xa hơn. Có biết bao thế hệ học viên đã được ươm mầm và trưởng thành vững bước đi lên từ chính những mái trường thân yêu này. Đó không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức khoa học, tri thức, văn hóa của xã hội, đất nước mà còn là nơi định hướng cho những học viên biết tư duy, biết phản biện, truyền cho họ niềm đam mê tìm tòi, nghiên cứu và khám phá những chân trời khoa học tri thức. Những học viên sau khi tốt nghiệp đã mang những kiến thức quý báu đó tỏa về các cơ quan, đơn vị trong toàn quân để làm việc, học tập và có chỗ đứng vững chắc trong xã hội, có những thành công rực rỡ trong sự nghiệp của mình. Sự cố gắng, nỗ lực đó của các thế hệ học viên đã cùng nhau xây dựng Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” và góp phần tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.


    Tất cả những điều đó chỉ muốn nói lên một điều rằng, công lao trời biển của thầy cô giáo nói chung và những giáo viên trong môi trường quân đội là vô cùng to lớn. Công lao đó chúng ta không thể nào quên. Sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện bản thân trong cuộc sống, công tác để đạt được thành tích, kết quả cao - đó mới chính là sự tri ân với những tình cảm, kỳ vọng mà thầy cô giáo đã dành cho chúng ta.


    Và hình ảnh bụi phấn rơi trên bục giảng, đậu trên tóc thầy vẫn luôn in dấu trong trái tim ta…


    Mạnh Thường

    Miên man bụi phấn
    Miên man bụi phấn
    Miên man bụi phấn
    Miên man bụi phấn
  4. Top 4

    Viết cho những người cầm phấn

    Tháng mười một đã về tự khi nào trên từng cành cây, ngọn cỏ và trong cả những giọt nắng rớt vội vàng trên sân trường sau những ngày mưa mùa dai dẳng. Những khóm cây hồng lộc cố ngoi những chồi non mơn mởn như uống lấy chút hơi ấm giữa những ngày đông giá rét, ẩm ương. Bầy chim sẻ trốn biệt ở đâu những ngày mưa giờ đã về đậu trên mái ngói ríu ra ríu rít thứ ngôn ngữ của giống loài mình. Tháng mười một về trên những bước chân vội vàng của các cô cậu học trò cho kịp kiến thức vì những ngày nghỉ dài do dịch bệnh. Tháng mười một rớt rơi trên tà áo dài của các cô giáo trẻ đang nhè nhẹ bước giữa sân trường trong tiết trời nắng đẹp. Với những người trải qua gần cả cuộc đời mình cùng những thăng trầm của cái ngành được cho là trồng người, họ thêm chút xuyến xao khi tháng mười một dần vơi đi trong lốc lịch treo ở trên tường để được đón một ngày dành cho riêng mình.


    Tôi ngồi nghỉ hơi giữa hai tiết dạy nhìn ra phía sân trường mà thấy một chút buồn man mác, vô cớ xâm chiếm lấy lòng mình. Mãi mê với những giờ giảng cả sáng lẫn chiều cho kịp chương trình mà chẳng để ý cái ngày dành riêng cho ngành giáo dục sắp cận kề. Ngày xưa khi mới vào ngành, cả thầy và trò ai cũng háo hức trông đợi cái ngày mà người ta gọi là “tết thầy cô” này. Trên mọi nẻo đường khi sắp đến ngày 20/11, đâu đâu cũng thấy hoa. Hoa ngập tràn sân trường, hoa ngát hương trên từng lớp học. Những tấm bưu thiếp chúc mừng nhận từ học trò phương xa xếp đầy trong những trang giáo án còn đang soạn dang dở. Những món quà bé con ấy lại có sức lan tỏa năng lượng hơn bất kỳ thứ vật chất cao sang nào. Nó làm ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng mỗi thầy cô giáo ngày ấy thêm bùng cháy. Nó sưởi ấm thứ tình cảm thiêng liêng nhất dưới những mái trường, tình thầy – trò. Những người đứng trên bục giảng giàu tri thức nhưng nghèo vật chất cảm thấy mình được tôn vinh, được an ủi phần nào trong những tháng ngày chật vật lo áo cơm.


    Còn nhớ căn hộ tập thể ọp ẹp nắng rọi, mưa dột ngày ấy không đủ sức chứa bao lớp học trò nên tôi và anh bạn độc thân cùng phòng trốn biệt từ sáng sớm trong cái ngày dành cho riêng mình. Khi về lại, chiếc bàn gỗ gãy chân kê sát cửa sổ ngập tràn hoa. Có cả những món quà “bí ẩn” kèm tờ giấy ghi chú “ thầy ơi mở gấp”, “ thầy ơi cẩn thận kẻo đổ”... làm chúng tôi tò mò mở ra trong hồi hộp. Chồng bánh xèo được gói bằng miếng lá chuối hơ qua lửa còn dậy mùi thơm phức. Ly cà phê tự chế được bao bọc cẩn thận ngạt ngào hương. Mớ củ khoai mỳ luộc cùng mấy miếng dừa kèm theo tờ giấy chúc mừng có vẽ mặt cười thật dễ thương... Chúng tôi ngồi hàn huyên nhâm nhi hàng giờ những món quà giản dị, mộc mạc mà dư vị của nó cứ còn mãi âm ỉ trong suốt những tháng ngày làm thầy. Vật chất xa hoa không thể nào đánh đổi thứ tình cảm thuần khiết ấy được.


    Đang miên man trong miền ký ức của những ngày dành riêng cho nhà giáo mà mình đã trải qua trong đời, cô em cùng tổ dạy như đọc được tâm trạng của ông anh đồng nghiệp trêu vội mấy câu thơ:


    “Đã mang lấy nghiệp vào thân
    Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa”


    Thân phận của những người giáo viên bây giờ còn kém xa “ông giáo Thứ” trong “Sống mòn” của Nam Cao ngày xưa thì chỉ có ông vô tri vô giác trên cao xa kia mới là nơi để họ than thân trách phận trời ạ! Thương những thầy cô giáo già đã mang lấy nghiệp cống hiến thêm chút suy tư mỗi khi ngày hiến chương nhà giáo đến gần. Ngày này như một nhịp nghỉ ngắn ngủi trong bản nhạc dài mà họ phải ra rả ca trong suốt cả năm học để họ dừng bước đếm lấy số năm đứng trên bục giảng trôi qua trong cuộc đời mình. Nhìn những đôi bàn tay nổi sần sùi vì dị ứng với bụi phấn trong những ngày đông giá lạnh của cô giáo gần ba mươi năm trong nghề thấy mà thương. Mân mê những ngón tay chai sần của anh bạn đồng nghiệp còn vài hôm nữa là về hưu thấy mà xót. Những đôi bàn tay góp phần nắn nên những con người có ích cho xã hội đấy. Họ sống kiếp con tằm một khi chín đỏ chỉ biết nhả những sợi tơ óng mượt cho đời rồi chờ đến một ngày hóa kiếp. Thương thay có những nhà giáo đổ gục trên bục giảng bởi những căn bệnh quái ác vì cả một đời hít bụi và lao lực khi đích đến không còn xa. Những người thầy, người cô cứ tưởng được an nhàn sau khi “rửa tay gác phấn” lại trải qua những ngày khổ đau nơi bệnh viện để trị bệnh. Thế mới biết có mấy ai trong số những nhà giáo đang đứng trên bục giảng cao quí kia lại muốn con mình nối nghiệp? Cũng chẳng đứa con nào muốn theo nghề khi thấy ba mình, mẹ mình thức đến tận khuya hàng đêm để soạn bài, chấm bài và làm vô vàn những thứ linh tinh khác chẳng có lấy thời gian ngơi nghỉ.


    Xin đừng bắc “những chiếc cầu kiều” lộng lẫy trong ngày 20/11 vì nhà giáo chúng tôi quen đi dép tổ ong không hợp cho lắm. Xin đừng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vì chúng tôi dạy cả cuộc đời của mình lận. Cũng đừng cho chúng tôi làm người lái đò cầm nắm sinh mệnh của biết bao người khi sang sông, điều mà vượt ngoài khả năng của những nhà sư phạm bình thường. Cũng xin đừng gọi chúng tôi là những người “gõ đầu trẻ” vì chẳng bao giờ dám động tay động chân đâu. Giờ muốn phê bình, giáo dục một học trò ngổ nghịch, ương bướng cũng không được làm trước lớp cơ đấy. Giáo viên giờ chẳng khác gì những người “thợ dạy” thực hiện những chương trình, sách giáo khoa thay đổi đến chóng cả mặt. Những nhà giáo chúng tôi cũng chẳng mong nhận những mỹ từ tốt đẹp trong ngày dành cho mình mà chỉ mong sao có được sự bình yên để cống hiến. Những chứng chỉ, thăng hạng, nâng bậc, nghiệp vụ, thanh tra đã làm chúng tôi quá kiệt sức rồi.


    Sự an ủi lớn nhất trong đời đối với những người theo nghiệp cầm phấn là còn đó những đứa học trò dễ thương, đáng yêu. Chúng là những nốt nhạc vui trong bản sonate nhiều chương hồi mà người nghệ sĩ bục giảng nhìn vào đó tung tẩy để tạo ra những âm thanh tuyệt diệu. Chính những đôi mắt tròn xoe, những khuôn mặt ngây thơ chưa vướng chút bụi trần đã giằng giữ bao người thầy, người cô trụ lại với nghề. Họ hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình mà cõng chữ lên non cao bất chấp bao gian lao. Xin được vinh danh họ bằng những lời ca tụng tốt đẹp nhất trong ngày nhà giáo. Nhìn bao lớp học trò bên trang giấy trắng như tâm hồn, người nghệ sĩ đứng trên bục giảng cứ như được cháy hết mình. Mai đây trên vạn nẻo đường đời,các em cũng sẽ có đôi lần nhìn lại mà nhớ về nơi mình đã tung cánh bay, nhớ về những con người hy sinh thầm lặng trong ngày đặc biệt dành cho họ. Chỉ vậy thôi cũng đủ ấm lòng rồi.


    Tiếng trống trường lại vang lên trả mọi thứ đang lao xao xung quanh về với tĩnh lặng. Thầy và trò lại hối hả, miệt mài cùng sách vở. Tháng mười một năm nay cũng lặng lẽ trôi đi khi mà nhiều trường học đến giờ vẫn chưa được mở cửa trở lại. Dịch bệnh vẫn cứ rình rập chực chờ ngoài cửa lớp tìm chút sơ hở là tấn công ngay. Bao lớp học phải cách ly, bao trường học mở cửa đón học sinh rồi lại phải đóng cửa. Sự học diễn ra cả mấy tháng rồi nhưng thầy trò nào có biết mặt nhau đâu khi khẩu trang trùm kín mặt. Chỉ có những đổi thay của đất trời làm cho ta thêm chút xao động, làm cho bao lớp học trò thêm chút luyến lưu. Chúng ta – những người cầm phấn tự động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Xin được gởi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả thầy cô giáo trong ngày mà xã hội dành riêng cho mình.


    Bùi Duy Phong

    Viết cho những người cầm phấn
    Viết cho những người cầm phấn
    Viết cho những người cầm phấn
    Viết cho những người cầm phấn
  5. Top 5

    Viết cho tháng 11

    Vậy là tháng 11 lại về!


    Cái tháng mang đầy ý nghĩa với bao lứa tuổi học trò, với những ai làm nghề giáo dục; đặc biệt những người đang trực tiếp hàng ngày đứng trên bục giảng lớp học và được học trò gọi bằng từ ngữ nhân xưng trân trọng: Thầy - Cô. Cho dù xã hội có thay đổi như thế nào, vật đổi sao dời đi chăng nữa thì hai tiếng yêu thương đó vẫn luôn đong đầy ý nghĩa thiêng liêng trong tâm hồn của bao nhà giáo yêu nghề. Cái nghề vốn dĩ xưa nay luôn được xã hội tôn vinh, dẫu bây giờ có lắm nỗi nhiêu khê và những nốt lặng đáng buồn nhưng dù sao trong tôi vẫn cảm nhận được sự cao quý.


    Nghề giáo đối với tôi có duyên mà không nợ! Hơn sáu năm đứng trên bục giảng với tôi đó là một khoảng thời gian rất đẹp và mang đầy kỉ niệm. Dù trong mơ ước thuở thiếu thời ngày xưa của tôi không đam mê nghề giáo nhưng nhiều lí do đã đưa tôi đến với nghề. Rồi cái chữ Thầy cũng âm thầm lặng lẽ theo thời gian mà bồi đắp dần ý nghĩa trong tâm hồn tôi như chính sự thâm trầm, bình lặng nơi con người tôi vậy. Chỉ hơn sáu năm, khoảng thời gian đó có thể nói là quá ngắn ngủi đối với hai từ gọi là nghề nghiệp trong cuộc đời của một con người. Nhưng với tôi, cái khoảng thời gian đó sẽ luôn tồn tại mãi trong vùng kỉ niệm. Kỉ niệm ngọt ngào sẽ theo tôi trên suốt chặng đường đời còn lại, không bao giờ quên!


    Bây giờ nghề giáo chắc đã hết nợ đối với tôi, tôi đã rời xa nghề. Có thể đây là một sự chia lìa mãi mãi. Cuộc sống cơm áo, gạo tiền đang cuốn tôi vào cái vòng xoáy mưu sinh đầy khắc nghiệt! Nó đang từng ngày, từng ngày đẩy tôi đi xa bằng cuồng phong ganh đua và giành giật; đang từng ngày bào mòn, cướp mất đi tâm hồn của tôi ngày xưa. Mỗi lần nhìn lại cái khoảng thời gian chỉ hơn sáu năm đó mà hoài nhớ, mà thèm mong một góc tâm hồn yêu thương, bình lặng. Bây giờ thỉnh thoảng gặp lại một vài học trò cũ, một vài phụ huynh cũ, hay thậm chí là một vài người bán hàng cũ quen biết trước đây, họ vẫn gọi tôi bằng Thầy. Cái tiếng nhân xưng thân thương và trân trọng ấy giờ tôi nghe mà sao chạnh lòng buồn khó tả! Ngày trước đi dạy, tôi đã từng có những lúc bất mãn với nghề nhưng chính yếu đó là sự bất mãn trước những mặt trái, mặt tiêu cực, sự nhiêu khê trong cái nghề được tôn vinh cao quý. Tôi chưa từng quá bất mãn hay bất lực trước việc học trò học yếu, quậy phá,…bởi tôi cũng đã từng trải qua thời học trò nên tôi luôn tự đặt mình vào vị trí, tâm lí của học sinh để hiểu chúng chứ. Tôi hiểu rằng năng lực không phải ai cũng vốn có và phẩm chất con người phần nhiều là do cái gốc giáo dục từ gia đình, sự giáo dục từ nhà trường và ảnh hưởng không nhỏ từ môi trường sống xã hội mà nên (đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh) chứ bản chất con người không ai sinh ra vốn đã là không tốt cả. Cũng đã có vài trường hợp hi hữu học trò tức thời phản kháng và chống lại sự giáo dục của tôi nhưng rồi sau đó là sự thành tâm hối lỗi theo những cách riêng của chúng mà không phải là vì sự ép buộc nào; những lần như thế tôi cảm thấy một niềm vui và tất nhiên không bao giờ căm ghét chúng cả. Thực sự khi còn đi dạy tuy không nhiều nhưng cũng có những lúc tôi nóng giận, cáu gắt, bực bội với học sinh nhưng trong tôi chưa bao giờ có từ gọi là căm ghét, chèn ép,… với bất cứ một đứa nào. Vì vậy có lẽ học sinh không sợ tôi, nhưng bù lại tôi cảm nhận được bọn nhỏ, chúng yêu thương tôi!


    Trong quan niệm giáo dục của tôi, sự thành công của người Thầy không phải là mình đạt được thành tích, kết quả giáo dục như thế này thế nọ; mà đó là việc học trò khi đạt kết quả, thành tích như thế chúng sẽ xử sự như thế nào với bản thân, thầy cô, gia đình và xã hội? Và sau khi ra trường đời rồi, dẫu thành công hay thất bại, chúng nghĩ và nhớ về Thầy mình ra sao mà thôi. Thành công, thất bại,…bây giờ với tôi chỉ còn bỏ lại đằng sau là một vùng trăn trở và đầy hoài niệm!


    Tháng 11 đã về rồi!


    Trên khắp mọi miền Tổ quốc, ngành giáo dục lại đang ngập tràn trong bầu không khí vui tươi rộn ràng. Học sinh thì bằng những cử chỉ, việc làm và hành động, thi đua nỗ lực phấn đấu trong học tập và rèn luyện để thể hiện tấm lòng của mình đối với Thầy Cô giáo. Còn giáo viên thì phấn khởi, rạng ngời với cái tháng có cái ngày 20 mang đầy ý nghĩa mà xã hội đã dành để tôn vinh nghề nghiệp trồng người cao quý của mình. Tôi lại nhớ lại những hoạt động phong trào nô nức như tập luyện văn nghệ, làm báo tường,…cùng học trò thuở còn đi dạy; nhớ những bài hát vang lên ngợi ca người Thầy trong những ngày này: “Người Thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/ Người Thầy vẫn lặng lẽ đi về dưới mưa...”, “Thầy kể về vầng trăng trong ca dao thuở nào/ Thầy kể về cơn mưa trên đồng ruộng quê ta…”, “Một vì sao lấp lánh, về trong đêm tối vắng/ Thầy đã thắp sáng cho tôi bao ước mơ,…”,…! Những ngày tháng 11 làm lòng tôi lai trỗi dậy biết bao hoài nhớ về vùng kỉ niệm; nhớ nghề giáo, nhớ học trò và nhớ tiếng gọi Thầy trong kí ức xa xôi!


    Lưu Minh Hải

    Viết cho tháng 11
    Viết cho tháng 11
    Viết cho tháng 11
    Viết cho tháng 11
  6. Top 6

    Người đưa đò thầm lặng

    "Muốn sang thì bắc cầu kiều
    Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy".


    "Không thầy đố mày làm nên".


    Ngay từ xa xưa, ông cha ta đã thấy giá trị cao quý của nghề làm thầy, nghề dạy học. Lúc sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý”.
    Trong quan niệm của nhân gian, cả Đông- Tây, Kim- Cổ đều xem nghề dạy học là nghề “ươm mầm”, “trồng người”, hay “người chở đạo”, “người đưa đò”…


    Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tặng cho ngành giáo dục Việt Nam câu khẩu hiệu để nói lên trách nhiệm cao quý của nghề giáo:


    "Vì lợi ích 10 năm trồng cây
    Vì lợi ích trăm năm trồng người”.


    Nghề giáo đặc biệt không chỉ mang lại cho con người tri thức mà cả nhân cách để sống chân- thiện- mỹ trong cuộc đời. Giáo dục một con người không chỉ là trang bị một kiến thức tốt, vững vàng mà phải làm cho con người đó có một nền tảng về cách đối nhân xử thế, trang bị những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Nghề giáo còn là nghề tạo ra tất cả các ngành nghề khác của thế giới loài người.


    Nghề giáo và đạo lý làm thầy là cả một quá trình sự nghiệp cao quý “trồng người” của những “Kỹ sư tâm hồn”. Chặng đường khơi dậy những tâm hồn và truyền vào đó ánh sáng của tri thức lắm gian nan thử thách nhưng rất đỗi vinh quang.


    Công việc của những người thầy thầm lặng mà ý nghĩa. Thầm lặng truyền đạt tri thức nhân loại đến học trò hết lớp này đến lớp khác. Thầm lặng cống hiến cả tâm- trí đến các lớp học trò như một sứ mệnh đào tạo “hiền tài” trở thành “nguyên khí quốc gia”, góp phần tạo dựng, kiến thiết quốc gia hùng mạnh, trường tồn.


    Thầm lặng sống giản dị thanh bạch như biểu tượng của sự thanh cao, nhiều kiến văn, tấm gương sáng cho nhiều lớp học trò noi theo. Biết bao tấm lòng cao thượng, tâm hồn trong sáng, cốt cách thanh cao, khí phách của những người thầy không bao giờ chuyển lay, không bị cám dỗ bởi tiền tài, danh vọng không chỉ làm lay động thức tỉnh con người, mà còn là những tấm gương sáng ngời của những con người bình dị … giống như những câu chuyện huyền thoại đang viết lên trang cổ tích giữa đời thường.


    Khi chúng ta mở mắt chào ánh sáng bước vào cuộc sống, bắt đầu cuộc hành trình qua năm tháng tự khẳng định mình để khám phá ý nghĩa của thế giới loài người, thực hiện mọi hoài bão, ước mơ của bản thân. Và dể chinh phục hành trình đầy khó khăn này thì tri thức, kiến văn chính là hành trang của chúng ta và những người thầy chính là những người đưa đò thầm lặng đưa chúng ta tới bến bờ tương lai tươi sáng.


    Có con đường nào đến thành công mà không qua những khổ công rèn luyện, phải trải biết bao gian lao, vất vả, sự kiên trì, nhẫn nại, có cả thành công thất bại... Trong những khó nhọc, chông gai đó, chính những người thầy đã luôn ở bên, tiếp sức, thắp và giữ ngọn lửa niềm tin, ngọn lửa tri thức, với vai trò định hướng làm tròn trách nhiệm đưa từng học sinh qua sông bằng con đò tri thức. Và chính nhờ con đò tri thức đó, chúng ta có thể đủ sức trưởng thành vươn ra biển lớn.


    Thời gian chưa bao giờ dừng lại, nhân loại mỗi ngày thêm nhiều đổi mới và không ngừng tìm hiểu khám phá sáng tạo để hoàn thiện hơn cuộc sống. Nghề giáo - những người thầy vẫn kiên trì làm người đưa đò thầm lặng, như một sự cống hiến không cần bù đắp.


    Truyền thống “tôn sự trọng đạo” của người Việt Nam có từ lâu đời, được giữ gìn ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, bao biến cố của thời gian, nhưng truyền thống đó vẫn mãi được giữ gìn như một nét đẹp văn hóa của người Việt.


    Tháng năm qua đi tình cảm ấy như khoảng trời trong xanh dẫu giông tố cũng không thể làm nhạt phai, như một mạch nguồn không bao giờ cạn kiệt, nuôi dưỡng tâm hồn người dân đất Việt. Không chỉ có ngày 20/11 nhớ ơn thầy, mà người Việt Nam còn nhớ ơn như các bậc sinh thành: “Công cha - Nghĩa mẹ - Ơn thầy”.


    Hoài Hương

    Người đưa đò thầm lặng
    Người đưa đò thầm lặng
    Người đưa đò thầm lặng
    Người đưa đò thầm lặng
  7. Top 7

    Tản mạn về ngày Nhà Giáo Việt Nam

    Tháng 11. Đầu đông. Tiết trời hơi hơi se lạnh, thi thoảng vẫn còn những cơn nắng vàng dịu nhẹ hanh hao từ cuối thu. Dải mây mỏng mảnh vắt nhẹ nhàng lưng chừng không gian, làn gió đầu mùa hiu hắt khe khẽ thổi. Lá không còn xanh và mây không trôi nữa. Tháng 11 đến, lòng ta hao hao, xốn xang khi nghĩ về một ngày đặc biệt quan trọng đối với mỗi người, nhất là với lứa tuổi học trò- ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

    Thầy cô! Hai tiếng thân quen mà thiêng liêng biết mấy. Đó là những người ngày ngày thầm lặng hi sinh, lo lắng, chăm sóc cho chúng ta. Đó là những con người dù không phải ruột thịt nhưng vẫn luôn hết lòng với chúng ta như con đẻ chính mình. Họ cũng phải thức khuya dậy sớm, cần mẫn soạn từng trang giáo án cho chúng ta, giúp chúng ta có nhưng bài học hay và ý nghĩa. Không chỉ dạy kiến thức, những người cha, người mẹ ấy còn dạy chúng ta những kinh nghiệm cần thiết trong cuộc sống, giúp chúng ta nên người. Trong tâm trí mình chưa bao giờ quên lời dạy của cô giáo khi mình vào lớp một, mới chập chững bước những bước đi khám phá đầu tiên: “Tiên học lễ, hậu học văn.” Cô bảo rằng, con phải biết lễ nghĩa, biết phải trái trước sau đã, rồi mới học những thứ khác. Con vẫn nhớ như in hình bóng cô dịu dàng cầm tay con nắn nót viết từng chữ một, dáng cô cần mẫn chữa từng lỗi sai cho chúng con hay cả khi cô chấm bài. Con nhớ cả hình ảnh thầy kiên nhẫn trên bục giảng bài cho chúng con, khi chúng con không hiểu thầy lại từ từ giảng lại đến khi cả lớp cùng hiểu mới thôi.Hay cả những lần ôn thi mệt mỏi thì thầy cô cũng là người cảm thông, chia sẻ, động viên chúng con. Khi con sai thì thầy cô cũng không trách mắng mà chỉ khuyên nhủ thật nhẹ nhàng. Nhưng đối với chúng con thì những lời khuyên nhủ ấy lại sâu sắc, thấm thía biết bao.


    “Cơm cha áo mẹ chữ thầy

    Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao.”


    Thế đấy, trong cuộc đời mỗi người, thì 3 thứ quan trọng nhất chúng ta phải nhớ đến và biết ơn chính là “công cha, nghĩa mẹ và ơn thầy”. Cha mẹ sinh ra ta, cho ta hình hài, dạy ta biết nói biết cười, nâng đỡ những bước chân non nớt thơ dại đầu tiên của ta. Còn cô thầy thì dạy dỗ ta lên người, chuẩn bị hành trang, nâng đỡ mỗi bước chân ta bước vào đời. Cô thầy ! Hai tiếng quá đỗi thân quen mà lại thiêng liêng, để mỗi lần nhắc đến chúng ta lại nôn nao xúc động, để mãi đến sau này, dù cho ta có như thế nào, ở nơi đâu cũng luôn khắc ghi mãi trong tìm hình bóng thầy cô. Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11 sắp tới, em cũng xin chúc các thầy cô có một ngày nhà giáo thật vui vẻ, hạnh phúc và luôn tâm huyết yêu thương với mỗi lứa học trò chúng em.


    Tác giả: Hồng Phương

    Tản mạn về ngày Nhà Giáo Việt Nam
    Tản mạn về ngày Nhà Giáo Việt Nam
    Tản mạn về ngày Nhà Giáo Việt Nam
    Tản mạn về ngày Nhà Giáo Việt Nam
  8. Top 8

    Nhớ hoa con tặng cô thầy

    Buổi sáng của một ngày tháng 11,nắng vẫn vàng nhạt và cái lạnh chỉ vừa se se, dìu dịu, mênh mang ... Tôi lại nhớ ngày xưa, khi tôi còn là một đứa học trò nhỏ ở thôn quê,vào cái thời mà cha mẹ nhiều khi còn muốn con bỏ học để đỡ đần việc đồng áng.


    Ấy là vào khoảng giữa đông, khi cái rét cắt da cắt thịt len lỏi khắp nơi cũng là lúc chúng tôi háo hức vì sắp được đi thăm thầy cô. Háo hức vì lòng yêu thầy cô nhưng có lẽ trong suy nghĩ non nớt và giản đơn của chúng tôi lúc ấy, sự háo hức cho một ngày được tung tăng cùng chúng bạn, một ngày được truyền tay nhau ôm bó hoa thập cẩm đủ mọi sắc màu và xòe nở tung tóe đến nhà thầy cô còn nhiều hơn.


    Ngoài hoa ra thì chúng tôi chưa bao giờ tặng thầy cô bất cứ một món quà gì. Đơn giản vì không ai bảo chúng tôi làm thế. Bố mẹ chúng tôi bận lo ngày hai bữa cơm nên kính trọng thầy cô cũng theo kiểu của những người nghèo. Vả lại lúc ấy giả thử có tiền đi nữa thì ở một làng quê nông thôn đói nghèo đeo đẳng cũng đâu có ai bày bán thứ gì để chúng tôi mua tặng thầy cô ...


    Hoa tặng thầy cô của chúng tôi nó lọc sọc, màu mè và tự do hết chỗ nói. Chúng tôi không mua hoa bởi không ai bán hoa. Săp tới ngày hiến chương nhà giáo là bọn nhóc chúng tôi bảo nhau mỗi đứa kiếm sẵn đâu đó mấy bông hoa. Miễn có hoa là được chớ hoa gì không quan trọng.


    Sáng sớm của ngày 20/11, chúng tôi tụ tập ở nhà một đứa trong bọn. Mỗi đứa góp vào một vài bông hoa trong vườn nhà hay ngắt đâu đó trên đường đi, thảng hoặc cũng có đứa hái trộm của hàng xóm hay mò vào tận khu vườn ươm của các cụ già trong xã.


    Thôi thì đủ loại hoa: cúc vạn thọ rực rỡ vàng, bông hồng nhung thơm ngát có những cánh hoa mịn như nhung, bông cúc tím ngắt bé như chiếc cúc áo...lại còn cả bông mào gà màu đỏ rực y như mào của một con gà trống.


    Đâu đã hết. Giữa bó hoa lộn xộn và nhí nhố của chúng tôi đôi khi còn cả một vài bông huệ trắng...mà sau này mỗi khi chợt nhớ tôi còn thấy khóe mắt mình cay cay.


    Ấy vậy mà chúng tôi cho rằng bó hoa của mình thật là tuyệt. Tôi cũng mê mẩn những bông hoa kia chẳng kém gì lũ bạn. Chúng tôi giành nhau, tị nạnh nhau để được ôm bó hoa trong tay. Qua một đoạn đường nhỏ là đứa đang ôm phải chuyển cho đứa khác. Có đứa chân đất, quần thủng mà cứ rồng rắn, tưng bừng đến thăm thầy cô, ánh mắt sung sướng, rạng rỡ như đi xem hội.


    Thầy cô tôi thấy trò đến thăm thì ra đón, cũng vui mừng hạnh phúc không kém. Nhận bó hoa từ tay học trò tặng với vẻ cảm động thương mến mà chẳng bao giờ lộ chút gì khó chịu trước món quà ngô nghê, vụng dại của chúng tôi.


    Cô giáo tôi lúc đó cũng nghèo nhưng nhà cửa sạch sẽ lắm. Cô kéo ghế cho chúng tôi ngồi rồi lấy chuối cho chúng tôi ăn. Ý chừng cô biết thể nào chúng tôi cũng đến nên chuẩn bị trước. Cô ân cần hỏi đứa này nhà có ăn cơm trộn sắn nạo không, đứa kia buổi trưa nhà thường ăn gì. Đôi lúc cô chớp chớp đôi mắt. Tôi thấy mắt cô đỏ lên trong một thoáng, tròng mắt hình như ươn ướt rồi vui tươi trở lại ngay...


    Học trò bây giờ cũng đến thăm và tặng hoa cho tôi vào mỗi dịp hiến chương nhà giáo, những bó hoa đẹp được bó một cách trang trọng và khéo léo... Mỗi lần nhận hoa tôi đều xúc đông và trong tâm trí lại hiện ra những bó hoa tặng thầy cô xưa.


    Thầy cô tôi nay đã già. Có người đã ra đi...nhưng đọng mãi trong lòng thế hệ học trò như chúng tôi là những kỉ nịệm về tình thầy trò một thời gian khó.


    - Sưu tầm -

    Nhớ hoa con tặng cô thầy
    Nhớ hoa con tặng cô thầy
    Nhớ hoa con tặng cô thầy
    Nhớ hoa con tặng cô thầy



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy