Kỷ niệm ngọt ngào
Tôi yêu những ngày 20- 11, yêu những năm tháng sinh viên ngắn ngủi nhưng giàu ước mơ, nhiều khát vọng. Đó là những năm tháng tôi được sống hết mình, được làm việc, được hoạt động bằng cả sức mạnh và lòng nhiệt tình của tuổi trẻ. Đó cũng là những năm tháng với bao buồn vui trong vòng tay bè bạn mà mỗi khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11, ký ức lại ùa về trong tôi bao kỷ niệm ngọt ngào.
Năm vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi còn khù khờ và khép mình lại với tất cả mọi chuyện xung quanh. Chẳng quen ai, chẳng chơi bời gì, cứ lầm lũi đến giảng đường như một con rùa bò quanh xó cửa. Ngày 20-11, đứa bạn trong Đại học Sư phạm Huế gửi ra cho tôi một tấm thiệp và ba phong kẹo cao su để giúp tôi "gặm nhấm" nỗi buồn khi nằm dài ở nhà. Cũng thật lạ, cái không khí náo nức, nhộn nhịp ở trường trong cả tháng trời cũng không đủ sức cuốn hút đối với tôi.
Năm đầu tiên
Buổi tối 20 - 11, mấy phòng nữ bên cạnh, bạn bè tấp nập đến chúc mừng, chuyện trò rôm rả làm tôi không thể học bài hay nằm ngủ được, đành lôi thằng bạn cùng phòng đi lang thang. Hai thằng vừa sà xuống hàng chè thì có tiếng gọi. Cô em kết nghĩa học cùng trường và sáu đứa bạn gái của nó hình như cũng đồng cảnh ngộ với chúng tôi. Chín cốc chè được mang ra và vơi đi nhanh chóng. Hai thằng chợt giật mình, tái mặt nhìn nhau vì chẳng thằng nào mang tiền theo. Tôi phải gọi thêm cho mỗi người một cốc chè nữa để thằng bạn cùng phòng chạy nhanh về lấy tiền. Cũng may, đây là cốc chè thứ hai nên hầu hết đều đã ngán, ăn rất chậm. Tôi nhấp nhổm không yên trong khi thằng bạn đã về hơn nửa tiếng, mà đêm đã khuya, hơn 10 giờ rồi nên bà hàng chè cũng lục tục xếp lại những chiếc ghế thừa xung quanh và đợi bọn tôi thanh toán để dọn hàng. Lũ con gái bỏ dở cốc chè, đòi về nhưng tôi không nghe. Tôi cố nghĩ ra liên tiếp những câu chuyện để cuốn hút mọi người. Không hiểu sao lúc ấy tôi có thể bịa chuyện tài đến thế. Nhưng chỉ được hai mươi phút sau, bọn chúng quyết định đứng dậy về. Mặt tôi lúc ấy nhăn nhó, méo xệch đi một cách tội nghiệp. Không biết bọn nó có đoán ra ý đồ của tôi không mà có đứa tranh trả tiền chè. Tôi chỉ biết đứng thộn mặt ra nhìn. May sao đúng lúc ấy ông bạn vàng của tôi xuất hiện. Cả bọn cùng nhau cười phá lên khi biết chuyện làm cho bà hàng chè cũng bụm miệng cười, khuyến mãi cho một nghìn mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn giữ tờ một nghìn ấy để làm "kỷ vật".
Năm thứ hai
Tôi còn nhớ năm ấy, ngày 20 - 11 trời lạnh lắm. Nhưng cái lạnh ấy không khốn khổ bằng việc tôi đang "móm" nặng, đã phải ăn cơm nếp trừ bữa gần một tuần do không còn tiền mua gạo tẻ và thức ăn nữa. Cũng may là khi ở quê lên tôi mang được một ít gạo nếp nên mới có mà ăn. Đã vậy, tôi lại có quá nhiều bạn bè học sư phạm. Nếu chỉ tính lũ bạn gái thân thân cũng đến gần chục đứa. Lại thêm hai dãy nữ bên hàng xóm mời tối nay sang dự liên hoan. Cực chẳng đã, tôi quyết định cầm đồ con ngựa sắt quý giá của mình, vì nó là tài sản lớn nhất của tôi lúc bấy giờ. Lần đầu tiên đi cầm đồ, tôi rất ngại nên không dám vào những hiệu cầm đồ mọc nhan nhản ở đường Cầu Giấy vì sợ bạn bè nhìn thấy. Tôi đạp xe ra tận Khâm Thiên. Đang trình bày với chủ hiệu thì tôi giật mình bởi một tiếng gọi khá quen. Tôi sững người lại khi nhận ra P., cô bạn gái khá thân thiết đang học khoa Du lịch - Viện Đại học Mở. Lúc ấy, tôi tự trách mình nhiều lắm vì mấy lần P. mời đến nhà nhưng tôi đều từ chối nên bây giờ mới ra nông nỗi này. P. bắt tôi mang xe về và cho tôi mượn một ít tiền mà mãi tôi mới dám cầm. Rồi cứ đạp xe lang thang khắp nơi, suy nghĩ lung tung cho tới 10 giờ đêm tôi mới trở về nhà trọ. Tôi cũng không ngờ là lúc ấy hoa cực kỳ rẻ, rẻ hơn nhiều so với hoa ngày thường, gần như là cho không vậy. Chả bù cho hôm qua, hôm kia, hoa đắt gấp năm, sáu, thậm chí là mười lần so với ngày thường. Tôi mua cả một ôm và gần như là đi phát chứ không phải là tặng nữa. Khi những người bạn của tôi thò cổ ra cửa, tôi vội vã giúi hoa vào tay với lời chúc: "Chúc 20 - 11 hạnh phúc" rồi chạy đi. Không ngờ lại gây ấn tượng đến nỗi sáng hôm sau, nhiều bạn cho rằng tôi có cách tặng hoa độc đáo nhất.
Năm thứ ba
Ngày 20 - 11 năm thứ ba, những đứa bạn thân của tôi đều đã có người yêu cả nên chúng nó đi chơi từ sớm. Tôi biết vậy nên cũng chẳng đến thăm đứa nào và cũng không muốn để chúng nó đến thăm mình nên quyết định đạp xe lang thang khắp nơi.
Một lúc, tôi quay về bờ hồ Thủ Lệ, phía đường Ngọc Khánh ngồi một mình. Bất ngờ một đống giấy vụn trùm lên người tôi và những tiếng cười của lũ con gái: "Chúc mừng "sếp" nhân ngày 20 - 11". Bốn thành viên của Câu lạc bộ Tình Nguyện Trẻ quận Cầu Giấy do tôi quản lý xuất hiện tặng hoa và bày bánh kẹo ra, tổ chức liên hoan tại chỗ. Buổi liên hoan rất vui vẻ, kéo dài tới 11 giờ đêm. Tôi phải đưa từng đứa một về nhà để giải thích với các bậc phụ huynh. Cũng may, nhà bốn "nữ yêu" khá gần và các phụ huynh cũng hết sức thông cảm nên không gặp trở ngại gì. Khi tôi đưa "thần dân" cuối cùng về tới nhà thì đã 12 giờ đêm. Cha mẹ nàng đang đứng cổng chờ. Thấy chúng tôi xuất hiện, mẹ nàng mắng té tát vào mặt tôi, còn ông bố cứ nhìn tôi chằm chặp như nhìn một tên tội phạm. Tôi lúng túng giải thích mãi, ông mới bảo bà yên lặng nghe tôi nói. Khi biết tôi là sinh viên Sư phạm, ông vỗ vai thân mật: "ồ, đồng nghiệp". Mọi người vui vẻ trở lại. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ông bà tiễn tôi một đoạn, còn mời qua lại chơi. Thật là một phen hú vía.
Thấm thoát thế mà những năm tháng sinh viên đã tuột khỏi tầm tay. Những ngày 20- 11 trong quãng đời sinh viên của mình, tôi đều phải lang thang trên những con phố thân quen để rồi nhận được những tình cảm nồng hậu, thân thương của bạn bè, để rồi giữ lại cho mình những kỷ niệm đẹp đẽ và ngọt ngào. Bây giờ, tôi đã là một thầy giáo, những kỷ niệm đó sẽ giúp tôi vượt lên chính bản thân mình để yêu nghề hơn, để làm một người thầy tốt.
Hoàng Trọng Muôn