Top 8 Tản văn viết về Sài Gòn hay nhất

Phương Kem 2095 0 Báo lỗi

Từ lâu, Sài Gòn luôn là đề tài được nhiều tác giả quan tâm. Ngày càng nhiều tản văn, tạp bút viết về Sài Gòn được ra mắt độc giả. Chủ đề Sài Gòn, là một trong ... xem thêm...

  1. Ai bước qua cuộc đời tôi dù ít hay nhiều thì nó cũng là một trải nghiệm, một cuộc hành trình và tôi sẽ cố gắng đi hết cuộc hành trình ấy.


    Sài Gòn với những cơn mưa chiều, không khí đỡ ngột ngạt tôi bước ra khỏi lớp với tâm trạng khá mệt mỏi vội lấy xe thật nhanh và chạy về nhà. Mọi chuyện chẳng có gì để nói nếu như tôi không bắt gặp hình bóng ấy, dáng người rất quen lướt qua trước mặt tôi, cố tăng ga thật nhanh để đuổi theo nhưng có vẻ mọi chuyện đã được sắp đặt, tôi mất dấu người ấy, mất người ấy ngay trước mặt mình y như một năm về trước.


    Tìm cho mình một quán cà phê nhỏ nhỏ ở góc phố quen thuộc, gọi cho mình một ly cà phê đen ít sữa. Cũng khá lâu rồi tôi mới như thế này chẳng biết mình nên làm gì và mình đang vui hay buồn. Lấy điện thoại gắn phone vào và bật một bài nhạc.


    "Đường về nhà hôm nay như dài thêm

    Lạc đường giữa phố vắng một mình em

    Từng dòng suy nghĩ cuốn em về những ngày em có anh”


    Lời bài hát như chạm đúng vào cảm xúc trong tôi, giọt nước mắt khẽ rơi nhẹ trên má, vội vàng lau nước mắt vì thật sự tôi không muốn ai nhìn thấy bộ dạng yếu đuối ấy. Cố gắng tự an ủi mình mình rằng “Không sao đâu mà! Đừng có khóc nữa, mọi chuyện qua rồi” nhưng đó chỉ có thể là một lời nói dối để lừa trẻ con và tôi đã không thể tự dối tôi hơn được. Giấu kỹ ký ức về anh, đối với tôi là một điều mà trước giờ nó chưa làm nhưng thật sự thì tôi đã làm như vậy. Để quên đi anh tất cả mọi thứ từng liên quan đến anh tôi đem cất giấu hết, cất giấu tận đáy con tim, nơi mà không ai có thể tìm ra. Nhưng mọi công sức của tôi cả năm nay coi như đổ sông đổ bể hết, chỉ là một hình bóng, một người xa lạ chạy qua mà đã là tôi thành ra như vậy.


    Ký ức về anh ùa về, tôi nhớ về cái ngày đầu tiên gặp anh và rồi chợt mỉm cười nhẹ, găp anh một cách tình cờ trong một lần đi chơi, cái thời buổi bây giờ làm gì có ai như anh đâu, làm quen mà không dám nói chuyện chỉ đưa cho 1 tờ giấy nhỏ ghi "phong sdt 097xxxxxxx", lúc đó tính ra tôi cũng trẻ con, cầm lấy và để trong túi quần luôn. Mãi tới mấy hôm sau khi giặt đồ tờ giấy ấy rớt ra, cũng đúng lúc rảnh rỗi tôi nhắn tin cho anh ấy. Và sau đó nhận được một tin trả lời là "Mình vui quá, vì bạn đã nhắn tin".


    Cứ thế những cuộc nói chuyện, tin nhắn một ngày nhiều và rồi cuộc hẹn gặp mặt đầu tiên đã đến, tôi nhớ lại cái cảm giác lần đầu hẹn hò, cứ hồi hộp lo lắng và một chút ngại ngùng, 2 đứa ngồi đối diện nhau nói vài câu vu vơ và rồi hầu như im lặng.


    Người ta nói cũng đúng trên điện thoại thì nói rất nhiều nhưng khi gặp mặt thì chẳng biết nói sao. Lần đầu hẹn hò cho những bỡ ngỡ, cho phút dại khờ cho một tình yêu bắt đầu. Chắc có lẽ là lần đầu tiên yêu một ai đó nên cái gì nó cũng lúng túng trẻ con và ngây dại. Ngay cả nhìn thẳng vào mắt anh ấy còn ngại chứ huống hồ gì là cầm tay như các cặp đôi vẫn làm. Những lần đi chơi, cà phê, xem phim hay đơn giản là ngồi ở công viên nói chuyện đối với tôi là những kỉ niệm khó phai.


    "Mưa rồi kìa"! - một người khách ở bàn bên cạnh nói, tôi giật mình và dường như nãy giờ hồn tôi đi đâu đó, chẳng để ý đến xung quanh nữa. Lại là mưa, "hey" - tôi thở dài, mỗi lần thấy mưa là tôi lại buồn. Vì ngày mà tôi quyết định buông tay anh ấy, buông tay người tôi thương, trời cũng mưa, mưa để che lấp đi những giọt nước mắt trên mặt tôi, và mưa để gột sạch hết những yêu thương của những ngày đã qua. Mưa để có lí do rằng ông trời đã quyết định cho tình yêu của chúng tôi "tan vào mưa".


    Mất một thời gian để tôi ổn định lại và suy nghĩ về mọi việc "Tại sao chúng tôi lại kết thúc khi mà yêu thương vẫn còn?". Vì đơn giản tôi đã quá trẻ con, quá nông nổi để rồi bây giờ tôi "lạc" mất anh ấy, "lạc" đi yêu thương. Giữa đất Sài Gòn lạc người tôi thương.


    Quay lại với hiện tại, tôi tự nhủ với lòng mình rằng "Giữ những ký ức về anh nhưng sẽ cất ở góc nào đó để không ai tìm ra, cũng như tôi đã làm "lạc" mất anh vậy". Đứng dậy bước ra khỏi quán và "tắm mưa thôi".


    Ai bước qua cuộc đời tôi dù ít hay nhiều thì nó cũng là một trải nghiệm, một cuộc hành trình và tôi sẽ cố gắng đi hết cuộc hành trình ấy.

    Sưu tầm

    Đâu đó giữa Sài Gòn lạc người tôi thương!
    Đâu đó giữa Sài Gòn lạc người tôi thương!
    Đâu đó giữa Sài Gòn lạc người tôi thương!
    Đâu đó giữa Sài Gòn lạc người tôi thương!

  2. Sài Gòn hôm nay vẫn như mọi ngày, riêng chỉ có lòng cậu giăng đầy bão tố. Vẫn những tin nhắn hằng ngày cùng tôi chia sẻ những buồn vui thường nhật, vậy mà dòng tin hôm nay lại hiện rõ từng con chữ “Tim tớ lần nữa lại đau”.


    Sài Gòn với người ta thế nào chẳng rõ, thế mà đối với cậu Sài Gòn tệ thật, Sài Gòn tệ vì đã làm cậu phải đau. Thay vì reply tin nhắn của cậu, tôi chọn cách im lặng. Im lặng để cậu được buồn với nỗi buồn của mình, được đau trong hàng vạn nỗi đau đang ùa về trong chốc lát. Và nếu cần, cậu sẽ giải tỏa tất cả điều ấy cùng tôi. Rồi cậu gửi cho tôi tấm hình bàn tay này nắm chặt bàn tay kia trên chiếc xe máy đời cũ. Cậu bảo cậu yêu nhiều ở cái nắm tay, vì hơn tất cả cái nắm tay sẽ cho cậu biết cảm giác ấm áp và muốn bảo vệ người cậu yêu nó hạnh phúc đến nhường nào.


    Cậu là một chàng trai khá tình cảm. Tôi cảm nhận được vậy. Thế nên cậu dành hết tất thảy tình cảm của mình vào cô ấy chẳng những ở cái nắm tay mà còn hơn thế nữa.


    Cậu yêu những lần cùng cô ấy dạo quanh Sài Gòn trên con đường đêm rực rỡ ánh đèn. Cậu thích những lúc được mang cơm trưa đến nơi cô ấy làm, rồi chiều cậu lại qua chỗ làm đón cô ấy tan ca. Cậu muốn được ngồi cạnh chải tóc rối cho cô ấy, cậu muốn cô ấy được vui và muốn bảo vệ cô ấy cả một đời.


    Yêu cô ấy, cậu hạnh phúc là thật. Thế nhưng những tổn thương mà cậu chịu đựng cho tới tận bây giờ cũng thật sâu. Tôi chưa bao giờ nghe một câu cậu oán giận người con gái ấy. Tôi vì thế cũng không có quyền để nói tình cảm của cậu là sai. Vì… tôi không phải cậu cũng chẳng phải là cô ấy. Chỉ có điều, khi dòng tin cậu hỏi: “Nếu cậu thấy người mình yêu hôn cô gái khác, cậu sẽ thế nào?” đã khiến tôi xót xa. Tôi xót xa cho cậu biết bao nhiêu thì tôi xót xa khi phải hình dung ra lúc tôi nhìn thấy cảnh tượng đau lòng ấy bấy nhiêu. Có lẽ cậu của lúc đấy đã ngỡ như chết đi mất rồi.


    Cậu đã từng khẳng định mãi về sau này có lẽ sẽ không yêu được ai hết lòng như khoảng thời gian yêu cô ấy. Tôi tin lời cậu nói là thật, vì ai trong đời rồi cũng sẽ chọn cho mình một bến đỗ khác, một nơi mà ta có thể tìm về lúc mệt nhoài giữa cuộc sống xung quanh. Thế nhưng cuối cùng thì ở một góc tối nào đó trong ngăn tủ trái tim, ta cũng sẽ dành lại một chỗ cho một người nào đó, người mà mãi đến sau này ta chẳng thể nào muốn quên đi.


    “Sài Gòn có vẫn bé như anh nghĩ không em. Như trong một bài ca thành phố bé tìm hoài chẳng ra. Bé hay rộng hay lớn cuối cùng cũng chỉ một thành phố. Và ta loay hoay giữa những cô đơn riêng mình. Nào lên xe cùng anh, anh sẽ đưa em về. Chắc đây là lần cuối mình sẽ gặp lại nhau…”


    Sài Gòn, cuối cùng cũng chỉ là một thành phố nhỏ bé trong lòng người, vậy mà lạc nhau một chút dù có cố tìm cũng chẳng thể nào tìm được lại nhau.


    Sài Gòn trong tôi lúc bình minh sao nhộn nhịp, vui tươi đến thế, vậy mà đêm đến Sài Gòn lại khiến cậu cứ phải co cụm chống chọi với từng vết hằn sâu nơi tim. Còn tôi, thì lại trơ trọi với những cô đơn riêng mình mình.


    Sài Gòn tệ lắm! Sài Gòn cứ mãi vô tình giúp người ta tạo nên những kỉ niệm yêu thương thật đẹp để rồi mãi đến khi muốn quên đi thì lại khó khăn quá thể.


    Nguồn: Chang

    Loay hoay giữa lòng Sài Gòn
    Loay hoay giữa lòng Sài Gòn
    Loay hoay giữa lòng Sài Gòn
    Loay hoay giữa lòng Sài Gòn
  3. Có lẽ mỗi người đều ôm ấp cho riêng mình những ước mơ. Tôi cũng không ngoại lệ. Với đứa trẻ thôn quê khốn khó như tôi, ba từ “lên Sài Gòn” có sức hấp dẫn lạ kỳ. Sài Gòn trong tâm trí tôi là một miền đất hứa, chốn hoa lệ và rực rỡ ánh đèn qua giọng điệu xuýt xoa của những người “mới ở trển về” kể lại.


    Cứ thế, tôi ôm giấc mộng Sài Gòn mà lớn lên.


    Mười tám tuổi, tôi làm một cuộc di cư với mong ước đổi đời bằng con đường đại học. Thành phố đón tôi bằng ma trận đường ngang ngõ tắt cùng những tiếng còi xe liên tục khiến tôi “hốt cả hền”. Yếu bóng vía một chút là có thể lạc tay lái mà ngã lăn quay!


    Sống ở chốn phồn hoa đô hội này, lâu dần, tôi mới hiểu ra ý nghĩa của hai từ “hoa lệ”: hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo. Nhưng, lệ cho người nghèo không riêng gì nỗi buồn, mà còn có cả niềm sướng vui và hạnh phúc.


    Nhớ lại những tháng ngày mưa lũ ở quê, ba má không có tiền gửi lên. Công việc làm thêm của tôi chỉ đủ để trang trải tiền học phí. Đêm nào tôi cũng trằn trọc với hàng trăm câu hỏi lượn quanh trong đầu: Tiền trọ tính sao? Gói mì cuối cùng cũng đã ra đi theo buổi tối hôm nay. Ngày mai ăn gì? Ngày mai sống sao?… rồi rưng rức khóc vì tủi thân.


    Giấc mộng Sài Gòn sao cứ mơ mơ, hồ hồ không thực?


    Vậy mà, một năm, hai năm, năm năm rồi mười năm có lẻ, tôi vẫn trụ được ở thành phố này. Không phải tôi có siêu năng lực gì, chỉ đơn giản vì trong nước mắt tôi luôn tìm thấy được nụ cười từ những tấm lòng bao dung của người thành phố.


    Là bác chủ nhà cho tôi khất tiền trọ hết lần này đến lần khác. Bà cứ luôn miệng bảo rằng đợi cô sinh viên ra trường sẽ đòi cả vốn lẫn lời.


    Là chị bán thức ăn ngoài đầu hẻm, khi thấy tôi tần ngần mãi mới lựa ít rau, chị bèn dúi thêm nửa ký thịt vào tay bảo cầm đi khi nào có tiền thì trả, mặt mày tái xanh thế thì học hành kiểu gì.


    Là chú bán cơm hào sảng cho tôi nợ cả tháng phiếu ăn, rồi lại nợ thêm tháng nữa.


    Là bác xe ôm vẫn hay “tiện đường” chở tôi đến lớp dạy thêm mỗi lần chiếc xe đạp của tôi trở chứng.


    Là rất nhiều khuôn mặt xa lạ với nụ cười thật hiền, những tấm bản đồ biết nói, những bàn chân nhiệt tình dẫn lối cho tôi đi khắp ngõ ngách Sài Gòn.


    Trường học dạy tôi chuyên môn. Trường đời dạy tôi nhân nghĩa. Càng ở lâu xứ này tôi càng thêm thấm thía tình đất, tình người hào sảng, bao dung. Cái tình ấy cứ như mạch nước ngầm âm ỉ chảy, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tưới lên mảnh đất thiếu thốn, khô cằn của bao mảnh đời khó khăn để cứu lấy những ước mơ ngỡ đã lụi tàn vì khô héo.


    Và giấc mộng Sài Gòn của tôi đã bước ra cơn ngủ, hóa thành hiện thực mỗi ngày cũng nhờ thứ nước ngọt lành, mát dịu ấy.


    Tôi không chắc đối với Sài Gòn mình vì yêu mà đến hay đến rồi mới yêu? Có lẽ là cả hai. Vì yêu miền đất hứa này nên tôi đã đến đây. Và vì những con người ở nơi đây, tôi càng thêm mến yêu miền đất ấy.


    Mỗi đêm nghe tiếng máy bay ầm ĩ lướt qua đỉnh đầu, tôi không còn cảm giác bực bội vì giấc ngủ bị phá bĩnh như trước. Nếu bảo tôi thương tiếng ếch nhái, ễnh ương, tiếng giun dế… hợp tấu thành dàn đồng ca quê nhà, thì tiếng máy bay ầm ĩ đối với tôi lại là cảm giác quen thuộc.


    Thói quen là thứ rất đáng sợ, nó khiến người ta bất giác yêu thích rồi nhớ nhung lúc nào chẳng hay! Bởi thế mới có chuyện tréo ngoe là có những đêm ở quê nhà, tôi lại khó ngủ, thậm chí mất ngủ vì thiếu đi cái âm thanh ầm ĩ mà quen thuộc kia.


    Sài Gòn không chỉ chở che, cưu mang tôi mà còn cho tôi một mối lương duyên tốt đẹp.


    Ở đời có những thứ “muộn vừa kịp lúc”, giống như chồng tôi, nếu không vì còn bận lo cho đứa em học đại học ở quê thì sau khi tốt nghiệp anh đã tiếp tục học lên cao. Vậy thì sẽ không có chuyện gặp được đàn em dưới mình bốn khóa là tôi. Và có lẽ chúng tôi bây giờ vẫn là những người hoàn toàn xa lạ.


    Cả hai dễ tìm được tiếng nói chung vì có cùng một xuất phát điểm. Tôi và anh đều là những đứa trẻ thôn quê khốn khó, ôm giấc mộng Sài Gòn mà lớn lên. Có lẽ chính vì vậy mà chúng tôi dễ sẻ chia và cảm thông nhau, dễ giãi bày tâm sự để rồi cuối cùng chọn cách nắm tay nhau đi tiếp chặng hành trình gian khó.


    Từ một khách trọ chốn phồn hoa, tôi dần trở thành một cư dân thành phố. Không phải vì tôi đã có hộ khẩu ở Sài Gòn, chỉ đơn giản vì tôi có một gia đình hạnh phúc và bình yên nơi đây.


    Thành phố mỗi ngày thêm chật chội, đông dân vẫn mở rộng vòng tay đón nhận người tứ xứ, để những “đứa trẻ ngày xưa” đến thật gần miền đất hứa và biến ước mơ của chúng thành sự thật.


    Có một Sài Gòn như thế!


    - Sưu tầm -

    Giấc mộng Sài Gòn
    Giấc mộng Sài Gòn
    Giấc mộng Sài Gòn
    Giấc mộng Sài Gòn
  4. Một hôm, sau bữa cơm chiều, cha tôi tuyên bố “Năm học tới đây, thằng Nhân đi học nội trú nghe”. Mấy đứa tụi tôi giật mình. Nhà có bốn anh em, chỉ có tôi hiểu nội trú là gì, còn ba đứa nhỏ thì ngơ ngác. Mẹ tôi quay mặt đi, đôi mắt buồn rười rượi nhưng chắc có lẽ bà đã biết trước sự việc.


    Sau đó, cha tôi bảo mang chiếc cặp cũ ra để kiểm xem có thứ gì còn xài được. Tôi như cái máy, lặng lẽ xách chiếc cặp giả da đã bèo nhèo từ dưới cái bàn học ra. Đổ ập một đống là vài cuốn tập, mấy quyển sách giáo khoa với một số cây bút linh tinh.


    Mấy đứa em tôi bu lại thò tay vào chiếc cặp lục lọi “Em nghe có tiếng leng keng”. Tôi đậy nắp cặp lại và kéo dây khóa, nhưng cái phẹc-mơ- tua này đã hư từ lâu. Cha tôi cười “Hình như còn sót đồ đó con”. Tôi đành bấm bụng mở dây khóa chiếc ngăn nhỏ nhất, những đồng năm cắc tròn to đổ ào ra ngoài. Mấy đứa em tôi nhào vô giành giật. Mẹ tôi cười bảo “Để cho anh hai đếm xem được bao nhiêu”. Tất cả được mấy chục miếng. Cứ hai miếng là một đồng, một đồng lúc đó có thể mua được ổ bánh mì thịt ngon lành. Hoặc miếng năm cắc là uống được một ly đậu đỏ bánh lọt rồi. Đó là tiền tôi đã dành dụm để mua một cây viết Pilot mà tôi hằng yêu thích. Chợt tôi nói “Thôi con gởi cho mẹ nhé”. “ Ừ, để mẹ giữ cho”. “Nhưng thôi, khi đi chợ, mẹ mua bánh cho các em ăn đi…”


    Rồi ngày ấy đã đến thật nhanh. Từ tờ mờ sáng, chiếc xích lô đạp của chú Bảy mối quen đã chờ sẵn. Cha tôi chất lên đó một cái ghế bố xếp được cột chặt hai đầu. Bên trong tấm bố là bốn cây giăng mùng. Dưới chỗ để chân của xe là một cái rương bằng cây vừa vặn. Rồi hai cha con lên xe, tôi phải nhích ra trước mới ngồi được. Cứ thế, chú Bảy đạp phom phom băng qua nhiều con đường. Đôi lúc có chỗ phải lên dốc, chú gò người mím môi đạp mạnh bên này rồi nghiêng sang bên kia… Chiếc xe chuyển động thật chậm chạp. “Xuống không chú Bảy”, “Không sao đâu cháu, chỉ có cái dốc này thôi mà”. (Hình như cái dốc này nằm ở đoạn đường Hồng Thập Tự phía sau dinh Gia Long).


    Loanh quanh một chút là đến cầu Thị Nghè. Như thế nãy giờ chúng tôi đi cập bên hông Sở Thú. Cha tôi chỉ đường, qua cầu Thị Nghè ôm tay phải quẹo xuống mé sông có con lộ nhỏ, đi độ vài trăm thước rồi dừng trước rạp hát Văn Cầm. (Rạp này đã ngưng hoạt động). Cha tôi giải thích “Ông Giám Đốc nhà trường cho biết vì trường đang xây cất, nên học tạm ở đây cho kịp chương trình, độ vài tháng là xây xong rồi !”


    Tôi ôm đồ vào. Bên trong lố nhố nhiều bạn lớn nhỏ, có bạn thập thò ngay cửa ra vào. Đây là trường nội trú nam nên tuyệt nhiên không có một bóng hồng nào! Một thầy xưng là Giám thị chỉ dẫn cho tôi chỗ để đồ, sau đó nói chuyện với cha tôi một hồi thì cha tôi từ giã ra về. Tôi định chạy theo thì thầy Giám thị nắm tay tôi kéo lại.


    Thế là một trang học tập mới của đời tôi được mở ra. Ông Giám đốc chỉ thu nhận mấy lớp Trung học đệ nhất cấp. Lịch học dày đặc sáng chiều, buổi tối còn tăng cường giờ học tự do (étude libre). Trường chú trọng tiếng Pháp nên buổi nào cũng có giờ học tiếng Pháp. Lớp đệ thất và đệ lục thì học quyển Mauger I còn lớp đệ ngũ và đệ tứ thì học quyển Mauger II. Chúng tôi có giờ nói chuyện trao đổi nhau bằng tiếng Pháp, viết chánh tả với bài văn Pháp …v.v.


    Giờ sinh hoạt, chúng tôi được học các kỹ năng của Hướng đạo sinh như cách định hướng bằng la bàn, nếu lạc vào rừng tìm lối ra bằng cách nhìn vào các gốc cây, nhìn vị trí sao trên trời, tìm nước uống bằng các dây leo trong rừng, thắt và sử dụng các loại nút dây, biết phát tín hiệu bằng morse, semaphore hay bằng cờ, tìm mật thư và dấu đường, cách di chuyển không gây tiếng động… Thậm chí dạy cả cách làm một tấm thiệp mừng bằng bìa cứng với vỏ trứng nghiền nhuyễn nhuộm màu phun keo, hoặc cách đóng tập những tờ giấy rời cắt ra từ tập vở cũ …


    Nói chung, chúng tôi được học nhiều điều mới lạ, do đó bản thân dần được thay đổi trở nên người tháo vát, biết nhìn nhận sự vật chung quanh cách khoa học và chuẩn xác, đặc biệt làm gì cũng phải biết kiên trì để đạt mục đích và cố gắng vươn tới sự thành công.


    Cuối tuần, trường cho đi chơi tự do. Chúng tôi tha hồ đi Sở thú hoặc ra bến Bạch Đằng xem tàu bè rời đi hay cập bến trong tiếng còi hú inh ỏi. Cuối tháng, trường thường tổ chức cắm trại, đốt lửa trại, khi thì ở Rừng Sác, lúc thì ở vườn cây trái Lái Thiêu. Vào dịp lễ lớn, trường tổ chức đi du ngoạn Vũng Tàu hoặc Mũi Né.


    Có một kỷ niệm không bao giờ quên là một lần cắm trại tại vườn măng cụt ở nhà thầy Joseph Hoàng ở Lái Thiêu. Thầy bảo đừng bẻ phá trái cây, rồi ông cố chủ vườn sẽ cho người bẻ phát cho ăn. Không chờ lâu, tối hôm đó, sau buổi sinh hoạt lửa trại,tất cả vào lều ngủ. Ba thằng bạn thân chúng tôi mang theo dao xếp, đèn pin nhỏ, rón rén leo lên cây ăn một bữa ngon lành. Khu vườn này lâu năm, gốc to, tán lá um tùm. Ăn xong, không thấy một cái vỏ măng cụt nào quăng xuống đất bởi vì nó được xỏ vào nhánh ở trên cây !


    Lúc nào không thể tổ chức đi chơi xa theo lịch trình, thì trường tổ chức chơi trò chơi lớn như đánh trận giả. Đó là chia hai phe, mỗi phe gắn sau lưng một foula cùng màu. Bên nào giật được nhiều foula của bên kia là thắng. Có đứa kỹ quá, cột foula vào khoen quần, khi bị bên đối phương giật, tuột cả quần.


    Nhưng có những trận cười bể bụng thì thường xảy ra vào buổi tối. Sau giờ étude libre, chúng tôi xúm nhau dọn chỗ ngủ bằng cách đẩy các tấm ngăn có bánh xe dồn sát vào tường. Mỗi đội tự vác ghế bố ra xếp theo hàng ngang. Mỗi dãy được phân công đội trưởng ngủ một đầu, đội phó ngủ một đầu để trông coi cả đội. Đúng 9g tối, dứt tiếng chuông là phải im lặng, bắt đầu ngủ. Hai ông thầy Giám thị cầm roi đi tuần vòng vòng. Đứa nào lộn xộn là bị quất từ dưới ghế bố lên ê ẩm cái đít.


    Nhiều đứa không ngủ được, thường thức khuya, mà thức khuya thì dễ đói bụng. Do đó, ngay từ chiều, nó đã chạy xuống năn nỉ chú Năm đầu bếp xin ca cháo đem vô mùng ăn. (Cháo nấu sẵn cho bữa điểm tâm sáng hôm sau). Đó là cháo nấu từ loại gạo gọi là tấm bì mà trường được cơ quan viện trợ Mỹ cấp cho. Ngoài tấm bì còn sữa bột, bột làm bánh, bơ thùng, phômai hộp, đường cát bao chỉ xanh chất đầy kho.


    Nhằm bữa thầy Giám thị khó ngủ, ổng cứ đi kiểm tra hoài nên nó đành … ngủ luôn quên ăn. Sau đó, ca cháo đặc lại thành keo đổ quến cả mền gối, đầu cổ từng mảng, thức dậy phải ngồi gở. Rồi mấy em đệ thất chưa bỏ tật đái dầm. Sáng sớm xếp ghế bố để tập thể dục, làm lộ ra những dòng nước chảy ngoằn ngoèo rồi đọng vũng ở trũng thấp của nền rạp hát.


    Gặp năm hạn, vào mùa khô, dòng sông Thị Nghè nước gom vào giữa, ghe xuồng đi lại khó khăn, nước dùng sinh hoạt thiếu thốn. Mỗi tuần ông Giám đốc xin Bộ Xã Hội cấp cho trường được một xe bồn nước (như kiểu bồn xăng). Lúc đó chúng tôi reo hò, kéo ống dẫn vào các hàng lu chứa, rồi tắm giặt thỏa chí. Qua ngày hôm sau lại xếp hàng chờ thầy Giám thị phát nước. Mỗi đứa chỉ được một lon guigoz để rửa mặt hoặc hai lon guigoz để tắm. Quần áo dơ được ghi tên bằng mực tàu, gom đống, chờ cuối tuần chở đi giặt ở nhà máy.


    Bài: Trần Phụng Hiệp

    Sài Gòn nuôi dưỡng ước mơ tôi
    Sài Gòn nuôi dưỡng ước mơ tôi
    Sài Gòn nuôi dưỡng ước mơ tôi
    Sài Gòn nuôi dưỡng ước mơ tôi
  5. Tôi chưa một lần được đặt chân đến Sài Gòn. Nhớ cái lần tưởng chừng như mình đã có thể chạm đến thành phố, là vào hồi tôi còn học ở Đại học Quy Nhơn.


    Trong dịp nghỉ lễ 30/4, một người bạn thân đã rủ tôi cùng vào thành phố chơi nhà người quen, bạn mời nhiệt tình, mua sẵn vé xe. Lên một kế hoạch chi tiết, thú vị cho chuyến đi.


    Tôi đã đồng ý. Mọi thứ đã sẵn sàng. Nhưng rồi nhận được tin mẹ ở quê phải nhập viện để mổ. Tôi đã phải quyết định hủy chuyến đi và vội vã trở về quê. Bởi vậy, Sài Gòn trong tôi chừng ấy năm đến giờ vẫn chỉ hiện lên trong tưởng tượng. Tưởng tượng qua lời bạn thân kể.


    Tưởng tượng qua những thước phim, bài hát, tấm ảnh tôi yêu thích. Tưởng tượng cùng với những trang văn cuốn hút tôi từ hồi còn tấm bé. Nhưng có lẽ thế lại thú vị, bởi Sài Gòn vì thế nó mãi cứ như người tình trong mộng khiến mình phải xôn xao…


    Bạn vào Sài Gòn mưu sinh khi vừa tốt nghiệp xong phổ thông. Dù thông minh, học giỏi nhưng vì gia cảnh khó khăn nên bạn phải tạm gác chuyện học hành để vào Nam đi làm kiếm sống, phụ giúp gia đình.


    Bạn kể, ngày đầu tiên đặt chân xuống mảnh đất Sài thành, trước mắt là một thành phố rộng lớn, tấp nập, ồn ào vào ban ngày và lung linh huyền ảo vào ban đêm.


    Vừa xuống xe, ghé quán nước hỏi nhà trọ, hỏi đến lần thứ ba bà chủ quán mới nghe rõ vì mớ âm thanh hỗn tạp của xe cộ ngoài đường đã át đi tiếng nói nhà quê của thằng nhỏ lần đầu lên phố.


    Nhưng rồi sau đó, khi hiểu chuyện, bà dẫn đến tận khu cho thuê trọ giá rẻ và còn căn dặn đủ điều như mẹ dặn bạn trước lúc lên đường. Thế đấy, với bạn, Sài Gòn ấm áp nghĩa tình ngay từ buổi đầu tiên đặt chân đến. Rồi cứ thế, bạn kết thân được với nhiều bạn bè ở phố nơi đây.


    Họ với tấm lòng chất phác, mộc mạc, bao dung đã cho bạn nghị lực để bước qua mọi biến cố của cuộc đời. Có bận, bạn bị tai nạn xe máy lúc đêm khuya, ngất đi. Lúc tỉnh thì đã thấy mình nằm trên giường bệnh. Sau hỏi ra mới biết, một người dân bên đường đã lái xe chở bạn đi cấp cứu.


    Bạn bảo, Sài Gòn không chỉ có tình người ấm áp, mà thành phố này cũng cho bạn nhiều cơ hội để thi thố tài năng. Bạn vừa có thể làm thêm, vừa đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm. Rồi bạn được tuyển vào làm ở một công ty nước ngoài với mức lương cao.


    Cho đến ngày hội khóa gặp lại bạn sau hai mươi năm xa cách, bạn đã là một doanh nhân thành đạt, một ông chủ có tiếng ở lĩnh vực xuất khẩu gỗ. Nhiều bạn bè ngạc nhiên hỏi vì sao bạn thành công đến thế, bạn cười “là nhờ Sài Gòn bao dung, nghĩa tình đó các bạn ạ!”.


    Không chỉ có bạn, tôi còn có nhiều người bạn quê Nghệ An vào Sài Gòn lập nghiệp, lần nào có dịp về quê tụ tập, thể nào chúng cũng thi nhau kể về Sài Gòn với niềm tự hào như là quê hương thứ hai của chúng vậy. Nào là người Sài Gòn thân thiện, nào là sống ở Sài Gòn thoải mái, tự do…


    Tôi thi thoảng cũng có tham gia viết lách ở một vài hội nhóm trên không gian mạng, vì thế mà tình cờ kết giao được với một số bạn bè viết văn ở Sài Gòn. Dù chưa lần gặp mặt, nhưng cái cách họ giúp đỡ mình nhiệt tình, chân tình khiến tôi rất cảm động.


    Đó là chú Đoàn Thạch Biền tình cờ quen biết trên Facebook. Trong một lần tôi đăng một bài thơ lên trang cá nhân, chú vào đọc và xin được đăng ở tạp chí Áo trắng.


    Thế rồi, từ đó hai chú cháu vẫn thường hỏi thăm nhau chuyện văn chương. Có bài viết nào hay chú đều gửi cho tôi đọc. Đó là nhà văn trẻ Tống Phước Bảo, khi biết tôi đang giúp nhà trường xây dựng phòng đọc sách miễn phí cho học trò, anh đã sẵn sàng gom sách gửi tặng thư viện.


    Cũng qua Tống Phước Bảo, tôi còn biết thêm được một Sài Gòn thật dễ thương. Bảo chia sẻ “Ở Sài Gòn chẳng có người lạ, chỉ có người quen; chẳng thể ghét, chỉ có thương. Người thương người vì nhau mà sống. Người thương đất này, vì nó mà ở lại đây cho trọn một đời anh ạ!”.


    Bảo cũng kể tôi nghe câu chuyện đầy tình nghĩa về việc ông bà nội chọn mảnh đất phương Nam nắng ấm này làm nơi trú ngụ. Dân tứ chiếng đến đây đùm bọc nhau lại mà sống. Có lần ai đó xích mích vì hiểu lầm, cả xóm xúm lại can. Hôm trước gây lộn, hôm sau cười xòa.


    Và Bảo kể rằng, ông nội anh nói, phương Nam thuộc quẻ Ly, hành Hỏa, là quẻ có tượng khí văn minh, nên nơi đây kẻ sĩ chuộng điều nghĩa, quý việc học hành; người dân siêng năng trồng trọt chăn nuôi, làm nghề thủ công và buôn bán.


    Tuy nhiên, địa cực phương Nam chịu ảnh hưởng của sao Dương Châu, dương tức phát dương, chỉ tánh khí nóng nảy, bồng bột, nông nổi… nhưng hào sảng, trượng nghĩa.


    Điều này cũng có điểm gì đó tương đồng với tâm hồn, cốt cách người Nghệ. Một người bạn phương Nam nữa tôi quen trong nhóm văn chương là Nguyễn Xuân Phương. Mấy lần, tôi có bài đăng báo, bạn đều nhắn báo và chúc mừng.


    Rồi có cuộc thi thơ văn nào ở đâu bạn cũng động viên tôi tham gia với lời nhắn “anh tham gia nghen, biết đâu rồi anh giật giải và anh em mình có dịp gặp nhau ở Sài Gòn. Và ta tha hồ nhởn nhơ cùng phố phường nghen”.


    Thế đấy, chỉ đọc những bài viết của nhau và rồi quý nhau như anh em vậy. Đó chẳng phải là cốt cách thân thiện, dễ thương của người Sài Gòn đó sao?


    Sài Gòn ấn tượng với tôi còn bởi giọng nói nhẹ nhàng, dễ thương mà dường như không có nơi nào có được. Những bộ phim miền Nam bao giờ cũng cuốn hút tôi trước nhất ở cái quãng âm thanh rất riêng đó. Những Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa, Săn bắt cướp… ngoài nội dung hay, hấp dẫn khỏi phải bàn thì lời thoại nhân vật là điều tôi rất ấn tượng. Nhất là giọng của những cô gái Sài thành. Nghe cứ như tiếng đàn ngọt ngào bên tai.


    Cái lạ là giọng nói người Sài Gòn nó không sang trọng, điệu đà như giọng ngoài Bắc, cũng chẳng trầm lắng như giọng xứ Huế, mà nó đi vào lòng người có lẽ ở cái ngọt ngào của sông nước Nam Bộ, bằng cái chân chất, thật thà của truyền thống xa xưa. Cái chất Sài Gòn mê đắm người nghe.


    Giống như cái truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi mà tôi được đọc từ hồi còn học cấp ba, những câu nói của Việt, chị Chiến, chú Năm cứ mê hoặc tôi. Nhất là cái đoạn hội thoại giữa hai chị em Chiến và Việt trước lúc lên đường nhập ngũ “Mai mầy viết thư cho chị Hai biết nghen?… Ừ!… Mà hồi đó má dặn chị vậy hả?… Má có biết má chết đâu mà dặn”.


    Và cái cách Chiến sắp đặt đâu vào đấy mọi công việc từ chuyện thờ tự ba má đến nhà cửa, ruộng đồng gửi cho chú Năm, rồi đoạn hai chị em khiêng bàn thờ ba má chạy tắt qua dãy đất cày trước cửa… sang gửi nhà chú Năm thật cảm động.


    Đọc đến đó, từ đấy cho đến bây giờ trong tâm trí tôi luôn tưởng con người miền Nam nói chung, người Sài Gòn nói riêng thật thánh thiện, dũng cảm, gan dạ và đáng yêu.


    Đã hơn hai mươi năm từ ngày tôi xem bộ phim Biệt động Sài Gòn và mơ ước có một ngày được sải những bước dài trên mọi cung đường của thành phố nhưng tôi vẫn chưa một lần có dịp để biến ước mơ ấy thành hiện thực. Sài Gòn trong tôi sau hơn hai mươi năm vẫn mờ ảo giữa hai miền hư thực.


    Một Sài Gòn xa xưa bàng bạc như trong những thước phim đen trắng. Một Sài Gòn bao dung, nghĩa tình như trong bao câu chuyện của bạn kể. Một Sài Gòn trong tưởng tượng nhưng tôi tin là rất thật bởi một lẽ giản đơn “Sài Gòn của tôi được tưởng tượng từ những câu chuyện rất thật”.


    Nguyễn Đình Ánh

    Sài Gòn trong tưởng tượng
    Sài Gòn trong tưởng tượng
    Sài Gòn trong tưởng tượng
    Sài Gòn trong tưởng tượng
  6. Tôi xa quê hương ở vào tuổi không còn trẻ dại để dễ quên và cũng chưa già lắm để chỉ dành toàn thời giờ cho một điều mất mát, rồi đau đớn. Tôi ở vào tuổi mà khi bước đến vùng đất mới, đời sống đã như lôi tôi đi trong một cơn lốc trên những con đường khác nhau trước mặt, hầu như không ngưng nghỉ. Tôi chóng mặt, nhưng tôi vẫn biết tôi là ai và tôi ở đâu trên quê người, nên những lúc tôi phải ngưng lại để thở là những lúc hồn quê nôn nao thức dậy trong tôi.


    Mỗi lần nhớ đến quê nhà là nhớ đến Sài Gòn trước tiên. Sài Gòn không phải là phần đất dành riêng cho người miền Nam nữa, đối với người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, người Trung chạy loạn năm 1968 thì Sài Gòn chính là phần đất quê nhà đáng nhớ nhất.


    Tôi lớn lên, sống cả một thời niên thiếu ở Sài Gòn. Đi học, dậy thì, mơ mộng, làm việc, khóc, cười, rồi chia ly với Sài Gòn.


    Cuộc di cư 1954 giúp cho người Việt hai miền Nam, Bắc hiểu nhau hơn. Người Bắc sống và lớn lên ở Sài Gòn ở thế hệ chúng tôi học được cái đơn sơ, chân phương của người miền Nam và ngược lại những bạn học người Nam của tôi cũng học được cách ý tứ, lễ phép (đôi khi đến cầu kỳ) của người miền Bắc.


    Sài Gòn đầu thập niên 60 vẫn còn có xe ngựa, đưa những bà mẹ đi chợ. Người xà ích lúc đó chưa biết sợ hãi trên những con đường còn mù sương buổi sáng. Tiếng lóc cóc của móng ngựa chạm xuống mặt đường như đánh thức một bình minh. Khu nhà tôi ở đối diện chỗ gọi là Bến Tắm Ngựa, mỗi lần đi qua, hôi lắm. Sau vài mươi năm xe thổ mộ ở Sài Gòn không còn nữa, chỉ còn ở lục tỉnh.


    Sài Gòn với xích lô đạp, xích lô máy, taxi, vespa, lambretta, velo-solex, mobilette là những phương tiện di chuyển mang theo đầy nỗi nhớ. Kỷ niệm thơ mộng của một thời trẻ dại, hương hoa và nước mắt. Sài gòn với những cơn mưa ập xuống thình lình vào tháng năm tháng sáu, tiếng mưa khua vang trên những mái tôn, tắm đẫm những hàng me già, ướt sũng những lối đi vào ngõ nhà ai. Sài Gòn với mùa hè đỏ rực hoa phượng vĩ in xuống vạt áo học trò, với những hoa nắng loang loang trên vai áo bà ba của những bà mẹ là những mảng ký ức ngọt ngào trong tâm của chúng tôi.


    Mỗi tuổi đời của tôi đi qua như những hạt nắng vàng rắc xuống trên những hàng me bên đường, như mưa đầu mùa rụng xuống trên những chùm hoa bông giấy. Những tên đường quen thuộc, mỗi con phố đều nhắc nhở một kỷ niệm với người thân, người yêu, với bạn bè. Chỉ cần cái tên phố gọi lên ta đã thấy ngay một hình ảnh đi cùng với nó, thấy một khuôn mặt, nghe được tiếng cười, hay một mẩu chuyện rất cũ, kể lại đã nhiều lần vẫn mới. Ngay cả vệ đường, chỉ một cái bước hụt cũng nhắc ta nhớ đến một bàn tay đã đưa ra cho ta níu lại.


    Âm thanh của những tiếng động hàng ngày, như tiếng chuông nhà thờ buổi sáng, tiếng xe rồ của một chiếc xích lô máy, tiếng rao của người bán hàng rong, tiếng chuông leng keng của người bán cà rem, tiếng gọi nhau ơi ới trong những con hẻm, tiếng mua bán xôn xao khi đi qua cửa chợ, vẻ êm đềm thơ mộng của một con đường vắng sau cơn mưa… làm nên một Sài Gòn bềnh bồng trong nỗi nhớ.


    Sài Gòn mỗi tháng, mỗi năm, dần dần đổi khác. Chúng tôi lớn lên, đi qua thời kỳ tiểu học, vào trung học thì chiến tranh bắt đầu thấp thoáng sau cánh cửa nhà trường. Những giọt nước mắt đã rơi xuống sân trường. Sau đó, với ngày biểu tình, với đêm giới nghiêm, với vòng kẽm gai, với hỏa châu vụt bay lên, vụt rơi xuống, tắt nhanh, như tương lai của cả một thế hệ lớn lên giữa chiến tranh.


    Sài Gòn như một người tình đầu đời, để cho ta bất cứ ở tuổi nào, bất cứ đi về đâu, khi ngồi nhớ lại, vẫn hiện ra như một vệt son còn chói đỏ. Sài Gòn như một mảnh trầm còn nguyên vẹn hương thơm, như một vết thương trên ngực chưa lành, đang chờ một nụ hôn dịu dàng đặt xuống.


    Hình ảnh Sài Gòn trong tôi một thời tuổi trẻ đã không còn nữa, như bức tranh đã đổi màu nên không còn đoán ra được hình ảnh trung thực nguyên thủy của bức tranh.


    Sài Gòn bây giờ trở lại, thấy mình trở thành một du khách trên một xứ sở hoàn toàn xa lạ. Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn đi về. Dẫu biết rằng đời dâu bể nhưng sao lòng tôi vẫn mang nặng nỗi luyến tiếc khôn nguôi!


    Ph Ng

    Sài Gòn dâu bể
    Sài Gòn dâu bể
    Sài Gòn dâu bể
    Sài Gòn dâu bể
  7. Lần đầu tiên lên Sài Gòn là để đi thi đại học.


    Tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung với nhau. Ở thì không lo vì đã có nhà người quen ở bên kia cầu chữ Y.


    Chỉ lo cái chuyện ăn uống giữa hai buổi thi. Ngay sau khi thi xong môn đầu tiên, hai đứa kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn. Cầm cái muỗng, cái nĩa để ăn cơm dĩa mà cứ lọng cọng. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly trà đá tự múc ở trong cái xô để ở góc quán, mà bụng vẫn trống không.


    Nhỏ lớn ở quê khi nào đi đâu xa thì cơm đùm, cơm bới mang đi theo chứ có khi nào ăn cơm tiệm để mà biết kêu cơm thêm. Kêu thêm dĩa nữa thì không dám, vì sợ không đủ tiền ăn cho ngày mai, ngày kia…


    Ngó quanh ngó quất, thấy bàn nào cũng để một nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ, người một trái, người hai trái. Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng cho không như trà đá. Vậy là, chỉ một loáng nguyên cả nải chuối để trên bàn chỉ còn đống vỏ. Khi tính tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối để trên bàn rồi nhìn chằm chằm, thỉnh thoảng lại liếc qua bà chủ quán đang đứng gần đó cười mím chi thì đâm lo.

    Không biết tiền mang theo có đủ để trả không.


    Nhìn hai đứa gom từng đồng bạc để bỏ lên bàn, bỗng nhiên chủ quán bước lại.


    ”Thôi, tính hai dĩa cơm thôi. Phần chuối chắc là không biết có tính tiền nên lỡ ăn, chị không tính. Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được đâu.”


    Chỉ có nải chuối, cho thấy tính cách người Sài Gòn.

    Cuộc sống không thẳng tắp. Bon chen lên Sài Gòn không phải lúc nào cũng dễ kiếm tiền. Cũng trong những năm thập niên 1980, có lần, tôi thử sức mình với nghề đạp xích lô. Mượn chiếc xe của ông chú vào buổi sáng, lúc ấy chú cho xe ở nhà để ngủ sau một đêm chạy mối chở hàng. Lần đầu tiên chạy xích lô chỉ có chạy xe không từ bên này sang bên kia cầu chữ Y đã muốn hụt hơi... Thế nhưng vẫn ráng vì trong túi không còn tiền. Chạy lòng vòng Sài Gòn cả tiếng đồng hồ, ngang qua rạp Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi), thấy một đôi nam nữ đi ra, tay ngoắt, miệng kêu: “Xích lô !”.


    Luồn tay kéo thắng ngừng xe lại hỏi:
    “Anh chị đi đâu ?”.


    – Cho ra bến xe Miền Tây. Nhiêu ?


    Dân miền Đông mới lên Sài Gòn tập tành chạy xe kiếm sống, biết bến xe Miền Tây đâu mà cho giá.


    Thôi đành chơi trò may rủi:
    “Dạ, em mới chạy xe chưa rành đường, anh chị chỉ đường em chở. Tới đó cho nhiêu thì cho”.


    Tưởng không biết đường thì người ta không đi, ai dè cả hai thản nhiên leo lên. Người con trai nói:
    “Mười lăm đồng mọi khi vẫn đi. Cứ chạy đi tui chỉ đường”.


    Sức trẻ, thế mà vẫn không chịu nổi đường xa, đạp xe chở hai người từ rạp Quốc Thanh đến chân cầu Phú Lâm thì đuối, liệu sức không thể nào qua khỏi dốc cầu đành tính chước bỏ của chạy lấy người.


    Xuống giọng:
    “Em mới chạy xe, đi xa không nổi. Anh chị thông cảm đi xe khác giùm”.


    Ai ngờ người con trai ngoái đầu lại:
    “Tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo lên đằng trước ngồi với bà xã tui. Đưa xe đây tui đạp cho. Tui cũng từng đạp xích lô mà !”.


    Thế là, vừa được khách chở, lại vừa được lấy tiền. Không phải 15 đồng mà tới 20 đồng.


    Chắc cũng chỉ có người Sài Gòn mới khoáng đạt như vậy !


    Người Sài Gòn tốt bụng, chia sẻ không từ những chuyện cá biệt, người nơi khác vào. Già trẻ, lớn bé, gặp ai hỏi người ta cũng chỉ dẫn tận tình.


    Có nhiều người còn bỏ cả công việc để dẫn kẻ lạc đường đi đến đúng địa chỉ cần tìm. Có những địa chỉ nhiều người hỏi quá, thế là người Sài Gòn nghĩ cách viết hoặc bỏ tiền ra đặt làm một cái bảng đặt bên lề đường, gắn vào gốc cây. Đôi khi, kèm theo một câu đùa, câu trách rất Sài Gòn ở cái bảng này khiến ai đọc cũng phì cười. Như cái bảng viết trên nắp thùng mốp trên đường Sư Vạn Hạnh mới đây:
    “Bà con nào đi photo thì qua bưu điện bên đường. Hỏi hoài mệt quá !”.


    Đi xe ôm, taxi, gặp đúng dân Sài Gòn thì mười người hết chín không lo bị chặt chém, vẽ vời. Đôi khi, kêu giá là vậy, nhưng khách không có tiền lẻ hoặc hết tiền người ta còn bớt, thậm chí cho thiếu mà không cần biết khách ở đâu, có trả hay không.


    Với người Sài Gòn, đó là chuyện nhỏ.


    Ở Sài Gòn, cho tới bây giờ vẫn còn nhiều nhà để một bình nước suối trước nhà, kèm thêm một cái ly, một cái bảng nước uống miễn phí.


    Và bình nước này không bao giờ cạn, như lòng tốt của người Sài Gòn. Sẽ có nhiều người bảo cái ly nhiều người uống, bẩn chết đi được, nhưng không biết họ có cách nào hay hơn? (mua ly giấy, uống xong vứt…. mời các người ấy về Sài Gòn mua ly giấy cho khách thập phương dùng).


    Có người đã phát giác, khi bạn chạy xe trên đường phố Sài Gòn, nếu có ai đó chạy theo nhắc bạn gạt cái chân chống, hay nhét lại cái ví sâu vào túi quần thì đích thị đó là người Sài Gòn !.


    Bi giờ còn vậy nữa không? Cũng còn, nhưng mà nếu bạn không gặp người như vậy ở Sài Gòn là vì những người mà bạn gặp đó không phải là người Sài Gòn !


    Tui hỏi anh cyclo:
    “Đạp từ rạp Rex về cầu Chông (nhà tui) giá bao nhiêu ?”.
    Anh nói “20 ngàn”. Tui nói “30 ngàn thì tui mới đi”.
    Anh cyclo lập lại “20 ngàn”. Tui cũng nói như cũ.
    Anh cyclo tưởng tui là thằng này khùng và nói “Thôi lên xe đi”.

    Đến nhà, tui đưa anh 30 ngàn và cám ơn.


    Năm 1978 khi ra tù tại ga xe lửa đường Lê Lai, một anh cyclo đến hỏi tui:
    “Về đâu ?”,
    nhưng khi nhìn thấy bộ đồ tù tui mặc nên anh nói câu mà tui nhớ đời
    “Lên đi thằng ông nội, tui chở về…Không có tính tiền đâu“.
    Làm sao tui quên được câu nói đó.
    Người Sài Gòn là như vậy bạn ơi !


    Huỳnh Hoàng Linh


    Người Sài Gòn
    Người Sài Gòn
    Người Sài Gòn
    Người Sài Gòn
  8. Từ khi rạp hát Văn Cầm ở đường Phạm Viết Chánh Thị Nghè biến thành trường học (Ông chủ rạp Văn Cầm có ba rạp hát mang cùng tên, hai rạp kia rải rác ở những khu vực khác bên trong trung tâm Sài Gòn), rồi bên cạnh có trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây ở gần đó đã khiến cho vùng này bỗng trở nên nhộn nhịp hơn.


    Một hôm, có chú khoảng 25 tuổi đến xin làm lao công cho trường. Chú được giao làm những chuyện lặt vặt như đóng sửa bàn ghế, quét dọn chung quanh … Chiều chiều, xong việc, chú thường mang cây accordeon ra ngồi trước cổng kéo chơi. Lúc đầu, chúng tôi bu lại xem chú biểu diễn. Những ngón tay của chú lướt nhanh trên các phím và nút dầy đặc ở mặt đàn. Cứ thế, hai cánh tay chú kéo ra rồi ập vào, kết hợp với cái đầu lắc lư trông thật điệu nghệ.


    Sau một thời gian, chúng tôi đề nghị chú chuyển sang các bản nhạc mới, chú chỉ ậm ừ cho qua chứ không đàn được. Mấy thầy giám thị bảo, nó chỉ đàn mò bản nhạc tủ thôi chứ có học trường lớp nào đâu. Do đó, chúng tôi tản mác hết, không còn bu lại xem chú đàn nữa. Và cuộc sống của ngôi trường vẫn cứ lặng lẽ trôi.


    Cho đến một hôm, lúc 5g sáng, khi chúng tôi thức dậy tập thể dục thì thấy những người đi chợ, họ tụm lại bàn tán gì đó. Còn ở đối diện cổng trường là tiệm cầm đồ (quên tên) đèn sáng trưng.


    Người ta xì xào cô gái con bà chủ tiệm cầm đồ gom một số tài sản biến mất. Cả nhà túa ra đi tìm và báo cảnh sát. Cùng lúc đó, chú Minh lao công cũng biến mất. Không biết đây có phải là sự trùng hợp hay không nhưng sau đó cảnh sát đến làm việc và cuối cùng kết thúc câu chuyện là nhờ cây đàn accordeon, chú Minh đã dắt cô gái con bà chủ tiệm cầm đồ đi lập tổ uyên ương ở đâu chỉ có trời biết …


    Sau đó thấy nơi này chật hẹp, nên ông Giám đốc lại di dời trường đến vùng đất mới. Từ Sài Gòn ra đây, điểm cuối cùng là qua cầu Gò Dưa, quẹo vào con đường đất bên trái, rồi đi vào độ một cây số. Đó là vùng đất mà người dân địa phương gọi là đồng chó ngáp ở Tam Hà - Thủ Đức. Đây là vùng đất rộng mênh mông do người dân di cư vô đây lập nghiệp, khai phá. Nhà cửa thưa thớt với những ruộng trồng rau muống và ao cá. Xen vào đó là những mảnh vườn nho nhỏ trồng dừa, mít, xoài. Nằm ở ven cánh đồng này có một khu nhà gọi là nhà Bảo trợ Xã hội bỏ hoang. Có lẽ nơi đây trước kia là chỗ trú ngụ của người di cư sinh sống trước khi được cấp đất, cấp nhà. Đây là khu nhà dài hàng trăm mét. Một đầu là dãy phòng vệ sinh và nhà tắm. Đầu kia là hồ chứa nước mưa. Phía trong khu nhà thì hoàn toàn trống rỗng. Cửa sổ được lắp ở hai bên tường theo chiều dài ngôi nhà, xa xa có một cửa ra vào.


    Người dân địa phương đồn rằng nơi này có nhiều ma và những hiện tượng kỳ bí, do trước đây quân đội gom các thi thể tử trận sau một cuộc hành quân vào đây để chờ xe đến chở đi. Tuy vậy, chúng tôi vẫn dọn dẹp sạch sẽ, rồi phân chia ra khu ăn-nghỉ-học tập rất ngăn nắp và tiến hành sinh hoạt bình thường. Những ngày đầu, sau giờ học, chúng tôi lội đi chung quanh khám phá địa phương này. Đi dọc theo những bờ đất là các ruộng rau muống, rau nhút. Xa xa có vài ao cá, mặt nước luôn động đậy khi có bước chân người tới gần. Tô điểm cho khung cảnh quạnh quẽ nơi đây là những khu vườn trồng cây ăn trái. Lâu lâu, có vài con cò, con vạc kêu vang rồi bay vút lên khiến cho không gian càng đắm chìm trong im ắng lạ thường.


    Ẩn hiện trên cánh đồng là vài mái nhà tranh dường như vắng chủ, tấm phên đã được kéo chặn cửa. Gần trường chúng tôi nhất là mảnh vườn của bà Năm trầu trồng rất nhiều dừa và mít xen kẽ nhau. Bà có cô con gái mới lớn suốt ngày kéo lá, chặt củi, vớt bèo nuôi cá ở các mương vườn.


    Tất cả mọi sự đi lại ở khu vực này chỉ có con đường độc đạo bằng đất, bề ngang vừa đủ cho chiếc Ford car 12 chỗ của trường ra vào chở đồ. Dân cư mang nông sản đi chợ Tam Hà hay Thủ Đức bán cũng bằng con đường này. Ở một khúc quanh của con đường, có quán cóc bán đủ thứ bánh trái và nước đá bào xi rô. Mỗi buổi trưa, chúng tôi thường kéo nhau ra mua quà vặt, ngồi nói dóc, sau đó tranh nhau chạy nhanh về cho kịp giờ học buổi chiều.


    Ngoài giờ học, không có chuyện gì làm nên dễ sanh tật. Người xưa có câu “nhàn cư vi bất thiện”, bọn chúng tôi hàng trăm đứa thì cũng có bấy nhiêu đó sở thích khác nhau. Do đó có nhóm thích đi chặt trúc làm ống thụt, bẻ trái ô du làm đạn, rượt bắn nhau nổ lốp bốp. Nhóm khác lấy lon guigoz đựng đường, bánh kẹo ở nhà mang theo đi học để làm nồi, rồi năn nỉ anh thủ kho (học lớp lớn) xin bột mì, sữa bột, đường, dầu ăn, sau đó xúm nhau lại nhồi-vò thành những cái khúc ngắn gọi là bánh mì khúc củi, rồi lấy ba cục gạch kê lon guigoz dầu lên đốt lửa chiên bánh ăn. Mỗi đứa ăn vài khúc mà cảm thấy ngon còn hơn cao lương mỹ vị. Có nhóm còn bạo gan hơn, đi vào các khu vườn để bẻ dừa, bẻ mít. Dừa non hay già gì cũng chặt ra xì xụp húp. Còn mít chỉ mới bằng cái chén cũng bẻ, đem về luộc chấm muối ớt.


    Cầm đầu nhóm bẻ phá ở vườn tược xung quanh là thằng Sáng cò lép. Một hôm vì bị mất đồ nên chủ vườn rình. Mà có ai xa lạ đâu, đó là bà Năm trầu ở mảnh vườn cách trường chừng bốn năm bờ đất. Khi thằng Sáng và bốn đứa nữa bò vào đến bờ mít thì bà Năm xua hai con chó ra sủa inh ỏi. Bà vác cây chặn cửa ra rượt. Nhỏ con gái của bà thì la í ới. Bốn năm thằng bỏ chạy. Đồng bọn chạy thoát nhưng thằng Sáng thì quýnh quáng không biết chạy đường nào nên phóng xuống mương chạy cho nhanh, ai dè bị mắc lưới giăng ngang mương, nó bị bà Năm nện cho mấy cây, lôi đầu lên, nhưng nó khỏe mạnh hơn nên vuột thoát. Chạy về đến trường mình mẩy ướt mem như chuột lột, đầu cổ đầy bọt bèo sình đất. Đã thế, bà Năm trầu còn bước tới bờ ranh, phun cỗ trầu cái phẹt rồi chống nạnh chửi tới tấp: "Tụi bây là đồ mất dạy”, “Thầy tụi bây dạy như vậy hả”, "Lần nữa bắt được tao trói cho chó cắn”,”Cái trường gì mà không biết dạy học trò”…


    Thầy Paul Chơn nghe ồn ào bước ra. Bà Năm mắng chửi vài câu bâng quơ rồi bỏ đi. Thầy Chơn giận xanh mặt kêu cả bọn ra xếp hàng, quất cho mỗi đứa hai cây rồi bắt đi xin lỗi chủ vườn.


    Dù ở vùng khỉ ho cò gáy này, nhưng trường vẫn giữ chương trình cuối tuần cho đi chơi tự do. Các thầy dặn không được đi đâu xa, chỉ cho phép tới chợ Thủ Đức thôi. Chúng tôi dạ rân. Sau đó ra chợ Tam Hà rồi vòng qua chợ Thủ Đức chơi vòng vèo. Đi ngang ga xe lửa Thủ Đức, cả bọn xúm nhau rủ ra chợ Sài Gòn. Thế là cùng nhau mua vé xe lửa ra Sài Gòn cho đỡ nhớ.


    Xuống xe lửa ở ngay chợ Sài Gòn thì chia tay. Thằng Dũng (con nhà giàu) lội đi tìm chỗ bán xe mobylet mua một chiếc màu xám, loại bình xăng ở gần cổ xe để đi chơi các nơi cho thỏa chí. Sau khi chạy chơi đã đời, nó quay trở lại bù thêm tiền đổi chiếc mobylet xanh có bình xăng ở dưới yên ngồi máy tốt hơn để chạy về Thủ Đức. Nhóm khác băng qua đại lộ Lê Lợi mua vài thứ linh tinh như kem đánh răng, tập vở bút mực rồi đi xuống bến Bạch Đằng xem tàu bè. Còn tôi, theo lịch trình muôn thuở đã đến đây là phải vào nhà sách Khai Trí. Chúng tôi dặn nhau là phải nhìn đồng hồ ở các cửa tiệm để canh giờ quay lại ga xe lửa mua vé về Thủ Đức.


    Rồi mùa mưa tới, buồn não nề. Ngoài trời giông gió ầm ầm, mây đen nghịt trời, mưa tuôn xối xả. Buổi tối, ếch nhái ễnh ương xúm nhau tạo bản hòa tấu rầu thúi ruột. Trong thời điểm như thế này thì có những chuyện lạ xảy ra. Một số đứa trong bọn tôi lúc trời chạng vạng đi vào nhà tắm hay nhà vệ sinh thường thấy có người mặc bộ đồ trắng phủ từ cổ xuống chân, mặt mày lem luốc như khúc củi mục, đứng lặng yên sát vách, không động đậy. Nó hoảng hồn bỏ chạy ra ngoài la hét om sòm nhưng không ai dám vào xem thế nào. Mấy thầy giám thị bảo mỗi lần đi vệ sinh nhớ mang theo đèn pin. Chúng tôi thấy dường như mấy thầy cũng có điều gì e ngại nhưng cố trấn tĩnh chúng tôi.


    Sự việc nói trên không chỉ có một hai bạn thấy được, mà có nhiều bạn cũng thường thấy như vậy. Khiến tối trước khi đi ngủ, cả bọn xúm nhau đi vệ sinh ở ngay hàng rào chứ không dám vào nhà vệ sinh. Tôi thường hỏi kỹ các bạn người áo trắng đó cụ thể ra sao, cao lớn thế nào, rồi bàn với các thầy coi chừng đó là ăn trộm. Nó đột nhập theo cách đó rồi chờ thời cơ ra tay không biết chừng. Mấy thầy gật gù: "Ờ cũng có lý”. Chiếc mobylet xanh của thằng Dũng được khóa kỹ hơn.


    Sau đó, một buổi chiều, mới 5 giờ, vừa tan học thì mây đen kéo tới, sấm chớp lóe sáng cả bầu trời, mưa đổ ầm ầm. Mấy đứa thích tắm mưa, mặc quần đùi chạy dọc mái nhà tắm mưa ở những chỗ thủng của máng xối. Tắm xong cả bọn kéo nhau vào nhà tắm thay đồ, thì cũng vừa lúc đó có tiếng nổ ầm như bị dội bom. Cả khu nhà vệ sinh bốc khói, xi măng vụn từ mái nhà và các ống thông hơi văng tứ tung. Mấy đứa vào chưa kịp thay đồ chạy ra hớt hãi: “Sét đánh”, “Sét đánh cục lửa như cái mâm”, “Mịt mù khói bụi không thấy đường”. Các thầy xúm lại hỏi han nhưng bọn nó không trả lời, chỉ nói lung tung. Tôi mới nghĩ cách lấy giấy viết cho bọn nó viết, sau đó mới hiểu nhau được, vì tiếng nổ lớn làm cho bọn chúng bị điếc tai không nghe do đó không trả lời đúng ý người hỏi.


    Cả trường bị một phen hú vía. Những đứa sợ ma thì bảo: “Thiên lôi đánh ma đuổi quỷ đó”.


    TRẦN PHỤNG HIỆP

    Sài Gòn mãi mãi không bao giờ quên
    Sài Gòn mãi mãi không bao giờ quên
    Sài Gòn mãi mãi không bao giờ quên
    Sài Gòn mãi mãi không bao giờ quên



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy