Top 10 Tản văn viết về cây tre hay nhất

Phương Kem 364 0 Báo lỗi

Cũng giống như cây lúa, cây tre gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nói đến cây tre là nói đến phẩm chất, tâm hồn người Việt: mộc ... xem thêm...

  1. Tre xanh
    Xanh tự bao giờ
    Chuyện ngày xưa … đã có bờ tre xanh (*)


    Không biết hàng tre sau hè nhà tôi đã có tự khi nào, mà nó đã trở thành nơi lưu giữ rất nhiều những kỷ niệm của tuổi thơ tôi và những đứa trẻ thời ấy. Lưu giữ cả những ký ức làng quê mà thế hệ sau này sẽ không có được. Mỗi khi nhớ về ngôi nhà cũ cũng là ngôi nhà của ông bà nội, hình ảnh những lũy tre xanh rì rào trong gió làm mát rượi tâm hồn tôi, tiếng tre kẽo kẹt những trưa như tiếng võng đưa à ơi của mẹ vẫn mãi theo tôi đến ngày khôn lớn.


    Hàng tre của nội chừng 4-5 bụi nhưng mỗi bụi rất to, khoảng đất dưới bóng râm lâu ngày như được ai nện, đất cứng như nền nhà, quét sạch lá là có một khoảng sân mát rượi. Những năm học cấp 1, hàng tre sau nhà là thiên đường của tôi, ngoài những buổi đi học còn thì loanh quanh chơi đùa dưới bóng mát của tre đến tối mịt. Mà con nít ngày xưa thì nhiều trò lắm. Bọn tôi chơi bán đồ hàng, lấy những nhánh tre làm đũa, lấy đất sét dưới bụi tre làm nồi niêu xoong chảo chén bát. Dưới bóng mát tre xanh, bọn tôi có cả một thế giới riêng. Chơi đồ hàng chán thì bọn tôi chơi trốn tìm, chơi đánh trận. Dĩ nhiên là cũng trốn quanh quẩn sau mấy bụi tre và chơi đánh trận thì cũng lấy cành tre làm cờ, làm vũ khí.


    Mà cây tre cũng được dùng làm nhiều thứ hay ho lắm. Mỗi năm như thế không biết bao nhiêu lần tôi lấy nhánh tre làm đồ chơi banh đũa. Anh trai tôi thì dùng để làm diều hay mỗi dịp tết trung thu thì dùng để làm lồng đèn ngôi sao. Ngày xưa lồng đèn không được bán rầm rộ như bây giờ mà chúng tôi cũng không có tiền để mua, thành ra bụi tre được tận dụng triệt để. Anh tôi khéo tay, hay lấy ống tre làm những chiếc chuông gió đủ kiểu treo khắp hiên nhà. Mỗi khi có gió đi qua chuông gió cất lên như những âm thanh thật vui tai. Tôi cứ hay nũng nịu đòi anh tặng nó cho mình, mặc dù treo lên đó thì của ai mà không được.


    Mà không riêng gì để làm đồ chơi, cây tre cũng được làm nhiều vật dụng rất hữu ít trong cuộc sống hằng ngày. Mẹ tôi dùng tre để làm đũa ăn hay chẻ lạt, lạt dùng để bó mạ trong mùa cấy hay cũng được dùng để gói bánh trong những dịp giỗ, tết. Ba tôi thì dùng tre để vót cần câu hay làm dụng cụ bắt cá. Bà dùng tre để đan rỗ, rá, giần, sàng… Ông thì đóng bàn, đóng ghế… Hồi ông bà nội muốn cất cái chòi nhỏ cho yên tĩnh thì hầu như ngoài mái ngói lợp tranh và bốn cây cột kèo, còn lại được làm bằng tre. Không những vậy măng tre còn làm thức ăn rất ngon, cùng với cá ba câu được, những bữa ăn quê của mẹ nhờ tre mà thêm phong phú, chúng tôi cũng lớn khôn từ đó.


    Lớn khôn từ đó và cũng ly hương từ đó, những đứa con thơ ngây của ba mẹ ngày nào lần lượt rời xa lũy tre làng, nuôi ước mơ của mình nơi phố thị. Có những đêm xa nhà, nhớ sao là nhớ tiếng kẽo kẹt của hàng tre, những âm thanh an yên mà chỉ cần đặt lưng nằm xuống là quên hết mọi phiền muộn và chìm vào giấc ngủ. Ngày xưa ông tôi hay mắc võng dưới bụi tre để nghỉ trưa. Sau này lớn hơn một chút tôi không còn chơi đồ hàng nhưng rất hay ra bụi tre để học bài. Bóng tre mát lắm, tôi học bài rồi ngủ quên khi nào không biết.


    Sáng nay nghe tiếng chim hót trong vườn nhà, tôi lại nhớ hàng tre của ngày xưa, một khoảng trời thơ ấu bên lũy tre sống lại trong tôi thân thương đến lạ.Biết bao kỷ niệm êm đềm nơi làng quê dưới lũy tre xanh. Nhớ mỗi sáng sớm dáng bà, dáng mẹ khom khom quét lá tre. Nhớ ba buổi trưa ngồi trầm ngâm dưới bóng tre châm điếu thuốc lào, nhớ mẹ ru em ngủ bằng câu ca dao xưa “à ơi… trăng lên tắm lũy tre làng/ Trăng nhòm qua cửa, trăng tràn qua nôi”. Nhớ những buổi chiều trẻ con (trong đó có tôi) nô đùa dưới bóng tre xanh tiếng cười rộn rã. Nhớ những buổi tối trăng lên trên đầu ngọn tre, anh, chị tôi và người thương bẽn lẽn ngồi bên nhau thẹn thùng không nói, chỉ có tiếng tre nhắc thầm tình yêu luôn hiện diện. Trăng cứ thế lên cao, hàng tre cứ thế rì rào cùng với gió.


    Mai sau,
    Mai sau,
    Mai sau...
    Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh (*)


    Đó là lời trong thơ của Nguyễn Duy, còn trong tôi vẫn mãi là mùi khói nồng bà đốt lá tre để sưởi mỗi sáng mùa đông, là chiếc chõng tre mỗi trưa hè ông nằm ngâm bài Lục Vân Tiên giữa đường gặp nguy ra tay nghĩa hiệp. Và tre trong tôi vẫn mãi xanh màu câu hát à ơi của mẹ, à ơi mấy lũy tre xanh, gió từ buổi ấy mát lành đến nay.


    Kim Loan.

    (*) trích Tre Việt Nam - Nguyễn Duy.


    À ơi mấy lũy tre xanh
    À ơi mấy lũy tre xanh
    À ơi mấy lũy tre xanh
    À ơi mấy lũy tre xanh

  2. Một buổi chiều muộn, lang thang miền sơn cước, bỗng nhiên bắt gặp một rặng tre làng vàng óng. Không phải tre đàng ngà, là tre quê, những bụi tre đầy gai, thân đầy ngố mắt, những chiếc lá như “mắt của trời xanh” đung đưa trong gió đẩy đưa vùng chân núi. Rặng tre vàng rộm lên trong nắng chiều chiếu xiên qua đỉnh núi.


    Tôi say sưa đứng ngắm nhìn rặng tre làng bỏ mặc đằng sau cô bạn đang mải mê tự chụp ảnh cho mình với mê man hoa dại. Tôi say sưa nhìn lại người bạn thời thơ ấu của mình, chính là cái thời còn là một con bé nhà quê chân đất đầu trần, rút nõn lá tre làm khuyên, đeo lủng lẳng từ tai cho tới tận đôi bàn chân nhỏ, mơ một ngày làm cô dâu được đeo nhiều khuyên vàng như thế.


    Khi tôi lẫm chẫm những bước đi đầu tiên trên con ngõ nhỏ, đã thấy hiện hữu ở đó, dọc hai đường đi là bao nhiêu tre hóp. Gốc tre, thân tre đan thành một bức tường chắc chắn ngăn đám trẻ con đi trên đường không rơi xuống ao nhỏ, ngăn đám trẻ choai choai chui vào vườn hái quả. Chưa kể đám măng tre mọc lên nhọn hoắt, bẹ măng đầy lông, đâm vào da mấy ngày sau còn ngứa. Trên đầu, ngọn tre hai bên rào vấn vít, đan thành một vòm xanh óng ả, đủ che mát cái nắng mùa xuân, cái mưa mùa thu. Trưa hè, bờ tre nhẵn thín vì người trong ngõ ra ngồi hóng mát. Bên lũy tre, người lớn ngồi tuốt rơm làm chổi, vót nan đan rổ rá giần sàng, chuyện trò rôm rả, trẻ con vạch đất vẽ ô ăn quan, duỗi chân chơi chắt chuyền, tiếng cười chen tiếng đồng dao chuyền một/ một đôi. Chuyền hai/ hai đôi… Câu chuyện buổi trưa lắng xuống khi gió mát hiu hiu, nắng chiều xiên qua thân tre chiếu vệt dài xuống mặt đất. Đã đến giờ bước chân ra đồng cấy hái, nhổ cỏ, bắt sâu, …để đến khi mặt trời lặn xuống dãy núi phía tây, dãy tre làng đã đen thẫm, lại quẩy những đôi quang gánh đầy rau, cỏ về nhà.


    Làng tôi có nghề đan lát từ rất lâu. Rổ rá, giần sàng, thúng mủng... mỗi loại vật dụng được làm từ các vật liệu khác nhau. Những chiếc rá vo gạo đủ mọi kích cỡ phải được đan từ thân cây hóp, thân nhỏ mà gióng dài. Giần sàng để làm gạo thì phải đan từ thân cây vầu, những người đàn ông trong làng phải đi mua mãi tận vùng núi Thanh Hóa, Hòa Bình. Mỗi chuyến “đi vầu” của bố và người làng phải mất ba, bốn ngày. Cơm nắm, gạo, mắm muối mang theo trong tay nải, đạp xe ròng rã năm, bảy chục cây số, vào rừng mua vầu rồi chặt xuống, pha sẵn thành những thanh nhỏ, bó thành từng bó chở về. Cây vầu gióng dài, ít mắt, lại chỉ được vót lấy phần “cật” rất mỏng để đan thành những chiếc giần, sàng mỏng mảnh mà chắc, dẻo hơn cả thanh nhựa bây giờ. Cái sàng xoay tròn trên tay mẹ để “lùa” những hạt thóc chưa xay hết vào một góc, cái giần đan dầy hơn thì để lọc những hạt gạo tấm. Để có hạt gạo trắng ngần thơm dẻo, trước kia phải qua bao nhiêu công đoạn: xay, giã, giần, sàng, xảy. Thành ra đến lúc có máy xay, máy sát rồi thì những vật dụng đó thành ra thừa thãi. Làng tôi mất nghề truyền thống vì đan rổ rá thì dễ hơn, nơi nào cũng làm được, tre hóp lại sẵn trong ngõ trong vườn mỗi nhà.


    Cây tre trồng được trong ngõ thì thô, gióng ngắn, nhiều mắt, nhiều “bụng” thì chỉ thích hợp để đan những vật dụng để đựng như cái sề, cái rổ… Nhưng ngoài công dụng đó thì tre còn góp mặt trong nhiều góc đời sống: gốc, rễ tre làm củi đun, thân tre bánh tẻ làm cọc chống, làm cán cuốc, cành tre nhiều gai làm hàng rào, ngọn tre “cong gọng vó, kéo mặt trời lên cao”, lá tre mỏng mảnh mà cũng rất nhiều công dụng…

    Tôi còn bé, không khéo tay đan lát, mẹ hay giao cho việc quét lá tre. Lá tre khô rụng đầy dưới gốc, tôi mang chiếc chổi rễ bó bằng những thanh tre chẻ nhỏ, quét gọn vơ về đổ thành một đống trong góc vườn. Chỗ góc vườn có cái lò nhỏ để hun khói cho các vật dụng đã được bàn tay khéo léo của mẹ tôi, chị tôi làm nên. Phải hun bằng khói của lá tre, đồ dùng mới có đủ độ bóng đẹp. Thứ nước sơn vàng óng tự nhiên ấy cũng làm cho các vật dụng từ tre vầu không bao giờ bị mối mọt.


    Tuổi thơ, cây tre gần gũi đến nỗi không bao giờ vẩn vơ nghĩ về những mối liên hệ chặt chẽ của nó. Đến khi lớn lên đi xa, trở về quê, không còn nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của nó nữa mới ngẩn ngơ nghĩ về một sợi dây bền vững giữa con người với thiên nhiên trong thói quen sinh hoạt của cha ông ngày trước. Sợi dây ấy giờ đây lỏng lẻo dần, khiến người ta trở về nơi chôn nhau cắt rốn mà vẫn cảm thấy lạc lõng, bơ vơ.


    Giống như chiều nay, tôi ngẩn ngơ khi bắt gặp một rặng tre làng vàng óng…


    Sưu tầm

    Bỗng nhiên gặp bụi tre vàng óng...
    Bỗng nhiên gặp bụi tre vàng óng...
    Bỗng nhiên gặp bụi tre vàng óng...
    Bỗng nhiên gặp bụi tre vàng óng...
  3. Sau lũy tre làng, biết bao điều đáng nhớ. Bóng mẹ gánh gồng chợ búa, bóng tre bao trùm, quạt mát đường xa...


    Sau lũy tre làng, ba khéo léo làm cái chõng tre để đêm hè đặt ngoài sân hóng mát. Bữa cơm tối của cả nhà đôi khi cũng gọn gàng trên chiếc chõng tre. Bát nước chè xanh đậm tình làng nghĩa xóm cũng trên chiếc chõng tre mộc mạc ân tình. Trăng thanh gió mát, được buông mình trên chiếc chõng tre mà ngủ ngoài trời thì vô cùng thú vị. Rồi ba đan cái nôi tre, hết đứa cháu này sang đứa cháu khác, nằm mòn vẹt chiếc nôi mà nhìn vẫn chắc chắn vô cùng. Ba còn đan cả cái rổ đựng rau, cái thúng đựng lúa, cái nơm, cái lồng bắt cá... Tre như bầu bạn thân thuộc khiến lòng thành yêu thương không biết tự bao giờ…


    Sau lũy tre làng, hàng xóm cùng nhau giúp bác Sáu dựng nên mái nhà đầu tiên bằng tre, che mùa mưa bão. Bà Kha làm cái vườn mướp, giàn bầu cũng bằng cây tre tình nghĩa. Mẹ đi làm đồng gặp cơn mưa dông rồi bị cảm, nồi lá xông của mẹ kiểu chi cũng có nắm lá tre xanh xanh quen thuộc.


    Sau lũy tre làng, bờ tre như những bờ rào, chia ranh giới đất đai của mỗi nhà quê. Trưa hè, dưới bóng tre mát rượi, lũ trẻ bày đủ trò chơi dân gian. Những cánh chuồn chuồn đậu trên lá tre, chập chờn, lúng liếng…


    Sau lũy tre làng, lũ trẻ miền quê hồn nhiên, tự do, đắm mình trong thiên nhiên trong lành, mát mẻ. Những buổi mai đẫm mình trong sương sớm, í ới gọi nhau dắt trâu ra đồng. Những buổi chiều vi vu với con diều chở đầy mơ ước, no say từng trận mồ hôi rồi nhảy ùm xuống bờ kênh xanh thẳm. Vẫy vùng ngụp lặn giữa khoảng trời bao la mây trắng…


    Có lẽ, trẻ quê ngày ấy chắc hẳn không đếm được đã bao nhiêu lần trốn mẹ, rủ nhau chạy giữa nắng hè chang chang mà bắt chim cun cút trên luống đất cày lô nhô, khô khốc; là phanh bụng cho chuồn chuồn cắn rốn để tập bơi, để mong được tắm mương tắm ao; là leo tuột lên hàng phi lao giữa trưa hè để đuổi bắt lũ ve kêu inh ỏi; là nhong nhong tắm táp dưới cơn mưa rào mùa hạ; là chia nhau đứa bắt ốc, đứa hái rau đi bán để đổi lấy mấy que kem xanh đỏ hay từng viên kẹo ú ngọt lịm mùi đường; là khát nước đi tìm mía lau nhai đến toác cả miệng; là ăn dái mít với ớt xanh cay xè rồi ra sức uống nước đến tưng tức cả bụng, quên cả việc ăn cơm chiều mẹ nấu; là chuyện chăn trâu đêm khi vào thời vụ; là chuyện đi nhổ mạ, đi tát nước đêm lúc trăng sáng mênh mang...


    Ngày tháng ấy, những câu đố dân gian, câu hát dân ca cứ vậy chuyền nhau, vở cải lương Lan và Điệp cứ gọi là thuộc vanh vách... Chả biết có hay ho gì không nhưng ai cũng được những trận cười no bụng, dắt trâu về mà miệng cứ ngân nga “Lan ơi, chơ đừng cắt đứt …” rồi “Điệp ơi, mai lên chốn đô thành…”. Hình như ai cũng thích làm "ca sĩ" không chuyên...Trăng sáng, trâu no cỏ, rủ nhau chơi trốn tìm cũng thật là quá đã. Để rồi, đêm về, nứa nào đứa nấy gãi ngứa vô tư vì tội lăn lộn trên cánh đồng sực mùi rơm rạ. Có lẽ vì thế mà xa quê, tôi vẫn rất thích ngửi mùi rơm mới – âm ẩm, khay nồng, ấm áp, dễ thương. Và cũng bây giờ tôi mới hiểu, vì sao ngày xưa có cô bạn vùng biển lại thích ngửi mùi cá tươi trên biển, vào mỗi sớm mai thức dậy. Dường như mùi quê hương đã thấm vào da thịt mỗi người? Sau lũy tre làng, ai có thể nào quên?


    Ngày ấy, lũ trẻ chỉ chờ nghe âm thanh mùa thu vọng lại (mà miền Trung hết nắng thì mưa lấy đâu mùa thu mà chờ mà đợi! Trung thu đến theo trí tưởng tượng và gánh theo cả giấc mơ của lũ trẻ nhà quê). Chờ cái đêm trăng tròn vành vạnh, hếch mặt mỏi mòn chờ nghe tiếng tùng dinh và tiếng “loa loa loa, đúng 7 giờ tối nay, mời các cháu thiếu niên nhi đồng…”. Nôn nao đến không kịp ăn cơm tối, le te tay xách cái đòn rồi chạy lên nhà đội để xếp hàng nhận bánh trung thu. Nói bánh trung thu cho oai chứ cái bánh bé xíu, còn chủ yếu là bánh kẹo thập cẩm. Cầm chiếc đèn ông sao làm bằng nan tre nho nhỏ, ngọn nến thắp lên rồi vội vàng vụt tắt vì gió lộng. Vậy mà cũng tung ta tung tăng dưới ánh trăng rằm. Vui cho đến hết ngày thu…


    Có năm, mấy cô chú thanh niên phát bánh kẹo từng cái một, nhẹ nhàng đặt vào lòng bàn tay mà nãy giờ có đứa đã xòe đến mỏi oặt mới đến lượt mình. Hồi hộp, mong chờ, thèm thuồng, chem chép miệng…Cảm giác đó vẫn còn thoang thoảng đâu đây. Những bàn tay xiu xíu cố xòe ra ôm viên kẹo bi bé xíu, ngọt ngào. Có năm, các cô chú bỏ phần quà vào sẵn từng cái túi ni lon nhỏ. Mỗi đứa nhận một bao, ngắm đi ngắm lại hít hà. Kẹo tuổi thơ có màu tuổi thơ, xanh đỏ, tím vàng, chắc để dành ăn đến cả mấy ngày. Ngon chi mà ngon lạ ngon lùng! Cho đến bây giờ, lúc này đây, tự nhiên đầu môi chợt ngọt lịm hương kẹo nồng nàn của tuổi thơ xưa. Nghe văng vẳng trong lòng lời thơ Hai-cư:


    Ao xưa
    Con ếch nhảy vào
    Vang tiếng nước xao


    Khẽ khàng chạm kí ức xưa. Chạm vào “ao xưa” mà thương, mà nhớ. Đồng vọng, thiết tha thèm “một vé đi tuổi thơ”, để trở về, sau lũy tre làng, mơ tiếng tùng dinh, ngọt lành, hồn nhiên, trong trẻo...


    Hoàng Thủy

    Sau luỹ tre làng
    Sau luỹ tre làng
    Sau luỹ tre làng
    Sau luỹ tre làng
  4. Làng tôi là một làng thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, một làng có lũy tre xanh bốn mùa bao bọc. Tre làng tôi không đẹp như trong tranh của các họa sỹ vẽ phong cảnh làng quê vẫn treo bán ở chợ quê những ngày giáp tết, không thanh cảnh như tre miền Trung, không mọc thành từng khóm to đùng như tre phương Nam, không chà chạnh gai góc như tre rừng Tây Bắc. Tre làng tôi không xanh mướt, không vàng óng, không mượt mà như làn sóng biển đâu. Tre làng tôi xanh một màu xanh giản dị, chân chất, hiền hòa như tính cách của người dân quê tự nghìn đời nay vậy.


    Vâng. Người dân quê tôi, tự nghìn đời nay chỉ có hai người bạn thân thiết nhất. Đó là lúa và tre, tre và lúa. Lúa thì nuôi sống con người, sưởi cho con người ấm lòng ấm dạ. Còn tre thì bao bọc cho người, chở che cho cuộc đời sương gió của người dân quê.


    Từ ngày còn bé tí ti, anh em tôi đã thấy lũy tre giăng giăng quanh làng, canh giữ cho xóm làng được thanh bình yên ả.


    Ngay từ thời đầu trần, chân đất, áo vá, quần thâm, ăn nước ao làng, uống nước ao làng, tắm gội giặt giũ nước ao làng, lúc nào anh em tôi cũng thấy tre làng soi bóng xuống ao làng thân thuộc. Những cây tre xanh như những thiếu nữ chiều chiều xõa tóc làm duyên trước các chàng gió trời vừa mải chơi nghịch ngợm vừa ga lăng hết sảy. Tối tối, từng đàn cò trắng rủ nhau về đậu kín bờ tre. Rồi sớm sớm chiều chiều đàn cò bay trắng đồng bắt tôm mò tép. Có lẽ tre và cò là tín hiệu bình yên của xứ sở này chăng?


    Bên trong lũy tre làng là san sát những ngôi nhà tre. Những ngôi nhà cột tre, xà tre, rui mè tre, con xỏ tre… Mái nhà lợp rạ nhưng không thể thiếu những chiếc lạt tre mềm mại dẻo dai buộc chằng cho mái rạ được liên kết chắc bền. Những ngôi nhà đắp tường đất đến lưng lửng, cắm dừng vách bằng những tay tre rồi trát bùn rơm đến mái.


    Những ngôi nhà tre đã che nắng che mưa, che gió sương, che giông bão cho người dân quê tự thuở xưa xa cho đến bây giờ.


    Ta đã cất tiếng khóc chào đời trong ngôi nhà tre thân thương ấy. Thế rồi các con trai, con gái, các cháu nội, cháu ngoại của ta cũng cất tiếng khóc chào đời tự trong những ngôi nhà tre thân thương ấy. Ôi, những ngôi nhà tre là bà đỡ cho tình yêu hạnh phúc, là bà đỡ cho sự sống của con người.


    Khi đất nước có giặc, tre thành vũ khí. Những cây tre đằng ngà trong tay chàng trai làng Gióng đã quật tơi bời lũ giặc Ân xâm lược. Những cung nỏ bằng tre ở làng Kông-hoa của anh hùng Núp đã bắn Pháp chảy máu. Những chiếc đòn càn, đòn gánh bằng tre ở làng Tán Thuật của nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên đã làm giặc Tây nhiều phen khiếp vía kinh hồn.


    Đường giao thông hào và bức tường tre ở những ngôi làng kháng chiến miền châu thổ sông Hồng đã trở thành “bức tường thép” để du kích và bộ đội địa phương ta đánh giặc giữ làng, góp phần làm nên một Điện biên chấn động địa cầu thời chống Pháp.


    Hàng nghìn chiếc đòn gánh mềm mại bằng tre trên vai các cô thôn nữ, sơn nữ gánh thóc thuế, tải đạn, tiếp lương trong chiến dịch Điện biên, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ đã góp phần làm nên Độc lập Tự do.


    Rồi hàng ngàn, hàng ngàn chiếc gậy Trường sơn thời chống Mỹ đã đi cùng với những chiến công hào hùng của người chiên sỹ Giải phóng.


    Trong đời thường, tre làm đũa cho ta và cơm, tre làm tăm cho ta xỉa răng sau bữa ăn hàng ngày. Tre làm rổ rá cho mẹ ta, chị ta và người thương của ta rửa rau, vo gạo. Tre làm thúng mủng dần sàng cho mẹ ta, chị ta và người thương của ta sàng sẩy để hạt lép, hạt buồn bay đi, hạt mẩy, hạt vàng, hạt vui ở lại. Tre làm nong nia đựng thóc vàng và nắng. Tre làm con thuyền cho cha ta, anh ta kéo lưới quăng chài trên biển, trên sông. Tre làm cây sào chèo lái con thuyền đến bến bờ hạnh phúc. Tre làm con diều giấy chở mơ ước của trẻ thơ bay lên, bay bổng, bay xa đến những chân trời…


    Tre còn làm chữ, làm sách, làm quyển tự thuở xa xưa cho con người truyền được tri thức từ đời cha ông xưa đến đời con cháu sau này.


    Thế rồi, suốt từ sớm tinh mơ đến tờ rờ tối mịt, người dân quê gánh gánh quang quang cuốc cuốc cày cày tất bật, đêm về mới được ăn uống, nghỉ ngơi. Chiếc giường tre như là một người bạn hiền thân thương vỗ về những nỗi lo toan, những nhọc nhằn sương gió trong ta.


    Chiếc giường tre và lời mẹ ru ru ta vào giấc ngủ êm đềm.


    Chiếc giường tre là bến đỗ bình yên, là cái nôi của hạnh phúc gia đình.


    Cuối cùng, khi ta đã hoàn thành các nghĩa vụ ở đời “hành hương về cõi phật” thì chiếc gậy tre trong tay con trai ta sẵn sàng có mặt bủi ngủi bùi ngùi đưa ta về nơi chốn bình yên.


    Tre làng ơi! Tre làng ơi! Ta yêu người lắm…


    Pham Minh Giang

    Tre làng
    Tre làng
    Tre làng
    Tre làng
  5. Đã qua những ngày đông buồn, xanh xám, lạnh lẽo. Mùa xuân như có phép màu gọi nắng ấm vàng tươi thổi vào trời đất cho cây cỏ tươi xanh. Từng quả hạt trong lòng đất cũng rạo rực tách vỏ, nảy mầm, nhú lộc, đâm chồi. Làng quê cảnh sắc đổi thay như cô gái làng bất ngờ một sáng kia khoác lên mình bộ cánh mới bước ra phố phường. Những ngõ tre làng với nỗi niềm đông cũ, rả rích mưa phùn trên lối đường bùn đất, những phiến lá vàng úa đã không còn. Thay vào đó là những lũy tre thanh thoát vươn cao, vi vút ngọn gió đồng cuốn theo đôi tiếng chim buổi sớm trong lành. Ôi thân thiết biết mấy những lũy tre, những cây tre thủy chung một đời cùng người dân quê tôi “một nắng hai sương”.


    Tản mạn cùng tre, tôi chợt nhớ bút ký của nhà văn Thép Mới được trích giảng học thời phổ thông. Đây cũng chính là lời bình phim tài liệu nói về dân tộc Việt Nam thông qua hình ảnh cây tre được thực hiện vào năm 1958 của Thép Mới và một đạo diễn người Ba Lan khi sang Việt Nam. Những câu văn và hình ảnh cây tre vừa đẹp đẽ vừa gần gũi, tình cảm đã để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc, dự cảm tốt đẹp: “Các em, các em rồi đây lớn lên, sẽ quen dần với sắt thép và xi măng cốt sắt. Nhưng nứa, tre sẽ còn mãi với các em, còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt của những ngày mai tươi hát, còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc hòa bình. Ngày mai, trên đất nước này, sắt, thép có thể nhiều hơn tre, nứa. Nhưng, trên đường trường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình. Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi. Những chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng. Tiếng sáo diều tre cao vút mãi”...

    Tôi nhớ ngày quê hương giải phóng, sau bao năm loạn lạc, ba dắt díu mấy chị em tôi về lại quê cũ. Làng mạc lúc bấy giờ sau bao năm chiến tranh tàn phá là dấu tích những vết đạn trên thân dừa trước ngõ ngôi nhà của nội, là mấy cột gỗ cháy rụi, những mảnh vườn hoang, cây cỏ lút đầu. Đêm nằm trên mấy tấm ván cửa, khi chưa dựng được nhà, hễ nghe đất lở cái ào, ba tôi lại thấp thỏm vào ra, ông bảo bụng nóng quá không sao ngủ được. Tôi biết ông lo mồ mả ông bà trên những mảnh vườn bị đất lở cuốn đi. Thế là ngày này qua ngày khác ba tôi kiên trì trồng tre khắp các bờ vườn để giữ đất. Mà đúng thật, không có loài cây nào giữ đất bằng tre. Tre phát triển thành tường rào rất chắc chắn. Chim chóc về xây tổ, đặc biệt có loài chim dột dột cần mẫn về làm tổ ở tận chót vót ngọn tre rất đẹp. Tổ chim có thể coi là công trình kiến trúc độc đáo, gió đưa bay vi vút theo ngọn tre nhưng không bao giờ hư hỏng.

    Tuổi thơ rồi cũng qua đi. Lũ trẻ chúng tôi lũ lượt lớn lên, như loài chim non ra ràng lại đi xa tổ. Nhưng làm sao quên những trưa hè đầu trần dang nắng đi khắp vườn tìm tổ bắt chim. Làm sao quên tiếng cuốc lẻ bạn canh khuya vọng vào từ những lũy tre xanh…

    Về quê giờ đây những bờ tre đã ít đi nhiều. Có lẽ do lợi ích kinh tế, tre bị phá bỏ để con người trồng vào đó các loài cây có giá trị kinh tế cao hơn. Đúng như tiên đoán của nhà văn Thép Mới, tre hôm nay đã ít đi, thay vào đó là các công trình sắt thép xi măng, nhưng cây tre vẫn còn gắn bó với con người, tre vẫn ăn ở với người đời đời kiếp kiếp. Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thủy.

    Vật dụng gần gũi nhất của cây tre, dân quê ai mà không biết đến cây đòn gánh. Thuở thời ba tôi rất khéo tay đẽo đòn gánh. Bà con trong xóm ai cũng nhờ, nhất là những người chuyên bán hàng gánh. Kinh nghiệm của ba mà tôi biết, tìm gốc cây tre đẽo đòn gánh không cần to lắm, không cộc ngọn, không bị kiến làm tổ trong ống. Đó là đoạn tre gốc, phải có đốt đều nhau, lóng dài thì bảy đốt, lóng trung bình thì chín đốt… Mọi người kiêng đòn gánh có đốt chẵn, đòn gánh vênh. (Đòn gánh chẵn đốt thì không có lộc buôn, lộc bán; đòn gánh vênh nghiến vào đau vai và gặp nhiều chuyện không hay). Nghe đâu chuyện từ cây đòn gánh, một nhà văn nước ngoài đến Việt Nam đã hào hứng mô tả, những bà hàng rong có thể nhún nhảy bên phải bên trái đi ra khỏi ngõ. Và nhà văn đó đã kết luận cây đòn gánh là vật lãng mạn nhất phương Đông.

    “Lưng cây đòn gánh mòn trơn/ Lời tre khô nhắc công ơn mẹ già”. (Không rõ tác giả).

    Cây tre khi đã hóa thân thành cây đòn gánh cũng đã trở thành nét đẹp của tính cách Việt Nam. Làng tôi một bên núi một bên sông, hầu hết gái làng đều biết gánh nước. Tắm giặt có thể ở sông, nhưng phải gánh nước về nhà để nấu ăn. Với bản tính chịu thương chịu khó, con gái nhà nào lớn lên cũng biết gánh gồng nên chỗ vai áo thường sờn là vậy.

    Nhớ nhất thời nhà tranh, phên tre. Chuẩn bị đón tết cũng là lúc ba tất bật đốn tre, chẻ tre đan những tấm phên tre mới. Tuổi thơ, sự háo hức trông đợi của tôi chạy theo những con nang ba đan để có tấm phên mới cho ngôi nhà đón tết.

    Chợt nhớ nhà thơ Nguyễn Duy có bài thơ viết về cây tre, một biểu tượng hồn cốt của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam mà theo người viết bài này có lẽ chưa có bài thơ nào hay hơn thế: “Tre xanh xanh tự bao giờ?/ Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh…”.

    Và cây tre cũng giống như con người Việt Nam ở những đức tốt đẹp.

    “…Rễ siêng không ngại đất nghèo/ Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù/ Vươn mình trong gió tre đu/ Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành/ Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh/ Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm…”.

    Tre gần gũi với con người biết bao. Tre là nguồn vui cho trẻ thơ từ chiếc thuyền lá tre ngày mưa đến que chuyền đánh chắt. Lớn lên, tre bắc cầu cho tình duyên đôi lứa. Dưới bóng trăng thanh treo đầu ngọn tre, các chàng trai cô gái trao nhau những lời giao duyên, tình tứ: “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá đan sàng được chưa?”. Còn khi đôi lứa đã bén duyên: “Lạt này gói bánh chưng xanh/ Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng…”.

    VÕ VĂN TRƯỜNG

    Tản mạn tre làng
    Tản mạn tre làng
    Tản mạn tre làng
    Tản mạn tre làng
  6. Những lũy tre bao đời nay vẫn lặng thầm, bền bỉ, khiêm nhường như thế. Tôi vẫn luôn quan niệm rằng, xóm làng mà vắng bóng tre xanh thì đã mất đi một phần của hồn quê, thiếu mất một vùng trời bình yên rộn rã tiếng chim mà ngày nay khó lòng tìm lại. Từ nhỏ, tôi đã được mẹ dạy phải biết quý trọng, hàm ơn cây tre như thể quê hương mình. Trong căn nhà nhỏ ấm sực tình thương, tôi lớn lên hồn nhiên bên tre, ở đâu cũng thấy dáng tre mộc mạc, chất phác. Chiếc chõng tre kẽo kẹt đưa tôi vào giấc ngủ, đến đôi đũa tre thân thuộc mỗi bữa cơm đầm ấm bên bếp lửa đượm nồng. Từ cái kèo, cái cột vững vàng, bền bỉ, đến những nuộc lạt dẻo dai buộc trên mái nhà, làm tôi vẫn thường nghĩ về câu ca dao: “Ngó lên nuộc lạt mái nhà. Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”.


    Tre khiến lòng tôi nhớ mẹ quay quắt. Nhớ chiếc đòn gánh cong hai đầu sương gió, mòn vẹt bóng thời gian mẹ dựng ở góc nhà. Ngày xưa, mẹ đã lam lũ gánh từng gánh cá, gánh rau đi rao bán dọc con đường xóm nhỏ. Những chiếc rổ tre, thúng mủng như đựng cả tuổi xuân của mẹ, đựng những tháng ngày khó nhọc làm sần chai đôi vai gầy hằng đêm mẹ vẫn xoa dầu gió.


    Gần nhà tôi, phía sau ngôi miếu làng, cũng có một lũy tre quanh năm rì rào cùng nắng gió. Mẹ kể rằng đó là lũy tre do ông ngoại tôi trồng những ngày đã rất xa. Lũy tre qua bao tháng ngày cứ vươn mình xanh biếc, tỏa bóng hiền hòa xuống vườn chuối thơm thảo. Lũy tre ấy chính là một trong những thứ quý giá mà ông ngoại đã để lại lúc đi xa. Tre giữ lại tấm lòng của ngoại, ngày ngày lặng thầm tỏa bóng mát rượi. Cha đốn vài cây tre già từ lũy tre ngoại trồng để làm những cái nơm, cái lờ bắt cá. Bàn tay cha khéo léo, tỉ mẩn vót, đan như thể một nghệ nhân lành nghề. Từng thanh tre, sợi lạt trông mỏng manh mà dẻo dai, chắc chắn. Tôi học được tính kiên nhẫn, chú tâm, tỉ mỉ của cha từ những lúc loanh quanh bên cha, vừa thích thú xem vừa ngây ngô hỏi bao điều.


    Thời gian làm con người ta dần xa vòng tay chở che của cha mẹ, xa lũy tre làng êm đềm nghiêng bóng mát, nhưng tre vẫn lặng thầm góp mặt vào đời sống muôn hình vạn trạng, bền bỉ, thẳng ngay tựa người quê chân lấm tay bùn. Tre đan thành chiếc nôi ký ức bình yên, để lòng tôi nương náu tìm lại hơi ấm quê hương lúc bước chân còn mông lung giữa xứ lạ. Làng quê bây giờ dần vắng bóng tre xanh, mà nhớ thương vẫn khôn nguôi nghẹn ngào…

    Trần Văn Thiên

    Tre làng xanh ký ức
    Tre làng xanh ký ức
    Tre làng xanh ký ức
    Tre làng xanh ký ức
  7. Xe dừng, bạn bước xuống chờ ba ra đón. Trời đổ nắng chang chang, bạn tấp ngang qua bên kia con lộ, đến lũy tre lừng lững sum suê tỏa bóng mát.


    Ngồi xuống dưới bóng tre, nhìn những cành tre xào xạc, vi vi gió reo không dưng bạn nhớ vô cùng lũy tre làng ngày xưa. Bây giờ rất hiếm mới có thể tìm thấy một bụi tre như thế này.

    Ngày xưa quê bạn, cây tre rất nhiều. Đi đâu cũng thấy bóng tre hiện diện. Bạn nhớ nhất là lũy tre làng chỗ ngã ba thông ra con lộ chính và cánh đồng lúa mênh mông. Đó là lũy tre bự và thân thuộc nhất đối với mọi người trong làng. Lũy tre ấy đã làm nên “thương hiệu” của quê bạn. Bởi nhắc tới quê bạn ai ai cũng đều nhắc tới lũy tre làng sum suê, um tùm.

    Người trong làng coi lũy tre ấy như bóng cây che mát thân thuộc mỗi khi nắng hạ kéo về. Người dân đi làm đồng về, mệt mỏi, ngả nón ngồi quanh gốc tre chuyện trò, giở điếu thuốc ra hút. Với tuổi thơ của bạn được lớn lên bên lũy tre làng thật hạnh phúc làm sao, cuộc sống thêm màu sắc và trọn vẹn.

    Bạn nhớ vô cùng những trò dân gian mà năm tháng tuổi thơ bạn trải qua. Nào là chơi ô ăn quan, nhảy dây, nhảy ngựa, chơi chọi gà. Nào là lấy lá tre làm… tiền chơi đồ hàng, buôn bán. Những mụt măng tre lớn lên, bạn và bạn bè bẻ chơi làm côn, làm gậy thích thú vô cùng. Còn lá tre mỏng manh, xanh tươi hay vàng óng đều hóa thành những chú cào cào đỏm dáng.

    Những buổi chiều trên bến sông quê êm ả, chiếc lá tre lại thành những con đò be bé cùng với ước mơ trôi theo con nước trong xanh. Những que chuyền nhịp nhàng hay những chú rối kỳ tài lại được làm từ những đốt tre bóng mượt. Chao ôi, không thể kể hết những thú vị mà tre đã mang lại.

    Bạn nhớ hồi đó nhà bạn nghèo quá trời nghèo. Cả nhà năm miệng ăn chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, mảnh vườn be bé và dăm con lợn, con gà. Nhưng quanh năm vẫn thấy thiếu thốn. Nghèo khổ bắt buộc ba mẹ bạn phải nghĩ ra nhiều phương kế mưu sinh.

    Cũng may, nhờ có tài lẻ đan lát, đẽo gọt của ba bạn mà cuộc sống gia đình bạn khá khẩm hơn. Sẵn tiện những bụi tre sau nhà, trên đồi, ba đi đốn những khúc tre già về chẻ làm tăm, làm đũa mang ra chợ bán. Có khi ba bạn còn làm đòn gánh, đan rổ, rá…

    Tuy mỗi món đồ làm rất lâu, mất nhiều công sức, tiền lời lãi ít nhưng nhờ sự chăm chỉ, chịu khó những đồng tiền cũng được chắt bóp nuôi mấy miệng ăn và nuôi chị em bạn học hành thành người. Tre trở thành “ân nhân” lớn trong cuộc đời của cả gia đình bạn, suốt đời bạn sẽ không bao giờ quên ân huệ đó.

    Tre cứ thế theo bạn mà lớn lên. Trong nồi nước mẹ nấu gội đầu thoang thoảng hương hoa bưởi, hương nhu, lá mít còn phảng phất mùi lá tre khó tả. Bao năm rồi cái mùi lá tre ấy tưởng chừng giản đơn nhưng lại đặc biệt, đậm đà một nét riêng.

    Khoát gáo nước vào đầu trong buổi trưa hè nóng nực, một cảm giác dìu dịu thanh mát, nhẹ nhàng len lỏi vào từng sợi tóc, xộc vào khoang mũi. Bạn xõa suối tóc dài mượt của mình, nghe hương tre dậy mùi ký ức và tình yêu thương của mẹ bao la đất trời quê hương xứ sở.

    Cứ tưởng cây tre sẽ trường tồn mãi với quê hương, với cuộc đời người dân chân chất quê bạn. Nhưng thời cuộc thay đổi, công nghiệp hóa len lỏi vào tận mọi ngõ ngách xóm làng, lũy tre cũng đã dần thưa thớt. Thay vào đó là những bức tường, con đường, công trình bê tông cốt thép mọc lên san sát. Người ta chặt tre để thay thế những loại cây mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn.

    Dưới rặng tre hiếm hoi còn sót lại, bạn mơ màng nhớ tới những tiếng rì rào, kẽo kẹt của rặng tre làng năm xưa. Bạn thèm lắm bóng mát lũy tre đi đâu cũng hiện diện, thèm nghe tiếng lũ chim lích chích trên vòm tre mà hót vang trời.

    Thèm trở lại thuở ấu thơ với bao nhiêu trò tinh nghịch cùng đám bạn tóc râu ngô tinh quái. Bạn chột dạ nghĩ, cứ đà này, một ngày nào đó không xa nữa, ngay trên mảnh đất mình chôn nhau cắt rốn sẽ không còn bóng dáng lũy tre xanh, thì không biết cõi lòng bạn còn chút bình yên?


    Mai Hoàng

    Thương nhớ tre làng
    Thương nhớ tre làng
    Thương nhớ tre làng
    Thương nhớ tre làng
  8. Tết. Khi tôi về đến đầu làng thì bóng làng đã đổ. Làng đã nhập nhòa trong chiều chạng vạng thành một khối mờ mờ ảo ảo, phía rìa làng vẫn còn nhận ra bóng cong cong, mềm mại của những lũy tre.


    Làng tôi đó, những lũy tre xanh bảo bọc hồn làng từ bao đời nay vẫn đứng đó như thành trì vững chãi, ôm ấp xóm làng. Dù đi xa nhưng Làng trong tôi vẫn gần gụi với hình ảnh xanh mướt bóng tre, với những ký ức gắn liền với tre một thuở ấu thơ còn in trong tâm khảm. Trước ngõ nhà tôi là một rặng tre. Con đường làng tôi dày đặc bóng tre. Bao quanh làng tôi là những lũy tre. Buổi sáng, mở mắt ra đã thấy tre đu đưa trước nhà, đêm đêm còn nghe tiếng tre đan vào nhau vặn mình trong gió nghe cọt kẹt mà tụi nhỏ thường tưởng tượng ra trăm nghìn thứ ma tà dọa nhau.


    Tre ru tôi giấc ngủ tuổi thơ, trong giấc ngủ bên nôi tre có cánh cò trắng trên đồng lặn lội, có cơn giông đen thẫm cả chiều hè, có con chuột đi chợ đàng xa trong lời bà, lời mẹ nghe thân thương mà rủ rỉ, gợi buồn rồi cứ ngấm dần, thẩm thấu dần vào tâm hồn những đứa trẻ mà lớn lên thành người.

    Những cây tre đã neo bóng vào hồn tôi trong những đêm trăng rằm trong trẻo. Trăng đỏ lừ, lớn dần, lớn dần rồi lên cao, khuất trong những ngọn tre tạo thành một bức tranh làng quê thi vị. Tôi thích cảnh trăng lên trong khoảnh khắc phất phơ vài lá tre đung đưa trước gió, có hồn và đẹp hơn tranh thủy mặc, bức tranh hội tụ cả nét đẹp tròn trịa và mảnh mai của trời, đất mà tre là hồn cốt và tôi là người thưởng ngoạn.

    Những mo nang tre e ấp ẩn vào trong lớp nón lá của bà, của mẹ mà che mưa, che nắng. Những chiếc nón trắng mới tinh đó, trong đám cưới quê tôi, mẹ chồng thường trao và đón cô gái xinh đẹp làng bên về làm nàng dâu hiền thảo. Nón còn thay chiếc quạt làm dịu cơn nắng trên đồng những trưa hè nóng nực. Thân tre làm sáo diều bay lên mà thênh thênh cõng gió vi vút những đêm trời đầy sao, tiếng sáo như giọng bà kể chuyện những năm tháng thánh thót, du dương, dịu dàng ru chúng tôi vào giấc mơ êm ả, yên bình của thời thơ ấu. Tre được chẻ nhỏ thành những nan dài, đan nống mốt nống hai, đan rổ, rá, nong, nia, giần, sàng… gắn bó với cuộc sống thôn quê, bền bỉ, dẻo dai, bần hàn mà thanh sạch, dân dã. Những chiếc gầu dây tát nước đêm trăng đã đi vào ca dao cùng tình yêu đôi lứa được làm từ những cây tre cứng cáp, mạnh mẽ, tạo nên hình ảnh trong sáng, nhẹ nhàng, mộc mạc, trữ tình mà ý nhị:

    “Hôm qua tát nước đầu đình
    Bỏ quên chiếc áo bên cành hoa sen
    Nhặt được thì cho anh xin
    Hay là em để làm tin trong nhà”

    Chiếc gầu tre tát nước chống hạn đi vào thơ Trần Đăng Khoa như người bạn nhỏ của thiếu nhi, góp phần làm nên “Hạt gạo làng ta” một thời chống Mỹ:

    “…Hạt gạo làng ta
    có công các bạn
    Sớm nào chống hạn
    vục mẻ miệng gầu..”

    Những chiếc gầu sòng được buộc dưới ba cây sào tre dùng để một người tát nước cũng được làm từ tre, gắn bó với đồng ruộng, với người nông dân bao đời cày cấy lam lũ mà vẫn đáng yêu, lãng mạn trong những câu ca dao:

    “Hỡi cô tát nước bên đàng
    Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”

    Chiếc quang tre gồng gánh cuộc đời nhọc nhằn của cha trên đôi vai bé nhỏ. Chiếc đòn gánh tre dẻo dai trên vai bà, vai mẹ, kẽo kẹt bốn mùa cõng nắng cõng mưa, cõng hạt lúa, củ khoai, cõng cả mồ hôi, nước mắt, cõng cả bão giông và bình yên một thuở trên con đường làng rợp bóng hàng tre.

    Những trưa hè nóng nực, những chú trâu hiền lành, thong thả nằm nhai bóng râm. Dưới bóng tre, mọi người thường ngồi hóng mát, đợi những cơn gió trong lành từ cánh đồng thổi vào mát rượi.


    Tôi yêu dáng cong cong của những bụi tre trên những cánh đồng. Đó là những bụi tre gai cành đan vào nhau, ken thành một khối dày đặc. Người ta hay cột trâu ở đó. Dưới gốc tre, những con trâu ngứa sừng, cọ đi cọ lại làm gãy hết cành, trơ ra những thân tre bó vào nhau và ngọn xòe ra như được bàn tay ai cắt tỉa, làm cho cánh đồng trở thành một bức tranh tươi đẹp hơn, mềm mại hơn trong nắng chiều.

    Tre càng già càng chắc. Mặc cho giá rét, mưa giông, mặc cho nắng hạn, tre cứ xanh tươi và lầm lũi có mặt ở khắp nơi trong cuộc sống của người nông dân quê tôi. Mỗi sáng dậy, mở mắt ra đã nhìn thấy những cây tre trên mái nhà, tre làm cột, làm kèo giữ cho mái nhà vững chãi. Tre ngâm được chẻ nhỏ, cắm vào nền đất rồi được buộc lạt tạo thành những ô vuông, là cốt để trát bùn trộn rơm làm vách nhà. Những chiếc chõng tre là nơi chúng tôi thường ngồi chơi, nằm ngủ trong đêm trăng và cả những trưa hè, là nơi tiếng chim hót rộn rã trong vườn cùng hương cau thoang thoảng chập chờn trong giấc mơ tôi. Những chiếc liếp tre bền bỉ, bạc màu qua ngày mưa tháng nắng vẫn đứng đó như tấm bình phong trước hiên nhà. Chiếc giường tre là đồ vật quý nhất của ông nội tôi, nó có từ lâu đời đến nỗi nó nâu bóng như được đánh vecni. Trông nó đơn sơ nhưng rất chắc chắn và không hề bị mối mọt. Lũ trẻ chúng tôi thường chạy nhảy trên chiếc giường này. Mùa đông đến, giường có thêm chiếc đệm rơm ấm áp, êm êm, thơm thơm mùi lúa đồng. Cả cuộc đời ông gắn bó với tre. Tre bên ông từ lúc nằm nôi cho đến khi bàn tay cầm cuốc, cầm cày chai sạn. Để khi tuổi già, gậy tre lại đỡ những bước chân ông. Tôi chẳng thể nào quên dáng ông gầy guộc, thiêm thiếp ngủ trên chiếc giường tre trước khi trở về với đất. Những tiếng trở mình của ông trên chiếc giường tre cọt kẹt ngày xưa đâu có dễ quên, nó bền vững, âm ỉ như mùi hoa bưởi, hoa cau thơm ngát trong vườn mà bất cứ đứa con xa quê như tôi chẳng bao giờ quên được.

    Những thân tre già không to như luồng nhưng vàng óng, ta có cảm giác như bao nhiêu đồng ở quê tôi được giát ra và khảm lên từng đốt tre. Chúng chen chúc, ken dày vào nhau mà mọc thành bụi, thành lũy. Những mầm măng thẳng đứng mập mạp cứ ấm bụi mà vươn lên, khi cởi bỏ lớp áo mo nang bao bọc bên ngoài đầy lông măng thì chúng đã cao quá đầu người, chúng vươn cành ra, đua cùng lớp tre già mà lớn, mà tỏa bóng xanh tươi rợp những con đường.

    Lũ trẻ chúng tôi thường chặt những cành tre nhỏ, thẳng và nhẵn làm chuyền, thêm những quả bưởi vừa nắm tay rụng vào tháng tư là đủ bộ chuyền có thể chơi suốt cả một mùa hè. Những cành tre cong cong cứng cáp, anh tôi hay chọn làm cần câu, có thể câu cá cờ, cá rô và ếch…, những cành tre có ngạnh, chúng tôi thường dùng làm cành câu tra cá trê ở bờ ao mỗi đêm, thú vui của người tra cá trê là sáng mai nhấc cành câu lên, một con cá trê to mắc mồi ở đó quẫy đạp tung tóe, khoát nước lên cả những bụi khoai dại ven bờ. Những bụi tre già khi chặt đi, bà nhờ người đánh gốc, đổ bùn trồng bụi mới. Những chiếc gốc tre được ông khéo tay lựa đẽo, gọt thành những hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu, còn bao nhiêu gộc, cuối năm làm củi âm ỉ luộc bánh chưng thơm lừng ngày Tết.

    Tre một thời giữ làng, giữ nước, tre làm chông nhọn hoắt, là vũ khí để người dân quê tôi đánh đuổi giặc ở bốt Lê. Hòa bình rồi, tre lại êm đềm rủ bóng ở rìa làng, là nơi cho lũ chào mào, sáo sậu hót ríu ran khi bình minh đến. Đi bất cứ đâu, hễ nghe tiếng chim gọi vịt cất tiếng kêu vào những ngày cuối xuân, đầu hạ từng hồi dài khắc khoải, tôi lại nhớ quê nhà. Không hiểu sao, tiếng chim luôn gợi nhớ về quá khứ xa xăm về tháng ba thuở ấy. Tháng ba quê tôi có những bụi tre lá vàng óng rụng đầy ngõ vắng, có mẹ già chống gậy mỏi mắt chờ trông những đứa con xa. Chiếc gậy tre lúc này là người bạn thân thiết của cha, của mẹ. Con chỉ mong làm chiếc gậy tre nâng đỡ cha những bước đi chậm chạp tuổi già, cho đường mẹ ra bến nước đỡ trơn. Những lúc bão giông, chỉ ước được làm cột tre gìn giữ căn nhà của mẹ yên ấm, đừng để bão mưa làm dột ướt khi con đi xa chưa kịp trở về. Cha mẹ như thân tre già dựa vào xưa cũ mà giữ hồn cốt cho làng. Tôi nhớ cả chiếc roi cha vụt lằn mông một lần tôi nói dối mà hờn giận cả bụi tre làng. Tôi thèm những bước chân trần chạy trên con đường làng đất mịn, nơi đó có gai tre có thể làm xước xát bàn chân, có những chiếc chong chóng bằng lá dứa xâu gai tre quay vù vù với mấy thằng bạn thân hồi nhỏ. Tre chỉ là tre thôi sao mà tôi nhớ thương đến thế?

    Lạ thay, một sớm mai, mọi người trong làng ngỡ ngàng khi thấy bụi tre đầu làng nở hoa từng chùm, từng chùm màu vàng nhạt giản dị. Riêng ông tôi ngồi nhâm nhi chén trà mạn mà trầm ngâm:

    Cây tre cũng như đời con người, nó có thể sống từ sáu mươi đến một trăm tuổi. Khi tre ra hoa, ra quả cũng là lúc nó lụi tàn dần không thể hồi sinh. Nó chết đi để nhường chỗ cho cây con mọc lên thôi mà.

    Quả thật, đúng như lời ông nói, những cây tre sau khi ra hoa thì tàn lụi. Cả đến khi chết, tre cũng chọn cách hiên ngang hiếm thấy của người quân tử anh dũng, khảng khái. Tre và hoa chết đứng chứ không rũ xuống như các loài hoa khác. Cây tre ra hoa gợi cho tôi về hình ảnh người nghệ sỹ, sau khi dâng hiến tận cùng cho cuộc đời, sẽ thanh thản ra đi, cháy hết mình với một mùa hoa ở cuối cuộc hành trình.

    Giờ đây, tôi đi trên con đường làng đã được bê tông hóa, không còn thấy bóng những bụi tre xanh mướt ngày xưa. Tre bây giờ chỉ còn ở rìa làng, ở những khu vườn cũ. Thay vào đó, không biết có phải người ta hoài niệm tre bằng những cây nêu hay không mà trước cửa nhà nào cũng có cây nêu vươn ra đường. Những cây tre dài, được róc sạch sẽ phần thân và để nguyên phần ngọn, người ta treo một cái đèn lồng phía ngọn, quấn những sợi dây điện hết chiều dài thân tre nhấp nháy sáng suốt đêm. Truyền thống cũ của cha ông vẫn còn được lưu giữ, cây nêu được trồng trước nhà để trừ tà ma và mong cầu một năm mới ấm no, hạnh phúc. Cả con đường thật đẹp, cong cong những dáng nêu lấp lóa, nhấp nhánh ánh điện sáng trong đêm tháng chạp. Tôi đã trở về với quê hương, với lũy tre của ngày thơ ấu. Hồn làng vẫn còn đâu đây trên những con đường, trong những dáng tre làng mộc mạc thân thương!

    HÀ KIM QUY

    Cong cong lũy tre làng
    Cong cong lũy tre làng
    Cong cong lũy tre làng
    Cong cong lũy tre làng
  9. Không phải ngẫu nhiên mà câu hát mở đầu cho hai ca khúc "Làng tôi" nổi tiếng đều có hình ảnh cây tre thân thuộc. Với Văn Cao là "Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung" còn Hồ Bắc thì lại là "Làng tôi xanh luỹ tre mờ xa, tình quê yêu thương những nếp nhà"... Thật thanh bình, đẹp đẽ biết bao nhiêu! Từ thuở thiếu thời tôi đã thuộc và hát vang hai ca khúc đó cùng với những áng văn mượt mà, đầy chất thơ trong tuỳ bút "Cây tre Việt Nam" của Thép Mới", trong bài thơ "Tre Việt Nam" của Nguyễn Duy. Sao Nguyễn Duy lại chọn thể thơ lục bát chứ không phải thể thơ nào khác để viết về cây tre? Phải chăng lục bát là quốc hồn, quốc tuý của dân tộc và cây tre lại là hình ảnh thân thuộc nhất, gần gũi nhất với con người Việt Nam?


    Từ trong văn thơ, nhạc hoạ, từ thực tiễn cuộc sống, cây tre đã đi vào hồn tôi, một đứa trẻ trâu sau luỹ tre làng cho tới bây giờ trở thành người nửa quê, nửa phố. Còn đó tiếng mẹ, tiếng bà ru tôi bên chiếc nôi tre, võng tre kẽo kẹt giữa trưa hè. Và kia nữa, mấy con trâu cũng đang thảnh thơi nằm nhai bã trầu dưới bóng tre xanh mát rượi nơi đầu ngõ. Quên sao được tuổi thơ tôi vắt vẻo trên lưng trâu, bay bổng tiếng sáo tre, sáo trúc, rượt đuổi cánh diều lúc hoàng hôn những chỉ muốn lên chơi cùng chị Hằng chú Cuội. Cuối làng kia, đàn cò rủ nhau về tổ, đậu trắng cả ngọn tre, con bay lên, con đậu xuống tiếng cãi cọ nhau ầm ĩ cả góc làng. Đêm về, khi "trăng lên lùa cành tre, gió thổi tiếng ru hời"... là lúc cha tôi ung dung tự tại ngồi trên chiếc chõng tre rít điếu thuốc lào khoan khoái thả khói lên trời, ngắm trăng, ngắm sao mà trù tính việc cày bừa cấy hái. Lại nữa, cái không khí háo hức đón chờ Tết đến bằng việc tối tối cha ngồi chẻ lạt, mẹ ngồi nối lạt bánh chưng đọc câu ca dao "Lạt này gói bánh chưng xanh, Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng" thì chẳng bao giờ tôi quên được. Cái lạt tre ấy đã buộc chặt ký ức của tôi với làng.


    Tôi lớn lên xa nhà đi công tác, hình ảnh luỹ tre làng vẫn chập chờn ẩn hiện trong giấc mơ của tôi. Mỗi lần về quê từ xa nhìn thấy luỹ tre xanh bao bọc xóm làng là tôi muốn chạy ào tới để được nằm khểnh vắt chân trên chiếc chõng tre, ngay dưới bới tre đầu ngõ mà thả hồn theo tiếng sáo tre, sáo trúc. Làng tôi ơi! Cây tre ơi! Sao mà đáng yêu đến thế!


    Giờ đây về làng chẳng thấy bóng tre đâu! Nhà nọ nối tiếp nhà kia, mái bằng, tháp nhọn đủ kiểu. Thả bước trên con đường bê tông của làng, thấy làng quê thay đổi nhiều quá, trong sự mừng vui trong tôi thấp thoáng một nỗi buồn khó gọi thành tên. Tôi cảm thấy như thiêu thiếu một cái gì đó. Chẳng còn bờ tre, rặng chuối đâu nữa, thay vào đó là những bức tường xây kín cổng cao tường. Tre bị chặt phá gần hết để lấy đất xây cất nhà lầu, xây tường rào cắm những mảnh chai sắc nhọn. Chẳng thấy mẹ con con trâu nằm nhai bã trầu, lim dim đôi mắt, ve vảy cái đuôi dưới gốc tre hóng gió mát trưa hè sau một buổi cày bừa mệt nhọc. Cả đàn cò trắng nữa, chúng bay đâu hết cả rồi? Đâu rồi tiếng kẽo kẹt của tre mỗi khi những cơn gió thổi tới.


    Tôi ngơ ngẩn ngắm những ngôi nhà hai ba tầng sừng sững kia mà thương cho những cánh dại trước hiên che mưa, chắn gió một thời? Cái chõng tre lâu năm lên nước nâu bóng loáng cũng không còn, thay vào đó là ghế gấp, giường gập các kiểu, các hãng. Cái cối xay tre giờ cũng đã thành cổ tích. Cầm sợi dây nilon để buộc các thứ mà tôi nhớ nao lòng cái lạt tre vàng óng trên gác bếp ngày ấy, nhớ cồn cào cái lạt dang gói bánh chưng xanh của mẹ ngày xưa. Mọi thứ tưởng đủ đầy sao vẫn cứ chênh chao?


    Làng tôi giờ vắng lắm những bóng tre. Cây cối nhiều đấy, vườn tược có vẻ quy củ, gọn gàng đấy sao tôi vẫn cứ thấy nhớ cây tre. Những hôm trời nắng oi, làng tôi như một cục xi măng khổng lồ với cái nóng hầm hập. Lại khi bão lớn, gió cứ thông thốc thổi, hoành hành cả phố, cả làng. Những ngày đó, những người tuổi tôi bỗng nhớ luỹ tre xanh hơn bao giờ hết. Giá còn những luỹ tre che chở bao bọc xóm làng thì đâu đến nỗi oi bức, ngột ngạt hay nghiêng ngả trong gió bão như thế! Làng lên phố đồng nghĩa với sự thưa vắng của bóng tre xanh. Trong chói loá của những ngôi nhà khung nhôm kính, vẫn biết "sẽ quen dần với xi măng và cốt sắt" (Thép Mới), quy luật sẽ thế, phải thế song tôi cứ gọi hoài đâu rồi bóng tre?


    Để cho đỡ nhớ tre, tự thấy mình lẩn thẩn quá, tôi đành lẩm nhẩm đọc lại trong đầu bài "Cây tre Việt Nam" của Thép Mới, ngâm nga điệu lục bát bài thơ "Cây tre" của Nguyễn Duy. Bất ngờ, giai điệu của ca khúc "Làng tôi" cũng vang lên từ hệ thống loa truyền thanh của phố. Hồ Bắc? Văn Cao? Không hề chi, miễn cứ có làng tôi xanh bóng tre là được. Ơi luỹ tre xanh! Niềm kiêu hãnh, tự hào của tôi!


    Đỗ Xuân Thu

    ĐÂU RỒI BÓNG TRE?
    ĐÂU RỒI BÓNG TRE?
    ĐÂU RỒI BÓNG TRE?
    ĐÂU RỒI BÓNG TRE?
  10. Tre là hình ảnh của nông thôn Việt Nam, tre là hình ảnh Việt Nam. “Tre xanh/ Xanh tự bao giờ?/ Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh”, (Tre Việt Nam, thơ Nguyễn Duy).


    Mỗi lần về quê, tôi đều đứng trước khoảng đất trống trước ngôi nhà xưa. Nơi đó, ngày xưa có khóm tre lớn, bà tôi vẫn ngồi trên chõng, tay cầm quạt, nghe chiều hè ví giặm. Tôi chắp tay trước gió, như cầu nguyện linh hồn tre. Cách đây không lâu, chú em ruột làm nhà, khóm tre được coi là “vườn tạp”, chú thuê máy cẩu đến, bứng lên. Khi tôi về, bụi tre chỉ còn những thân xác, xếp chồng giữa mưa nắng.


    Vườn ông bà tổ tiên để lại, có hai khóm tre trước và sau. Khi tôi lớn lên đã có. Bố tôi kể, khi bố tôi lớn lên đã có. Có nghĩa là tuổi đời của khóm tre có đến hàng trăm năm, dẫu tre già măng mọc, lớp này kế tiếp lớp khác. Khóm tre sau vườn, cũng vì nguyên nhân xây dựng nhà cửa nên đã bị bứng đi cách khóm tre trước nhà hơn chục năm.


    Tre trong vườn làm cán cuốc, cán xuổng, đòn gánh... và các nông cụ nhà nông khác. Cha tôi là người rất khéo tay. Từ khóm tre trong nhà, cha tôi đẵn, tay tre làm lạt buộc khi mùa đến, thân tre cha tôi đan thành rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng... Bàn, ghế, mưng, mẹt đều làm bằng tre. Tre gắn với tiếng ve mùa hè. Tôi nhìn ngọn tre để biết hướng gió nam, nồm.


    Khi tôi được đến trường, thầy giáo tôi trầm bổng đã đọc trên lớp “Cây tre Việt Nam” của nhà báo Thép Mới. “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là cây tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, luỹ tre thân mật làng tôi... Đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn. Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một mầm non măng mọc thẳng. Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt. Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người”.


    Đúng thế, tre là hình ảnh của nông thôn Việt Nam, tre là hình ảnh Việt Nam. “Tre xanh/ Xanh tự bao giờ?/ Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh”... Tôi được học lịch sử từ trang sách phổ thông, tre là hình ảnh ông Gióng, tre là hình ảnh chiếc gậy Trường Sơn những năm đánh Mỹ. Tôi không thuộc lắm, nhưng nhớ, kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam mượn rất nhiều hình ảnh cây tre để nói về tình yêu, đạo lý, nhân nghĩa ở đời.


    “Chặt tre cài bẫy vót chông/ Tre bao nhiêu lá thương chồng bấy nhiêu”, có lẽ không người Việt Nam nào không tự hào về câu ca dao này. Nó là lịch sử đấu tranh của dân tộc, là đạo lý thủy chung vợ chồng.


    Quê tôi đang trên đường tới phố, bây giờ đã là đô thị loại 4. Người sinh, đất không đẻ, là quy luật muôn đời. Hồi tôi còn bé, chui từ vườn nhà này sang nhà khác, thấy vườn nhà ai cũng rộng mênh mông. Gần như trong thôn, vườn nhà ai cũng có những khóm tre, bụi tre. Bụi trước nhà ông Mậu Lụn, bụi chạy dài trước cửa nhà ông Mịch, tới nhà ông Mính... Tre bạt ngàn, “bóng tre trùm mát rượi”.


    Những năm gần đây, nông thông Việt Nam, trong đó có quê hương tôi làm công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng cuộc “cách mạng” nông thôn mới. Thành tích là huyện thứ hai ở Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận về đích nông thôn mới. Một trong các tiêu chí là làm giao thông nông thôn. Những con đường đất đã trở thành ký ức. Thay vì những hàng cây xanh, bụi tre, cây duối... giữa nhà này, nhà khác đã được thay bằng tường rào bê tông.


    Làm nông thôn mới, vườn tạp, tre là “nhân khẩu” trong “gia đình vườn tạp” được bứng hết. Dịp này về quê hơi lâu, do dịch bệnh Covid, tôi có dịp đi khắp hang cùng ngõ hẻm của làng xưa – bây giờ được thay tên bằng các khối phố. Tre quanh làng đã “tuyệt diệt”, duy nhất chỉ còn khóm tre trước cửa nhà ông Mịch, thuộc khối 2.


    Làng quê tôi bây giờ thật nhiều xe ô tô cá nhân, nhà lầu 2 – 3 tầng, cuộc sống đã thay đổi theo nhịp điệu phố. Bọn trẻ lớn lên đã không còn nhìn thấy hình ảnh cây tre. Bố tôi ngày xưa hay nhìn lên trời, chỉ cho anh em chúng tôi sao nào là Bắc đẩu, sao nào là Thần nông... Câu chuyện của bố mẹ, thế hệ sau này với trẻ con không còn là đọc lên ca dao, tục ngữ. Có lẽ vì thế, cây tre ký ức mãi mãi không được bảo tồn trong tâm tưởng.


    Người lớn tuổi thường sống bằng hồi ức. Với tôi, mỗi lần về thăm lại quê hương, tha thẩn trong khu vườn, tôi như gặp bóng ông bà, cha mẹ. Năm 2019, huyện Can Lộc, tổ chức kỷ niệm 550 năm danh xưng Thiên Lộc – Can Lộc, tôi có in tập thơ “Câu hát tìm anh”, NXB Hội Nhà văn, gồm 99 bài thơ về quê hương. “Mình thơ thẩn suốt chiều trước khi về Hà Nội/ loanh quanh khu vườn /nơi này mẹ khi xưa trồng chuối, trồng chanh/ nơi này cha vun vồng khoai, luống lạc/ tháng ba chuyển mùa gió mát/ tre đằng ngà ví giặm, đò đưa”. Đây chỉ là khổ đầu trong bài thơ “Chiều ở quê” in trong tập.


    Tôi có người bạn là một nhà văn hóa. Anh cứ ôm ấp một hoài bão lập “Bảo tàng làng Việt”. Tôi đã từng đi thăm “Bảo tàng Hoa cương” của tiến sỹ văn học Nguyễn Quang Cương ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Bắc Trung Bộ. Trong Bảo tàng này, nhà giáo Nguyễn Quang Cương dành trọn vẹn tình yêu cho văn hóa dân tộc. Thúng, mủng, dần, sàng, đòn gánh, kể cả những chiếc thuyền cổ đan từ tre cũng có mặt trong bộ sưu tập. Tôi dành cho ông sự kính trọng đặc biệt.


    “Bảo tàng làng”, cần lắm chứ. Cơn lốc thị trường, cơn lốc lên phố đã làm biến thái các làng quê Việt từ vật thể đến phi vật thể, từ miền xuôi đến miền ngược. Nếu có “Bảo tàng làng” sẽ không thiếu khóm tre, bụi tre.


    Với riêng tôi, từ ngày em trai bứng khóm tre, tôi đã đứng bao lần trên khu đất trống, nơi khóm tre đã bị “hóa vàng”. Nén hương lòng, không nhớ thứ bao nhiêu tôi đã thắp lên. “Mai sau, / Mai sau, / Mai sau…/ Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”, (Tre Việt Nam, thơ Nguyễn Du), chỉ còn trong hoài niệm./.


    Ngô Đức Hành

    Hoài niệm khóm tre nhà
    Hoài niệm khóm tre nhà
    Hoài niệm khóm tre nhà
    Hoài niệm khóm tre nhà



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy