Cong cong lũy tre làng

Tết. Khi tôi về đến đầu làng thì bóng làng đã đổ. Làng đã nhập nhòa trong chiều chạng vạng thành một khối mờ mờ ảo ảo, phía rìa làng vẫn còn nhận ra bóng cong cong, mềm mại của những lũy tre.


Làng tôi đó, những lũy tre xanh bảo bọc hồn làng từ bao đời nay vẫn đứng đó như thành trì vững chãi, ôm ấp xóm làng. Dù đi xa nhưng Làng trong tôi vẫn gần gụi với hình ảnh xanh mướt bóng tre, với những ký ức gắn liền với tre một thuở ấu thơ còn in trong tâm khảm. Trước ngõ nhà tôi là một rặng tre. Con đường làng tôi dày đặc bóng tre. Bao quanh làng tôi là những lũy tre. Buổi sáng, mở mắt ra đã thấy tre đu đưa trước nhà, đêm đêm còn nghe tiếng tre đan vào nhau vặn mình trong gió nghe cọt kẹt mà tụi nhỏ thường tưởng tượng ra trăm nghìn thứ ma tà dọa nhau.


Tre ru tôi giấc ngủ tuổi thơ, trong giấc ngủ bên nôi tre có cánh cò trắng trên đồng lặn lội, có cơn giông đen thẫm cả chiều hè, có con chuột đi chợ đàng xa trong lời bà, lời mẹ nghe thân thương mà rủ rỉ, gợi buồn rồi cứ ngấm dần, thẩm thấu dần vào tâm hồn những đứa trẻ mà lớn lên thành người.

Những cây tre đã neo bóng vào hồn tôi trong những đêm trăng rằm trong trẻo. Trăng đỏ lừ, lớn dần, lớn dần rồi lên cao, khuất trong những ngọn tre tạo thành một bức tranh làng quê thi vị. Tôi thích cảnh trăng lên trong khoảnh khắc phất phơ vài lá tre đung đưa trước gió, có hồn và đẹp hơn tranh thủy mặc, bức tranh hội tụ cả nét đẹp tròn trịa và mảnh mai của trời, đất mà tre là hồn cốt và tôi là người thưởng ngoạn.

Những mo nang tre e ấp ẩn vào trong lớp nón lá của bà, của mẹ mà che mưa, che nắng. Những chiếc nón trắng mới tinh đó, trong đám cưới quê tôi, mẹ chồng thường trao và đón cô gái xinh đẹp làng bên về làm nàng dâu hiền thảo. Nón còn thay chiếc quạt làm dịu cơn nắng trên đồng những trưa hè nóng nực. Thân tre làm sáo diều bay lên mà thênh thênh cõng gió vi vút những đêm trời đầy sao, tiếng sáo như giọng bà kể chuyện những năm tháng thánh thót, du dương, dịu dàng ru chúng tôi vào giấc mơ êm ả, yên bình của thời thơ ấu. Tre được chẻ nhỏ thành những nan dài, đan nống mốt nống hai, đan rổ, rá, nong, nia, giần, sàng… gắn bó với cuộc sống thôn quê, bền bỉ, dẻo dai, bần hàn mà thanh sạch, dân dã. Những chiếc gầu dây tát nước đêm trăng đã đi vào ca dao cùng tình yêu đôi lứa được làm từ những cây tre cứng cáp, mạnh mẽ, tạo nên hình ảnh trong sáng, nhẹ nhàng, mộc mạc, trữ tình mà ý nhị:

“Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo bên cành hoa sen
Nhặt được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà”

Chiếc gầu tre tát nước chống hạn đi vào thơ Trần Đăng Khoa như người bạn nhỏ của thiếu nhi, góp phần làm nên “Hạt gạo làng ta” một thời chống Mỹ:

“…Hạt gạo làng ta
có công các bạn
Sớm nào chống hạn
vục mẻ miệng gầu..”

Những chiếc gầu sòng được buộc dưới ba cây sào tre dùng để một người tát nước cũng được làm từ tre, gắn bó với đồng ruộng, với người nông dân bao đời cày cấy lam lũ mà vẫn đáng yêu, lãng mạn trong những câu ca dao:

“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”

Chiếc quang tre gồng gánh cuộc đời nhọc nhằn của cha trên đôi vai bé nhỏ. Chiếc đòn gánh tre dẻo dai trên vai bà, vai mẹ, kẽo kẹt bốn mùa cõng nắng cõng mưa, cõng hạt lúa, củ khoai, cõng cả mồ hôi, nước mắt, cõng cả bão giông và bình yên một thuở trên con đường làng rợp bóng hàng tre.

Những trưa hè nóng nực, những chú trâu hiền lành, thong thả nằm nhai bóng râm. Dưới bóng tre, mọi người thường ngồi hóng mát, đợi những cơn gió trong lành từ cánh đồng thổi vào mát rượi.


Tôi yêu dáng cong cong của những bụi tre trên những cánh đồng. Đó là những bụi tre gai cành đan vào nhau, ken thành một khối dày đặc. Người ta hay cột trâu ở đó. Dưới gốc tre, những con trâu ngứa sừng, cọ đi cọ lại làm gãy hết cành, trơ ra những thân tre bó vào nhau và ngọn xòe ra như được bàn tay ai cắt tỉa, làm cho cánh đồng trở thành một bức tranh tươi đẹp hơn, mềm mại hơn trong nắng chiều.

Tre càng già càng chắc. Mặc cho giá rét, mưa giông, mặc cho nắng hạn, tre cứ xanh tươi và lầm lũi có mặt ở khắp nơi trong cuộc sống của người nông dân quê tôi. Mỗi sáng dậy, mở mắt ra đã nhìn thấy những cây tre trên mái nhà, tre làm cột, làm kèo giữ cho mái nhà vững chãi. Tre ngâm được chẻ nhỏ, cắm vào nền đất rồi được buộc lạt tạo thành những ô vuông, là cốt để trát bùn trộn rơm làm vách nhà. Những chiếc chõng tre là nơi chúng tôi thường ngồi chơi, nằm ngủ trong đêm trăng và cả những trưa hè, là nơi tiếng chim hót rộn rã trong vườn cùng hương cau thoang thoảng chập chờn trong giấc mơ tôi. Những chiếc liếp tre bền bỉ, bạc màu qua ngày mưa tháng nắng vẫn đứng đó như tấm bình phong trước hiên nhà. Chiếc giường tre là đồ vật quý nhất của ông nội tôi, nó có từ lâu đời đến nỗi nó nâu bóng như được đánh vecni. Trông nó đơn sơ nhưng rất chắc chắn và không hề bị mối mọt. Lũ trẻ chúng tôi thường chạy nhảy trên chiếc giường này. Mùa đông đến, giường có thêm chiếc đệm rơm ấm áp, êm êm, thơm thơm mùi lúa đồng. Cả cuộc đời ông gắn bó với tre. Tre bên ông từ lúc nằm nôi cho đến khi bàn tay cầm cuốc, cầm cày chai sạn. Để khi tuổi già, gậy tre lại đỡ những bước chân ông. Tôi chẳng thể nào quên dáng ông gầy guộc, thiêm thiếp ngủ trên chiếc giường tre trước khi trở về với đất. Những tiếng trở mình của ông trên chiếc giường tre cọt kẹt ngày xưa đâu có dễ quên, nó bền vững, âm ỉ như mùi hoa bưởi, hoa cau thơm ngát trong vườn mà bất cứ đứa con xa quê như tôi chẳng bao giờ quên được.

Những thân tre già không to như luồng nhưng vàng óng, ta có cảm giác như bao nhiêu đồng ở quê tôi được giát ra và khảm lên từng đốt tre. Chúng chen chúc, ken dày vào nhau mà mọc thành bụi, thành lũy. Những mầm măng thẳng đứng mập mạp cứ ấm bụi mà vươn lên, khi cởi bỏ lớp áo mo nang bao bọc bên ngoài đầy lông măng thì chúng đã cao quá đầu người, chúng vươn cành ra, đua cùng lớp tre già mà lớn, mà tỏa bóng xanh tươi rợp những con đường.

Lũ trẻ chúng tôi thường chặt những cành tre nhỏ, thẳng và nhẵn làm chuyền, thêm những quả bưởi vừa nắm tay rụng vào tháng tư là đủ bộ chuyền có thể chơi suốt cả một mùa hè. Những cành tre cong cong cứng cáp, anh tôi hay chọn làm cần câu, có thể câu cá cờ, cá rô và ếch…, những cành tre có ngạnh, chúng tôi thường dùng làm cành câu tra cá trê ở bờ ao mỗi đêm, thú vui của người tra cá trê là sáng mai nhấc cành câu lên, một con cá trê to mắc mồi ở đó quẫy đạp tung tóe, khoát nước lên cả những bụi khoai dại ven bờ. Những bụi tre già khi chặt đi, bà nhờ người đánh gốc, đổ bùn trồng bụi mới. Những chiếc gốc tre được ông khéo tay lựa đẽo, gọt thành những hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu, còn bao nhiêu gộc, cuối năm làm củi âm ỉ luộc bánh chưng thơm lừng ngày Tết.

Tre một thời giữ làng, giữ nước, tre làm chông nhọn hoắt, là vũ khí để người dân quê tôi đánh đuổi giặc ở bốt Lê. Hòa bình rồi, tre lại êm đềm rủ bóng ở rìa làng, là nơi cho lũ chào mào, sáo sậu hót ríu ran khi bình minh đến. Đi bất cứ đâu, hễ nghe tiếng chim gọi vịt cất tiếng kêu vào những ngày cuối xuân, đầu hạ từng hồi dài khắc khoải, tôi lại nhớ quê nhà. Không hiểu sao, tiếng chim luôn gợi nhớ về quá khứ xa xăm về tháng ba thuở ấy. Tháng ba quê tôi có những bụi tre lá vàng óng rụng đầy ngõ vắng, có mẹ già chống gậy mỏi mắt chờ trông những đứa con xa. Chiếc gậy tre lúc này là người bạn thân thiết của cha, của mẹ. Con chỉ mong làm chiếc gậy tre nâng đỡ cha những bước đi chậm chạp tuổi già, cho đường mẹ ra bến nước đỡ trơn. Những lúc bão giông, chỉ ước được làm cột tre gìn giữ căn nhà của mẹ yên ấm, đừng để bão mưa làm dột ướt khi con đi xa chưa kịp trở về. Cha mẹ như thân tre già dựa vào xưa cũ mà giữ hồn cốt cho làng. Tôi nhớ cả chiếc roi cha vụt lằn mông một lần tôi nói dối mà hờn giận cả bụi tre làng. Tôi thèm những bước chân trần chạy trên con đường làng đất mịn, nơi đó có gai tre có thể làm xước xát bàn chân, có những chiếc chong chóng bằng lá dứa xâu gai tre quay vù vù với mấy thằng bạn thân hồi nhỏ. Tre chỉ là tre thôi sao mà tôi nhớ thương đến thế?

Lạ thay, một sớm mai, mọi người trong làng ngỡ ngàng khi thấy bụi tre đầu làng nở hoa từng chùm, từng chùm màu vàng nhạt giản dị. Riêng ông tôi ngồi nhâm nhi chén trà mạn mà trầm ngâm:

Cây tre cũng như đời con người, nó có thể sống từ sáu mươi đến một trăm tuổi. Khi tre ra hoa, ra quả cũng là lúc nó lụi tàn dần không thể hồi sinh. Nó chết đi để nhường chỗ cho cây con mọc lên thôi mà.

Quả thật, đúng như lời ông nói, những cây tre sau khi ra hoa thì tàn lụi. Cả đến khi chết, tre cũng chọn cách hiên ngang hiếm thấy của người quân tử anh dũng, khảng khái. Tre và hoa chết đứng chứ không rũ xuống như các loài hoa khác. Cây tre ra hoa gợi cho tôi về hình ảnh người nghệ sỹ, sau khi dâng hiến tận cùng cho cuộc đời, sẽ thanh thản ra đi, cháy hết mình với một mùa hoa ở cuối cuộc hành trình.

Giờ đây, tôi đi trên con đường làng đã được bê tông hóa, không còn thấy bóng những bụi tre xanh mướt ngày xưa. Tre bây giờ chỉ còn ở rìa làng, ở những khu vườn cũ. Thay vào đó, không biết có phải người ta hoài niệm tre bằng những cây nêu hay không mà trước cửa nhà nào cũng có cây nêu vươn ra đường. Những cây tre dài, được róc sạch sẽ phần thân và để nguyên phần ngọn, người ta treo một cái đèn lồng phía ngọn, quấn những sợi dây điện hết chiều dài thân tre nhấp nháy sáng suốt đêm. Truyền thống cũ của cha ông vẫn còn được lưu giữ, cây nêu được trồng trước nhà để trừ tà ma và mong cầu một năm mới ấm no, hạnh phúc. Cả con đường thật đẹp, cong cong những dáng nêu lấp lóa, nhấp nhánh ánh điện sáng trong đêm tháng chạp. Tôi đã trở về với quê hương, với lũy tre của ngày thơ ấu. Hồn làng vẫn còn đâu đây trên những con đường, trong những dáng tre làng mộc mạc thân thương!

HÀ KIM QUY

Cong cong lũy tre làng
Cong cong lũy tre làng
Cong cong lũy tre làng
Cong cong lũy tre làng

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy