Sau luỹ tre làng
Sau lũy tre làng, biết bao điều đáng nhớ. Bóng mẹ gánh gồng chợ búa, bóng tre bao trùm, quạt mát đường xa...
Sau lũy tre làng, ba khéo léo làm cái chõng tre để đêm hè đặt ngoài sân hóng mát. Bữa cơm tối của cả nhà đôi khi cũng gọn gàng trên chiếc chõng tre. Bát nước chè xanh đậm tình làng nghĩa xóm cũng trên chiếc chõng tre mộc mạc ân tình. Trăng thanh gió mát, được buông mình trên chiếc chõng tre mà ngủ ngoài trời thì vô cùng thú vị. Rồi ba đan cái nôi tre, hết đứa cháu này sang đứa cháu khác, nằm mòn vẹt chiếc nôi mà nhìn vẫn chắc chắn vô cùng. Ba còn đan cả cái rổ đựng rau, cái thúng đựng lúa, cái nơm, cái lồng bắt cá... Tre như bầu bạn thân thuộc khiến lòng thành yêu thương không biết tự bao giờ…
Sau lũy tre làng, hàng xóm cùng nhau giúp bác Sáu dựng nên mái nhà đầu tiên bằng tre, che mùa mưa bão. Bà Kha làm cái vườn mướp, giàn bầu cũng bằng cây tre tình nghĩa. Mẹ đi làm đồng gặp cơn mưa dông rồi bị cảm, nồi lá xông của mẹ kiểu chi cũng có nắm lá tre xanh xanh quen thuộc.
Sau lũy tre làng, bờ tre như những bờ rào, chia ranh giới đất đai của mỗi nhà quê. Trưa hè, dưới bóng tre mát rượi, lũ trẻ bày đủ trò chơi dân gian. Những cánh chuồn chuồn đậu trên lá tre, chập chờn, lúng liếng…
Sau lũy tre làng, lũ trẻ miền quê hồn nhiên, tự do, đắm mình trong thiên nhiên trong lành, mát mẻ. Những buổi mai đẫm mình trong sương sớm, í ới gọi nhau dắt trâu ra đồng. Những buổi chiều vi vu với con diều chở đầy mơ ước, no say từng trận mồ hôi rồi nhảy ùm xuống bờ kênh xanh thẳm. Vẫy vùng ngụp lặn giữa khoảng trời bao la mây trắng…
Có lẽ, trẻ quê ngày ấy chắc hẳn không đếm được đã bao nhiêu lần trốn mẹ, rủ nhau chạy giữa nắng hè chang chang mà bắt chim cun cút trên luống đất cày lô nhô, khô khốc; là phanh bụng cho chuồn chuồn cắn rốn để tập bơi, để mong được tắm mương tắm ao; là leo tuột lên hàng phi lao giữa trưa hè để đuổi bắt lũ ve kêu inh ỏi; là nhong nhong tắm táp dưới cơn mưa rào mùa hạ; là chia nhau đứa bắt ốc, đứa hái rau đi bán để đổi lấy mấy que kem xanh đỏ hay từng viên kẹo ú ngọt lịm mùi đường; là khát nước đi tìm mía lau nhai đến toác cả miệng; là ăn dái mít với ớt xanh cay xè rồi ra sức uống nước đến tưng tức cả bụng, quên cả việc ăn cơm chiều mẹ nấu; là chuyện chăn trâu đêm khi vào thời vụ; là chuyện đi nhổ mạ, đi tát nước đêm lúc trăng sáng mênh mang...
Ngày tháng ấy, những câu đố dân gian, câu hát dân ca cứ vậy chuyền nhau, vở cải lương Lan và Điệp cứ gọi là thuộc vanh vách... Chả biết có hay ho gì không nhưng ai cũng được những trận cười no bụng, dắt trâu về mà miệng cứ ngân nga “Lan ơi, chơ đừng cắt đứt …” rồi “Điệp ơi, mai lên chốn đô thành…”. Hình như ai cũng thích làm "ca sĩ" không chuyên...Trăng sáng, trâu no cỏ, rủ nhau chơi trốn tìm cũng thật là quá đã. Để rồi, đêm về, nứa nào đứa nấy gãi ngứa vô tư vì tội lăn lộn trên cánh đồng sực mùi rơm rạ. Có lẽ vì thế mà xa quê, tôi vẫn rất thích ngửi mùi rơm mới – âm ẩm, khay nồng, ấm áp, dễ thương. Và cũng bây giờ tôi mới hiểu, vì sao ngày xưa có cô bạn vùng biển lại thích ngửi mùi cá tươi trên biển, vào mỗi sớm mai thức dậy. Dường như mùi quê hương đã thấm vào da thịt mỗi người? Sau lũy tre làng, ai có thể nào quên?
Ngày ấy, lũ trẻ chỉ chờ nghe âm thanh mùa thu vọng lại (mà miền Trung hết nắng thì mưa lấy đâu mùa thu mà chờ mà đợi! Trung thu đến theo trí tưởng tượng và gánh theo cả giấc mơ của lũ trẻ nhà quê). Chờ cái đêm trăng tròn vành vạnh, hếch mặt mỏi mòn chờ nghe tiếng tùng dinh và tiếng “loa loa loa, đúng 7 giờ tối nay, mời các cháu thiếu niên nhi đồng…”. Nôn nao đến không kịp ăn cơm tối, le te tay xách cái đòn rồi chạy lên nhà đội để xếp hàng nhận bánh trung thu. Nói bánh trung thu cho oai chứ cái bánh bé xíu, còn chủ yếu là bánh kẹo thập cẩm. Cầm chiếc đèn ông sao làm bằng nan tre nho nhỏ, ngọn nến thắp lên rồi vội vàng vụt tắt vì gió lộng. Vậy mà cũng tung ta tung tăng dưới ánh trăng rằm. Vui cho đến hết ngày thu…
Có năm, mấy cô chú thanh niên phát bánh kẹo từng cái một, nhẹ nhàng đặt vào lòng bàn tay mà nãy giờ có đứa đã xòe đến mỏi oặt mới đến lượt mình. Hồi hộp, mong chờ, thèm thuồng, chem chép miệng…Cảm giác đó vẫn còn thoang thoảng đâu đây. Những bàn tay xiu xíu cố xòe ra ôm viên kẹo bi bé xíu, ngọt ngào. Có năm, các cô chú bỏ phần quà vào sẵn từng cái túi ni lon nhỏ. Mỗi đứa nhận một bao, ngắm đi ngắm lại hít hà. Kẹo tuổi thơ có màu tuổi thơ, xanh đỏ, tím vàng, chắc để dành ăn đến cả mấy ngày. Ngon chi mà ngon lạ ngon lùng! Cho đến bây giờ, lúc này đây, tự nhiên đầu môi chợt ngọt lịm hương kẹo nồng nàn của tuổi thơ xưa. Nghe văng vẳng trong lòng lời thơ Hai-cư:
Ao xưa
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao
Khẽ khàng chạm kí ức xưa. Chạm vào “ao xưa” mà thương, mà nhớ. Đồng vọng, thiết tha thèm “một vé đi tuổi thơ”, để trở về, sau lũy tre làng, mơ tiếng tùng dinh, ngọt lành, hồn nhiên, trong trẻo...
Hoàng Thủy